“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Nỗi buồn của mẹ



Nguyên Hậu
Mẹ, gần gũi đến mức không có gì đặc biệt, thậm chí nếu ai đó từ nhỏ tới lớn cứ ở nhà với mẹ thì có lúc sẽ thấy chán. Cứ nghĩ mẹ tồn tại bên ta như một điều gì hiển nhiên, nên ta không thấy buồn, không khao khát, không nhớ, không thèm. Vậy mà lúc đi xa ta vẫn hay nhớ về mẹ nhiều nhất.
Cái cảm giác đầu tiên khi tôi xa mẹ là một sự trống trải vô bờ bến, không sao diễn tả được. Nhìn đâu cũng thấy trống, lạc lõng, mông lung. Và rồi nhớ, nhớ nhiều thứ mà ngày còn ở nhà với mẹ không bao giờ thấy quý: thèm nghe giọng nói mẹ (dù có khi ở nhà, cũng giọng nói ấy, mỗi khi nghe mẹ rầy ta vẫn hay tìm một góc hay chui vô phòng để trốn); thèm thấy gương mặt mẹ, thèm thấy dáng mẹ ra vào làm gì đó, thèm ăn những món mẹ nấu (dù nhiều khi ở nhà mình cũng áp phe với ba chê mẹ nấu không ngon); thèm cái mùi da thịt thơm thơm, nồng nồng của mẹ; thèm mẹ ngồi sát trong lòng để nhổ tóc sâu (hồi nhỏ mỗi lần nhổ tóc sâu mình thường tính tiền từng sợi – đủ để mua mấy bịch ya-ourt của bà bảy mỗi lần ba chở đi học). Nói chung là nhớ, là thèm dữ lắm.
Đi xa rồi, mỗi lần nghĩ về mẹ lại thấy buồn, không hẳn là buồn vì nhớ mà buồn vì lúc đó mình mới thấm cái cảnh không có mẹ thì như thế nào. Rồi nghĩ đến thời gian, nghĩ đến cái vô thường mà ai cũng đối mặt. Đó mới là lúc thấy mình trưởng thành thật sự, cũng là lúc tới ngưỡng làm cha, làm mẹ. Nếu bình thường thương ba mẹ, hiểu bằng mười, thì khi sắp làm cha làm mẹ hoặc đã làm cha làm mẹ thì cái thương đó hiểu bằng trăm. Rồi lúc đó muốn thời gian quay trở lại để tận hưởng, để bù đắp thì không còn được nữa. Vậy nên từ đó, cảm giác về ba, về mẹ bao giờ cũng buồn. Dù cho tôi có cố gắng tranh thủ những kỳ lễ là chạy vù về nhà, được gần mẹ, rồi đòi làm giúp mẹ đủ thứ, như để bù đắp, vậy mà vẫn thấy thiếu, thấy xót trong lòng.
Thầy Thích Nhất Hạnh viết trong Bông hồng cài áo rằng nếu ai còn mẹ mà không biết yêu thương, không chịu ở gần mẹ để tận hưởng thì các anh, các chị, các em dù có thành đạt, đủ đầy cỡ nào cũng bị thiệt lớn, không có cái phúc nào lớn hơn để bù đắp được. Mình thấy thấm cái triết lý đó. Thật ra, sống trên đời nếu còn có ai đó để mình thương thì đã là hạnh phúc lắm. Cho nên có người khi cha mẹ mất rồi thì thấy bơ vơ, vì cái chỗ dựa cho anh thương, anh cất cho riêng mình không còn nữa.
