“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Ý nghĩa các biểu tượng trong tác phẩm “Dạ khúc chim” của Taha Hussein


 Trần Thị Mỹ Hiền
Giới thiệu tác phẩm:
Tác phẩm được Taha Hussein viết năm 1934 có tựa đề trong nguyên tác Pháp ngữ là “L’appel du Karaouan” tạm dịch là “Tiếng hót của loài chim Karawan”. Đây có thể nói là một trong những sáng tác nổi bật nhất, là một tác phẩm “thơ mộng và bi thảm([1]) nhất của Taha Hussein. Tác phẩm thể hiện tính nhân văn và tinh thần nhân đạo cao cả, một nỗi lòng uất nghẹn và cũng là một tiếng kêu thảm thiết thốt ra từ vực thẳm của trái tim. Và đây cũng là tác phẩm duy nhất của ông được dịch và công bố tại Việt Nam sau bao nhiêu năm trời xuất hiện.

* Tóm tắt truyện:
Truyện được kể như một dòng hồi ức của nhân vật Amena, cũng là một trong những nhân vật chính của câu chuyện về cuộc hành trình trên sa mạc cuộc đời.
Đó là cuộc hành trình của ba mẹ con Zohra, Hanadi và Amena. Vì người cha của hai chị em Hanadi phạm phải một trong những điều giáo luật mà gia đình họ tộc đã trục xuất ba mẹ con họ phải lưu vong. Trên đường đi, vì phải kiếm tiền sinh sống ba mẹ con chia nhau vào làm người giúp việc cho những người chủ giàu có. Cô chị đến giúp việc cho một viên kỹ sư trẻ tuổi và bị hắn quyến rũ phải thất tiết. Trong khi đó người em thì lại được sống trong một gia đình giàu có và phúc hậu. Ở đây, cô được làm bạn với cô gái Khadiga, con của ông chủ là viên Ma’mour trong vùng, cùng với điều đó là cô được theo học ở trường tử tế cùng với cô bạn của mình. Ở đây cô được tiếp xúc và thụ hưởng lợi ích học tập cùng với những người giàu có, tiến bộ. Đó cũng chính là nền tảng cho những ý tưởng nổi loạn của cô sau này.Tuy nhiên vào một ngày kia, khi người mẹ biết chuyện của người chị đã nhất quyết đưa hai chị em rời khỏi chỗ này bằng bất cứ giá nào. Vì đối với bà cũng như với tất cả mọi người trong thế giới Hồi giáo, những điều mà Hanadi đang gánh chịu là một tội lỗi đồng thời là một vết nhơ không thể nào rửa sạch. Và trong chuyến đi “vượt biển” để tìm về quê hương, họ đã vô tình gặp lại ông cậu, cũng là một người sùng tín. Ông đã ra tay hạ sát người chị ngay trên sa mạc và khỏa lấp đến không còn dấu vết. Điều đó đã trở thành nỗi ám ảnh và là vết thương lòng khiến Amena quyết định rời bỏ mẹ và người cậu độc ác để tìm về phương Đông, nơi có gia đình mà cô từng được yêu quí. Cô muốn đi tìm ánh sáng cuộc đời mình, tránh xa những con người tàn nhẫn kia. Hơn nữa dụng ý của cô cũng là muốn tìm đến người đã gieo đau khổ cho chị của mình để trả thù. Tuy nhiên cuối cùng người con gái ấy vẫn không thể vượt qua được rào cản của trái tim mình, khi cô đã trót yêu viên kĩ sư. Truyện kết thúc nhưng lại mở ra một lối suy nghĩ cho người đọc, và chính chúng ta sẽ là người tìm ra lời giải đáp cho số phận của họ.

Ý nghĩa các biểu tượng trong tác phẩm “Dạ khúc chim” của Taha Hussein.

