“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Từ câu hát "Ví dầu..."

Chi Lan

"Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi"…

Buổi trưa, bên nhà ai đó văng vẳng tiếng hát ru. Từ xa xưa, những bà mẹ dỗ con ngủ trên cánh võng đong đưa thường cất tiếng hát ru. Và biết bao câu hát đã ra đời bên chiếc nôi truyền thống của con trẻ như thế. Những câu hát thiên hình vạn trạng, mang sắc thái riêng của vùng miền, hay phổ biến quen thuộc trên cả nước đều được cất lên từ cảm xúc, tình yêu thương gắn bó của con người với quê hương, làng xóm, với những người thân thiết. Nhưng không chỉ vậy, câu hát còn ghi dấu những sinh hoạt, cách sống, cách nghĩ của cả một thời…
Trong những câu ca dao miền Nam, loại câu hát “Ví dầu” chiếm một số lượng không nhiều lắm nhưng lại rất thú vị bởi những biểu hiện độc đáo mặn mòi của nó. Hãy thử điểm qua một vài câu “Ví dầu” quen thuộc. Bắt đầu là câu hát mộc mạc đơn giản nhất như:

"Ví dầu ví dẩu ví dâu,
Ví qua ví lại ví trâu vô chuồng"

Câu ca dao lũ trẻ thường hay hát nghêu ngao chẳng cần để ý gì đến nội dung ý nghĩa của nó nhưng khi đọc đi đọc lại, hiện ra trước mắt ta nét đặc thù của đời sống nông nghiệp luẩn quẩn, tù túng của người nông dân, nghèo khổ, cùng cực với công việc đơn điệu thô sơ ngày qua ngày như câu hát buồn, để rồi họ lại cất tiếng than:

"Ví dầu nhà dột cột xiêu,
Muốn đi lấy vợ sợ nhiều miệng ăn".

Quả là một suy nghĩ rất thực tế! Cái thực tế thực đến nổi bật lên cả tâm trạng não nùng của anh thanh niên đang hát. Cái nỗi sợ muôn đời của những người nghèo bởi cảnh tượng gia đình đông vui lại trở thành tai hoạ, thành sự nơm nớp lo âu. Cứ hình dung cảnh chàng trai ấy đang ngồi trong “nhà dột cột xiêu” của mình, buồn bã với nỗi cô đơn mà xa xót trong lòng. Có lẽ vì vậy mà những món ăn ngon, dù là của đồng ruộng cũng thường ám ảnh tâm trí nhiều người, nên nhiều câu “Ví dầu” đã vang lên trên từng mảnh vườn, từng con rạch, bờ sông:

"Ví dầu tình Bậu muốn thôi,
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi Bậu ra
Bậu ra Bậu lấy ông câu
Bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu
Kho tiêu, kho mỡ kho hành
Kho ba lạng thịt để dành Bậu ăn".

Bài ca dao như một câu chuyện “hôn nhân gia đình” xưa. Hai câu đầu hoàn toàn là chuyện thế thái nhân tình, là chuyện gút mắc vợ chồng, trong đó cô vợ có vẻ đanh đá, thủ đoạn trong cách ứng xử. Nhưng chuyện “Bứt nài, tháo ống” cũng là chuyện thường tình. Sự thú vị có lẽ nằm trong phần sau. Hoá ra cái món “cá bống kho tiêu” cùng với “ba lạng thịt” ấy quả là ngon và quý đến nổi cô vợ quyết lấy ông câu để được ăn? Dĩ nhiên đó chỉ là một cách ví von nhưng qua đó ta vừa thấy được sự ngọt bùi của cá bống, loài cá thường ra khỏi hang bám vào những giề lục bình mùa nước nổi để thành một món ăn ngon đặc biệt vùng châu thổ; vừa thấy nếp sống khổ cực của người nhà quê, vừa thấy sự hiếm hoi của từng miếng thịt trong bữa ăn hằng ngày của họ. Vì vậy đằng sau sự mỉa mai, châm biếm của câu hát hình như vẫn ẩn chứa chút ngậm ngùi thương cảm!
Cũng có lúc, câu hát “Ví dầu” chỉ là để miêu tả như thể phú đơn thuần của ca dao:

"Ví dầu cá lóc nấu canh
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm"

Nhắc đến món ăn quen, nhân dân xưa vẫn có cách làm mới câu hát bằng cách hoán vị từ rất thú vị. Lẽ ra phải “Bỏ tiêu cho thơm, bỏ hành cho ngọt” mới đúng. Qui luật câu thơ lục bát đã dẫn đến sự sáng tạo trong cách đổi chỗ cho những mùi vị trên khiến câu hát lấp lánh hẳn lên, đồng thời cũng là thử thách với người thưởng thức về sự sâu sắc, tinh tế trong ca dao. Nhưng hay nhất, sâu lắng nhất vẫn là câu hát “Ví dầu” mà ai cũng thuộc lòng bởi từ bao đời nó vẫn được hát ru bên nôi trẻ.

"Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi.
Khó đi mượn chén ăn cơm,
Mượn ly uống rượu, mượn đàn kéo chơi…"

Ở hai câu đầu, bài ca dao có vẻ chỉ nhằm ý mô tả những hình ảnh thường thấy ở làng quê: Cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghình (ghềnh). Và dĩ nhiên, gập ghình như thế ắt dẫn đến chuyện “khó đi”. Ý thơ lại liền mạch, chặt chẽ bởi sự lặp đi lặp lại của từ “mượn”: Mượn chén, mượn ly, mượn đàn. Thoạt nghe, cũng chưa thấy gì lạ lùng, đặc biệt. Ừ thì chắc có khách đến chơi nên phải đi mượn? Nhưng mà, nhà nghèo khó gì đến một cái chén ăn cơm, một cái ly uống rượu cũng thiếu? Mà uống rượu đế, rượu nếp thì cần gì nhiều ly? Thiếu chăng là thiếu tiền mua rượu. Hay đi mượn chén, mượn ly lại là chuyện mượn tiền? Không, bài ca dao không hề nhắc điều đó. Để rồi cuối cùng, đến chi tiết “mượn đàn kéo chơi” ý tứ như mở ra, lồng lộng, tuyệt vời. Một chữ “chơi” đã làm nên thần sắc, hồn vía của bài ca dao nói riêng và cả vùng đất Nam Bộ nói chung. Tất cả nét phóng khoáng, hào sảng, thênh thênh của những lưu dân đi mở đất đã nằm trọn trong tiếng đàn kéo chơi ấy. Rõ ràng cuộc sống vất vả lam lũ hằng ngày không làm mất đi vẻ đẹp của nếp sống bình dị mà tươi tắn, nhọc nhằn mà nhẹ tênh của những bần nông biết vượt lên số phận để có được niềm vui, niềm hạnh phúc. Có lẽ từ những ngày xa xưa ấy, câu ca tiếng hát, chút rượu đưa cay trong từng lần quây quần họp mặt đậm đà nếp sống cộng đồng ấy đã đem lại chút nồng ấm, nên thơ cho từng cảnh đời cơ cực. Và họ cứ thế mà:

"Kéo chơi ba tiếng đờn cò
Đứt dây đứt nhợ quên hò xự xang".

Hay làm sao khi cuộc vui bốc trời đến “đứt dây đứt nhợ”! Có thể dây đàn đứt, tiếng đàn hết vang nhưng sợi dây đàn trong tâm hồn thì vẫn còn rung mãi, rung mãi cho đến hôm nay, khi câu hát cứ tiếp tục cất lên từ lời ru của những người bà, người mẹ. Điểm lại vài câu ca dao với hình thức những câu hát “ví dầu”, bức tranh sinh hoạt và đời sống tâm linh của người dân Nam Bộ như hiện ra trước mắt, thấm sâu vào suy nghĩ tình cảm của những người yêu quí nó. Ai đó từng nói “không gì làm trẻ trung, tươi mát tâm hồn con người cho bằng tắm trong nguồn suối của văn học dân gian”. Quả đúng như thế, chỉ cần ngân nga một bài ca dao, một câu hát ầu ơ… ví dầu nào đó, lòng ta đã bay bổng, lâng lâng. Hãy nghe câu hát ru một lần nữa cất lên, êm ả, ngọt lịm buổi trưa hè:

"Ví dầu cậu giận mợ hờn,
Cháu theo cùng cậu kéo đờn cậu nghe"...

