“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

ĐỌC TẬP THƠ “DẬY MUỘN” CỦA VÕ MẠNH HẢO – LONG AN

Trần Minh Tạo
1 - Thơ, cũng là một dạng ngôn ngữ. Thông thường với nhiều người hiện nay, thơ chỉ nhằm truyền đạt, thông báo một cách rõ ràng, cụ thể những gì đang có hay thậm chí không có thật trong tình cảm, ý tưởng của mình tới một khách thể thụ ngôn nhất định, hầu mong thu hoạch lại một điều gì đó thuộc về phạm trù tinh thần hay vật chất hoặc cùng lúc có cả hai. Chẳng những vậy, nhằm làm cho sự truyền đạt, thông báo nói trên được hiệu nghiệm hơn trong việc thu hoạch, người ta hoặc là sẵn sàng gò lưng, trổ tài bắt vần, đánh nhịp câu chữ vào nhau cho thật bùi tai, thỏa ý hoặc cố nắn nối, bơm độn lại xương cốt vần nhịp trong bài thơ tới mức dị hình dị dạng nhằm lấy đó làm nhãn hiệu tiên phong “hiện đại” hay “hậu hiện đại” nơi mình.
      2 - Tuy nhiên, khi đọc tập thơ Dậy Muộn của Võ Mạnh Hảo (VMH) vừa ấn hành vào đầu mùa thu năm nay (2011), tôi thấy tình hình có phần khác đi. Điểm khác đầu tiên là hình như VMH không có ý xác định trước khách thể thụ ngôn cụ thể nhất định nào nơi mỗi bài thơ, không cố tình thu hoạch lại một lợi tức gì đó cho mình như một công nhân hay một chủ lò bánh đang tiến hành quy trình  sản xuất kinh doanh chữ nghĩa, nhắm vào một thị trường đã được điều nghiên từ trước. Thay vào đó, VMH làm thơ như không hề nghĩ rằng mình đang làm thơ. Bởi lạ lắm. Thơ của VMH hình như chỉ nhằm giãi bày trạng thái nội tâm cụ thể nơi mình cùng với những người không xác định. Không xác định tức là đang trò chuyện cùng phần tâm linh không nằm riêng nơi ai nhưng ai cũng có nơi mình. Do vậy, dễ thấy trong tập thơ này, VMH như vừa tự sự với chính mình, khởi phát từ  những ký ức, những liên tưởng được gọi dậy từ một không gian tồn sinh rất cụ thể trong hiện tại, vốn luôn thuộc riêng về VMH  nhưng đồng thời cũng dễ dàng giao cảm, hòa điệu cùng với bao tâm tình sâu kín lặng lẽ khác nơi người đọc. Hay nói tận cùng hơn, một điều rất đáng quý nơi VMH là trong tư cách “bản gốc” của nhiều bài thơ mà VMH từng làm ra. Bởi chí ít, muốn đạt tới trạng thái thơ ca này, cái “bản gốc” nơi VMH không thể không “chính kỳ tâm,thành kỳ ý” trước trang giấy, trước cuộc đời. Hay nói nôm na dễ hiểu hơn, Dậy Muộn của VMH  không những có năng lực thu hút được tâm tình của người đọc như đang có, mà lại còn rất đều đặn, đều tay nơi từng bài thơ một. Nếu không được tuôn chảy ra từ chung  dòng suối chân thành bắt nguồn từ chốn sâu thẳm nhất nơi tâm tình của VMH chắc gì có được điều ấy.
       3 - Điểm khác thứ hai, đạt tới mức không thể không chú mục, theo tôi, nằm nơi bút pháp của VMH. Một kiểu loại bút pháp có thể gọi là vừa mới, vừa lạ so với nhiều “trẻ trung thi sĩ” khác đang sinh sống ở khu vực ĐBSCL hiện nay. Theo đó, mọi nội dung truyền đạt trong từng bài thơ mang những chủ đề riêng, không hề được đối tượng hóa, khách thể hóa, trật tự hóa triệt để nhằm làm cái đích rõ ràng cho tác giả đứng từ xa lẫn từ bên ngoài mô tả vào, diễn đạt lại thành một “tự sự” cổ điển bằng những câu thơ tuân thủ đúng bao mẫu mực văn phạm trường quy,  trong đó có cả các biện pháp tu từ khéo tay, khéo ý như thế nào đó. Thay vào đó, VMH chỉ nói ra, giãi bày ra bằng hình thức tuần tự ghi nhận rồi tái hiện lại hiện thực sau khi đã nội tâm hóa; đã nhuộm, đã in, đã ẩn náu, đã hợp nhất, đã hòa chìm, đã xạ chiếu tia nhìn tình cảm cùng thái độ ý tưởng chủ quan của mình vào nó một cách rất tự nhiên, bình dị mà sâu đậm, mang tính ám ảnh cao với đầy đủ bao vẻ  tinh khôi sau khi huy động từng mảng hoài niệm xa gần  đồng loạt tái sinh, nẩy nở nhẹ nhàng vào lại dòng mạch tâm linh luôn ngấm ngầm úa khô trôi chảy giữa mình cùng với bao người.
                  những  quả chuông trời xanh
                  rung liên hồi phía giấc mơ mang hình hài bàn chân lấp đất
                  ngày nắng nha đam
                  con đường màu mật
                  tiếng dế thơm từ những cánh đồng
                                          (Hạ - trang 24)
          Hay:

                  hạt bụi trên thành cửa ngọ ngoạy phát sáng
                  hàng dậu ngoài hiên chầm chậm mọc nắng
                  con thạch sùng đi ngủ giấc sâu
                  tôi thức dậy cùng những quả âm thanh treo bên vườn nhỏ
                  gương mặt này đã khác đêm qua?
                  cái buồn này đã khác đêm qua?
                                          (Mặt trời lên - trang 52)
      Hoặc là:  
                 đồ vật cũ
                 màu nâu buồn trên kệ gỗ buồn

                 thiếu sáng
                 nên vài ngón tay trốn đi mất rồi
                 bụi thở lấm mặt
                 bàn chân cũng không còn đủ ngón
                 nằm ngoan hiền như đưa bé trong đêm
                         (Trong căn phòng thiếu sáng – trang 58)
     4 - Tới đây, ngẫm lại, về bút pháp thơ của VMH như trên vừa nói, theo tôi vẫn là chưa đủ.Vì khá nhiều bài thơ trong tập Dậy Muộn của VMH còn vươn tới một chân trời bút pháp mới và lạ hơn bằng cách đẩy đến cùng cực kiểu tư duy “ngã vật lưỡng đồng” nói trên:
              mùa thu đã trôi vào cuống họng
              sau cú ngáp của anh
              gấp lại chăn
              gấp lại những ý tưởng cho một ngày trong ngôi nhà 29 năm tuổi
             ***
              mặt trời đẩy anh
                                     rời xa  bề bộn căn phòng
              con chữ còn ngái ngủ
              níu giấc mơ dang dở đêm qua
              anh nhúng mặt vào ánh sáng
              từ ô cửa thu
              nghe tiếng chim trôi đầy lỗ chân lông
              lấp lánh
              ***
              hãy kể anh nghe về sự tàn nhẫn của em
              trong ngày chúng ta ăn chay
              em đã ngăn đường về của những sợi khói
              em đã dập tắt đam mê của những đám lửa
              em đã ngăn loài sâu bọ không được hóa kiếp
              em đã ngăn anh mơ về giấc mơ
              trong phút giây này
                           (Phút giây - Trang 84)
        Theo đó, vũ trụ quen thuộc cũ với những tên gọi cũ, những khái niệm cũ bỗng dưng vỡ tan vào những hình thể diễn dạt mới trong thơ VMH - tỷ như  cái phần thân thể đang đánh bạn chung thân với cái phần thiêng liêng sâu thẳm cùng trường cửu tồn tục ở đâu đó bên trong nó được VMH gọi là  “ngôi nhà” với số tuổi là “29 năm”. Rồi những đam mê mang tính bản năng nhất thuộc về phần thân thể một người đang ở tuổi 29 kia, với nhiều “loài sâu bọ” bên trong được VMH gọi là “những đám lửa” đang tỏa ra “những  sợi khói”  trên nẻo tìm “đường về ” - một  nơi có thể giúp  nó “hóa kiếp” thành cái gì không còn là nó, vì đã siêu việt lên chính nó nhưng lại phải và cần hiện hữu  trong “em”, cũng là trong nhau như một bổ túc thể , một  hoàn thiện thể vừa mang tính diệu hữu mầu nhiệm vừa mang tính hiện sinh trần tục sóng đôi. Rõ ràng, qua những điều vừa “giải mã” bên trên,VMH đã đẩy ngôn ngữ hiện thực đời thường lên mức biểu tượng trong thơ bằng cách thổi cùng kết nối vào nó một tia nhìn tâm trạng nhất quán vừa luôn vắng mặt nơi bề mặt của văn bản nhưng lại tồn tại đủ đầy trọn vẹn nơi bề chìm ở từng bài thơ.
       Xin đọc thêm một bài khác của VMH cũng có cách diễn đạt như trên vừa nói:
        những con mèo mãi không chịu nằm yên một chỗ
        chúng điệu đà bước đi trên thành cửa nhà bên
        nơi chiếc bình nắng làm từ tháng ba căng tròn như bầu sữa mẹ
        thơm mùi cỏ mùi lá khô mùi những bông hoa lỡ thì

