“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

TẢN VĂN NGUYÊN HẬU: LŨ MIỀN TÂY

 Nguyên Hậu
Mấy hôm nay lên mạng hay đọc báo đều thấy đăng tin về lũ lụt ở miền Tây Nam bộ, lòng bỗng thấy lo lắng, sốt ruột như một phần khúc ruột mình chôn nơi ấy vậy. Liền gọi điện cho những người mình quen ở dưới xem họ thế nào, có khó khăn gì không. Hai tiếng miền Tây, mỗi khi nhắc về cứ như quê hương thứ hai của mình và những người dân nơi ấy như những người thân của mình.


     Gọi xuống Long An, đầu tiên là nhà thơ Cao Thoại Châu, sau đó là anh Võ Mạnh Hảo, được họ cho biết ở Long An không bị ảnh hưởng gì, vì ở vùng cao, lại không gần biển lắm. Thấy an tâm ít nhiều, bớt đi một phần lo lắng. Gọi về Bến Tre, nơi từng “sống”  nửa tháng thực tập, đi gần hết một cái xã, quen không biết bao nhiêu người, trò chuyện và thấy thương không biết bao nhiêu gương mặt, tôi cũng nhận được thông tin như vậy, rằng ở Bến Tre vẫn không bị lũ. Mấy vụ lúa vẫn khỏe re, lại còn đang sạ vụ mới. Nghe  nói mà nhẹ nhõm trong lòng. Vậy là những thửa ruộng mình từng đi qua, những căn nhà mình từng đặt chân đến vẫn rất bình yên. Càng thanh thản hơn khi nghe cách nói tỉnh bơ của chú Út Đèo, chủ ngôi nhà chúng tôi được tá túc lúc thực tập. Chú nói mấy năm trước mùa nước nổi, nước còn lên tới chân ruộng chú chứ năm nay vẫn chưa thấy gì. Vậy là nói lũ ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đâu có đúng. Chỉ một vài tỉnh nằm ở vùng trũng thấp phía tận dưới bản đồ mới xảy ra điều đó thôi. “Nhưng vì cùng nằm chung một khúc ruột phía tận cùng nên dù không phải nơi mình bị, khi nghe trên đài vẫn thấy buồn trong lòng”. Chú Út nói.
Nghe nói nặng nhất là mấy tỉnh từ An Giang trở xuống, vì ở đó là vùng trũng Đồng Tháp Mười ngày xưa. Gọi cho nhà thơ Trịnh Bửu Hoài thử xem sao!
Cả ngày hôm qua gọi ít nhất năm lần nhưng chỉ nhận được tín hiệu từ tổng đài, nghe mới lạnh lùng làm sao. Lòng lại thêm lo!
Sáng nay thức dậy sớm, cố gọi lại một lần nữa, chờ… có tín hiệu chờ…thế là có hy vọng rồi! Sao mình bi quan thế không biết! Chắc tại mình không phải người miền Tây, mình dân miền Đông mà! Khoảng 5 hồi chuông gì đó có người bắt máy. Đầu kia nhận ra mình nên hỏi ngay:
      - Mỹ Hiền hả, khỏe không con?
Trời! Mình đang lo muốn chết, định hỏi ở dưới chú và dân mình có bình an không thì chú lại hỏi mình trước.
-  Dạ, con vẫn khỏe. Chú khỏe không chú?
-  Bình thường thôi con, mọi việc vẫn tốt!
-  Mấy bữa nay đọc báo thấy ở dưới lũ quá trời, con lo quá nên gọi, không biết dân mình ở dưới có bị thiệt hại nặng không chú? Mà sao hôm qua con gọi chú không được, con lo quá trời!
Bên kia một giọng cười khà khà vang lên, nghe mới hiền hòa làm sao, đúng phong cách chú rồi.
-  Hôm qua chú tắt máy con à!
-  Sao vậy chú?
-  Hà! Trưa hôm qua mấy đứa bạn rủ đi nhậu quá trời, chú từ chối mà sợ tụi nó réo nên chú tắt máy luôn!
Trời! Hết biết!
Lúc đó tự dưng tôi thấy vui vui trong bụng. Đúng nó rồi! Cái khí chất của người miền Tây đây rồi, tính cách mà dù chỉ một lần trong đời được biết cũng không thể không thương. Nghe chú nói tôi thấy vừa tiếu, vừa an dạ.
     - Dạo này Hội mình vẫn sinh hoạt bình thường hả chú?
-  Tốt chứ con, mọi việc vẫn bình ổn.
-  Mấy tháng trước con có gởi xuống Hội mình bài viết về chú, chú đọc chưa?
-  Có, chú đọc rồi! Nhưng đăng thì thủng thẳng. Vì không lẽ mình lại đi đăng bài khen mình con! (Cười)
Lại một giọng cười nữa vang lên, nghe thanh thản quá, không hề có cái bon chen thường thấy của những người ưa danh lợi. Nghe thương quá chừng!
Đúng như hồi nghiên cứu thơ đồng bằng tôi có nói, những nhà thơ đồng bằng không thích được chú ý, không có ý muốn được vinh danh. Nói chung, họ chỉ cần thỏa cái thú văn chương thôi, cần gì quảng cáo cho nhiều. Không cần bàn đến những việc khác, chỉ cái đó tôi cũng đủ làm người ta thương, thương cái chân tình, thiệt thà, vô tư, phóng khoáng… nói chung là thương… thương lắm.
Khi tôi hỏi sao  ở An Giang mà chú không bị ảnh hưởng gì, chú cười hà hà rồi nói:
-  Đó là chỉ những vùng sâu, vùng trũng thôi con. Chứ ở Long Xuyên hay Châu Đốc, vùng cao nên không ảnh hưởng gì hết. Tôi hỏi vậy có thiệt hại gì nhiều không, chú vẫn bình thản trả lời, chỉ hư lúa thôi con, chứ nhà cửa tài sản vẫn còn nguyên, không sao hết. Một phần vì những người dân ở đây quen rồi, một phần cũng có những khu dân cư cao, nên không thiệt hại nhiều.
Cái câu “chỉ hư lúa thôi con” nghe vừa thương, vừa xót trong lòng. Thử nghĩ người nông dân sống được là nhờ gì kia chứ? Nhờ lúa chứ nhờ gì! Vậy mà khi lũ đến thì bị thiệt hai hết cả một vụ mùa, mà một vụ thì cũng tốn kém không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc. Còn thương là thương cái lạc quan, thanh thản của họ. Không tính toán nhiều, dường như đối với họ, thiên nhiên là một người bạn tốt nhưng tính tình cũng hay thất thường. Lúc thì ưu đãi họ, nhưng cũng có khi quay mặt, làm bộ giận hờn. Nhưng vì họ biết, rồi người bạn đó cũng sẽ làm hòa với họ, lại mang về nhiều phù sa, nhiều ưu đãi khác...
Chú còn nói, lũ thì làm hại lúa thế, nhưng được cái mùa này nhiều cá lắm con. Nó theo nước đổ về. Nhất là lúc này là giữa mùa nước nổi, cá linh nhiều, bông điên điển cũng nhiều… Nói chung dường như không có gì làm khuất phục được sự lạc quan  trong họ. Đó vừa là một trong những nguyên nhân gây ra những hệ lụy khác, nhưng đồng thời cũng là một điểm tích cực trong họ. Vì dù có khó khăn cách mấy cũng không làm mất đi niềm tin cùng sự lạc quan, vốn rất cần thiết trong cuộc sống.
Người miền Tây là vậy, có lẽ vì thế mà cho dù không phải người miền Tây, lại không có nhiều dịp về dưới nhưng trong lòng tôi không bao giờ nguôi nỗi nhớ niềm thương về những con người chân chất ấy. Cũng cầu mong cho “người bạn thiên nhiên” ấy mau hết “làm bộ” cho những người dân hiền lành ấy đỡ khổ!
N.H
 PS: Không ngẫu nhiên mà Blog mang tên Hương phù sa. Hương phù sa được khai sinh từ nỗi niềm về một miền quê thân thương ấy. Tính đến hôm nay, Hương phù sa hoạt động được 1 tháng rưỡi. Kỷ niệm ngày Hương phù sa được con số đẹp: 1100 lượt xem, Nguyên Hậu xin tặng độc giả  bài tản mạn về miền quê ấy: Miền Tây!

