Nguyên Hậu
Tháng 5 bắt đầu bằng những cơn mưa rào ở mảnh đất miền Nam. Mấy bữa nay lên mạng, đâu đâu cũng thấy các tin đăng về việc các tỉnh Bắc Bộ nắng nóng cao độ, có nơi lên đến 40 độ. Trong khi đó ở miền Nam, một ngày nắng thì ít mà thỉnh thoảng lại thấy bầu trời đen kịt những đám mây, có khi trời đổ mưa liền, có khi thấy mây vậy nhưng mưa ở hướng khác. Mỗi lúc như vậy, cái nóng ứ hậm hập, khiến trẻ con dễ bệnh, mà người lớn thì cũng nóng bức trong người. Đó có lẽ là cảm giác còn đọng lại của tôi sau một kỳ nghỉ lễ dài 4 ngày vừa qua. Di chứng còn lại là cảm, viêm họng...nên ngày đầu tiên đi làm lại sau kỳ lễ lại không muốn nói chuyện với ai.
Có người nói, mưa là nước mắt của nhân gian, ông trời gom về, tích tụ ở một nơi, khi nào nhiều quá thì đổ xuống trần gian, giải tỏa bớt nỗi buồn cho nhân thế. Nhưng trần gian có bao giờ hết nước mắt, con người có bao giờ hết khổ nếu còn sống giữa cuộc đời? Thật ra không phải chỉ có con người mới khổ mà mọi vật tồn tại trên thế gian này đều có nỗi khổ riêng. Một cái cây, một hạt cát cũng có nỗi buồn, niềm vui. Mưa là nước mắt của muôn loài, ông trời thu nhặt và cất giữ, một lúc nào đó lại đổ bớt đi, biến nước mắt thành những giọt nước mát lành, con người có thể sử dụng để sinh hoạt, cây cối có thể lấy đó là nguồn sống của mình. Làm như thế sẽ giải tỏa bớt những chất chứa của nhân sinh. Một phát minh cực hay của ông trời.Và đó là cách lý giải của một bộ óc “buồn vui thất thường” nào đó!
À, vậy thì đúng thật! Những khi giông bão nhiều, có nghĩa là nỗi buồn ở nhân gian này quá hạn, con người không ngừng sầu khổ, khóc than. Năm nào những nhà thiên văn học dự báo có nhiều mưa thì năm đó người ta biết thế giới sẽ khổ lắm.
Mới bước sang năm rồng, nhiều người đã đồn nhau năm nay sẽ có nhiều thiên tai, xuất phát là do rồng thường phun lửa, phun nước. Tôi không biết phải tin làm sao, nhưng thật sự, nếu năm nay không phải là năm rồng đi nữa thì trời cũng vẫn sẽ mưa, bão, thậm chí … kinh hoàng. Tôi từng đọc ở đâu đó, người ta nói rằng, khi nỗi khổ của nhân gian nhiều quá, khi lòng tham và cái ác con người của con người lan tràn, trời đất sẽ cho một trận đại hồng thủy, cuốn trôi mọi thứ, mọi vật sẽ tận diệt, trái đất sẽ quay trở lại với thời điểm ban đầu. Vạn vật sẽ bắt đầu sinh sôi như thời nguyên thủy. Liệu điều đó có xảy ra không nhỉ?
Tôi cứ nghĩ trái đất giống như một bà mẹ hiền hậu, luôn muốn bao dung bảo bọc cho những đứa con là loài người, nhưng những đứa con có bao giờ biết dừng những ý nghĩ cao siêu và táo bạo của mình. Và cho dù có thương mẹ của mình đến đâu, những đứa con đó cũng có những lý do để bảo vệ cuộc sống và sự phát triển vô tận của mình khi nào những điều kiện còn cho phép. Lúc còn nhỏ thì ấp ủ bên gối mẹ, được mẹ cưng chìu, nuôi nấng bảo bọc chẳng tiếc chi. Nhiều khi đứa con đùa nghịch, hỗn hào, mẹ có dạy dỗ, khuyên răn, có khi “thương cho roi cho vọt”, đôi lúc đứa con có khi chỉ sợ cây roi chứ có biết thương mẹ bao giờ? Đến khi trưởng thành, mải miết theo những ý nghĩ vun đắp, xây dựng tương lai, tìm kiếm mái ấm cho riêng mình, đứa con nhiều khi có về thăm mẹ, nhưng những ngày tháng ấy có là bao so với những gì mẹ dành cho con. Có khi tin mẹ bệnh, không thể bỏ dở công việc, con lại gọi điện hỏi thăm, gửi tiền về nhờ người chăm sóc… Thử hỏi lúc đó mẹ có buồn không? Buồn, buồn lắm, nhưng với lòng thương con, mẹ có ngăn cản con bao giờ. Mẹ vẫn cắn răng chịu đựng trong những tháng ngày mòn mỏi chờ con, mong đứa con ấy có ngày “nhớ” đến mẹ. Cho đến một hôm, hơi tàn lực kiệt, dù cho có thương con đến đâu, người mẹ cũng phải lìa bỏ con mình trở về cát bụi. Đến lúc đó, đứa con mới phát hiện ra mình mất cả thế giới, mất cả bầu trời, nhưng như vậy đã quá muộn màng…
Từ khi xuất hiện trên trái đất, con người chịu tác động nhiều của tự nhiên nhưng đồng thời cũng cải tạo tự nhiên. Đắp đê ngăn đập, trồng rừng… nhưng những điều đó cốt để bảo vệ cuộc sống con người. Thử hỏi có bao giờ con người làm điều gì đó thuần túy cho thiên nhiên? Vậy nên mới nói, không có tri thức thì thật là tồi tệ, nhưng một khi đã thông minh rồi thì lại đáng sợ hơn. Con người bây giờ muốn giết nhau thậm chí còn không dùng đến vũ khí, chiến tranh không phải đợi đánh nhau bằng vũ lực hay súng đạn mới gọi là chiến tranh. Các nước trên thế giới, muốn hủy diệt nhau chỉ cần bom nguyên tử hay vũ khí hạt nhân cũng đủ thắng, nhưng cũng là cái thắng để thỏa mãn lòng tham, ý muốn được chiến thắng của mình chứ nào có mang lại điều gì tốt đẹp hơn. Người với người còn không thương nhau, cớ gì lại thương cho quả đất! Chỉ nghĩ bấy nhiêu đã thấy đau lòng. Chính lòng tham, sự thù ghét và ý chí chinh phục của con người đang trở thành vũ khí để họ giết hại nhau và hủy diệt chính mình, cần gì đến đại hồng thủy!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.