        ôi,
        những con mèo mãi không chịu nằm yên một chỗ
        đã làm ngã chiếc bình bằng cái đuôi cong mềm nhuộm màu xám tro
        một dòng nắng chảy ra từ những chiếc đuôi lũ mèo
        tìm đến chỗ cô gái tật nguyền đang ngồi cắt mặt trời ra từng mảnh nhỏ

               những con mèo vẫn đi bên thành cửa như những kẻ thờ ơ
               không nhìn thấy buổi chiều đi về trong mắt
               mùi cỏ khô mùi cỏ non mọc lên e ngại
               quanh chỗ cô gái ngồi đỏ xác mặt trời…
                                     (Trò chơi 2 - Trang 25)
         Rõ ràng, nơi bài thơ này bút pháp biểu tượng của VMH đã trở nên tinh tế, nhuần nhuyễn hơn. Bài thơ trở thành hệ thống những hình ảnh đa tạp nằm trong thế chuyển vận đan xen, hòa cuộn vào nhau nhưng lại thống nhất xuất hiện ý nghĩa khởi ra chỉ từ một tia nhìn nội tâm mang tính gửi gắm, chiếu rọi những vòm sáng mới mẻ, tinh khôi vào hiện thực vốn đang luôn cũ kỹ, già nua, đôi khi là chết cứng dần vì tập quán nhìn nhận  lâu ngày của thế nhân. Theo đó, trong bài thơ này , “con mèo” chỉ là những xung động bản thể nhất trong cuộc sống nội tâm của con người. Còn “cô gái tật nguyền” thì cũng vậy. Nó chính là hiện thân của những khát khao “căng tròn như bầu sữa mẹ”nhất, mang tính nhân bản nhất, nồng nàn nhất của con người thế gian nhưng lại bị bao điều bên ngoài nó đẩy rơi vào thế phải chịu mòn dần đến độ chỉ còn là cái “xác” “lỡ thì” giữa cuộc nhân sinh…
      5 - Tuy vậy, trong tập thơ này, theo tôi, vẫn có chút gì đó chưa tròn đầy cần phải gọi tên. Theo đó, có thể nói chung thế này: Nếu nơi từng bài thơ nào chỉ có sự cố công  truyền đạt nội tâm, hay ghi chép lại nội tâm qua cách nhìn, cách thức tiếp nhận hiện thực mà những hiện thực này lại thuộc dạng vi mô đơn lẽ không thôi thì những bài thơ ấy sẽ như cánh bướm đang bay: Nó có thể đẹp, có thể  lạ, có thể mới nơi sự tỉ mỉ về màu sắc, đường nét, dáng vẻ, thậm chí về đường bay, hướng bay cùng tầm bay nhưng khi hết bay rồi, tức lúc người đọc không còn đọc nó nữa thì mọi thứ cũng bay ra khỏi trí nhớ của người ta. Vì nó không có một cái tứ  nặng, mang tính khái quát vĩ mô về hiện thực có năng lực neo chắc, neo sâu  vào lòng người đọc nhằm góp phần đề đạt một khuynh  hướng thẩm mỹ nhân sinh như thế nào đó cho họ. Đành rằng vũ trụ luôn hiện ra với những khuôn mặt khác nhau dưới từng cái nhìn. Biểu đạt vũ trụ bằng cái nhìn cũng là một trong những phương cách thẩm mỹ vũ trụ của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, theo tôi, một bài thơ ngoài sự đẹp ra còn phải đạt tới tính hay. Giống như một cô gái, ngoài đẹp ra còn phải tốt bụng nữa. Và cái tốt bụng ấy chính là cái tứ lấp lánh nằm nơi mỗi bài thơ: khả năng truyền đạt, xâm nhập vào cuộc nhân sinh nhằm cao nhã hóa, thánh thiện hóa những điều vốn luôn có sẳn cùng tiếp tục có mãi giữa cuộc đời này.
      6 - Cuối cùng, xin trân trọng đón chào sự ra đời tập thơ mới này của VMH. Cùng trân trọng đón chào theo một khuôn mặt thơ ca không còn “trẻ” nữa nhưng đã kịp phát lộ rõ ràng những phẩm chất của một tài năng còn nhiều tiềm lực cần khai phá và nâng cao tiếp tục trên con đường sáng tạo nghệ thuật vốn không có điểm dừng, điểm tới vĩnh viễn cho bất kỳ ai…
                                                    Sa Đéc - Đồng Tháp ngày 7/10/2011 
Bản quyền tác giả gửi.
N.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...