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

THƠ TRẦN DẠ TỪ


Nụ hôn đầu
Trần Dạ Từ
Nhà thơ Trần Dạ Từ  cùng vợ là nhà thơ Nhã Ca

Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông

Trên môi ta vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó ròn tan
Nụ hôn ngày đó miên man một đời

Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa

N.H 

THƠ TRẦN DẠ TỪ

Thuở làm thơ yêu em
Trần Dạ Từ
Nhà thơ Trần Dạ Từ
Thuở làm thơ yêu em
Trời mưa chưa ướt áo
Hoa cúc vàng chân thềm
Gió may lưng bờ dậu

Chiều sương dày bốn phía
Lòng anh mấy ngã ba
Tiếng đời đi rất nhẹ
Nhịp sầu lên thiết tha

Thuở làm thơ yêu em
Cả dòng  sông thương nhớ
Cả vai cầu tay nghiêng
                                       Tương tư trời thành phố



Anh đi rồi lại đến
Bài thơ không hết lời
Bao nhiêu lần hò hẹn
Sớm chiều sao xa xôi

Mười bảy năm chợt thức
Bây giờ là bao giờ
Bàn tay trên mái tóc
Nghìn sau còn bâng quơ

N.H

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

THƠ VÕ MẠNH HẢO

Bình yên
Võ Mạnh Hảo


kỷ niệm lang thang căn phòng gỗ
anh khều nhánh tuổi thơ đang mắc phải vũng lầy hồi ức
sen trốn khỏi mùa thu
cánh hoa tàn ngụp lặn dưới hồ

trong tiếng rì rầm củi lửa
thời gian mù lòa vỗ cánh bay lên
phá vỡ tấm bình phong hoài niệm
anh thấy những ngôi nhà nằm lạnh bên dòng sông hiền như con gái
những chiếc thuyền tung tăng ngược dòng
bờ đê lớn dậy mùi cổ tích
cô Cám giả vờ đáng rơi chiếc hài tí tởn qua sông
chùm hoa thèm ác độc
giết chết bầy ong lãng tử
chàng trai yêu cô gái
kéo nhau đến cánh đồng thề hẹn
giọng lúa nói mê
hay người thở vì duyên phận
ánh mắt chạy theo đường biên của gió

căn phòng gỗ
anh kìm hãm ký ức lùa về
thở dài
đắn đo, vuốt những ưu tư trên vòm ngực rộng
ngoài bình yên nắng cởi mình lấp lóa
dáng vẻ thiên thần

