“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Ký ức mùa hoa phượng

Nguyên Hậu

Phượng nở hè đến, phượng tắt hè đi, âu cũng là quy luật phổ quát mà ai cũng hiểu, như trong văn chương có câu “sen tàn cúc lại nở hoa” vậy. Tuy nhiên trong ý này, sen lại là loài được nhắc đến như một biểu tượng cho mùa hạ, chứ không phải hoa phượng, dân dã, và chỉ có ý nghĩa với tuổi học trò.
Thật ra, mọi thứ vốn vô thường, nhưng vô tình hay hữu tình là do lòng người mà ra. Nếu ta vô tình thì mọi vật đều chỉ là hiện thân, là vô nghĩa. Nhưng nếu người hữu tình, thì tự nhiên ta cũng cảm nhận được cái vô thường của nó. Trong trời đất vốn có nhiều loài hoa, có loại hoa bốn mùa, có loại chỉ ra hoa đúng vào mùa của nó, người ta thường gọi đó là loại hoa báo hiệu. Tùy theo sở thích mà mỗi người sẽ yêu quý những loài hoa khác nhau. Có người thích hoa ngắn ngày, đó là những loại hoa có thể mọc và ra hoa suốt bốn mùa, nhưng tuổi thọ của nó không được lâu. Nhưng cũng có người thích hoa theo đúng mùa, đúng tiết. Cũng như hoa mai, hoa đào là biểu tượng của mùa xuân vậy. Những loài hoa như vậy, người thưởng hoa phải là người biết kiên nhẫn, chờ đợi và chuẩn bị tâm thế để thưởng thức. Khi cái diệu thức của thời tiết đã đến mang theo thanh sắc của đất trời, lòng người sẽ ngất ngây, lâng lâng hạnh phúc sau những tháng ngày thiếu vắng, vừa có cái xốn xang, nuối tiếc trước cái bước đi vô tình của thời gian.
Nếu hoa mai, hoa đào là dấu hiệu của mùa xuân thì hoa phượng là tấm áo choàng rực rỡ của cô gái mùa hè. Mùa hè, phượng nở, nhưng ít ai để ý và rưng rưng xúc cảm nếu không phải ở tuổi học trò. Bởi phượng không kiêu sa, không duyên dáng đến lả lướt.  Phượng là chứng nhân của buổi rời xa, là ký ức cho ngày trở về. Phượng rực rỡ trong mắt những cô cậu  học trò hồn nhiên, vô lo nhưng lại đằm thắm trong ánh mắt buồn lúc rời xa của những anh chị sắp bước vào cánh cửa lớn của cuộc đời. Thế nên mới nói, phượng vô tình hay hữu tình cũng là điều bí mật trong tâm hồn. Mười mấy năm cắp sách đến trường là mười mấy lần nhìn thấy cánh phượng rơi. Không biết vô tình hay hữu ý mà hoa phượng lại được trồng ở sân trường, để rồi linh hồn nó được gắn liền với cái tuổi đẹp nhất cuộc đời mỗi người. Hiếm loài hoa nào có được cái diễm phúc ấy. Và ngược lại, cũng nhờ có phượng mà những cô cậu học trò nhận ra được những thay đổi vi tế của tâm hồn.
Tuổi học trò, nếu không có mùa hè, không có hoa phượng báo hiệu sự chia tay,  có lẽ ít ai nhận ra giá trị đích thực của tình bạn. Hoa phượng mở ra khung trời thơ mộng đón lấy những sợi tơ trong tâm hồn mỗi người. Nhà thơ Hàn Mặc Tử từng cảm thán:
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu!
(Những giọt lệ)
Thế mới biết cái ấn tượng mãnh liệt của buổi yêu đầu. Cả một khung trời như rỉ máu trong cái lưu luyến của buổi chia tay. Màu phượng hay màu huyết? Cái nhập nhòa trong cảm xúc và cảm giác đã làm vỡ ra tất cả. Thì ra, lòng đã rưng rưng, đã chịu hé lộ cái bí mật từ lâu cất giấu trong lòng.
Mỗi lần phượng nở là lòng ai đó bỗng chùng lại, dịu bớt cái hờn dỗi, đỏng đảnh, kiêu kỳ; làm cho ta biết những giá trị thiêng liêng của tình cảm và tận hưởng những xao xuyến của con tim. Và ai đó sẽ tiếc nuối vì chưa kịp thổ lộ những thổn thức trong tâm hồn còn quá mỏng manh. Những cánh tay nắm vội rồi sẽ mang theo cả một khối tình chớm nở trở về vùng ký ức.
Chiều nay, cơn mưa rào bất chợt như nói hộ nỗi lòng của những trái tim trước lúc chia tay. Nhưng sẽ còn bao nhiêu trái tim chưa nói nên lời, bao nhiêu ngấn lệ chưa kịp lau khô, bao nhiêu ánh mắt có đuôi sẽ theo đến muôn dặm hành trình…
Vậy thì phượng là vô tình hay hữu tình? Phượng vô tình khi đến như một lời thúc giục, như dấu hiệu của sự chia xa. Nhưng phượng hữu tình vì màu phượng gợi nhắc những bí mật trong tâm hồn mỗi cô cậu học trò, là chứng nhân cho những trái tim bé bỏng. Nhìn phượng chắc không ai có thể vô tâm, hững hờ, vì màu hoa phượng làm cho tâm tình thêm nồng đượm.
Phương đỏ, ai nói phượng không xanh?
Phượng hồng, ai nói phượng không tím?
Phượng lung linh cho đôi mắt ai sâu…


