“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

THƠ DU TỬ LÊ

khúc tháng hai

tôi đã buồn như nỗi ngóng trông
tháng hai, trở lại những con đường
thấy tôi trên những tàng cây cũ
và những ngôi nhà đã bỏ không

tôi đã buồn như một ngọn cây
tháng hai, cành nhớ lá sương đầy
tháng hai, thôi đã không tay vẫy
và tiếng buồn rơi đều phương tây

tôi đã buồn như một nhánh sông
tháng hai, thôi vẫn chẻ đôi dòng
cánh chim nào lỡ quên soi bóng
trong nỗi sầu tôi, lên nước sơn

tôi đã buồn như một bàn tay
tay ai gió bão nổi hiên ngoài
tháng hai, nắng ở phương trời khác
mà tiếng rơi còn khua ở đây 

tôi đã buồn như một sớm mai
tháng hai, hoa cỏ, dấu chân người
có ai mưa ướt đôi vai nhỏ
và nhốt hồn tôi ở một nơi

tôi đã buồn như một giấc trưa
hồn đi trăm xứ vẫn mưa về
tháng hai, lệ chảy trong yên ắng
và dáng ai ngồi như chết khô

tôi đã buồn như một quán không
chiều lên lênh láng một giây đàn
tháng hai, bụi phủ từng vai ghế
tôi với bàn chia nỗi ngổn ngang

tôi đã buồn như chiếc bóng tôi
mai kia tôi sẽ bỏ xa đời
tuổi, tên, thôi cũng đi về...đất
riêng ở nơi này vẫn tháng hai.

Houston 2-84

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

TẢN VĂN NGUYÊN HẬU: ĐI TÌM TUỔI THƠ

Phần 1: 
Nguyên Hậu
          
            
            Nói về tuổi thơ, nhiều người nói với tôi rằng có viết  thành một tập truyện cũng không kể hết. Tôi cho rằng đó là những người hạnh phúc nhất trong những người không mấy hạnh phúc khi không có gì của tuổi thơ đọng thành hình. Nói như vậy bởi dạo này tôi hay làm một điều “dở hơi” của những kẻ không có gì làm, đó là nghe người khác kể về tuổi thơ của mình. Có người khi nghe tôi nhắc đến là kể một mạch, rất vui, rất dí dỏm, dù là chuyện vui hay buồn, sung sướng  hay vất vả. Bởi đó là những chuyện đã qua và trở thành ký ức. Và ký ức thì luôn đẹp, luôn đáng nhớ nếu chúng ta biết trân trọng. 

           Nhiều người sẽ hỏi tại sao tôi làm chuyện “rảnh rỗi” đó. Tôi chỉ lẳng lặng cười, bởi tôi biết, nếu nói ra chắc nhiều người sẽ cho là tôi không thật lòng. Ấy vậy mà có một chuyện thật lòng là: tôi đang đi tìm lại tuổi thơ của mình qua những câu chuyện tuổi thơ của người khác…

            Nhiều khi ngồi một mình,tôi thử nghĩ xem tuổi thơ của mình có gì để kể không, và câu trả lời sau nhiều giờ tra vấn đầu óc là: dường như không! 

           Thật ra cái để nhớ thì nhiều lắm, nhưng nó cũng giống như một tờ giấy vậy, bằng phẳng, không gay góc, không biến cố, chỉ lặng lẽ như cơn gió mà thôi. Cái mà trong quá khứ mình hay nghĩ  là bình yên thì bây giờ không có gì để kể. Nó giống như một mặt hồ phẳng lặng, không có những lớp sóng, không có biến động và đương nhiên cũng không có bão tố.

