Nguyên Hậu
|
Ảnh chụp từ cầu Rạch Miễu |
Chỉ có mấy ngày mà thấy như lâu lắm, vì trong tôi lúc này đang hiện hữu một điều gì như là đối lập, khuất tất, trở trăn... Chỉ mấy ngày rời thành phố mà khi quay về, tôi lại có nhiều cảm xúc đến vậy. Về miền Tây mà cụ thể là Bến Tre trong hai ngày một đêm, ngay khoảnh khắc bước chân về lại sài Gòn, tôi thấy mình như nghẹt thở … không hiểu vì đâu… Chỉ đến hôm nay, đọc mấy tờ báo mới vỡ ra nhiều điều. Thì ra hôm mình xa thành phố, ở đây đã xảy ra bao nhiêu việc, từ những chuyện không liên quan đến mình cho đến việc mà nếu tôi có mặt ở thành phố cũng khó tránh khỏi. Chỉ một chuyến đi, vừa thư giãn, vừa công việc, nhưng quyết định nó với tôi lại khó khăn đến vậy. Nhiều người vẫn cho rằng quyết định về miền Tây như thế là mạo hiểm và không an toàn. Nhưng có ai biết được rằng, trong hai ngày đó tôi được thư giãn hoàn toàn, đến mức khi đi phải quay trở về, tôi thấy lòng buồn rười rượi, thấy sợ khi phải quay lại Sài Gòn. Tôi không nói Sài Gòn xấu, Sài Gòn ô nhiễm hay phức tạp… Bởi với nhiều người đó vẫn là một môi trường rất tốt, tốt cho nhiều thứ. Nhưng với tôi, một đứa con vốn sinh ra ở miền quê, đôi khi lại nghĩ khác…
1. Chuyện … không yên bình!
Sài Gòn thì có lỗi gì đâu, có chăng là ở một bộ phận nhỏ những con người tứ phương đến đó cư ngụ. Vừa bước chân về Sài Gòn, 6h chiều, ngồi ngay tại trung tâm thành phố, tôi lại được nghe bao nhiêu chuyện không mấy bình thường. Thật ra trước khi đi một hôm tôi đã cảm nhận được sự bất thường, đầu tiên là từ những người xung quanh. Đến hôm sau, khi vừa đến Bến Tre, tưởng được nghỉ ngơi thư giãn thì nhận được tin không hay từ Sài Gòn, rằng một người quen của tôi phải bỏ dở chuyến du lịch thú vị, tức tốc bay từ Huế về Sài Gòn để giải quyết một chuyện quan trọng. Hơi bàng hoàng nhưng không được biết lý do, đơn giản bởi vì người đó không muốn làm tôi mất hứng khi ở một nơi thật yên bình mà phải nghĩ về một vài chuyện bất ổn ở Sài Gòn… Dù muốn dù không, đó cũng là một ấn tượng không mấy yên bình rồi!
2. Chuyện triều cường kỷ lục tại Sài Gòn!
Nói chuyện này sẽ dễ bị cho là chuyện không đâu, nhưng bởi tôi ở ngay Bình Thạnh, mấy lúc có triều cường rất dễ bị ngập, ngập rất ghê! Nhớ năm ngoái cũng vào thời gian này, tôi phải chuẩn bị cho chuyến đi về mấy tỉnh miền Tây làm nghiên cứu, phải chuẩn bị vài thứ cho chuyến đi. Cách chuyến đi một ngày tôi có đặt mấy bức thư pháp, đến ngày hôm sau đúng giờ hẹn đi lấy thì không cách nào ra đường được. Mai phải đi, bỏ không được nên cố gắng lội ra đường, hy vọng sẽ tìm được chiếc xe buýt nào đó leo lên thì sẽ êm xuôi. Nhưng ngờ đâu sau khi lội hì hục từ trong hẻm ra tới đầu đường thì hỡi ôi, không xe nào chạy được hết, cả xe tay ga lẫn xe số đều lềnh bềnh trôi trong dòng nước và chủ nhân của nó phải rất cố gắng lắm mới có thể dắt được trong dòng nước đen ngầu. Thế cho nên tất cả các xe buýt chiều hôm đó đều tìm đường khác để đi chứ không dại gì chạy đến đó chờ cho … chết máy. Trên đầu là mưa, dưới đất là nước, đứng đợi đến 45 phút vẫn không thấy chiếc xe buýt nào, đành lủi thủi bì bõm lội vô. Mà đường ở Sài gòn thì chẳng nói hết được những nguy hiểm rình rập, luôn muốn chăng bẫy con người bất cứ lúc nào. Mấy ngày trước đó lại nghe thêm mấy vụ có người bị tai nạn chết người không phải chỉ do triều cường, vì lúc đó triều cường cũng không đến nỗi lớn, mà chết vì … sập bẫy hố ga, sập ống cống… Rất nhiều những nắp cống dọc theo hành lang đường Sài Gòn lúc đó bị … hớ hênh, luôn là nguy cơ cho những trẻ em hay bất cứ người lớn nào đi bộ hay xe vào ban đêm. Đã có mấy vụ tai nạn như thế nên từ đó trở đi hễ ra đường là mở mắt thật to, nhìn thật kỹ trước khi cho xe lăn bánh.
