“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

TẢN VĂN: GIẤC MƠ


Nguyên Hậu
      
        Nhận một cuộc hẹn! Gặp nhau, đơn giản chỉ thế thôi, đâu cần phải nghĩ xem mình sẽ nói gì và nhận được gì sau cuộc hẹn hò ấy. Mà hai tiếng hẹn hò với một cô bé chỉ vừa bước qua tuổi đôi mươi cũng gợi ra  nhiều cung bậc lắm. Có khi lại nghĩ đến những ly cooctai xanh đỏ, có khi là ly cafe sữa nóng thơm lừng, lại có khi là những chiếc kẹo bé xinh xinh… Ai đó đã từng nghĩ về những điều đó, những đứa bạn của nó hay những cô cậu học trò mà nó thường thấy trong trường. Thế giới trong tâm hồn nó lại khác…


       Hẹn hò! Có bao giờ nó xem một cuộc gặp gỡ nào đó đúng nghĩa là một cuộc hẹn hò không nhỉ? Có lẽ có, nhưng cũng có khi chưa bao giờ. Nó chỉ nhớ trước, trong và sau những cuộc gặp gỡ nó đã có những suy nghĩ rất … mơ hồ. Lần đầu tiên thế giới vốn đóng kín trong nó bị mở toang một cách không thương tiếc, lần đầu tiên nó trải qua điều đó!  
       Trước khi điều đó xảy ra nó vẫn thường đinh ninh một điều, giống như suy nghĩ của các cô nàng trong những bộ phim truyền hình Hàn Quốc, hay ví như những chiếc kẹo ngọt, đủ màu sắc và cứ lung linh lung linh mãi trong những giấc mơ. Nó cũng đã chuẩn bị để đón nhận những chiếc kẹo như thế. Nếu không thật nhiều màu sắc thì cũng ngọt lịm đến ngây ngất tâm hồn, sẽ theo mãi… theo mãi… hương vị của chiếc kẹo đầu tiên.
       Nhưng nó không ngờ có một kẻ xấu đã âm thầm đi theo nó, suốt trong những giấc mơ từ thời trung học, khi nó bắt đầu biết nghĩ đến cuộc đời. Ban đầu là một cái gì đó mơ hồ, không thành hình, không thành tiếng, chỉ thỉnh thoảng vụt qua nhưng cũng khiến nó rùng mình… Giấc mơ cứ như một cái gì ám thị trong đầu óc, để rồi một ngày kia, nó cũng mơ hồ nhận ra hình dạng thật của nó trong cuộc đời mình. 
      Yêu! Tình yêu ai mà chẳng muốn? Nhưng trong nó đã có nỗi sợ… sợ đến mức không dám đến gần. Nhìn những cặp tình nhân yêu  nhau, tâm sự cùng nhau, thấu hiểu nhau qua từng cái nắm tay, từng cái tựa đầu và rồi qua những nụ hôn mà nó ao ước biết dường nào. Nhưng trong ao ước vẫn tiềm ẩn một nỗi sợ triền miên… Nỗi sợ đó đã thành hình từ khi nó quen người ấy, khi nó biết rằng… nó không thể… Những câu chuyện, những giải bày, nó và người đó dần dần biểu lộ cho nhau, nhưng vẫn rất mơ hồ…