Đọc tác phẩm “Dạ khúc chim” của Taha Hussein, ngoài những chi tiết sự kiện, cốt truyện hấp dẫn thì một bộ phận không nhỏ làm nên giá trị tư tưởng tác phẩm nằm ở các biểu tượng. Từ đầu đến cuối truyện người đọc bắt gặp rất nhiều biểu tượng mang ý nghĩ tượng trưng cho tác phẩm như hiệu ứng tiếng chim đêm, bóng ma và hình tượng phương Đông. Đây là những biểu tượng hàm chứa một ý nghĩa nhất định và là chìa khóa giải mã ý nghĩa tư tưởng cho tác phẩm. Taha Hussein đã rất dụng ý khi xây dựng những hình ảnh này, bởi nó sẽ là những phương tiện phát ngôn cho tác giả.
Trong thủ thuật xây dựng tác phẩm, tác giả có rất nhiều cách để tạo điểm tựa cho nhân vật kể chuyện hướng vào. Trong cuộc sống cũng thế, khi ta có một nỗi niềm cần chia sẻ nhưng không thể nói với ai, ta cũng thường tâm sự với một đối tượng nào đó, có khi là cây cỏ, gió mây, có khi là dòng sông, là cơn sóng…Cái cơ bản là tìm một đối tượng, điểm tựa tinh thần cho ta bộc lộ cảm xúc. Không ngoài điều đó, Taha Hussein cũng để cho nhân vật của mình tìm đối tượng tâm sự, nhưng không hoàn toàn là những vật vô tri vô giác, đó là tiếng chim Karawan. Đó vừa là một thủ pháp nghệ thuật, vừa thể hiện dụng ý của tác giả.
Tại sao tác giả chọn loài chim đêm mà không là một biểu tượng nào khác? Trước tiên ta thấy chim không phải là một biểu tượng vô tri vô giác mà là một giống loài có tư tưởng, tình cảm. Tiếng chim cất lên trong đêm thật nhỏ bé và yếu ớt, một sự hiện diện thầm lặng, đáng thương. Thế nhưng tiếng chim ấy lại được cảm nhận bằng đôi tai, bằng tâm hồn thính nhạy của nhân vật Amena khi nó thường xuyên xuất hiện, đánh thức cô, theo cô vào cả trong giấc ngủ, thì thầm tâm sự sẻ chia những biến cố trong tâm hồn nhân vật. Ta thấy tiếng chim xuất hiện và theo suốt cuộc hành trình của ba mẹ con nhân vật Amena và giữa họ có sự liên thông tư tưởng, cảm xúc và những mối lo ngại với nhau. Ban đầu, tiếng chim thường là người bạn tâm tình của Amena những khi đêm về. Sau đó, tiếng chim xuất hiện nhiều hơn và trở thành tín hiệu để dự báo trước những bất trắc cho nhân vật. Tiếng chim đánh thức giấc ngủ của cô khi có sự nguy hiểm hay có gì đó xảy ra trong thế giới xung quanh. Ta còn nhớ rất rõ đoạn tác giả miêu tả cô bé Amena bị đánh thức trong cái đêm gã ‘Abd El Galil bị giết, tiếng chim lúc đó thật gấp gáp, có chút gì lo âu và sợ hãi. “Ngươi có mặt đây rồi hỡi loài chim yêu dấu, đêm tối tràn ngập tiếng hót hối thúc xa vắng của ngươi như một lời kêu la cầu cứu. Có chuyện gì xảy đến? Ngươi báo trước tin gì? Ngươi muốn gì nơi ta? Ai xúi bẩy ngươi chống lại ta? Ta vừa chợt thiếp ngủ thì ngươi vội đánh thức ta dậy, tựa hồ như ngươi đã hứa và quyết tâm không để cho ta ngủ yên, tựa hồ có người giao nhiệm vụ cho ngươi gọi ta dậy giữa đêm khuya để bắt ta ý thức về những gì đang diễn ra chung quanh, những gì mà trong ngọt ngào ệm dịu của cơn mộng lành ta không hề biết đến.”
