“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Bình mai ngày Tết


Nguyên Hậu

Năm nào cũng vậy, sau khi dọn dẹp nhà cửa, cúng rước ông bà xong, công việc cuối cùng của ba mẹ tôi trong ngày cuối năm là chưng một bình hoa mai lên bàn thờ ông bà. Ở miền Nam từ trước đến nay vẫn có tục chưng mai này. Nó vừa thể hiện đặc trưng vùng miền, vừa có ý nghĩa như một sự mong cầu may mắn nhân dịp đầu năm. Đối với gia đình tôi, việc chưng hoa mai trên bàn thờ ông bà trong dịp Tết có gì đó gần như một nghi lễ, vì vừa thể hiện sự tôn nghiêm thờ kính của con cháu đối với ông bà, vừa là một nét đẹp tinh thần trong sự thưởng thức không khí Tết cổ truyền của dân tộc.
Xuân về, trong tiết trời trong veo vừa ấm áp vừa còn chút lành lạnh của ngày đông còn sót lại mà được thưởng thức hương vị ngày Tết qua vẻ đẹp của những loài hoa thì còn gì thú bằng. Người Việt dù quanh năm có bận rộn đến đâu thì mỗi khi Tết đến, họ cũng dành thời gian cho việc trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đón một cái Tết thật thiêng liêng và ý nghĩa. Những ngày cuối cùng của tháng Chạp, bên cạnh việc thu xếp công việc, ai cũng muốn chuẩn bị những chậu hoa thật đẹp, đầy đủ sắc màu đặt trước hiên nhà để làm tăng vẻ đẹp và tạo không khí Tết cho gia đình. Ba tôi cũng vậy. Ba thích chơi hoa, đặc biệt là trong dịp Tết, nên việc trồng hoa đã được ba bắt tay vào chuẩn bị từ tháng 10 Âm lịch. Ba trồng nào là hoa mồng gà, nào là hoa cúc vạn thọ để Tết đến vừa có hoa trước sân, vừa có hoa cúng trong nhà, vừa để có thêm không khí Tết. Và đó dường như cũng là thú vui chung của cánh đàn ông khi Tết đến xuân về trong khi cánh phụ nữ thì lo việc bếp núc, chuẩn bị những món ăn đặt trưng ngày Tết. Hầu hết những ngôi nhà trong xóm tôi cũng vậy, dù công việc tất bật đến đâu, chỉ cần thấy mọi người náo nức trồng hoa là thấy cái Tết đã đến gần.
Trong các loại hoa ngày Tết, ba tôi thích nhất là hoa mai. Ba thích hoa mai không chỉ vì sắc màu rực rỡ của nó, mà còn tìm thấy ở cây mai một cốt cách, một nét đẹp mang ý nghĩa nhân sinh. Mấy ngày Tết, dù trong nhà có  nhiều loại hoa, nào trưng bày, nào cúng kiến ở nhiều chỗ khác nhau, nhưng không bao giờ thiếu được bình hoa mai chưng ở bàn thờ ông bà.
Nói tới chuyện chưng mai ngày Tết ở nhà tôi cũng có chút đặc biệt. Thông thường mẹ tôi chỉ chuyên công việc bếp núc. Ba mới là người lo sắp đặt, chưng dọn, thờ cúng. Vậy mà riêng việc chưng hoa mai ngày Tết là ba nhường cho mẹ tôi thực hiện. Ba chỉ giúp mẹ công đoạn cắt cành và thui gốc để giữ nụ và hoa tươi lâu trong ba ngày Tết.
Mới nghe qua tưởng cái công đoạn của ba thiệt dễ. Vậy chứ kỳ công lắm. Vì ba là người trực tiếp chăm sóc cây mai từ lúc nó bắt đầu trổ nụ. Ba có chế độ chăm sóc riêng cho từng cây mai, và tỉ mỉ hơn là từng nhánh mai. Cũng như mọi người, ba tôi thường lặt lá mai vào khoảng rằm tháng Chạp. Những cây mai sau một năm dài hấp thụ dưỡng chất tự nhiên, hấp thụ khí trời tươi mát những ngày cuối năm, đến tháng Chạp trên cành đã đầy những nụ. Ngày trước, khi còn đi học, mỗi lần thấy ba bắt cái ghế đẩu ra trước sân lặt những chiếc lá mai là trong lòng tôi khấp khởi vì biết sắp được nghỉ Tết. Nó trở thành một thông lệ, đồng thời mang lại một chút cảm