(Trích tập thơ "Dậy muộn")

N.H

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

THƠ NGUYỄN QUỐC THÁI


Bài tháng tư ở Daul       
Nguyễn Quốc Thái


Anh nhớ em quằn quại như ngọn lửa đêm trở rét
Sài Gòn bỗng gầy một cành xoan và tình ta tím đi
Mỗi sớm mai ánh mắt em ríu rít bay chuyền
trên những cành ước vọng,

Anh bơ vơ trong em  như tảng đá ẩm ướt
những vết chân của gió
Mùi hiu quạnh phả vào giấc mơ,
đêm hun hút nỗi em
Tiếng thốt lên đau một đời anh

Như niềm hạnh phúc mưa bay ngằn ngặt
Nụ hôn đau xé môi
tiếng hồ cầm phơi phới tóc rối che mặt anh
Tay buông nhói buốt chiều nghìn trùng
Nước mắt lăn trên triền định mệnh
vàng tê dại hoa cúc
Ly cà phê vỡ sóng ướt mặt anh khờ dại

Anh hơ tay mình trên tên em
quờ quạng hạnh phúc
Ôi người ơi – mắt cháy nắng phương nam
môi hoa đào tháng giêng Hà Nội
Lời dịu ngọt đập vào ngực tiếng sóng trầm
Miệng cười rưng rưng.

Em co nhỏ trong tay cơn bão rên
khắp thung đồi ửng hồng
Tiếng chim hót bâng quơ ngoài của sổ
Buổi trưa gãy nghiêng, đóa tường vi sợ
Nỗi đau đớn quyến rũ tràn ngập tiếng trống
Mùa thu thảng thốt trong tim anh
những ngày em đi đâu
Chuông điện thoại nấc lên
ngỡ  tiếng – gọi – câm – nín – của – em
Chiều tựa lưng vào cột đèn ngoài ngã tư
ánh mắt đẫm gió
Nụ hôn thiêu cháy một vùng đời nghi ngút khói
Anh ngủ trong tay em có giật mình không?

Tiếng vó ngựa loang lưng đồi
viên đạn héo nâu rụng ngoài cửa kính
Ngọn nến trong sương mù lấp lánh mắt em cười
Ly cà phê buổi sáng quặn đau
nhịp điệu bài hát cũ
Bài hát khuỵu ngã trong kỷ niệm không trở về

LHLB Đức, IV.2000

N.H

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

THƠ NGUYỄN QUỐC THÁI


Paris, Hôn nhau nghẹn ngào qua điện thoại
Nguyễn Quốc Thái

Ảnh sưu tầm



Paris âm 8 độ em run rẩy sưởi anh dưới metro đường số 6
Paris ly café đẫm gió ở Champs Elysées tay ủ trong ngực mùi cỏ khô
Paris tô phở khuya ở Choisy chấm dứt nhớ quê nhà
Paris một mình lang thang ở Montmartre tiếng chuông rụng vàng hoe vai áo
Paris bánh mì McDonald trong ba lô ngơ ngác chiều sương mù Place d’Italie xanh xao
Paris cầu Mirabeau còn đây em nơi đâu
Em nơi đâu? Tóc bạc rồi, hú dài đêm nguyệt tận
Những bậc thềm mưng rêu ở Sorbonne không còn Nguyên Sa và Vân *

Paris nhìn nhau đau đáu ở Louvre
Lệ đoanh tròng vuốt ve tay cháy nắng quê hương
Lá vàng cuống quýt chân em đêm ký túc xá co ro
Nếp váy run ánh đèn úa xơ xác
Vốc hạt dẻ nướng ở Montreuil
Như hơi thở em ngày chia tay

Paris gió hun hút chiều đông Gare de l’Est anh ngược bắc em xuôi nam
Nắng tháng chạp tím rưng rưng má em lúm đồng tiền
Tiếng chuông nhà thơ Đức Bà dửng dưng ngắt từng giờ sum vầy
Thả xuống sông Seine trở mình nghiêng nghiêng hong gió
Như tóc em thuở nào anh vùi đầu nghe hương cúc dại vàng lưng đồi Couvent
Như tay em tí tách buộc anh tan tác đêm Đà Lạt cắn môi nhau đỡ rét

Paris nỗi mơ xa thốt lên quầng sáng vô vọng
Chiếc ghế mây kéo sát nhau trong Café Paris không đủ ấm
Bàn tay em bé bỏng ửng hồng che mắt anh
Đêm Lido nhàu nát

Paris khum tay che tuyết mồi nửa điếu thuốc rê
Paris tóc bạc phơi phới Strasbourg, khói thuốc bạc màu café
Paris hôn nhau nghẹn ngào qua điện thoại
Paris cắn răng
Paris. Paris.
Chú thích:
*Đỗ Long Vân
Strasbourg – Sài Gòn XII.98

N.H

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

GIỚI THIỆU THƠ: NGUYỄN QUỐC THÁI - NGƯỜI LÀ AI...?