           Và nói thật, nếu ai cảm thấy cuộc sống của mình chẳng có gì để kể thì người đó quả là bất hạnh nếu theo nghiệp văn chương. Vì người ta nói những người hoạt động văn chương hay những nghề gì đó liên quan đến văn hóa xã hội thì phải có vốn sống, phải chứa trong bụng một bầu chuyện để hễ cần thì dẫn chứng, để đút kết kinh nghiệm… những cái đó nói cho đúng ngôn ngữ văn chương là sự trải nghiệm. Nhưng từ nhỏ đến giờ, hễ đứa bạn nào chơi thân với tôi cũng hay nói tôi “hậu đậu” vì một lẽ:  vốn sống ít quá! Đến mức hai mươi tuổi, làm sinh viên bước ra đời, thấy cái gì cũng lạ lẫm!

             Nói điều này không biết có ai phản bác không, chứ thật ra tôi thấy mình là một trong những người bất hạnh theo đúng nghĩa trong mảng đó. Nhắc về tuổi thơ, mỗi lần ngồi chung với đám bạn, nghe chúng nó kể cho nhau nghe một cách hồn nhiên mà thích thú vô cùng. Đến lượt mình thì không có gì để kể, không phải tôi giấu đâu mà nói thật, tuổi thơ tôi không có những câu chuyện, không có những kỷ niệm nào thành hình cho rõ nét. 

             Nói chuyện này làm tôi dễ liên tưởng đến cuộc sống của hai chị em trong truyện “Tỏa Nhị Kiều” của Xuân Diệu. Cuộc sống cứ thế trôi qua, không có một biến cố, không chút cá tính, không chút sự kiện gì liên quan đến họ, đến nỗi cuộc đời cứ nhàn nhạt, hai chị em như hai giọt mực, như hai hạt cơm…

            Câu chuyện này, kể ra đây mới thật đau lòng! Mấy hôm trước về nhà, đứa cháu cầm con diều mới mua lại bảo Dì út thả cho con xem. Lúc đó mình mới ngỡ ngàng nhận ra, hồi nhỏ mình đâu có chơi thả diều, thậm chí không được cầm lấy con diều thì lấy đâu ra biết cách thả diều. Dù rất cố gắng, tôi cầm sợi dây giật giật một hồi, con diều không bay lên mà cứ chúi xuống. Đứa cháu giận quá chạy ra xách con diều đi vô, nói thôi, để lát ba con về thả… tự dưng thấy buồn buồn trong lòng. Không phải tôi buồn vì đứa cháu giận mình, mà vì ngay chính lúc đó tôi mới chợt nghĩ ra, à, thì ra tuổi thơ của mình thiếu vắng những con diều. Chưa hết, tất cả những trò chơi mà con nít trong xóm tôi, đứa nào còn nhỏ cũng chơi nhưng tôi thì không, chẳng hạn như bắn bi, chơi lò cò, nhảy dây (cái này có chút ít vì nằm trong môn thể dục), đánh banh đũa, chơi ô quan, bắn thun…. Thậm chí tắm sông, bơi lội… tất cả những điều đó tôi biết qua những đứa bạn chứ cũng chưa bao giờ được tham gia. Mà cũng lạ, không hiểu tại sao hồi đó, tôi không cảm thấy ham muốn được tham gia vào những trò chơi đó.

            Nguyên nhân của những điều đó có hai lý do cố hữu, thậm chí bây giờ tôi vẫn còn vướng. Đầu tiên là tình trạng sức khỏe, mà hình như cái này quan trọng nhất. Mẹ tôi không bao giờ cho tôi tham gia những trò chơi vận động bên ngoài vì một lý do duy nhất: sợ tôi bệnh!  Còn những trò chơi nhẹ nhàng như những đứa con gái thường chơi thì tôi cũng không chơi, vì … không có người chơi cùng. Mấy chị tôi lúc đó, cứ mỗi người cách nhau 5 tuổi, nghĩa là chị lớn nhất cách tôi tới 10 tuổi, qua rồi cái thời “ăn chơi”, ai cũng lo học, không bao giờ có thời gian để ý tới việc sẽ chơi cùng tôi. Những đứa trẻ trong xóm cũng không bao giờ dám rủ tôi chơi cùng, tôi cũng không hiểu sao nhưng dường như giữa tôi và họ có một khoảng cách rất lạ...

