“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Lời thì thầm của giọt sương


Nguyên Hậu

Cuộc sống vốn dĩ rất kỳ diệu. Vậy nên càng sống, tôi càng thấy mình không thể không say đắm, không bị cuốn hút bởi nó. Mỗi ngày sống là mỗi khoảnh khắc đan xen giữa niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và nỗi bất hạnh… Vậy mà không mấy ai thôi xao xuyến, như thể đứng trước một tình yêu đơn phương, hay vụng trộm, luôn tạo cho ta cái cảm giác hồi hộp lẫn háo hức, tò mò thú vị.
Và như vậy, khi cảm nhận sự kỳ diệu của cuộc sống, tôi đồng thời cũng đang cảm nhận cái thân thể hiện tồn của thời gian. Tôi đang thấy thời gian trôi. Thời gian trôi qua mi mắt tôi, trôi qua kẽ tay tôi, rất mỏng, rất chậm, đủ để con người cảm nhận và nuối tiếc. Tôi không thể bắt thời gian dừng lại. Cũng như bao nhiêu người từng có ý muốn đó, nhưng có được bao giờ. Nhiều người nói thời gian là phương thuốc nhiệm màu, là vàng, là vô giá. Người thì nói thời gian vốn vô tình… Tôi lại thấy thời gian là một điều gì bí mật, khó chiếm đoạt đến tận cùng. Thời gian không vô tình mà ngược lại rất có tình, rất thâm thúy. Thời gian giúp con người nhìn rõ bản thân. Thời gian đánh thức trong tâm hồn ta cái phần thức vốn còn ngủ sâu nếu không cảm biết được. Thời gian cũng chính là lương tâm, là màu nhiệm của vạn vật, không riêng gì con người. Thời gian là tất cả những gì hiện hữu trên thế giới, trong vũ trụ.
Thế giới sẽ ra sao nếu không có thời gian? Thời gian là hơi thở của vũ trụ. Tôi đang nghe thời gian chảy qua thân thể, chảy qua từng nhịp thở của tôi. Trong phút chốc, tôi thấy mình và vũ trụ hòa làm một, không thể tách rời.  Thời gian không làm cho mọi vật trở nên già cỗi mà ngược lại còn làm tươi mới cho thế gian. Bởi đó là quy luật. Có cái gì khi chết đi mà không tạo sinh bằng một hình thức khác. Cuộc sống, qua nét vẽ của thời gian sẽ ngày càng tinh khôi, nhiều màu sắc. Thời gian còn là một sự thanh lọc. Có cái gì qua thời gian mà không bị thay thế? Dù cho đó là một quy luật nghiệt ngã, nhưng nếu không như vậy, liệu còn có một vũ trụ như bây giờ?
 Tôi không muốn bắt thời gian trôi. Cũng như một chiều kia, tôi muốn nỗi buồn của mình dừng lại. Vì tôi yêu quá! Tôi muốn ôm ấp một khoảnh khắc ngưng đọng tất cả, để hứng, để chứa đựng thời gian trong một bụm tay. Thời gian sẽ không vô tình mà tràn qua kẽ tay, vơi đi bớt.
Nhưng tôi yêu thời gian! Nên tôi cũng không bắt thời gian dừng lại. Tôi muốn thời gian được là thời gian, thuần nhiên và tinh khiết. Nghĩa là lúc đó tôi đang tự phũ phàng với bản thân. Những lúc như vậy, tôi lấy hồn mình ra để chứa đựng nỗi buồn, vô tận. Hồn tôi nặng trĩu, tôi muốn vỡ… Không còn cách nào khác, tôi trôi theo thời gian, đồng lõa… Tôi vừa yêu, vừa phản lại mình. Tôi vừa yêu quá cuộc sống này, vừa muốn từ bỏ tất cả khi nhìn thấy những gì hữu hạn xung quanh mình đang trôi đi, trôi đi… Tựu chung, tôi vẫn là người vì quá yêu mà ích kỷ, ích kỷ với chính bản thân mình.
Và tôi thấy thời gian giống như thấy nỗi buồn của tôi vậy. Con người sẽ không thể sống tốt nếu không có niềm vui. Nhưng nếu chỉ vui mà không có nỗi buồn, con người sẽ ra sao? Nỗi buồn như mạch nước nhỏ chảy qua tâm hồn. Niềm vui là ánh ban mai. Nhưng nếu quá chói chang, tâm hồn sẽ héo khô đi mất. Con người có nỗi buồn như thiên nhiên, vũ trụ có nước để giữ cho cuộc sống luôn tươi mới. Trải qua một nỗi buồn nhẹ, tâm hồn sẽ được tắm gội trong làn sương mỏng của hạo nhiên, đọng lại những giọt sương nhỏ, trong veo. Vì vậy mà tôi háo hức với niềm vui, nhưng cũng say sưa với nỗi buồn. Như thể nó là suối nguồn nuôi dưỡng sự thuần khiết trong nội tâm tôi.
25.10.2015
N.H


Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

trũng đêm

Nguyên Hậu

Đêm rơi,
hun hút!
Em rơi tõm xuống trũng đêm
bức bối
Em thèm một cơn gió
hay vài giọt mưa
tí tách,
tí tách
lên hình hài khô hoang
rũ rượi xác khúc dương cầm
cuồng nhiên
                            âm vọng

                            Trốn khỏi khúc âm rỉ rả
linh hồn em thoát lên
bay ra khỏi lò bát quái
Em tìm anh,
tìm anh
Em đi lang thang,
lang thang
mà chẳng thấy

Bóng đêm vươn những cánh tay dài lực lưỡng 
như những gã trai điên cuồng
hắn vồ lấy thân hình em
khóa kín đôi môi em
thít chặt linh hồn em,
tê dại
Hắn đồng lõa 
để anh của em 
tự do 
đi mất!

