Nguyên Hậu
Những khu vườn ẩn hiện bên dòng Cầu Ngang |
Ngày trước, khi đi học ở Sài Gòn,
mỗi lần nghe tôi giới thiệu quê ở Lái Thiêu, những người lớn trạc tuổi ba mẹ
tôi thường hỏi tôi rằng, Lái Thiêu bây giờ có còn như ngày xưa không? Thú thật
tôi có niềm tự hào mỗi khi nhắc đến địa danh đó, nhưng tôi cũng không biết trả
lời sao, vì thế hệ của tôi không có cơ hội được biết Lái Thiêu ngày xưa trong
ký ức của những người đó như thế nào.Tết Đoan Ngọ vừa tôi có mời gia đình thầy
cô của tôi từ Sài Gòn lên chơi. Thầy cô là người ở Sài Gòn từ trước 1975. Thầy
nói từ nhỏ tới lớn, thầy mới đến Lái Thiêu có một lần, đó là lúc thầy còn trẻ,
nhưng ấn tượng về miền đất đó thầy vẫn còn nhớ mãi. Sau này công việc bộn bề,
thầy cô ít có dịp trở lên Lái Thiêu.
Thầy kể rằng ngày trước, dân Sài
Gòn rất thích lên Lái Thiêu chơi, nhất là mỗi dịp cuối tuần. Bởi đó là một vùng
xanh mát, rất khác cái không gian chật chội chốn Sài thành. Đặc biệt là mùa
trái chín, Lái Thiêu nhộn nhịp lắm. Cứ người này lên chơi về khoe bạn bè là thể
nào các bạn cũng tìm dịp lên chơi cho biết. Lái Thiêu cách Sài Gòn có chừng
20km, nên không cần tìm những dịch vụ du lịch đắt tiền và xa xôi tận miền Tây
như bây giờ. Tôi thấy tiếc vì mình không được tận hưởng không khí ấy, nhưng qua
lời kể của ba mẹ, tôi cũng phần nào thấy thích thú trong lòng. Ba mẹ tôi và hai
chị là những người trực tiếp tham gia và giữ lại trong ký ức những nét văn hóa
du lịch miệt vườn xưa.
Ấn tượng đầu tiên về Lái Thiêu,
đó là một vùng không gian xanh mát với những vườn cây trái sai trĩu quả. Đến
Lái Thiêu, khách du lịch được tạm thời quên đi không khí tấp nập, ồn ào của phố
thị để hòa mình vào thiên nhiên. Ấn tượng thứ hai là những người dân quê chân
chất, hiền lành và hiếu khách. Đến Lái Thiêu, đặc biệt là khu du lịch Cầu
Ngang, du khách được dạo chân vào những khu vườn rợp bóng mát, tận mắt nhìn thấy
trái cây lủng lẳng trên cành, được hái những quả măng cụt, chôm chôm hay mít tố
nữ thơm lừng, được nghe tiếng lá xào xạc dưới chân hòa vào tiếng ve râm ran mà
thư thới trong lòng. Ngày xưa mùa trái chín bắt đầu từ đầu tháng ba Âm lịch,
kéo dài đến hết tháng sáu Âm lịch. Đầu tiên là dâu xiêm, bòn bon, rồi tới măng
cụt, sầu riêng, mít tố nữ, chôm chôm…
Ngày xưa hầu như nhà nào cũng có
vườn, vườn nào cũng có trái cây, không loại này cũng loại khác. Ngày mùa, vườn
nào cũng rộn rã, tiếng bước chân trên lá xạc xào cùng tiếng ve, tiếng nói cười
rộn rã. Nhà tôi gần Cầu Ngang nên những ngày mùa, mẹ thường gánh nào măng cụt,
nào mít tố nữ, nào dâu xiêm ra Cầu Ngang ngồi bán. Không cần sạp, không cần dù
che, chỉ cần ngồi dọc hai bên Cầu Ngang, hoặc trong những con đường nhỏ dẫn vào
những vườn trái cây là sẽ có người mua. Chị Ba thường được mẹ dẫn đi cùng, nên mỗi
sáng thức dậy chị thường hỏi mẹ hôm nay mình có đi bán “Sì Gòn” không. Câu hỏi
ngô nghê, cùng cái cách phát âm ngộ nghĩnh mới đáng yêu làm sao, nhưng mà hình
như ngày đó những người dân quê vẫn thường nói vậy. Với người Lái Thiêu, “người
Sì Gòn” thuộc một “thế giới khác”, vì thế khi họ đến với Lái Thiêu, bằng tấm
lòng hiếu khách, người Lái Thiêu luôn cởi mở và đón tiếp rất nhiệt tình.
Mẹ nói ngày đó trái cây bán đắt lắm,
chừng buổi sáng là xong. Dân Sài Gòn đi chơi nhiều, họ hiền lành, tốt bụng và
những dịch vụ du lịch miệt vườn ngày đó cũng không kinh doanh lời lãi như bây
giờ. Lúc chị Ba và mẹ tôi đi bán thì ba và chị Tư tôi ở nhà hái trái. Đặc biệt
những ngày gần Tết Đoan Ngọ, khách du lịch đi chơi nhiều. Họ lại thích được vào
tận vườn chơi nên chị phải canh vườn để người ta không “tiện tay” hái hết trái
trên cây. Nói là canh vườn vậy, chứ thiệt ra chị cũng không thể chống lại cái hấp
lực mới lạ của những người Sài Gòn mang đến. Chị cứ cho người ta vô vườn, rồi
đi theo chơi. Có khi còn được người khách cho nhiều kẹo, nhiều bánh, có khi còn
có cả tiền ăn kem. Cứ vậy, họ vào vườn chủ yếu là thư giãn chứ không phá phách
gì. Người phương xa thì dễ thương, người miệt vườn thì mến khách. Cứ vậy mà
không khí hội mùa rất vui, không xô bồ, thị trường như bây giờ.