           Mọi chuyện cứ đều đều trôi qua, và  dường như trở thành thói quen, tôi không có nhu cầu đòi hỏi mình được tham gia vào những trò đó. Tuổi thơ tôi chỉ có một việc duy nhất, ngày hai buổi đến trường, tối về học bài và đọc sách! Cho nên kỷ niệm nhiều nhất vẫn là những chuyện liên quan đến việc học. Mà việc học lúc đó cũng bình thường, không có gì thăng trầm hơn việc mỗi ngày phải học thuộc bài, phải làm đủ các bài tập từ trong sách giáo khoa đến sách nâng cao. Và niềm vui trẻ nhỏ cũng chỉ gói gọn trong việc học, những chuyện đại khái như mỗi học kỳ được xếp hạng cao nhất lớp, được một phần thưởng ở trường và một phần thưởng ở nhà. Và trong đó cũng đan xen những việc nho nhỏ như những lần tôi nhập viện, bỏ học mấy tuần và sau đó phải cắm đầu học cho kịp bạn bè. Mẹ thường than phiền sức khỏe tôi không tốt, ở nhà chỉ có tôi là hay bệnh, nhẹ thì uống thuốc triền miên, còn nặng thì phải nhập viện. Cái này đối với ai thì kinh hoàng, chứ tôi thì … riết cũng quen. Nhập viện, khám bệnh như đi mua thức ăn hàng ngày nên quen cả với tính cách của bác sĩ. Đến mức hồi học cấp 3 từng có ý định thi vào ĐH Y Dược… nhưng vỡ mộng tan tành lúc nào không hay biết (chắc tại cái nghiệp văn chương nó lôi kéo)!

            Bởi thế nên 12 năm đi học là 12 năm những điệp khúc đó lặp lại, cũng có thăng có trầm nhưng làm sao thú bằng những trò nghịch ngợm tuổi nhỏ. Và hơn nữa, những cái đó chỉ có thể đo lường kiến thức khoa học, chứ vốn sống, cái trực tiếp tác động đến cuộc sống của mình sau này thì có thấm tháp vào đâu. Và quan trọng hơn hết, cái mà tuổi thơ cần là một chế độ cân bằng giữa gia đình, trường học và xã hội. Và trò chơi tuổi thơ chính là cái xã hội thu nhỏ và an toàn nhất để các em được trải mình và đóng vai trong đó. Đến bây giờ tôi mới nhận ra, điều đó cần thiết vô cùng. Bởi nó giống như lớp phù sa, bồi tụ cho tâm hồn mình phong phú hơn, giàu có hơn. Vốn sống trong cuộc đời này có được từ những điều rất nhỏ như thế!

             Sống trên đời hai mươi mấy năm thì có hết gần ấy năm không biết mặt cuộc đời. Bởi thế cô bé không mấy ngây thơ  vừa bước vào đời đã nhận ra bao điều lạ lẫm. Đôi mắt ấy thấy cái gì cũng hay, cũng mới, cũng thú vị.!

            Vừa rồi có nói chuyện với một người bạn, mình chỉ gợi thôi vậy mà bạn ngồi kể với mình mấy tiếng đồng hồ không hết chuyện, vui có, buồn có, nhưng tất cả khi đã qua đi thì chuyện vui hay buồn cũng không quan trọng nữa, quan trọng là những mảnh ký ức trong tâm hồn mình. Từ nhỏ, và cho tận bây giờ, tôi vẫn thích nghe ba mẹ và hai chị kể về những kỷ niệm thời ấu thơ của họ. Và tôi bỗng nhận ra, dường như những tuổi thơ cơ cực thường có nhiều câu chuyện thú vị để nhớ hơn. Mỗi lần được nghe những câu chuyện đó, tôi thường rươm rướm nước mắt, thương cho những người trong câu chuyện, nhưng đồng thời cũng thấy vui cho họ trong hiện tại, vì tâm hồn họ là chiếc tủ cất giấu nhiều bí mật của tuổi thơ, thứ mà tôi dù cố kiếm tìm, chắt mót cũng không gom lại được bao nhiêu trong quãng đời đã qua của mình…