Nguyễn Quốc Thái – người là ai?
Nguyên Hậu
Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái
        Trong một phỏng vấn của BBC, Nguyễn Quốc Thái được nhắc đến như như một nhà báo Sài Gòn cũ còn tồn tại. Hơn vậy, trước hết và trên hết, Nguyễn Quốc Thái là thi sĩ chân thật của tình yêu, tình bạn. Tại miền Nam từ giữa thập niên 1960, trong số những bài thơ phá vỡ mọi vần điệu đọc trong “Giờ Nghệ Thuật Truyền Thanh” trên Đài Phát thanh Sài Gòn, thơ ông được đặc biệt trân trọng. Hồi cuối cuộc chiến, trên Tạp chí Nhà Văn do Nguyên Sa và Trần Dạ Từ đồng chủ nhiệm, ông là nhà thơ trữ tình thơ mộng, yếu đuối nhất mà cũng mạnh mẽ nhất”.
           Người ta thường nói, thi nhân thì có tuổi nhưng tâm hồn của họ không có tuổi bao giờ. Đọc thơ Nguyễn Quốc Thái ta thấy thấm thía chất giọng của một  người từng trải nhưng không cao giọng chát chúa và đậm chất triết lý thường thấy như những nhà thơ “lõi đời”. Mà đó là sự nhẹ nhàng lắng sâu, ngọt ngào trong bất chợt những cảm xúc trong veo, có khi lại đọng về chút buồn lãng đãng … như sương chiều Đà Lạt, như “tiếng chuông nhà thờ tha thẩn trong công viên”, như hương café nồng nàn dẫu tan đi cũng không thể nào quên được, luôn gợi về, luôn muốn tìm đến … bâng khuâng …
            Rất nhiều những hình ảnh thơ lạ được khai sinh qua ánh nhìn cùng sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ. Sáng tác không nhiều, không xuất hiện nổi bật trong làng thơ Việt Nam nhưng tất cả những sáng tác của ông nếu ai đã đọc một lần sẽ không thể không đọng lại chút gì đó, chút gì  rất riêng … rằng của riêng Nguyễn Quốc Thái mà thôi!
            Là một trong những người biết đến thơ ông khá muộn, Nguyên Hậu cũng không thể thoát khỏi cái “hấp lực” của thế giới thơ huyền diệu ấy. Xin gởi đến bạn đọc một số bài thơ của tác giả này, không giống như lời quảng cáo, chỉ như sự chia sẻ chân thành khi có duyên hạnh ngộ hồn thơ này.

Từ khúc
Nguyễn Quốc Thái
Em yêu dấu như đường gươm oan nghiệt
Chém lòng ta trăm mảnh tả tơi bay
Cà phê tím ly gầy thêm ngấn gió
Giữa cuộc tình em náo nức chia tay

À  chia tay! Ta lui về cô tịch
Làm thơ tình loạn nhịp hát nghêu ngao
Bông nguyệt quế mùa trăng xưa ai nhớ
Tóc tơ người thơm ngát cõi ta đau

Chia tay ư! Tình sầu ta không trả
Ôm hết đời bay liệng nhớ thương em
Vết thương ấy em nô đùa hớn hở
Ta bạc đầu đau đớn vẫn chưa quen

N.H

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

TẢN VĂN: KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ VỘI VÃ

Dạo này tự dưng thích ngao du trên mạng, đọc nhiều bài viết thuộc các thể loại khác nhau: thơ có, tản văn có, truyện có, thậm chí Kinh Phật cũng có. Mà đọc cái gì không quan trọng, quan trọng là khi đọc ta nhận ra được điều gì từ những trang viết đó.
Tôi thấy mình hợp với mấy trang tản văn, đọc xong như thấy người viết nói hộ mình những điều mình chưa kịp viết. Cũng có bài cung cấp cho ta những kiến thức rất cơ bản trong cuộc sống, chủ yếu qua cách cảm nhận của người viết nhưng như thế còn dễ thấm hơn mấy cuốn sách triết lý khô khan bán đầy ngoài nhà sách. Ngày xưa đọc sách là một thú chơi tao nhã, còn dạo này, không điều kiện đi mua sách, toàn ngồi trước máy tính nên thỉnh thoảng tự tặng cho mình những cuộc dạo chơi không kém phần lý thú. Lang thang trên mấy Blog của những người nổi tiếng cũng là cách làm giàu thêm vốn sống, vốn đọc của ta.
Mấy nay thấy lòng lắng lại, thấy cần tìm một chốn nào đó để nuôi dưỡng cái “tính bổn thiện” trong người. Vậy là lang thang trong mấy cái trang viết về tôn giáo. Tôi cũng chọn ra được hai trang (có link trên danh sách Blog). Mỗi người một cách nhìn nhận, nhưng với tôi, tôn giáo là chốn bình yên cần có của mỗi người. Nói như tác giả cuốn  “Tội ác và trừng phạt” là .người nào, nếu không tìm cho mình một đức tin sẽ rất dễ sa vào tội ác. Tôi cũng tin là thế!
Nhân đọc thấy có bài hay hay, đáng để ta nhìn nhận lại, và nếu làm theo được thì tốt biết mấy, nên trích lại cho mọi người cùng xem. 

