Nguyên
Hậu
1.
Hồi ức và cảm xúc về chiến tranh
Chiến
tranh đã lùi xa vào dĩ vãng nhưng dư âm của nó còn vọng mãi trong lòng bao thế
hệ người dân Nam bộ. Với họ, chiến tranh là vết tích chưa dễ biến mất. Hơn 30
năm trôi qua nhưng đề tài liên quan đến chiến tranh vẫn là nguồn cảm hứng cho
nhiều thế hệ nhà thơ với những góc độ nhìn nhận khác nhau.
Có
điều đó bởi lẽ, nơi đây từng là căn cứ địa Cách mạng trong hai cuộc chiến tranh
vệ quốc. Long An xưa là một phần của căn cứ địa Đồng Tháp Mười, rồi Bến Tre,
quê hương nữ anh hùng Nguyễn Thị Định lãnh đạo đội quân tóc dài kiên cường dũng
cảm. Dãy đất miền Nam từng hứng chịu bao bom đạn của kẻ thù, chịu bao cuộc đàn
áp, thảm sát đẫm máu. Đất nước thanh bình nhưng tất cả những gì chiến tranh để
lại vẫn hiện diện từng ngày từng giờ trên mảnh đất quê hương và trong ký ức những
người con nơi ấy.
Hồi
ức và cảm xúc chiến tranh được thể hiện trước hết ở các bài thơ bày tỏ niềm tự
hào về vùng đất anh hùng. Bom đạn khốc liệt bao nhiêu càng làm sáng lên những
con người kiên cường ở đó bấy nhiêu:
“Vĩnh Phú ơi, Bến Tre dũng mãnh
Yêu thật nồng mà thù cũng thật sâu”
(Gửi người em gái Vĩnh
Phú - Triều Khanh).
“Bến Tre cuộn sóng căm thù
Máu xương đòi giặc đền bù máu xương
Trúc
Giang, Bình Đại, Bình Khương
… Mỏ
Cày, Thạnh Phú … uy danh lẫy lừng…”
(Bến Tre quê ngoại – Nguyễn Bá)
Bao
nhiêu năm qua rồi nhưng ký ức về chiến tranh thỉnh thoảng còn nhắc gợi trong
lòng những người từng cầm súng chiến đấu trên chiến trường năm xưa. Có cả những
ngậm ngùi:
“Con chưa về được mẹ ơi
Khi
mây đen vẫn đầy trời quê hương!
Con
đi đánh giặc mười phương
Cho vườn cau tỏa ngát hương quê mình”
(Vườn cau quê mẹ -
Nguyên Lễ).
Và có cả nỗi đau:
“Bạn nhận phần mình không trở lại
Những người còn sống nghe nhói đau
Cứ tiếc cứ thương người lính mãi…
Còn tôi ôm xác, nước mắt
trào!
(Tản mạn giữa mùa xuân - Lê Tân)
Đằng
sau những tự hào luôn có góc khuất cho nỗi niềm trầm mặc. Chiến thắng càng vinh
quang bao nhiêu thì những đánh đổi càng to lớn bấy nhiêu. Vết thương thể xác có
thể đã lành nhưng thương tổn tinh thần còn ám ảnh mãi không thôi. Còn gì đau
đớn hơn khi chứng kiến hình ảnh những người vợ xa chồng, người mẹ mất con hằng
đêm vẫn rơi thầm giọt nước mắt:
“Trong chiến tranh mẹ
mất những người con
Nỗi đau ấy vẫn oằn lên vai mẹ
Đêm bình yên mẹ vẫn ngồi lặng lẽ…”
(Vết
thương - Phạm Thị Quý).