THƠ ĐINH CƯỜNG

Nhớ tiếng chim ác là ngày giỗ Ngô Kha *
Ngô Kha (Sơn dầu trên bố 16x20in) - Đinh Cường tặng Bửu Ý

Anh Nguyễn Văn Dũng từ Huế e-mail nói
hôm nay 25 tháng Chạp sẽ ghé chở Bửu Ý
về Thế Lại thắp cây hương cho anh Ngô Kha
nhân ngày giỗ, như vậy là gần bốn mươi năm rồi sao
người bạn thân thiết của chúng tôi, người thi sĩ ấy
bị thủ tiêu vùi xác nơi đâu như bạn đã thấy trước :
Tôi sẽ chết như mùa đông trút lá cây hờn tủi
con ngựa ô già ngã gục
trên chiếc thảm nhung của loài ốc sên
ta cầm trái tim em lay gọi
chỉ có máu đen cháy trên vùng cô độc **

tôi muốn cầm trái tim anh lay gọi
máu thắm phục sinh trên cánh đồng

Bửu Chỉ cùng mê Ché Guevara cùng đội lệch
chiếc mũ béret như anh, đã vẽ anh nằm chết
trái tim nở hoa và tôi đã vẽ :
một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo
một thị trấn yêu kiều qua ngả Làng Vei ***
bây giờ thị trấn ấy đêm đầy ánh đèn
thay những trái hỏa châu bom đạn một thời
có tiếng gió gọi anh về reo vui, anh yêu gió vô cùng
gió có về linh thiêng
như lòng ta hằng réo gọi
như tuổi đời ta chảy giọt máu xanh ****

tôi muốn cùng anh lang thang qua mấy con đường Thành Nội
đêm khuya về nghe tiếng rụng trái mù u
tôi muốn cùng anh ngồi bên hiên nhà Thế Lại 
nghe tiếng chim ác là trên cây vải trạng chiều đông .

Virginia, 18 Janv, 2012
Đinh Cường

*      Ngô Kha sinh ngày 2 tháng 3 năm 1935 tại làng Thế Lại Thượng, Huế
        bị công an Huế bắt ngày 30-1-1973 ( 27 tháng 12 Quý Sửu ) từ đó biệt tăm       
* *   Ngụ ngôn của người đãng trí, thơ Ngô Kha, Đinh Cường vẽ bìa, xb.1969                                        
** * Cho những người nằm xuống, 1971
****Gió, tạp chí Mai số 39, 1-4-1964

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

THƠ HOÀNG TRẦN CƯƠNG

BA LÔ TRÊN PHỐ
Nhà thơ Hoàng Trần Cương

Một sáng ra đường
Anh lặng người trước những chiếc ba lô
Trên vai các em quàng vào phố xá
Những chiếc ba lô vừa quen vừa lạ
Bàng hoàng anh nắn lại bờ vai

Những chiếc ba lô không một bóng lá cài
Sao như có màu xanh thuở ấy
Màu xanh
Của một thời anh từng mơ đấy
Bây giờ cười nói líu lo

Những chiếc ba lô
Sớm tinh mơ cơ động đến trường
Các em chở bình yên về rợp phố
Nghẹn ngào, anh rướn nhìn theo…