      Hồi còn đi học, nghe bạn nó nói rằng, nụ hôn chính là liều thử của trái tim. Nếu được hôn người mình thật sự yêu, cảm giác đó sẽ rất ngọt ngào, giống những cây kẹo mút, theo mãi trong đời … đến một ngày nhận ra rằng mình không thể thiếu vị ngọt đó thì … tiến tới hôn nhân. Còn nếu lỡ có cảm giác với nhau mà trong giây phút đó chẳng cảm nhận được gì hết thì tình yêu đó coi như … lạc đường. 
      Bạn nó chỉ nói hai điều đó và trong lòng nó cũng tin có thế mà thôi. Nhưng bỗng một ngày nó được đón nhận giây phút ấy. Tuy không thật sự chủ động nhưng những giác quan trong cơ thể thì không đánh lừa được bao giờ. Nó đã đón nhận chiếc hôn đầu tiên trong một chiều… vô tận.
     Và rồi, trái tim bé nhỏ ấy đã sửng sốt nhận ra… đáp án mà nó nhận được không trùng với 2 đáp án đứa bạn nó đưa ra. Không ngọt, cũng không nhạt, cái mà nó cảm nhận được rất lạ. Cái ngọt ban đầu đang dần chuyển sang vị đắng! Môi nó rần rật rung lên, trái tim đã không còn yên vị như trước. Một nỗi sợ hãi len dần trong đầu. Nó cảm giác mình đã lạc … lạc mất rồi! Nó lạc vào một con đường rất rộng, rất dài, con đường đó lại dẫn đến một ngôi nhà khang trang, bên ngoài có rất nhiều hoa và cây cảnh. Xung quanh ngôi nhà được rào chắn khá cẩn thận. Ổ khóa đặt bên trong, lại có tiếng nói, tiếng cười rất ấm cúng, nhưng với nó lại có cái gì rất lạnh lẽo, khiến nó chỉ dám đứng đằng xa chứ không dám tiến gần. Nó mơ hồ nhận ra ngôi nhà ấy vốn không dành cho nó, ngôi nhà đã có chủ rồi! 
      Trong giấc mơ, nó đã bỏ chạy ra khỏi con đường đó, nhưng càng chạy nó càng thấy bao la, càng không tìm ra được lối về như trước. Bởi đôi chân nó vẫn chạy nhưng tâm hồn nó thì lạc mất rồi. Trên môi, trên đầu lưỡi nó thấy vẫn còn chút vị ngọt, nhưng cái ngọt đó không thể níu giữ được bàn chân nó, nó không xóa bỏ được sự hiện diện của chiếc cổng kia…  nó không còn dũng cảm bước thêm về phía trước… có lẽ nó không quen khi nếm trải mùi vị này. 
      Choàng tỉnh khỏi giấc mơ, nó vẫn không thể vứt ra khỏi đầu cảm giác sợ hãi. Nó lục lọi trong trí nhớ tất cả những gì đã xảy ra nhưng vô vọng. Tất cả chỉ là giấc mơ…