C.L (Cần Thơ)
Nguồn: http://vannghesongcuulolng.org

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Mặt trời mọc (The Sun Rises) - Ngô Kha (1964)


Tặng các bạn tôi – Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Khóa 16
Dedicated to my friends - Reservist Cadets at Thủ Đức, 16th class


1.
Cửa mắt này rộng mở cho thời gian đi qua
This gate to the eyes opens for time's passage
người con gái ngày xưa
girls of days past
người con gái hôm nay
girls of today
tôi không còn nhớ
I no longer recall
hay chỉ là mơ hồ
or only dimly
nước mắt nào làm thành chuổi ngọc xanh
which teardrops became a jade chain
thế kỷ này nằm bệnh và tôi chờ em đem tiếng hát
this century lays sick and I await your song
lời vu vơ
vague words
vẫn là lời vu vơ ấy
still these vague words
cho tôi biết ngày mai mặt trời làm gì
so I'll know tomorrow what the sun will do
tình yêu em mang làm tôi phiêu du đến chân trời nào đó
the love you bring makes me wander off to some distant horizon
tôi không nói gì
I say nothing
dù vẫn còn trên trái đất
though still remaining upon this earth
và như loài thảo mộc
and like a sort of vegetation
thèm ăn hương đồng với sương mai
craves the fragrance of mist-laden fields
nghĩ đến ngày xưa em làm người yêu lấy hoa dệt áo
I think of long ago, you were a lover who bore flowers, wove a shirt
nghĩ đến bây giờ người con gái đan áo cho tình nhân bằng nước mắt
think of today the girl who sews a shirt for her lover from her tears
thời chinh chiến này
this time of war
nói chuyện về cái chết của đứa con trai
talking of the death of a son
thản nhiên
calmly
lịch sử cũng biết khiêu vũ
history also knows formal dancing
mọi người cùng đi điệu valse
everybody waltzed together
mọi người cùng theo điệu twist
everybody also did the twist
chiến tranh nhảy rock
in war they jump about to rock

2.
Cho tôi ở lại bộ binh để làm nữ hoàng của chiến trận
Let me stay with the infantry to be the battle's queen
buổi mai thức dậy thấy ánh nắng vô tư diễn hành trên các đọt cây
at the morrow awakening seeing indifferent sunlight displayed upon seedlings
doanh trại đẹp như những vần thơ
a billet lovely as a poem
Tôi nhớ đến rượu hoàng hoa
I remember princely wine
mà tủi thương người lính thú
that grieves for the border guard
cho tôi làm người lính gác giặc
let me be the soldier keeping watch for an enemy
những chiều đóng quân nghe âm thanh cao vút của rừng thông
evenings encamped I hear the high whistling of the pine forest
lặng chờ tiếng gọi âm thầm tự trong lòng đất huyền bí
silently awaiting the gloomy call from the heart of the mysterious earth
hỡi những người lính Tàu, lính Nhật, lính Mỹ, lính Pháp
hail soldiers, Chinese, Japanese, American, French
những người Cộng Sản
Communists
cát bụi công bình mà thương cho số phận tất cả
the dusty sand is fair, it pities the fate of them all
bởi ai đã chối bỏ chìa khóa mở cửa chốn địa đàng này
for who would refuse the key that opens this door to paradise
nên bây giờ có những lũ người đi vào bằng bạo lực
now there's a mob of people entering by force
Ta phải chiến đấu
We must fight
nên ta phải sống bằng sự thức tỉnh và báo động thường trực
so we must live through awakening and permanent alarm
chúng ở đây
they're here
chúng ở đó
they're there
người lính gác giặc phải thức suốt đêm canh
soldiers keeping watch for the enemy must stay awake the whole long night
rồi ngày cũng sẽ tàn
then day will break
đêm không còn nữa
night will be no more
anh lính gác giặc
soldiers keeping watch for an enemy
chúng ta giã từ vị trí bố phòng trở về mái nhà nằm ngủ với chim bồ câu
we bid farewell to our defensive positions and return home, lie down sleeping with doves
rồi bình minh đi xem những cây lúa trổ bông – nhắn nhủ cho tất cả mọi người – sự phá sản này làm cho tôi nhiều đêm thức ngủ
then at dawn go out to see the rice in bloom -- a gentle reminder to all -- this insolvency gives me many sleepless nights

