Nguyên Hậu
Tôi không phải là người “xa xứ”,
nhưng mỗi năm đến Tết Nguyên đán – Tết của người Việt tôi lại thích nghe lại
bài hát này của nhạc sĩ Võ Đông Điền. Không chỉ nghe để tận hưởng nét hồn hậu,
quyến rũ của ca từ mà nghe để một lần nữa thưởng thức trọn vẹn cái Tết của quê
hương, dân tộc mình. Yêu bài hát, tôi yêu luôn cả người sáng tác, yêu tấm lòng
của người nhạc sĩ dân tộc dành cho những người đang ở xa quê.
Tết của người Việt không chỉ là dịp
để mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi sau những tháng ngày làm việc vất vả, mà
đó còn là dịp để hướng về nguồn cội. Một năm vất vả mưu sinh, dẫu có đi đâu xa
mấy, dài mấy cũng không thấy nhớ quê, nhớ nhà. Nhưng mỗi khi Tết đến, hai chữ “cội nguồn” cứ nhắc nhớ trong lòng, là sợi
dây vô hình níu con người ta trở về quê hương, xứ sở, trở về với những giá trị
thiêng liêng của mỗi người con, mỗi gia đình Việt.
Nhạc sĩ Võ Đông Điền là một người
con của miền đất Thủ. Sinh ra, lớn lên, và có lẽ ông sẽ gắn bó trọn cuộc đời
mình với miền đất ấy. Ông chưa bao giờ phải nếm trải cái cảnh xa quê hương. Vậy
mà những ca từ ông viết ra sao mà chân thực, thiết tha đến lạ. Nó nói hộ hết cả
nỗi niềm và cái bâng khuâng của những người con xa xứ. Phải yêu quê, yêu người
lắm ông mới có thể viết ra được những tâm tình như vậy.
Bài ca được viết ra vốn để dành
cho mọi người, nhưng trong cảm nhận của tôi, dường như tiếng hát ấy, lời ca ấy,
chân tình ấy ông muốn dành cho những người con xa quê hương, cái quê hương rộng
lớn của cả dân tộc này vậy. Bởi nếu ai đó dù đón Tết xa nhà, hay không có điều
kiện về quê ăn Tết, nhưng nếu vẫn còn ở đâu đó trên dải đất hình chữ S này, dù
là Bắc hay Nam, miền Đông hay miền Tây cũng đều có thể cảm nhận được không khí
rộn rã, náo nức và cái ấm áp lan tỏa từ mỗi nếp nhà, mỗi tâm hồn Việt. Còn đối
với những người đang sống và làm việc ở nước ngoài, dù có những khu dành cho
người Việt, dù người ta có tổ chức đón Tết Âm lịch bằng cách này hay cách khác
cũng không thể cảm nhận được trọn vẹn không khí Tết như ở quê nhà. Một người bạn
từng kể cho tôi nghe cái cảm nhận đầu tiên khi đón Tết xa quê hương rằng, mỗi lần
đến Tết của người Việt, họ nhớ rất nhiều thứ. Nhớ mùi nhang thơm đốt trên bàn
thờ ông bà 3 ngày tết, nhớ cành mai phương Nam, nhớ tiếng còi xe nhộn nhịp của khu chợ những ngày
giáp Tết. Nhưng nhớ nhất có lẽ là nồi bánh tét chiều 30. Nấu bánh không chỉ là
sinh hoạt đặc trưng ngày Tết ở Việt Nam mà đó còn là biểu tượng của sự sum họp.
Tôi còn nhớ hồi nhỏ, mỗi lần gói bánh, mẹ thường cho mấy chị em tôi mỗi người tự
gói một chiếc bánh của mình. Đương nhiên chiếc bánh đó sẽ không đẹp, mà thường
meo méo, nhỏ nhắn dễ thương. Đó cũng là món quà cho những đứa nhỏ chúng tôi khi
thức chụm lửa bánh đến khuya, nếu đói thì có thể ăn liền. Viết đến đây, tôi lại
nghĩ, nếu ai đã từng có những kỷ niệm đó, chắc chắn cũng đang hình dung ra biết
bao điều…
Tha hương, có người sợ nỗi nhớ đến
mức không dám bước chân ra chợ (những khu chợ người Việt ở nước ngoài) hoặc
nghe lại bất cứ bài hát nào mang âm hưởng dân ca. Vì dân ca vốn là “đặc sản” về
âm nhạc của một dân tộc, nó sẽ gợi lại hình ảnh quê nhà. Rồi nỗi nhớ cứ thế lớn
lên, tràn ra … không gì chứa hết. Ngược lại, cũng có những người phải bận việc
mưu sinh, cứ hối hả chạy theo cái Dương lịch mà không còn thời gian để nhớ Tết.
Những lúc như vậy, một khúc dân ca đâu đó cất lên chắc chắn sẽ “mang xuân về”
trong lòng họ, dù chỉ trong khoảnh khắc.
Sống, trải nghiệm và cảm nhận bằng
trái tim của người nghệ sĩ, nhạc sĩ Võ Đông Điền thấu hiểu nỗi lòng của những
người con “tha hương”. Qua ca khúc, ông đã gợi lại cho chúng ta bao hình ảnh đẹp
gắn liền với vùng đất nông nghiệp này. Nào là phù sa, là dòng sông, là vườn
cau, luống hoa, là hương bưởi, hương dừa, là đêm trăng tát nước … Được trở về với
những hình ảnh ấy, lòng ta như được tiếp thêm nhựa sống, được hòa mình vào mạch
nguồn thiêng liêng của tâm thức dân tộc.
Cái hay ở đây là tác giả đã đặt
mình trong hoàn cảnh những người xa quê để cảm nhận và sáng tác. Dường như ông
đã phân thân, một nửa xa quê, một nửa ở quê nhà. Chính vì vậy mà bài ca kết hợp
cả hai cung bậc, hai dòng cảm xúc. Nhạc sĩ vừa là người thưởng thức cái cảm
giác “ấm lòng” từ khúc dân ca, lại vừa lan tỏa hơi ấm đó cho những người xa quê
qua ca khúc của mình. Vì thế bài hát không đơn thuần là một lời ca xuân, mà đó
còn là món quà Tết ý nghĩa mà nhạc sĩ Võ Đông Điền dành tặng cho những người
con không được tận hưởng cái Tết nơi quê nhà.
Tết 2015