“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Thư gửi tía!



Nguyên Hậu

Bữa cơm đạm bạc với canh rau tập tàng và tép rim nước dừa do tía nấu

Chiều, nghe “Về quê ngoại” tự dưng nhớ tía vô cùng. Nhớ những ngày được ở cùng tía, được tía thương yêu chăm sóc. Nhớ mái nhà ấm cúng của tía, những bữa cơm có tía, má ăn cùng. Lúc đó, tía má có một đàn con rất ngoan, ai cũng hăng hái đi chợ, nấu nướng, ăn uống xong bữa còn biết giúp tía rửa chén (chỉ mỗi con gái út là hư thôi). Con gái tía không giỏi nấu ăn, để tía nấu, thương dáng tía đứng nấu ăn sau bếp vô cùng. Thương mảnh vườn tía má vun trồng, nhiều cây xanh, nhiều cây ăn quả, nhiều rau xanh cho bữa cơm hàng ngày. 

Con thường hỏi tía, ngoài con, tía còn hai chị gái, sao tía lại thương con tía nhỉ? Tía chỉ cười, con biết mình vu vơ quá chừng!!! Có một điều con chắc chắn, trọn đời này tía thương con, con cũng thương tía, đúng không? Nhiều lúc ở Sài Gòn bon chen, nhiều việc làm con buồn đến rơi nước mắt. Lúc đó chỉ cần cầm điện thoại gọi về cho tía, dù không biết chuyện gì đã xảy ra với con gái bé bỏng, chỉ cần tía nói: Tía hiểu, tía chia sẻ với con… Mỗi một câu nói thôi cũng làm con thấy mình mạnh mẽ lên rất nhiều!
Thương tía, ngoài tình cảm của đứa con dành cho tía của mình còn là cả một khoảng trời thương yêu của một đứa con không cùng quê dành cho mảnh đất cội nguồn. Không máu mủ ruột rà, nhưng ngay từ ánh nhìn đầu tiên, tía đã hiểu những điều chất chứa trong lòng đứa con “thất lạc”. Gương mặt nghiêm nghị nhưng phúc hậu, ánh mắt tía nói lên một điều: Tía hiểu, tía thương và san sẻ với con! Hiểu được những điều trong mắt tía, con chỉ muốn rơi nước mắt. Ước gì trọn đời được sống gần tía, lo lắng chăm sóc cho tía, như thể tía là tía ruột của con.

Từ nay con thấy mình không cô đơn, có tía quan tâm chia sẻ với con những điều trong nghề, những xúc cảm bình thường nhưng chỉ những người trong nghề mới cảm. Tía cho con một tình thương vô bờ bến, như lời tía nói: con gái tía còn thơ dại, tía cũng không có gì ngoài tình thương tía dành cho con.

Chiều nay, nhớ quê càng thấy đong đầy hình ảnh tía. Thương những câu nói tía dành cho con như đứa con ruột bé bỏng thơ dại của mình. Mỗi ngày được nói chuyện với tía, lo lắng tới sức khỏe của tía con thấy mình thật hạnh phúc. Không biết từ duyên gì đã làm cho tía con mình gần nhau, hả tía.

Ngày trước, cách đây chừng 2 năm, gặp tía lần đầu, tía nói đùa những câu rất vu vơ nhưng con hiểu không phải ai cũng có thể nói những lời như tía. Nhưng không hiểu sao, giờ những câu nói đó lại quay trở lại với tía con mình chứ không phải với một người khác.  Có lẽ từ hôm đó, con và tía đã có duyên!

Tía à, dù ở xa, không thường xuyên bên cạnh tía nhưng con hứa sẽ cố gắng sống thật tốt. Con sẽ chứng minh cho tía thấy khả năng của con gái tía. Tía nhớ giữ gìn sức khỏe, vui sống một cuộc đời thật thanh thản tía nhé!
Con thương tía! Gửi muôn vàn tình thương đến tía!

