“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Bài 2: Thiên nhiên sông nước Nam bộ trong thơ đồng bằng sông Cửu Long



Nguyên Hậu

“Dừa xanh ấm tiếng chim gù
 Nắng say hương lúa vi vu gió ngàn
Ruộng khô thơm gốc rạ vàng
 Đường thơm bụi cuốn nối hàng trâu đi
Ven sông dừa nước xanh rì
 Đò ngang tấp nập người đi chợ về”
(Vào xuân - Thanh Chi)
Đọc những dòng thơ trên, nếu không biết bối cảnh, rất nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ tới những câu thơ từ thời thanh bình xa xưa của thế kỷ trước. Cái thanh bình ấy tưởng như chỉ còn những câu ca dao, những câu hát dân ca ngọt lịm lòng người thì nay vẫn còn vẹn trong những cung bậc thơ đồng bằng.
Hầu hết các nhà thơ nơi đây đều lấy thiên nhiên sông nước hay những cảnh vật đồng bằng để gợi hứng cho sáng tác của mình. Có lẽ không ai gắn bó với thiên nhiên bằng người nông dân quanh năm quẩn quanh bên đồng lúa, dòng sông. Chính vì vậy mà tất cả đã đi vào ký ức một cách tự nhiên, bất chợt một cơn gió lạ thoảng qua cũng có thể đánh thức dậy bao giấc mơ lòng.  Nếu cuộc sống nghĩa tình miền quê được lý giải bằng dấu ấn lịch sử vùng đất thì cảm hứng bắt nguồn từ thiên nhiên sông nước đồng bằng lại được nhìn nhận trên điều kiện đời sống của người dân nơi đây. Như đã nói ở phần mở đầu, các thi sĩ nơi đây phần lớn xuất thân từ những người nông dân trực tiếp canh tác trên những mảnh ruộng, khu vườn hoặc có đời sống rất gần gũi với điều đó. Nói như Huỳnh Thúy Kiều trong tập thơ của mình, tất cả họ như mang trong mình một món nợ, cái nợ ân tình biết bao giờ đền trả hết: Mắc nợ đồng bằng! Chính vì vậy mà dù có đi đâu về đâu, dù điều kiện sống có đổi thay, vật chất có tiện nghi, những con người nơi ấy vẫn không sao xóa nhòa dấu ấn của “đất” từng là nơi chôn nhau cắt rốn.
Đọc thơ đồng bằng để thả hồn vào thiên nhiên sông nước, bao nhiêu cảnh là bấy nhiêu tình mà các thi sĩ đồng bằng gởi vào sáng tác của mình. Nếu những ai chưa từng đến đồng bằng, không thấu hiểu đời sống cũng như văn hóa chốn miệt vườn sẽ cảm thấy không thích những câu thơ mượt mà, dễ dãi trong cảm xúc như thế. Nhưng biết làm sao, khi tất cả họ đều tắm mình trên dòng nước mang tên Cửu Long, từng ăn hạt gạo của cây lúa mọc trên mảnh đất đồng bằng, từng sống và chống chọi với thiên tai bão dữ để bảo vệ cuộc sống vừa ươm. Cái làm mình day dứt nhất chính là cái mình mang ơn nhiều nhất. Cánh đồng, ruộng lúa, dòng sông, bông điên điển, nhánh lục bình tím biếc trôi miên man trên sông nước Cửu Long, hay vầng trăng những đêm mùa gặt, cả làn khói đốt đồng mà ai “lỡ” sinh trên mảnh đất đồng bằng đều xem là hơi thở từ thuở ấu thơ… Xóa làm sao được tất cả những thứ đã thuộc về miền nhớ, là ký ức? Nhìn chiếc lá rơi cũng đủ thức dậy bao nhiêu khoảng trời yêu thương, man mác với cội nguồn:
