“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Bùi Giáng - Thi sĩ tinh quái của nền thi ca Việt Nam hiện đại

Lê Minh Quốc



Về dòng tộc Bùi Giáng, ta có thể tóm tắt như sau: Cụ Bùi Thuyên có hai vợ. Sau khi cụ bà thứ nhất là con gái của Tiến sĩ Phạm Tuấn - một trong “Ngũ phụng tề phi”, sinh được 3 người con nhưng chẳng may mất sớm, cụ “đi bước nữa” với cụ bà Huỳnh Thị Hai (thời con gái tên Kiền). Với bà thứ hai, cụ Bùi Thuyên có được nhân tài Bùi Giáng. Trong gia đình, Bùi Giáng là con trai thứ 5 nên gọi “Sáu Giáng” theo cách người miền Nam. Được biết ông nội của mẹ Bùi Giáng là cụ Hoàng Văn Bảng, em ruột danh tướng Hoàng Diệu.
Bùi Giáng đã đứng một cõi riêng và tạo ra một dấu ấn kỳ lạ trong dòng văn học miền Nam từ năm 1954 đến 1975. Đừng quên rằng, trong trường văn trận bút thuở ấy, phải nói thật một điều, chiếm lĩnh văn đàn hầu hết là các cây bút miền Bắc di cư vào Nam sau khi đất nước ký hiệp định Genève. Dù khệnh khạng, khởi xướng nhiều cuộc “cách tân” trong văn chương, nhưng họ phải mở rộng cánh cửa trên các tờ báo văn hóa nghệ thuật mà họ đang nắm giữ để mời Bùi Giáng bước vào.
Đã có nhiều người viết về Bùi Giáng, xưng tụng tài năng của ông. Nhiều nhà thơ khác cũng được xưng tụng vậy, nhưng quả thật, trong mắt tôi chưa có một ai dám sống, dám sống một cách thi sĩ như Bùi Giáng. Nếu Chalot Chaplin nói rằng “Đừng sợ sống” thì Bùi Giáng là một con người như thế. Ông đã sống triền miên nửa mê nửa tỉnh trong cuộc chơi mà ông gọi là “ngày tháng ngao du”. Sống hồn nhiên, không lo toan, tính toán:
Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi
Đi lên đi xuống đã đời du côn
Khi có một con người dám đem cả cuộc đời của mình ra mà chơi, chơi hồn nhiên như mây bay gió thổi, như cỏ mọc, như đói thì ăn, như sống thì phải thở… ở cuối thế kỷ XX chỉ có thể là Bùi Giáng. Một người làm thơ nhưng không hề ý thức mình đang làm thơ, chỉ có thể là Bùi Giáng. Ở Bùi Giáng, ông chơi như một nhu cầu nội tại, không cố gắng. Ý nghĩa của cuộc chơi ở chỗ chơi là chơi, chứ không phải cố gắng chơi. Ông đã (hay thiên hạ) đã tạo cho ông quá nhiều huyền thoại, giai thoại thực hư được phủ dưới lớp sương mù của thời gian mà mỗi lần tiếp cận thì ta lại bật ra những tiếng cười có thể sảng khoái, có thể thâm trầm, ngậm ngùi thú vị….

Tôi đoan chắc rằng, trong các nhà thơ ở thế kỷ XX này, chưa một ai viết hoặc dịch nhiều sách triết học như ông; và cũng chưa ai đem thơ ra “cà rởn” bền bỉ như ông. Riêng về lãnh vực viết sách triết học và dịch thuật của Bùi tiên sinh, tôi nghĩ nôm na, muốn đánh giá lại chất lượng của nó phải là một người có trình độ học vấn uyên thâm ngang ông, phải dựa vào nguyên tác để xem ông đã dịch như thế nào, phải am hiểu triết học đó để xem ông đã “sinh sự” ra sao? Nhưng nhìn chung thấy khó. Âu đó cũng là hạnh phúc và bất hạnh của ông.
