“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

tự khúc ngày

Nguyên Hậu





chủ nhật. Sáng!
ban công, em, ly café nhả khói
nốt nhạc rơi đều trên thành cửa sổ
gió mang tiếng chim từ nơi khác vọng về
hòa vào tiếng nhạc
em ngỡ là tiếng anh

chủ nhật. Trưa!
gió lang thang miền lạ
căn phòng nhỏ nóng bức
nắng hanh nồng táp vào da thịt
chiếc bàn nhỏ: sách, bản thảo, internet…
không gian bỗng xoay chiều
miên man…
         cánh đồng đầy gió
                           em và anh…

chủ nhật. Chiều!
tiếng gió đạp trên mái tôn
nhạc đồng quê yên ả bên nhà hàng xóm
quán café chật chội
những bộ óc vô hồn nói cười rôm rả
khói thuốc vòng vèo không có lối ra
nhét mình vào nỗi nhớ
             em - dãy phố dài hun hút…

chủ nhật. Buồn!
mưa nặng hạt
tóc xòa trong nỗi nhớ
em: cô bé chơi nhà chòi
một mình
xếp những chiếc thuyền
                  trôi về phía không anh…

Nhớ nhà...


Nguyên Hậu

           Chủ nhật, không về nhà ở Bình Dương mà ở lại Sài Gòn làm một số công việc còn sót lại trong tuần. Nói là ở trọ, nhưng hầu như tôi chỉ ở những ngày trong tuần khi phải học và làm việc, còn cuối tuần tôi thường sắp xếp chạy về nhà. Được về lại ngôi nhà của mình, gặp mặt những người thương yêu và nhất là tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh tuyệt đối trong một khu vườn có rất nhiều cây giúp tôi nhanh chóng lấy lại tinh thần cũng như sức khỏe sau một tuần làm việc và học tập ở Sài Gòn. Ở nhà, sáng chủ nhật nào tôi cũng dành cho mình ít nhất hai tiếng, ngồi trong phòng, nơi có ô cửa sổ hướng ra vườn. Tôi thích được ngồi một mình, thật bình yên, có khi đọc vài trang trong quyển sách mình yêu thích xung quanh là tiếng nhạc nhẹ, đều cùng tách trà hay café. Có khi chỉ ngồi lặng yên, không làm gì, đó là cách tôi cân bằng cuộc sống của mình.

          Tôi thích về nhà vào cuối tuần vì ở đó, tôi được tự do với chính con người và cảm xúc của mình. Những người trong gia đình rất hiểu tôi, họ không bao giờ làm phiền mỗi khi tôi như thế. Và cuối tuần chính là thời gian thư giãn tuyệt đối mà họ dành cho tôi. Ba mẹ tôi, dường như cũng là một thói quen, hễ cuối tuần là lại muốn có bóng dáng của con gái mình ở nhà, nên tuần nào cũng vậy, cứ chiều thứ sáu họ đã gọi điện, hỏi tôi tuần này có gì bận ở Sài Gòn không, họ rất mong được gặp tôi vào cuối tuần.

 Hee và Thư: hai đứa.... "con muộn" của ba mẹ tôi
        
            Lớn rồi mới thấy quý thời gian được sum họp gia đình đến thế. Cuối tuần là dịp anh chị em tôi sum họp ở nhà. Ba mẹ chỉ có 3 cô con gái, nên khi mấy chị lập gia đình, ba mẹ nhất định muốn các con cất nhà xung quanh, không cho đi xa, một phần là mong mỏi và cũng là niềm vui của họ, muốn được trông coi nhà cửa và giúp đỡ nhau những lúc có chuyện bất trắc. Nói chung, họ không muốn rời xa những đứa con của mình, dù cho các anh chị của tôi có lớn đến mức nào, với ba mẹ, họ vẫn cần sự hỗ trợ, chăm sóc. Ngày trước, ba mẹ chỉ có 3 đứa con, chứ từ khi hai chị tôi lập gia đình rồi sinh con, ba mẹ có thêm 4 đứa nữa (hai anh rể và hai đứa cháu). Ở gần bên nên không có chuyện gì là ba mẹ không biết. Có khi  giữa khuya đang ngủ, nghe đứa cháu nhà bên kia ho một tiếng, mẹ cũng trở mình thức giấc, rồi chạy qua xem có đau ốm gì không. Lúc anh chị tôi đi làm, gửi chúng ở nhà cho ba mẹ, cực thì cực thật, nhưng ba mẹ kiên quyết không cho gửi bên ngoài. Họ nói khi nào chúng lớn lên thì cho đi học luôn, chứ còn nhỏ thì ở nhà cho ba mẹ giữ. Vậy nên chúng quý ông bà nhiều còn hơn ba mẹ chúng. Nhiều lúc về nhà, thấy chúng không rời mẹ tôi nửa bước, đi đâu cũng theo, rồi cùng chơi đùa, tôi cứ nghĩ ba mẹ tôi vừa có thêm hai đứa con ... muộn. Nghĩ mà tức cười... Dạo này đứa lớn hơn đã đi học lớp lá, nhà còn một đứa, mẹ cũng đỡ mệt hơn. Và cứ hễ cuối tuần  gia đình lại đông đủ, mấy đứa cháu lại có dịp  “định cư” bên nhà ông bà ngoại. Nhiều lúc chúng chạy giỡn rầm trời, ồn ào thiệt, nhưng tôi biết ba mẹ tôi vui, vì sang thứ hai, căn nhà lại trở về với trạng thái yên lặng… Yêu làm sao khoảng khắc gia đình được ở bên nhau, đó cũng là ký ức đẹp của mỗi thành viên trong gia đình tôi.