Chi tiết đó cho thấy dường như tiếng chim ấy như đang làm nhiệm vụ đánh thức mọi người trong đêm tối trước những biến cố, bất an trong cuộc sống. Và điều đó cũng mang một ý nghĩa biểu tượng, tiếng chim như tiếng kêu thống thiết của những con người nhỏ bé, thân phận của những kiếp đời bất hạnh trong nền đen của một xã hội đang đè nặng lên con người. Tuy nhỏ bé nhưng loài chim ấy có thể biết được những bất trắc trong cuộc sống, điều đó chứng tỏ loài chim đó là đại diện cho những con người ít nhiều có tư tưởng tiến bộ nhưng hoàn toàn nhỏ bé, cô đơn. Tiếng kêu ấy thống thiết, hối hả nhưng chẳng ai có thể cảm nhận được ngoài cô bé Amena, bởi lẽ khi tiếng kêu ấy cất lên thì mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, xung quanh được bao phủ bởi một màn đêm tĩnh mịch, dày đặc bóng tối. Chính vì vậy tiếng kêu cất lên như muốn đánh thức mọi người nhưng ý nghĩa của nó thì hoàn toàn bất lực. Ta tự hỏi tại sao tác giả lại chỉ để cho mỗi nhân vật Amena cảm nhận được tiếng chim còn những người khác thì không? Tiếng chim làm câu chuyện thêm phần sinh động, làm cho người đọc thấy rằng có một nhân vật đang đồng hành cùng câu chuyện của chúng ta. Nhưng dường như không phải chỉ có vậy. Biểu tượng tiếng chim còn cho chúng ta thấy được một ý nghĩa khác. Đó là sự thức tỉnh của con người trước những bất công trong cuộc sống. Ở đây tác giả muốn cho chúng ta thấy rằng, có rất nhiều những kiếp đời bất hạnh, chịu sự đè nén của xã hội đang lên tiếng kêu than, tha thiết như khẩn cầu, muốn đánh thức mọi người thoát khỏi những bất công mà hệ thống đạo luật gây ra. Thế nhưng tiếng kêu ấy không đủ sức để thay đổi thực tế, tiếng kêu ấy hàng đêm vẫn vọng về nhưng hoàn toàn bất lực. Bởi vì đó là cả một hệ thống bền vững cứng nhắc, như một gọng kiềm kẹp chặt cuộc sống con người. Ta vẫn biết trong những đạo luật của Hồi giáo có những điều không thật sự quan tâm đến quyền sống của con người. Nó không thể hiện được tính nhân bản vốn có của cuộc sống. Bằng lòng là tôn giáo nào cũng đều muốn hướng con người tới những điều tốt đẹp, thế nhưng với một số điều luật quá khắc khe, không quan tâm đến lợi ích thiết thực về quyền con người, đã gây ra không ít những bất hạnh cho bao kiếp đời, đặc biệt là người phụ nữ. Những điều luật đó được đặt ra và được thi hành chủ yếu là để bảo vệ cho lợi ích của một số tầng lớp người trong xã hội, nhằm củng cố những quyền lợi thiết thân của giai cấp thống trị. Nhưng họ đã bỏ qua những lợi ích hết sức nhân bản của con người, đó là quyền được yêu và sống cho tình yêu của mình. Trái tim luôn có những lý lẽ riêng, vô cùng nhạy cảm. Ta không thể lấy những luật lệ cứng nhắc để đè nén, kiềm hãm thậm chí thủ tiêu một cách tàn nhẫn. Tuy nhiên cho dù các đạo luật ấy có hà khắc đến đâu cũng không bằng sự hà khắc, ích kỷ trong chính bản thân con người. Họ chẳng khác nào những người Hồi giáo cuồng tín, thực hành một cách cứng nhắc những luật lệ hà khắc nhưng cũng không ngoài mục đích là muốn bảo vệ lợi ích của mình. Tâm hồn họ chai sạn, khô cứng, họ không hề cảm nhận được niềm vui hay nỗi đau đớn của cơn đam mê và hơn hết là không cảm nhận được rằng có một tình yêu vượt lên trên sự trách mắng, tủi nhục và trừng phạt. Và cũng không đâu xa lạ khi ta chứng kiến hành động của những người thân trong gia đình Amena. Khi người cha bị chết vì lỡ phạm phải một trong những điều trong giáo luật, đó là ngoại tình, gian dâm…những người trong gia tộc sẵn sàng truất bỏ ba người phụ nữ đáng thương ra khỏi gia tộc, bởi theo họ đó là một vết nhơ không bao giờ rửa sạch. Và càng tàn nhẫn hơn khi chỉ vì danh dự mà người cậu sẵn sàng xuống tay giết chết đứa cháu gái tội nghiệp của mình. Còn gì tàn nhẫn hơn!