Em òa khóc
tiếng khóc nhập vào xác khúc dương cầm 
                            dang dở
những điệu valse điên loạn
xoay vòng, xoay vòng, xoay vòng...
bóp nghẹt em
đến khi 
em chỉ còn cái xác

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Vũ điệu của chữ

Nguyên Hậu


        Tôi có thói quen úp quyển sách đọc dở lên ngực hoặc bụng trong lúc đi ngủ. Vì dường như tôi không thể ngủ được nếu không đọc sách trước đó. Những lúc đó tôi thấy mình đi ngủ cùng với Chữ. Những con chữ sẽ hòa vào trong giấc mơ tôi, chạy vào não tôi, len vào hơi thở tôi… tạo nên những vệt mờ. Rất đẹp.
       Chữ! Ôi, những con chữ huyền nhiệm nuôi dưỡng tâm hồn và thể xác tôi. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã là một đứa nhóc mê đọc truyện, ban đầu là những câu chuyện cổ tích, sau đó là truyện Cô tiên xanh, rồi dần dần là những tác phẩm văn học có tác giả hẳn hoi. Nhưng có một điều, tôi không thích đọc truyện tranh. Tôi chỉ mê đọc những cuốn sách toàn chữ. Tôi mê đắm những trang sách có chữ ngay từ lúc tôi chưa biết đọc chữ. Đó là điều mẹ tôi kể lại.
       Tôi không thích đọc truyện tranh, vì tôi chỉ thích thế giới của Chữ. Nó là một cái gì độc tôn mê hoặc tôi. Tôi không muốn có bất cứ thứ gì khác chen vào thế giới giữa tôi và Chữ. Nó có thể làm tôi xao nhãng, không còn nhất tâm với chữ nữa. Tôi mê vũ điệu của những con chữ. Những trang sách có chữ không chỉ hứa hẹn cho tôi một kho tàng kiến thức vô tận, một thế giới kỳ diệu ẩn chứa đang chờ tôi khám phá mà tôi mê thế giới của Chữ còn vì một tình yêu riêng. Nhiều khi tôi nghĩ mình bị mê hoặc hay hút hồn bởi hình dáng, và thanh vị của nó.
       Trong giấc mơ, tôi thấy tôi đối thoại được với Chữ. Chữ với tôi là một nhóm bạn, càng ngày càng đông, và chỗ ngồi của tôi cũng là một vị trí trong bộ xếp hình ấy. Cùng một lúc tôi cũng có thể hóa thân thành nhiều chữ khác nhau, tùy vào trò chơi mà chúng tôi đặt ra. Trong thế giới của Chữ, chúng tôi không nói chuyện. Chúng tôi chỉ dùng hình dáng và vũ điệu của mình để giao tiếp. Và chúng tôi âm thầm hiểu nhau đến mức không thể tách rời.
      Khi tôi nhắm mắt lại, thế giới của những con chữ lại mở ra, và tôi bắt đầu phiêu lưu trong đó. Có khi Chữ biến thành một ngôi nhà bí ẩn, một cái cây hay một khu vườn xinh xắn. Rất nhiều lần tôi đi lạc trong thế giới của Chữ. Chúng tôi, như những đứa trẻ chơi trò trốn tìm, Chữ bắt tôi tìm, rồi mất hút. Tôi lang thang, mất hồn. Tôi vô định. Tôi hốt hoảng, có khi chết giấc. Chỉ đến lúc đó, những người bạn chữ mới hiện ra, tôi sống lại như bắt gặp một phép lạ, và chúng tôi lại hòa vào nhau, vui đùa bất tận…
       Tất cả những gì hiện hữu trong thế giới ấy đều là sự biến hình của Chữ. Tôi gọi đó là sự hóa thân kì diệu. Tôi thích tìm hiểu nhiều loại ngôn ngữ khác nhau trên thế giới một phần vì muốn tận hưởng sự kỳ diệu ấy. Kỳ diệu hơn hết là khi đặt những con chữ ngẫu nhiên lại với nhau, nếu không cho ra một nghĩa nào cụ thể, tôi sẽ nhắm mắt lại, chiêm ngưỡng vũ điệu của Chữ, rồi hình dung ra tất cả những điều mà những người bạn ấy gợi ra. Đó có thể là một dòng sông, một thảo nguyên mênh mông hay một dải ngân hà, … Với tôi, đó chẳng khác nào một thế giới hỗn độn nhưng hài hòa, giống như những hành tinh với sự xếp đặt rất ngẫu nhiên trong vũ trụ của chúng ta. Yếu tố ngẫu nhiên luôn mang lại sự bất ngờ và ý vị riêng. Và ý vị của nó không gì khác hơn là sự diệu kỳ, bất tuyệt!
25.1.2015

N.H

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Ấn tượng ngày đầu tiên đi học