           Tuần này vì có một số việc bận, tôi không về nhà được. Sáng thứ bảy, mẹ nghĩ tôi sẽ về nên chuẩn bị đủ thứ, nhưng khi tôi nhắn tin bảo không về được, chắc mẹ cũng buồn. Rồi mấy đứa cháu cũng gọi điện hỏi: “Dì Út đang làm gì? Sao dì Út hôm nay không về chơi với con?”, nghe xong thiệt chỉ muốn bay về nhà. Nhưng mà biết làm sao được, lại sắp tới thi cử, phải dành thời gian ôn tập. Biết là về nhà sẽ vui, nhưng đổi lại, tôi không thể gạt bỏ được cái hấp lực của việc tận hưởng không khí vui vẻ bên gia đình, nên thường sẽ không thể chuyên tâm học được. Ngày chủ nhật ở nhà sao mà trôi qua thật mau, đến lúc phải đi thật không muốn tí nào mặc dù tuần nào cũng về và nhà cũng không cách thành phố bao xa. Vậy nên tôi càng hiểu và thông cảm cho những người vì hoàn cảnh hoặc quê  ở quá xa, không thể về thường xuyên, cảm giác đó chắc còn lớn hơn của tôi gấp mấy trăm lần…

        Vừa gọi điện thoại về nhà, biết mọi việc cũng bình thường, không có gì đặc biệt ngoại trừ vắng bóng tôi, thấy cũng yên tâm phần nào. Tuần sau là sinh nhật Seung Hee, chắc chắn tôi sẽ về…

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Tản mạn tháng 5

Nguyên Hậu

            
        Tháng 5 bắt đầu bằng những cơn mưa rào ở mảnh đất miền Nam. Mấy bữa nay lên mạng, đâu đâu cũng thấy các tin đăng về việc các tỉnh Bắc Bộ nắng nóng cao độ, có nơi lên đến 40 độ. Trong khi đó ở miền Nam, một ngày nắng thì ít mà thỉnh thoảng lại thấy bầu trời đen kịt những đám mây, có khi trời đổ mưa liền, có khi thấy mây vậy nhưng mưa ở hướng khác. Mỗi lúc như vậy, cái nóng ứ hậm hập, khiến trẻ con dễ bệnh, mà người lớn thì cũng nóng bức trong người. Đó có lẽ là cảm giác còn đọng lại của tôi sau một kỳ nghỉ lễ dài 4 ngày vừa qua. Di chứng còn lại là cảm, viêm họng...nên ngày đầu tiên đi làm lại sau kỳ lễ lại không muốn nói chuyện với ai. 

          Có người nói, mưa là nước mắt của nhân gian, ông trời gom về, tích tụ ở một nơi, khi nào nhiều quá thì đổ xuống trần gian, giải tỏa bớt nỗi buồn cho nhân thế. Nhưng trần gian có bao giờ hết nước mắt, con người có bao giờ hết khổ nếu còn sống giữa cuộc đời? Thật ra không phải chỉ có con người mới khổ mà mọi vật tồn tại trên thế gian này đều có nỗi khổ riêng. Một cái cây, một hạt cát cũng có nỗi buồn, niềm vui. Mưa là nước mắt của muôn loài, ông trời thu nhặt và cất giữ, một lúc nào đó lại đổ bớt đi, biến nước mắt thành những giọt nước mát lành, con người có thể sử dụng để sinh hoạt, cây cối có thể lấy đó là nguồn sống của mình. Làm như thế sẽ giải tỏa bớt những chất chứa của nhân sinh. Một phát minh cực hay của ông trời.Và đó là cách lý giải của một bộ óc “buồn vui thất thường” nào đó!

          À, vậy thì đúng thật! Những khi giông bão nhiều, có nghĩa là nỗi buồn ở nhân gian này quá hạn, con người không ngừng sầu khổ, khóc than. Năm nào những nhà thiên văn học dự báo có nhiều mưa thì năm đó người ta biết thế giới sẽ khổ lắm.  

          Mới bước sang năm rồng, nhiều người đã đồn nhau năm nay sẽ có nhiều thiên tai, xuất phát là do rồng thường phun lửa, phun nước. Tôi không biết phải tin làm sao, nhưng thật sự, nếu năm nay không phải là năm rồng đi nữa thì trời cũng vẫn sẽ mưa, bão, thậm chí … kinh hoàng. Tôi từng đọc ở đâu đó, người ta nói rằng, khi nỗi khổ của nhân gian nhiều quá, khi lòng tham và cái ác con người của con người lan tràn, trời đất sẽ cho một trận đại hồng thủy, cuốn trôi mọi thứ, mọi vật sẽ tận diệt, trái đất sẽ quay trở lại với thời điểm ban đầu. Vạn vật sẽ bắt đầu sinh sôi như thời nguyên thủy. Liệu điều đó có xảy ra không nhỉ?

           Tôi cứ nghĩ trái đất giống như một bà mẹ hiền hậu, luôn muốn bao dung bảo bọc cho những đứa con là loài người, nhưng những đứa con có bao giờ biết dừng những ý nghĩ cao siêu và táo bạo của mình. Và cho dù có thương mẹ của mình đến đâu, những đứa con đó cũng có những lý do để bảo vệ cuộc sống và sự phát triển vô tận của mình khi nào những điều kiện còn cho phép.  Lúc còn nhỏ thì ấp ủ bên gối mẹ, được mẹ cưng chìu, nuôi nấng bảo bọc chẳng tiếc chi. Nhiều khi đứa con đùa nghịch, hỗn hào, mẹ có dạy dỗ, khuyên răn, có khi “thương cho roi cho vọt”, đôi lúc đứa con có khi chỉ sợ cây roi chứ có biết thương mẹ bao giờ? Đến khi trưởng thành, mải miết theo những ý nghĩ vun đắp, xây dựng tương lai, tìm kiếm mái ấm cho riêng mình, đứa con nhiều khi có về thăm mẹ, nhưng những ngày tháng ấy có là bao so với những gì mẹ dành cho con. Có khi tin mẹ bệnh, không thể bỏ dở công việc, con lại gọi điện hỏi thăm, gửi tiền về nhờ người chăm sóc… Thử hỏi lúc đó mẹ có buồn không? Buồn, buồn lắm, nhưng với lòng thương con, mẹ có ngăn cản con bao giờ. Mẹ vẫn cắn răng chịu đựng trong những tháng ngày mòn mỏi chờ con, mong đứa con ấy có ngày “nhớ” đến mẹ. Cho đến một hôm, hơi tàn lực kiệt, dù cho có thương con đến đâu, người mẹ cũng phải lìa bỏ con mình trở về cát bụi. Đến lúc đó, đứa con mới phát hiện ra mình mất cả thế giới, mất cả bầu trời, nhưng như vậy đã quá muộn màng… 