Tuy không xa nhà mấy nhưng mình vẫn thuê nhà ở riêng cho tiện công việc và học hành. Rồi mỗi lần về nhà, bữa cơm nào mẹ cũng làm thật thịnh soạn. Mẹ nấu toàn những món mình thích. Tôi nói ở Sài Gòn con có thiếu món nào đâu, muốn cái gì ra tiệm cũng có. Nói vậy chứ những món tôi thích toàn là những món nhà quê, nào là rau muống ao xào tỏi, canh chua bông chuối nấu lá giang, dưa chuột muối, đọt mớp chua… Mấy cái đó nếu có ở Sài Gòn cũng toàn trong những nhà hàng sang chuyên làm món dân tộc và bán giá rất đắt nên đời nào tôi đi ăn. Với lại đó là món ruột mà chỉ mẹ nấu tôi mới thấy ngon. Những đứa con thường thích ăn mấy món chính mẹ mình nấu, nghe qua có vẻ ham ăn hơn là thương mẹ. Nhưng vì trong món ăn còn có cái hương, cái tình của mẹ. Đó còn vì hạnh phúc của mẹ là được tận tay chăm sóc đứa con của mình dù biết thế giới bên ngoài đầy đủ bao nhiêu. Mấy năm ròng ở Sài Gòn tôi chẳng xuống cân nào mà còn tăng cân, chứng tỏ đời sống cũng không mấy khắc khổ. Thế mà lần nào về nhà, mẹ cũng suýt xoa, tội nghiệp. Mẹ mong tôi về gần nhà làm việc, ở nhà của mẹ, ăn món của mẹ và để có mẹ chăm sóc lúc ốm đau. Tôi kêu mẹ đừng lo cho con, con đi xa vì không muốn thấy mẹ cực khổ vì con. Là tôi chưa hiểu hết suy nghĩ của mẹ! Rồi mẹ nói, trong mấy chị em trong nhà mẹ thương tôi nhiều nhất, không phải vì tôi xinh đẹp, giỏi giang hơn mấy chị, mà vì tôi là con út. Người mẹ thường chắt mót tuổi xuân của mình dành cho đứa con út, cho nên xem nó như một bảo vật. Hồi nhỏ tôi luôn lấy là hãnh diện về điều đó. Nhưng bây giờ lớn rồi tôi mới hiểu vì sao mẹ cứ hay ray rứt vì tôi. Đứa con út nào cũng có ít thời gian gần gũi cha mẹ hơn những anh chị của nó!
Cha mẹ nào cũng muốn nhìn thấy con mình thành gia lập thất mới yên lòng. Hồi nhỏ tôi thấy quan niệm đó sao mà quê mùa và cổ hủ quá. Giờ tôi hiểu, trên đời này cái quê mùa và cổ hủ nhất chính là tình thương. Cái gì cũng có thể bỏ, có thể đổi thay nhưng cái chất vị của tình thương thì không bao giờ thay đổi. Nhà hai chị đều có chồng, mỗi chị đều có hai bé con xinh xắn. Cả bốn đứa cháu, một tay mẹ lo tất. Giờ chỉ còn mình tôi. Mẹ chỉ sợ đến khi tôi có con thì mẹ không còn khỏe để giúp tôi chăm sóc. Và thế là tôi bị thiệt thòi nhất.
Đối với mẹ, cái danh vọng, vật chất không quan trọng, không bù đắp được cái tình mà mẹ dành cho tôi. Vậy nên, nói như thầy Nhất Hạnh, vì tôi dại nên mới không chọn ở gần mẹ. Suốt đời tôi cứ rong ruổi theo lý tưởng của mình. Ở xa, nhiều đêm không ngủ được, tôi nằm nghĩ mà thương mẹ, thấy có lỗi với mẹ vì không được ở gần chăm sóc, phụng dưỡng. Tôi có biết đâu, đó cũng là lúc ở nhà, mẹ đang nằm nghĩ, mà tội, mà thương cho đứa con út không được ở gần, để mẹ thương…
N.H

