“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Nhân đọc tùy bút "Quê hương tôi" của Tràng Thiên




Vết thương của thời gian
Nguyên Hậu

Trải  qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(Nguyễn Du)

Đọc tập tùy bút “Quê hương tôi” của tác giả Tràng Thiên tôi cảm nhận được sự hồn nhiên, tinh tế trong những cái gọi là vốn quý của dân tộc nhưng vẫn chen lẫn chút bùi ngùi. Một Sài Gòn của thời chiến tranh, loạn lạc lại tồn tại những dấu hiệu của sự văn minh, phát triển, của sự tiếp đón những luồng gió mới, và điều đó là cho Sài Gòn văn minh hơn. Để rồi hơn 40 năm sau, những lớp hậu sanh như chúng tôi khi lớn lên đã bắt gặp lại những thay đổi đó lại nghiễm nhiên tiếp nhận như món tài sản quý báu của thời đại mình. Lớp chúng tôi, những công dân được sinh ra vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, nên phần tiếp nhận và trưởng thành, nói một cách tự hào là của thế kỷ XXI. Vậy mà sau khi đọc những bài viết của tác giả Tràng Thiên, tôi không còn giữ được sự tin tưởng của mình nữa, ngược lại, có chút suy tư. 

Đọc lời giới thiệu tùy bút “Quê hương tôi” gồm tập Đất nước quê hương in năm 1973 và một số tùy bút khác cùng loại, đâu đó trong tôi đang chuẩn bị tiếp nhận những điều của quá khứ, giống như một món đồ cổ, trịnh trọng và tôn quý. Vậy mà từng trang sách lật qua, tôi đã đi từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những điều tác giả  chia sẻ qua lăng kính cách đây gần nửa thế kỷ với tôi lại mới mẻ vô cùng.

Còn nhớ, hồi nhỏ, khoảng 6,7 tuổi gì đó, lúc đó là những năm 1995, 1996, thỉnh thoảng trong  xóm tôi hay có những người đàn bà đi bán nước mắm. Mỗi lần đi qua xóm, họ gánh theo khoảng vài chục lít, rồi cả xóm cùng xúm lại thử nước mắm, mỗi người một kiểu, mỗi người chọn cho mình một loại, tùy theo khẩu vị và giá cả mà mua trữ trong nhà, mỗi lần chừng 10 lít. Cách đây vài năm, trong dịp tân trang lại gian nhà bếp, mẹ tôi đã mang cái can đựng nước mắm cũ kỹ đó - đã chuyển sang màu nâu sậm ra cất vào nhà kho. Mặc dầu không dùng đã lâu nhưng cái chất của nước mắm đã ngấm vào và ở mãi trong lớp vỏ bình và cái nút bằng cây (ba tôi đẽo rất vừa vặn – để nước mắm không bay hơi), lúc mở nắp ra vẫn còn ngửi thấy cái mùi nồng nồng, ngai ngái của nước mắm, không thể quên. Nhưng đó là thời chị em tôi thường nói: năm 19… hồi đó. Chứ từ sau khi bước qua mốc năm 2000, dường như mọi thứ cũng theo đó mà đổi thay. Trong ý thức cũng như ký ức của mình, thế kỷ XXI là cột mốc đánh dấu sự văn minh của đất nước và xã hội. Nó theo vào mỗi nếp nhà, theo cái cung cách sinh hoạt và lối sống của mỗi cá nhân, cả cộng đồng, mà đổi thay nhiều nhất là những vật dụng phục vụ cho sinh hoạt ăn uống của con người. Với cách đong chế nước mắm như hiện nay, trong xóm không còn những người đàn bà bán nước mắm dạo. Những cái phễu, cái can to khoảng 20 lít đựng dầu hôi hay nước mắm (mỗi khi muốn dùng thì chiết ra một cái chai khác cho tiện) được cất yên vào dĩ vãng. Đến các loại gia vị nêm nếm như muối, đường, bột ngọt (nay thay bằng các phụ gia pha chế sẵn) cũng trở nên tinh tế, giản tiện hơn. Đặc biệt người tiêu dùng ngày nay thường chú ý đến nhu cầu sức khỏe nên mọi thứ đều căn cứ trên độ kiểm định chất lượng, chiếu theo kết quả nghiên cứu, thống kê của các nhà khoa học mà cung cấp vào cơ thể. Nói như tác giả Tràng Thiên từ góc nhìn của một xã hội phát triển cách đây 40 năm thì:  “Muốn thẩm định cho đúng giá trị chân chính của một giọt nước mắm ngon cũng như của giọt rượu trong thiên truyện nọ… không thể dùng thứ máy móc tinh vi nào được cả. Chỉ có thể lấy cái lưỡi của một thiên tài làm chuẩn. Nước mắm cũng như rượu, cũng lại như trà vậy.” Để rồi “Tôi sững sờ, nghệch người ra. Con người quê kệch tha hồ trải qua bao nhiêu cảnh vật đổi sao dời của thời đại vẫn không hề tưởng tượng rằng cái món nước mắm gần gũi hàng ngày đã trải qua những biến thiên ghê gớm như thế. Bây giờ bậc thang giá trị của nước mắm được quy định căn cứ trên chất đạm. Bây giờ không còn thứ nước thơm hơn thơm kém, thứ nước có hậu và không có hậu… chỉ có những thứ nước bảy chất, tám chất, mười chất, mười ba chất… Mỗi “chất” là một phần trăm chất đạm: đưa chuyên viên phân tích xong, căn cứ vào giá biểu xem mỗi “chất” giá bao nhiêu, làm một bài toán nhân. Thế là xong. Việc gì có chuyện nếm với ngửi trong đó? … Thành thử lúc này ăn mắm mà khen chê ngon dở, phân biệt mùi vị… lại hóa ra là một sự lẩm cẩm lạc hậu, già nua, lỗi thời, lại lộ cái chân tướng của thế hệ tiền chiến, không theo kịp con người “hôm nay”. (Ăn uống sự thường - 1972). Cái cảm thán của tác giả cách đây 40 năm sao giống với tâm trạng của bao lớp người hôm nay quá chừng, nếu ai đó cũng có chút hoài niệm như tác giả.