            Từ khi xuất hiện trên trái đất, con người chịu tác động nhiều của tự nhiên nhưng đồng thời cũng cải tạo tự nhiên. Đắp đê ngăn đập, trồng rừng… nhưng những điều đó cốt để bảo vệ cuộc sống con người. Thử hỏi có bao giờ con người làm điều gì đó thuần túy cho thiên nhiên? Vậy nên mới nói, không có tri thức thì thật là tồi tệ, nhưng một khi đã thông minh rồi thì lại đáng sợ hơn. Con người bây giờ muốn giết nhau thậm chí còn không dùng đến vũ khí, chiến tranh không phải đợi đánh nhau bằng vũ lực hay súng đạn mới gọi là chiến tranh. Các nước trên thế giới, muốn hủy diệt nhau chỉ cần bom nguyên tử hay vũ khí hạt nhân cũng đủ thắng, nhưng cũng là cái thắng để thỏa mãn lòng tham, ý muốn được chiến thắng của mình chứ nào có mang lại điều gì tốt đẹp hơn. Người với người còn không thương nhau, cớ gì lại thương cho quả đất! Chỉ nghĩ bấy nhiêu đã thấy đau lòng. Chính lòng tham, sự thù ghét và ý chí chinh phục của con người đang trở thành vũ khí để họ giết hại nhau và hủy diệt chính mình, cần gì đến đại hồng thủy!!

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

có những điều...

Nguyên Hậu

có những điều ta ấp ủ về nhau
               thật dịu dàng, nồng ấm
nên dù gió có lay thêm bao chiều lá úa
lá yêu thương cũng chẳng phai màu

có những điều ta ấp ủ về nhau
như thêm chút ngọt  ngào lên chiếc ly đời quyến rũ
sóng có hỏi đâu, sóng cũng đánh tan bờ cát
ta không đến tìm nhau nhưng tâm tưởng đã thuộc về

lại có những điều ta nghĩ về nhau
như tiếng sét vang lên, xé toang màn đêm yên tĩnh
chợt tỉnh giấc, giật mình, bối rối
ta tìm nhau mải miết đến bao giờ?

khi giữa cuộc đời ta cứ mãi tìm nhau
từng ánh mắt, bờ môi và nồng nàn hơi thở
ngăn cách ta có vạn điều không thể
vẫn tìm nhau… mải miết… giấc mơ về…


Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Yếu tố Hậu hiện đại trong "Không có vua" của Nguyễn Huy Thiệp