Thuở nhỏ, ông học ở trường Bảo An (Điện Bàn) sau đó ra Huế học trường Thuận Hóa. Năm 1945, khi ông học lớp Đệ Tứ, vừa kịp đậu Thành chung thì đảo chánh Nhật. Trong năm này, ông lập gia đình. Ba năm sau, vợ mất. Thời gian này ông rong ruổi khắp Nam Ngãi Bình Phú. Cũng giống như Phan Khôi, điều đáng nể Bùi Giáng còn là ở chỗ tự học. Trong đời, ông có hai lần “bỏ học”.
Lần thứ nhất, năm 1950 khi có kỳ thi Tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức (gọi đặc biệt vì đề thi từ Liên khu IV gửi vào và sau đó chấm luôn bài thi của thí sinh), Bùi Giáng đã thi đậu Tú tài II Văn chương rồi lên đường ra Liên khu IV để học. Nhưng sau khi đến Hà Tĩnh, ông lại quyết định bỏ học, quay về nhà đi… chăn dê! Trong bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ có nhiều đoạn cho ta biết ngày tháng này:
Những bận nào Trà Linh qua Đá Dừng, Hòn Dựng
Dùi Chiên về Phường Rạch ngược Khe Rinh
Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba băng rú rậm luống rùng mình
Những bận nào Quế Sơn, Rù Rì con suối ngược
Nước trôi nguồn nước lũ xuống phăng phăng
Những bận nào mịt mùng mưa gió ướt
Đẫm thân mình co rúm lạnh như băng
Lần thứ hai, năm 1952 ông thôi chăn dê ở triền núi Trung Phước, trở về Huế thi Tú tài đương đương, rồi vào Sài Gòn ghi danh Đại học văn khoa. Nhưng sau khi nhìn danh sách các vị giáo sư đáng kính sẽ dạy dỗ mình, ông quyết định… chấm dứt việc học ở trường!
Từ đây, ông bắt đầu “đóng cửa phòng văn hì hục viết”. Viết nhiều thể loại, nhưng lưu lại đời sau của ông vẫn chính là thơ, nổi trội hơn cả là thể thơ lục bát.
Trước đây, tôi đã có viết một vài cảm nhận về ông như sau:
Trưa. Nắng gắt. Từ trên đường Trương Minh Giảng một chiếc xích lô lao xuống bạt mạng, mọi người hoảng hốt nhảy tránh. Bỗng một người đàn ông ăn mặc kỳ quái - đầu đội nón lá, tay cầm gậy, còn quần áo thì vá chằng chịt đủ sắc màu rực rỡ như nhân vật Cái Bang trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung xuất hiện. Bất chấp tốc độ của chiếc xích lô đang lao xuống, ông nhảy ra chặn đầu xe. Lạ thay, chiếc xích lô dừng phắt lại. Ông ta leo lên ngồi chễm chệ và xe tiếp tục chạy giữa phố xá bụi bặm. Những người bán hàng rong, bán quán cơm bình dân, bán xăng lẻ lại xì xào: “Lại cái ông Bùi Giáng! Chiều nay, chắc số đề lại ra số ông địa nữa!”. Không biết từ bao giờ, Bùi Giáng được tặng biệt danh “ông địa” ở khu vực chân cầu có dòng nước đục ngầu rác rưởi lặng lẽ trôi... Khi chứng kiến cảnh đón xe rất giang hồ kia, tôi bỗng nhớ đến một câu thơ mà ông đã viết cách đây hơn hai mươi năm “Cộ xe nhiều anh nhảy bổng như hưu!”. Một câu thơ rất nghịch ngợm, nhưng phản ánh được tâm trạng nguy khốn của một con người không sao tương thích được với văn minh cơ khí. Thích hợp sao được khi mà Bùi Giáng đã “tự bạch” như sau: “Bùi Giáng (trung niên thi sĩ) thuở bé ham đọc thơ bỏ học về nhà chăn trâu làm thơ thật nhiều tặng chuồn chuồn và châu chấu” (Sa mạc phát tiết, NXB An Tiêm - 1969).