“Lá rơi thương nhớ cội nguồn
 Cánh hoa hé nhụy sau vườn nhà ai”
(Lối về - Lê Hoàng Dũng)
Trên khắp đất nước Việt Nam có lẽ không nơi nào mật độ sông ngòi chằng chịt như miền Tây Nam bộ. Điều đó đã trở thành dấu ấn, đi vào nếp sinh hoạt, nếp cảm, nếp nghĩ của người dân ở đây. Ai lớn lên mà không từng cất giữ cho mình chút kỷ niệm nơi bến sông nếu đó là quê hương của mình. Tế Hanh đã từng tự hào về con sông “xanh biếc” của dãy đất miền Trung, còn Hoài Vũ gởi gắm bao ký ức trên dòng Vàm Cỏ “biêng biếc” thân thương… Không riêng gì Tế Hanh, Hoài Vũ, nhiều thi nhân nơi đây cũng có những tình cảm như thế. Con sông trở thành nguồn cội, chảy dọc trongmiền nhớ của thi nhân:            
 Quê hương tôi đâu chỉ có dòng sông
Sông Cái, sông Con … tôi biết từ thuở nhỏ
Xanh trong lắm là nước sông Vàm Cỏ
Trăm bến neo xuồng mộc mạc bến quê
Nơi bến sông người đợi người về
Người tiễn người đi, người trao duyên ý
Người hò hẹn… đã qua hàng thế kỷ
Lặng lẽ bến bờ… lặng lẽ nước sông trôi…
(Bến sông quê – Nguyễn Thị Tuyết Mai)
Gắn bó với thiên nhiên nên một hạt nắng, giọt mưa đối với họ cũng gợi lên bao xúc cảm trong lòng:
 Bất giác trong tôi chút buồn man mác
 Lâu lắm rồi mới ngắm được mưa quê”
(Mưa quê – Phạm Hoàng Nguyên)
Miền Tây luôn đi cùng với những hình ảnh đặc biệt tạo thành giá trị tinh thần đậm chất sông nước miệt vườn. Nhiều khi chỉ dòng kinh nhỏ, chiếc cầu tre bắc ngang gợn lên giọng hò xa vẳng cũng lay động lòng người:
Dòng kinh nhỏ, chiếc cầu tre thầm lặng
 Giọng hò ơ nghe xao xuyến lòng người”
 (Nhớ Chợ Mới - Huỳnh Văn Phan)
Thương sao cái “tâm sự” rất đỗi giản dị mà mỗi lần đọc lên nghe như có khói trong lòng:
 Hơi thở tôi mang bùn đất quê nghèo
 Nuôi khôn lớn từ tán bần, nhánh ổi
 Rặng trâm bầu/ Rứt lòng bổi hổi
Dòng sông thơ chảy dọc tháng năm dài
(Hơi thở tôi mang mùi bùn đất – Huỳnh Thúy Kiều)
Nguyên nhân ấy cũng thật giản đơn mà mỗi đứa con quê không ai rũ bỏ cho dành: “Nợ cả đời ta ngọn khói bếp len chiều…”. Có lẽ vì vậy mà dòng sông, bến nước, con đò, cánh bướm tuổi thơ, chiếc roi tre thuở nhỏ luôn ám ảnh trong nhiều vần thơ của các tác giả đồng bằng và ám ảnh mãi người đọc:
Bìm bịp kêu gọi nước lên
 Hồn tôi con sóng phiêu linh tràn về
 Phồn hoa lạc bước mải mê
 May sao còn có chốn quê đi về
(Chốn quê - Võ Thanh Phong)
Để rồi cho dù điều kiện sống có đổi thay, những gì là quê hương xứ sở vẫn còn mãi trong tâm hồn:
Ai đốt đồng chiều để khói bâng khuâng
 Cậu bé thơ trở thành người kẻ chợ
 Khói và đất đượm tình dân dã
  Trên cánh đồng mưa nắng tình thân”