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Nhà thơ Đơn Phương - Người viết tiếp Quần tiên hội của Hàn Mặc Tử đã qua đời


Nguyên Hậu
Nhà thơ Đơn Phương
“Hồn từ giã xác thân ra khỏi thế
Bay về trời hay bay mãi về đâu?
Dưới không gian lướt thướt ánh nhiệm màu
Xác bất động nằm im trong tê dại…”

Đọc đoạn thơ trên, nếu không biết tên tác giả có lẽ sẽ gợi lên cho chúng ta nhớ về những vần thơ rướm máu của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Mấy ai biết rằng đó lại là dấu vết tâm hồn của một thi nhân cùng chịu chung một trong “tứ chứng nan y” với thi sĩ họ Hàn và cũng vô cùng có duyên với thi sĩ này, nhà thơ Đơn Phương.
Đơn Phương tên thật là Trần Hồng Phương, sinh năm 1940 (đúng năm mất của nhà thơ Hàn Mặc Tử) đã từ giã cõi đời vào ngày 15/11/2012 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, sau đó đưa về an táng tại nghĩa trang bệnh viện phong Bến Sắn, xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. 
Sinh ra tại An Nhơn Tây – Hóc Môn (theo ông Võ Long Tê trong lời tựa Quần tiên hội), cha mẹ sớm thất lạc nên 4 tuổi đã vào cô nhi viện. Đến năm 1961, vì mắc bệnh phong, Đơn Phương nhập trại phong Bến Sắn, cùng một ngày với ông Nguyễn Văn Xê – một người bạn của Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn.([1])

Sáng tác rất nhiều thơ (từ lúc 18 tuổi) nhưng chỉ khi tác phẩm kịch thơ Quần tiên hội (viết tiếp kịch thơ theo ý tưởng của Hàn Mặc Tử, hoàn chỉnh năm 1988, xuất bản năm 1991) nhà thơ Đơn Phương mới được giới thi đàn biết đến. 
Năm 1972, một cơn bệnh ập đến tàn phá thể xác nhà thơ dữ dội. Trong thời gian dưỡng bệnh, ông dành thời gian đọc và nghiền ngẫm tác phẩm Quần tiên hội của Hàn Mặc Tử cùng những ý tưởng về ba chương còn lại mà Hàn Mặc Tử ghi lại trước khi qua đời. Ông đã lấy hết tinh lực của tâm hồn triển khai tiếp ba hồi Quần tiên hội Hàn Mặc Tử bỏ dở. Đến năm 1988, Quần tiên hội hoàn chỉnh gồm 5 hồi do Hàn Mặc Tử khởi thảo và Đơn Phương hoàn thành gồm 700 câu thơ (trong đó có 41 câu thơ của Hàn Mặc Tử).
Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn chương, báo chí, văn nghệ, đặc biệt là những nhà nghiên cứu sâu sắc về thơ Hàn Mặc Tử cũng đã có những lời khen ngợi ấn tượng về bút lực nhà thơ này. Võ Long Tê – một người chuyên nghiên cứu thơ Hàn Mặc Tử từng nhận xét về nhà thơ Đơn Phương như sau: “Đơn Phương có đủ thiện chí và tài năng hóa thân, nhập thần thành một Hàn Mặc Tử… Đơn Phương tỏ ra sở đắc nhất thơ Hàn Mặc Tử… Nồng độ chất thơ Hàn Mặc Tử chúng ta thường gặp trong những lúc Đơn Phương lập lại những từ ngữ và phong cách của Hàn và ngay cả trong những lúc Đơn Phương hứng bút sáng tạo” (1991).
Nhạc sĩ Tô Kiều Ngân từng mạnh dạn góp ý với nhà thơ Đơn Phương về việc cho ra mắt Quần tiên hội rằng: “Tiếp nối công trình của Hàn Mặc Tử nên lời thơ và phong cách của Đơn Phương rất ăn ý nhịp nhàng với không khí của Quần tiên hội của người xướng xuất, điều đó tưởng cũng là một điểm son, không có tài dễ gì thực hiện được… Giá như được phép có một lời khuyên, xin khuyên Đơn Phương rằng: Trên đầu sách cứ mạnh dạn đề một tên Đơn Phương mà thôi, bên dưới chú thích thêm là Viết tiếp kịch thơ Quần tiên hội theo đề cương của Hàn Mặc Tử là được. Khỏi cần đề hai tên Hàn Mặc Tử - Đơn Phương như đã làm. Sợ có người hiểu lầm chăng?” (1991).
Đài truyền hình Việt Nam trong một chương trình giới thiệu về nhà thơ Đơn Phương có đoạn: “Người ta nói, từ câu thơ số 42 trở đi là do Đơn Phương chấp bút. Nhưng đọc Quần tiên hội hầu như không nghe vết cắt, cũng không thấy bước ngoặt. Tất cả như được sinh ra do cùng một phong cách. Hình như thi sĩ họ Hàn không chịu yên lặng cõi vĩnh hằng, muốn mượn hồn thơ Đơn Phương để một lần nữa hát lời tình yêu từ trái tim đau đớn. Phài nói là kỳ lạ, Đơn Phương không trở thành cái bóng của Hàn Mặc Tử. Nhà thơ đã mượn tâm hồn anh để cất lên những lời xé lòng, đứt ruột nhưng khát sống, khát yêu đến tận cùng, đến cháy bỏng. Một tâm hồn lành lặn trong veo, một hồn thơ diết da đầy xúc cảm, đó là tất cả những điều vô giá ẩn chứa trong hình hài một con người bị bệnh tật hủy hoại này”.
Thi phẩm nhà thơ Đơn Phương để lại cho đời gồm có:
- 19 tập thơ: Thương quê (1958-1964), Gái tu (1964-1967), Gọi hồn (1968), Huyết thơ (1969), Xuân thiêng ra đời (1967-1971), Bạch Ngọc (1971), Tình Mạ Ngọc (1972), Tình Uổng Tử (1972), Hồn Bay Cao (1972), Hành Khất Ca (1983-1989), Nguồn Như Như (1992), Lưu Luyến (1995), Vu Vơ 1,2,3,4,5,6 (1980 - 2008), Giọt nắng hoàng hôn (2008).
- Bốn kịch thơ: Lệ Trăng (1965), Quần tiên hội (1988), Vườn xuân Thánh (1990), Hồn rụng non tiên (1993).
- Tám truyện thơ: Hận Trường Ca (1989), Giao Châu Trường Hận (1990), Ngọc Đàn Thanh (1991), Khói Cuộn Rừng Hương (1995), Máu nhuộm vườn trăng (1997), Lời ca hoang (1997), Thiên tình đất Thủ (2000).
- Ba tuyển ký gồm những bài văn xuôi tổng hợp.
Tuy tác giả chưa có điều kiện công bố hết các tác phẩm cũng như đọc giả chưa thể tiếp cận hết các tác phẩm của ông, nhưng với số lượng tác phẩm đồ sộ như trên cũng phần nào thấy được tài năng và bút lực của nhà thơ có số phận đặc biệt này.


