“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Từ những chuyến đi nghĩ về thơ đồng bằng



Nguyên Hậu

Sau những hành trình về miền Tây tôi lại có cảm giác mình đang trôi bồng bềnh giữa quên và nhớ, giữa xa và gần, giữa kỷ niệm và hiện tại. Có thể có vài nơi để lại trong mình một ấn tượng sâu đậm nhưng điều đó có lý do không phải bởi cảnh đẹp. Tôi bị ám ảnh bởi cái day dứt đợi chờ của những con người xa tôi lắm nhưng cứ như thật gần. Bắt đầu một chuyến đi luôn là niềm chờ vọng, chuẩn bị sẽ về nơi mình yêu thích, để đắm lòng sau nụ cười của những tâm hồn phóng khoáng, hiền hòa. Bởi lẽ còn nhiều lắm những điều mà những tác giả đồng bằng dù có cố diễn tả cũng không nói hết được trong những vần thơ của mình.
Thơ đồng bằng không hẳn đã hay với nhiều người nhưng với tôi, nó hay và đẹp như tình thương của một đứa con với người mẹ của mình. Nhận xét đó có lẽ hơi phiến diện nhưng đó là tất cả những gì mà đồng bằng mang lại cho tôi hay bất cứ ai từng vương hơi thở đồng bằng. Về miền Tây với tôi không giống với việc đi đến những miền đất khác, tôi vừa có cái tự do, vừa có phần không tự do. Tự do vì những lý do rất riêng, bởi tấm lòng những người đồng bằng hiền lành chất phác, họ khiến tôi thấy mình giống như một con cá được vẫy vùng trong cái ao quen thuộc. Chất vị đồng bằng không hề cao xa, không kiêu sa khó tính đến mức khó gần. Hương vị đồng bằng rất dễ nhận ra với những ai chịu chấp nhận những thiếu thốn của nó. Với tôi đồng bằng không nghèo, không thiếu gì hết mà trái lại rất giàu là khác. Người ta giàu có bởi những thứ không phải được cân đong bằng tiền bạc, vật chất mà là sự phong phú trong nội tâm con người. Người đồng bằng không thiếu tình, không nghèo nghĩa, cũng không nghèo về vật chất - cái vật chất phải vật vã tạo dựng mà là cái khí chất trời ban. Có lẽ vì vậy mà những chuyến xe về đồng bằng cũng trở nên ung dung, rộng mở, cứ như ngồi trên những chuyến xe đó là không bao giờ có gì xảy ra hết, là an tâm về với nơi mình yêu thương, dẫu đó không phải là quê hương, nguồn cội. Hai tiếng miền Tây luôn sức hấp dẫn với tôi, một cô bé ấp ủ trong lòng một bầu tình cảm nồng nàn với ký ức miền quê. Về miền Tây tôi thấy mình được bao bọc trong vầng sáng của tình cảm đó, tôi thấy mình yêu thương và được yêu thương, không giống với sự bon chen, xô bồ chốn thị thành, nơi mà khó khăn lắm con người mới tìm được sự cảm thông trong nhau. Ước gì miền Tây cứ mãi là miền Tây như thế trong tôi. Tôi rất sợ một ngày nào đó trước lực đẩy của sự phát triển về vật chất, những giá trị kia dù muốn hay không cũng méo mó đi ít nhiều.
Thơ đồng bằng nhiều người nói là “sến”, là quá mềm mượt, dễ dãi, do đó không hay. Nhưng sao tôi lại thấy yêu lắm cái mượt mà, giản dị đến gần như là tự nhiên đó. Tôi muốn thơ đồng bằng cứ mãi là thơ đồng bằng, đừng như cô gái quê ra chợ tỉnh rồi thấy món quà nào cũng đẹp, trang sức nào cũng lạ và sang mà mang hết vào mình. Tôi muốn các nhà thơ đồng bằng cứ sống bằng cái chất thực trong nội tâm của mình, không cần cao giọng bày giãi hay học đòi thế nọ thế kia. Đó chính là lý do vì sao tôi thích và cảm nhanh cái hồn của các nhà thơ đồng bằng đến vậy. Thơ hay không phải cứ có những từ ngữ lạ cho thật hiện đại nhưng ngật ngưỡng lạc giọng trong cái âm điệu chung của khúc vọng đồng bằng. Câu vọng cổ mãi là câu vọng cổ, không phải cứ chuyển thành rap hay rock thì mới bắt nhịp hiện đại, mới hay!
Tôi không biết người ta lấy chuẩn gì để định giá cho thơ. Với tôi, miền đất nào hồn thơ đó. Không ai lại thắc mắc sao ngày xưa những câu thơ như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử mà ngày nay không có? Có ai dám nói mình có thể sống lại trong thời đại đó để làm ra những câu thơ như vậy chăng? Ở đây không phải là “sến” hay hiện đại mà quan trọng là chứa đựng trong đó cái thần của câu thơ, của hồn thơ. Mà cái thần đó do nhiều yếu tố hợp thành chứ không riêng gì một thành tố kỹ thuật nào. Không thể đổ lỗi cho tác giả không có trình độ, không biết sáng tạo, không thể nói người sáng tác không biết bắt lấy những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống để mang vào thơ. Cũng không thể nói thơ không có cái hơi thở của thời đại. Một câu thơ hay phải hay từ trong ra và cả bên ngoài vô, nghĩa là tự trong hồn cốt nó phải có một cái gì linh thiêng để có thể đánh động tâm hồn người đọc. Bước vào thế giới văn chương như bước vô một cái miếu thờ, mà ông thần không đâu khác là cái hồn của câu thơ, là bút lực của thi nhân hòa quyện vào những yếu tố của hình thức. Không thể bảo Nguyễn Bính viết khác đi với chất và tạng thơ ông. Cũng không thể bảo một hồn thơ với chất điệu trí thức tiểu tư sản như Xuân Diệu có thể viết những vần thơ mộc mạc như Nguyễn Bính. Bởi vì cùng một chất liệu quê hương nhưng trong cảm nhận của một người thành thị sẽ khác với người ở nông thôn, mà phần đó lại được lý giải ở gốc độ địa văn hóa.
Tôi quý những nhà thơ đồng bằng, vì cho dù vật có đổi, sao có dời họ vẫn sống thật hồn nhiên nhưng vô cùng mãnh liệt với văn chương bằng tất cả tâm hồn mình. Thơ đồng bằng êm ả, mượt mà và có sức lay động như những làn điệu vọng cổ, có người thích, có người lại bảo … “khó tiếp thu”. Dù vậy tôi vẫn mong đồng bằng sẽ mãi là đồng bằng, nhé, đồng bằng ơi!

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...