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Cảm xúc từ người "em" ấy


Nguyên Hậu

        Hôm nay cũng  cảm xúc, cũng nỗi lòng nhưng tôi không định sẽ làm thơ. Tự tôi cảm thấy mình có lỗi khi ban vào thơ quá nhiều nỗi đau, quá nhiều những chuyện buồn. Thơ có lỗi gì đâu mà phải chịu đựng những nỗi đau của loài người. Vậy là tôi lại lấy hết lòng thành của mình để viết… viết thế thôi, chẳng biết sẽ thành gì!
    Nghĩ ra thì cảm giác làm người có lỗi cũng có cái sung sướng của nó, sung sướng khi nhận được “nụ cười không lành lặn” của người khác dành cho mình, để rồi từ nụ cười đó lại lan tỏa thành những vòng sóng, lăn tăn mãi trong lòng. Ban cho nhau những nụ cười, dù là không lành lặn cũng là niềm vui của người, để rồi mỗi bên một cách hiểu, chẳng ai giải bày ra làm gì, có ai muốn làm người cao thượng trong hoàn cảnh đó đâu.
    Chắc chẳng còn nỗi mất mát nào hơn khi nhận được hai từ “tỉnh táo” trong tình yêu. Để có được sự tình táo ấy thật không dễ chút nào. Có ai biết người em ấy phải trải qua những cảm xúc gì, phải nén lại những điều gì để đổi lấy hai từ ấy?  “tỉnh táo”! thật nhẹ với người nhưng nghe sao xa xót quá…
    Chợt nhớ câu thơ “Giữa cuộc tình em náo ức chia tay” (**). Cái “tỉnh táo” chắc cũng phần nào giống cái “náo nức” của người em kia. Không biết người “em” đó khi nhận được câu thơ có thật sự “náo nức” không, hay sẽ là một nỗi đau không thể nào mang cất được. Có những nỗi đau hay niềm vui sướng khi còn của riêng mình thì còn đủ sức cất giấu, đeo mang, nhưng khi đã trở thành cảm giác qua sự cảm nhận của người khác, dẫu cùng hay trái chiều cũng đều trở thành quá sức. Lúc đó cái “náo nức” kia không còn là “náo nức” của người đeo mang nữa rồi mà đôi khi lại là cái náo nức của người cảm nhận ra nó.
    Lại nhớ ý thơ “như một nỗi đau đầy gió…” (***). Quả thật nếu nỗi đau nào cũng đầy gió, cũng như gió và có thể bị cuốn đi bất cứ lúc nào thì “đau” cũng cam lòng. Nhưng “nỗi đau đầy gió” có phải là tận cùng của nỗi đau chưa, hay chỉ là thoáng chút trong lòng, như cơn gió, dẫu có lúc biến thành lốc xoáy nhưng rồi cũng bay đi. Người ta nói, cái gì dữ dội thì cũng mau qua. Niềm đau, nếu được là “nỗi đau đầy gió” thì ... ước gì mình cũng có một nỗi đau như thế!
    Ai đó đưa cho tôi bài thơ vừa làm và nói rằng đó là bài thơ hay, người đó tặng tôi cùng những nụ cười bất tận. Tôi đã đặt tên cho nó là  “những nụ cười không lành lặn”. Ngay lúc đó tôi lại thấy mình biến thành tên tù chung thân, không bao giờ thoát ra được cái cảm giác của nỗi buồn đau và tội lỗi. Trời đông không quá lạnh, nhưng sao thấy rét trong lòng. Có lẽ vì mình vừa mở toang thêm một cánh cửa, cánh cửa của sự ấp ủ, yêu thương. Chấp nhận! Còn biết nói gì, cũng chỉ biết làm đầy thêm những nụ cười dẫu không mấy trọn vẹn kia. Cả hai cùng cười, nhưng sao thấy đau nhiều hơn. Nụ cười như những mũi tên xuyên tận hai trái tim, những giọt máu rơi xuống nền đất lạnh…
    Lại thấy mình nhẫn tâm quá, giống như cái người “náo nức” năm xưa? Đời ai muốn “náo nức” thế đâu, nhưng cuộc đời, ai bắt nó hoàn hảo được như ý mình.  Không biết tác giả sau khi viết nên những dòng thơ đó có cảm thấy hả hê, náo nức lây với cái náo nức của người em đó không? Nếu có thì người em kia chắc cũng không tiếc mấy cái “náo nức” của mình…
    Những người yêu nhau, đến lúc phải chia tay, dù lời nói thốt ra có ngọt ngào, đầy thiện ý nhưng cũng hóa ra cay đắng lạ. Vậy thì thử hỏi, giữa người ra đi và người ở lại, bên nào sẽ cay đắng nhiều hơn?

