Nguyên Hậu
Mỗi lần Tết đến, trong tôi lại
len lỏi âm thầm một cảm xúc rất lạ, vừa nôn nao trong tiết trời trong veo, se lạnh
nhưng cũng trĩu nặng một thứ cảm xúc về cội nguồn. Lúc nhỏ, Tết là cả một khung
trời tươi đẹp, ngập tràn những niềm vui đầy màu sắc nên bọn trẻ chúng tôi háo hức
đợi chờ. Còn bây giờ, mỗi khi Tết đến lại là dịp duy nhất tôi có thời gian sum
họp gia đình và nghĩ về nguồn cội.
Hồi nhỏ tôi vô tư đến nỗi chỉ lo mỗi
chuyện học hành. Tuy nhà tôi cách nhà nội
không xa, nhưng mỗi năm tôi chỉ được về trong những dịp lễ giỗ và Tết. Nói vậy
chứ có năm, những lễ giỗ trong gia đình trúng ngay ngày đi học, tôi cũng không
thể về. Vậy nên mỗi năm chỉ trông đến Tết để được rảnh rang theo ba về nhà nội.
Người lớn mỗi lần Tết đến là than
bận bịu, còn tôi lúc ấy chỉ chờ cho mau đến 30 Tết, được ba dùng chiếc xe đạp cọc
cạch chở về nhà nội chơi. Đường từ nhà tôi về nội phải đi men dọc theo bờ sông,
một bên là con mương rộng dẫn nước vô những vườn cây quanh co nào măng cụt, sầu
riêng, mít, dâu xiêm, chôm chôm… Con đường chạy men theo con rạch rồi dẫn ra mé
sông Cầu Ngang. Có lần ba chở tôi đi một đoạn thì bị trượt bánh xe, hai ba con
té nhào, xe một bên, người một bên, cũng may là không bị lọt xuống đường mương sâu bên đường. Thấy tôi bị ngã, lấm
lem quần áo, ba đỡ tôi dậy, lòng xót xa,
còn tôi chỉ thấy tức cười, vì cái mặt ba lúc đó nhìn tội tội. Đi chừng mười lăm
phút là tới nhà nội. Nhà nội nằm ngay mặt sông, trước nhà và bên hông đều là
sông, chỉ có phía sau được bao quanh bởi vườn tược. Trước nhà nội có một cụm dừa
nước xanh rì, trông đến mát con mắt.
Nhà nội thuộc kiểu nhà cổ, hình
chữ Đinh (kiểu nhà cổ ở đất Bình Dương), tuy không rộng nhưng những ngày Tết
thì nhộn nhịp phải biết. Ông bà nội có tới mười ba người con, ba tôi là cả, tôi
có một chú Út và tới hai cô Út. Con cháu của nội rất đông, cả nội ngoại cộng lại
cũng “gần nửa trăm” – theo cách nói của chú Út tôi. Mỗi lần nghe vậy, ông bà thường cười, nhìn chú Út vẻ hờn
trách nhưng tôi biết nội vui lắm. Quan niệm của mấy người xưa, hễ con cháu đầy
đàn là tốt. Vậy nên Tết là dịp sum họp vui vẻ nhất của cả gia đình.
Ngày Tết, con trai con gái đều họp
về, lớp cháu cũng sum vầy vây quanh nội, mừng tuổi và nhận bao lì xì. Có lẽ đó
là niềm vui và cũng là niềm mong mỏi nhất của đám cháu chúng tôi. Bà nội thì dễ
hơn ông nội, hễ thấy đứa cháu nào về bà cũng mừng rỡ, xoa đầu, rồi không đợi đám
cháu mừng tuổi, bà cũng xòe ra những bao lì xì đỏ chót, chúc tụi cháu mạnh khỏe,
học giỏi, sau này thành tài. Túi áo bà ba của nội ngày đó giống như cái túi thần
kỳ của bà tiên vậy, lúc nào cũng rủng rỉnh những bao lì xì đỏ chót, làm cho bọn
trẻ chúng tôi vui tít mắt.
