“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Chuyện gia đình



Những ngày này, hễ đi xa về nhà tôi lại nghe mẹ than thở hay bày tỏ sự bức xúc của mình. Là người dân quê, chắc mẹ cũng chẳng hiểu về chính trị bao nhiêu, nhưng những điều mẹ nói ra nghe mới thấm làm sao! Ai chẳng rõ, mới nghe qua cứ tưởng mẹ đang dạy mấy đứa cháu trong nhà.
 Chính trị là vấn đề thể chế của một quốc gia. Những nhà điều hành chính trị của một quốc gia luôn có những chủ trương, đường lối, lý thuyết kinh tế xã hội để tựa vào. Còn với mẹ - một bà nội trợ với mấy đứa con, vài đứa cháu, chính trị giữa các quốc gia trên thế giới cũng đơn giản như cách thức sống và cư xử của những đứa con trong một gia đình. Không đọc báo, không giao du rộng ngoài xã hội, cũng không tham gia họp hành thảo luận chính sự, tin tức cập nhật của mẹ chỉ là chương trình thời sự lúc 19 giờ mỗi ngày trên cái màn hình 21 iches nhỏ nhắn đặt ngay tại gian bếp gia đình. Thế nhưng những điều mẹ suy tư lại khiến tôi tự hào hơn rất nhiều so với những việc mà các nhà lãnh đạo láng giềng đang hành động trên biển Đông.
Trên thế giới, nước có nước lớn nước nhỏ, nước giàu nước nghèo. Với mẹ điều đó cũng giống như những ngón tay trên một bàn tay, có ngón ngắn ngón dài, đều là những đứa con trong một gia đình nhưng mỗi đứa có hoàn cảnh riêng. Dân tộc dù khác nhau về chủng tộc, ngôn ngữ, màu da… nhưng đó vẫn là con người, nên vẫn có tình nhân loại. Vậy nên cách cư xử, quan hệ gắn bó giữa các quốc gia trên thế giới vẫn không nằm ngoài những vấn đề đạo lý làm người và lẽ sống trên đời. Những điều mẹ nghĩ, mẹ nói về tình hình chính trị giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trong hiện tại cũng gần gũi như những bài học đạo lý mà mẹ dạy cho con cháu hàng ngày.
Mẹ nói, người gì xấu chi mà xấu quá trời, đất nhà mình đã rộng cớ sao lại còn muốn lấn qua nhà người ta! Đã vậy, sống lại không nghĩ đến đạo lý. Ông bà mình dạy “Đói cho sạch, rách cho thơm”, dù có đói có nghèo thì cũng tự lực xoay sở, cớ sao lại đi cướp bóc của người khác! Rằng ai cũng máu đỏ như ai, sao không thương nhau mà lại bày ra đủ trò để hãm hại dân nước khác chỉ vì muốn cái lợi cho riêng mình! Là láng giềng mà nỡ chơi xấu lẫn nhau; là anh em mà tráo trở, ăn nói hai lời, nói một đằng làm một nẻo, ức hiếp những người yếu đuối hơn mình. Sống như vậy thì thử hỏi có xứng làm người hay không? Sống như thế thì dù có giàu có, liệu có ai thèm chơi với mình không? Sống trên đời quan trọng nhất là danh dự, là chữ tín. Thế nhưng thử hỏi bây giờ liệu có ai còn coi anh ra gì không khi anh tham lam, nhẫn tâm, hung hãn, độc ác! Sống mà bị cô lập thì liệu có sống nổi lâu dài không?
Luôn cho mình là anh cả, luôn dõng dạc tuyên bố nhiều điều nghe qua rất êm tai nhưng chính anh không hề biết làm gương thì liệu có ai còn nể trọng và xem anh ra gì không?
Là người, ai cũng có gia đình, có con, có cháu. Anh có thể nào dạy cho con anh, cho cháu anh trung thực khi chính anh là người nham hiểm, gian dối? Anh làm sao dạy cho con anh, cháu anh sự nhường nhịn, yêu thương trong khi chính anh là kẻ hung hãn đi ức hiếp người khác? Anh yêu thương con mình nhưng lại đầu độc con người khác, khi đứa con của anh biết được, liệu chúng còn yêu thương, nể phục anh không?
Ông bà ta cũng có câu “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”. Những việc anh đang làm có xứng đáng để được lưu danh muôn đời không? 