[1] Theo Nguyễn Đắc Thắng – Những dòng tơ, NXB Văn Nghệ, 2009.

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Người thầy dạy Văn



Nguyên Hậu



Đã qua lâu lắm cái thời sinh viên chen chân ở Sài Gòn, Nghĩa giờ đã là một thầy giáo thực thụ của một ngôi trường có tiếng ở Bình Dương, cũng sắp sửa lập gia đình, vậy mà mỗi năm đến ngày 20/11 cậu lại tất tả đón xe về quê, dù có bận bịu thế nào. Có năm ngày này không rơi vào chủ nhật, kẹt lịch dạy ở trường thì cứ ngày chủ nhật trước đó mấy ngày, thể nào cậu cũng đón xe về quê cho được. Quê Nghĩa tận An Giang, nếu đi xe máy từ Bình Dương mất ít nhất 5 tiếng đồng hồ, còn đi xe đò, dễ chừng phải hơn 6 tiếng. Bạn bè quen biết ai cũng khen hắn “chạy khỏe” và “làm siêng”. Mấy đứa bạn thời phổ thông, trừ đứa nào học gần nhà hoặc quanh quẩn ở quê thì ngày này thể nào cũng sẽ họp lớp, rủ nhau đến nhà những thầy cô dạy hồi đó, trước là thăm hỏi, sau là những cuộc nhậu rề rà, vui vẻ cả ngày. Nghĩa có mấy đứa bạn, hồi trước không thi đậu đại học, vẫn ở lại dưới quê, năm nào thấy cậu về cũng cảm động. Có đứa vui tính hay ghẹo cậu bằng mấy câu như “thằng này siêng dữ”, vậy mà ai cũng quý, cũng thương.
Tôi gặp và quen Nghĩa ở Sài Gòn, hồi còn là sinh viên. Mặc dù Nghĩa học sau tôi một khóa nhưng trong cung cách nói chuyện, nhiều lúc tôi thấy cậu như một ông già (nói đúng ra là có cung cách của một thầy giáo), ăn nói chững chạc, ẩn chứa nội tâm và bao giờ cũng buồn buồn. Hồi đó do có trao đổi nghiên cứu, lại có chút quan tâm nên mọi hành tung của Nghĩa tôi đều nắm. Mỗi năm, trừ dịp hè, tết và những kỳ lễ dài ngày, tôi để ý hễ vào khoảng sau dịp 20.11 vài ngày, khi đi ngang nhà trọ, lúc nào Nghĩa cũng gởi cho tôi mấy bịch bánh kẹp (một loại bánh quen thuộc của người miền Tây, không rõ làm bằng nguyên liệu gì nhưng tôi biết có nước cốt dừa và thơm thoang thoảng mùi sầu riêng). Những lúc đó tôi biết Nghĩa vừa từ dưới quê lên.
Một ngày nọ, nhân lúc hai chị em hẹn ngồi ăn ốc, tôi đặt một câu hỏi có ý trêu cậu:
-                      Về thăm thầy cô hay có hẹn với cô nào ở dưới?
Nghĩa xem tôi là người chị thân thiết, cậu tỏ ra buồn buồn, ngồi trầm ngâm hồi lâu, rồi kể.
Ngày trước nhà Nghĩa có bốn người, cha mẹ, cậu và một đứa em gái. Nhà ngoài sáu công  ruộng chuyên trồng lúa, cha mẹ có nuôi thêm mấy con bò giống. Chuồng bò đặt ngoài đồng, đêm nào cha cậu cũng ra đó ngủ để canh bò. Một buổi sáng, cậu mang cơm ra đồng thì không thấy cha thức dậy nữa. Cha cậu mắc sương khuya, trúng gió, chết một mình không kịp trối lại mẹ con Nghĩa câu nào. Lúc đó Nghĩa học lớp sáu, em gái cậu học lớp một. Từ đó cậu trở nên tháo vác hơn, hàng ngày phải phụ mẹ làm thay những phần việc ngày trước cha cậu làm. Nhờ vậy mà nhìn Nghĩa to, khỏe, trưởng thành hơn những đứa cùng tuổi, và cũng vì vậy mà Nghĩa có vẻ lầm lì hơn.