     Trần Thị Mỹ Hiền

       Sau năm 1975, văn học Việt Nam vận động theo hai hướng khác nhau, một hướng với các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Mạnh Tuấn, Chu Lai, Xuân Trình, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Dương Thu Hương, Lê Lựu…văn học đổi mới theo khuynh hướng phản sử thi; và Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Hưng…là những nhà văn, nhà thơ đầu tiên đưa văn học nước nhà đổi mới theo một hướng khác, hướng thứ hai, có thể gọi là hậu hiện đại. Và như trên đã trình bày, Chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam chỉ mang tính chất là yếu tố của hậu hiện đại. Trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp cũng thế, yếu tố hậu hiện đại biểu hiện thông qua tâm trạng và cảm quan hậu hiện đại của tác giả. Xin phân tích một vài đặc điểm trong truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp để làm rõ điều này.
    Truyện Không có vua là truyện ngắn kể về cuộc sống trong gia đình lão Kiền. Cuộc sống ấy xoay quanh lão Kiền-một thợ chữa xe đạp; con trai đầu là Cấn-thợ hớt tóc cùng vợ mới cưới là Sinh; tiếp đến là Đoài-một công chức ngành giáo dục; Khiêm-một nhân viên lò mổ; Khảm-sinh viên đại học và Tốn-em út, bị bệnh thần kinh. Thông qua những sự việc xảy ra và cách nhân vật cư xử với nhau hằng ngày, tác giả nhằm gửi đến người đọc những thông điệp về sự tan vỡ của mối quan hệ trong gia đình và sự biến chất của đạo đức con người dưới sự biến động của xã hội.
   Tuy cùng sử dụng một chất liệu với các nhà văn cùng thời như những phương diện tạo nên mặt tối trong đời sống con người cá nhân hoặc trạng thái phong hóa xã hội, nhưng Nguyễn Huy Thiệp lại kể cho chúng ta những câu chuyện hoàn toàn khác hẳn. Đó là những câu chuyện với nhân vật trong Không có vua, một thế giới không hề có sự xuất hiện của nhân vật chính diện, một thế giới như các nhà nghiên cứu từng gọi là “cuộc đời vô nghĩa” trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Một giọng điệu kể khinh bạc, lạnh lùng, thậm chí tàn nhẫn phù hợp với câu chuyện tác giả đưa đến cho người đọc, câu chuyện của lão Kiền, Cấn, Đoài, Khâm…chạy theo những tham vọng phù du của đồng tiền; của cô Sinh lầm lũi chấp nhận cuộc đời vô vị bên người chồng thô bạo; của Khiêm với công việc giết mổ lợn, ngày ngày lấy trộm bộ lòng và hai cân thịt; của Tốn không chịu được bẩn, suốt ngày chỉ biết lau nhà, giặt giũ. Ta có cảm giác các nhân vật không hề nhìn về cuộc sống tương lai phía trước, chỉ là những mưu toan, tính toán chi ly cho miếng ăn hàng ngày, bởi họ quan niệm “có thực mới vực được đạo”. Có chăng thì chỉ là Đoài và Khảm, nhưng tương lai của họ là luồn cúi, nhờ vả để được tiến thân; là lấy cô Mỹ Trinh “con ông Ánh sáng ban ngày” để được hưởng của hồi môn. Những con người chỉ biết cặm cụi phục vụ cho cuộc sống vô nghĩa của mình, cho những tính toán nhỏ nhen, tầm thường. Sự lên ngôi của đồng tiền đã kéo theo nhiều sự đổ vỡ trong mối quan hệ gia đình. Ta không hề bắt gặp trong thế giới ấy đạo lý của gia đình. Tất cả các trật tự trong gia đình bị phá vỡ, xáo trộn: con mỉa mai cha “một miếng vá xăm đáng một chục nhưng tương lên ba chục thì có đức đấy”; cha chửi rủa con; em chồng chọc ghẹo, đòi ngủ với chị dâu; cha chồng nhìn trộm con dâu tắm; em đánh anh…Còn nhiều thứ nữa khiến ta không dám khẳng định đây là một gia đình. Trạng thái nhân thế thì đảo điên,thiếu vắng chuẩn mực giá trị, điểm tựa tinh thần…có lẽ vì thế mà thế giới ấy trở nên vô nghĩa. Thế giới vô nghĩa trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp gần với cái thế giới bơ vơ, rối loạn, đảo lộn của Chủ nghĩa hậu hiện đại, con người không có niềm tin vào giá trị truyền thống và cuộc đời. Và kết thúc mỗi truyện ngắn, tác giả đưa cho người đọc một sự thật trớ trêu hoặc sự thất bại ê chề; điều này gần với kiểu tác giả hậu hiện đại-tân cổ điển. Chính điều này tạo nên trong lòng đọc giả tâm trạng hoài nghi đang tồn tại trong cuộc sống, vậy đâu là ý nghĩa của cuộc sống?
  Bên cạnh đó các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp còn phảng phất tư duy nghệ thuật của hậu hiện đại. Đó là nguyên tắc lạ hóa theo kiểu câu đố, một nền tảng cấu trúc của các trào lưu, trường phái hậu hiện đại. Câu đố chính là logic của cảm giác, tạo cho người nghe một cảm giác tươi rói như lần đầu được nghe bằng cách lạ hóa các khái niệm, tên gọi thân thuộc hàng ngày. Nguyên tắc lạ hóa ở đây chính là điểm nhìn mới mẻ của nhà văn về con người và đời sống. Tác giả khai thác tính cách của nhân vật đối lập với vai trò trong xã hội; tức là không dựa vào hình dáng, công việc mà khai thác trong những mối quan hệ của các nhân vật với nhau. Và tính cách ấy đối lập với nghề nhiệp của họ. Chẳng hạn, nhân vật Đoài-công chức ngành giáo dục, một nhân vật có học thức nhất trong gia đình lại được nhớ đến như kẻ đê tiện và xấu xa nhất. Lão Kiền không được miêu tả với việc sửa chữa xe đạp mà là bắc ghế nhìn con dâu khỏa thân trong phòng tắm. Nhưng Khiêm-nhân viên lò mổ, một gã đồ tể như “tacdang” giết lợn không gớm tay lại để dấu ấn nhờ hành động đứng ra bảo vệ Tốn và Sinh trước sự đối xử tệ bạc của gia đình. Và Tốn-cậu bé bệnh thần kinh, một nhân vật ngây ngô, khờ khạo, bệnh tật nhất trong truyện lại là người giàu tình yêu thương và có sự sáng suốt nhất bởi cậu nhận ra hiện trạng “không có vua” trong gia đình mình.
   Mỗi tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là một trò diễn của câu chữ. Trò diễn ngôn từ ấy được tạo nên bằng cách tạo sự rỗng nghĩa trong câu chữ và người đọc sẽ có những cách hiểu và cảm nhận khác nhau, tùy theo trình độ tư duy và cách tiếp cận. Trong truyện ngắn Không có vua, trò diễn này được thể hiện qua nhan đề, sườn truyện và phát ngôn tư tưởng của tác giả.
   Về nhan đề, “Không có vua” đặt trong bối cảnh của diễn biến truyện có thể được hiểu như sau: “Vua” ở đây không chỉ là người có vai vế lớn nhất mà còn thể hiện trật tự cao thấp trong đạo lý cư xử của con người với nhau. Vua sẽ là người được tôn trọng nhất, kính nể nhất mà mọi người phía dưới đều sợ hãi; đồng thời, vua là người có trách nhiệm nặng nề nhất để lãnh đạo trật tự trong xã hội. Đối chiếu trong một gia đình thì người được mang vai trò “vua” ấy, được kính nể nhất và phải gánh vác trách nhiệm nặng nề nhất là người cha. Và trật tự trong gia đình ấy sẽ được đảm bảo theo tôn ti trật tự, vai vế. Ngay từ nhan đề tác phẩm, “Không có vua” tức là tác giả đã khẳng định mọi quyền hạn và trách nhiệm của người cao nhất trong gia đình đã bị bác bỏ và cái trật tự của xã hội nhỏ bé ấy hoàn toàn bị phá vỡ. Và gia đình của lão Kiền đã rơi vào hoàn cảnh “không vua” như thế. Mà “vua” đối với gia đình lão chính là đồng tiền.
  Về sườn truyện, cấu trúc của tác phẩm đi theo thứ tự các phần: Gia cảnh-Buổi sáng-Ngày giỗ-Buổi chiều-Ngày tết- Ngày thường. Kết cấu tự sự đã trở nên mờ nhạt, khó nhận ra logic nhân quả theo trật tự thời gian. Kết cấu truyền thống đã bị phá vỡ, phân thành những mảnh nhỏ, mang lại cảm giác như một sự lắp ghép các sự kiện một cách ngẫu nhiên của ý thức.
   Đồng thời, truyện của Nguyễn Huy Thiệp phá vỡ quan niệm về sự xác tín trong lời phát ngôn của nhân vật. Lời nhân vật có khi trái ngược hoàn toàn với tư tưởng tác giả gửi gắm. Thế giới trong Không có vua với những nhân vật hành động và nói năng đầy vô nghĩa; qua đó nhà văn đưa đến cho người đọc sự trăn trở về ý nghĩ cuộc sống trên hành trình đi tìm hạnh phúc của con người.
   Ta thấy hầu như các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đều mang một tâm trạng và cảm quan hậu hiện đại như thế. Nó góp phần hình thành nên một xu hướng văn học đang phát triển hiện nay-xu hướng tìm tòi cách tân theo hậu hiện đại.