Không có gì để vội vã
"Nói vội vã đưa ta đi tới đâu? Hành động vội vã đưa ta đi tới đâu? Suy nghĩ vội vã đưa ta đi tới đâu? Chúng đưa ta đi tới với sai lầm, với thất vọng và khổ đau. Chúng đưa ta đi tới với bệnh hoạn già nua và hủy diệt sự sống một cách nhanh chóng.
Sai lầm thì không có an toàn. Thất vọng thì không còn có niềm tin để sống. Khổ đau thì sự sống héo mòn, bệnh hoạn và nhanh chóng bị hủy diệt.
Tinh tấn trong Phật giáo không phải là vội vã, ngay cả vội vã chứng đạo, vội vã về Tịnh độ hay vội vã làm Phật. Tại sao? Vì đạo thì không có gì để vội vã; Tịnh độ là quê hương của chư Phật, được tạo nên từ những chất liệu của tâm thức không vội vã và đã là Phật thì không còn có bất cứ cái gì trước đó, sau đó và ngay đó để vội vã. Người nào có tinh tấn, người đó biết rất rõ trong đời sống của họ mỗi ngày cần phải làm gì và họ đã làm hết lòng với công việc đó trong mỗi ngày, nhưng không vội vã. Không vội vã không có nghĩa là chậm chạp. Hành động không vội vã, vì trong hành động ấy có chất liệu của tuệ giác. Hành động có tuệ giác là hành động trầm tĩnh, sắc bén, linh hoạt và sống động, nhưng hoàn toàn không vội vã.
Phật thì không còn vội vã, ngay cả vội vã truyền đạo và vội vã giúp người khác chứng đạo. Kinh Phật đã nói cho ta biết điều đó. Kinh nói rằng, sau khi đức Phật thành đạo, Ngài không có vội vã chuyển Pháp luân mà Ngài đã dành một thời gian khá lâu để chiêm nghiệm những gì Ngài mới chứng ngộ và sống với nó. Phật thì không còn bị giới hạn bởi không gian và không còn bị thời gian hủy diệt, nên đời sống của Ngài là sống mà không vội vã. Và Ngài đã đem đời sống không vội vã ấy để truyền dạy cho mọi người và hiến tặng cho hết thảy muôn loài. Các nhà bác học hiện đại cũng vậy, họ nghiên cứu và làm các công việc của họ không vội vã, và họ cũng không công bố những thành quả nghiên cứu của họ một cách vội vã. Họ đã đem cái không vội vã để học tập, để nghiên cứu và cái thành quả không vội vã ấy để hiến tặng cho đời.
Vậy, mục đích của chúng ta tu học là để làm gì? Là để có khả năng nói được những lời nói không vội vã; để có khả năng hành động không vội vã và để có khả năng tư duy không vội vã và quan trọng nhất là có khả năng sống không vội vã và đem chất liệu không vội vã đó để hiến tặng cho đời.
Nhờ có tư duy không vội vã, nên trong đời sống hàng ngày, ta không vội vã khen ai và cũng không vội vã chê ai; không vội vã theo ai và cũng vội vã chống đối ai; không vội vã ghét ai và cũng không vội vã thương ai; không vội vã kiêu hãnh và cũng không vội vã tự ty. Thương ai hay ghét ai trong vội vã ta sẽ ân hận; khen ai hay chê ai trong vội vã ta sẽ ân hận; theo ai hay chống đối ai trong vội vã ta sẽ ân hận; vội vã kiêu hành hay vội vã tự ty ta sẽ ân hận,… Sống không vội vã, ta sẽ lấy được những hạt giống ân hận ra khỏi tâm ta, ra khỏi nơi những lời nói và hành động của ta, và ra khỏi ngay nơi đời sống của ta.
Ở trong đời, ai sống với tâm không ân hận bởi những lời nói và bởi những hành động của mình, người đó có sức mạnh, người đó có khả năng tự tin, người đó có hạnh phúc và người đó là người thành công ngay trong cuộc sống này.
Trong mỗi ngày có hai mươi bốn tiếng đồng hồ, ta chỉ cần dành một giờ cho sự thực tập đời sống không vội vã. Nghĩa là ta thực tập đi không vội vã, ngồi không vội vã, đứng không vội vã, nằm không vội vã, ăn uống không vội vã, nói cười không vội vã, làm việc không vội vã, lái xe không vội vã, ngắm trăng sao, nghe chim hót hay nhìn những bông hoa nở với tâm hồn trầm tĩnh, không vội vã,… nghĩa là trong một ngày ta chỉ dành một giờ thực tập tiếp xúc mọi sự hiện hữu trong ta và chung quanh ta với tâm hồn tĩnh lặng, không vội vã.
Xã hội con người hiện nay, người ta làm bất cứ cái gì cũng vội vã, vội vã là một hình thức khác của hấp hối. Sống hấp hối, thì sự sống chẳng còn có gì thú vị nữa cả. Văn minh khoa học là để giúp đỡ cho con người sống không vội vã, không bận rộn với đời sống vật chất, nhưng do lòng tham của con người, nên họ đã biến mình trở thành đời sống hấp hối và trở thành những dụng cụ hấp hối của khoa học vật chất và phản bội những gì tốt đẹp mà họ đang có và phản bội những gì văn minh mà khoa học đang hiến tặng cho họ.
Thọ mạng của ta ngắn hay dài, an hay bất an, chúng hoàn toàn tùy thuộc vào tâm tĩnh lặng sâu hay cạn của ta. Tâm ta tĩnh lặng sâu, những hạt giống vội vã trong tâm ta không có điều kiện để hoạt khởi, khiến những mạch máu trong thân thể ta lưu thông tự nhiên, tim ta không bị những áp lực của lòng tham hay tâm sân hận, để phải co bóp vội vã, ấy là một trong những điều kiện giúp ta có một thân thể thanh thoát, nhẹ nhàng, ít bệnh hoạn và thọ mạng lâu dài.
Trong khi một xã hội con người đang hấp hối, không có được một giây phút nào cho tâm hồn tĩnh lặng, cho những hoạt động không vội vã, thì núi vẫn xanh, suối vẫn chảy reo mỗi ngày, không gian vẫn thênh thang và mây trời vẫn thong thả bay giữa không gian thênh thang ấy, muôn vật đang sống và làm việc với chính nó một cách trọn vẹn chẳng có gì vội vã cả và chỉ có con người sống với lòng tham nên vội vã mà thôi! Nhưng, thực ra khi một người biết sống hết lòng, thì ngay trong đời sống của con người, chẳng có cái gì để cho ta vội vã cả".
Thích Thái Hòa
Hy vọng  mọi người “không vội vã” lãng quên nếu có đọc qua bài này!
N.H