Nguyên Hậu


Ngày trước, tôi đi học trường làng chứ không phải là những ngôi trường khang trang như bây giờ. Cái trường nằm cách nhà có vài trăm thước, nên mỗi sáng ba hoặc mẹ để tôi lên xe đạp, chở tôi ra trường, sau đó buổi trưa có thể ba sẽ đón, hoặc cũng có thể tự về với các bạn. Nhà các bạn cũng nằm chung trong xóm, nên đi học không thấy buồn chút nào. Khác mới mấy đứa cháu của tôi bây giờ, đi học thiệt cực, phải đón đưa cả mấy cây số, rồi đứa nào cũng buồn, cũng khóc, y như những chú chim non bị tách ra khỏi cái tổ của chúng.
Trường làng của tôi ngày xưa không rộng, chỉ có một dãy lớp, ba phòng, và chỉ có ba lớp cho ba khối: lớp 1, lớp 2, lớp 3. Bắt đầu lên lớp 4 thì phải vô chợ Búng mới học được. Tôi chỉ học lớp 1 ở trường làng, nhưng học những 2 năm (vì học thêm 1 năm dự thính). Những năm sau ba mẹ cho tôi lên trường chợ. Mẹ nói ngày xưa tôi rất bé nhưng tròn trịa, đi học cứ thích đội cái nón chum chũm, mang ba lô, trông xa xa như cái nấm. Suốt hai năm lớp Một ấy, vào lớp lúc nào tôi cũng đứng chứ không ngồi, vì bé quá, phải đứng mới vừa tầm cái bàn viết (bàn học ngày xưa là một cái bàn dài, và cao, dùng chung cho tất cả các khối lớp chứ không cá biệt hóa cho từng khối như bây giờ). Biết như vậy vì mẹ tôi hay “rình” lúc tôi học, nhưng mẹ chẳng bao giờ để tôi nhìn thấy. Mẹ không trực tiếp đưa tôi đi học ngày nào, nhưng dường như nhất cử nhất động của tôi trong lớp mẹ đều biết. Mẹ không bao giờ tạo cho tôi cơ hội để nhõng nhẽo. Ba sẽ là người theo tôi suốt quãng đời đi học, từ mẫu giáo cho tới đại học. Và điều này cũng có duyên cớ của nó.
Trường làng gần nhà tôi, đi bộ chừng 5 phút (tính luôn thời gian tôi nhẩn nha  hái hoa, ngắm cảnh). Ngày trước mẹ cũng có đưa hai chị của tôi đi học, vì người mẹ nào lại không xót đứa con của mình lần đầu tiên rời “tổ”, biết nó sẽ lưu luyến, sẽ khóc khi không có mẹ bên cạnh. Thế là mẹ xung phong thay ba đưa các chị của tôi đi học ngày đầu tiên. Nhưng ôi thôi, nguyên lời của mẹ kể lại là y như “bắt cóc bỏ dĩa”. Mẹ vừa dắt tay chị vào lớp trao cho cô giáo, khi mẹ về tới nhà thì chị tôi cũng chạy về tới nhà. Mà mấy ngày đầu tiên đều như vậy. Còn chị thứ hai của tôi thì khác. Mẹ rút kinh nghiệm, cho đi học xa, tận chợ Búng. Mẹ cũng đưa vào sau đó ra ngoài lén nhìn vô. Và cả buổi sáng mẹ cứ đứng như thế cho đến lúc bãi học chớ mẹ không thể về được, vì chị tôi khóc nhiều quá, làm mẹ về không đặng. Thế là đến lượt của tôi, mẹ rút kinh nghiệm, nhất quyết không đưa tôi đi học một ngày nào, dù là mẫu giáo.  Lúc nhỏ tôi nghĩ mẹ bận bịu nên thông cảm cho mẹ, cũng không đòi hỏi có mẹ đưa như các bạn khác. Bây giờ lớn lên tôi mới biết, mẹ “né” không dám chở tôi đi học ngày đầu tiên vì mẹ sợ mẹ không kìm lòng được, rồi cái cảnh xưa lặp lại. Những đứa trẻ ngày đầu tiên đi học, vô lớp ngồi khóc là chuyện bình thường, chớ như mẹ nói, mẹ mà đưa con thì cả hai mẹ con cùng khóc! Giờ nhớ lại, ngày xưa tôi cũng chỉ khóc ngày đầu tiên, lúc đi học mẫu giáo chứ những ngày sau thì rất ngoan. Vì hồi tôi đi học cũng đã bốn tuổi rồi (so với mấy chị tôi đi học sớm hơn một năm, cho nên phải ngồi dự thính thêm 1 năm lớp Một cho đủ tuổi). Vậy mà tôi cứng rắn cực kỳ. Chắc tại tôi thích đi học thiệt! Còn mấy đứa cháu của tôi bây giờ, đứa nào cũng chừng 2 tuổi rưỡi hoặc ba tuổi là phải đi nhà trẻ, rồi học mẫu giáo những ba năm. Cái mầm cây ấy vẫn còn non nớt quá!
Lúc mẹ có cháu rồi, anh chị tôi vì bận đi làm nên không có thời gian đưa đón các con. Anh chị đành nhờ…  ông bà ngoại. Ông bà ngoại cũng ừ, nhưng với một điều kiện: tuần đầu tiên ba mẹ không “lãnh”! Mẹ nói mẹ không thể nào chịu được cái cảnh lưu luyến, tội nghiệp, rồi bứt ra không đành. Mẹ nhớ rõ cái cảnh xưa dữ lắm!
Đúng như lời mẹ, ngày đầu tiên tụi nhỏ đi học không có bóng dáng bà ngoại dắt vô trường. Chỉ ba mẹ chúng chở đi thôi. Trước khi đi bà ngoại cũng làm công tác tư tưởng rất chu đáo, nào là dặn cháu đi học ngoan ngoãn, vào chơi với bạn, chơi với cô, nào là ở trường có nhiều đồ chơi, … Đứa nào cũng dạ rân, ngoan ngãn vô cùng. Vậy mà! Đúng là cảnh xưa diễn lại. Cái ngày đầu tiên đi học ấy sao mà đẫm đầy nước mắt!

 Mẹ tôi ở nhà suốt ruột đi ra đi vào, chờ mẹ chúng về xem tình hình ra sao. Chờ cả buổi, đến khi hai chị của tôi về tới nhà, mắt người nào người nấy đỏ hoe. Rồi cả ngày cứ lo lắng, bồn chồn trông cho mau tới giờ đi rước bé! Thế mới biết, cho con đi học mẹ cũng xót, cũng tội, cũng buồn không kém gì đứa con của mình. Thấy cảnh đó bà ngoại xót xa. Xót hai lần xót! Ngày xưa, mẹ xót vì tình cảm luyến lưu của mình, còn bây giờ mẹ xót khi nhìn thấy những giọt nước mắt từ những đứa con, đứa cháu của mẹ! Đúng là nước mắt chảy xuôi!
N.H

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Giỡn bóng

Nguyên Hậu


Em muốn cuốn anh vào chiều
rồi vội vã yêu đương không sợ hãi
tia nắng quái chiếu xuyên qua hồn
làm nỗi cô đơn của em chạy trốn
dưới hốc mắt xanh xao

