“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Nỗi buồn của mẹ



Nguyên Hậu
Mẹ, gần gũi đến mức không có gì đặc biệt, thậm chí nếu ai đó từ nhỏ tới lớn cứ ở nhà với mẹ thì có lúc sẽ thấy chán. Cứ nghĩ mẹ tồn tại bên ta như một điều gì hiển nhiên, nên ta không thấy buồn, không khao khát, không nhớ, không thèm. Vậy mà lúc đi xa ta vẫn hay nhớ về mẹ nhiều nhất.
Cái cảm giác đầu tiên khi tôi xa mẹ là một sự trống trải vô bờ bến, không sao diễn tả được. Nhìn đâu cũng thấy trống, lạc lõng, mông lung. Và rồi nhớ, nhớ nhiều thứ mà ngày còn ở nhà với mẹ không bao giờ thấy quý: thèm nghe giọng nói mẹ (dù có khi ở nhà, cũng giọng nói ấy, mỗi khi nghe mẹ rầy ta vẫn hay tìm một góc hay chui vô phòng để trốn); thèm thấy gương mặt mẹ, thèm thấy dáng mẹ ra vào làm gì đó, thèm ăn những món mẹ nấu (dù nhiều khi ở nhà mình cũng áp phe với ba chê mẹ nấu không ngon); thèm cái mùi da thịt thơm thơm, nồng nồng của mẹ; thèm mẹ ngồi sát trong lòng để nhổ tóc sâu (hồi nhỏ mỗi lần nhổ tóc sâu mình thường tính tiền từng sợi – đủ để mua mấy bịch ya-ourt của bà bảy mỗi lần ba chở đi học). Nói chung là nhớ, là thèm dữ lắm.
Đi xa rồi, mỗi lần nghĩ về mẹ lại thấy buồn, không hẳn là buồn vì nhớ mà buồn vì lúc đó mình mới thấm cái cảnh không có mẹ thì như thế nào. Rồi nghĩ đến thời gian, nghĩ đến cái vô thường mà ai cũng đối mặt. Đó mới là lúc thấy mình trưởng thành thật sự, cũng là lúc tới ngưỡng làm cha, làm mẹ. Nếu bình thường thương ba mẹ, hiểu bằng mười, thì khi sắp làm cha làm mẹ hoặc đã làm cha làm mẹ thì cái thương đó hiểu bằng trăm. Rồi lúc đó muốn thời gian quay trở lại để tận hưởng, để bù đắp thì không còn được nữa. Vậy nên từ đó, cảm giác về ba, về mẹ bao giờ cũng buồn. Dù cho tôi có cố gắng tranh thủ những kỳ lễ là chạy vù về nhà, được gần mẹ, rồi đòi làm giúp mẹ đủ thứ, như để bù đắp, vậy mà vẫn thấy thiếu, thấy xót trong lòng.
Thầy Thích Nhất Hạnh viết trong Bông hồng cài áo rằng nếu ai còn mẹ mà không biết yêu thương, không chịu ở gần mẹ để tận hưởng thì các anh, các chị, các em dù có thành đạt, đủ đầy cỡ nào cũng bị thiệt lớn, không có cái phúc nào lớn hơn để bù đắp được. Mình thấy thấm cái triết lý đó. Thật ra, sống trên đời nếu còn có ai đó để mình thương thì đã là hạnh phúc lắm. Cho nên có người khi cha mẹ mất rồi thì thấy bơ vơ, vì cái chỗ dựa cho anh thương, anh cất cho riêng mình không còn nữa.
Tuy không xa nhà mấy nhưng mình vẫn thuê nhà ở riêng cho tiện công việc và học hành. Rồi mỗi lần về nhà, bữa cơm nào mẹ cũng làm thật thịnh soạn. Mẹ nấu toàn những món mình thích. Tôi nói ở Sài Gòn con có thiếu món nào đâu, muốn cái gì ra tiệm cũng có. Nói vậy chứ những món tôi thích toàn là những món nhà quê, nào là rau muống ao xào tỏi, canh chua bông chuối nấu lá giang, dưa chuột muối, đọt mớp chua… Mấy cái đó nếu có ở Sài Gòn cũng toàn trong những nhà hàng sang chuyên làm món dân tộc và bán giá rất đắt nên đời nào tôi đi ăn. Với lại đó là món ruột mà chỉ mẹ nấu tôi mới thấy ngon. Những đứa con thường thích ăn mấy món chính mẹ mình nấu, nghe qua có vẻ ham ăn hơn là thương mẹ. Nhưng vì trong món ăn còn có cái hương, cái tình của mẹ. Đó còn vì hạnh phúc của mẹ là được tận tay chăm sóc đứa con của mình dù biết thế giới bên ngoài đầy đủ bao nhiêu. Mấy năm ròng ở Sài Gòn tôi chẳng xuống cân nào mà còn tăng cân, chứng tỏ đời sống cũng không mấy khắc khổ. Thế mà lần nào về nhà, mẹ cũng suýt xoa, tội nghiệp. Mẹ mong tôi về gần nhà làm việc, ở nhà của mẹ, ăn món của mẹ và để có mẹ chăm sóc lúc ốm đau. Tôi kêu mẹ đừng lo cho con, con đi xa vì không muốn thấy mẹ cực khổ vì con. Là tôi chưa hiểu hết suy nghĩ của mẹ! Rồi mẹ nói, trong mấy chị em trong nhà mẹ thương tôi nhiều nhất, không phải vì tôi xinh đẹp, giỏi giang hơn mấy chị, mà vì tôi là con út. Người mẹ thường chắt mót tuổi xuân của mình dành cho đứa con út, cho nên xem nó như một bảo vật. Hồi nhỏ tôi luôn lấy là hãnh diện về điều đó. Nhưng bây giờ lớn rồi tôi mới hiểu vì sao mẹ cứ hay ray rứt vì tôi. Đứa con út nào cũng có ít thời gian gần gũi cha mẹ hơn những anh chị của nó!
Cha mẹ nào cũng muốn nhìn thấy con mình thành gia lập thất mới yên lòng. Hồi nhỏ tôi thấy quan niệm đó sao mà quê mùa và cổ hủ quá. Giờ tôi hiểu, trên đời này cái quê mùa và cổ hủ nhất chính là tình thương. Cái gì cũng có thể bỏ, có thể đổi thay nhưng cái chất vị của tình thương thì không bao giờ thay đổi. Nhà hai chị đều có chồng, mỗi chị đều có hai bé con xinh xắn. Cả bốn đứa cháu, một tay mẹ lo tất. Giờ chỉ còn mình tôi. Mẹ chỉ sợ đến khi tôi có con thì mẹ không còn khỏe để giúp tôi chăm sóc. Và thế là tôi bị thiệt thòi nhất.
Đối với mẹ, cái danh vọng, vật chất không quan trọng, không bù đắp được cái tình mà mẹ dành cho tôi. Vậy nên, nói như thầy Nhất Hạnh, vì tôi dại nên mới không chọn ở gần mẹ. Suốt đời tôi cứ rong ruổi theo lý tưởng của mình. Ở xa, nhiều đêm không ngủ được, tôi nằm nghĩ mà thương mẹ, thấy có lỗi với mẹ vì không được ở gần chăm sóc, phụng dưỡng. Tôi có biết đâu, đó cũng là lúc ở nhà, mẹ đang nằm nghĩ, mà tội, mà thương cho đứa con út không được ở gần, để mẹ thương…
N.H
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...