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

TẢN VĂN: NHÀ TÔI

Nhà tôi
 Nguyên Hậu
Đang học văn và cảm nhận văn chương giờ tự dưng xoay qua viết tin, làm báo, ban đầu cũng hơi vất vả nhưng rồi cũng quen. Nhưng tôi lại có một nỗi lo sợ là sẽ đánh mất đi sự nhạy cảm cũng như chất văn trong những bài viết sau này. Vậy nên viết Blog là một cách để tôi nuôi giữ cho mình điều đó.
Trước giờ tôi xem Blog là căn nhà văn chương của mình, nó phải nghiêm túc, thanh nhã, giống như phòng triểm lãm những tác phẩm đầu đời còn non nghề trẻ dại của mình. Nhưng một ngôi nhà thì cũng có nhiều gian, nhiều phòng. Tôi dành cho thơ một gian trang trọng nhất trong ngôi nhà, là nhà chính, những bài viết nghiên cứu phê bình là gian phụ nằm kế bên (theo kiến trúc nhà tôi – hình chữ Đinh). Còn tản văn hay phần khác chỉ là những gian phụ, nhưng không thể thiếu trong một ngôi nhà, ví như gian bếp chẳng hạn. Và nói như thế cũng có nghĩa là người ta thường ghé vào gian bếp nhiều hơn những gian khác vậy. 
Sẵn nhắc đến nhà tiện thể nói luôn về ngôi nhà của mình. Nhà tôi được cất theo kiến trúc xưa, hình chữ Đinh, bây giờ cũng khá hiếm nơi tôi ở. Nói là hiếm vì ngày nay người ta không còn cất nữa chứ ở Bình Dương, những ngôi nhà cổ kiểu này còn cũng khá.  Kiểu nhà này có hai căn, căn nhà trên nằm ngang và căn dưới nằm xuôi, đòn dông của hai căn này thẳng góc với nhau, giống như chữ Đinh () trong Hán tự. Đặc điểm của nhà chữ Đinh là cửa cái của nhà trên trổ ở chiều dài của ngôi nhà, còn cửa cái của nhà dưới trổ ở chiều rộng (tức ở đầu hồi nhà), do đó cửa cái hai căn nhà trên và nhà dưới đều mở ra cùng một hướng, có chung mái hiên trước, tạo sự đồng nhất cho toàn bộ ngôi nhà. Kiến trúc nhà chữ Đinh thể hiện ý thức về trật tự phong kiến rất rõ. Nhà trên quan trọng vì là nơi thờ cúng tổ tiên nên thường bề thế, cao hơn nhà dưới, đây cũng là nơi sinh hoạt chủ yếu của nam giới. Nhà dưới là nơi ở chung của gia đình, nơi sinh hoạt thường xuyên của phụ nữ. Dù nhà bằng vật liệu bán kiên cố hay kiên cố, phần lớn nhà chữ đinh tại Bình Dương đều thuộc dạng nhà chữ Đinh có cầu nối đặc trưng của miền Trung, tức là nhà có phần trung gian nối vách và mái giữa nhà trên và nhà dưới thành một tổng thể chứ không tách rời nhau. 