Em không còn đường thoát giữa màn đêm
nhập nhòa, ngập ngụa
ảo ảnh đè lên ảo ảnh
cuốn xoay vòng cơn lốc men say
Em không cần anh lúc ban ngày
ta quay lưng vào nhau
cả hai chỉ còn là cái bóng dưới chân tường
hai vạch màu xám ngoét

Cung đường vàng mỗi chiều em băng qua
cố đuổi theo cái bóng của mình
vun vút …
nhưng không bao giờ bắt kịp
… đường quá thênh thang

quay đầu
chen vào nỗi cô đơn
hương xưa còn phảng phất
vì đã quen thuộc với chiếc bóng
nên em không sợ lạc
chỉ sợ tiếng lòng
xan xát trái tim côi


8.2015

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Để nhớ một nét văn hóa du lịch miệt vườn

Nguyên Hậu

Những khu vườn ẩn hiện bên dòng Cầu Ngang
Ngày trước, khi đi học ở Sài Gòn, mỗi lần nghe tôi giới thiệu quê ở Lái Thiêu, những người lớn trạc tuổi ba mẹ tôi thường hỏi tôi rằng, Lái Thiêu bây giờ có còn như ngày xưa không? Thú thật tôi có niềm tự hào mỗi khi nhắc đến địa danh đó, nhưng tôi cũng không biết trả lời sao, vì thế hệ của tôi không có cơ hội được biết Lái Thiêu ngày xưa trong ký ức của những người đó như thế nào.Tết Đoan Ngọ vừa tôi có mời gia đình thầy cô của tôi từ Sài Gòn lên chơi. Thầy cô là người ở Sài Gòn từ trước 1975. Thầy nói từ nhỏ tới lớn, thầy mới đến Lái Thiêu có một lần, đó là lúc thầy còn trẻ, nhưng ấn tượng về miền đất đó thầy vẫn còn nhớ mãi. Sau này công việc bộn bề, thầy cô ít có dịp trở lên Lái Thiêu.
Thầy kể rằng ngày trước, dân Sài Gòn rất thích lên Lái Thiêu chơi, nhất là mỗi dịp cuối tuần. Bởi đó là một vùng xanh mát, rất khác cái không gian chật chội chốn Sài thành. Đặc biệt là mùa trái chín, Lái Thiêu nhộn nhịp lắm. Cứ người này lên chơi về khoe bạn bè là thể nào các bạn cũng tìm dịp lên chơi cho biết. Lái Thiêu cách Sài Gòn có chừng 20km, nên không cần tìm những dịch vụ du lịch đắt tiền và xa xôi tận miền Tây như bây giờ. Tôi thấy tiếc vì mình không được tận hưởng không khí ấy, nhưng qua lời kể của ba mẹ, tôi cũng phần nào thấy thích thú trong lòng. Ba mẹ tôi và hai chị là những người trực tiếp tham gia và giữ lại trong ký ức những nét văn hóa du lịch miệt vườn xưa.
Ấn tượng đầu tiên về Lái Thiêu, đó là một vùng không gian xanh mát với những vườn cây trái sai trĩu quả. Đến Lái Thiêu, khách du lịch được tạm thời quên đi không khí tấp nập, ồn ào của phố thị để hòa mình vào thiên nhiên. Ấn tượng thứ hai là những người dân quê chân chất, hiền lành và hiếu khách. Đến Lái Thiêu, đặc biệt là khu du lịch Cầu Ngang, du khách được dạo chân vào những khu vườn rợp bóng mát, tận mắt nhìn thấy trái cây lủng lẳng trên cành, được hái những quả măng cụt, chôm chôm hay mít tố nữ thơm lừng, được nghe tiếng lá xào xạc dưới chân hòa vào tiếng ve râm ran mà thư thới trong lòng. Ngày xưa mùa trái chín bắt đầu từ đầu tháng ba Âm lịch, kéo dài đến hết tháng sáu Âm lịch. Đầu tiên là dâu xiêm, bòn bon, rồi tới măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ, chôm chôm…
Ngày xưa hầu như nhà nào cũng có vườn, vườn nào cũng có trái cây, không loại này cũng loại khác. Ngày mùa, vườn nào cũng rộn rã, tiếng bước chân trên lá xạc xào cùng tiếng ve, tiếng nói cười rộn rã. Nhà tôi gần Cầu Ngang nên những ngày mùa, mẹ thường gánh nào măng cụt, nào mít tố nữ, nào dâu xiêm ra Cầu Ngang ngồi bán. Không cần sạp, không cần dù che, chỉ cần ngồi dọc hai bên Cầu Ngang, hoặc trong những con đường nhỏ dẫn vào những vườn trái cây là sẽ có người mua. Chị Ba thường được mẹ dẫn đi cùng, nên mỗi sáng thức dậy chị thường hỏi mẹ hôm nay mình có đi bán “Sì Gòn” không. Câu hỏi ngô nghê, cùng cái cách phát âm ngộ nghĩnh mới đáng yêu làm sao, nhưng mà hình như ngày đó những người dân quê vẫn thường nói vậy. Với người Lái Thiêu, “người Sì Gòn” thuộc một “thế giới khác”, vì thế khi họ đến với Lái Thiêu, bằng tấm lòng hiếu khách, người Lái Thiêu luôn cởi mở và đón tiếp rất nhiệt tình.
