Nguyên Hậu
Cảm xúc con người thật lạ, chỉ thích
cái gì tinh khôi, mới chớm. Còn khi điều mong ước đã đến rồi thì trong cái vui
vẫn có niềm tiếc nuối. Thế nên “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu mới tiếc ngẩn tiếc
ngơ khi đứng trước mùa xuân của đất trời:
Xuân
đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân
còn non nghĩa là xuân sẽ già
(Vội vàng)
Nhưng điều này chỉ có khi tôi lớn
lên chứ mấy đứa trẻ năm sáu tuổi như tụi tôi hồi trước đâu có khái niệm thế nào
là xuân, chỉ chờ mong cho tới Tết. Tết mới vui, chứ xuân thì … không hiểu lắm! Ngày
còn nhỏ, tôi chỉ xòe tay đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết, để đúng sáng ngày
Mồng 1 chúng tôi sẽ được xúng xính trong những bộ áo mới rực rỡ sắc màu.
Lớn lên một chút, tôi bắt đầu biết
để ý cảnh sinh hoạt những ngày giáp Tết và bắt đầu thấy thích mấy ngày này. Đó
là khoảng thời gian từ rằm tháng Chạp trở đi, khi mà mọi nhà đều bắt cái ghế đẩu
ra ngoài sân với tay hái nốt mấy chiếc lá mai còn lại trên cành, như trút đi lớp
áo cũ. Cành mai sẽ oặn mình đau đớn, dồn hết nhựa sống nuôi những búp non đang
dậy lên từng ngày.Những ngày ấy, khí trời sẽ trong veo, nắng vàng ươm trên những búp mai tròn chỉ chờ đến ngày khoe những lớp
áo vàng tươi.
Ý niệm về Tết đến với tôi vào cái
ngày một buổi sáng thức dậy không có ba đưa đi học, mà thay vào đó là mẹ hay chị.
Tôi hỏi mẹ thì mẹ nói ba bận đi dẫy mả. Đó buổi sáng ngày 24 tháng Chạp, sau
ngày đưa Ông Táo 1 ngày. Không biết sao mà lúc đó cảm giác của tôi thấy buồn lắm.
Nó khiến cho tôi nghĩ đến anh Hai tôi đã mất từ nhỏ, lúc đó tôi cũng chưa ra đời. Năm nào cũng vậy, cứ chiều 23 tôi đã thấy ba
mang cái cuốc ra mài lại cho sắc, để sáng mai đi sớm. Năm nào khi ba về mẹ cũng
hỏi ba làm có mệt không, năm nay có ai dẫy cùng không, cỏ có mọc cao quá không…
Khi hỏi thế tôi biết mẹ đang nhớ tới anh Hai, mắt mẹ rơm rớm…
Rồi những ngày tiếp theo tôi thấy
ba cứ loay hoay ở nhà trên và ngoài sân. Ba lau chùi bộ lư cho bóng rồi phơi nắng,
rồi quét dọn, sắp xếp lại bàn thờ. Mẹ với hai chị thì loay hoay dưới bếp lo chuẩn
bị chuyện bếp núc cho ba ngày Tết. Tôi nhỏ nhất nên ba mẹ không bắt tôi làm việc
gì, chỉ qua lại xem ba hay mẹ có cần giúp gì thì giúp. Thế là tôi tha hồ chạy
lên chạy xuống, vừa xem ba lại vừa xem mẹ làm việc. Đó cũng là lúc lòng tôi rộn
ràng nhất.
Có một điều đặc biệt là vào những
ngày giáp Tết đó, trong lúc làm việc ba sẽ mở cho tôi nghe những bản nhạc xuân
từ cái máy Cassette hiệu Sony. Ba mở nhạc từ cuộn băng xuân bên ngoài có dán
cái nhãn màu trắng, trên đầu ghi dòng chữ “Điệp khúc mừng xuân”, một năm mới
nghe một lần. Tôi còn nhớ đó là những bài hát xuân với giai điệu nhẹ nhàng và
pha lẫn chút buồn. Băng có hai mặt, nhưng lúc nào tôi cũng thích nghe đi nghe mặt
A, toàn những bài vui, giai điệu rộn ràng như Con bướm xuân, Cánh bướm vườn xuân, Xuân đã về, Xuân họp mặt , Xuân yêu
thương, Thiên duyên tiền định…, còn mặt B thì những bài buồn buồn như Đón xuân
này nhớ xuân xưa, Câu chuyện đầu năm, Chuyện ngày cuối năm, Xuân này con không
về... Hồi nhỏ tôi không đủ hiểu biết để hiểu vì sao là nhạc xuân nhưng tôi vẫn
thấy có chút gì buồn buồn như vậy, chỉ thấy nó rất hay rất hợp với những ngày Tết.
Bây giờ lớn lên tìm hiểu tôi mới biết đó là những bản nhạc xuân được sáng tác
trước 1975 ở miền Nam. Viết về mùa xuân nhưng trong giai điệu và ca từ vương vất
một chút buồn. Có cái gì đó dang dở, không trọn vẹn hoặc chưa trọn vẹn. Xuân về
không chỉ có sự thay đổi của đất trời, cái rộn ràng của lòng người mà trong đó
còn là những giây phút suy ngẫm về lẽ tuần hoàn, về cuộc đời và ước ao những điều
tốt đẹp chưa trọn vẹn trong năm cũ.
Ngày nay dù mỗi năm nhạc xuân vẫn
rộn ràng, nhiều bài nhạc trẻ mới vừa sáng tác nhưng tôi không thích bằng. Cái
máy Cassette của ba đến giờ vẫn nằm im trong tủ, vẫn màu đỏ Bordeaux đẹp như
ngày nào, nhưng cuộn băng ngày ấy bây giờ đã nhão (tuổi của nó có lẽ cũng đúng
bằng tuổi của tôi) nhưng những gì mà tôi có được trong những ngày Tết tuổi thơ
thì không bao giờ có thể quên được. Bây giờ mỗi khi Tết đến tôi thường lên mạng
tìm những bài ca ấy về laptop, vẫn những ca sĩ và giai điệu ngày đó, sau đó
chép ra đĩa để nghe. Với tôi, những giai điệu đó mới mang lại cái Tết trong tâm
hồn tôi, một chút rộn ràng pha lẫn nét buồn buồn, riêng tư…
N.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.