Mỗi ngày Nghĩa đi học một buổi, còn một buổi về phụ mẹ việc nhà, việc đồng và thay cha chăm sóc mấy con bò. Có những đêm canh bò, không ngủ được, cậu ngồi ngắm trăng, ngắm đồng, thổi sáo và làm thơ.
Không biết do có sẵn tâm hồn văn chương hay máu lãng tử mà những bài thơ Nghĩa làm, bài nào cũng đậm đà, man mác buồn và có tình vị quê hương. Năm lên lớp bảy, Nghĩa được học một ông thầy dạy Văn. Trong lớp, cậu vẫn là đứa học trò bình thường, tuy nhiên nếu để ý kỹ sẽ thấy có chút tự ti, mặc cảm. Cậu ít nói chuyện, chỉ bày tỏ cảm xúc trong những bài tập làm văn. Nghĩa kể, trong một lần làm bài, khi phân tích nhân vật bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, do vết sẹo trên mặt mà Thu không nhận ông Sáu là cha. Lời phân tích tuy bám vào tác phẩm nhưng dường như cậu đã mang hết tất cả tâm tình đặt vào nỗi khổ tâm của nhân vật ông Sáu, đồng thời thương cảm cho sự thiếu vắng tình cha của bé Thu. Bài văn đó cậu được thầy giáo cho điểm cao nhất lớp. Bạn bè ai cũng ngưỡng mộ nhưng không hiểu tại sao cậu lại có sự vượt trội trong bài viết đó. Cũng có đứa nhận ra nên đã kể lại với thầy.
Một buổi chiều sau khi tan học, trên đường về nhà, Nghĩa thấy thầy đứng chờ ở đằng xa. Đợi Nghĩa tới, thầy kêu cậu ghé vào một quán nước ven đường để nói chuyện. Tuy đã quen với giọng giảng bài của thầy trên lớp nhưng chiều hôm đó Nghĩa bỗng thấy giọng thầy êm ấm lạ. Thầy đã ngoài 40, đã có gia đình và 2 người con. Trong cuộc nói chuyện, thầy đã xưng “thầy” và gọi Nghĩa bằng “con”. Lúc đó trong lòng cậu trào dâng một cảm xúc rất lạ. Lâu lắm rồi cậu không được nghe tiếng gọi ấm áp đó. Không một người đàn ông nào ngoài cha gọi cậu bằng tiếng gọi thân tình đó. Rồi cậu kể cho thầy nghe hoàn cảnh gia đình, về sự ra đi của cha. Nhưng không giống những lần khác, trong cậu không có cảm giác mặc cảm mà thay vào đó là cảm giác được chia sẻ và tin cậy. Đối diện Nghĩa lúc này là thầy, nhưng bờ vai ấy, ánh mắt ấy làm cậu khao khát được tựa vào bằng tình thương của một đứa con với cha của mình.
Sau buổi chiều ấy, nỗi buồn trong lòng Nghĩa vơi đi phần nào. Ngày ngày vẫn một buổi đi học, một buổi ở nhà làm việc gia đình nhưng trong cậu đã có thêm động lực. Cậu cố gắng học đều tất cả các môn nhưng thật sự về khả năng văn chương lại có phần trội hơn. Ngoài những bài tập làm văn ở lớp, cậu bắt đầu tập tành sáng tác, những bài thơ ngô ngê, có ngắn có dài, và thỉnh thoảng lại gởi cho thầy.
Hết cấp hai, lên cấp ba, Nghĩa được sang trường mới học. Nhưng không biết vô tình hay trời đất sắp đặt, cậu gặp lại thầy trong ngôi trường mới. Do có bằng đại học, thầy được chuyển lên dạy cấp ba. Bạn bè Nghĩa, có đứa được học lại thầy cũ vui mừng hớn hở, nhưng với cậu đó là một điều có ý nghĩa đặc biệt.