Ý nghĩa các biểu tượng trong tác phẩm “Dạ khúc chim” của Taha Hussein


 Trần Thị Mỹ Hiền
Giới thiệu tác phẩm:
Tác phẩm được Taha Hussein viết năm 1934 có tựa đề trong nguyên tác Pháp ngữ là “L’appel du Karaouan” tạm dịch là “Tiếng hót của loài chim Karawan”. Đây có thể nói là một trong những sáng tác nổi bật nhất, là một tác phẩm “thơ mộng và bi thảm([1]) nhất của Taha Hussein. Tác phẩm thể hiện tính nhân văn và tinh thần nhân đạo cao cả, một nỗi lòng uất nghẹn và cũng là một tiếng kêu thảm thiết thốt ra từ vực thẳm của trái tim. Và đây cũng là tác phẩm duy nhất của ông được dịch và công bố tại Việt Nam sau bao nhiêu năm trời xuất hiện.

* Tóm tắt truyện:
Truyện được kể như một dòng hồi ức của nhân vật Amena, cũng là một trong những nhân vật chính của câu chuyện về cuộc hành trình trên sa mạc cuộc đời.
Đó là cuộc hành trình của ba mẹ con Zohra, Hanadi và Amena. Vì người cha của hai chị em Hanadi phạm phải một trong những điều giáo luật mà gia đình họ tộc đã trục xuất ba mẹ con họ phải lưu vong. Trên đường đi, vì phải kiếm tiền sinh sống ba mẹ con chia nhau vào làm người giúp việc cho những người chủ giàu có. Cô chị đến giúp việc cho một viên kỹ sư trẻ tuổi và bị hắn quyến rũ phải thất tiết. Trong khi đó người em thì lại được sống trong một gia đình giàu có và phúc hậu. Ở đây, cô được làm bạn với cô gái Khadiga, con của ông chủ là viên Ma’mour trong vùng, cùng với điều đó là cô được theo học ở trường tử tế cùng với cô bạn của mình. Ở đây cô được tiếp xúc và thụ hưởng lợi ích học tập cùng với những người giàu có, tiến bộ. Đó cũng chính là nền tảng cho những ý tưởng nổi loạn của cô sau này.Tuy nhiên vào một ngày kia, khi người mẹ biết chuyện của người chị đã nhất quyết đưa hai chị em rời khỏi chỗ này bằng bất cứ giá nào. Vì đối với bà cũng như với tất cả mọi người trong thế giới Hồi giáo, những điều mà Hanadi đang gánh chịu là một tội lỗi đồng thời là một vết nhơ không thể nào rửa sạch. Và trong chuyến đi “vượt biển” để tìm về quê hương, họ đã vô tình gặp lại ông cậu, cũng là một người sùng tín. Ông đã ra tay hạ sát người chị ngay trên sa mạc và khỏa lấp đến không còn dấu vết. Điều đó đã trở thành nỗi ám ảnh và là vết thương lòng khiến Amena quyết định rời bỏ mẹ và người cậu độc ác để tìm về phương Đông, nơi có gia đình mà cô từng được yêu quí. Cô muốn đi tìm ánh sáng cuộc đời mình, tránh xa những con người tàn nhẫn kia. Hơn nữa dụng ý của cô cũng là muốn tìm đến người đã gieo đau khổ cho chị của mình để trả thù. Tuy nhiên cuối cùng người con gái ấy vẫn không thể vượt qua được rào cản của trái tim mình, khi cô đã trót yêu viên kĩ sư. Truyện kết thúc nhưng lại mở ra một lối suy nghĩ cho người đọc, và chính chúng ta sẽ là người tìm ra lời giải đáp cho số phận của họ.

Ý nghĩa các biểu tượng trong tác phẩm “Dạ khúc chim” của Taha Hussein.