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Về miền Tây



Nguyên Hậu

Những ngày này nghe tin tức trên đài, miền Tây đã vào mùa nước nổi, tự dưng thấy thèm về đó vô cùng.
Không phải là quê hương mình nhưng lúc nào trong lòng cũng nhơ nhớ, để hễ có lúc nào rảnh rỗi lại muốn chạy vù về dưới ngay. Cũng chẳng thân ai cho đậm đà, nhưng mọi người ở dưới, dù chỉ mới quen vẫn thấy thương, thấy gần gũi tự khi nào.
Hồi còn sinh viên, khi lặn lội đi nghiên cứu đề tài về thơ đồng bằng cũng vào mùa nước nổi. Cả nhóm, bốn đứa sinh viên năm ba, chân ướt chân ráo mới bước xuống đồng bằng lần đầu tiên khi đi thực tập hồi đầu năm. Vậy mà đứa nào cũng thương miền Tây, nghe có dịp trở về là mừng hết lớn. Trong nhóm cũng có một đứa người Bến Tre, dân Bình Đại, nhưng vì là đứa dân quê ít đi đây đi đó, từ nhỏ tới lớn chỉ có biết đi từ trường về nhà, quanh quẩn trong cái xóm nhỏ ven biển. Đến lúc học đại học thì quãng đường dài nhất mà nó đi là từ nhà nó lên thành phố, đi bằng cái xe buýt, ghé ngang rước tận nhà, rồi thả xuống tận bến xe Bến Tre, xong nó lại bắt thêm một lượt xe lên Sài Gòn. Chỉ có vậy, suốt mấy năm trời học đại học, nó cũng chưa biết hết cái Bến Tre. Nên lần đầu tiên cả 4 đứa, đèo trên 2 cái xe Honda chạy xuống dưới, mặt mày hớn hở, tự tin vì trong nhóm có đứa dân miền Tây. Nào ngờ từ thành phố Bến Tre, nó dẫn về nhà nó là Bình Đại, đi chừng 30 cây số là cùng, vậy mà nó dẫn đi tít từ 5h chiều, về tới nhà nó là hơn 10 giờ đêm. Đi riết mà hỏng tới, hỏi ra thì nó nói nó hỏng biết đường, vì nó cũng không nhớ cái ông tài xế xe buýt chở nó đi đường nào, mà trong đầu thì nó chỉ biết mỗi con đường đó là dẫn về nhà nó. Ngó lại cái đồng hồ trên xe thì mới biết, nó dắt mình đi gần trăm cây số. Về nhà nó được là tôi ngã gục luôn, sau đó tỉnh dậy, thấy bình an, nằm trong nhà đàng hoàng chứ hỏng phải ngoài đường. Hú hồn.
Có 2 cái xe máy tàng tàng vậy mà chuyến đó cả nhóm đi luôn một lượt được 6 tỉnh đồng bằng, từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp xuống tới An Giang. Cái hầu bao sinh viên tới đó là cạn kiệt nên không thể đi tiếp. Như vậy thì cũng được một nửa của miền Tây, nên cũng tạm bằng lòng. Đề tài sinh viên năm đó ai cũng nói lạ, nhưng ăn điểm nhất là hội đồng khoa học quý mấy đứa sinh viên “liều”, “chịu chơi”, thực tâm muốn nghiên cứu những cái mới mẻ, không ngại gian khổ. Làm khoa học mà lấy hầu bao chắt mót ra làm chứ không tính toán nên thầy cô ai cũng thương. Đề tài năm đó được giải nhất hội đồng trường, rồi giải khuyến khích cấp Bộ. Cái quý giá nhất ở công trình đó là mỗi đứa sau khi ra trường có chút kỷ niệm bỏ túi, thỉnh thoảng nhớ lại, thấy vui là được rồi.
Miền Tây với tôi là một miền đất lạ, dù có đi qua mấy chục lần, cả những chuyến đi chơi và công việc, tôi vẫn thấy nó luôn tươi mới trong lòng. Sau này có dịp đi thêm được Cần Thơ, Kiên Giang nữa là 8 tỉnh. Nhưng cái này còn lạ hơn.  Thật ra, dù cho đất đồng bằng có chỗ cao chỗ thấp, có nơi giàu nơi chưa giàu, nhưng cái thổ nhưỡng đó là y như nhau. Người đồng bằng cũng vậy, ai cũng chất phác, mộc mạc, ai cũng cởi mở tấm lòng. Cho nên nói, đi được tám tỉnh thì cũng như đi hết cái đồng bằng vậy. Đi xuống dưới thì thấy không có gì mới, (tiến độ phát triển ở đây rất chậm, không như mấy tỉnh như Bình Dương, Vũng Tàu phát triển nhanh như chong chóng), từ tỉnh này qua tỉnh kia cũng không khác biệt nhiều, nói chung không có cái điểm nào trội cho ta ấn tượng, ngoại trừ cái đất Hà Tiên. Ấy vậy mà mỗi lần trở về Sài Gòn thì thấy thương, thấy nhớ một cái gì gần gũi lắm, và lại muốn trở về dưới thêm, thêm nhiều lần nữa. Nghĩ cũng lạ lùng!
Mùa này mà về dưới thì nhất định tôi sẽ ăn cho được cái món bông điên điển nấu canh, hay canh chua bông so đũa nấu với  cá linh. Đầu mùa nước nổi, cá linh còn nhỏ, con mềm, ăn rất ngon. Mình là dân miền Đông, mặt không gần sông lưng không dựa núi, vậy nên từ nhỏ không quen ăn cá hoặc những món dưới nước (mấy món trên rừng cũng hỏng dám ăn). Nhiều lúc nghĩ nếu sau này lỡ đi ra khỏi cái xứ của mình chắc chịu chết chứ không thể ăn được thức ăn chỗ khác. Vậy mà lần đầu xuống miền tây được đãi canh chua nấu cá linh tự dưng lại ăn được rất ngon lành. Ban đầu ăn vì nể chủ nhà, vì trước khi đi, mình có tìm hiểu sơ sơ. Nghe nói người miền Tây rất thiệt tình, không khách sáo nên nếu chủ nhà có mời cơm mà mình từ chối là họ giận, họ buồn. Nghe vậy nên lần đầu xuống dưới mình bấm bụng ngồi ăn cho được mấy con cá linh, rồi cá trạch nướng, rồi cá ba sa nấu canh. Rồi cứ tiếp tục những chuyến đi- về cái thực đơn món miền Tây bây giờ của mình cũng khá hơn, được bổ sung vài món như khô cá sặc nướng giòn, cá đồng nướng rơm, cá lóc hấp hèm, mắm cá lóc Cần Thơ…
Hôm rồi có đứa bạn khoe dưới Đồng Tháp bây giờ sen nở đẹp mê hồn, lại nghĩ, hay mình chọn một ngày nào đó chạy về Tháp Mười ngồi trên bờ hồ ngắm sen trong tiếng muỗi vo ve của buổi chiều tà, chắc sẽ thú vị lắm.