3.
Người con gái không hiểu nỗi buồn của người lính chiến
Girls cannot understand a soldier's sadness
tôi vẫn thèm nói đến câu "hữu thân hữu khổ"
I still desire to speak the words "by existing you have hardship"
như lời nguyền rủa chân thành loài người của tôi
they're like an honest curse for those of my kind
như mỗi lần tôi hằng nói
like I always say
chọn cuộc đời làm ngôi mộ
choosing life you're making a grave
Hãy vẽ thật huy hoàng trên cái chết
Just depict it splendidly upon death
người Ai Cập có Tự tháp
The Egyptians have pyramids
người Hy Lạp có Nhã điển
The Greeks have Athens
người Da Đen có thánh ca
Blacks have spirituals
Việt Nam có tuẩn tiết
Vietnam has martyrs
chúng ta hẹn hò bất diệt
we promise for all time
như dân tộc Việt Nam bao lần đứng lên
as the Vietnamese people so many times have stood up
ca dao làm mạch sống
folk lyrics making a vital source
Cách mạng để thành công
For the revolution to succeed
đất mẹ xưa vốn gầy
the motherland was always lean
người yêu ta từng khóc
our lovers have cried
bóng tối dẹp tan
night shadows clear it away
ta ngồi trông mặt trời mọc
we sit and watch the sun rise
ngày mai ngoài đồng cỏ ca hát
tomorrow in the fields, the grasses sing
mọi người đi hái hoa
everyone goes picking flowers
chúng mình gọi tên nhau ngày hồi sinh
we call each other by name on this day of recovery
em mặt trời mọc
you, the rising sun
và anh Tự-Do.
and myself, Freedom.

Nguồn: Mai, số 40 năm 1964. Trích lại từ Thơ Miền Nam Thời Chiến tập II, Thư Ấn Quán xb, năm 2008) - trích từ "Viết lúc 4AM – Hành trình văn chương của Ngô Kha" trên blog Trần Hoài Thư


Thú thật tôi chưa được hiểu rõ về đời của thi sĩ Ngô Kha. Tôi biết ông là bạn thân của Trịnh Công Sơn và cũng có vẻ như văn chương của Ngô Kha được làm ảnh hưởng cho ông nhạc sĩ này. Ngô Kha là một người lính Việt Nam Cộng Hòa nhưng cũng được coi như một người liệt sĩ của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Các bài trên mạng viết về bài thơ "Mặt trời mọc" rằng đây là một bài thơ "chống cộng." Tôi không đồng ý. Đây chính là một bài thơ về thân phận người trong thời chiến. Hay nói cho đơn giản hơn một bài thơ phản chiến - nhưng nói thế có lẽ cũng quá đơn giản. Điều tất nhiên là một bài thơ như "Mặt trời mọc" đã không thể ra đời nơi phía Bắc đường vĩ 17.

Bài thơ đầy ý nghĩa này có những cặp hình ảnh đối lập:

lính và con gái
chiến tranh và hòa bình
sống và chết
ngày xưa và hôm nay (với thêm một hình ảnh mặt trời là ngày mai)