Lên cấp ba, nhà trường bắt đầu lập đội tuyển ở tất cả các môn để dự thi học sinh giỏi. Không chút do dự, cậu đăng ký vào đội tuyển Văn. Nhưng vì kết quả học tập của cậu tốt ở tất cả các môn, đặc biệt là các môn tự nhiên nên không ít giáo viên muốn cậu gia nhập vào đội tuyển của mình. Lúc đó Nghĩa đã phân vân giữa môn Văn và môn Toán. Mọi người ai cũng ngạc nhiên, không hiểu sao hai môn có vẻ đối lập và chẳng ăn nhập nhau như vậy mà cậu có thể học giỏi cả hai được. Thật ra với tư duy nhạy bén, cậu học các môn tự nhiên rất tốt, nhưng trong thâm tâm, cậu vẫn thấy mình gắn bó đặc biệt với môn Văn. Có những chiều ra đồng giữ bò, thơ thẩn với mây trời, cậu thấy tâm hồn mình thật thoải mái. Cậu thấy yêu rất nhiều ngôi làng mình đang sống, yêu những cánh đồng quanh năm cho ra hạt lúa nuôi sống bà con dân làng. Và đặc biệt hơn, cậu luôn ấn tượng với mùi của đất, mùi rơm rạ thoang thoảng và mùi khói đốt đồng sau mỗi mùa gặt. Những bài thơ “con cóc” thời cấp hai có lẽ cũng từ những cảm xúc đó mà ra. Với cậu, văn chương là nơi gửi gắm tâm hồn mình, là nơi thể hiện niềm vui, nỗi buồn, và hơn cả văn chương giúp cậu thấy yêu quê mình hơn. Vậy mà đúng lúc đó chính thầy đã khuyên Nghĩa nên vào đội tuyển học sinh giỏi môn Toán. Điều này làm cậu vô cùng bất ngờ. Lẽ ra thầy phải ủng hộ cậu thi môn Văn chứ. Vì nếu vào đội tuyển Văn, cậu sẽ được thầy tiếp tục hướng dẫn và bồi dưỡng. Cậu sẽ có điều kiện được ở gần thầy, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với thầy. Vậy mà thầy đã khuyên Nghĩa điều ngược lại. Lúc đó trong lòng cậu thấy giận thầy lắm.
Rồi Nghĩa cũng miễn cưỡng vào đội tuyển Toán, tham gia lớp bồi dưỡng và đi thi. Kết quả, cậu trượt. Ai cũng ngạc nhiên vì vốn dĩ Nghĩa là đứa có triển vọng nhất đội tuyển, là niềm hy vọng của bao nhiêu thầy cô trong trường. Vậy mà kỳ thi năm đó Nghĩa không mang giải nào về cho trường, trong khi một đứa bạn khác trong lớp vốn không được đánh giá cao lại đạt giải. Mấy đứa bạn thân, đứa nào cũng thắc mắc, và nghĩ rằng có lẽ hôm đó Nghĩa bệnh nên làm bài không tốt. Sau đợt thi, ai nấy đều thấy Nghĩa buồn nên cũng không dám hỏi thêm, chỉ biết động viên cậu cố gắng. Vậy mà có một người biết lý do, đó là thầy.
Cũng trong năm đó, khi làm hồ sơ dự thi Đại học, Nghĩa nộp đơn vào hai trường, một là trường Đại học Bách Khoa, một là ngành Ngữ Văn trường Đại học Sư Phạm. Thì ra từ lâu Nghĩa đã ấp ủ hình ảnh một thầy giáo dạy Văn như thầy và quyết tâm thực hiện điều đó. Còn bộ hồ sơ nộp vào trường Đại học Bách Khoa chỉ là theo tư vấn của các thầy cô trong trường. Mọi người đều hy vọng Nghĩa sẽ đậu và mang danh dự về cho trường. Cuối cùng, tuy đã làm được điều đó, nhưng cậu đã có sẵn sự lựa chọn cho riêng mình.