Bùi Giáng đó. Trong thơ ca ông là ông hoàng của thứ ngôn ngữ sang trọng, ước lệ hoặc kiểu chẻ ngôn ngữ ra làm năm làm bảy, tưởng rằng cà rỡn bông đùa nhưng ẩn tàng trong đó những triết lý thâm sâu không dễ gì đạt được nếu không phải là Bùi Giáng. Thế nhưng, trong đời sống hàng ngày, Bùi Giáng lại là người của phố xá rong chơi, bạn của những chai bia Chương Dương, Con Cọp rẻ tiền mà người đối ẩm là bất cứ ai kiếm sống bằng những nghề lương thiện.
Lần đầu tiên đến nhà riêng của Bùi Giáng, tôi đi với một người bạn. Căn phòng nhỏ trên lầu một nằm ở đường Trần Quang Diệu đón chúng tôi trong lặng lẽ. Căn phòng trống trơn, không một quyển sách, không có gì cả ngoài chiếc giường gỗ với chăn gối bừa bãi. “Thi sĩ lớn của tôi đây sao?”. Cô bạn gái của tôi hoảng hốt kêu lên. Một ông già ngồi câm lặng, ngơ ngác nhìn trời. Nắng chiều dội vào căn phòng tỏa ra hơi nóng hầm hập. Không ai nói với ai lời nào. Cổ khát đắng. Một ly nước lọc cũng không có. Bùi Giáng ngồi như người mất hồn. Cô bạn gái đột nhiên bật khóc rấm rức như đứa trẻ. Tại sao? Ngay chính cô cũng không giải thích được. Tôi đã gặp Bùi Giáng ngoài phố, trong quán nhậu nhiều lần. Những lúc đó có thể nói với ông về mọi chuyện, không có chuyện gì đối với ông là nghiêm trọng cả, ngoại trừ - vâng, ngoại trừ... thi ca. Lúc Bùi Giáng đọc thơ, tôi có cảm giác như xem một pianist cuồng nhiệt biểu diễn. Còn nhớ trong một buổi nhậu ngoài lề đường Lê Văn  Sỹ, giữa huyên náo của tiếng động cơ ầm ầm, Bùi Giáng nhất quyết rủ tôi đi tìm cho bằng được nhà phê bình X. “Phải treo cổ nó lên vì đã in thơ Xuân Diệu sai hai chữ”. Thái độ hung hăng khác hẳn thường ngày của ông đã làm tôi kinh ngạc. Thì ra, trong bài Lời kỹ nữ viết từ năm 1939 của Xuân Diệu như sau:
Người giai nhân: Bến đợi dưới cây già
Tình du khách: Thuyền qua không buộc chặt
Không hiểu sao khi bình thơ Xuân Diệu, nhà phê bình X lại viết thành: “Người giai nhân: Bóng đợi dưới trăng già”. Lúc đó không có trong tay tập Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân hoặc tập Gửi hương cho gió của Xuân Diệu để kiểm chứng lại trí nhớ của Bùi Giáng nên tôi mới hỏi: “Ông Bùi ơi! Tại sao ông quả quyết Xuân Diệu dùng chữ cây chứ không phải chữ trăng?”. Bùi Giáng liền lấy ngón tay trỏ và ngón cái khép lại thành vòng tròn. Tôi hiểu ý ông, vì trước đây ông đã từng viết: “Vì em là con gái mang một cái gì (rất lạ) ở trong người”. Ông nói tiếp: “Cái cây thì thẳng, cái vòng thì tròn mới đặt vào nhau được. Chứ đổi thành chữ trăng thì hiểu sai ý Xuân Diệu”. Đó cũng là một cách thẩm thấu thơ rất ... Bùi Giáng. Và vì vậy dù chỉ sai hai chữ song ông đã nổi khùng lên. Chữ nghĩa đối với Bùi Giáng phong phú như một người nông dân gieo hạt vung vãi trên cánh đồng. Nhưng đó là những hạt lúa chắc, nhưng do cà rỡn nên đối khi cũng lẫn vài... hạt lép! Ông làm thơ rất nhiều, rất nhanh, đặt bút xuống là thành thơ. Chữ nghĩa trong tay Bùi Giáng đã được ông sử dụng như một con cờ trong bàn cờ tướng vậy. Hỡi ôi! Làm thơ khó vậy thay! Một lần khác, Bùi Giáng đi xích lô đến tòa soạn báo Phụ Nữ TP.HCM để gửi thơ, gặp tôi, ông lấy trong cuốn tập học trò ghi chằng chịt một tờ giấy, rồi cắm cúi viết:
Một lần thấy một ra ba
Một lần thấy một mà ra bốn lần
Tôi hỏi: “Tại sao không hai lần, năm lần hoặc sáu lần mà lại bốn lần?”. Ông cười rất hồn nhiên: “Bốn lần là...”. Thơ Bùi Giáng cà rỡn vậy đó. Trong đời sống hằng ngày ông cũng là một người cà rỡn, đi đứng nghênh ngang, vui đùa hoạt náo, ai hiểu sao thì hiểu. Ai ái mộ ông, xin thơ ông, ông sẵn sàng viết tặng ngay, viết trên bất cứ cái gì có trong tay. Đi tìm ai, nếu không gặp, ông nhắn lại... bằng thơ! Có lần trong “sổ nhắn tin” của cơ quan tôi, ông viết:
Trẫm từ vô tận về đây
Tháng dài ngày ngắn năm chày chày trôi
Bỗng nhiên bất chợt rụng rời
Ngài đi xa vắng trẫm ngồi xích lô!