Có lẽ ai trong chúng ta những người có tư tưởng tiến bộ đều nhận thấy rõ những hạn chế đó, tuy nhiên muốn thay đổi hay thức tỉnh những con người như thế thì thật là không dễ dàng. Cho nên tiếng chim ấy chỉ có thể đánh thức được Amena, Hanadi hay chút gì ở người mẹ nhưng hoàn toàn không thể đánh thức được người cậu của cô, tiếng kêu ấy không đủ sức để bắt ông ta dừng lại tội ác cũng như càng không đủ sức đề níu lại sự sống cho người chị. “Tiếng kêu của chúng tôi bốc lên trời, chúng tôi hoài công kêu cứu”. Điều đó phần nào cho thấy được hiện thực khắc nghiệt và cay đắng dành cho những số phận không may trở thành nạn nhân của hệ thống giáo luật ấy mà đặc biệt là người phụ nữ..
Ông cậu trong tác phẩm chính là biểu tượng cho loại công cụ thi hành những luật lệ mà giáo luật Hồi giáo đặt ra. Ông là một tín hữu Hồi giáo nhưng đồng thời cũng là một công cụ tay sai đắc lực cho việc thực thi những điều luật mà Hồi giáo đặt ra. Ông thi hành tội ác của mình một cách rất thản nhiên, không một chút động lòng cũng như không hề hối hận sau khi đã làm tất cả những gì ông cho là cần thiết. Hình ảnh đó muốn nói lên rằng, đạo Hồi là một tôn giáo, và song song đó là những luật lệ đặt ra bắt con người phải tuân theo. Không ai có thể cũng như có quyền thay đổi vì đó là cả một hệ thống cứng nhắc, bên trên lại có đấng Allah tối cao ngự trị và điều khiển. Đó là một điều hiển nhiên. Không ai trong chúng ta có thể thay đổi được. Chính vì vậy mà hành động của người cậu cũng là một hành động hiển nhiên và sẽ không phải bị bất cứ hình phạt nào dành cho ông. Hành động của ông được đấng Allah bảo vệ, vì ông chính là một tín hữu súng tín nhất của thế giới ấy. Có những điều tưởng như là hiển nhiên nhưng lại vô cùng nhức nhối với chúng ta.