Trở lại chuyện triều cường, khi những cái hố như thế được bày ra giữa đường ngày nắng ráo đã thấy nguy hiểm, nhưng có thể tránh được. Còn những lúc có triều cường thế này thì phải nói tai họa từ trên trời giáng xuống chứ ai biết đâu mà lường. Thật sợ hãi! Cho đến bây giờ, mỗi lần Sài Gòn có triều cường ai nấy đều rất lo lắng, không chỉ sợ nước mà còn sợ những cái bẫy bất chợt như thế.
Và nghĩ lại, nếu hôm đó tôi không đi miền Tây mà ở lại thành phố thì chắc gì không ra đường. Và thế là thê thảm dưới mênh mông trời nước. Nói về miền Tây thường gợi cho người ta cái ấn tượng hay bị lũ lụt vì dạo này đang mùa nước nổi, lại có nhiều sông ngòi,. Vậy mà về miền Tây đợt này tôi thấy mọi thứ rất an toàn, không phải tôi chỉ về khu thị xã, thành phố, không vào thôn quê nên không biết mà thật ra nếu ở trong quê hay thành phố mà có ngập nước cũng không khủng khiếp như ở Sài Gòn. Dường như nước đối với những người miền Tây là bạn rất thân thiết, cái này đã từng nói trong bài Lũ miền tây. Hơn nữa, nước ở miền Tây cũng không đến mức ô nhiễm như thành phố. Các bạn cứ tưởng tượng cảnh những ngày nước nổi mọi người rất vui vì ra sông là có cá, mang về cho họ những bữa cơm ngon. Nước còn mang phù sa về cho đồng lúa của họ … (nếu không quá nhiều). Nói chung, đối với dân miền dưới, nước không là một nỗi kinh hoàng, không giống như lũ lụt miền Trung hay nơi khác. Nước tạo cho đồng bằng cái cảm giác hiền hòa, thân thiện, nước mang lại những nguồn lợi nhất định chứ không hẳn đã là một hung thần. Mọi sinh hoạt ở đồng bằng thường gắn liền với nước. Về miền Tây nếu đi xuồng có lỡ bị rơi xuống nước thì bạn cũng yên tâm là sẽ có người vớt bạn lên an toàn, vì 90% những người nơi đó biết lội. Thật ra ngày trước, khi tôi - một cô bé miền Đông về miền Tây, nước là một điều rất kinh hãi, tôi rất ngại qua phà, đò hay đi xuồng. Nhưng bây giờ nhận thấy những điều như thế tôi có phần an tâm hơn. Nói chung, miền Tây trong tôi có nhiều cái để nói, có nói cả tuần cũng chưa hết chuyện. Cũng có những nhức nhối, nhưng rồi có thể lý giải, có thể cảm thông và thấy không phải bận tâm nhiều. Còn đa số đều rất hiền hòa, rất thân thương.
