“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Đà Nẵng - lần đầu …

Nguyên Hậu

Xong một chuyến công tác tại Đà Nẵng. Với ai thì chuyện đó bình thường nhưng với mình lại là chuyến đi đáng nhớ. Trước khi đi, trong đầu luôn suy nghĩ, lo lắng về hai chữ công tác. Nhưng khi từ Đà Nẵng đáp máy bay về Sài Gòn, ấn tượng đọng lại và ám ảnh mãi lại là hai tiếng Đà Nẵng, là hình ảnh dãy đất miền Trung mà thôi. 

Miền Trung nhìn từ trên cao

Nói ra điều này, ai cũng có thể nghĩ mình quá ngây thơ, vì thật ra, có những điều ai nấy cho bình thường thì với mình là “vĩ đại”. Cũng giống như ấn tượng về thành phố Đà Nẵng, người Đà Nẵng nói riêng và dãy đất miền Trung, người miền Trung vậy. Trước khi có chuyến đi này, tôi chỉ quanh quẩn ở mảnh đất miền Nam, quanh năm hai mùa mưa nắng, ngoài ra có biết gì thêm. Cách đây mấy năm có dịp về đồng bằng miền Tây Nam Bộ, có dịp hiểu thêm về đất và người nơi đây. Từ đó trong trí cứ nghĩ, cứ thương hai tiếng miền Nam quê mình. 

Về Trung là một điều gì rất khác nhưng không có nghĩa không gợi sự ám ảnh. Tất cả chỉ gói gọn trong một chuyến công tác, nhưng những gì của miền Trung lại cứ đong đầy, đến nỗi khi ra phi trường trở về Sài Gòn, lòng có gì thổn thức, níu kéo, không muốn rời xa.

Có lẽ tất cả những cái gì thuộc về yếu tố côi nguồn đã làm cho mình gắn bó dẫu là vô hình. Từ máy bay nhìn xuống, dãy đất miền Trung chật hẹp, quanh co uốn mình, một bên là núi, một bên là biển. Vậy mới thấy tạo hóa ưu đãi cho mảnh đất miền Nam biết dường nào. Nhất là mùa này, miền Trung đang chịu cái nóng bỏng da rát thịt, vậy mà người dân vẫn rất hiền hòa. Tất nhiên không thể nói hoàn toàn giống người miền Nam, nhưng nhìn họ vẫn thấy rõ cái chân chất mộc mạc, vẫn thấy thương đến tận cùng.

Không hiểu số mình chắc ở hiền nên gặp lành hay sao mà đi đâu cũng có người thương và giúp đỡ. Lần đầu tiên ra Trung, gặp một người miền Trung qua lời giới thiệu của người quen, thế rồi sau đó bỗng thấy thân như anh em vậy. Thời gian rảnh ở ngoài đó chỉ tính bằng giờ, tổng cộng chưa đầy một ngày nhưng vì gặp ngay thổ địa nên được giới thiệu rất nhiều về đất và người miền Trung, đặc biệt là được ăn nhiều món bắt nguồn từ đất Quảng. Chắc cũng bắt nguồn từ tình cảm, nên có những món chỉ mới ăn lần đầu tiên và không mấy hợp với mình nhưng vẫn thấy ngon vô cùng. 

Cũng là lần đầu tiên đến một nơi vốn là thành phố du lịch nhưng lại không thấy cái xô bồ, bát nháo thường thấy ở những nơi khác, tạo cho mình một cảm giác thư thái, yên tâm tuyệt đối. Bắt gặp bất cứ ai ở Đà Nẵng cũng có thể xem họ là một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp và tận tình. Đặc biệt, ấn tượng nhất là cách tính quãng đường của họ,  rất chính xác, không phải là cái ước lượng mơ hồ, phóng khoáng như người miền Tây. Có lẽ vì vậy mà dù chỉ hai ngày, kết hợp cả công tác nhưng mình lại có cảm giác như đang tận hưởng một chuyến nghỉ dưỡng thật sự. 

Thêm một tận hưởng, thêm một trải nghiệm để thấy yêu hơn quê hương, đất nước mình…

Vài hình ảnh ghi lại trong chuyến đi của một kẻ thấy gì cũng “lạ”:


Từ hình 1-3: quá trình để có món Bánh tráng cuốn thịt - Đà Nẵng thật thơm ngon
Món Bánh bèo chén miền Trung
Mì Quảng tôm thịt
Đường lên Bán đảo Sơn Trà
Tượng Phật trên chùa Linh Ứng - Đà Nẵng
Từ bán đảo Sơn Trà nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng như một vòng cung
Từ biển nhìn vào
Quần thể chùa Linh Ứng
Ngắm biển
Hoàng hôn trên biển
Mặt trời mọc (Biển Mỹ Khê)
Bình minh
Khỏe khoắn làng chài
Báu vật của biển
Đà Nẵng - Tạm biệt...

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Chiều trong "Khúc tự tình"


Nguyên Hậu

Không dám gọi “thơ” sao lòng còn thổn thức
Không dám gọi “tình” mà lòng vẫn gieo neo
Không dám gọi “anh” sao mắt đã ngập ngừng
Không dám "trọn đời" mà bể dâu vẫn sợ!