11/1997

GIẢI PHÁP


Nhiều lúc anh muốn bứt đi dòng hồi tưởng của mình

Những ký ức từng làm em say xẩm

Khi sốt rét quật anh ngã sấp

Buổi động trời vết thương cũ nghiến răng


Nhiều lúc một mình ngồi muốn nuốt chửng cả mùa trăng

Khi rạng lên trong anh những gương mặt đã tản vào năm tháng

Những chiếc áo của đồng đội anh nếu đem ghép lại

Chắc cũng đủ căng lên thêm một bầu trời


Nhiều lúc quá khứ bị chính anh lơ đãng bỏ rơi

Ngước lên bàn thờ bắt gặp đôi nén hương đói lửa

Những nén hương khắc khoải cong xoắn vòng vấn hỏi

Khói bay tìm trời xưa


Vuốt nỗi nhớ cồn cào xuống ngực

Và nằm xoài anh ôm anh trên đất

Chợt gặp lại những tấm bia đã mờ tên đồng đội

Đứng im lìm giữa dãy dọc, hàng ngang


Không hiểu sao những tấm bia đều ngoảnh mặt về làng

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

TẢN MẠN SÁNG THỨ BẢY

  Nguyên Hậu
               1. Sáng nay thức dậy muộn, ánh nắng đã tràn qua cửa sổ, hé nhìn với ánh mắt tinh nghịch. Nụ cười lóm lém của nắng khiến mình choàng tỉnh, không còn day dưa như những ngày bình thường. Bước ra ban công, bầu trời buổi sáng  trong xanh lạ, dường như đã được tắm gội sạch trong cơn mưa chiều qua. Trở vào phòng, mở nhỏ một bản nhạc, làm vệ sinh buổi sáng và tận hưởng những giây phút hiếm hoi được nghỉ ngơi sáng thứ 7. 



             2.  Ngày trước khi còn là sinh viên, cảm thấy thời gian cứ như anh say rượu, nằm lì một chỗ, đuổi hoài chẳng đi. Bây giờ, nhắc đến thời gian lại thấy như một cái gì hiếm hoi lắm, đến nỗi mình hay nói đùa rằng, đến thời gian để tận hưởng sự yêu đời cũng không có. Cái tất bật đôi lúc làm mình quên đi những rắc rối thường nhật, không còn thời gian nghĩ ngợi lung tung, nhất là những người hay thơ thẩn như mình. Nhưng quá bận rộn đôi lúc lại làm mình quên cả cảm xúc bản thân, không còn thời gian để tận hưởng những điều mình yêu thích.. Dạo này mỗi ngày mình chỉ có khoảng 1 giờ  để đọc sách , nhưng cũng chừng vài trang lại phải dừng để làm việc khác. Đầu óc cứ như cái ti vi, chuyển hệ một cách nhanh chóng. Có một điều là dân văn chương khi làm điều gì  hay chú trọng vào cảm hứng, nghĩa là có hứng thú thì mới làm được, không thì có nằm cả ngày cũng như vô ích. Ngày trước, khi còn rảnh rỗi thời gian mình cũng như thế, cả ngày nằm ngâm nga có mấy câu thơ và chờ đợi khi nào khởi hứng thì mới viết. Điều này không xấu, vì nó giúp mình nuôi dưỡng tâm hồn bất tận, và có thú khi bắt gặp cảm hứng đến. Mình cũng hay ví điều này như động tác “mèo rình chuột”! . Có khi nằm cả ngày không có con chuột nào chạy ngang qua thì đành chịu. Nhưng thú nhất là lúc phát hiện ra con mồi, chú nhảy cởn lên, khoái chí trổ tài bắt mồi của mình, và tận hưởng trong bất tận.
              Sáng nay, chú mèo lại khoái chí khi có nửa ngày để thực hiện điều đó, tận hưởng cảm giác từ lâu bị bỏ quên… 

             3. Có những tin nhắn nửa đêm, chồng chềnh thức giấc trong cảm giác còn ngái ngủ. Nếu bình thường sẽ quẳng ngay con dế vào một góc nào đó ngủ tiếp và trong đầu thể nào cũng cằn nhằn về cái sự làm phiền ấy. Tuy nhiên cũng có những lúc không như vậy. Nhận một tin nhắn là bắt thêm một tín hiệu từ cuộc sống vốn … không mấy bắt sóng ở thành phố này. Đặc biệt, nếu đó là tin nhắn từ những người mình yêu thương, quý trọng… Những lời chúc, những câu nhắn nhủ thân thương sẽ làm dịu lại thần kinh giác quan sau một ngày làm việc mệt mỏi của bạn và làm cho giấc ngủ ngon hơn. Đó là những gì mình tận hưởng, chia sẻ để ai đó nếu có hứng thú thì một đêm nào đó, đừng tắt điện thoại, thử xem có nhận được cảm giác đó không nhé!