nhận riêng trong lòng tôi. Ba trồng nhiều loại mai, có mai thường và cũng có mai ghép nhiều cánh, nhiều màu. Nhưng tôi thấy ba đặc biệt chăm sóc cây mai sẻ trước nhà. Nếu tính theo độ tuổi thì chắc nó hơn cả tuổi tôi, vì từ lúc nhỏ khi vui chơi trước nhà, tôi đã thấy cây mai đứng đó rồi. Ba tôi thích cây mai này vì nó thường cho hoa đầy cành và nở theo mùa một cách tự nhiên. Tuy nhiên, ba cũng đặc biệt chăm sóc vì nó sẽ cho ba những cành mai đẹp để chưng trên bàn thờ ông bà ba ngày Tết. Tôi để ý thấy ba không lặt lá một lượt mà tùy vào độ lớn nhanh, chậm của nụ trên cành mà ba sẽ chọn ngày lặt lá sớm hay muộn. Rồi nhìn cách ba tưới nước cho nó mỗi ngày mà thấy cả một quá trình chăm chút, kỹ lưỡng. Tuy ba không trực tiếp chưng hoa, nhưng lúc mẹ tôi làm ông thường đi qua đi lại, ngắm nghía rồi tư vấn, coi cách đặt nhánh mai như vậy có xứng hay chưa. Rồi sửa đi sửa lại cho đến khi cả hai ưng ý mới thôi. Mấy chị em tôi thường nói đùa, ba mẹ là “cặp đôi hoàn hảo”.
Từ lúc nhỏ, chị em tôi đã thích quây quần ngắm ba mẹ chưng hoa mai ngày Tết. Đầu tiên, ba mang từ trong tủ thờ ra một chiếc bình rất đẹp, có hoa văn là một bức tranh thủy mặc bằng mực tàu. Đó là một chiếc bình cổ, chỉ dùng chưng hoa mai ngày Tết chứ bình thường không bao giờ dùng. Tôi không “có mắt” nhìn đồ cổ, nhưng tôi biết ba mẹ rất trân trọng chiếc bình hoa này, một phần vì nó là kỷ vật của ông bà ngoại tặng lúc ba mẹ ra ở riêng, tính đến nay là gần bốn mươi năm. Mỗi năm lấy ra dùng một lần trong dịp Tết, mẹ thường nhắc lại những kỷ niệm về ông bà ngoại. Những câu chuyện như vậy năm nào cũng kể, nhưng với chúng tôi nó không bao giờ cũ. Kỹ thuật chưng hoa mai ngày Tết cũng được mẹ học từ ông bà ngoại. Trước khi chưng hoa, mẹ nấu một nồi nước lớn cho thật sôi rồi để nguội. Mẹ nói làm như vậy cho nước sạch, sẽ giữ cho hoa tươi lâu trong những ngày Tết. Một phần, điều này cũng thể hiện sự kính trọng của con cháu khi thờ cúng ông bà hay thần linh, tất cả đều phải thật sạch sẽ, tinh tươm. Không chỉ một mình hoa mai mà tất cả các loại hoa khác khi chưng mẹ đều làm như vậy. Kỹ lưỡng hơn, mẹ còn chăm thêm vào bình hoa chút xíu đường cát. Bí quyết này là ông ngoại dạy khi mẹ còn con gái. Chính vì vậy mà ba hoàn toàn tin tưởng khi giao cho mẹ trọng trách này.
Sau khi đã ưng ý với bình hoa là công đoạn đặt hoa lên bàn thờ. Ba tôi mặc một chiếc áo tràng giống như mỗi lần  ba cúng Phật. Mẹ tôi cũng thay một bộ áo mới dài tay đàng hoàng. Sau đó ba thắp đèn, đốt nhang trầm và khấn trước bàn thờ tổ tiên. Rồi ba bắt một cái ghế cao đứng lên trước chờ mẹ và tôi trao bình hoa. Ba cẩn thận đặt bình hoa lên bàn thờ giống như nghi lễ dâng hoa trong không khí trang nghiêm, thành kính, phảng phất khói hương trầm. Mẹ tôi đứng bên dưới nhắc ba tôi cân chỉnh khéo léo sao cho thật đẹp mắt mới thôi.
Nhìn sự cẩn trọng từng ly từng tí của ba mẹ lúc chưng hoa khiến người xem là chúng tôi hồi hộp, như chứng kiến một nghi lễ, và cảm nhận không khí thiêng liêng của cái Tết cổ truyền. Bây giờ, mấy đứa cháu cũng vậy. Tụi nó cũng thích quây quần xem ông bà chưng hoa, rồi hỏi này hỏi kia, làm cho không khí gia đình thêm ấm cúng.

N.H
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...