(**), (***): lấy từ ý thơ Nguyễn Quốc Thái


Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Bún cá miền Tây

Về miền Tây mà chưa nếm qua bún mắm, bún cá, bún nước lèo... thì hình như còn thiêu thiếu cái hương vị đặc trưng của các địa danh miệt vườn xứ đồng bằng, trong đó, một tô bún cá miền Tây đúng nghĩa sẽ khiến người đi quyến luyến không rời.
Ngày nay, chúng ta có thể thưởng thức bún cá ở nhiều nhà hàng, quán ăn tại nhiều nơi khác nhau trên mọi miền đất nước, đặc biệt là ở Sài Gòn. Thế nhưng, không ở đâu có được hương vị đậm đà đặc trưng như khi bạn ăn tại đồng bằng và do chính những cô, những dì gốc miền Tây chế biến. Dù thưởng ngoạn, du lịch hay về đây công tác, món bún cá miền Tây đã làm mê lòng không ít người tới vùng đất này.
Để có món bún cá đặc trưng và tô bún bốc khói, tỏa hương thơm ngào ngạt, ngọt đến tê đầu lưỡi, người làm phải trải qua công đoạn chế biến rất tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian. Nhiều quán ăn có tiếng ở miền Tây đều có riêng bí quyết chọn cá và thực hiện theo một quy trình chế biến theo đúng “bí quyết gia truyền” để "cho ra" thương hiệu của mình.
Để nấu nước dùng cho nồi bún cá, người ta dùng xương ống heo nấu sôi rồi hạ lửa nhỏ, cứ như vậy nấu liu riu cho đến khi nước dùng trong vắt, vàng ánh. Khi nước đã được mới cho cá lóc ruộng làm sạch vào luộc trong nước dùng. Cá vừa chín tới, vớt ra lóc thịt để riêng. Sau đó lọc lại nồi nước và bắt đầu nêm nếm.
Hương vị chuẩn của nồi bún cá là do màu sắc, mùi vị của thứ nước mắm Phú Quốc đỏ au, thơm lừng. Có lẽ ở cạnh biển nên trong tô bún cá phải có vài con tôm thẻ. Tôm thẻ làm sạch, lột vỏ rồi ướp với nước mắm, đường, tiêu và chút tỏi. Quan trọng cũng chính là nước mắm ngon và thời gian ướp phải đủ để nước mắm và đường thấm vào tôm. Sau đó mang tôm kho như kho tàu nhưng độ lửa nhỏ và kéo dài hơn. Con tôm thấm nước mắm và gia vị trở nên căng cứng vừa hơi măn mẳn nhưng có vị ngọt đặc trưng kiểu Nam Bộ.
Bún được làm từ khuôn ép rơi vào nồi nước luộc được vớt lên, "bắt" thành nhiều cọng khít nhau, uốn cong lại, ngay ngắn theo hình quả trám. Từ những cọng bún đẹp mắt ấy, người ta "xé" ra thành từng sợi trắng tinh, trải vào lòng tô sau khi đã sắp sẵn rau muống chẻ, giá sống cùng rau thơm. Tiếp theo, cho thịt cá (tô đặc biệt còn được "hưởng" bộ lòng cá) và tôm um lên trên mặt, sau cùng chan nước lèo ngập mặt bún.
Với tô bún trước mặt, bạn cho ớt bằm vào, vắt thêm miếng chanh rồi cầm đũa trộn đều. Có một điều đặc biệt là khi ăn bún cá chỉ có thể sử dụng loại nước mắm "mặn" không chế biến. Nhìn tô bún bốc khói nhưng chưa vội ăn mà phải cho thêm ớt và củ kiệu ngâm chua bằm nhuyễn rồi mới bắt đầu thưởng thức.
Miếng cá lóc đồng ngọt thanh hòa cùng vị đậm đà của con tôm thẻ, thêm chút chua nồng của củ kiệu và cái cay xé lưỡi đầy cố ý của ớt như đẩy đưa món bún cá lên tới mức ngon tuyệt. Húp miếng nước lèo nóng hổi, hương vị sông ngòi, biển cả như đong đầy trong từng muỗng... Món bún cá đã làm phong phú thêm cho bún, món ăn quen thuộc của người Việt ở khắp nơi.
Không biết thực hư, nhưng có mấy bà hàng bún còn bảo tôi, bún cá còn là một "liều thuốc" đặc trị đối với những người say rượu. Sau một đêm say, vừa ăn bún cá vừa hít hà vị cay của ớt, hơi nóng của nước lèo, các lỗ chân lông tươm đầy mồ hôi, làm gì mà không... "tỉnh" người?
 N.H
(Sưu tầm)