         4. Tonight’s so cold. Tên bản nhạc mà mình nghe không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần nghe đều có cảm nhận khác nhau. Tên bài hát thì chắc ai cũng hiểu, nhưng sáng nay khi nghe tự dưng thấy có gì vui vui. Một lời nhắn nhủ, một niềm tin được khơi gợi trong lời bài hát, một điều luôn cần thiết trong tâm trạng những người đang yêu nhau. Mình thì không có kinh nghiệm mấy trong chuyện này, nhưng thật sự nó cần thiết với tất cả những ai đang yêu, dù là đang xa nhau…


Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

THƠ TRẦN VĂN CHUNG

Đi giữa trời xuân
Trần Văn Chung
xuân đã về chưa?
mà cả rừng cao su lộc non bỗng nhú
dòng nhựa trong thân khẽ khàng nhịp thở
thì thầm lời yêu dưới trời xanh

đông đã thôi giăng sương mông mênh?
mà cánh rừng ngập ngừng tiếng lá
chim bay qua như quen như lạ
nhưng gặp tôi thì lượn trăm vòng

sao bỗng nhớ em quá vô chừng
thời gian đi qua chỉ mùa xuân dừng lại
tuổi xanh cũng qua nhưng tình yêu trẻ mãi
nên lòng nôn nao

dù mây có bay trên cao
thì nắng cứ xuống tràn đầy nội cỏ
cho lũ bướm trở về lối cũ
gọi mùa xuân

hoa cúc vàng nở cánh phân vân
bên áo mới thẹn thùa duyên thiếu nữ
ai cười làm chi cho quyến rũ
ơi xuân, về hay chưa?

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

THƠ HOÀNG DŨNG


Gửi Maria
Hoàng Dũng

anh nhìn trời nhìn đất, nhìn cỏ nhìn cây
đâu đâu cũng thấy em
maria
này đây tiếng biển thở dào dạt, anh nhớ
nhịp tim gấp gáp một chiều nắng vàng lụa
maria
này đây con sóng chạm, anh rùng mình như thể
bàn tay em mơn man
maria
này đây quả phi lao, anh mơ hồ thấy lại
trên thân thể em xinh xinh những vết thủy đậu
ôi maria
dưới trời đêm lấp lánh những vì sao hạnh phúc,
anh nhắm mắt, tưởng như em bên cạnh,
và bất giác quờ tay vào khoảng không
để ôm em, ước sao được ngửi mùi tóc
mới đó mà đã là kỷ niệm
anh, gã đàn ông điên rồ,
mặc kệ những ánh mắt tò mò,
vừa đi đường vừa hát ru
cho em say nồng giấc ngủ cách xa anh
hàng trăm cây số

mới đó mà đã là kỷ niệm
anh, chàng trai mới lớn, nửa đêm đến
đứng hồi hộp bên nhà người yêu dấu,
để nhìn lên và tưởng tượng
anh quên hết những phiền toái có thể,
quên mái tóc bạc của mình
anh nghĩ anh có thể bất chấp tất cả
có lẽ cuối cùng anh là người chừng mực,
phải trở về chừng mực
như bụi tro trở về bụi tro
maria
có lẽ tình yêu chưa đủ mãnh miệt như anh tưởng
và anh không vượt qua được
cái hàng rào cuối cùng
maria
có lẽ thẳm sâu trong lòng anh
là một ông đồ nho lặng lẽ quan sát anh,
thỉnh thoảng mỉm cười chế nhạo
và bây giờ ông đồ ôm mặt khóc

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

THƯƠNG LẮM "SẾN" ƠI!