Xưa và nay lính có những vai trò "gác giặc" "đóng quân" "chiếu đấu." Có lẽ người lính đến gần với các con gái qua những "nỗi buồn," nhưng thực sự các con gái "không hiểu" được nỗi buồn ấy. Vai trò của con gái là "đem tiếng hát," nghĩa là cũng làm chàng trai lính say mê - "tình yêu em mang làm tôi phiêu du." Nhưng người con gái thì vẫn đảm - xưa thì "lấy hoa dệt áo," nay thì "đan áo."
Sống thì không dễ - "hữu thân hữu khổ." Còn lính cũng phải "sống bằng sự thức tỉnh và báo động thường trực." Sống cũng thành chết: "chọn cuộc đời làm ngôi mộ." Nhưng với lính thì ngôi mộ cũng có thể thành những công trình tưởng niệm. Nếu là các nước vĩ đại xưa (Ai Cập và Hy Lạp) thì công trình này đã huy hoàng (Tự tháp, Nhã điển để lại đời đời). Dân da đen thì được một công trình tưởng niệm ngọt ngào (là các thánh ca). Song "Việt Nam có tuẩn tiết." Cuối cùng thì lính chỉ mong chờ cái chết: "lặng chờ tiếng gọi âm thầm tự trong lòng đất huyền bí." Nhưng trong thời chiến tranh ý cuối này cũng mỉa mai: "bởi ai đã chối bỏ chìa khóa mở cửa chốn địa đàng này / nên bây giờ có những lũ người đi vào bằng bạo lực." Chiến tranh thì cũng có mặt bình thường - sự "thản nhiên" khi nói đến con trai mình bị chết; một "doanh trại đẹp như những vần thơ." Vậy việc hy sinh mình cũng hơi vô vị.
Xưa và nay: Lịch sử thì "biết nhảy". Xưa có bước nhịp êm như valse (nhưng dù nhạc valse được coi như êm đềm một chút, thực ra hồi mới phổ biến thì valse cũng bị coi như một nhịp nhảy cuồng nhiệt). Rồi nhịp điệu thời đại cũng thành nhanh và mạnh hơn như nhịp twist và rock. Nhưng thực sự cũng khó phân biệt con gái xưa và nay - chỉ nhớ "mơ hồ / nước mắt nào làm thành chuổi ngọc xanh."
Vậy xưa và nay có những cái chung, nhưng ngày mai thế nào? Ngày mai là "mặt trời mọc": "bóng tối dẹp tan." Có phải mặt trời này / ngày mai này - gọi là ngày hồi sinh - chỉ đơn giản là hòa bình với "đồng cỏ ca hát / mọi người đi hái hoa." Mặt trời tiêu biểu cho một tương lai lý tưởng, cái đẹp, cái cao siêu
Tôi nghĩ rằng bài thơ này có một cách nhìn toàn bộ rất đáng khám phục. Lời nguyền rủa "hữu thân hữu khổ" thuộc mọi người lính chiến - xưa và nay. "Lòng đất huyền bí" gọi lên một cách vô tư (công bình). Rồi Ngô Kha nhắc đến những lính đã đặt chân trên đất Việt trong "thế kỷ nằm bệnh" này, còn nhắc đến kẻ địch của các sĩ quan trừ bị Thủ Đức là "những người Cộng Sản." Vậy lòng đất mà gọi các lực lượng ở trên cũng gọi mình. Nhưng lúc mà gọi các người lính ấy thì lòng đất cũng "thương số phận tất cả." Mọi người tham gia cuộc chiến đều đáng thương, đều về cội nguồn là "cát bụi."

Có vài điều tôi chưa hiểu rõ. Câu "Cho tôi ở lại bộ binh để làm nữ hoàng của chiến trận." Người viết là một người lính, một người đàn ông mà làm nữ hoàng? Nữ hoàng này có vai trò "thức dậy" đem "ánh sáng vô tư" (mặt trời). Nữ hoàng này cũng có thể là chính các đọt cây, rừng thông và lòng đất huyền bí (cõi thiên nhiên, "đất mẹ xưa"?). Còn cuối bài thơ có "em mặt trời mọc / và anh Tư Do." Ngày mai hòa bình đến, mặt trời mọc và đem Tự Do. Tự Do là một chữ dễ làm khẩu hiệu vậy cũng dễ mất ý nghĩa. Các nhà triết học tranh luận với nhau về ý nghĩa của hai chữ Tự Do. Như thế khó biết Tự Do của Ngô Kha là như thế nào. Tự Do thuộc về ngày mai, song lòng đất huyền bí và công bình cũng vậy. Nhưng dù thế nữa mặt trời vẫn mọc. 

Đăng lại từ Blog Tây Bụi.

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Đôi dòng tản mạn về ĐIỆU BUỒN PHƯƠNG NAM

Nguyên Hậu

      
       Có lúc tôi tự hỏi, không biết có ai từng nghe một bản nhạc mà bỗng thấy ngất ngây, tan chảy, mất hồn trong những cung điệu của bài hát ấy? Nhiều người từng trả lời với tôi rằng: “Có”, nhưng tôi hiểu, cái “có” đó của mỗi người cũng khác nhau nhiều lắm.