Măng cụt Lái Thiêu |
Có người nói rằng hương sắc miệt
vườn Lái Thiêu một phần được thể hiện rõ qua hương vị của những loại trái cây
nơi đây. Nó dân dã, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, quý phái. Mít tố nữ,
sầu riêng thì hương thơm lừng, bay xa, dễ quyến lòng du khách. Đặc tính ấy như
cái bộc trực, thẳng thắn của người dân Nam Bộ, không màu mè, khách sáo, có sao
nói vậy. Còn chôm chôm, bòn bon, dâu xiêm là những loại trái cây dân dã, chỉ ra
đúng mùa trong cái nền không gian và thổ nhưỡng xanh mát xứ đồng bằng. Nó không
có hương thơm bên ngoài nhưng màu sắc và hương vị bên trong thì không ai lại
không mê bởi vị ngọt thanh mát của nó. Còn một loại trái cây nữa khi nhìn thì
dân dã, mộc mạc nhưng đặc biệt quý phái, đó là trái măng cụt. Hình dáng của
trái măng cụt khi còn xanh trông giống khuôn mặt xinh xắn của một đứa trẻ, miệng
lúc nào cũng toe toét cười. Khi ửng chín trái măng cụt lại trông giống khuôn mặt
thiếu nữ, ban đầu là những vết điểm son, sau đó ửng hồng, rồi chuyển qua hồng
quân, một vẻ đẹp rất mặn mà, hiền lành và đằm thắm. Trái măng cụt cũng có hương
thơm rất đặc trưng, nhưng nếu ai không để ý sẽ không dễ gì nhận ra được. Nó có
cái nồng nàn của trái chín, vừa có cái đằm sâu của thảo mộc. Măng cụt là một loại
cây lâu năm, được mệnh danh là “nữ hoàng” của trái cây miền nhiệt đới, mỗi năm
chỉ ra quả một lần sau khi đã hấp thụ đầy đủ tinh hoa của đất và trời nên trong
hương thơm có sự hòa quyện thâm trầm giữa những yếu tố đó. Cũng giống như cô
gái miệt vườn Lái Thiêu, có nét hiền hòa, thâm trầm và sâu sắc chứ không dễ cởi
mở như cô gái miền tây sông nước. Cái duyên ngầm ấy như một thứ “mưa dầm thấm
lâu” đối với những chàng trai xứ khác. Không ít chàng trai đã bén duyên với cô
gái Lái Thiêu từ những hội mùa trái cây như thế. Ca dao có câu:
Đêm rằm mười sáu trăng treo
Anh đóng giường lèo cưới vợ Lái Thiêu
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà có
câu ca dao trên, bởi giường lèo là một loại giường được làm bằng gỗ quý, có chạm
trổ công phu, chỉ những nhà có của ăn của để mới đóng được mà thôi. Khách
phương xa đến chơi, bất chợt lưu luyến cái hương quê đằm thắm ấy, để rồi kết
thành nợ duyên cũng là điều dễ hiểu.
Người phương xa thích đến Lái
Thiêu không chỉ vì có vườn trái cây mà còn bởi kiến trúc nhà vườn ở đây. Những
ngôi nhà ở Bình Dương xưa thường có kiến trúc nhà chữ Đinh, bao quanh là vườn
tược tươi mát. Dân Sài Gòn quanh năm ở chốn nhộn nhịp rất thích về đây để tận
hưởng không gian sinh thái như vậy. Khách chỉ cần đạp xe một vòng quanh khu Cầu
Ngang, chợ Búng, ngắm những vườn cây trái xanh mát dọc hai bên sông cũng đủ thấy
lòng thư thái. Vậy nên những chàng sinh viên Sài Gòn ngày trước vẫn hay trốn học
chở bạn lên Lái Thiêu chơi cho thư giãn một ngày rồi về trường tiếp tục đèn
sách cho kịp kỳ thi là vậy.
Ngày nay du lịch miệt vườn Lái
Thiêu tuy có duy trì nhưng không còn như xưa. Một phần vì ở ngay Sài Gòn cũng
có lễ hội trái cây Nam Bộ được tổ chức ở những khu du lịch. Một phần vì những
loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm được bày bán quanh năm, không cứ mùa hè,
ở Lái Thiêu mới có. Còn măng cụt cũng được trồng ở nhiều nơi. Một phần nữa là
do cơ chế thị trường mà cách thức tổ chức du lịch miệt vườn không còn như xưa.
Tuy vậy, nếu ai đã một lần vương vấn nét văn hóa miệt vườn và nhận ra những đặc
trưng của hương vị trái cây Lái Thiêu thì dễ gì không tìm cách quay trở lại, để
tìm về, để tận hưởng một chút gì của ngày xưa…
N.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.