Tài thay, chỉ mấy câu mà đã vẽ nên một hình ảnh rất Bùi Giáng, không thể lẫn với ai. Tôi thích nhất là những lúc nhìn ông đùa giỡn với trẻ con ngoài đường phố. Những lúc đó ông hiền lành, vui nhộn, cầm gậy nhảy tít mù giữa phố xá để được đám trẻ nhỏ cười. Chính nhiều lần bắt gặp Bùi Giáng như thế nên tôi đã nghĩ khác về một câu thơ của ông. Bùi Giáng có làm một bài thơ tặng bà Thu Trang - một trí thức Việt kiều ở Pháp trong đó có câu: “Còn hai con mắt khóc người một con”. Riêng câu thơ này nhạc sĩ tài năng Trịnh Công Sơn đã phổ thành ca khúc Con mắt còn lại. Trước khi thu băng phát hành rộng rãi, tôi đã được nghe chính Trịnh Công Sơn hát tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Đêm ấy, khán giả bày tỏ nhiều cách hiểu khác nhau về một câu thơ của Bùi Giáng. Có người cho rằng Bùi Giáng khóc người phụ nữ đã có một con (Tục ngữ Việt Nam có câu: “Gái một con trông mòn con mắt”). Nhưng theo tôi, tính cách và cá tính của Bùi Giáng như vậy, thì nên hiểu rằng ôngchỉ khóc một con mắt thôi, còn một con không khóc để nhìn đời cho vui. Có gì phải khóc lóc bi thảm quá vậy - khi mà “Như Lai rỡn từ bi, Jésus Christ rỡn bác ái, Sophocle rỡn trang nhã, thâm trầm kỳ tuyệt, Kim Dung rỡn bất tuyệt v.v...”.  Còn Bùi Giáng? “Khi viết văn tôi thường đùa rỡn pha trò cũng là trong ý đó. Ý riêng vốn không ưa vui cười mà buộc lòng phải viết văn cười vui nghịch để phù hợp với tinh thần suy tư Tồn thể học” (Bùi Giáng - Tư tưởng hiện đại). Vậy đó, với Bùi Giáng, cứ tưởng tất cả là bông phèng, nghịch ngợm, bông đùa nhưng chính nó đã đặt ra bao nhiêu vấn đề nghiêm túc trong thi ca và đời sống.
Có thể nói, chẳng ai có thể hiểu trọn vẹn về Bùi Giáng. Đa số cho ông là một nhà thơ điên. Trong tập tiểu luận Ngày tháng ngao du (NXB An Tiêm- 1971), Bùi Giáng viết: “Nó điên? Nhưng điên một cách vui vẻ. Bạ đâu gọi đó là mẫu thân bát ngát của con. Có kẻ bảo rằng nó giả vờ điên, thì trước hết phải đặt câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà đó là một câu hỏi chưa hề có lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy”. Ông không điên, ông chỉ là một tâm trạng bi đát của một con người bị hồn thơ bủa vây một cách khốc liệt. Trong lời tựa Tư tưởng hiện đại của mình, Bùi Giáng viết: “Sử dụng chi ngôn ngụ ngôn trùng ngôn phản ngữ hầu mong đạt tới cõi vô ngôn trong lời”, hoặc ông tự thú một cách rất tỉnh táo: “Tôi làm thơ chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm giông bão một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu, chuồn chuồn mang trên hai đôi cánh mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu”.