Hết bốn năm đại học dưới mái trường Sư phạm, năm đầu tiên sau khi ra trường, cậu xin về dạy tại một ngôi trường ở Bình Dương vì có người chị bà con cũng lập nghiệp ở đây. Đúng vào ngày 20/11, cậu đón chuyến xe sớm nhất từ bến xe miền Đông về An Giang, tới nhà đã gần mười hai giờ trưa. Chiều hôm đó Nghĩa sang nhà thầy. Cây ổi trước nhà thầy năm nào nay đang vào mùa ra quả. Cậu nhớ về mùa ổi năm cách đây gần mười năm, khi còn là một cậu bé cấp hai, chiều chiều, mỗi khi có bài viết nào hay, Nghĩa đều mang qua cho thầy. Lần nào ra về trong tay cũng cắp theo một rổ ổi xá lỵ thơm lừng. Cây ổi giờ đã già, tán lá cao hơn nhưng mỗi năm đến mùa này nó đều trổ bông rồi ra quả, gió thoảng đưa mùi hương. Bao năm theo học trên thành phố cậu vẫn không thể nào quên mùi hương ấy. Mỗi khi có ai đó đẩy xe ổi qua trước cổng trường, Nghĩa đều chạy ra mua vài trái, nhưng sao nó không thơm và ngọt như những quả ổi của thầy.
Gặp lại thầy, trong lòng Nghĩa xôn xao bao cảm xúc lạ. Dáng thầy vẫn như ngày nào, chỉ có điều tóc bạc nhiều hơn, sự đi lại có phần chậm rãi. Duy có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là giọng nói, vẫn cái giọng hiền từ, ấm áp như ngày nào. Bốn năm trời trên giảng đường Đại học, tuy rất muốn về thăm thầy nhưng có gì đó mâu thuẫn khiến cậu không dứt khoát.  Nghĩa quyết tâm thực hiện bằng được điều mình mơ ước trước khi về gặp thầy, tìm ra nguyên nhân ngày xưa thầy từ chối cậu. 20/11 năm ấy cũng là bước ngoặc đầu tiên đánh dấu Nghĩa bước chân vào nghề giáo. Hai mươi mấy tuổi đầu, nhưng khi đứng trước mặt thầy, Nghĩa thấy mình như bé lại. Bỗng chốc Nghĩa thấy mình trở lại hình ảnh cậu trò nhỏ cách đây mười năm. Cậu học trò ấy tuy nội tâm nhưng tinh nghịch và cũng dễ dỗi hờn. Vậy nên sau mấy câu chào hỏi vui vẻ, Nghĩa bỗng lặng im, gương mặt thoáng buồn. Những biến động trong lòng học trò thầy hiểu rất rõ, tuy nhiên người vẫn ngồi lặng. Chờ đến khi Nghĩa quay lại, cất tiếng hỏi “Sao hồi đó thầy không muốn nhận con vào đội tuyển?”, thầy mới nhẹ nhàng, nhấp ngụm nước trà, hướng mắt nhìn xa xăm. Nhìn thấy thầy lúc đó, tự dưng cậu thấy như mình có lỗi. Sao một đứa như mình có thể trách thầy, có thể hỏi thầy như thế. Nhìn thầy một lúc, cậu xoay mặt ra cánh đồng trước mặt, nhìn xa xăm. Hai thầy trò lúc này trong tư thế song song nhau, cùng nhìn về một hướng. Tuy cả hai không nói lời nào nhưng dường như đó chính là lúc sự giao cảm lan tỏa. Qua cử chỉ, dường như cậu đã hiểu ra điều gì. Quay đầu lại nhìn thầy, không hiểu sao, Nghĩa rơi nước mắt. Giọt nước mắt cậu nuốt ngược vào trong bấy lâu, sau cái ngày thầy khuyên hãy đi thi môn Toán nay mới được tuôn ra. Trong thâm tâm, cậu giận vì thầy đã bỏ rơi cậu, là thầy không muốn làm chỗ dựa cho tâm hồn cậu nên mới dứt khoát, không nhận cậu làm đệ tử. Kể từ ngày hôm đó, lòng cậu trống vắng biết bao. Một sự thiếu thốn tình cha đã trổi dậy, cậu lại thấy mình mặc cảm, bơ vơ. Lòng cậu như vừa đánh mất một cái gì đó, tuy chỉ là thay thế nhưng ý nghĩa vô cùng. Từ ngày mất cha và quen biết thầy, trong thâm tâm Nghĩa luôn xem thầy là cha của mình, tuy không trọn vẹn nhưng chí ít cũng phần nào lấp bớt cảm giác trống vắng, lạc loài.

