Nguyên Hậu
Mảnh đất Nam bộ từ khi hình thành đến nay đã hơn 400 năm với biết bao thăng trầm của lịch sử, chưa kể phải gánh chịu thảm họa của tự nhiên nhưng con người vẫn bám trụ, vẫn nương dựa vào nhau để cải thiện đời sống, xây dựng một phương Nam xanh tươi, trù phú. Cùng nằm trong dãy đất miền Nam nhưng miền Tây Nam bộ lại có điều kiện tương đối đặc biệt. Một dãy đất đồng bằng phù sa màu mỡ, quanh năm hai mùa mưa nắng, sông ngòi chằng chịt mang lại cho con người rất nhiều ưu đãi từ tự nhiên. Có lẽ vì vậy mà từ khi khai hoang mở cõi đến nay, trải qua bao nhiêu thăng trầm, người dân miền sông nước vẫn bám trụ mảnh đất này và xem đó là quê hương của mình. Nói là vậy, chứ tận trong sâu thẳm cội nguồn vẫn còn thương lắm câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ khi lần đầu tiên đặt chân trên mảnh đất phương Nam:
“Từ lúc mang gươm đi mở
cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Dù
trải qua bao đời, dấu ấn mở cõi dường như vẫn còn hiện diện trong tâm thức bao
người con phương ấy. Bởi vậy, nói đến thơ ca đồng bằng, đó có lẽ là cảm hứng
đầu tiên không bao giờ vơi cạn trong tâm thức thi nhân. Làm sao quên được cái
thuở gian nan, khổ cực mà cha ông ta đã trải qua. Ngày nay đọc lại những câu
thơ vẫn thấy rùng rợn trước bao gian nan thuở trước:
“Rắn thành tinh khè lửa
Sấu thành tinh đội đèn
Vẹt muỗi mòng đĩa vắt
Tiếng
độc huyền vút lên
…
Máu mổ hôi thánh thót
Đất lạ đã thành quê
Mênh mang thời mở
cõi
Ai “dạ cổ hoài lang”?”
(Khúc
tình phương Nam – Trần Ngọc Hưởng)
Tình
nghĩa quê hương đã đi vào tâm khảm, thấm vào máu và nước mắt, thế nhưng tận
trong sâu thẳm những người dân nơi đó vẫn không sao phai nhòa được mặc cảm lưu
dân. Vũ Hồng từng có đôi câu tuyệt bút về nỗi niềm ấy:
“Người phương Nam say
thì say trọn
Người phương Nam buồn thì buồn sâu
Nỗi nhớ cố hương còn chếch
choáng
Văng vẳng ầu ơ giọng ví dầu”
(Người phương Nam - Vũ Hồng)
Thương làm sao cái “say
trọn”, cái “buồn sâu” da diết đó. Thế mới biết người phương Nam nặng nghĩa nặng
tình thế nào. Cái “say” không làm cho người quên đi nguồn gốc, cái “buồn” không
làm cho người ta sầu chí ly quê. Tận cùng trong sâu thẳm, họ vẫn nuôi dưỡng cái
“sầu” bất tận để nhắn nhủ với nhau sống sao cho có nghĩa có tình.
Đến
với kho tàng thơ ca đồng bằng, thật không gì ấn tượng hơn khí chất con người
nơi đây. Nếu ai chưa một lần đặt chân tới mảnh đất miền Tây, đọc thơ ca đương
đại đồng bằng cũng phần nào hiểu được cuộc sống đó:
“Ở đây đất rộng người đông lắm
Những mái nhà
lợp lá đơn sơ
Những tâm hồn nhỏ hiền như thóc
Từng ấy yêu thương rất mặn nồng”
(Vùng đất yêu
thương – Phan Trọng Hiền)
Tự
nhiên có tác động rất lớn tới việc hình thành bản chất của con người. Trong
những ngày đầu tiên đặt chân đến miền xa lạ, trong gian khó hiểm nguy, họ -
những người lưu dân vốn không quen biết gì nhau đã nương dựa vào nhau lập nên
cái ấp, cái làng. Trong điều kiện như thế, không gì cần thiết hơn là phải gắn
bó, yêu thương nhau để sinh cơ lập nghiệp. Lâu dần, điều đó đã trở thành tính
cách, khí chất của người dân Nam bộ. Cái thoải mái, phóng khoáng, nghĩa hiệp
của anh chàng Lục Vân Tiên trong truyện cụ Đồ Chiểu có lẽ cũng được dưỡng nuôi
trong bầu không khí và văn hóa ứng xử như thế. Với họ không gì quý hơn tình
nghĩa giữa con người với nhau. Trong gian khó hiểm nguy vẫn giữ cho mình sự
trong sáng, nghĩa tình không hơn thua tính toán.