      
        Với một người hay mơ mộng như tôi, điều đó dường như là thường xuyên. Không hiếm khi thấy tôi say mê một bản nhạc và cả ngày cứ ra rả bên tai bản nhạc ấy cho đến khi nào chán mới thôi. Có những ca khúc ban đầu nghe rất ấn tượng, lay động tâm hồn, thổn thức tâm can nhưng sau khi nghe chừng vài chục lần, bẵng đi một khoảng thời gian, bất chợt nghe lại thấy không còn cảm giác như xưa nữa. Đó có lẽ cũng là cách tôi thử lòng mình khi yêu thích một điều gì đó!
       Có một bản nhạc mà cho đến giờ, nghe có nghe đến mấy ngàn lần, từ hồi còn phổ thông, mới lớn lên đã nghe, và cho đến bây giờ vẫn còn nghe không chán. Ngày trước, lúc mới vừa nghe thấy hay hay, có hát nghêu ngao vài lần nhưng độ hiểu và cảm thì chưa bằng bây giờ. Càng ngày, khi lượng kiến thức về lịch sử xã hội đã giúp tôi hiểu nhiều hơn, tôi lại cảm thấy cuộc đời mình sẽ không bao giờ dứt ra khỏi những cung bậc của bài hát đó, bài Điệu buồn phương Nam của Vũ Đức Sao Biển và phải do ca sĩ Hương Lan trình bày.
         Cái làm tôi ấn tượng nhất chính là cách phối nhạc, những âm điệu trầm bổng, lúc réo rắc, lúc lâng lâng trong bầu cảm xúc của những cảnh, những tình trên mảnh đất miền Nam. Hồi trước, khi còn là sinh viên, nghiên cứu về thơ ca đồng bằng, nhiều khi không có cảm hứng để nhập tâm vào đề tài - vì bên cạnh đó tôi còn làm đề tài khác, mà giữa chúng không hề có mối liên hệ gì với nhau, những lúc muốn lấy hứng, tôi lại đem bản nhạc này ra nghe. Những lúc đó, dường như cái tâm thức của một đứa con miền Nam sống dậy trong tôi mãnh liệt, cuốn theo dòng thác cảm xúc bài hát và của tâm hồn. Tôi có cảm giác, lúc đó không còn là tôi nguyên vẹn nữa, tất cả thể xác và tâm hồn đều hòa vào âm điệu của bài hát này. Nhưng tôi cũng đặc biệt yêu thích ca khúc được phối và trình bày của ca sĩ Hương Lan, trước giờ tôi chưa bao giờ nghe ai hát bào này hay và thu hút tôi như ca sĩ này. Có lẽ chất giọng ca sĩ và cách hòa đàn đã hòa làm một, không thể tách rời.
         Tôi cũng đặc biệt yêu thích tiếng đàn bầu đục và buồn. Dường như những ca khúc nào có tiếng đàn bầu thường phản phất hương vị quê hương và tất cả đều buồn. Có lẽ vì thế mà trước kia có người kiêng, không cho chơi đàn bầu, vì nó buồn quá. Tôi cũng chưa thấy có bản phối nhạc nào hay, ăn khớp và ấn tượng như ca khúc này. Cả khúc dạo đầu và phần nhấn trọng tâm đều hay, bắt đầu từ lúc dàn nhạc đổ một hồi trống dài và bắt đầu rớt từng giọt đàn bầu, lúc đó nghe giống như có trận gió trút một đợt lá khô, rồi cơn mưa như trút nước bắt đầu đổ xuống, thác lũ cảm xúc trong tâm hồn cũng trào dâng, nhiều khi ứa nước mắt. Cũng chính lúc đó, lòng tôi thổn thức vô vàn, nghe như có giông bão trong lòng.
         Tôi không hiểu lắm dụng ý của tác giả khi phối nhạc bài này, nhưng điều cơ bản tôi hiểu và làm tôi yêu thích bài hát này chính là tận trong cội nguồn ý nghĩa và tư tưởng của nó. Điều này có liên quan ít nhiều tối lịch sử hình thành vùng đất và tâm cảm chung của người dân đồng bằng.
Nghe bài hát chợt làm tôi liên tưởng và càng tâm đắc hơn hai câu thơ của Vũ Hồng:
“Người phương Nam say thì say trọn
Người phương Nam buồn thì buồn sâu…”
       Tôi nghĩ, nếu không có cái say trọn, không có cái buồn sâu đó thì cũng không chắc có được bài hát hay và động lòng người đến vậy. Tôi không biết nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là người miền nào nhưng có lẽ ông đã hiểu, đã mang cái tâm cảm ấy để viết nên bài hát này. Để rồi khi bắt gặp giọng ca cùng nỗi lòng của người trình bày, nó đã thăng hoa và hoàn hảo đến vậy.
        Tôi hình dung những khuôn mặt lam lũ nhưng trọn nghĩa trọn tình đang ngày ngày sống trên mảnh đất phương Nam. Và cho dù thời gian có trôi đi xa thế nào chăng nữa, những tâm thức về những người lưu dân xa xứ ấy cũng không bao giờ mất đi trong họ. Đó là cội nguồn để hình thành nhân cách của những con người nơi đây. Những điều đó trong họ  không mất đi và những cung điệu trầm bổng ấy cũng không bao giờ thôi lay động lòng người.
        Cái cảm giác mắc nợ của người phương Nam, nhưng họ nợ gì? Nợ quê cha đất tổ, nơi họ từng rời chân hay nợ nơi đã cưu mang họ một đời? Tôi có cảm giác “cái nợ” đó trở thành tâm thức truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Họ thấy buồn thấy thương, thấy có lỗi với quê hương cố tổ nên trút hết nỗi nhớ niềm thương lên mảnh đất này, mảnh đất miền Nam miên man chảy dài với những dòng sông nỗi nhớ.
         Tựa đề bài hát là Điệu buồn phương Nam! Có xa không mà  buồn? Phương Nam không còn là mảnh đất thuần về địa lý với đất đai màu mỡ cưu mang nuôi sống những thế hệ lưu dân, mà đó còn là sự dồn nén nỗi nhớ, niềm thương để rồi dành trọn  tâm tình cho miền đất hiền hòa mà họ mang ơn. Giống như bà mẹ nếu lỡ mất đi những đứa con đầu của mình, thường dành hết tình thương cho người con út. Mảnh đất phương Nam giống như một sự neo về, không chỉ là đời sống mà còn là nơi tựa gửi tâm linh của những đứa con Nam bộ vậy!


Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Vẽ chân dung Lê Khắc Cầm

Đinh Cường


chân dung lê khắc cầm
sơn dầu trên giấy plast. 45cm x 55cm
đinhcường 4.2011
Cơn bão đang qua đây
sáng nay ngồi vẽ bạn
gió lớn trên rừng cây
tiếng vang rền sấm chớp

nhớ xưa mùa lụt lớn
Huế mưa mù lê thê
bạn chống mảng bè chuối
qua nhà đi cà phê

ly cà phê buổi ấy
sao nhớ hoài Cầm ơi
Huế những ngày xưa ấy
bạn bè còn mấy người

bạn còn ngồi 27 ? (1)
sáng ai dìu bạn ra
sát na dăm nét cọ
xanh rêu mà nhớ nhau

Virginia, 28 Apr, 2011

(1) cà phê 27 Nguyễn thị Diệu

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Thơ Joseph Huỳnh Văn


Trầm Cỏ Xanh

Chiều khép mắt xanh
Trầm thúy nhớ
trầm cỏ xanh
rũ bóng mực sơ xưa

Hận Mùa Sau lòng mưa cũ mịt mờ
Trăng ấp ủ vừng mơ đáy mộ
Chiều đi mãi
thương nắng vàng nuối lại
chút hồng rơi bi thiết cuối chân ngày

Chiều khép mắt xanh
Trầm thúy nhớ
Trầm ngàn mây
Khép tím một Dòng Thơ
Lòng phương cảo ngậm ngùi chôn Bóng Đạo
Hồn gọi hồn
Máu gọi ngực khuya sau.
Chùm hoa đỏ nghẹn ngào trong cổ nguyệt
Vì đêm mai…
Thổ huyết đọc Lời Sầu:

Trầm Như Đạo

Trầm như Đạo
nghiêng nghiêng
Chiều tím mộ
Bướm chập chờn khép cánh mặt hồ sương

Chiều tím đạo dâng hương
Hồn dương thế trên đường về,
xanh cỏ
Ôi trầm chân như mây
thuở Sầu Cúc một đảo.
Trầm vang
Thu Vàng giữa chiều Vàng
Vĩnh quyết
hương đàn xưa
lặng lẽ phai tàn

Nghiêng Nghiêng Ai chết
Xanh Ngắt Mộng
Nghiêng Nghiêng Ai chết nồng nàn
Hoa…
Ai chết ngập ngừng như lệ ứa
Nghiêng Nghiêng tượng đá
Sầu Không Rơi
Mi xanh trầm ẩn Sầu Muôn Đời

Ôi hoàng hoa lạc loài Nơi Cổ Đạo
sao vỡ đầy rừng dương
chiều thánh nhạc tan mơ màng hồ sương
Cúc Vàng giữa Chiều Vàng
Hương vĩnh quyết

Trầm như đạo, Nghiêng Nghiêng
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...