“và thật tình cờ cho tôi nhận ra
xóm tôi vẻn vẹn hai mươi sáu ngôi nhà
có mười sáu
người đàn bà
sau chiến
tranh chồng không về nữa
có mười sáu ngọn gió giọt mưa
đêm đêm đi gõ cửa/ trong đó có nhà má tôi
có mười sáu
cuộc chiến tranh trong xóm còn âm ỉ
dù đã mười
năm giặc giã qua rồi
(Có 16 cuộc chiến tranh – Nguyễn Trọng Tín).
Vẫn còn đó – chiến tranh, âm ỉ cháy trong
lòng mười sáu người phụ nữ, mười sáu cuộc đời khi xung quanh họ chẳng còn lấy một
hạnh phúc nhỏ nhoi rất đời thường, và sẽ vẫn cháy mãi trong lòng bao thế hệ thi
nhân nơi ấy – những người từng vương dấu vết chiến tranh.
Thơ
xuất phát từ cuộc đời để trở lại với cuộc đời! Sáng tác thơ không chỉ để dàn
trải cảm xúc tâm hồn một cách chung chung mà còn nói lên bao trăn trở, khắc
khoải của con người trước những vấn đề trong cuộc sống. Bởi cuộc đời có bao giờ
hoàn toàn tốt đẹp như mong muốn của bất cứ ai? Có những mặt tốt nhưng cũng còn
lắm những khúc mắc, éo le trong đời thực. Khi cuộc sống thay đổi đến mức chóng
mặt, con người phải đối diện với vô vàn sự việc, các mối quan hệ chằng chịt tứ
phía. Thơ lúc bấy giờ là nơi gởi gắm tốt nhất thức trở của số phận, những mặt
trái mà cuộc đời mang đến cho con phận người.
Với
các nhà thơ đồng bằng, niềm trăn trở của họ rất thật, không quá sâu sắc nhưng
đủ để tạo nên nhịp đập thổn thức trước cuộc đời. Có khi là mối băn khoăn của
một đứa con nghĩ đến cội nguồn, đến giá trị truyền thống đang nhạt dần trong
hiện tại:
“Họ nghe thấy điều gì đang cựa quậy
ở bên
dưới con đường
nơi
cất giấu dấu chân bao lớp người khuất bóng
những dấu chân chồng lên nhau vẫn ngày đêm rậm
rịch đi về phía khát vọng” (Đường về
- Kim Ba)
Có
những điều trớ trêu, ngang trái vẫn bày ra trong xã hội, để rồi đến lúc nhận ra
ta không khỏi ngỡ ngàng. Thi nhân đồng bằng ngày càng tỏ ra nhạy cảm và quan tâm
hơn đến những vấn đề như thế:
“Cuối cùng hoa trắng là hạt đen
Cuối
cùng trái ngọt là vị đắng”
(Cà phê – Hồ Thanh
Điền).
Cuộc
sống không bao giờ chỉ toàn những niềm vui.
Cũng còn đó những mất mát khó gọi tên, những chua chát được Hoài Tường
Phong nói lên một cách ngậm ngùi:
“Xóm bên sông nhiều cô
gái rời quê
Về thăm
nhà xênh xang lụa là hàng hiệu
Vài căn
nhà xây đổi đời bằng những đồng tiền báo hiếu”
(Trăng
nghẹn).
Thơ
đồng bằng đã bắt nhịp, mân mê được cái đa sắc của cuộc đời, phản ánh và gợi lên
chút day dứt trở trăn dù chỉ là nhen nhóm trong lòng nhưng sẽ trở thành lực đẩy
để tác động vào cuộc sống. Hoài Tường Phong biết cách tiếp cận theo bề sâu, cụm
từ “trăng nghẹn” được ông phản ánh bằng ánh nhìn khá tinh tế và có sức lay động
lớn lao, đọc câu thơ sao cũng thấy “nghẹn” trong lòng. Từ “chưa” ở cuối bài còn
gợi lên cảm giác mong đợi, một nghĩ ngợi rất thật trước cuộc sống đang diễn ra
hàng ngày ở quê mình, không hề né tránh, giả tạo. Đó phải chăng là thiên chức
của người cầm bút?