Đọc tác phẩm “Dạ khúc chim” của Taha Hussein, ngoài những chi tiết sự kiện, cốt truyện hấp dẫn thì một bộ phận không nhỏ làm nên giá trị tư tưởng tác phẩm nằm ở các biểu tượng. Từ đầu đến cuối truyện người đọc bắt gặp rất nhiều biểu tượng mang ý nghĩ tượng trưng cho tác phẩm như hiệu ứng tiếng chim đêm, bóng ma và hình tượng phương Đông. Đây là những biểu tượng hàm chứa một ý nghĩa nhất định và là chìa khóa giải mã ý nghĩa tư tưởng cho tác phẩm. Taha Hussein đã rất dụng ý khi xây dựng những hình ảnh này, bởi nó sẽ là những phương tiện phát ngôn cho tác giả.
Trong thủ thuật xây dựng tác phẩm, tác giả có rất nhiều cách để tạo điểm tựa cho nhân vật kể chuyện hướng vào. Trong cuộc sống cũng thế, khi ta có một nỗi niềm cần chia sẻ nhưng không thể nói với ai, ta cũng thường tâm sự với một đối tượng nào đó, có khi là cây cỏ, gió mây, có khi là dòng sông, là cơn sóng…Cái cơ bản là tìm một đối tượng, điểm tựa tinh thần cho ta bộc lộ cảm xúc. Không ngoài điều đó, Taha Hussein cũng để cho nhân vật của mình tìm đối tượng tâm sự, nhưng không hoàn toàn là những vật vô tri vô giác, đó là tiếng chim Karawan. Đó vừa là một thủ pháp nghệ thuật, vừa thể hiện dụng ý của tác giả.
Tại sao tác giả chọn loài chim đêm mà không là một biểu tượng nào khác? Trước tiên ta thấy chim không phải là một biểu tượng vô tri vô giác mà là một giống loài có tư tưởng, tình cảm. Tiếng chim cất lên trong đêm thật nhỏ bé và yếu ớt, một sự hiện diện thầm lặng, đáng thương. Thế nhưng tiếng chim ấy lại được cảm nhận bằng đôi tai, bằng tâm hồn thính nhạy của nhân vật Amena khi nó thường xuyên xuất hiện, đánh thức cô, theo cô vào cả trong giấc ngủ, thì thầm tâm sự sẻ chia những biến cố trong tâm hồn nhân vật. Ta thấy tiếng chim xuất hiện và theo suốt cuộc hành trình của ba mẹ con nhân vật Amena và giữa họ có sự liên thông tư tưởng, cảm xúc và những mối lo ngại với nhau. Ban đầu, tiếng chim thường là người bạn tâm tình của Amena những khi đêm về. Sau đó, tiếng chim xuất hiện nhiều hơn và trở thành tín hiệu để dự báo trước những bất trắc cho nhân vật. Tiếng chim đánh thức giấc ngủ của cô khi có sự nguy hiểm hay có gì đó xảy ra trong thế giới xung quanh. Ta còn nhớ rất rõ đoạn tác giả miêu tả cô bé Amena bị đánh thức trong cái đêm gã ‘Abd El Galil bị giết, tiếng chim lúc đó thật gấp gáp, có chút gì lo âu và sợ hãi. “Ngươi có mặt đây rồi hỡi loài chim yêu dấu, đêm tối tràn ngập tiếng hót hối thúc xa vắng của ngươi như một lời kêu la cầu cứu. Có chuyện gì xảy đến? Ngươi báo trước tin gì? Ngươi muốn gì nơi ta? Ai xúi bẩy ngươi chống lại ta? Ta vừa chợt thiếp ngủ thì ngươi vội đánh thức ta dậy, tựa hồ như ngươi đã hứa và quyết tâm không để cho ta ngủ yên, tựa hồ có người giao nhiệm vụ cho ngươi gọi ta dậy giữa đêm khuya để bắt ta ý thức về những gì đang diễn ra chung quanh, những gì mà trong ngọt ngào ệm dịu của cơn mộng lành ta không hề biết đến.”
Chi tiết đó cho thấy dường như tiếng chim ấy như đang làm nhiệm vụ đánh thức mọi người trong đêm tối trước những biến cố, bất an trong cuộc sống. Và điều đó cũng mang một ý nghĩa biểu tượng, tiếng chim như tiếng kêu thống thiết của những con người nhỏ bé, thân phận của những kiếp đời bất hạnh trong nền đen của một xã hội đang đè nặng lên con người. Tuy nhỏ bé nhưng loài chim ấy có thể biết được những bất trắc trong cuộc sống, điều đó chứng tỏ loài chim đó là đại diện cho những con người ít nhiều có tư tưởng tiến bộ nhưng hoàn toàn nhỏ bé, cô đơn. Tiếng kêu ấy thống thiết, hối hả nhưng chẳng ai có thể cảm nhận được ngoài cô bé Amena, bởi lẽ khi tiếng kêu ấy cất lên thì mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, xung quanh được bao phủ bởi một màn đêm tĩnh mịch, dày đặc bóng tối. Chính vì vậy tiếng kêu cất lên như muốn đánh thức mọi người nhưng ý nghĩa của nó thì hoàn toàn bất lực. Ta tự hỏi tại sao tác giả lại chỉ để cho mỗi nhân vật Amena cảm nhận được tiếng chim còn những người khác thì không? Tiếng chim làm câu chuyện thêm phần sinh động, làm cho người đọc thấy rằng có một nhân vật đang đồng hành cùng câu chuyện của chúng ta. Nhưng dường như không phải chỉ có vậy. Biểu tượng tiếng chim còn cho chúng ta thấy được một ý nghĩa khác. Đó là sự thức tỉnh của con người trước những bất công trong cuộc sống. Ở đây tác giả muốn cho chúng ta thấy rằng, có rất nhiều những kiếp đời bất hạnh, chịu sự đè nén của xã hội đang lên tiếng kêu than, tha thiết như khẩn cầu, muốn đánh thức mọi người thoát khỏi những bất công mà hệ thống đạo luật gây ra. Thế nhưng tiếng kêu ấy không đủ sức để thay đổi thực tế, tiếng kêu ấy hàng đêm vẫn vọng về nhưng hoàn toàn bất lực. Bởi vì đó là cả một hệ thống bền vững cứng nhắc, như một gọng kiềm kẹp chặt cuộc sống con người. Ta vẫn biết trong những đạo luật của Hồi giáo có những điều không thật sự quan tâm đến quyền sống của con người. Nó không thể hiện được tính nhân bản vốn có của cuộc sống. Bằng lòng là tôn giáo nào cũng đều muốn hướng con người tới những điều tốt đẹp, thế nhưng với một số điều luật quá khắc khe, không quan tâm đến lợi ích thiết thực về quyền con người, đã gây ra không ít những bất hạnh cho bao kiếp đời, đặc biệt là người phụ nữ. Những điều luật đó được đặt ra và được thi hành chủ yếu là để bảo vệ cho lợi ích của