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Cháo cá lóc rau đắng đất

Nhắc đến ẩm thực miền tây, là nhắc đến những món ăn mang đậm chất “hương đồng gió nội”, dân dã, không cầu kỳ, đôi khi lại rất giản đơn, mộc mạc, như chính con người của vùng sông nước nơi đây. Nếu có dịp, bạn hãy thử một lần đến miền tây, đêm trăng lên, ngồi dưới mái tranh giữa cánh đồng đượm mùi rơm rạ, vừa thổi vừa húp xì xụp tô cháo cá lóc rau đắng đất còn nghi ngút khói, thả hồn theo tiếng râm ran của côn trùng gọi bạn… Tôi cá rằng khi ấy, không dưng bạn sẽ chợt thèm… ngâm mấy điệu Hoài lang…

Hàng năm, cứ sau mùa thu hoạch lúa, hầu như nhà nào ở vùng nông thôn cũng thường xuyên nấu món cháo cá lóc rau đắng đất. Đó như thói quen dân dã, với một món ăn dân dã, của những con người cũng dân dã nốt. Vô hình chung, những món ăn đơn giản đặc trưng như thế này còn là cả một niềm tự hào xứ sở không thể nào định nghĩa. Cũng giống như con nhà nông gót chân phải bám mùi phèn vậy.

Rau đắng đất không mọc trong vườn, cũng không thể trồng, chúng chỉ tự nhiên mọc lên ở những cánh đồng sau mùa thu họach (Thường từ tháng 12 đến tháng 3). Khi nhổ rau lên khỏi mặt đất, dù là ngâm trong nước, rau cũng sẽ héo nhanh sau đó, chỉ tươi độ vài tiếng đồng hồ. Thế là ngẫu nhiên, rau đắng đất như một món quà quê đỏng đảnh của thiên nhiên. Có lẽ cũng vì thế mà rau đắng đất chỉ thích hợp khi được chế biến chung với các loại cá đồng.

Rau đắng đất có bản chất đúng với cái tên của nó – ăn vào rất đắng, nhưng tính lại rất mát. Đôi khi những người già như ông nội tôi muốn “mát trong người” cũng thử đem rau đắng đất chấm nước cá kho, nhưng được vài đũa cũng đành… bỏ cuộc. Thế mà, kỳ diệu một điều, khi kết hợp với món cháo cá lóc, rau đắng không những không đắng mà còn có hậu ngọt rất đặc trưng. Vị của rau, của cá, của gạo hòa quyện vào nhau, rất thanh, rất dịu, và rất đặc biệt.


Tùy theo sở thích của mỗi người mà món Cháo cá lóc được nấu đơn giản hay công phu một chút. Nếu đơn giản, chỉ cần vo gạo xong, đổ nước vào, đun sôi. Cá lóc làm sạch, cắt phần đầu ra, phần thân róc xương, lấy thịt thái phi lê, ướp gia vị vừa ăn. Khi gạo bắt đầu nở, bỏ đầu và xương cá vào cho ngọt nước, nêm nếm gia vị là dùng được. Nếu thích công phu hơn, gạo vo xong để ráo nước, sao vàng rồi mới đổ nước vào đun sôi, lúc cháo chín, phi mỡ hành thật giòn rưới lên mặt cháo, nhìn rất bắt mắt.