Có thể xem đây là một quan niệm về sáng tác rất độc đáo của Bùi Giáng?
Thiết tưởng, trong vài ngàn trang tiểu luận về thơ và thơ của Bùi Giáng, chúng ta choáng ngợp trước những tiếng nói tỉnh táo dị thường: “Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy đuổi theo mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào để thể hội rằng lục bát Việt Nam là một cõi thi ca hoằng víễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba sông bảy hồ” (Tạp chí Văn số ra ngày 18.5.1973). Chính vì ý thức được như vậy, bằng tài năng tót vời của mình, Bùi Giáng đã trở thành một hiện tượng ngôn ngữ trong nguồn thơ lục bát. Ít có ai sử dụng từ ngữ, vần, nhịp nhuần nhuyễn, hiện đại, dân dã mà đầy tính triết học như thế trong thể thơ lục bát như Bùi Gáng. Ông không điên. Ông chỉ là một tâm trạng tuyệt vọng nhằm nỗ lực giải quyết những vấn đề tư tưởng đặt ra trong thời đại ông:
Hãy mang tôi tới bất ngờ
Giết tôi ngẫu nhĩ trong giờ ngẫu nhiên
Không ai hiểu Bùi Giáng hơn Bùi Giáng, ông đã từng hoảng hốt kêu lên: “Chán chường thi ca mà vẫn cứ làm thơ hoài là đạo vậy”. Trong “đạo thơ”, ông là một người đã “đốn ngộ”. Mọi sự lý giải đều không đứng vững trước hai câu lục bát bất tuyệt của ông:
Ông vua kỳ vĩ thập thành
Vì vui quá độ nên thành ra điên
Đơn giản vậy thôi.Vậy mà từ tập thơ đầu tay Mưa nguồn (1962) đến nay, chưa ai có thể hiểu trọn vẹn về hiện tượng Bùi Giáng trong thi ca Việt Nam hiện đại. Tôi chỉ biết chắc chắn rằng, chưa một nhà thơ Việt Nam nào tự đặt và được thiên hạ đặt cho nhiều tên trào lộng như Bùi Giáng. Có lúc ông tự nhận là: Trung niên thi sĩ, Brigitte Giáng, Brigitte Giáng Bardot, Giáng Monroe, Đười Ươi thi sĩ hoặc Bùi Bê Bối, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dui, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, v.v... Và tôi đã nghe thiên hạ gọi ông là Bùi Hiền Sĩ, Bùi Tiên Sinh, Bùi Chân Không, Bang Chủ Cái Bang, Quái Vật Linh Thiêng, Bùi Giáo Chủ, Bùi Số Dách v.v... Điều đó cho thấy ngay bản thân ông, sự tồn tại của ông cũng là một hiện tượng cà rỡn không kém.
Có thể nói, sinh thời Bùi Giáng (1926 - 7.10.1998) vẫn đi đứng giữa trần gian này một cách hồn nhiên và thong dong. Và trở thành một hiện tượng độc đáo của thi ca Việt Nam hiện đại, một nhân vật văn học đặc biệt mà dấu ấn ấy thể hiện rất rõ trong thơ của ông - nhất là lục bát. Ông đã viết nhiều thể loại, về thơ có trên 10 tập thơ như Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Đêm ngắm trăng, Như sương…; về triết học ông viết Tư tưởng hiện đại, Thế nào là siêu thực...; về dịch thuật ông đã dịch Khung cửa hẹp (André Gide), Hoàng tử bé, Cõi người ta (Saint Exupéry)...; về khảo luận ông đã viết Nhận xét về Truyện Kiều, Bà Huyện Thanh Quan, Lục Vân Tiên, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu v.v…
Mỗi lần gặp ông, bất chợt trong tâm tưởng tôi lại liên tưởng đến vài lời trong ca khúc Trịnh Công Sơn “Hãy cứ vui chơi mọi ngày, dù chiều nay không ai qua đây hỏi thăm tôi một lời... Dù ta như con đường dài vắng người”. Dù không hề tự ý thức như vậy, nhưng Bùi Giáng vẫn cứ rong chơi. Rong chơi một ngày. Một đời...
Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng,  đo là nghi tâm
(Ngày tháng ngao du)
Ta hãy nói đến đến những mối tình của Bùi Giáng. Dù không dễ dàng. Bởi lẽ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng phát biểu chính xác: “Ở cõi đời này, anh đã đến, đã sống và đã rơi vào một cơn hôn mê bất tận. Anh nói cười bằng một thứ ngôn ngữ xa lạ với thế gian và từ đó sinh ra ngộ nhận. Ngộ nhận gây nên đớn đau và cũng từ phía đớn đau ấy anh như kẻ đắm tàu mang đi cùng mình một nỗi tuyệt vọng bất khả tư nghì”.
Nhưng đó là chuyện sau này, chứ thời trai trẻ Bùi Giáng đã có lúc chưa chìm vào cơn hôn mê, ông tỉnh táo và cũng yêu và... cưới vợ. Em trai Bùi Giáng là ông Bùi Công Luân có kể lại: “Con đường tỉnh lộ, nối liền quốc lộ 1 và mỏ than Nông Sơn, đi qua làng tôi ở cây số 15 - làng Thanh Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Quãng năm 1945, khi tôi lên 6 thì anh Bùi Giáng lập gia đình, anh cỡ 19 - tất nhiên tôi còn quá nhỏ để có thể ghi nhớ được thật chắc chắn về ngày cưới; ngoài hình ảnh là những cô gái lạ áo quần màu sắc, môi son má phấn, và nhất là những đôi guốc gót cao. Sau ngày cưới anh Giáng dọn ra riêng. Bỏ xóm làng, anh đi thật xa về hướng Tây, tận vùng núi rừng. Anh đi về Trung Phước - ba mẹ tôi có một ít ruộng đất, vườn tược tại đây”. Có lẽ, đây là những ngày tháng êm đềm ít ỏi mà Bùi Giáng đã có được. Nhưng rồi, cô vợ mới cưới đã không chịu được tính nết của một người mà sau này đã viết được những dòng thơ bát ngát:
Hoàng hoa em trở lại nhà
Bến sông cố quận tên là Ngã Năm
Yên hoa nhị nguyệt đau ngầm
Trúc mai trùng cửu âm thầm trùng lai
Hoàng hoa em ở lâu dài
Mừng xuân tao ngộ trên ngày phù du
Biển dâu lớp lớp trầm phù
Hình dung máu lệ sương mù sử xanh
Em trai Bùi Giáng đã kể lại chi tiết khá thú vị: “Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau ngày cưới, người vợ trẻ phải lặn lội từ cái thung lũng ngoạn mục nhất đó, xuôi sông Thu Bồn êm đềm với ngàn dâu xanh ngắt, về nhà bố mẹ chồng ở Thanh Châu cách hàng mấy chục cây số. Trên chiếc ghe nhỏ, chàng trai nói với người vợ trẻ: “- Nếu em không đổi ý quay về, không bỏ qua chuyện cũ, thì tôi sẽ… nhảy ra khỏi đò!”. Khách xuôi đò tưởng người con trai đùa dọa người vợ mảnh dẻ. Để nguyên quần áo, ngay lập tức chàng “đem mình gieo xuống giữa dòng” sông Thu. Và bơi theo đò. Để rồi thả trôi theo dòng nước mấy chục cây số, tới tận bến nhà. Cô con dâu đứng bên bà mẹ chồng sụt sùi :
- Anh cho con ăn toàn khoai lang và rau luộc. Anh không cho con mua cá, mua thịt…
Cũng như những đôi lứa khác, sau đó họ lại làm lành với nhau. Những người trong gia tộc họ Bùi nhận xét, người vợ Bùi Giáng khá xinh đẹp, cởi mở, vui tính - nhưng rồi bà không ở lâu với người chồng:
Đùa với tuyết, rỡn với vân
Một mình nhớ mãi gái trần gian xa
Sương buổi sớm, nắng chiều tà
Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu
Năm 1948, cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước vào giai đoạn quyết liệt, gia đình Bùi Giáng tản cư về Trung Phước. Những ngày tháng này, người vợ trẻ của ông bị bệnh nặng và đột ngột qua đời. Từ đó, Bùi Giáng sống một mình, một cõi, làm thơ, viết văn như một người mộng du qua trần gian này.