Đọc thơ đồng
bằng, thật không khỏi xót xa với cái cảnh mênh mông trời nước vẫn thường xuyên
diễn ra khi nước lũ tràn về. Mỗi lúc như thế, cuộc sống sẽ vô cùng vất vả,
nhưng người dân vẫn rất thương yêu nhau, san sẻ cho nhau những “nụ cười nguyên
vẹn” trên mảnh đất tình người:
“Chợ mùa lũ kẻ bán, người mua chỉ đứng không
ngồi
Riêng nụ cười nguyên vẹn
Bao tính toán bon chen
Cuốn trôi theo dòng nước”
(Chợ quê mùa lũ – Ngọc Lộc)
Đến
cả góc chợ quê cũng neo giữ trong đó biết mấy thân thương, tình làng nghĩa xóm
đậm đà. Về miền Tây, mỗi nơi dù phố hay quê đều có khoảng không gian dành cho
chợ. Nhưng chợ quê nơi đây không bị vây chật hẹp trong tường vách lồng chợ hay
siêu thị theo kiểu thành phố. Chợ quê lồng lộng gió và mây trời như tâm hồn
người đồng bằng luôn luôn rộng mở. Góc chợ nhỏ ở vùng quê xa chỉ có mớ rau, vài
ba con cá, bán mua với nhau cũng bằng cái nghĩa, cái tình.
Người
phương Nam là vậy, đã say thì “say trọn” đã buồn thì “buồn sâu”. Càng yêu quê
bao nhiêu, lúc rời xa lại càng thêm da diết. Lúc đó, có một lời thơ cất lên sẽ
làm vơi bớt nỗi tình nơi xứ lạ quê người. Trịnh Bửu Hoài với Quê
xa đem cảnh lưu lạc trắng tay ở quê người gởi vào thơ như giấc mơ của
miền xa thẳm:
“Ta lưu lạc hai bàn tay
trắng
Nhớ quê hiu hắt những vần thơ”
(Quê xa - Trịnh Bửu Hoài)
Cuộc
sống thấm đượm tình nghĩa trong thơ của các tác giả miền Tây Nam Bộ còn được gợi
hứng ở những trang viết về tình yêu, tình bạn. Tình đồng bằng khi nhẹ nhàng,
ngọt ngào dịu êm như phù sa lặng lờ trôi, khi man mác buồn vì day dứt với
người, trắc trở với đời. Thơ khởi phát từ tình cảm con người, chính vì vậy mà
cái gì đằm sâu trong cảm xúc thật khó thể giấu che. Tình yêu, tình bạn, tình
bằng hữu, tình xóm làng… tất cả luôn đong đầy trong từng trang thơ, từng hơi
thở của thi nhân. Tình yêu ấy có chút
gì mặn mà, đằm thắm như cái khói đốt đồng những buổi chiều quê chứ không bộc lộ
một cách mãnh liệt hay xô bồ như chốn thị thành. Thương làm sao cái rụt rè “thò
tay bứt một cọng ngò” ngày xưa giờ trở thành cái “chín nhớ mười mong” của chàng
trai quê chất phác mà nặng nghĩa nặng tình:
“Chiều nay chín nhớ mười mong
Lo sương thấm
áo, lo giông đau đầu
Nửa đêm lá đổ lao xao
Lo em về muộn… mưa ngâu lạnh lòng”
(Nhớ - Huỳnh Công Trần Hải)
Không
chỉ trong tình yêu, tình bằng hữu nơi đây cũng thắm thiết làm sao. Đối đãi với
bạn đã khuất bằng tình tri kỉ, xử sự với bạn còn sống bằng nghĩa tri âm. Những
người dân miền sông nước Tây Nam bộ luôn rộng mở tấm lòng hiếu khách, đón người
đến thăm đồng bằng với tấm lòng mênh mang sông nước, bằng tính cách “xả láng”
của người miền Tây:
“Mùa lúa xong rồi ta
nhắn bạn về chơi
Ngồi nhấp nháp cùng nhau ly rượu nếp
Khô cá lóc vùi rơm còn
thơm mùi lúa nếp
Trái bưởi non dĩa muối ớt đủ rồi
(Nhắn bạn - Nguyên Vũ)
Chỉ
một lời “nhắn bạn” rất thật của Nguyên Vũ thôi đủ làm say lòng bao bước chân du
lãng. Cần gì rượu nếp với khô cá ngon lành, cần gì cao lương mỹ vị, chỉ cần bưởi
non hay muối ớt cũng đủ “xả láng” tình người. Người miền sông nước là vậy, kênh
rạch thì chằng chịt, nhiều lối nhiều ngã mà lòng người lại rộng mở và chỉ có
lối duy nhất dành cho sự yêu thương:
“Hãy cho nhau bằng nụ
cười ánh mắt
Sống với nhau bình đẳng chuyện đời thường
Hãy nhìn nhau bằng cái
nhìn tình tự
Để trái tim còn ngọt vị yêu thương”.
Lời
nhắn gởi thân thương mà chất chứa biết bao nghĩa tình. Cũng không phải chỉ hàng
xóm láng giềng mà với tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam, sông nước miền
Tây vẫn luôn dang rộng cánh tay đón chào. Phải chăng vì thế mà ca dao xưa có
câu:
“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi
đến đó lòng không muốn về”!
6.2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.