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Bài 1: Nghĩa tình trong thơ đồng bằng sông Cửu Long



 

Nguyên Hậu





             Mảnh đất Nam bộ từ khi hình thành đến nay đã hơn 400 năm với biết bao thăng trầm của lịch sử, chưa kể phải gánh chịu thảm họa của tự nhiên nhưng con người vẫn bám trụ, vẫn nương dựa vào nhau để cải thiện đời sống, xây dựng một phương Nam xanh tươi, trù phú. Cùng nằm trong dãy đất miền Nam nhưng miền Tây Nam bộ lại có điều kiện tương đối đặc biệt. Một dãy đất đồng bằng phù sa màu mỡ, quanh năm hai mùa mưa nắng, sông ngòi chằng chịt mang lại cho con người rất nhiều ưu đãi từ tự nhiên. Có lẽ vì vậy mà từ khi khai hoang mở cõi đến nay, trải qua bao nhiêu thăng trầm, người dân miền sông nước vẫn bám trụ mảnh đất này và xem đó là quê hương của mình. Nói là vậy, chứ tận trong sâu thẳm cội nguồn vẫn còn thương lắm câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ khi lần đầu tiên đặt chân trên mảnh đất phương Nam: 
Từ lúc mang gươm đi mở cõi
 Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Dù trải qua bao đời, dấu ấn mở cõi dường như vẫn còn hiện diện trong tâm thức bao người con phương ấy. Bởi vậy, nói đến thơ ca đồng bằng, đó có lẽ là cảm hứng đầu tiên không bao giờ vơi cạn trong tâm thức thi nhân. Làm sao quên được cái thuở gian nan, khổ cực mà cha ông ta đã trải qua. Ngày nay đọc lại những câu thơ vẫn thấy rùng rợn trước bao gian nan thuở trước: 
Rắn thành tinh khè lửa
Sấu thành tinh đội đèn
Vẹt muỗi mòng đĩa vắt
Tiếng độc huyền vút lên
Máu mổ hôi thánh thót
Đất lạ đã thành quê
Mênh mang thời mở cõi
Ai “dạ cổ hoài lang”?”
                                                  (Khúc tình phương Nam – Trần Ngọc Hưởng)
Tình nghĩa quê hương đã đi vào tâm khảm, thấm vào máu và nước mắt, thế nhưng tận trong sâu thẳm những người dân nơi đó vẫn không sao phai nhòa được mặc cảm lưu dân. Vũ Hồng từng có đôi câu tuyệt bút về nỗi niềm ấy:
“Người phương Nam say thì say trọn
 Người phương Nam buồn thì buồn sâu
 Nỗi nhớ cố hương còn chếch choáng
Văng vẳng ầu ơ giọng ví dầu”
                                                                      (Người phương Nam - Vũ Hồng)
 Thương làm sao cái “say trọn”, cái “buồn sâu” da diết đó. Thế mới biết người phương Nam nặng nghĩa nặng tình thế nào. Cái “say” không làm cho người quên đi nguồn gốc, cái “buồn” không làm cho người ta sầu chí ly quê. Tận cùng trong sâu thẳm, họ vẫn nuôi dưỡng cái “sầu” bất tận để nhắn nhủ với nhau sống sao cho có nghĩa có tình.
Đến với kho tàng thơ ca đồng bằng, thật không gì ấn tượng hơn khí chất con người nơi đây. Nếu ai chưa một lần đặt chân tới mảnh đất miền Tây, đọc thơ ca đương đại đồng bằng cũng phần nào hiểu được cuộc sống đó: 
Ở đây đất rộng người đông lắm
Những mái nhà lợp lá đơn sơ
Những tâm hồn nhỏ hiền như thóc
Từng ấy yêu thương rất mặn nồng
               (Vùng đất yêu thương – Phan Trọng Hiền)
Tự nhiên có tác động rất lớn tới việc hình thành bản chất của con người. Trong những ngày đầu tiên đặt chân đến miền xa lạ, trong gian khó hiểm nguy, họ - những người lưu dân vốn không quen biết gì nhau đã nương dựa vào nhau lập nên cái ấp, cái làng. Trong điều kiện như thế, không gì cần thiết hơn là phải gắn bó, yêu thương nhau để sinh cơ lập nghiệp. Lâu dần, điều đó đã trở thành tính cách, khí chất của người dân Nam bộ. Cái thoải mái, phóng khoáng, nghĩa hiệp của anh chàng Lục Vân Tiên trong truyện cụ Đồ Chiểu có lẽ cũng được dưỡng nuôi trong bầu không khí và văn hóa ứng xử như thế. Với họ không gì quý hơn tình nghĩa giữa con người với nhau. Trong gian khó hiểm nguy vẫn giữ cho mình sự trong sáng, nghĩa tình không hơn thua tính toán.