Mùa phượng 2015

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Nghệ sĩ...

Nguyên Hậu

Thiết nghĩ “nghệ sĩ” là một khái niệm mở mà cho đến giờ khó có một định nghĩa nào thật sự đầy đủ. Theo quan niệm rộng rãi, dễ thừa nhận thì nghệ sĩ là người sáng tạo hoặc biểu diễn một hay nhiều loại hình nghệ thuật, hoặc có biệt tài một hay nhiều kĩ năng đặc biệt. Tuy nhiên đó là nói những điều cụ thể mà ai cũng có thể thấy hoặc chứng minh. Vẫn có những “nghệ sĩ tâm hồn” khó ai nhận thấy, và nếu cuộc đời có nhiều những nghệ sĩ như thế thì có lẽ cuộc sống này sẽ đẹp đẽ và thơ mộng biết bao.
Thật tình tôi luôn có những cảm nhận và cảm thông đặc biệt đối với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đã làm nghệ thuật thì phải hy sinh rất nhiều, cho dù bây giờ nhiều người thấy ca sĩ, nhạc sĩ giàu có, sung túc, cũng có người trở thành “đại gia”. Nhưng mấy ai hiểu được cái mà họ hy sinh và chịu đựng nhiều nhất chính là lĩnh vực tinh thần. Dù là một diễn viên hài thì không chắc cuộc sống thực của họ đã vui. Nên tôi cảm thông nhiều cho những đóng góp đi liền với những mất mát mà họ phải chịu một cách âm thầm. Với những người làm nghệ thuật hoặc nghiên cứu trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi phục họ cao hơn một bậc so với những người bình thường hoặc làm những ngành nghề khác. Nội tâm của người nghệ sĩ là một thế giới thẳm sâu ít ai hiểu hết cho dù họ sẵn lòng chia sẻ ít nhiều. Nhiều nghệ sĩ bảo rằng họ không thể xa sân khấu, họ thèm được hàng đêm đứng trên sân khấu với muôn ánh đèn, thèm được nghe tiếng vỗ tay hoặc nhìn thấy sự rung động được biểu hiện trên gương mặt khán giả. Nó giống như một thứ thuốc gây nghiện, khiến họ không thể rời xa. Nói như thế chỉ là một phần, vì đó là cái phần dễ nói nhất, nói ra cũng dễ được người ta hiểu nhất. Nhưng thật ra điều thôi thúc họ là những cái vô hình như hơi thở, cái rung động tinh tế mỏng như khói, nhẹ như sương. Nó hiện hình bằng một cảm giác trừu tượng mà người ta hay gọi là đam mê, là tình yêu. Nhưng điều gì tạo ra sự đam mê, làm cho người ta thấy yêu, thấy thích mới là quan trọng!
Người làm nghệ thuật luôn thèm được chia sẻ nhiều hơn nhận lại từ người khác. Họ chia sẻ chính những cái dồn nén trong họ, được biểu hiện ra thành lời ca tiếng hát nếu đó là âm nhạc; là hình khối, đường nét nếu đó là kiến trúc; là chữ nghĩa, ý niệm, cảm xúc nếu đó là văn chương… Nói chung tất cả đều hướng về cái đẹp, đều rất tinh thần. Một ca sĩ trau chuốt lời ca, giọng hát của mình ngoài việc để được nhiều người yêu thích còn là một cống hiến cho nghệ thuật, truyền những giai điệu tuyệt vời nhất cho cuộc sống. Một nhạc sĩ sáng tác những ca khúc không chỉ mong cầu người ta thích bài hát của mình, mà hơn cả là khát khao được chia sẻ, truyền những cảm xúc của mình đến với nhiều người hơn. Cái họ cần là sự đồng cảm hơn lời tán thưởng.