Có điều, Bùi Giáng vẫn tiếp tục yêu. Ông yêu thâm trầm, tinh quái, bỡn cợt nhưng không kém dữ dội. Ngay ở trang đầu của tập thơ đầu tay Mưa nguồn ông đã trân trọng viết: “Tặng ba người con gái chiêm bao ở bờ cỏ Phi Châu” rồi yêu cả những trang quốc sắc nổi tiếng như Sophia Loren, Brigitte Bardot, Marilyn Monroe… Hầu hết những ngôi sao màn bạc này đều được ông làm thơ tặng!
Bàn chân rớt xuống con đường
Té ra nương tử là nường Lyn Rô
Thậm chí cả Cléopâtre cũng nằm trong nỗi nhớ của ông :
Biển dâu còn mất chân người
Em hoàng hậu trắng em ngồi trong sương
Em về Ai Cập yêu thương
Ra ngoài phát tiết chán chường anh hoa
Sóng ầm La Mã trào qua
Triều dâng ngập mất dấu tà xiêm xanh
Anh về nhớ suốt năm canh
Nhưng có lẽ người mà ông nhớ nhất vẫn là “cô em mọi nhỏ”, trong thơ ông từng gọi lên nhiều lần rất đằm thắm, âu yếm:
Làm sao nói được tình yêu
Từ em mọi nhỏ diễm kiều kim cương
Người đi lạc phố lầm phường
Kẻ về bối rối nghìn phương mây trời
Trong những người yêu ấy, không rõ có ai “hồi âm” lại cho ông không? Riêng nữ nghệ sĩ Kim Cương được ông gọi là “Thánh nữ thiên tài” và làm nhiều thơ ca ngợi nhan sắc. Nghệ sĩ Kim Cương có kể lại rằng, những câu thơ:
- “Làm thơ tiếp tục yêu em
Ồ Kim Cương ạ êm đềm vô song
Kể từ lịch kiếp long đong
Anh điêu tàn tới thong dong bây giờ
Đó là một trong vô số thơ Bùi Giáng đã làm cho tôi. Quả thực chưa một người nào yêu tôi và thủy chung với mối tình của mình đến thế. Cách đây bốn mươi năm, tôi được giới thiệu với một người là giáo sư ở Đức về (?): Bùi Giáng. Ông thẳng thắng đặt vấn đề muốn tiến tới hôn nhân. Tôi từ chối. Bùi Giáng nói xin cho một người cháu thay thế ông. Ông khoe cháu ông thông minh và học giỏi, hỏi tôi có bằng lòng chờ đợi cháu ông học xong không? Tôi nói phải cho tôi gặp mặt rồi mới quyết định ưng hay không. Sau đó, ông mang tới… một cậu bé 8 tuổi! Trong cái điên của ông tôi cũng học được nhiều chuyện”.
Vậy đó, trong cơn hôn mê bất tận Bùi Giáng đã yêu:
Niềm vui bất tận cứ tuôn
Xuân xanh bát ngát mười phương phập phồng
Và cho dù không được ai yêu lại, nhưng các giai nhân ấy đều kính phục và ngưỡng mộ tài năng của ông.