Đọc thơ đồng bằng, thật không khỏi xót xa với cái cảnh mênh mông trời nước vẫn thường xuyên diễn ra khi nước lũ tràn về. Mỗi lúc như thế, cuộc sống sẽ vô cùng vất vả, nhưng người dân vẫn rất thương yêu nhau, san sẻ cho nhau những “nụ cười nguyên vẹn” trên mảnh đất tình người:
Chợ mùa lũ kẻ bán, người mua chỉ đứng không ngồi
Riêng nụ cười nguyên vẹn
Bao tính toán bon chen
Cuốn trôi theo dòng nước
                                                               (Chợ quê mùa lũ – Ngọc Lộc)
Đến cả góc chợ quê cũng neo giữ trong đó biết mấy thân thương, tình làng nghĩa xóm đậm đà. Về miền Tây, mỗi nơi dù phố hay quê đều có khoảng không gian dành cho chợ. Nhưng chợ quê nơi đây không bị vây chật hẹp trong tường vách lồng chợ hay siêu thị theo kiểu thành phố. Chợ quê lồng lộng gió và mây trời như tâm hồn người đồng bằng luôn luôn rộng mở. Góc chợ nhỏ ở vùng quê xa chỉ có mớ rau, vài ba con cá, bán mua với nhau cũng bằng cái nghĩa, cái tình.
Người phương Nam là vậy, đã say thì “say trọn” đã buồn thì “buồn sâu”. Càng yêu quê bao nhiêu, lúc rời xa lại càng thêm da diết. Lúc đó, có một lời thơ cất lên sẽ làm vơi bớt nỗi tình nơi xứ lạ quê người. Trịnh Bửu Hoài với Quê xa đem cảnh lưu lạc trắng tay ở quê người gởi vào thơ như giấc mơ của miền xa thẳm:
“Ta lưu lạc hai bàn tay trắng
Nhớ quê hiu hắt những vần thơ”
                                                              (Quê xa - Trịnh Bửu Hoài)
Cuộc sống thấm đượm tình nghĩa trong thơ của các tác giả miền Tây Nam Bộ còn được gợi hứng ở những trang viết về tình yêu, tình bạn. Tình đồng bằng khi nhẹ nhàng, ngọt ngào dịu êm như phù sa lặng lờ trôi, khi man mác buồn vì day dứt với người, trắc trở với đời. Thơ khởi phát từ tình cảm con người, chính vì vậy mà cái gì đằm sâu trong cảm xúc thật khó thể giấu che. Tình yêu, tình bạn, tình bằng hữu, tình xóm làng… tất cả luôn đong đầy trong từng trang thơ, từng hơi thở của thi nhân. Tình yêu ấy có chút gì mặn mà, đằm thắm như cái khói đốt đồng những buổi chiều quê chứ không bộc lộ một cách mãnh liệt hay xô bồ như chốn thị thành. Thương làm sao cái rụt rè “thò tay bứt một cọng ngò” ngày xưa giờ trở thành cái “chín nhớ mười mong” của chàng trai quê chất phác mà nặng nghĩa nặng tình:
Chiều nay chín nhớ mười mong
Lo sương thấm áo, lo giông đau đầu
Nửa đêm lá đổ lao xao
Lo em về muộn… mưa ngâu lạnh lòng
                                                             (Nhớ - Huỳnh Công Trần Hải)
Không chỉ trong tình yêu, tình bằng hữu nơi đây cũng thắm thiết làm sao. Đối đãi với bạn đã khuất bằng tình tri kỉ, xử sự với bạn còn sống bằng nghĩa tri âm. Những người dân miền sông nước Tây Nam bộ luôn rộng mở tấm lòng hiếu khách, đón người đến thăm đồng bằng với tấm lòng mênh mang sông nước, bằng tính cách “xả láng” của người miền Tây:
“Mùa lúa xong rồi ta nhắn bạn về chơi
Ngồi nhấp nháp cùng nhau ly rượu nếp
Khô cá lóc vùi rơm còn thơm mùi lúa nếp
Trái bưởi non dĩa muối ớt đủ rồi
                                             (Nhắn bạn - Nguyên Vũ)
Chỉ một lời “nhắn bạn” rất thật của Nguyên Vũ thôi đủ làm say lòng bao bước chân du lãng. Cần gì rượu nếp với khô cá ngon lành, cần gì cao lương mỹ vị, chỉ cần bưởi non hay muối ớt cũng đủ “xả láng” tình người. Người miền sông nước là vậy, kênh rạch thì chằng chịt, nhiều lối nhiều ngã mà lòng người lại rộng mở và chỉ có lối duy nhất dành cho sự yêu thương:
“Hãy cho nhau bằng nụ cười ánh mắt
Sống với nhau bình đẳng chuyện đời thường
 Hãy nhìn nhau bằng cái nhìn tình tự
Để trái tim còn ngọt vị yêu thương”.
Lời nhắn gởi thân thương mà chất chứa biết bao nghĩa tình. Cũng không phải chỉ hàng xóm láng giềng mà với tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam, sông nước miền Tây vẫn luôn dang rộng cánh tay đón chào. Phải chăng vì thế mà ca dao xưa có câu: 
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về”!