Ảnh sưu tầm
Để cất được một căn nhà chữ Đinh, trước tiên phải có diện tích đất khá rộng, sau nữa chi phí cho vật liệu xây dựng khá cao, vì vậy chỉ những gia đình khá giả trở lên mới có khả năng đáp ứng. Có những ngôi nhà chữ Đinh diện tích nhà trên đến 250m2 (ngang 10m dài 25m), được xây dựng bề thế với những cột gỗ lớn, các bộ phận trang trí kiến trúc được chạm khắc tinh xảo. Đi khắp Bình Dương, nhất là những nơi có cư dân lâu đời như thị xã Thủ Dầu Một, huyện Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An… đâu đâu cũng có những ngôi nhà chữ Đinh cổ xưa với dạng nhà vườn giống nhau. Phổ biến là nhà chữ Đinh có kích thước trung bình, mái ngói cổ rêu phong, hiền hòa giữa những vườn cây xanh, tạo cho cảnh quan cư trú một vẻ đẹp yên bình và sung túc.
 Kiến trúc khá đơn sơ nhưng mang theo cả một đặc trưng văn hóa trong đó. Nhà xưa, không nhà nào là không có gian nhà trên – nhà thờ. Nếu không thờ Phật thì cũng thờ ông bà, tổ tiên. Cái này lại theo gốc của đạo Nho. Nhà thờ bao giờ cũng được trang trí trang trọng, thường sẽ có một cái trang ở trên, đặt nhang đèn, thờ Phật, dưới  là tủ thờ, nếu nhà nào giàu thì có cẩn đủ thứ đá quý. Xưa người ta hay chuộng chữ Nho nên nhà nào xưa cũng có treo một cặp đối hai bên. Nhà nội tôi giờ còn giữ cái đó, chứ tới thời ba tôi dù có chuộng cũng không còn chữ Nho để treo. Nhưng ba vẫn giữ ngôi nhà mình cấu trúc đó. Hai bên là hai bộ ván lớn, thường chỉ phát huy tác dụng trong những dịp lễ Tết, hay cưới, giỗ. Hai ván bày hai mâm cỗ lớn cho những người bậc cao trong gia tộc. Tới ba tôi, ông không đặt bộ ván ngựa nữa mà đổi thành hai cái đi-văng. Nói thật cho đến giờ, nhà tôi vẫn không sử dụng mấy cái đi- văng đó, mà chỉ để cho đúng điệu ngôi nhà. Đó không phải là chuyện đáng cười mà cũng là một cách gìn giữ lại chút bản sắc văn hóa. Tôi thường tỏ ra tự hào khi nói với ba mẹ tôi điều đó. Thử hỏi bây giờ kiếm đâu ra nhà nào có hai cái đi-văng to như nhà tôi, lại bằng gỗ quí chứ!
Ai nói nhà như vậy là xưa, là lỗi thời chứ tôi thì thấy thương và quý nó lắm. Có lẽ vì tinh thần trọng cổ của tôi. Với tôi, cái gì càng cổ càng quí. Không phải là xét về mặt giá trị mua bán như mấy tiệm đồ cổ ngoài chợ. Mà tôi muốn giữ lại những giá trị văn hóa xưa, như một hành động yếu ớt chống lại quy luật khắc nghiệt của thời gian và tạo hóa. Mode thì mỗi thời mỗi có, nhan nhãn ngoài chợ, chứ những thứ đã thuộc về quá khứ, nếu không có ý thức giữ lại sẽ làm mất đi một di sản quý báu.

N.H
PS: Về kiến trúc nhà chữ Đinh bài viết có tham khảo website newvietart.com. Bạn đọc vào trang này xem thêm!

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

TẢN VĂN: TUẤN NGỌC - NGƯỜI GỞI LÁ TRONG TÔI

Tuấn Ngọc - người gởi lá trong tôi
Nguyên Hậu

Mỗi khi nghe Tuấn Ngọc hát, tôi như phiêu diêu trong một miền kỷ niệm, thật gần mà cũng thật xa. Cảm giác! Đó chỉ là cảm giác! Một thứ cảm giác lắng sâu, nhẹ nhàng, có thể khiến ta thỏa nguyện nhưng đồng thời cũng làm ta đau nhói trong lòng…  
 