3. Chuyện … tờ báo. Quay trở lại đề tài về Sài Gòn, sáng nay có thời gian đọc lại những tin báo mấy hôm trước (hôm tôi đi vắng khỏi SG) của các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Thật ra ngày trước, nói chi xa xôi, cách đây khoảng hai tháng tôi là đứa không bao giờ cầm đến tờ báo. Ngày còn bé ở nhà, cũng có báo nhưng mọi người trong gia đình không ai hoạt động xã hội gì, ba mẹ sinh sống bằng cái nghề hết sức lương thiện và bình yên không kém gì những người miền Tây, mặc dù ở miền Đông. Làm vườn, nói đúng hơn là chăm sóc vườn cây ăn trái. Vậy nên chẳng bao giờ họ quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội, không qua tâm xem hôm nay ngoài Quốc hội có những cuộc họp nào quan trọng, thủ tướng hay Bộ trưởng mấy bộ gì đó đi thăm những đâu, rồi trên thế giới có xung đột này xung đột nọ không. Nói chung là chỉ quan tâm việc nhà mình, lo làm sao cho nhà đủ ăn và chăm lo cho ba đứa con đi học đến nơi đến chốn, rồi sau này là lo cho mấy đứa cháu… Cuộc sống gia đình tôi khá bình yên, cũng gần giống như miền Tây vậy, nên có lẽ không ngẫu nhiên mà sau này có dịp về miền Tây tôi lại thích như vậy. Tôi thích miền Tây vì những điều giống nhà mình và những điều không có ở nhà tôi hay ở nơi tôi sống. Nói là ở Bình Dương nhưng khu tôi ở là Thuận An, có vườn cây trái Lái Thiêu nổi tiếng trước giờ. Tôi và mấy chị sinh ra và lớn lên dưới bóng mát của những tàng cây ăn trái. Cây trái nơi đó là những cây lâu năm như măng cụt, sầu riêng, mít, chôm chôm,… những thứ trái cây này có một đặc biệt là chỉ có một mùa ra trái và chín vào mùa hè, không thể nhân tạo thành cây trái bốn mùa như những loại cây khác. Vậy nên Lái Thiêu mới có thương hiệu trái cây của nó. Như giờ này là gần cuối năm, nếu ra đường có chổ nào bán trái cây mà để là trái cây Lái Thiêu thì tuyệt đối đừng tin. Không phải những loại trái cây này không thể cho quả nhân tạo, vì trong thời khoa học phát triển này thì thứ nào lại không thể tạo ra. Cũng như ngay bây giờ bạn có thể bắt gặp nơi nào đó bán măng cụt, sầu riêng, và mít thì … ôi thôi, rất nhiều… nhưng những loại đó tuyệt đối không phải xuất xứ từ Lái Thiêu. Có một điều mà cho đến bây giờ tôi vẫn rất tự hào khi nhắc tới nơi sống của mình, đó là chất mộc mạc, thanh bình hiền hòa như những vườn cây trái ở đây vậy. Con người nơi đây cũng thế, mang dáng dấp miệt vườn, có chút gì gần với người miền Tây. Những chủ vườn ở đây không vì lợi nhuận mà phải nhân tạo cho cây ra trái theo ý muốn, tất cả đều để rất tự nhiên. Thế cho nên trái cây ra theo mùa là một lẽ, lại còn phụ thuộc vào thời tiết. Có năm thời tiết thuận lợi thì cây ra trái rất sai, nghĩa là được mùa, còn những năm thời tiết thất thường thì nhà vườn cũng phải chịu. Nói như thế không có nghĩa là họ không biết cải tiến, mà cơ bản họ không muốn làm điều trái với tự nhiên. Người dân ở đây quen với cách tư duy đó nên nếu ngoài chợ có bán những loại trái cây nào trái mùa hay có xuất xứ không rõ ràng họ cũng không dám ăn, nhất là loại trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thế mới thấy cái ngay thẳng, thật thà của những người dân quê miệt vườn. Trải qua bao năm, xã hội ngày càng phát triển, bao nhiêu thứ mới lạ. Mới đây Thuận An cũng vừa lên thành thị xã, nhưng nhịp sống nơi đây không khác trước mấy. Không thấy cái xô bồ bất chợt của những thị trấn vừa phát triển đã nhanh chóng xóa đi cái yên ả bình thường. Nếu có lần ghé qua Lái Thiêu bạn sẽ cảm nhận được điều đó, rất thật, không phải vì mình là dân Lái Thiêu nên bênh vực. Trong các huyện thị của Bình Dương, có thể nói Thuận An là nơi giữ được mức cân bằng trong sự phát triển của mình, phát triển nhưng vẫn giữ được hơi thở vốn có, mặc dù gần thành phố nhưng không vì thế mà làm mất đi bản sắc của mình.