Thi
nhân là người nhạy cảm với cái đẹp và cũng xao động với cái buồn. Như tấm kính
trong suốt, có những điều ở đời thực là bình thường với nhiều người nhưng với
thi nhân lại là hạt sạn rơi xuống đáy lòng:
“Ông lão mù hát bài hát
tha hương
Em nhỏ dắt tay cha
Tiếng hát rớt bên
đường…”
(Con
đường - Thái Hồng).
Còn
gì đớn đau hơn khi thấy cảnh: “Ruộng cắt
sang tên từng mảnh thịt” trong thơ Phạm Nguyên Thạch. Những đổi thay luôn
đi cùng hạnh phúc và mất mát. Lòng chợt đắng lại khi tận mắt chứng kiến cảnh
chia cắt mảnh hồn quê đã bao đời gắn bó. Người nông dân trọn đời “nặng nợ” với
mảnh ruộng, khoảnh vườn như đứa con của mình, nay biến dạng theo “biển dâu”
cuộc đời. Càng xót xa hơn khi đi kèm với nó là sự tan vỡ bao giá trị truyền
thống. Tình anh em máu mủ, tình vợ chồng, cha mẹ và con cái... tất cả bị xô đẩy
cuốn trôi, đảo lộn đến không ngờ. Trong lần “trở lại vườn xưa”, Trần Ngọc Hưởng
cất lời cảm thán trước cảnh “thất thổ vong gia”- đất mất đi, tình người cũng
lạt phai dù đó là tình anh em ruột thịt:
“Quê người từ buổi giạt trôi
Mơ về
vườn cũ ta ngồi ngâm nga
Đâu
ngờ “thất thổ vong gia
Anh
em trở mặt chốc là người dưng”.
(Trở lại vườn xưa
– Trần Ngọc Hưởng)
Trước cơn lốc đổi thay đầy thách thức của thời
buổi kinh tế thị trường, còn có một “bảo tàng thơ” le lói chút hy vọng gìn giữ
những điều sắp mất cũng là điều đáng quý. Nhưng đó cũng chỉ là hy vọng, lời
nhắn nhủ chân tình pha chút dễ thương như sự níu kéo nét đẹp từ lâu ăn sâu vào
tiềm thức:
“Em chớ bận lòng khi
đánh rớt sau lưng
Bộ quần áo tứ thân và cả đôi guốc vông cũ kỹ
Anh trèo lên cây đa quán dốc
Trong bảo tàng thơ anh
ngời ngời ngũ sắc nón quai thao”
(Gọi
thơ - Nguyễn Hữu Nhân).
Ai
biết sự cố níu giữ của “anh” còn tiếp tục được bao lâu. Mỗi thời đại đều có nỗi
đau riêng mình và luôn có cách để thích ứng với nó khi biết không thể thoát ly
khỏi quy luật tráo đổi mới - cũ. Trong buổi giao thời của xã hội Việt Nam đầu
thế kỉ XX, Nguyễn Bính đã từng cảm thán trước sự biến mất cái “chân quê” bao
đời: “Hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng
gió nội bay đi ít nhiều” (Chân quê).
Nhưng rồi cái mới dần chiếm lĩnh đời sống, thời gian làm chiếc phin lọc để cuối
cùng mới - cũ hòa hợp trong một xã hội, thời đại. Dù vậy, tiếng Gọi thơ từ Nguyễn Hữu Nhân vẫn là lời
nhắc nhẹ nhàng, ý vị.
Từ đó ta thấy thơ ca đồng bằng thể hiện trong hầu
hết thanh âm, cung bậc của nó, có khúc điệu mượt mà yên ả nhưng cũng có trăn
trở dằn vặt rất đời thường. Tất cả trở thành nguồn cảm hứng mời gọi và thách
thức để mỗi thi nhân chốn đồng bằng thể hiện tình cảm của mình qua những trang
thơ.
6.2011