Nguyên Hậu
Giờ đang là mùa sapoche (Tiền Giang)

        Ngày trước, mỗi lần về miền Tây là một cái gì đau nghẹn trong tôi, không có chuyến đi nào cả đi và về tôi không rớt nước mắt. Chắc tôi cũng nhiều lần nhắc đến, cơ duyên bắt đầu từ chuyến đi thực tế của khoa vào năm tôi học đại học năm thứ ba. Lần đó về Bến Tre, sưu tầm văn học dân gian, cũng là lần đầu tiên trong đời tôi bước chân về miền tây, một nơi mà từ nhỏ tôi vẫn thường tưởng tượng trong những bài làm văn mướt rượt, chan chứa những cảnh, những tình. Nhưng đó chỉ là tưởng tượng!  Dù chưa một lần đặt chân xuống nhưng trong đầu tôi đã hình thành biết bao nhiêu điều để nói, để tả, nhất là những bài văn viết về làng quê, đồng lúa. Chưa một lần đến miền yên ả, trù phú mà đã thấy thương lẫn sợ. Sợ gì? Ai nghe tôi nói xong cũng cười, sợ … nước!
          Từ nhỏ đến giờ tôi có biết bơi đâu, nên nghe chỗ nào có nước là sợ! Lần đó nghe nói sẽ về Bến Tre thực tập, tôi thì thấp thỏm đợi chờ còn ba mẹ tôi thì thấp thỏm … lo âu. Cái lo bắt đầu từ việc sợ tôi “chết đuối”, nhưng không biết có liên quan gì đến “món nợ” của tôi sau này không. Ba mẹ thường có những linh cảm về đứa con của mình mà! Tôi thường nghĩ vậy!
         Và sự thật là, sau chuyến đi định mệnh đó, trong lòng tôi đã có chút gì vương vấn lạ. Nó không thành hình, nhưng ngày đêm cứ cào cấu lòng tôi. Nhiều đêm ở KTX, từ ban công nhìn ra khoảng đồng xa xa (thật ra là đồng cỏ), có thứ gì thắt nghẹn và thúc giục tôi trở về miền đất ấy. Tôi quyết tâm lấy “cớ” trở về bằng một công trình nghiên cứu, hơi mạo hiểm nhưng vô cùng hấp dẫn (trước giờ chưa ai nghĩ đến), tôi nghiên cứu về thơ đương đại đồng bằng sông Cửu Long. Đề tài được duyệt lòng tôi mừng khôn tả. Vậy là có dịp trở về, nói chuyện với bà con và làm chút gì cho nơi ấy.
        Sở dĩ tôi chọn thơ đương đại  cũng có lý do, vì tôi không thích chỉ nhìn ngắm những gì đã nằm trên trang giấy hay qua lời kể về những gì đã qua. Tôi muốn về những làng quê, nơi đó có những con người “miền Tây” sống động để tôi trò chuyện, tìm hiểu. Bởi họ là những con người đã và đang sống, đang gởi vào thơ tất cả những niềm thương, nỗi nhớ, những xúc cảm của lòng mình để tạo thành những câu thơ mộc mạc - mộc mạc như chính con người họ. Thơ họ mới đọc vào thì mộc mạc lắm, tưởng như điều ai cũng có thể nói được, cảm được, viết được. Nhưng có nói chuyện, có nghe họ ngâm thơ mới thấy hết cái tình, cái nợ đầm sâu đối với mảnh đất này. Với tôi, những câu thơ ấy không “hời hợt” bao giờ. Bởi không thể có chuẩn nào để cân đong đo đếm tình cảm con người, tất cả chỉ để cảm mà thôi.
          Có nhiều cách để xét một bài thơ hay, dở. Với tôi, thơ hay là những vần thơ có sức ám ảnh dai dẳng, thơ gần như chạm được với cội nguồn tâm linh người đọc!