Quay trở lại chuyện đọc báo, ngày xưa tôi không thích đọc báo cũng có lý do của nó. Thời đi học xa nhà, đôi lúc cũng muốn đọc một tờ báo xem thử nó ra thế nào. Vì nghe nói nếu mỗi ngày mà không cập nhật tin tức mình sẽ rất lạc hậu, không thể nào bắt kịp thời đại. Hồi sinh viên ở KTX, mỗi ngày hầu như được phát báo miễn phí cho đọc, nếu không thì tại mỗi nhà đều có một bảng điểm báo, nghĩa là đăng lên tất cả những tin báo đáng chú ý trong ngày của những tờ nhật báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên… lâu lâu đi học về tôi cũng hay ghé qua xem tin tức này nọ. Nhưng nói thật, không ngày nào là không có tin. Tôi cũng thấy phục mấy nhà báo, họ kiếm đâu là ra nhiều tin thế, đến mức ngày nào cũng có vụ này vụ nọ. Tôi nói là “vụ” vì thật ra tất cả những điều tôi đọc được trên báo đều là “vụ”. Không vụ án này cũng vụ án nọ, không cướp của giết người cũng phanh phui tham nhũng, lừa gạt… Không thấy đăng những sáng kiến khoa học trong nước, nếu có mục khoa học thì cũng đăng lại mấy bài từ những báo nước ngoài. Lướt qua từ Kinh tế, Giáo dục, Sức Khỏe… thấy bi quan quá chừng. Tôi tự hỏi chẳng lẽ xã hội ta ngày ngày chỉ diễn ra toàn những “vụ” như thế? Riết tôi không muốn xem nữa. Mấy người bạn tôi biết được khuyên rằng càng như thế càng phải xem, xem để biết mà đề phòng. Dạo này xã hội nhiều bất ổn, nhiều tệ nạn quá, nên ta phải xem để có kinh nghiệm, biết mà tránh. Thật, nếu như thế thì tìm đâu ra sự thanh thản trong cuộc sống. Nếu mỗi sáng bạn bước ra đường mà cứ nhìn trước nhìn sau coi có ai theo dõi hay rình rập mình để cướp giật, hãm hiếp hay gì đó thì thật có muốn ra đường không? Thì ra mỗi ngày đọc báo không phải để học tập thêm điều gì mà chỉ là giúp mình biết cách mặc thêm nhiều lớp áo tránh đạn, nếu không thì sự vô tư sẽ giết chết bạn lúc nào không hay biết. Hoặc nếu có biết thì lúc đó cũng ở thế giới khác rồi. Lúc đó nếu có hỏi, Diêm Vương bảo ai kêu không chịu đọc báo chết ráng chịu thì cũng bó tay!!
Lần này từ miền Tây về, việc đầu tiên, theo thói quen mới tập là …. xem báo. Bây giờ đọc báo cũng không khó khăn mấy. Không cần phải ra sạp báo mua mới có đọc, chỉ cần lên mạng là báo gì cũng có. Xôn xao nhất mấy ngày qua trên báo Tuổi Trẻ là “vụ” “dàn cảnh để cướp giật trên đường”. Đọc xong mới biết hình như mình cũng từng thấy những việc tương tự thế mà có khi không hay. Thế mới thấy cái kinh nghiệm sống và quan sát của mình cũng đáng kể thật. Nhiều khi ngồi uống nước đâu đó ở những quán ven đường thấy có những vụ va quẹt tưởng là sơ sơ, cũng lấn cấn vài giây, sau đó bỏ đi. Biết đâu có không phải là những vụ dàn cảnh tương tự? Sau mấy vụ như thế càng làm mình suy nghĩ nhiều hơn. Sao cái Sài Gòn đất hẹp người đông này có lắm vụ thế không biết. Chưa thôi đau đầu về việc dân mình thích “hôi của” trong những vụ tai nạn thì thêm vụ dàn cảnh tai nạn để lấy của… Thật! Không biết nói sao! Chẳng lẽ con người mình dạo này xấu đến thế sao? Ngày xưa người ta hay nói “Con ơi nhớ lấy câu này/ Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”. Nhưng ngày nay, qua những việc thế này, thật không thể phân biệt nổi đâu là cướp đêm đâu là cướp ngày, không biết ai quan ai giặc nữa…
N.H