6.2011

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Nhân đọc tùy bút "Quê hương tôi" của Tràng Thiên




Vết thương của thời gian
Nguyên Hậu

Trải  qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(Nguyễn Du)

Đọc tập tùy bút “Quê hương tôi” của tác giả Tràng Thiên tôi cảm nhận được sự hồn nhiên, tinh tế trong những cái gọi là vốn quý của dân tộc nhưng vẫn chen lẫn chút bùi ngùi. Một Sài Gòn của thời chiến tranh, loạn lạc lại tồn tại những dấu hiệu của sự văn minh, phát triển, của sự tiếp đón những luồng gió mới, và điều đó là cho Sài Gòn văn minh hơn. Để rồi hơn 40 năm sau, những lớp hậu sanh như chúng tôi khi lớn lên đã bắt gặp lại những thay đổi đó lại nghiễm nhiên tiếp nhận như món tài sản quý báu của thời đại mình. Lớp chúng tôi, những công dân được sinh ra vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, nên phần tiếp nhận và trưởng thành, nói một cách tự hào là của thế kỷ XXI. Vậy mà sau khi đọc những bài viết của tác giả Tràng Thiên, tôi không còn giữ được sự tin tưởng của mình nữa, ngược lại, có chút suy tư. 

Đọc lời giới thiệu tùy bút “Quê hương tôi” gồm tập Đất nước quê hương in năm 1973 và một số tùy bút khác cùng loại, đâu đó trong tôi đang chuẩn bị tiếp nhận những điều của quá khứ, giống như một món đồ cổ, trịnh trọng và tôn quý. Vậy mà từng trang sách lật qua, tôi đã đi từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những điều tác giả  chia sẻ qua lăng kính cách đây gần nửa thế kỷ với tôi lại mới mẻ vô cùng.

