Nguyên Hậu
“Dừa xanh ấm tiếng chim gù
Nắng say hương
lúa vi vu gió ngàn
Ruộng khô thơm gốc rạ vàng
Đường thơm bụi
cuốn nối hàng trâu đi
Ven sông dừa nước xanh rì
Đò ngang tấp
nập người đi chợ về”
(Vào xuân - Thanh Chi)
Đọc những dòng thơ trên, nếu không
biết bối cảnh, rất nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ tới những câu thơ từ thời
thanh bình xa xưa của thế kỷ trước. Cái thanh bình ấy tưởng như chỉ còn những
câu ca dao, những câu hát dân ca ngọt lịm lòng người thì nay vẫn còn vẹn trong
những cung bậc thơ đồng bằng.
Hầu hết các nhà thơ nơi đây đều lấy
thiên nhiên sông nước hay những cảnh vật đồng bằng để gợi hứng cho sáng tác của
mình. Có lẽ không ai gắn bó với thiên nhiên bằng người nông dân quanh năm quẩn
quanh bên đồng lúa, dòng sông. Chính vì vậy mà tất cả đã đi vào ký ức một cách
tự nhiên, bất chợt một cơn gió lạ thoảng qua cũng có thể đánh thức dậy bao giấc
mơ lòng. Nếu cuộc sống nghĩa tình miền
quê được lý giải bằng dấu ấn lịch sử vùng đất thì cảm hứng bắt nguồn từ thiên
nhiên sông nước đồng bằng lại được nhìn nhận trên điều kiện đời sống của người
dân nơi đây. Như đã nói ở phần mở đầu, các thi sĩ nơi đây phần lớn xuất thân từ
những người nông dân trực tiếp canh tác trên những mảnh ruộng, khu vườn hoặc có
đời sống rất gần gũi với điều đó. Nói như Huỳnh Thúy Kiều trong tập thơ của
mình, tất cả họ như mang trong mình một món nợ, cái nợ ân tình biết bao giờ đền
trả hết: Mắc nợ đồng bằng! Chính vì
vậy mà dù có đi đâu về đâu, dù điều kiện sống có đổi thay, vật chất có tiện
nghi, những con người nơi ấy vẫn không sao xóa nhòa dấu ấn của “đất” từng là
nơi chôn nhau cắt rốn.
Đọc thơ đồng bằng để thả hồn vào
thiên nhiên sông nước, bao nhiêu cảnh là bấy nhiêu tình mà các thi sĩ đồng bằng
gởi vào sáng tác của mình. Nếu những ai chưa từng đến đồng bằng, không thấu
hiểu đời sống cũng như văn hóa chốn miệt vườn sẽ cảm thấy không thích những câu
thơ mượt mà, dễ dãi trong cảm xúc như thế. Nhưng biết làm sao, khi tất cả họ
đều tắm mình trên dòng nước mang tên Cửu Long, từng ăn hạt gạo của cây lúa mọc
trên mảnh đất đồng bằng, từng sống và chống chọi với thiên tai bão dữ để bảo vệ
cuộc sống vừa ươm. Cái làm mình day dứt nhất chính là cái mình mang ơn nhiều
nhất. Cánh đồng, ruộng lúa, dòng sông, bông điên điển, nhánh lục bình tím biếc
trôi miên man trên sông nước Cửu Long, hay vầng trăng những đêm mùa gặt, cả làn
khói đốt đồng mà ai “lỡ” sinh trên mảnh đất đồng bằng đều xem là hơi thở từ
thuở ấu thơ… Xóa làm sao được tất cả những thứ đã thuộc về miền nhớ, là ký ức?
