“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Ấn tượng ngày đầu tiên đi học

Nguyên Hậu


Ngày trước, tôi đi học trường làng chứ không phải là những ngôi trường khang trang như bây giờ. Cái trường nằm cách nhà có vài trăm thước, nên mỗi sáng ba hoặc mẹ để tôi lên xe đạp, chở tôi ra trường, sau đó buổi trưa có thể ba sẽ đón, hoặc cũng có thể tự về với các bạn. Nhà các bạn cũng nằm chung trong xóm, nên đi học không thấy buồn chút nào. Khác mới mấy đứa cháu của tôi bây giờ, đi học thiệt cực, phải đón đưa cả mấy cây số, rồi đứa nào cũng buồn, cũng khóc, y như những chú chim non bị tách ra khỏi cái tổ của chúng.
Trường làng của tôi ngày xưa không rộng, chỉ có một dãy lớp, ba phòng, và chỉ có ba lớp cho ba khối: lớp 1, lớp 2, lớp 3. Bắt đầu lên lớp 4 thì phải vô chợ Búng mới học được. Tôi chỉ học lớp 1 ở trường làng, nhưng học những 2 năm (vì học thêm 1 năm dự thính). Những năm sau ba mẹ cho tôi lên trường chợ. Mẹ nói ngày xưa tôi rất bé nhưng tròn trịa, đi học cứ thích đội cái nón chum chũm, mang ba lô, trông xa xa như cái nấm. Suốt hai năm lớp Một ấy, vào lớp lúc nào tôi cũng đứng chứ không ngồi, vì bé quá, phải đứng mới vừa tầm cái bàn viết (bàn học ngày xưa là một cái bàn dài, và cao, dùng chung cho tất cả các khối lớp chứ không cá biệt hóa cho từng khối như bây giờ). Biết như vậy vì mẹ tôi hay “rình” lúc tôi học, nhưng mẹ chẳng bao giờ để tôi nhìn thấy. Mẹ không trực tiếp đưa tôi đi học ngày nào, nhưng dường như nhất cử nhất động của tôi trong lớp mẹ đều biết. Mẹ không bao giờ tạo cho tôi cơ hội để nhõng nhẽo. Ba sẽ là người theo tôi suốt quãng đời đi học, từ mẫu giáo cho tới đại học. Và điều này cũng có duyên cớ của nó.
Trường làng gần nhà tôi, đi bộ chừng 5 phút (tính luôn thời gian tôi nhẩn nha  hái hoa, ngắm cảnh). Ngày trước mẹ cũng có đưa hai chị của tôi đi học, vì người mẹ nào lại không xót đứa con của mình lần đầu tiên rời “tổ”, biết nó sẽ lưu luyến, sẽ khóc khi không có mẹ bên cạnh. Thế là mẹ xung phong thay ba đưa các chị của tôi đi học ngày đầu tiên. Nhưng ôi thôi, nguyên lời của mẹ kể lại là y như “bắt cóc bỏ dĩa”. Mẹ vừa dắt tay chị vào lớp trao cho cô giáo, khi mẹ về tới nhà thì chị tôi cũng chạy về tới nhà. Mà mấy ngày đầu tiên đều như vậy. Còn chị thứ hai của tôi thì khác. Mẹ rút kinh nghiệm, cho đi học xa, tận chợ Búng. Mẹ cũng đưa vào sau đó ra ngoài lén nhìn vô. Và cả buổi sáng mẹ cứ đứng như thế cho đến lúc bãi học chớ mẹ không thể về được, vì chị tôi khóc nhiều quá, làm mẹ về không đặng. Thế là đến lượt của tôi, mẹ rút kinh nghiệm, nhất quyết không đưa tôi đi học một ngày nào, dù là mẫu giáo.  Lúc nhỏ tôi nghĩ mẹ bận bịu nên thông cảm cho mẹ, cũng không đòi hỏi có mẹ đưa như các bạn khác. Bây giờ lớn lên tôi mới biết, mẹ “né” không dám chở tôi đi học ngày đầu tiên vì mẹ sợ mẹ không kìm lòng được, rồi cái cảnh xưa lặp lại. Những đứa trẻ ngày đầu tiên đi học, vô lớp ngồi khóc là chuyện bình thường, chớ như mẹ nói, mẹ mà đưa con thì cả hai mẹ con cùng khóc! Giờ nhớ lại, ngày xưa tôi cũng chỉ khóc ngày đầu tiên, lúc đi học mẫu giáo chứ những ngày sau thì rất ngoan. Vì hồi tôi đi học cũng đã bốn tuổi rồi (so với mấy chị tôi đi học sớm hơn một năm, cho nên phải ngồi dự thính thêm 1 năm lớp Một cho đủ tuổi). Vậy mà tôi cứng rắn cực kỳ. Chắc tại tôi thích đi học thiệt! Còn mấy đứa cháu của tôi bây giờ, đứa nào cũng chừng 2 tuổi rưỡi hoặc ba tuổi là phải đi nhà trẻ, rồi học mẫu giáo những ba năm. Cái mầm cây ấy vẫn còn non nớt quá!
Lúc mẹ có cháu rồi, anh chị tôi vì bận đi làm nên không có thời gian đưa đón các con. Anh chị đành nhờ…  ông bà ngoại. Ông bà ngoại cũng ừ, nhưng với một điều kiện: tuần đầu tiên ba mẹ không “lãnh”! Mẹ nói mẹ không thể nào chịu được cái cảnh lưu luyến, tội nghiệp, rồi bứt ra không đành. Mẹ nhớ rõ cái cảnh xưa dữ lắm!
Đúng như lời mẹ, ngày đầu tiên tụi nhỏ đi học không có bóng dáng bà ngoại dắt vô trường. Chỉ ba mẹ chúng chở đi thôi. Trước khi đi bà ngoại cũng làm công tác tư tưởng rất chu đáo, nào là dặn cháu đi học ngoan ngoãn, vào chơi với bạn, chơi với cô, nào là ở trường có nhiều đồ chơi, … Đứa nào cũng dạ rân, ngoan ngãn vô cùng. Vậy mà! Đúng là cảnh xưa diễn lại. Cái ngày đầu tiên đi học ấy sao mà đẫm đầy nước mắt!