Mẹ nói ngày đó trái cây bán đắt lắm, chừng buổi sáng là xong. Dân Sài Gòn đi chơi nhiều, họ hiền lành, tốt bụng và những dịch vụ du lịch miệt vườn ngày đó cũng không kinh doanh lời lãi như bây giờ. Lúc chị Ba và mẹ tôi đi bán thì ba và chị Tư tôi ở nhà hái trái. Đặc biệt những ngày gần Tết Đoan Ngọ, khách du lịch đi chơi nhiều. Họ lại thích được vào tận vườn chơi nên chị phải canh vườn để người ta không “tiện tay” hái hết trái trên cây. Nói là canh vườn vậy, chứ thiệt ra chị cũng không thể chống lại cái hấp lực mới lạ của những người Sài Gòn mang đến. Chị cứ cho người ta vô vườn, rồi đi theo chơi. Có khi còn được người khách cho nhiều kẹo, nhiều bánh, có khi còn có cả tiền ăn kem. Cứ vậy, họ vào vườn chủ yếu là thư giãn chứ không phá phách gì. Người phương xa thì dễ thương, người miệt vườn thì mến khách. Cứ vậy mà không khí hội mùa rất vui, không xô bồ, thị trường như bây giờ.
Măng cụt Lái Thiêu
Có người nói rằng hương sắc miệt vườn Lái Thiêu một phần được thể hiện rõ qua hương vị của những loại trái cây nơi đây. Nó dân dã, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, quý phái. Mít tố nữ, sầu riêng thì hương thơm lừng, bay xa, dễ quyến lòng du khách. Đặc tính ấy như cái bộc trực, thẳng thắn của người dân Nam Bộ, không màu mè, khách sáo, có sao nói vậy. Còn chôm chôm, bòn bon, dâu xiêm là những loại trái cây dân dã, chỉ ra đúng mùa trong cái nền không gian và thổ nhưỡng xanh mát xứ đồng bằng. Nó không có hương thơm bên ngoài nhưng màu sắc và hương vị bên trong thì không ai lại không mê bởi vị ngọt thanh mát của nó. Còn một loại trái cây nữa khi nhìn thì dân dã, mộc mạc nhưng đặc biệt quý phái, đó là trái măng cụt. Hình dáng của trái măng cụt khi còn xanh trông giống khuôn mặt xinh xắn của một đứa trẻ, miệng lúc nào cũng toe toét cười. Khi ửng chín trái măng cụt lại trông giống khuôn mặt thiếu nữ, ban đầu là những vết điểm son, sau đó ửng hồng, rồi chuyển qua hồng quân, một vẻ đẹp rất mặn mà, hiền lành và đằm thắm. Trái măng cụt cũng có hương thơm rất đặc trưng, nhưng nếu ai không để ý sẽ không dễ gì nhận ra được. Nó có cái nồng nàn của trái chín, vừa có cái đằm sâu của thảo mộc. Măng cụt là một loại cây lâu năm, được mệnh danh là “nữ hoàng” của trái cây miền nhiệt đới, mỗi năm chỉ ra quả một lần sau khi đã hấp thụ đầy đủ tinh hoa của đất và trời nên trong hương thơm có sự hòa quyện thâm trầm giữa những yếu tố đó. Cũng giống như cô gái miệt vườn Lái Thiêu, có nét hiền hòa, thâm trầm và sâu sắc chứ không dễ cởi mở như cô gái miền tây sông nước. Cái duyên ngầm ấy như một thứ “mưa dầm thấm lâu” đối với những chàng trai xứ khác. Không ít chàng trai đã bén duyên với cô gái Lái Thiêu từ những hội mùa trái cây như thế. Ca dao có câu:
Đêm rằm mười sáu trăng treo
Anh đóng giường lèo cưới vợ Lái Thiêu
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà có câu ca dao trên, bởi giường lèo là một loại giường được làm bằng gỗ quý, có chạm trổ công phu, chỉ những nhà có của ăn của để mới đóng được mà thôi. Khách phương xa đến chơi, bất chợt lưu luyến cái hương quê đằm thắm ấy, để rồi kết thành nợ duyên cũng là điều dễ hiểu.
Người phương xa thích đến Lái Thiêu không chỉ vì có vườn trái cây mà còn bởi kiến trúc nhà vườn ở đây. Những ngôi nhà ở Bình Dương xưa thường có kiến trúc nhà chữ Đinh, bao quanh là vườn tược tươi mát. Dân Sài Gòn quanh năm ở chốn nhộn nhịp rất thích về đây để tận hưởng không gian sinh thái như vậy. Khách chỉ cần đạp xe một vòng quanh khu Cầu Ngang, chợ Búng, ngắm những vườn cây trái xanh mát dọc hai bên sông cũng đủ thấy lòng thư thái. Vậy nên những chàng sinh viên Sài Gòn ngày trước vẫn hay trốn học chở bạn lên Lái Thiêu chơi cho thư giãn một ngày rồi về trường tiếp tục đèn sách cho kịp kỳ thi là vậy.