Các bước chuẩn bị đều hoàn tất. Cá lóc phi lê đã thấm gia vị được cho vào tô với một ít hành lá xắt nhuyễn, cháo nóng hổi múc lưng tô, rắc một ít tiêu, sau đó cho rau đắng đã rửa sạch lên, vừa trộn đều là dùng ngay, như vậy mới giữ được chất của rau. Cháo nóng hổi vừa thổi vừa ăn, vị tiêu cay cay hòa với hơi nóng và vị ngọt của cháo, của cá, của rau, cứ tê tê trên đầu lưỡi tạo nên những tiếng hít hà sảng khoái, những giọt mồ hôi rịn đều khắp mặt, ta có cảm giác như khắp cơ thể mình đều bắt đầu chuyển động những cung bật vui tươi.Cháo cá lóc Sài gòn không ăn với rau đắng đất mà ăn với rau đắng biển. Cháo cá lóc Sài gòn thường được nấu thêm với nấm, khi ăn ngoài rau đắng biển còn có gừng xắt sợi và giá tươi. Có nơi còn kết hợp thêm giò chéo quẩy và tương đậu phụ. Không những thế, nếu ăn cháo ngay trên bếp, gọi là “lẩu cháo cá lóc”, người ta còn cho thêm hột vịt lộn vào nồi cháo. Đó cũng là một nét đặc trưng của ẩm thực Sài gòn. Sài gòn ít có món ăn riêng, một phần do cư dân Sài gòn phần lớn là dân nhập cư khắp mọi miền đất nước. Vì thế về mặt ẩm thực vô cùng phong phú, họ chế biến lại món ăn của các vùng miền để tạo một phong cách khác biệt không kém phần hấp dẫn.

N.H
(Sưu tầm)

Bánh đúc miền Tây


Không giống như bánh đúc phía Bắc trắng trẻo mịn màng lại bùi bùi vị lạc, bánh đúc miền Tây Nam bộ lại mang một hương vị rất khác, rất đặc trưng đó là ăn với nước cốt dừa.

Cũng là bột gạo quấy với vôi cho giòn nhưng người miền Tây lại thêm chút nước cốt lá dứa cho màu bánh xanh lại có mùi thơm thoang thoảng. Có những người phụ nữ khéo tay lại thích đổ bánh theo màu cẩm thạch nhìn vừa đẹp lại vừa ngon. Người ta sẽ chọn loại bột gạo tẻ ngon, đem ngâm mềm rồi xay nhuyễn, sau đó hòa cùng nước vôi trong. Chuẩn bị hai cái nồi, một nồi sẽ quấy bột có pha lá dứa, một nồi sẽ quấy bột trắng, hai cái nồi đều được tráng mỡ sau đó đổ bột vào và quấy cho đều tay sao cho bột mịn và không vón cục. Khi bột quánh lại đổ cả hai vào một khuôn, cái khéo là đổ sao cho cả hai màu bột nổi thành vân trắng xanh xen kẻ như vân cẩm thạch thì đạt yêu cầu.

Những bà nội trợ ở quê không đổ bánh thành từng bát nhỏ mà làm thành những ổ to, khi ăn lại xắn thành những miếng nhỏ chan với nước cốt dừa và nước đường thắng kẹo hoặc mật ong lấy từ vườn nhà. Ngày nay ít có nhà nào quấy bánh nhưng ở chợ thì lúc nào cũng có, người bán thường ngồi ở đầu chợ hoặc gánh đi rong khắp hang cùng ngõ hẻm, vừa đi vừa rao "Ai bánh đúc ơ..ơ ơiiii!", chỉ cần nghe tiếng rao ấy vị ngọt mát đã lan vào tận đầu lưỡi.

Đến những thành phố lớn như Sài Gòn du khách chắc hẳn cũng sẽ thưởng thức được hương vị này vì miền Tây cách Sài Gòn không mấy xa, giờ đây nhiều món quà miền Tây cũng được mang lên bán ở đây. Nếu thích ăn lạnh, bạn có thể mua về để trong tủ lạnh một lúc, vị bánh sẽ giòn và ngon hơn, lại thêm phần ngọt mát nữa.

N.H

(Sưu tầm)

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

LỜI TỰA TÁC PHẨM CỦA SƠN NAM

Thay lời tựa: HƯƠNG RỪNG CÀ MAU
Sơn Nam


Trong khói mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả;
Tới Cà Mau – Rạch Giá
Cất chòi, đốt lửa giữa rừng thiêng…
Muỗi, vắt nhiều hơn cỏ,
Chướng khí mù như sương.