Còn nhớ, hồi nhỏ, khoảng 6,7 tuổi gì đó, lúc đó là những năm 1995, 1996, thỉnh thoảng trong  xóm tôi hay có những người đàn bà đi bán nước mắm. Mỗi lần đi qua xóm, họ gánh theo khoảng vài chục lít, rồi cả xóm cùng xúm lại thử nước mắm, mỗi người một kiểu, mỗi người chọn cho mình một loại, tùy theo khẩu vị và giá cả mà mua trữ trong nhà, mỗi lần chừng 10 lít. Cách đây vài năm, trong dịp tân trang lại gian nhà bếp, mẹ tôi đã mang cái can đựng nước mắm cũ kỹ đó - đã chuyển sang màu nâu sậm ra cất vào nhà kho. Mặc dầu không dùng đã lâu nhưng cái chất của nước mắm đã ngấm vào và ở mãi trong lớp vỏ bình và cái nút bằng cây (ba tôi đẽo rất vừa vặn – để nước mắm không bay hơi), lúc mở nắp ra vẫn còn ngửi thấy cái mùi nồng nồng, ngai ngái của nước mắm, không thể quên. Nhưng đó là thời chị em tôi thường nói: năm 19… hồi đó. Chứ từ sau khi bước qua mốc năm 2000, dường như mọi thứ cũng theo đó mà đổi thay. Trong ý thức cũng như ký ức của mình, thế kỷ XXI là cột mốc đánh dấu sự văn minh của đất nước và xã hội. Nó theo vào mỗi nếp nhà, theo cái cung cách sinh hoạt và lối sống của mỗi cá nhân, cả cộng đồng, mà đổi thay nhiều nhất là những vật dụng phục vụ cho sinh hoạt ăn uống của con người. Với cách đong chế nước mắm như hiện nay, trong xóm không còn những người đàn bà bán nước mắm dạo. Những cái phễu, cái can to khoảng 20 lít đựng dầu hôi hay nước mắm (mỗi khi muốn dùng thì chiết ra một cái chai khác cho tiện) được cất yên vào dĩ vãng. Đến các loại gia vị nêm nếm như muối, đường, bột ngọt (nay thay bằng các phụ gia pha chế sẵn) cũng trở nên tinh tế, giản tiện hơn. Đặc biệt người tiêu dùng ngày nay thường chú ý đến nhu cầu sức khỏe nên mọi thứ đều căn cứ trên độ kiểm định chất lượng, chiếu theo kết quả nghiên cứu, thống kê của các nhà khoa học mà cung cấp vào cơ thể. Nói như tác giả Tràng Thiên từ góc nhìn của một xã hội phát triển cách đây 40 năm thì:  “Muốn thẩm định cho đúng giá trị chân chính của một giọt nước mắm ngon cũng như của giọt rượu trong thiên truyện nọ… không thể dùng thứ máy móc tinh vi nào được cả. Chỉ có thể lấy cái lưỡi của một thiên tài làm chuẩn. Nước mắm cũng như rượu, cũng lại như trà vậy.” Để rồi “Tôi sững sờ, nghệch người ra. Con người quê kệch tha hồ trải qua bao nhiêu cảnh vật đổi sao dời của thời đại vẫn không hề tưởng tượng rằng cái món nước mắm gần gũi hàng ngày đã trải qua những biến thiên ghê gớm như thế. Bây giờ bậc thang giá trị của nước mắm được quy định căn cứ trên chất đạm. Bây giờ không còn thứ nước thơm hơn thơm kém, thứ nước có hậu và không có hậu… chỉ có những thứ nước bảy chất, tám chất, mười chất, mười ba chất… Mỗi “chất” là một phần trăm chất đạm: đưa chuyên viên phân tích xong, căn cứ vào giá biểu xem mỗi “chất” giá bao nhiêu, làm một bài toán nhân. Thế là xong. Việc gì có chuyện nếm với ngửi trong đó? … Thành thử lúc này ăn mắm mà khen chê ngon dở, phân biệt mùi vị… lại hóa ra là một sự lẩm cẩm lạc hậu, già nua, lỗi thời, lại lộ cái chân tướng của thế hệ tiền chiến, không theo kịp con người “hôm nay”. (Ăn uống sự thường - 1972). Cái cảm thán của tác giả cách đây 40 năm sao giống với tâm trạng của bao lớp người hôm nay quá chừng, nếu ai đó cũng có chút hoài niệm như tác giả.

Không chỉ nước mắm, đến muối cũng không còn dùng loại muối hầm như ngày xưa mà nhất quán thay bằng muối iôt, đường thì thay từ đường tán (loại đường cất từ mật mía rồi để nguyên khối, màu vàng sậm, vị ngọt thanh nhưng không đậm bằng đường cát hiện nay), đường cát vàng rồi đến đường cát trắng, rồi đường cát trắng tinh luyện… Thật ra có những món đến thời văn minh, thay đổi theo hướng có lợi cho sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng cũng có những thay đổi theo thị hiếu nhất thời mà bỏ qua những tiêu chuẩn về sức khỏe. Nói như vậy để thấy không hẳn cứ thay đổi là sẽ hơn, cứ đẹp là sẽ tốt.