Nhìn chiếc lá rơi cũng đủ thức dậy bao nhiêu khoảng trời yêu thương, man mác
với cội nguồn:
“Lá rơi thương nhớ cội nguồn
Cánh hoa hé nhụy sau vườn nhà ai”
(Lối về - Lê Hoàng Dũng)
Trên khắp đất
nước Việt Nam có lẽ không nơi nào mật độ sông ngòi chằng chịt như miền Tây Nam
bộ. Điều đó đã trở thành dấu ấn, đi vào nếp sinh hoạt, nếp cảm, nếp nghĩ của
người dân ở đây. Ai lớn lên mà không từng cất giữ cho mình chút kỷ niệm nơi bến
sông nếu đó là quê hương của mình. Tế Hanh đã từng tự hào về con sông “xanh
biếc” của dãy đất miền Trung, còn Hoài Vũ gởi gắm bao ký ức trên dòng Vàm Cỏ
“biêng biếc” thân thương… Không riêng gì Tế Hanh, Hoài Vũ, nhiều thi nhân nơi
đây cũng có những tình cảm như thế. Con sông trở thành nguồn cội, chảy dọc
trongmiền nhớ của thi nhân:
“Quê hương tôi đâu chỉ có dòng sông
Sông Cái, sông Con … tôi biết từ thuở nhỏ
Xanh trong lắm là nước sông Vàm Cỏ
Trăm bến neo xuồng mộc mạc bến quê
Nơi bến sông người đợi người về
Người tiễn người đi, người trao duyên ý
Người hò hẹn… đã qua hàng thế kỷ
Lặng lẽ bến bờ… lặng lẽ nước sông trôi…”
(Bến sông quê – Nguyễn Thị Tuyết Mai)
Gắn bó với thiên nhiên nên một hạt
nắng, giọt mưa đối với họ cũng gợi lên bao xúc cảm trong lòng:
“Bất
giác trong tôi chút buồn man mác
Lâu lắm rồi mới ngắm được mưa quê”
(Mưa quê – Phạm Hoàng Nguyên)
Miền Tây luôn đi cùng với những hình
ảnh đặc biệt tạo thành giá trị tinh thần đậm chất sông nước miệt vườn. Nhiều
khi chỉ dòng kinh nhỏ, chiếc cầu tre bắc ngang gợn lên giọng hò xa vẳng cũng
lay động lòng người:
“Dòng
kinh nhỏ, chiếc cầu tre thầm lặng
Giọng hò ơ nghe xao xuyến lòng
người”
(Nhớ Chợ Mới - Huỳnh Văn Phan)
Thương sao cái “tâm sự” rất đỗi giản
dị mà mỗi lần đọc lên nghe như có khói trong lòng:
“Hơi thở
tôi mang bùn đất quê nghèo
Nuôi khôn lớn từ tán bần, nhánh ổi
Rặng trâm bầu/ Rứt lòng bổi hổi
Dòng sông thơ chảy dọc tháng năm dài”
(Hơi thở tôi mang mùi bùn đất – Huỳnh
Thúy Kiều)
Nguyên nhân ấy cũng thật giản đơn mà
mỗi đứa con quê không ai rũ bỏ cho dành: “Nợ
cả đời ta ngọn khói bếp len chiều…”. Có lẽ vì vậy mà dòng sông, bến nước,
con đò, cánh bướm tuổi thơ, chiếc roi tre thuở nhỏ luôn ám ảnh trong nhiều vần
thơ của các tác giả đồng bằng và ám ảnh mãi người đọc:
“Bìm bịp kêu gọi nước lên
Hồn tôi con
sóng phiêu linh tràn về
Phồn hoa lạc
bước mải mê
May sao còn có
chốn quê đi về”
(Chốn quê - Võ Thanh Phong)
Để rồi cho dù điều kiện sống có đổi
thay, những gì là quê hương xứ sở vẫn còn mãi trong tâm hồn:
“Ai
đốt đồng chiều để khói bâng khuâng
Cậu bé thơ trở thành người kẻ chợ
Khói và đất đượm tình dân dã
Trên cánh đồng mưa nắng tình thân”