Thân không là lính thú
Sao không về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú,
Hoa lá rụng, buồn buồn.
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn,
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút…
Hơi Vọng Cổ nương bờ trê bay vút
Điệu hò… ơ theo nước chảy, chan hòa.

Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố,
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

THƠ CHIM TRẮNG

Dưới chân tôi là máu đỏ
Chim Trắng

Có một ngôi trường đổ nát ở nơi đây
Có một cánh đồng nơi đây không có lúa
Cỏ vô tâm khỏa lấp dấu chân người
Một bầy quạ đen đang giữ đất

Canh giữ đất? Có thể nào tự do cỏ mọc
Tự do dây thép gai tự do đàn áp biểu tình
Tự do còng tay người đi gieo hạt
Tự do bắn vào rực rỡ bình minh?

Tôi đứng đây như đứng trên đất ruộng quê nhà
Của một thời đáng nhớ
Dưới chân mình máu đỏ cứ rưng rưng.

Seoul – 06- 2006 - Kentex

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

SÁNG TÁC: LẠC

Lạc
 Nguyên Hậu

Sao nỡ buồn lòng nhau
chỉ vì nỗi ơ hờ bất chợt?
Bỗng thấy đau  
         cái rét tràn về...

                    *

Ánh nến lung linh
gọi về yêu dấu cũ
Đêm ... ngập ngừng...
                     gõ cửa trái tim côi

                    *

Vắng anh trong giấc mơ
Em tìm anh giữa bóng ảo cuộc đời
…  lạc!
thơ loạn vần
             đàn lỗi nhịp 
                    buồn tênh…

 N.H

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

THƠ LÊ AN THẾ

Chửa hoang
Lê An Thế
 Nhà thơ Lê An Thế qua nét vẽ của nhà văn Khánh Trường - chủ bút tạp chí Hợp Lưu (US)

Tôi yêu những người đàn bà chửa hoang
Sinh ra đứa con không bố
Khi làm thơ tôi cũng chửa hoang
Với tiếng mưa rơi
Với sông nước núi đồi
Với trăng sao cây cỏ
Với vỉa hè với bar rượu
Với những người đàn bà
Tôi chưa biết là ai.

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

THƠ CAO THOẠI CHÂU


Cảm xúc trên đường phố Huế
để nhớ Ngô Kha

Không ở đâu thấy hò bằng mắt
mà giọng hò ngọt sắc như dao
chiều giăng mưa bủa lưới trên cầu
thương con sếu ngại rét đông cúm rúm

Thương cả hai người, em với bóng
chiều vàng nghiêng nón lá qua sông
để giọng hò em mát mái xuôi dòng
người ta đã xây bến đò Thừa Phủ
 
Đêm vườn ai đóa bạch quỳ nở sớm
thương kẻ si tình em cũng lớn theo hoa
trên vài cầu ai đợi ai qua
mà chân cầu chỉ toàn là nước
 
Dậy rất sớm trái tim nồng thao thức
đêm không dài nghe bước chân qua
tiếng kinh ai tụng sớm trên chùa
tưởng giọng hò ngân ra thành sợi
 
Cảm xúc kín vỡ òa dưới mái cong đại nội
đêm về phấp phới cánh dơi bay
nghe cơn mưa không rơi xuống tự trời
nghe trái tim sinh đôi trong lòng ngực
 
Của bầy chim bỏ xứ đi xa
gửi lại Huế nỗi sầu đá dựng
thương con sông dịu dàng ra biển
con sông không chịu mặn bao giờ
 
Và như con sếu lạc trong rừng
xứ lạ đến bị người cắt cánh
và tình yêu không tính bằng năm tháng
bằng độ bền của tiếng mưa rơi

Cao Thoại Châu
Trích từ Blog Nguyễn Miên Thảo
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...