         Từ khi làm đề tài tới lúc có kết quả (đề tài được giải nhất NCKH cấp trường và giải khuyến khích cấp Bộ), tôi trở về nơi ấy không biết bao nhiêu lần. Nhiều nhất là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, còn những nơi khác, mỗi tỉnh chỉ đến một lần. Mấy lần sau có đi tôi cũng chỉ đi đến những nơi có di tích hay địa danh gì đó đặc biệt chứ không “đi chỉ để đi” như những lần đầu, vì mấy tỉnh miền Tây, đặc điểm địa lý – văn hóa tương đối giống nhau.
            Dạo này mỗi lần đi miền tây, tôi không còn thấy lo như trước, nếu thích thì bắt xe về, mỗi lần đi, cho dù là điểm cũ cũng không bao giờ thấy chán, mỗi lần đến là một khám phá mới, không bao giờ chuyến đi là dư thừa. Đặc biệt là mấy lần gần đây mỗi lần trở về, tôi thấy như về lại ngôi nhà của mình, có cái gì thân quen, không quá lạ lẫm, không còn cảm giác đặc biệt như trước, giống như đứa con dù có đi đâu xa, một ngày nào đó cũng quay về, và đó là ngôi nhà của mình, quê hương mình.
          Ngày trước mỗi lần chuẩn bị về tỉnh, tôi mất ngủ đến mấy đêm, nào là lo đường dài, lo nắng mưa, và đặc biệt là một cảm xúc rất khó tả, rất đặc biệt, buồn vui lẫn lộn. Nhưng có lẽ buồn nhiều hơn, mỗi khi nhắc về miền quê ấy. Nó cứ gieo vào lòng một nỗi niềm, như đứa con bất hiếu … lỡ xa quê. Dạt dào nhất trong tôi là cảm giác “mắc nợ”, như nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều từng nói “mắc nợ đồng bằng”. Nhưng Huỳnh Thúy Kiều có đồng bằng để nhớ, có những ký ức đồng bằng để “mắc nợ”, còn tôi, nghĩ lại, thấy chẳng có gì nhưng lại có cảm giác “chung thân” với miền quê ấy. Nói ra ai cũng lắc đầu, cho rằng tôi … lạ!
           Vừa rồi về Mỹ Tho, được ngồi trên chiếc xuồng du lịch (vì không có xuồng ba lá) chồng chềnh theo con nước (nhưng có người chèo, tôi chỉ chèo phụ họa), thấy thích làm sao. Len lỏi chiếc xuồng qua những khúc quanh của con rạch nhỏ, nghe mùi phù sa phả vào mặt, tôi có cảm giác giống như đứa con đang đói bụng mà nghe mùi khói bếp lẫn mùi cơm sôi mẹ nấu ở chái bếp sau hè. Thấy đủ đầy tình yêu trong từng hơi thở, thấy dường như cuộc đời thế là đủ… Cảm giác đó còn đọng mãi trong tôi, biết đến bao giờ thay đổi…!
        Không biết tôi có duyên quen với những người tử tế hay sao mà lần nào về miền tây, nhìn đâu đâu, ai ai cũng thấy như ở nhà mình, là người thân của mình. Nhìn cái cách họ đón tiếp như con cháu trong nhà, để rồi lần nào quay lưng trở về thành phố cũng thấy dường như bỏ sót một mảnh hồn nơi đó, không thể không trở lại.
        Thế mới biết hiểu tại sao trong thơ đồng bằng, chất tình lúc nào cũng chan chứa, đầm sâu, mà nhiều người không quen cho là … sến. Cái sến muốn chắt ra thành nước mắt, cái sến như lớp phù sa cứ bám chặt trong lòng, làm tôi cũng yêu lắm cái sến đó, sến ơi!

  Nhân dịp dầu năm lì xì mọi người vài tấm hình "về miền tây" (chưa công bố bao giờ!)
Cầu Rạch Miễu ngắm từ dòng Tiền Giang

Tuy không được đi xuồng ba lá nhưng vẫn thích
Cầu Rạch Miễu khi đi trên cầu
Về miền Tây xem đờn ca tài tử
Về miền Tây thích nhất ... uống nước dừa
 ăn vú sữa (Tiền Giang)
Và ... bánh đúc chuối miền Tây
Thêm tô hủ tiếu chay (Tiền Giang)
Ngắm cảnh hoàng hôn trên sông nước

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...