Trong vô số thay đổi của cuộc sống hiện tại, điều khiến ta dễ nhận ra nhất chính là nhu cầu ăn và mặc. Giống như hành trình của chén nước mắm ngày xưa, tà áo dài cũng vậy. Theo ký ức tuổi thơ tôi, áo dài là một trang phục rất trang nghiêm, đặc biệt. Đối với những gia đình thuộc tầng lớp nông dân miền Nam ngày trước, chiếc áo dài chỉ xuất hiện trong những dịp lễ lạc, đình đám, cưới hỏi, ma chay… Và hình thức của chiếc áo dài cũng không gì khác ngoài những thể thức đã được quy định hồi mới ra đời. Hai tà chỉ tới gối (không dài tới chân hoặc quá cao như bây giờ), những đường eo uốn lượn cũng không được chít quá khít khao. Nói tà áo dài tôn vinh vóc dáng người Việt, theo tôi chỉ đúng với những đường nét đã được chỉnh trang sau này, chứ áo dài ngày trước cũng không tôn lắm. Chỉ thấy đó là một loại trang phục kín đáo (ngày trước trai hay gái mặc áo dài thường có hai lớp, nếu đàn ông thì dễ chừng tới 3 lớp: một lớp áo may theo cách áo bà ba, màu trắng thường mặc trong cùng, tới lớp áo dài, rồi cuối cùng thêm một lớp áo dài vạt mỏng bên ngoài). Những bộ áo loại này tôi thường thấy ông bà nội tôi mặc, rồi đến thời mẹ tôi cũng còn duy trì. Hiện tại trong tủ áo gia đình, mẹ vẫn còn giữ lại như chút kỷ niệm, không hẳn chỉ là kỷ niệm của một thời thanh xuân mà còn là ký ức văn hóa của gia đình, dòng họ. 

Đến thời chị tôi là nữ sinh (hồi đó các nữ sinh mặc áo dài từ hồi lớp 6) lúc đó khoảng 1992, chiếc áo dài cũng không khác gì cho mấy. Đa số các chị đều mặc loại áo dài không chít hông, và chỉ mặc với quần đen. Đến khoảng 1995 trở đi mới có mốt mặc áo dài may khít vào người, tà dài hơn gối một chút và mặc với quần trắng. Vậy mà trong tùy bút viết năm 1972, tác giả Tràng Thiên đã ghi nhận rằng: “Thế rồi đột nhiên gần đây hàng loạt kiểu mới được tung ra, áo dài cổ sơ – mi, áo dài xẻ vạt trước, vạt sau, áo dài cài nút giữa ngực, áo dài với cái đai trước bụng, áo dài sát nách, áo dài lên đầu gối, áo dài hở lưng… (Lại chiếc áo dài - 1972). Mà đất Thủ quê tôi hình như cũng không xa Sài Gòn là mấy. Vậy thì không hiểu từ thời tác giả Tràng Thiên viết tập bút ký (xuất bản năm 1973), đến thời tôi nói, những tà áo dài loại đó tồn tại ở đâu hay chỉ là quá khứ trong ký ức những người từng sống ở Sài Gòn cách đó mấy mươi năm?

Cũng như cung cách sống độc lập như một số nơi hiện nay thật ra cũng không khác mấy với cách cảm thán của tác giả trong bài viết “ Cái rét đô thị”: “Thiên hạ trầm trồ trước những sự lạ ngoạn mục như đổ bộ nguyệt cầu. Có biết đâu rằng quanh mình vẫn đang diễn ra  những sự lạ còn quan trọng hơn , vì có quan hệ thân thiết với đời sống con người: chẳng hạn cái chết cóng vì cô đơn. Trong lịch sử quả đất có những thời kỳ băng giá làm chết loài khổng tượng. Phải chăng đến đây là thời kỳ băng giá làm chết loài người?”.

Thật ra, cuộc sống đôi lúc có những ngỡ ngàng khiến ta gật gù thích thú vì đã khám phá ra điều gì lý thú, nhưng cũng có những ngỡ ngàng pha lẫn dư vị của sự xót xa. Với những người thuộc thế hệ chúng tôi, nếu không chịu khó tìm hiểu hoặc có những bắt gặp thú vị từ những bài viết của các vị tiền bối, chắc hẳn chúng tôi sẽ còn mang mãi niềm từ hào đến ngây thơ này. Vậy thì thử hỏi sự tự hào từ trước tới giờ có thỏa đáng không, hay có lúc phải tự đặt mình trong vị thế của những người thuộc thế hệ trước và thế hệ sau để suy nghĩ lại? Tôi lại nghĩ, có lẽ suy tư nhiều nhất vẫn là lớp người trót sinh ra làm cầu nối giữa hai thế hệ. Liệu rằng còn điều gì có khả năng làm liền lại vết thương vô tình bị chặt đứt mấy mươi năm ấy hay chỉ có thể là chút suy tư của tác giả trong tập tùy bút này? Thiết nghĩ việc nhà xuất bản cho in lại tập tùy bút này cũng không hẳn không mang lại ý nghĩa.

9.2012



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...