N.H
5.6.2014

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Một hiện tượng quay trở lại



viết trong một chiều nghe nhạc …

Nếu trước đây dòng nhạc trữ tình vẫn âm thầm tồn tại trong tâm hồn người mộ điệu thuộc lớp người lớn tuổi thì ngày nay, nhiều bạn trẻ đã hướng lòng mình về dòng nhạc này. Không phải cứ cái gì nhan nhản thì mới phổ biến và có giá trị mà chính những điều đôi khi âm thầm nhưng lại là chất sống mãnh liệt len lỏi trong từng tế bào. Thật phấn khởi khi khán phòng của các phòng trà, chương trình ca nhạc hiện nay có nhiều bạn trẻ cùng lắng lòng trở về những ca khúc vàng trữ tình, những tiết mục đậm tính dân tộc.
Trên đài truyền hình hiếm khi có một chương trình trực tiếp nào có ca sĩ trình diễn những bài hát trữ tình và được nhiều người trẻ hưởng ứng đến vậy. Mùa giải Gương mặt thân quen năm nay có một chàng ca sĩ đã mang lại điều hấp dẫn đó. Hoài Lâm - một ca sĩ tuổi chưa đến hai mươi nhưng với những rung cảm nhẹ nhàng đã dẫn truyền cảm xúc “vàng” ấy đến với nhiều thế hệ khán thính giả. Đó là một tín hiệu nghệ thuật rất đáng ghi nhận, ít nhất là cho đến thời điểm này. Ngay sau khi chàng ca sĩ này đăng quang, cho dù chỉ là một gameshow, nhưng những gì mà chàng mang lại không chỉ có tác dụng như một trò chơi mà đó là hiệu ứng về nguồn, sự trở về và tỏa sáng của những giá trị bất hủ. Xuất thân là một ca sĩ chuyên về dòng nhạc quê hương với những ca khúc trữ tình sâu lắng, anh chàng này đã lôi kéo không ít bạn trẻ trở về dòng nhạc này. Và khi tham gia một game show hướng đến những người trẻ, anh đã trở thành một gạch nối dẫn truyền, kết nối thị hiếu âm nhạc giữa những thế hệ. Lâu nay những người yêu nhạc vàng trong nước vẫn thường tìm nghe những ca khúc này ở những chương trình ca nhạc của hải ngoại như Paris By Night, hay những bài hát được phát hành của trung tâm Thúy Nga. Ngày nay dòng nhạc này đã trở về ngự trị trong lòng người ngay chính tại quê hương mình. Đó không còn là những ca khúc để gợi lại một thời vàng son đã phai mà thật sự tìm lại chỗ đứng với ánh vàng thật sự của mình.
Về gameshow Gương mặt thân quen, là một chương trình truyền hình cho công chúng, dù sao đó cũng là một kết thúc đẹp bởi tiết mục đăng quang trong đêm thuộc thể loại sân khấu truyền thống của dân tộc: cải lương. Đó là điểm đặc biệt và may mắn cho một chương trình vì theo tôi, nó đã hội tụ và tôn vinh gần như những giá trị thật sự. Trong các kỳ game, ban tổ chức đã sắp xếp cho những người chơi trải qua hầu hết các thể loại từ nhạc quê hương, nhạc trẻ, nhạc nước ngoài… Và những người tham gia đã nỗ lực hết mình để đem đến những màn trình diễn hay cho người xem. Nhưng điểm kết thúc lại dừng lại đúng chỗ cần khẳng định. Ngoài việc tiết mục đạt giải quán quân của gameshow là một trích đoạn cải lương mang giá trị lịch sử - là tôn vinh tinh thần yêu nước bất diệt của dân tộc Việt, đứng ở góc độ nghệ thuật, đó còn là một tác phẩm có giá trị về nguồn. Điều này đã truyền đi niềm tin cho những người hoạt động nghệ thuật, và cả những khán thính giả có cảm tình với dòng nhạc dân tộc này. Không cần một sự xếp đặt của người làm chương trình mà đôi khi chính cái ngẫu nhiên của một cuộc chơi lại cho thấy được những tín hiệu ngầm đáng trân trọng.
Hy vọng những hiệu ứng đó sẽ tiếp tục lan truyền để đó không còn là dòng nhạc dành cho những người lớn tuổi mà những người trẻ cũng sẽ được cảm nhận những giá trị tinh thần sâu xa được truyền trong âm nhạc.  


N.H
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...