Nguyên Hậu
Thiết nghĩ “nghệ sĩ” là một khái niệm mở
mà cho đến giờ khó có một định nghĩa nào thật sự đầy đủ. Theo quan niệm rộng
rãi, dễ thừa nhận thì nghệ sĩ là người sáng tạo hoặc biểu diễn một hay nhiều loại
hình nghệ thuật, hoặc có biệt tài một hay nhiều kĩ năng đặc biệt. Tuy nhiên đó
là nói những điều cụ thể mà ai cũng có thể thấy hoặc chứng minh. Vẫn có những
“nghệ sĩ tâm hồn” khó ai nhận thấy, và nếu cuộc đời có nhiều những nghệ sĩ như
thế thì có lẽ cuộc sống này sẽ đẹp đẽ và thơ mộng biết bao.
Thật tình tôi luôn có những cảm nhận và
cảm thông đặc biệt đối với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đã
làm nghệ thuật thì phải hy sinh rất nhiều, cho dù bây giờ nhiều người thấy ca
sĩ, nhạc sĩ giàu có, sung túc, cũng có người trở thành “đại gia”. Nhưng mấy ai
hiểu được cái mà họ hy sinh và chịu đựng nhiều nhất chính là lĩnh vực tinh thần.
Dù là một diễn viên hài thì không chắc cuộc sống thực của họ đã vui. Nên tôi cảm
thông nhiều cho những đóng góp đi liền với những mất mát mà họ phải chịu một
cách âm thầm. Với những người làm nghệ thuật hoặc nghiên cứu trong lĩnh vực nghệ
thuật, tôi phục họ cao hơn một bậc so với những người bình thường hoặc làm những
ngành nghề khác. Nội tâm của người nghệ sĩ là một thế giới thẳm sâu ít ai hiểu
hết cho dù họ sẵn lòng chia sẻ ít nhiều. Nhiều nghệ sĩ bảo rằng họ không thể xa
sân khấu, họ thèm được hàng đêm đứng trên sân khấu với muôn ánh đèn, thèm được nghe
tiếng vỗ tay hoặc nhìn thấy sự rung động được biểu hiện trên gương mặt khán giả.
Nó giống như một thứ thuốc gây nghiện, khiến họ không thể rời xa. Nói như thế chỉ
là một phần, vì đó là cái phần dễ nói nhất, nói ra cũng dễ được người ta hiểu
nhất. Nhưng thật ra điều thôi thúc họ là những cái vô hình như hơi thở, cái
rung động tinh tế mỏng như khói, nhẹ như sương. Nó hiện hình bằng một cảm giác
trừu tượng mà người ta hay gọi là đam mê, là tình yêu. Nhưng điều gì tạo ra sự
đam mê, làm cho người ta thấy yêu, thấy thích mới là quan trọng!
Người làm nghệ thuật luôn thèm được chia
sẻ nhiều hơn nhận lại từ người khác. Họ chia sẻ chính những cái dồn nén trong họ,
được biểu hiện ra thành lời ca tiếng hát nếu đó là âm nhạc; là hình khối, đường
nét nếu đó là kiến trúc; là chữ nghĩa, ý niệm, cảm xúc nếu đó là văn chương…
Nói chung tất cả đều hướng về cái đẹp, đều rất tinh thần. Một ca sĩ trau chuốt
lời ca, giọng hát của mình ngoài việc để được nhiều người yêu thích còn là một
cống hiến cho nghệ thuật, truyền những giai điệu tuyệt vời nhất cho cuộc sống.
Một nhạc sĩ sáng tác những ca khúc không chỉ mong cầu người ta thích bài hát của
mình, mà hơn cả là khát khao được chia sẻ, truyền những cảm xúc của mình đến với
nhiều người hơn. Cái họ cần là sự đồng cảm hơn lời tán thưởng.
Người nhạc sĩ chuyên hòa âm phối khí, dù
không phải là người sáng tác ca khúc, nhưng cũng cần một sự thẩm thấu, đồng điệu
với người sáng tác được thể hiện qua giai điệu, lời nhạc mới mong có thể làm
nên những ca khúc hay. Một bài hát, từ lúc tìm lời, viết nhạc, phối khí cho đến
lúc trình bày thành một sản phẩm hoàn chỉnh là cả một sự đồng điệu lớn trong
tâm hồn của những trái tim hết lòng vì nghệ thuật. Trong một chương trình truyền
hình gần đây, tôi được nghe một ý kiến rất chân thực của một người hoạt động
nghệ thuật. Họ cảm thấy buồn và bức xúc khi có một sự phân biệt trong thị hiếu
đối với các lĩnh vực nghệ thuật. Khi ra đời, những người hát nhạc trẻ được hát
trên những sân khấu rực rỡ ánh đèn, trong khi những ca sĩ hát nhạc dân ca hoặc
nhạc trữ tình lại phải chấp nhận hát ở những rạp hát nhỏ của tỉnh lẻ, hoặc những
đoàn hát lưu động, hội chợ… Có một cái gì đó không công bằng trong các dòng nhạc
chăng? Cũng như những người chuyên làm nghề xiếc phục vụ cho khán giả, họ cũng
đã hết lòng cống hiến hết mình cho người xem, nhiều khi phải đánh đổi sự an
toàn của chính bản thân mình nhưng ít khi nào được công nhận một cách chính thức.
Những tiết mục của họ thường phải biểu diễn trong các hội chợ, các gánh hát lẻ,
hoặc nếu được biểu diễn trên sân khấu cũng là để lót chương trình cho những tiết
mục ca nhạc.
Là nghệ sĩ, họ phải chịu thiệt thòi với
chính bản thân mình vì đôi khi phải đánh đổi nhiều thứ để thỏa niềm đam mê của
mình. Đối diện với cuộc sống vật chất lên ngôi, họ phải trăn trở rất nhiều
trong nội tâm, giữa đam mê và những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống. Có người
chấp nhận vì đam mê mà hy sinh tất cả, cuối đời chỉ còn hai bàn tay trắng. Vui
chăng là những dư âm mà người đời dành cho, nếu họ thật sự thành công và nổi tiếng
một thời. Đó là một điều thật đáng buồn! Quan trọng không kém là nhiều người
cũng có thiên hướng nghệ thuật, nhưng trước những lựa chọn để tồn tại giữa cuộc
đời, họ chưa một lần được thỏa ước mơ. Họ phải đeo mang những cảm xúc và thổn
thức của riêng mình, một mình mình hiểu và đôi khi không khỏi khóc thầm trước sự
bất trắc và phức tạp của cuộc sống, làm tổn thương trái tim vốn yếu đuối, mỏng
manh. Tuy không bước chân vào con đường nghệ thuật nhưng với tôi, họ cũng là
nghệ sĩ, bởi chính họ đã kiến tạo nên tâm hồn mình bằng vô vàn những rung động
tinh tế góp nhặt từ sắc màu, âm thanh và hình dáng mà cuộc sống mang lại. Và
tôi có lòng tin rằng, chính họ là những người ươm mầm cho những điều tốt đẹp
trong cuộc sống này. Họ là những nghệ sĩ vô danh giữa cuộc đời…
N.H
1.2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.