Không chỉ nước mắm, đến muối cũng không còn dùng loại muối hầm như ngày xưa mà nhất quán thay bằng muối iôt, đường thì thay từ đường tán (loại đường cất từ mật mía rồi để nguyên khối, màu vàng sậm, vị ngọt thanh nhưng không đậm bằng đường cát hiện nay), đường cát vàng rồi đến đường cát trắng, rồi đường cát trắng tinh luyện… Thật ra có những món đến thời văn minh, thay đổi theo hướng có lợi cho sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng cũng có những thay đổi theo thị hiếu nhất thời mà bỏ qua những tiêu chuẩn về sức khỏe. Nói như vậy để thấy không hẳn cứ thay đổi là sẽ hơn, cứ đẹp là sẽ tốt.

Trong vô số thay đổi của cuộc sống hiện tại, điều khiến ta dễ nhận ra nhất chính là nhu cầu ăn và mặc. Giống như hành trình của chén nước mắm ngày xưa, tà áo dài cũng vậy. Theo ký ức tuổi thơ tôi, áo dài là một trang phục rất trang nghiêm, đặc biệt. Đối với những gia đình thuộc tầng lớp nông dân miền Nam ngày trước, chiếc áo dài chỉ xuất hiện trong những dịp lễ lạc, đình đám, cưới hỏi, ma chay… Và hình thức của chiếc áo dài cũng không gì khác ngoài những thể thức đã được quy định hồi mới ra đời. Hai tà chỉ tới gối (không dài tới chân hoặc quá cao như bây giờ), những đường eo uốn lượn cũng không được chít quá khít khao. Nói tà áo dài tôn vinh vóc dáng người Việt, theo tôi chỉ đúng với những đường nét đã được chỉnh trang sau này, chứ áo dài ngày trước cũng không tôn lắm. Chỉ thấy đó là một loại trang phục kín đáo (ngày trước trai hay gái mặc áo dài thường có hai lớp, nếu đàn ông thì dễ chừng tới 3 lớp: một lớp áo may theo cách áo bà ba, màu trắng thường mặc trong cùng, tới lớp áo dài, rồi cuối cùng thêm một lớp áo dài vạt mỏng bên ngoài). Những bộ áo loại này tôi thường thấy ông bà nội tôi mặc, rồi đến thời mẹ tôi cũng còn duy trì. Hiện tại trong tủ áo gia đình, mẹ vẫn còn giữ lại như chút kỷ niệm, không hẳn chỉ là kỷ niệm của một thời thanh xuân mà còn là ký ức văn hóa của gia đình, dòng họ. 