 Mẹ tôi ở nhà suốt ruột đi ra đi vào, chờ mẹ chúng về xem tình hình ra sao. Chờ cả buổi, đến khi hai chị của tôi về tới nhà, mắt người nào người nấy đỏ hoe. Rồi cả ngày cứ lo lắng, bồn chồn trông cho mau tới giờ đi rước bé! Thế mới biết, cho con đi học mẹ cũng xót, cũng tội, cũng buồn không kém gì đứa con của mình. Thấy cảnh đó bà ngoại xót xa. Xót hai lần xót! Ngày xưa, mẹ xót vì tình cảm luyến lưu của mình, còn bây giờ mẹ xót khi nhìn thấy những giọt nước mắt từ những đứa con, đứa cháu của mẹ! Đúng là nước mắt chảy xuôi!
N.H

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Giỡn bóng

Nguyên Hậu


Em muốn cuốn anh vào chiều
rồi vội vã yêu đương không sợ hãi
tia nắng quái chiếu xuyên qua hồn
làm nỗi cô đơn của em chạy trốn
dưới hốc mắt xanh xao

Em không còn đường thoát giữa màn đêm
nhập nhòa, ngập ngụa
ảo ảnh đè lên ảo ảnh
cuốn xoay vòng cơn lốc men say
Em không cần anh lúc ban ngày
ta quay lưng vào nhau
cả hai chỉ còn là cái bóng dưới chân tường
hai vạch màu xám ngoét

Cung đường vàng mỗi chiều em băng qua
cố đuổi theo cái bóng của mình
vun vút …
nhưng không bao giờ bắt kịp
… đường quá thênh thang

quay đầu
chen vào nỗi cô đơn
hương xưa còn phảng phất
vì đã quen thuộc với chiếc bóng
nên em không sợ lạc
chỉ sợ tiếng lòng
xan xát trái tim côi


8.2015
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...