Đọc xong bài thơ “Khúc tự tình” của nhà thơ Hồ Trường, tự dưng trong tôi lại tràn ra những dòng cảm tác ấy. Mấy ai hiểu đằng sao câu chữ của bài thơ ẩn chứa điều gì hay chỉ minh chứng suôn cho những câu chữ ẻo lả, khơi gợi những điều ai cũng hiểu? Tôi không tin có người không hiểu tác giả muốn nói gì nhưng cũng không nghĩ ai đó có thể xuyên qua đến tận cùng những lời tưởng chừng “vu vơ” ấy.  

Ai đó từng nói, yêu chỉ để gió cuốn đi! Nhưng dường như trong cảm nhận  “non nớt” của tôi, cho đến cuối cùng dư vị của tình yêu vẫn là sự níu kéo, hay ngụy trang, cất giấu trong lòng. Vậy nên từ tình yêu mới có những bài thơ, những xúc cảm dù gió có trăm chiều cũng không thể cuốn đi được. Cái ngập ngừng, gieo neo của hoàn cảnh cũng hoàn toàn tự nhiên, nhưng lại là nguyên cớ, là chướng ngại vật làm trúc trắc bao nỗi niềm. 

Cuộc sống, ai mà không sợ bể dâu. Nhưng nếu đã là dâu bể thì khi muốn đến cũng có báo trước bao giờ. Vậy nên sự ngập ngừng, vu vơ trong cảm giác của người trong cuộc cũng là một dấu hiệu rất thật, thật trong chính sự ngộ ra của lòng mình.

Trở lại đối tượng của bài thơ, “em” chỉ thấp thoáng trước cổng đời “tôi” mà đã nghe đâu đó cơn gió của sự bể dâu đã thổi đến, chứng tỏ lòng “tôi” cũng nhạy cảm lắm. Và rồi càng nhạy cảm, “tôi” lại chính là tác nhân mang đến sự dâu bể của đời mình. Chỉ một dấu hiệu nhưng có hai yếu tố song trùng, ngoại cảnh lúc này đóng vai trò là tác nhân nhưng cũng là kết quả cuối cùng còn tồn tại, là bạn đường của người trong cuộc.

"Sông dài nước chảy gieo neo
Lục bình trôi giữa dòng tim tím”
Khúc tình tang đẫm sương

"Chiều ơi bao giờ trở lại
Cho tôi gọi một con đò"
Khúc tình tang trống vắng
"Hỏi người bao giờ tháng bảy
Tôi đón em về trong mưa ngâu"
Gió chợt khua ngàn lá đâu đây…

Tôi đã hát cùng người
Những mùa hồng đỏ cánh
Những ngày mưa xuân rắc bụi trên mắt môi cười
Em thấp thoáng trước cổng đời tôi
Tôi vu vơ sợ trò chơi dâu bể
Tay nâng niu vốc nắng đầu ngày
Nắng chảy tràn xuống cỏ
Lại vu vơ sợ trò chơi bể dâu

Đêm nay ai còn hát bên ga tàu
Hát trên đường vạn dặm
Trong vườn xưa trăng hoài niệm trên cao
Dây đàn tôi chạm khẽ
Dăm nhánh gió vô tình
Đêm nay tôi hát trên đường về
Nắng từ lòng tay trở ấm
Sao vẩn vơ hoài chuyện bể dâu.

Tại sao phải hỏi bao giờ tới tháng bảy để được đón em về trong mưa ngâu? Thì ra, cái tình tưởng chỉ như gió thoảng qua đã da diết đằm sâu tận đáy lòng! Thế nên dù chỉ là vu vơ nhưng anh lại sợ, trong cái sợ lại là cái vu vơ. Mới đọc đã nhận ra sự xa cách, một cách trở vô hình giữa “em” và “tôi’. Lời thơ nghe có gì như chịu đựng, sao không dám gọi “anh” mà là “tôi” nghe có vẻ vô tình? Hay người đang cố làm ra vẻ vô tình để đánh lạc lòng mình, để rồi vẫn nguyên vẹn dấu vết của sự “vu vơ”. Thế mới biết cái đắng cay của người trong cuộc, đã là khúc tự tình cũng không dễ nói ra.

Đọc hết bài thơ mới thấy cái trúc trắc nội tâm của tác giả. Hình ảnh thơ vừa thật nhưng cũng vừa mơ hồ, ám gợi suy tư cho người đọc. Phải chăng đó là chất thơ của Hồ Trường? Tác giả cố tình làm cho nhẹ đi nhưng càng có trọng lực, như cái trầm ngâm suy tư của một người về một chuyện tình không bao giờ tìm thấy bến.

Cuối cùng, chuyến đi của em như một định mệnh, ám ảnh “tôi” suốt một đời. Cái hồn lãng tử của “tôi” vô tình khẽ chạm vào cái "vô tình" của em, của thiên nhiên. Tất cả trở thành đối trọng của "tôi" trong lúc này. Câu thơ cuối cùng có cảm giác đè nặng trong tâm tư, dẫu em đi rồi, anh vẫn cứ vơ vẩn chuyện bể dâu.

Bài thơ như nhịp đập thổn thức nhưng đồng thời cũng cho thấy được sự giác ngộ của người trong cuộc. Có đâu cuộc đời sắp xếp những định mệnh bể dâu, mà dường như chính chúng ta đang tự tạo ra sự dâu bể của cuộc đời mình. Hoặc là, dù cho những yếu tố gây ra bể dâu không còn thì cảm giác về sự bể dâu ấy cũng ám ảnh mãi người trong cuộc. Vì cuộc đời có gì khác chuyện bể dâu…
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...