Click  Tuấn Ngọc để nghe
Dòng nhạc mà ca sĩ này trình bày nghe xưa lắm, tôi không hiểu nhiều về âm nhạc nên cũng không biết nó là nhạc đỏ hay nhạc vàng… chỉ biết đó là dòng nhạc mang tâm thức của những người hơi … có tuổi. Vậy mà dòng nhạc ấy thì không có tuổi bao giờ. Như tôi, chỉ mới bước qua tuổi hai mươi mà cũng thích nghe, cũng đắm đuối trong những cung bậc trầm buồn, chậm chạp và ngân vang. Qua lời ca, điệu nhạc tôi tưởng đâu có chút lá vàng bay lãng đãng nơi chốn xưa kỷ niệm, một miền không quen nhưng thành ra thân thuộc đối với chúng ta, những người trót vương nghiệp đa cảm.
Mỗi lần nghe Tuấn Ngọc trình bày, tôi lại  nhớ lắm cái quán café ở Tiền Giang. Quán nhìn ra ngã ba sông Tiền, hơi cổ kính (tôi có cảm giác đây là chút tàn tích còn sót lại của quá khứ, không biết bao lâu nữa nó cũng sẽ khuất phục trước sức tàn phá của thời gian, hay không chống cự nỗi với thị hiếu thẩm mĩ rất thời đại hiện nay). Quán như chứng nhân của những thăng trầm mà lịch sử và xã hội để lai trên mảnh đất này, và theo thôi vốn dĩ đã rất hợp với dòng nhạc mà ca sĩ này trình bày.
 Tôi được dịp ghé lại quán ba lần, may mắn thay lần nào cũng được anh quản lý mở những bản nhạc do ca sĩ này trình bày. Nên mỗi lần trở lại không hề thấy xa lạ, mà gieo trong lòng cảm giác thân quen, những ký ức buồn theo gió trên mặt nước sông Tiền ùa tới. Tiền Giang, không phải quê tôi, biết quán cũng trong một dịp tình cờ mà như có món nợ, cứ mỗi lần ra về tôi không bao giờ dám hứa ngày trở lại, nhưng khi về Sài Gòn lại có tâm thức muốn tìm về vào một ngày không xa. Vậy đấy, nhờ thế mà cũng có duyên hội ngộ 3 đến lần. Ông bà thường nói “nhất hóa tam”, nghĩa là một việc gì cũng chỉ ba lần là hết cỡ. Tôi không tin điều đó lại ứng trong chuyện này, nhưng trong lòng lại dâng lên chút sợ hãi… sợ không có dịp về dưới, ngồi ngắm mặt sông Tiền, tận hưởng làn hơi nước phả vào mặt mang theo cả mùi phù sa tanh tanh, nồng nồng khó thể nào quên… Hay sợ bao năm nữa dẫu có trở về thì quán cũ có còn chăng?
Sau một tuần làm việc, chen chân chốn thị thành, không còn thời gian ghé chân vào những quán café nhạc Trịnh, cứ chủ nhật về Bình Dương, sau khi thức dậy và có một bữa ăn sáng đạm bạc, tôi lại tự tặng cho mình một cốc café, ngồi một góc lặng (thường là căn phòng của mình ) rồi mở lên những bản nhạc hoặc của Trịnh, hoặc của Tuấn Ngọc trình bày. Và tôi cho đó là sự hưởng thụ lành mạnh, cái thú thanh tao của những người học văn và biết thưởng thức như tôi. Nghe nhạc đôi khi là thư giãn, nhưng có lúc ta cố tình vin vào nó để tìm lại những ký ức thất lạc trong hồn mình. Thông thường khi nghe những loại nhạc như thế, tôi chỉ ngồi lặng một mình, bởi nó không phải là loại nhạc nghe để thay thế hay loại bỏ những u sầu, tất bật. Nghe nhạc là một cách để tìm lại hồn mình, cái hồn có khi chật kín đến không còn chỗ cho một cơn gió len vào, đôi khi lại trống trải đến phong phanh mọi phía…

N.H

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

SÁNG TÁC: ĐÁP Ý THƠ HÀN

“Nếu mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm…”

Mộ Hàn Mặc Tử
Đáp ý thơ Hàn
Nguyên Hậu
Nhớ khi xưa anh đã từng trăn trở
Nàng tiên nào sẽ đến khóc cho anh
Và hôm nay em là nàng tiên nhỏ
Để cho anh bày tỏ tiếng tơ lòng

Hàn ơi Hàn, xin anh đừng lo nữa
Hãy mỉm cười trong giấc ngủ mơn man
Em sẽ đến bên anh và thổn thức
Giải nỗi niềm, hôn lên giấc mơ anh…

N.H

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

SÁNG TÁC : VÔ THƯỜNG


Vô thường
Nguyên Hậu

Cuộc sống vô thường!
Lòng người vô thường!
Đâu là vĩnh cửu?
Bóng tối hư vô...

Tìm về tinh khôi
Yêu thương mời gọi
Hồn theo gió cuốn
Dạt cõi vô biên

Ai kiếm tìm nhau
Hương đời mê gọi
Bến đỗ cuộc đời
Chỉ là mộng ảo…

N.H

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

SÁNG TÁC : NẾU


Nếu
Nguyên Hậu

Nếu ta không phải của nhau!
Đời vẫn vậy, tươi xanh tràn nhựa sống
Cây vẫn xanh, chim vẫn hót muôn nơi
Sóng vẫn xô ngàn năm ngoài biển rộng
Mây vẫn phong tình phiêu lãng cuối trời xa

Nếu ta không thể của nhau!
Nắng có phai khi hạ về hối hả?
Lá bớt sầu khi thu khoác muôn nơi?
Và đông đến sương có còn giăng phủ?
Lúc xuân về chim én có còn vui?

Và nếu ta không thể của nhau!
Anh  có nhớ con mưa chiều năm cũ?
Có còn thương đôi khóe mắt u huyền?
Còn thổn thức khi chạm vào chữ “nếu”?
Có đợi chờ theo dấu vết thời gian?

N.H
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...