Ngày nay du lịch miệt vườn Lái Thiêu tuy có duy trì nhưng không còn như xưa. Một phần vì ở ngay Sài Gòn cũng có lễ hội trái cây Nam Bộ được tổ chức ở những khu du lịch. Một phần vì những loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm được bày bán quanh năm, không cứ mùa hè, ở Lái Thiêu mới có. Còn măng cụt cũng được trồng ở nhiều nơi. Một phần nữa là do cơ chế thị trường mà cách thức tổ chức du lịch miệt vườn không còn như xưa. Tuy vậy, nếu ai đã một lần vương vấn nét văn hóa miệt vườn và nhận ra những đặc trưng của hương vị trái cây Lái Thiêu thì dễ gì không tìm cách quay trở lại, để tìm về, để tận hưởng một chút gì của ngày xưa… 

N.H

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Ký ức mùa hoa phượng

Nguyên Hậu

Phượng nở hè đến, phượng tắt hè đi, âu cũng là quy luật phổ quát mà ai cũng hiểu, như trong văn chương có câu “sen tàn cúc lại nở hoa” vậy. Tuy nhiên trong ý này, sen lại là loài được nhắc đến như một biểu tượng cho mùa hạ, chứ không phải hoa phượng, dân dã, và chỉ có ý nghĩa với tuổi học trò.
Thật ra, mọi thứ vốn vô thường, nhưng vô tình hay hữu tình là do lòng người mà ra. Nếu ta vô tình thì mọi vật đều chỉ là hiện thân, là vô nghĩa. Nhưng nếu người hữu tình, thì tự nhiên ta cũng cảm nhận được cái vô thường của nó. Trong trời đất vốn có nhiều loài hoa, có loại hoa bốn mùa, có loại chỉ ra hoa đúng vào mùa của nó, người ta thường gọi đó là loại hoa báo hiệu. Tùy theo sở thích mà mỗi người sẽ yêu quý những loài hoa khác nhau. Có người thích hoa ngắn ngày, đó là những loại hoa có thể mọc và ra hoa suốt bốn mùa, nhưng tuổi thọ của nó không được lâu. Nhưng cũng có người thích hoa theo đúng mùa, đúng tiết. Cũng như hoa mai, hoa đào là biểu tượng của mùa xuân vậy. Những loài hoa như vậy, người thưởng hoa phải là người biết kiên nhẫn, chờ đợi và chuẩn bị tâm thế để thưởng thức. Khi cái diệu thức của thời tiết đã đến mang theo thanh sắc của đất trời, lòng người sẽ ngất ngây, lâng lâng hạnh phúc sau những tháng ngày thiếu vắng, vừa có cái xốn xang, nuối tiếc trước cái bước đi vô tình của thời gian.
Nếu hoa mai, hoa đào là dấu hiệu của mùa xuân thì hoa phượng là tấm áo choàng rực rỡ của cô gái mùa hè. Mùa hè, phượng nở, nhưng ít ai để ý và rưng rưng xúc cảm nếu không phải ở tuổi học trò. Bởi phượng không kiêu sa, không duyên dáng đến lả lướt.  Phượng là chứng nhân của buổi rời xa, là ký ức cho ngày trở về. Phượng rực rỡ trong mắt những cô cậu  học trò hồn nhiên, vô lo nhưng lại đằm thắm trong ánh mắt buồn lúc rời xa của những anh chị sắp bước vào cánh cửa lớn của cuộc đời. Thế nên mới nói, phượng vô tình hay hữu tình cũng là điều bí mật trong tâm hồn. Mười mấy năm cắp sách đến trường là mười mấy lần nhìn thấy cánh phượng rơi. Không biết vô tình hay hữu ý mà hoa phượng lại được trồng ở sân trường, để rồi linh hồn nó được gắn liền với cái tuổi đẹp nhất cuộc đời mỗi người. Hiếm loài hoa nào có được cái diễm phúc ấy. Và ngược lại, cũng nhờ có phượng mà những cô cậu học trò nhận ra được những thay đổi vi tế của tâm hồn.
Tuổi học trò, nếu không có mùa hè, không có hoa phượng báo hiệu sự chia tay,  có lẽ ít ai nhận ra giá trị đích thực của tình bạn. Hoa phượng mở ra khung trời thơ mộng đón lấy những sợi tơ trong tâm hồn mỗi người. Nhà thơ Hàn Mặc Tử từng cảm thán:
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu!
(Những giọt lệ)
Thế mới biết cái ấn tượng mãnh liệt của buổi yêu đầu. Cả một khung trời như rỉ máu trong cái lưu luyến của buổi chia tay. Màu phượng hay màu huyết? Cái nhập nhòa trong cảm xúc và cảm giác đã làm vỡ ra tất cả. Thì ra, lòng đã rưng rưng, đã chịu hé lộ cái bí mật từ lâu cất giấu trong lòng.
Mỗi lần phượng nở là lòng ai đó bỗng chùng lại, dịu bớt cái hờn dỗi, đỏng đảnh, kiêu kỳ; làm cho ta biết những giá trị thiêng liêng của tình cảm và tận hưởng những xao xuyến của con tim. Và ai đó sẽ tiếc nuối vì chưa kịp thổ lộ những thổn thức trong tâm hồn còn quá mỏng manh. Những cánh tay nắm vội rồi sẽ mang theo cả một khối tình chớm nở trở về vùng ký ức.
Chiều nay, cơn mưa rào bất chợt như nói hộ nỗi lòng của những trái tim trước lúc chia tay. Nhưng sẽ còn bao nhiêu trái tim chưa nói nên lời, bao nhiêu ngấn lệ chưa kịp lau khô, bao nhiêu ánh mắt có đuôi sẽ theo đến muôn dặm hành trình…
Vậy thì phượng là vô tình hay hữu tình? Phượng vô tình khi đến như một lời thúc giục, như dấu hiệu của sự chia xa. Nhưng phượng hữu tình vì màu phượng gợi nhắc những bí mật trong tâm hồn mỗi cô cậu học trò, là chứng nhân cho những trái tim bé bỏng. Nhìn phượng chắc không ai có thể vô tâm, hững hờ, vì màu hoa phượng làm cho tâm tình thêm nồng đượm.
Phương đỏ, ai nói phượng không xanh?
Phượng hồng, ai nói phượng không tím?
Phượng lung linh cho đôi mắt ai sâu…


Mùa phượng 2015

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Nghệ sĩ...