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

cánh cửa mở

Nguyên Hậu



có cái gì kẹt lại trong không khí
giữa những bức tường chật kín
khiến chúng mình
choáng váng
hơi thở của anh và em gầy guộc
giờ thêm mỏng manh

em chưa bao giờ ngừng yêu (anh)
anh chưa bao giờ phản bội (với em)
chúng ta dính vào nhau chặt quá
nghĩ cho nhau nhiều quá
điều đó khiến anh quay cuồng
còn em
nghẹt
…thở

mình yêu nhau nhiều quá phải không anh?
ừ!
vậy nên mình hãy chia tay
để anh được sống cho anh
em được sống cho em
cả hai sẽ nhẹ nhàng hơn
khi không còn mang trên mình bản án
của những kẻ ăn cắp

nếu chia tay
chúng mình sẽ vô cùng trống trải
anh và em không còn là một
chỉ là hai nửa mà thôi
rồi những lúc cô đơn
anh và em sẽ nhìn về phía cánh cửa mở
yêu thương sẽ tràn ngập
như hương thơm của loài dã thảo
tỏa vào trong gió
cả thế gian sẽ biết rằng
chúng mình hạnh phúc biết bao!

N.H

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

hồ điệp mộng






em nhìn thấy anh giữa các vì sao của bầu trời đêm
từ từ rụng xuống
biến thành tấm áo choàng
phủ lấy người em
nét dung nhan huyền hoặc lóe trên bức tường vàng nhợt nhạt

một điệu jazz quen
lắc lư
lắc lư
cuống ta vào mộng...
tan chảy anh vào ảo ảnh  em
cùng nhập
cùng tan 

anh và em bốc hơi
thành hai con bướm 
giữa rừng hồ điệp
nhiều con khác đã ganh tỵ với chúng ta
vì chúng chưa bao giờ 
được là người
trước khi hóa bướm

N.H


Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...