Nhưng ông nội thì nghiêm khắc
hơn, ông đợi con cháu họp về đông đủ, cùng thắp hương ở bàn thờ tổ tiên, ông mới
đại diện chúc Tết cho từng gia đình, rồi phát bao lì xì một lượt. Hồi đó tôi
không thích lắm nguyên tắc này của ông nội một phần vì phải chờ đợi lâu một phần
thấy phiền vì lễ nghĩa cứng nhắc quá. Nhưng giờ lớn lên, khi nội không còn, tôi
mới thấy quý biết bao cái không khí trang trọng của những buổi họp mặt đông đủ ấy.
Lúc nhỏ, tôi thích về nhà nội mấy
ngày Tết vì dường như chỉ nơi đó mới neo giữ đầy đủ hương vị của một cái Tết cổ
truyền. Tôi thích ngửi mùi nhang thơm nội đốt trên bàn thờ mấy ngày Tết, thoang
thoảng, dìu dịu, mang lại cảm giác thanh sạch, trang nghiêm. Ăn Tết ở nhà nội,
cái gì cũng có, từ bánh mứt, thịt thà đến những món rất đặc trưng ngày Tết và đặc
biệt là những món tự tay nội làm. Để có một cái Tết đầm ấm, nội phải bắt đầu
chuẩn bị từ 20 tháng Chạp. Nội tự nhận cho mình cái trách nhiệm phải làm thật
nhiều, thật đủ đầy cho con cháu tụ về ăn Tết. Có lẽ vì vậy mà từ nhỏ tôi đã thấm
dần trong người không khí của một cái tết truyền thống, không chỉ dân tộc mà
còn trong mỗi nếp nhà. Khoảng 25 -26 tháng Chạp, ba và mấy chú đã về phụ ông nội
dọn dẹp nhà cửa. Mẹ và mấy thiếm thì lo phụ bà nội chuẩn bị mấy món ăn, từ món
mắm xắt, món chao, dưa muối, củ kiệu, rồi lo rọc lá, lau lá chuẩn bị gói bánh. Bánh
tét nội gói thì đẹp hết biết! Đòn bánh thon, dài, cột dây đều văng, nấu không sợ
bị vô nước, không sợ bị “nín” hai đầu và đặc biệt là có thể để đến … hết mùng vẫn
không sao! Bánh của nội cũng có màu rất đặc trưng, màu tím than, trông rất đẹp.
Và đó cũng là nét đặc trưng về món bánh tét của nội.
Tôi cũng đặc biệt thích món dưa
giá nội làm, vì nội không mua giá ngoài chợ mà tự trồng. Nội chọn những hạt đậu
xanh tốt nhất, ngâm trong nước rồi bỏ vào trong cái khạp nhỏ, bên trên phủ một
tấm liếp bằng tre, đủ kín cho đậu nảy mầm. Món dưa nội làm cũng lắm công phu, vì
ngoài giá, nội còn cho thêm củ kiệu sắc mỏng, rồi thêm mấy sợi mít non cắt lát thật
mỏng, nhưng vì ngâm chung với dưa giá nên rất giòn và có mùi thơm thơm, nồng nồng
của hành kiệu.
Ông bà nội tôi xuất gia, suốt năm
ăn chay trường, nhưng ba ngày Tết nội muốn con cháu có món ngon để ăn nên gọi mẹ
và mấy thiếm về giúp nội làm thêm mấy món mặn cho con cháu có ăn. Nội nhớ về thời
con gái của nội, ba ngày tết cũng làm nhiều món, nên dù bây giờ không còn ăn cá
thịt, nội vẫn nhớ rất rõ cách chế biến sao cho ngon và bảo quản được lâu trong
ba ngày tết. Ngày trước không có tủ lạnh tiện lợi như bây giờ nên các món ăn
ngày Tết phải nấu rất cẩn thận, có thể để ăn qua ba, bốn ngày Tết mà vẫn không
bị hư. Nấu món ngon ngày Tết cũng là tấm lòng của con cháu với ông bà tổ tiên
vì đó là dịp duy nhất họ được về chơi với con cháu.