Nguyên Hậu

Thiết nghĩ “nghệ sĩ” là một khái niệm mở mà cho đến giờ khó có một định nghĩa nào thật sự đầy đủ. Theo quan niệm rộng rãi, dễ thừa nhận thì nghệ sĩ là người sáng tạo hoặc biểu diễn một hay nhiều loại hình nghệ thuật, hoặc có biệt tài một hay nhiều kĩ năng đặc biệt. Tuy nhiên đó là nói những điều cụ thể mà ai cũng có thể thấy hoặc chứng minh. Vẫn có những “nghệ sĩ tâm hồn” khó ai nhận thấy, và nếu cuộc đời có nhiều những nghệ sĩ như thế thì có lẽ cuộc sống này sẽ đẹp đẽ và thơ mộng biết bao.
Thật tình tôi luôn có những cảm nhận và cảm thông đặc biệt đối với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đã làm nghệ thuật thì phải hy sinh rất nhiều, cho dù bây giờ nhiều người thấy ca sĩ, nhạc sĩ giàu có, sung túc, cũng có người trở thành “đại gia”. Nhưng mấy ai hiểu được cái mà họ hy sinh và chịu đựng nhiều nhất chính là lĩnh vực tinh thần. Dù là một diễn viên hài thì không chắc cuộc sống thực của họ đã vui. Nên tôi cảm thông nhiều cho những đóng góp đi liền với những mất mát mà họ phải chịu một cách âm thầm. Với những người làm nghệ thuật hoặc nghiên cứu trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi phục họ cao hơn một bậc so với những người bình thường hoặc làm những ngành nghề khác. Nội tâm của người nghệ sĩ là một thế giới thẳm sâu ít ai hiểu hết cho dù họ sẵn lòng chia sẻ ít nhiều. Nhiều nghệ sĩ bảo rằng họ không thể xa sân khấu, họ thèm được hàng đêm đứng trên sân khấu với muôn ánh đèn, thèm được nghe tiếng vỗ tay hoặc nhìn thấy sự rung động được biểu hiện trên gương mặt khán giả. Nó giống như một thứ thuốc gây nghiện, khiến họ không thể rời xa. Nói như thế chỉ là một phần, vì đó là cái phần dễ nói nhất, nói ra cũng dễ được người ta hiểu nhất. Nhưng thật ra điều thôi thúc họ là những cái vô hình như hơi thở, cái rung động tinh tế mỏng như khói, nhẹ như sương. Nó hiện hình bằng một cảm giác trừu tượng mà người ta hay gọi là đam mê, là tình yêu. Nhưng điều gì tạo ra sự đam mê, làm cho người ta thấy yêu, thấy thích mới là quan trọng!
Người làm nghệ thuật luôn thèm được chia sẻ nhiều hơn nhận lại từ người khác. Họ chia sẻ chính những cái dồn nén trong họ, được biểu hiện ra thành lời ca tiếng hát nếu đó là âm nhạc; là hình khối, đường nét nếu đó là kiến trúc; là chữ nghĩa, ý niệm, cảm xúc nếu đó là văn chương… Nói chung tất cả đều hướng về cái đẹp, đều rất tinh thần. Một ca sĩ trau chuốt lời ca, giọng hát của mình ngoài việc để được nhiều người yêu thích còn là một cống hiến cho nghệ thuật, truyền những giai điệu tuyệt vời nhất cho cuộc sống. Một nhạc sĩ sáng tác những ca khúc không chỉ mong cầu người ta thích bài hát của mình, mà hơn cả là khát khao được chia sẻ, truyền những cảm xúc của mình đến với nhiều người hơn. Cái họ cần là sự đồng cảm hơn lời tán thưởng.
Người nhạc sĩ chuyên hòa âm phối khí, dù không phải là người sáng tác ca khúc, nhưng cũng cần một sự thẩm thấu, đồng điệu với người sáng tác được thể hiện qua giai điệu, lời nhạc mới mong có thể làm nên những ca khúc hay. Một bài hát, từ lúc tìm lời, viết nhạc, phối khí cho đến lúc trình bày thành một sản phẩm hoàn chỉnh là cả một sự đồng điệu lớn trong tâm hồn của những trái tim hết lòng vì nghệ thuật. Trong một chương trình truyền hình gần đây, tôi được nghe một ý kiến rất chân thực của một người hoạt động nghệ thuật. Họ cảm thấy buồn và bức xúc khi có một sự phân biệt trong thị hiếu đối với các lĩnh vực nghệ thuật. Khi ra đời, những người hát nhạc trẻ được hát trên những sân khấu rực rỡ ánh đèn, trong khi những ca sĩ hát nhạc dân ca hoặc nhạc trữ tình lại phải chấp nhận hát ở những rạp hát nhỏ của tỉnh lẻ, hoặc những đoàn hát lưu động, hội chợ… Có một cái gì đó không công bằng trong các dòng nhạc chăng? Cũng như những người chuyên làm nghề xiếc phục vụ cho khán giả, họ cũng đã hết lòng cống hiến hết mình cho người xem, nhiều khi phải đánh đổi sự an toàn của chính bản thân mình nhưng ít khi nào được công nhận một cách chính thức. Những tiết mục của họ thường phải biểu diễn trong các hội chợ, các gánh hát lẻ, hoặc nếu được biểu diễn trên sân khấu cũng là để lót chương trình cho những tiết mục ca nhạc.
Là nghệ sĩ, họ phải chịu thiệt thòi với chính bản thân mình vì đôi khi phải đánh đổi nhiều thứ để thỏa niềm đam mê của mình. Đối diện với cuộc sống vật chất lên ngôi, họ phải trăn trở rất nhiều trong nội tâm, giữa đam mê và những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống. Có người chấp nhận vì đam mê mà hy sinh tất cả, cuối đời chỉ còn hai bàn tay trắng. Vui chăng là những dư âm mà người đời dành cho, nếu họ thật sự thành công và nổi tiếng một thời. Đó là một điều thật đáng buồn! Quan trọng không kém là nhiều người cũng có thiên hướng nghệ thuật, nhưng trước những lựa chọn để tồn tại giữa cuộc đời, họ chưa một lần được thỏa ước mơ. Họ phải đeo mang những cảm xúc và thổn thức của riêng mình, một mình mình hiểu và đôi khi không khỏi khóc thầm trước sự bất trắc và phức tạp của cuộc sống, làm tổn thương trái tim vốn yếu đuối, mỏng manh. Tuy không bước chân vào con đường nghệ thuật nhưng với tôi, họ cũng là nghệ sĩ, bởi chính họ đã kiến tạo nên tâm hồn mình bằng vô vàn những rung động tinh tế góp nhặt từ sắc màu, âm thanh và hình dáng mà cuộc sống mang lại. Và tôi có lòng tin rằng, chính họ là những người ươm mầm cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống này. Họ là những nghệ sĩ vô danh giữa cuộc đời…
N.H
1.2015