Nay, để khách quan hơn, không phải là người Quảng Nam đánh giá về Bùi Giáng theo cảm tính, ta hãy lấy sự nhận định, tạm gọi “chính thống” khi mà tên tuổi của ông đã được đưa vào Từ điển văn học bộ mới (NXB Thế giới - 2004):
“Thơ Bùi Giáng, ngay từ thuở đầu đã rong chơi lãng mạn, tinh nghịch, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, luôn luôn là những lời vấn đáp lẩn thẩn về ý nghĩa cuộc đời, về lẽ sinh tồn, về những chuyện phù du, dâu bể, ẩn khuất khía cạnh dục tình khép mở Xuân Hương. Bùi Giáng tái dụng lục bát trong bối cảnh mới của thời đại hiện sinh. Nguồn thơ của ông “phát tiết” trong khoảng thời gian ngắn, chỉ hai năm 1962 - 63 có tới 6 tập thơ Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Hoa trên ngàn, Bài ca quần đảo, Sa mạc trường ca. Từ 1964 trở đi, ngoài dịch thuật, Bùi Giáng hầu như chỉ viết tiểu luận, tạp văn... loại sách tuy bàn về tư tưởng nhưng có xen lẫn thơ, thơ của Bùi Giáng và của những người khác. Huyền thoại Bùi Giáng hạ bút thành thơ, thập niên 60, được xác định như một hiện tượng văn học độc đáo, cần thơ là viết ngay tại chỗ. Những hình tượng như “phố thị”, “cố quận”, “đười ươi” được Bùi Giáng phát triển thành những thực thể lang thang, mù khơi trong cõi thơ hiện sinh, đoạn trường và định mệnh. Bản chất đa mang nỗi hiện sinh hoang tưởng, như một “đạo khờ” gắn bó với “đoạn trường tái tân thanh” (chữ của Bùi Giáng), tiếp nhận Nguyễn Du như một tri mệnh văn học. Bùi Giáng tái dựng lục bát thời mới. Thân phận dâu bể của con người, nỗi hoài nghi về số kiếp, ta từ đâu lại? Ta là ai? Những trầm luân biến đổi làm sao đo, đếm, đặt tên được? Đến bản thân ta, ta còn chẳng biết nữa là?... Tính chất “bất khả tri” trong triết lý Đông phương và triết học hiện sinh gặp nhau trong thơ Bùi Giáng: Nếu trường phái hiện sinh vô thần (Sartre) bác bỏ tính chất định mệnh, thì ở Bùi Giáng định mệnh (Kiều) và hiện sinh giao hưởng với nhau thành một cấu trúc tư tưởng mới, tạo nên những vần thơ đậm dấu Đạm Tiên, hắt ra những hình ảnh siêu thực.
Từ Nguyễn Du, Bùi Giáng tạo nên một môtíp định mệnh hiện đại, có sắc màu siêu thực qua tính cách tạo hình, có chất hoang mang của con người bất khả tri về mình, về người khác, trong cuộc sinh tồn hiện hữu. Bi kịch của Bùi Giáng là ông lặp lại chính mình, ngay cả trong thơ, cho nên những hình ảnh đẹp, những tư tưởng tân kỳ, nhiều khi được sử dụng nhiều lần trở nên sáo và vô nghĩa. Dù sao chăng nữa, Bùi Giáng đã tạo được một mẫu ngông thời đại, sáng tạo một kiểu say xưa, chán đời của thế kỷ XX, khác với Nguyễn Khuyến trong thế kỷ XIX hoặc Tản Đà đầu thế kỷ XX” (T. Khuê - SĐD, từ trang 163).
Sau khi Bùi Giáng mất, người ta còn phát hiện thuở sinh thời ông có vẽ khá nhiều tranh; các di cảo của thơ của ông vẫn tiếp tục in lai rai. Khi người ta không còn trên cõi trần nữa, nhưng tác phẩm của họ vẫn đồng hành cùng thế hệ đương thời thì trong ý nghĩa tích cực nhất của đời sống này họ vẫn sống. Sống là để lại giá trị tinh thần của mình sau khi đã trở về cát bụi. Như thế, họ đã vượt qua được quy luật khắc nghiệt nhất của cái chết. Bùi Giáng là một trong nhiều, rất nhiều con người như thế. Tập thơ đầu tay Mưa nguồn in năm 1962, mãi sau ba mươi năm được tái bản, Bùi Giáng phóng bút:
Xa nhau mấy chục năm tròn
Tưởng rằng đã chết mỏi mòn đâu đâu
Té ra xa cách bao lâu
Em còn như vẫn mộng đầu đầu tiên

Nguồn: leminhquoc.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...