một số tầng lớp người trong xã hội, nhằm củng cố những quyền lợi thiết thân của giai cấp thống trị. Nhưng họ đã bỏ qua những lợi ích hết sức nhân bản của con người, đó là quyền được yêu và sống cho tình yêu của mình. Trái tim luôn có những lý lẽ riêng, vô cùng nhạy cảm. Ta không thể lấy những luật lệ cứng nhắc để đè nén, kiềm hãm thậm chí thủ tiêu một cách tàn nhẫn. Tuy nhiên cho dù các đạo luật ấy có hà khắc đến đâu cũng không bằng sự hà khắc, ích kỷ trong chính bản thân con người. Họ chẳng khác nào những người Hồi giáo cuồng tín, thực hành một cách cứng nhắc những luật lệ hà khắc nhưng cũng không ngoài mục đích là muốn bảo vệ lợi ích của mình. Tâm hồn họ chai sạn, khô cứng, họ không hề cảm nhận được niềm vui hay nỗi đau đớn của cơn đam mê và hơn hết là không cảm nhận được rằng có một tình yêu vượt lên trên sự trách mắng, tủi nhục và trừng phạt. Và cũng không đâu xa lạ khi ta chứng kiến hành động của những người thân trong gia đình Amena. Khi người cha bị chết vì lỡ phạm phải một trong những điều trong giáo luật, đó là ngoại tình, gian dâm…những người trong gia tộc sẵn sàng truất bỏ ba người phụ nữ đáng thương ra khỏi gia tộc, bởi theo họ đó là một vết nhơ không bao giờ rửa sạch. Và càng tàn nhẫn hơn khi chỉ vì danh dự mà người cậu sẵn sàng xuống tay giết chết đứa cháu gái tội nghiệp của mình. Còn gì tàn nhẫn hơn!
Có lẽ ai trong chúng ta những người có tư tưởng tiến bộ đều nhận thấy rõ những hạn chế đó, tuy nhiên muốn thay đổi hay thức tỉnh những con người như thế thì thật là không dễ dàng. Cho nên tiếng chim ấy chỉ có thể đánh thức được Amena, Hanadi hay chút gì ở người mẹ nhưng hoàn toàn không thể đánh thức được người cậu của cô, tiếng kêu ấy không đủ sức để bắt ông ta dừng lại tội ác cũng như càng không đủ sức đề níu lại sự sống cho người chị. “Tiếng kêu của chúng tôi bốc lên trời, chúng tôi hoài công kêu cứu”. Điều đó phần nào cho thấy được hiện thực khắc nghiệt và cay đắng dành cho những số phận không may trở thành nạn nhân của hệ thống giáo luật ấy mà đặc biệt là người phụ nữ..
Ông cậu trong tác phẩm chính là biểu tượng cho loại công cụ thi hành những luật lệ mà giáo luật Hồi giáo đặt ra. Ông là một tín hữu Hồi giáo nhưng đồng thời cũng là một công cụ tay sai đắc lực cho việc thực thi những điều luật mà Hồi giáo đặt ra. Ông thi hành tội ác của mình một cách rất thản nhiên, không một chút động lòng cũng như không hề hối hận sau khi đã làm tất cả những gì ông cho là cần thiết. Hình ảnh đó muốn nói lên rằng, đạo Hồi là một tôn giáo, và song song đó là những luật lệ đặt ra bắt con người phải tuân theo. Không ai có thể cũng như có quyền thay đổi vì đó là cả một hệ thống cứng nhắc, bên trên lại có đấng Allah tối cao ngự trị và điều khiển. Đó là một điều hiển nhiên. Không ai trong chúng ta có thể thay đổi được. Chính vì vậy mà hành động của người cậu cũng là một hành động hiển nhiên và sẽ không phải bị bất cứ hình phạt nào dành cho ông. Hành động của ông được đấng Allah bảo vệ, vì ông chính là một tín hữu súng tín nhất của thế giới ấy. Có những điều tưởng như là hiển nhiên nhưng lại vô cùng nhức nhối với chúng ta.
Ngoài ra trong tác phẩm tác giả còn xây dựng những bóng ma màu đỏ. Đây cũng là một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng trong tác phẩm. Tại sao lại có sự xuất hiện những bóng ma ấy? Nếu chúng ta đọc kỹ thì sẽ thấy bóng ma bắt đầu xuất hiện ở chương 10, khi người chị Hanadi đang ở vào một tâm trạng đau khổ, thất vọng và dường như thấy cả đáp án của cuộc đời mình. Chị sống nhưng thấy trước cái chết đang chờ đợi. Kể từ khi ông cậu xuất hiện, cái dây thòng lọng kết thúc cuộc đời như treo sẵn trước mặt chị, chỉ chờ đến lúc hành hình. Và chính trong tâm trạng tuyệt vọng ấy, chị đã nhìn thấy những bóng ma, vô số những bóng ma màu đỏ đang theo chị, dự báo cho chị biết trước số phận của mình. Sau đó, khi chị Hanadi bị giết chết, những bóng ma ấy như hiện về thường  xuyên hơn, nhưng lúc này lại là Amena nhìn thấy. Trong giấc mê man, cô nhìn thấy người chị của mình hiện về xung quanh chị là vô số những bóng ma, đặc biệt là dòng suối máu đỏ tươi. Nó tạo thành một nỗi ám ảnh kinh hoàng theo suốt cuộc hành trình của nhân vật sau này. “Thật là khủng khiếp! Suối máu càng lúc càng trào vọt ra cuồn cuộn, máu tung tóe khắp nơi, mọi sự đều biến thành đỏ, các bóng ma dường như nhận ra được tôi, họ tiến lại gần, muốn ôm lấy tôi. Kinh hoàng tôi buột miệng thét kên, những tiếng thét của tôi vang dội khắp phòng, như máu trào vọt ra và nhuộm đỏ mặt đất” ( Chương 11)
Bóng ma là biểu tượng cho hàng trăm nghìn những số phận cùng chịu chung một nỗi bất hạnh như chị Hanadi, đó là những người phụ nữ, họ là những nạn nhân của những điều luật khe khắc mà Hồi giáo gây ra. Họ sẽ mãi là những bóng ma không thể nào siêu sinh được, bởi cuộc đời dành cho họ những cái chết cay đắng. Bóng ma cùng dòng suối máu hiện ra để biểu trưng cho những bất công mà giáo luật Hồi giáo gây ra, phản ánh một tình trạng đen tối, thê thảm của xã hội. Dòng suối máu trào vọt một cách mãnh liệt bao nhiêu chứng tỏ đã có nhiều người phải hy sinh tính mạng của mình một cách oan uổng bấy nhiêu. Còn gì kinh hãi và xót xa hơn trước hoàn cảnh con người trong một xã hội như vậy.