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Tết tuổi thơ



Nguyên Hậu

       
       Cảm xúc con người thật lạ, chỉ thích cái gì tinh khôi, mới chớm. Còn khi điều mong ước đã đến rồi thì trong cái vui vẫn có niềm tiếc nuối. Thế nên “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu mới tiếc ngẩn tiếc ngơ khi đứng trước mùa xuân của đất trời:
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
(Vội vàng)
        Nhưng điều này chỉ có khi tôi lớn lên chứ mấy đứa trẻ năm sáu tuổi như tụi tôi hồi trước đâu có khái niệm thế nào là xuân, chỉ chờ mong cho tới Tết. Tết mới vui, chứ xuân thì … không hiểu lắm! Ngày còn nhỏ, tôi chỉ xòe tay đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết, để đúng sáng ngày Mồng 1 chúng tôi sẽ được xúng xính trong những bộ áo mới rực rỡ sắc màu.
       Lớn lên một chút, tôi bắt đầu biết để ý cảnh sinh hoạt những ngày giáp Tết và bắt đầu thấy thích mấy ngày này. Đó là khoảng thời gian từ rằm tháng Chạp trở đi, khi mà mọi nhà đều bắt cái ghế đẩu ra ngoài sân với tay hái nốt mấy chiếc lá mai còn lại trên cành, như trút đi lớp áo cũ. Cành mai sẽ oặn mình đau đớn, dồn hết nhựa sống nuôi những búp non đang dậy lên từng ngày.Những ngày ấy, khí trời sẽ trong veo, nắng vàng ươm trên những búp mai tròn chỉ chờ đến ngày khoe những lớp áo vàng tươi.
        Ý niệm về Tết đến với tôi vào cái ngày một buổi sáng thức dậy không có ba đưa đi học, mà thay vào đó là mẹ hay chị. Tôi hỏi mẹ thì mẹ nói ba bận đi dẫy mả. Đó buổi sáng ngày 24 tháng Chạp, sau ngày đưa Ông Táo 1 ngày. Không biết sao mà lúc đó cảm giác của tôi thấy buồn lắm. Nó khiến cho tôi nghĩ đến anh Hai tôi đã mất từ nhỏ, lúc đó tôi cũng chưa ra đời.  Năm nào cũng vậy, cứ chiều 23 tôi đã thấy ba mang cái cuốc ra mài lại cho sắc, để sáng mai đi sớm. Năm nào khi ba về mẹ cũng hỏi ba làm có mệt không, năm nay có ai dẫy cùng không, cỏ có mọc cao quá không… Khi hỏi thế tôi biết mẹ đang nhớ tới anh Hai, mắt mẹ rơm rớm…
       Rồi những ngày tiếp theo tôi thấy ba cứ loay hoay ở nhà trên và ngoài sân. Ba lau chùi bộ lư cho bóng rồi phơi nắng, rồi quét dọn, sắp xếp lại bàn thờ. Mẹ với hai chị thì loay hoay dưới bếp lo chuẩn bị chuyện bếp núc cho ba ngày Tết. Tôi nhỏ nhất nên ba mẹ không bắt tôi làm việc gì, chỉ qua lại xem ba hay mẹ có cần giúp gì thì giúp. Thế là tôi tha hồ chạy lên chạy xuống, vừa xem ba lại vừa xem mẹ làm việc. Đó cũng là lúc lòng tôi rộn ràng nhất.
      Có một điều đặc biệt là vào những ngày giáp Tết đó, trong lúc làm việc ba sẽ mở cho tôi nghe những bản nhạc xuân từ cái máy Cassette hiệu Sony. Ba mở nhạc từ cuộn băng xuân bên ngoài có dán cái nhãn màu trắng, trên đầu ghi dòng chữ “Điệp khúc mừng xuân”, một năm mới nghe một lần. Tôi còn nhớ đó là những bài hát xuân với giai điệu nhẹ nhàng và pha lẫn chút buồn. Băng có hai mặt, nhưng lúc nào tôi cũng thích nghe đi nghe mặt A, toàn những bài vui, giai điệu rộn ràng như Con bướm xuân, Cánh bướm vườn xuân, Xuân đã về, Xuân họp mặt , Xuân yêu thương, Thiên duyên tiền định…, còn mặt B thì những bài buồn buồn như  Đón xuân này nhớ xuân xưa, Câu chuyện đầu năm, Chuyện ngày cuối năm, Xuân này con không về... Hồi nhỏ tôi không đủ hiểu biết để hiểu vì sao là nhạc xuân nhưng tôi vẫn thấy có chút gì buồn buồn như vậy, chỉ thấy nó rất hay rất hợp với những ngày Tết. Bây giờ lớn lên tìm hiểu tôi mới biết đó là những bản nhạc xuân được sáng tác trước 1975 ở miền Nam. Viết về mùa xuân nhưng trong giai điệu và ca từ vương vất một chút buồn. Có cái gì đó dang dở, không trọn vẹn hoặc chưa trọn vẹn. Xuân về không chỉ có sự thay đổi của đất trời, cái rộn ràng của lòng người mà trong đó còn là những giây phút suy ngẫm về lẽ tuần hoàn, về cuộc đời và ước ao những điều tốt đẹp chưa trọn vẹn trong năm cũ.
      Ngày nay dù mỗi năm nhạc xuân vẫn rộn ràng, nhiều bài nhạc trẻ mới vừa sáng tác nhưng tôi không thích bằng. Cái máy Cassette của ba đến giờ vẫn nằm im trong tủ, vẫn màu đỏ Bordeaux đẹp như ngày nào, nhưng cuộn băng ngày ấy bây giờ đã nhão (tuổi của nó có lẽ cũng đúng bằng tuổi của tôi) nhưng những gì mà tôi có được trong những ngày Tết tuổi thơ thì không bao giờ có thể quên được. Bây giờ mỗi khi Tết đến tôi thường lên mạng tìm những bài ca ấy về laptop, vẫn những ca sĩ và giai điệu ngày đó, sau đó chép ra đĩa để nghe. Với tôi, những giai điệu đó mới mang lại cái Tết trong tâm hồn tôi, một chút rộn ràng pha lẫn nét buồn buồn, riêng tư…
 N.H

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...