Người nhạc sĩ chuyên hòa âm phối khí, dù không phải là người sáng tác ca khúc, nhưng cũng cần một sự thẩm thấu, đồng điệu với người sáng tác được thể hiện qua giai điệu, lời nhạc mới mong có thể làm nên những ca khúc hay. Một bài hát, từ lúc tìm lời, viết nhạc, phối khí cho đến lúc trình bày thành một sản phẩm hoàn chỉnh là cả một sự đồng điệu lớn trong tâm hồn của những trái tim hết lòng vì nghệ thuật. Trong một chương trình truyền hình gần đây, tôi được nghe một ý kiến rất chân thực của một người hoạt động nghệ thuật. Họ cảm thấy buồn và bức xúc khi có một sự phân biệt trong thị hiếu đối với các lĩnh vực nghệ thuật. Khi ra đời, những người hát nhạc trẻ được hát trên những sân khấu rực rỡ ánh đèn, trong khi những ca sĩ hát nhạc dân ca hoặc nhạc trữ tình lại phải chấp nhận hát ở những rạp hát nhỏ của tỉnh lẻ, hoặc những đoàn hát lưu động, hội chợ… Có một cái gì đó không công bằng trong các dòng nhạc chăng? Cũng như những người chuyên làm nghề xiếc phục vụ cho khán giả, họ cũng đã hết lòng cống hiến hết mình cho người xem, nhiều khi phải đánh đổi sự an toàn của chính bản thân mình nhưng ít khi nào được công nhận một cách chính thức. Những tiết mục của họ thường phải biểu diễn trong các hội chợ, các gánh hát lẻ, hoặc nếu được biểu diễn trên sân khấu cũng là để lót chương trình cho những tiết mục ca nhạc.
Là nghệ sĩ, họ phải chịu thiệt thòi với chính bản thân mình vì đôi khi phải đánh đổi nhiều thứ để thỏa niềm đam mê của mình. Đối diện với cuộc sống vật chất lên ngôi, họ phải trăn trở rất nhiều trong nội tâm, giữa đam mê và những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống. Có người chấp nhận vì đam mê mà hy sinh tất cả, cuối đời chỉ còn hai bàn tay trắng. Vui chăng là những dư âm mà người đời dành cho, nếu họ thật sự thành công và nổi tiếng một thời. Đó là một điều thật đáng buồn! Quan trọng không kém là nhiều người cũng có thiên hướng nghệ thuật, nhưng trước những lựa chọn để tồn tại giữa cuộc đời, họ chưa một lần được thỏa ước mơ. Họ phải đeo mang những cảm xúc và thổn thức của riêng mình, một mình mình hiểu và đôi khi không khỏi khóc thầm trước sự bất trắc và phức tạp của cuộc sống, làm tổn thương trái tim vốn yếu đuối, mỏng manh. Tuy không bước chân vào con đường nghệ thuật nhưng với tôi, họ cũng là nghệ sĩ, bởi chính họ đã kiến tạo nên tâm hồn mình bằng vô vàn những rung động tinh tế góp nhặt từ sắc màu, âm thanh và hình dáng mà cuộc sống mang lại. Và tôi có lòng tin rằng, chính họ là những người ươm mầm cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống này. Họ là những nghệ sĩ vô danh giữa cuộc đời…
N.H
1.2015
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...