Đến thời chị tôi là nữ sinh (hồi đó các nữ sinh mặc áo dài từ hồi lớp 6) lúc đó khoảng 1992, chiếc áo dài cũng không khác gì cho mấy. Đa số các chị đều mặc loại áo dài không chít hông, và chỉ mặc với quần đen. Đến khoảng 1995 trở đi mới có mốt mặc áo dài may khít vào người, tà dài hơn gối một chút và mặc với quần trắng. Vậy mà trong tùy bút viết năm 1972, tác giả Tràng Thiên đã ghi nhận rằng: “Thế rồi đột nhiên gần đây hàng loạt kiểu mới được tung ra, áo dài cổ sơ – mi, áo dài xẻ vạt trước, vạt sau, áo dài cài nút giữa ngực, áo dài với cái đai trước bụng, áo dài sát nách, áo dài lên đầu gối, áo dài hở lưng… (Lại chiếc áo dài - 1972). Mà đất Thủ quê tôi hình như cũng không xa Sài Gòn là mấy. Vậy thì không hiểu từ thời tác giả Tràng Thiên viết tập bút ký (xuất bản năm 1973), đến thời tôi nói, những tà áo dài loại đó tồn tại ở đâu hay chỉ là quá khứ trong ký ức những người từng sống ở Sài Gòn cách đó mấy mươi năm?

Cũng như cung cách sống độc lập như một số nơi hiện nay thật ra cũng không khác mấy với cách cảm thán của tác giả trong bài viết “ Cái rét đô thị”: “Thiên hạ trầm trồ trước những sự lạ ngoạn mục như đổ bộ nguyệt cầu. Có biết đâu rằng quanh mình vẫn đang diễn ra  những sự lạ còn quan trọng hơn , vì có quan hệ thân thiết với đời sống con người: chẳng hạn cái chết cóng vì cô đơn. Trong lịch sử quả đất có những thời kỳ băng giá làm chết loài khổng tượng. Phải chăng đến đây là thời kỳ băng giá làm chết loài người?”.

Thật ra, cuộc sống đôi lúc có những ngỡ ngàng khiến ta gật gù thích thú vì đã khám phá ra điều gì lý thú, nhưng cũng có những ngỡ ngàng pha lẫn dư vị của sự xót xa. Với những người thuộc thế hệ chúng tôi, nếu không chịu khó tìm hiểu hoặc có những bắt gặp thú vị từ những bài viết của các vị tiền bối, chắc hẳn chúng tôi sẽ còn mang mãi niềm từ hào đến ngây thơ này. Vậy thì thử hỏi sự tự hào từ trước tới giờ có thỏa đáng không, hay có lúc phải tự đặt mình trong vị thế của những người thuộc thế hệ trước và thế hệ sau để suy nghĩ lại? Tôi lại nghĩ, có lẽ suy tư nhiều nhất vẫn là lớp người trót sinh ra làm cầu nối giữa hai thế hệ. Liệu rằng còn điều gì có khả năng làm liền lại vết thương vô tình bị chặt đứt mấy mươi năm ấy hay chỉ có thể là chút suy tư của tác giả trong tập tùy bút này? Thiết nghĩ việc nhà xuất bản cho in lại tập tùy bút này cũng không hẳn không mang lại ý nghĩa.

9.2012



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...