Bóng ma xuất hiện như dự báo cho Hanadi biết số phận của mình, xuất hiện trong giấc mơ của Amena để đánh thức tâm hồn cô, thôi thúc cô một ý định là muốn vượt thoát ra tất cả những bất công ấy. Ban đầu, khi Amena hình thành ý định trả thù cho chị của mình, bóng ma thường xuyên xuất hiện để thôi thúc, cổ vũ cho ý định của cô. Thế nhưng kể từ khi cô có tình cảm với viên kỹ sư, hình ảnh người chị và những bóng ma không còn xuất hiện trong căn nhà ấy nữa. Chi tiết này cho thấy một ý nghĩa hết sức nhân văn, nhân bản và đồng thời cũng là dụng ý, cốt lõi tinh thần của tác phẩm. Những bóng ma ấy ban đầu cũng không nhìn nhận ra được vấn đề, họ là nạn nhân của những cuộc tình, nạn nhân của luật lệ Hồi giáo, và tuy mất đi nhưng trong họ luôn luôn có ý muốn trả thù những người gây ra bất hạnh cho cuộc đời họ. Nên khi Amana muốn trả thù, họ theo cô để cổ vũ cho hành động đó. Tuy nhiên cuối cùng họ cũng nhận ra một điều hết sức nhân bản đó là tình yêu có sức mạnh vạn năng, có thể thay đổi mọi thứ. Chính những bóng ma làm cô xóa bỏ lòng thù hận và làm theo sự mách bảo của trái tim mình. Nếu nghĩ theo cách khác ta thấy dường như chính họ đã dẫn dắt Amena đi đến  với người kỹ sư, họ muốn cô dùng tình yêu để hóa giải mọi thứ kể cả lòng thù hận, muốn cô được sống hạnh phúc với tình yêu chân thật của trái tim mình. Bởi chính người kỹ sư cũng như bao cặp tình nhân khác họ đều không có lỗi, vì tình yêu là cảm xúc chân thật của trái tim mình và nó đáng được trân trọng. Có tội chăng chính là những luật lệ do lý trí con người tạo ra. Vì vậy, những bóng ma trong tác phẩm có ý nghĩa biểu tượng phản ánh, lên án những bất công mà xã hội gây ra cho biết bao số phận con người. Bóng ma tan đi khi con người được cảm nhận và sống đúng với những giá trị chân chính của cuộc sống, và đó cũng là lúc tội ác và những bất công không còn tồn tại.
Ngoài ra trong tác phẩm ta còn thấy xuất hiện biểu tượng về phương Đông, một nơi mà cô bé Amena khao khát tìm về để tìm thấy hạnh phúc cho cuộc sống của mình. Tuy không cụ thể là nơi nào, tác giả chỉ hướng cho nhân vật tiến về phương Đông, chính điều này đã làm nên ý nghĩa tư tưởng cho tác phẩm. Phương Đông không đâu khác chính là biểu tượng cho sự văn minh, tươi sáng, nó đối lập với bóng tối của phương Tây. Phương Đông là hướng của mặt trời mọc, là biểu trưng cho ánh sáng văn minh và cuộc sống tốt đẹp. Điều đó thể hiện cho chúng ta thấy được  niềm tin cũng như sự khao khát được thoát ra khỏi màn đêm u tối của xã hội hiện tại của các nhân vật Amena hay cũng chính là nhà văn. Nó thể hiện tinh thần nhân văn của tác phẩm mang đến cho người đọc.
Tuy là người Ai Cập, chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng Hồi giáo, tuy nhiên Taha Hussein có một  nhìn nhận rất tiến bộ về những vấn đề còn tồn tại trong thế giới Hồi giáo. Ông là hiện thân của những cải cách xã hội, nhằm bảo vệ quyền sống của con người. Không những là một nhà cải cách giáo dục, ông còn là một nhân vật quan trọng trong việc đưa ra yêu cầu đòi sự dân chủ, bình đẳng xã hội đặc biệt là người phụ nữ. Ông thể hiện một sự tôn kính và yêu quí rất mực đối với những người mẹ, người vợ, người chị…trong các tác phẩm của mình. “Dạ khúc chim” cũng là một trong những tác phẩm như thế. Tác phẩm là một tiếng nói trữ tình tha thiết, nhẹ nhàng nhưng không kém phần mạnh mẽ để đả kích vào những điều luật không có sự quan tâm đúng mức tới cuộc sống con người như không được ngoại tình, trai gái không được gian dâm trước khi cưới hỏi… thậm chí là những quy định khắc khe trong giáo luật Hồi giáo trong việc thể hiện lòng tôn kính ngưỡng mộ vô hạn đối với đấng Allah tối cao. Bản thân những điều luật ấy đều có những khía cạnh tốt của nó, đó là tránh những quan hệ sai lầm, nhằm bảo vệ hạnh phúc đích thực và toàn vẹn của con người. Nhưng cuộc sống có bao giờ trọn vẹn theo ý muốn của một cá nhân ai, đặc biệt là những nhu cầu sống rất nhân bản của con người càng không thể kiểm soát và cấm đoán một cách cứng nhắc được. Taha Hussein là người trong thế giới Hồi giáo nhưng đã nhận ra điều ấy. Tuy không thực sự mạnh mẽ lên án một cách trực tiếp nhưng qua tác phẩm ông đã để cho người đọc tự nhận ra và có một hành động  phù hợp cho bản thân mình. Ở phần cuối, Taha Hussein đã để cho tác phẩm kết thúc mở, nghĩa là không nói rõ Amena và viên kỹ sư đó sẽ như thế nào, liệu Amena có từ bỏ ý định trả thù hay sẽ vì lòng thù hận mà rời xa người mình đem lòng yêu mến…Một dấu chấm hỏi nhưng bên trong đó lại gợi ra bao điều và trong đó cũng đã có một phương án trả lời dành cho chúng ta. Chúng ta có quyền tin tưởng tình yêu rồi cũng sẽ chiến thắng lòng thù hận, Amena lại là người luôn khao khát tìm đến một chân trời hạnh phúc của riêng mình. Amena chính là nhân vật thể hiện những tư tưởng của chính nhà văn, một niềm tin, hy vọng vào sự nổi loạn sẽ đưa nàng và những người phụ nữ khác  tìm được nguồn hạnh phúc cho riêng mình. Tác phẩm như một lời thông điệp nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc mà nhà văn gởi đến với tất cả mọi người đặc biệt là hệ thống giáo luật mà người dân Hồi giáo đang thi hành.


(1) Chữ dùng của tác giả Hoài Khanh trong lời giới thiệu cuốn Dạ khúc chim
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...