Năm đó cũng 30 Tết, tôi cùng ba về
nhà nội phụ mấy thiếm làm đồ ăn chuẩn bị rước ông bà. Nhìn con cháu đang lui
hui nấu đồ ăn, tự nhiên nội nói bâng quơ,
rằng năm sau chắc tụi con không còn cực thế này nữa… Tôi nghe mà lặng hồn, như
có một cơn gió lạnh bất chợt thổi qua, se buốt cõi lòng. Nghe xong sống mũi ai cũng
cay cay. Thấy vậy, chú Út – người có tài
pha trò nhất trong mấy anh em nói đùa một câu để phá tan bầu không khí nặng
trĩu ấy. Chú nói, má ơi, tụi con thích làm như vầy, cả năm mới cực một lần, có
gì đâu má lo. Tụi con thích cực dài dài … cho nó vui!
Thật ra năm đó nội chớm bệnh, những
cơn gió đông làm nội ho nhiều, mệt nhiều. Cả đời vất vả làm lụng nên về già sức
khỏe cũng như bà già khó tính nhưng rất trẻ con, nắng mưa bất chợt. Cứ ba bữa
phải đi gặp bác sĩ một lần nó mới chịu để nội yên. Được cái về già, được nhìn
thấy con cháu đông đúc, sum vầy làm nội cũng vui. Trong khóe mắt hom hem của nội
lúc đó nước mắt như muốn trào ra nhưng nội cố cười ha hả, nói vậy thì ráng cực
đi nha con! Mọi người cùng cười, nhưng ngay sau đó liền quay mặt, giấu đi mấy
giọt nước mắt. Nội cũng nhẹ nhàng quay lưng, bước từng bước chậm chạp lên nhà
trên. Tôi biết nội buồn, như nội đang biết trước một điều gì đó!
Rồi cái điều không ai dám nghĩ
cũng đã xảy đến. Sau khi ăn Tết xong, nội trở bệnh đột ngột, sức khỏe giảm ngày
một rõ. Nội yếu dần trong khi hương vị ngày Tết vẫn còn thoang thoảng trên mấy
ngọn gió ngang qua nhà. Rồi nội ra cũng nhẹ nhàng ra đi, như cơn gió, lặng lẽ,
không phiền hà đến con cháu. Hôm đó là 20 tháng Giêng, hơi Tết vẫn còn nấn ná
trước ngõ chưa vội đi nhưng nội đã ra đi mất rồi. Ngày cuối cùng tiễn nội qua Cầu
Ngang, cả dòng sông và cây cối hai bên dòng cũng buồn thê thảm. Cơn gió tháng
giêng vẫn còn cái se lạnh, bỗng lạnh hơn, nghe thấu tận cõi lòng. Cũng trên bến
sông này, bà về ở với ông. Rồi cả đời, gần bảy chục cái xuân trôi, nội cũng gắn
bó với cái bờ, cái bến của dòng Cầu Ngang. Ba nói hồi nhỏ, mỗi lần Tết đến mấy anh
em cứ háo hức chạy ra bến sông chờ nội đi chợ về, vì thể nào trong giỏ cũng có mấy
bộ quần áo mới cho mấy anh em ba xum xoe ngày Tết. Tết năm đó, cả bầy con cháu
cũng tụ về bến sông đông đủ, nhưng không phải chờ, mà để tiễn, tiễn nội đi… đi
mãi không về!
Mấy năm rồi, mỗi lần Tết đến là
lúc tôi nhớ nội nhiều nhất, nhớ hoài câu nói đùa của nội để thấy sao mình quá
vô tình. Nhớ mùi nhang thơm nội thường đốt trên bàn thờ mỗi khi Tết đến. Nhớ
cái không khí chờ đợi con cháu về đông đủ để được nội lì xì tuổi ấu thơ. Nhớ, nhớ nội đến thắt ruột thắt lòng…
Xuân 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.