Tối hôm đó về nhà, lòng cậu như được giải thoát khỏi cái mớ bòng bong mà cậu tự giăng mắc trong lòng bấy lâu nay. Thì ra, khi trong cậu giận thầy thì thầy cũng vô cùng khổ tâm. Bởi chính thầy đã chủ động làm điều đó, chẳng khác nào tự gieo nỗi khổ cho mình. Là người cùng làng, mỗi ngày nhìn thấy ba mẹ con Nghĩa lầm lũi, sáng ra chợ bán mớ rau, về nhà lại ra đồng, rồi quần quật tối ngày không được nghỉ ngơi. Từ ngày cha Nghĩa mất đi, tuy cậu ra sức đỡ đần nhưng vì còn lo việc học, và với sức lực của cậu thì làm sao bằng vai trò trụ cột của người cha. Mẹ Nghĩa ngày càng gầy đi, lại còn đứa em kém cậu năm tuổi còn đi học. Thầy muốn cậu học tốt môn Toán và những môn tự nhiên để sau này có thể thi vào những ngành kinh tế, ra trường có thu nhập tốt, đỡ đần phần nào kinh tế cho gia đình. Nếu cậu là con gái thì có lẽ thầy sẽ nghĩ khác. Là người suốt đời theo nghiệp văn chương, giảng dạy văn chương, thầy biết rõ sự chật vật về mặt kinh tế cũng như những khổ tâm mà cái nghiệp này mang lại. Người ta thường nói văn là nghiệp, ít khi nào tâm trí được thảnh thơi. Cũng như cậu, nếu không đam mê và dính nghiệp văn chương, chắc gì cậu đã mang nỗi ấm ức với thầy lâu đến vậy. Và cũng chắc gì cậu đã trưởng thành và nặng tình với mảnh đất quê này đến thế.
Ngày cậu khăn gói lên thành phố học, các bạn cứ tưởng cậu sẽ theo học trường Bách Khoa. Chỉ có thầy, tuy không ai nói nhưng thầy biết rất rõ những ý nghĩ và hành động của cậu học trò. Có lẽ vì vậy mà thầy càng thương và luôn âm thầm dõi theo cậu.
Bây giờ Nghĩa đã trưởng thành, cũng là một thầy giáo dạy Văn, truyền lửa cho bao nhiêu thế hệ học trò, nhưng năm nào 20/11 cậu cũng dành thời gian về quê thăm thầy, cũng là thăm lại người cha thứ hai của mình.


11.2012
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...