Ngoài ra trong tác phẩm tác giả còn xây dựng những bóng ma màu đỏ. Đây cũng là một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng trong tác phẩm. Tại sao lại có sự xuất hiện những bóng ma ấy? Nếu chúng ta đọc kỹ thì sẽ thấy bóng ma bắt đầu xuất hiện ở chương 10, khi người chị Hanadi đang ở vào một tâm trạng đau khổ, thất vọng và dường như thấy cả đáp án của cuộc đời mình. Chị sống nhưng thấy trước cái chết đang chờ đợi. Kể từ khi ông cậu xuất hiện, cái dây thòng lọng kết thúc cuộc đời như treo sẵn trước mặt chị, chỉ chờ đến lúc hành hình. Và chính trong tâm trạng tuyệt vọng ấy, chị đã nhìn thấy những bóng ma, vô số những bóng ma màu đỏ đang theo chị, dự báo cho chị biết trước số phận của mình. Sau đó, khi chị Hanadi bị giết chết, những bóng ma ấy như hiện về thường  xuyên hơn, nhưng lúc này lại là Amena nhìn thấy. Trong giấc mê man, cô nhìn thấy người chị của mình hiện về xung quanh chị là vô số những bóng ma, đặc biệt là dòng suối máu đỏ tươi. Nó tạo thành một nỗi ám ảnh kinh hoàng theo suốt cuộc hành trình của nhân vật sau này. “Thật là khủng khiếp! Suối máu càng lúc càng trào vọt ra cuồn cuộn, máu tung tóe khắp nơi, mọi sự đều biến thành đỏ, các bóng ma dường như nhận ra được tôi, họ tiến lại gần, muốn ôm lấy tôi. Kinh hoàng tôi buột miệng thét kên, những tiếng thét của tôi vang dội khắp phòng, như máu trào vọt ra và nhuộm đỏ mặt đất” ( Chương 11)
Bóng ma là biểu tượng cho hàng trăm nghìn những số phận cùng chịu chung một nỗi bất hạnh như chị Hanadi, đó là những người phụ nữ, họ là những nạn nhân của những điều luật khe khắc mà Hồi giáo gây ra. Họ sẽ mãi là những bóng ma không thể nào siêu sinh được, bởi cuộc đời dành cho họ những cái chết cay đắng. Bóng ma cùng dòng suối máu hiện ra để biểu trưng cho những bất công mà giáo luật Hồi giáo gây ra, phản ánh một tình trạng đen tối, thê thảm của xã hội. Dòng suối máu trào vọt một cách mãnh liệt bao nhiêu chứng tỏ đã có nhiều người phải hy sinh tính mạng của mình một cách oan uổng bấy nhiêu. Còn gì kinh hãi và xót xa hơn trước hoàn cảnh con người trong một xã hội như vậy.
Bóng ma xuất hiện như dự báo cho Hanadi biết số phận của mình, xuất hiện trong giấc mơ của Amena để đánh thức tâm hồn cô, thôi thúc cô một ý định là muốn vượt thoát ra tất cả những bất công ấy. Ban đầu, khi Amena hình thành ý định trả thù cho chị của mình, bóng ma thường xuyên xuất hiện để thôi thúc, cổ vũ cho ý định của cô. Thế nhưng kể từ khi cô có tình cảm với viên kỹ sư, hình ảnh người chị và những bóng ma không còn xuất hiện trong căn nhà ấy nữa. Chi tiết này cho thấy một ý nghĩa hết sức nhân văn, nhân bản và đồng thời cũng là dụng ý, cốt lõi tinh thần của tác phẩm. Những bóng ma ấy ban đầu cũng không nhìn nhận ra được vấn đề, họ là nạn nhân của những cuộc tình, nạn nhân của luật lệ Hồi giáo, và tuy mất đi nhưng trong họ luôn luôn có ý muốn trả thù những người gây ra bất hạnh cho cuộc đời họ. Nên khi Amana muốn trả thù, họ theo cô để cổ vũ cho hành động đó. Tuy nhiên cuối cùng họ cũng nhận ra một điều hết sức nhân bản đó là tình yêu có sức mạnh vạn năng, có thể thay đổi mọi thứ. Chính những bóng ma làm cô xóa bỏ lòng thù hận và làm theo sự mách bảo của trái tim mình. Nếu nghĩ theo cách khác ta thấy dường như chính họ đã dẫn dắt Amena đi đến  với người kỹ sư, họ muốn cô dùng tình yêu để hóa giải mọi thứ kể cả lòng thù hận, muốn cô được sống hạnh phúc với tình yêu chân thật của trái tim mình. Bởi chính người kỹ sư cũng như bao cặp tình nhân khác họ đều không có lỗi, vì tình yêu là cảm xúc chân thật của trái tim mình và nó đáng được trân trọng. Có tội chăng chính là những luật lệ do lý trí con người tạo ra. Vì vậy, những bóng ma trong tác phẩm có ý nghĩa biểu tượng phản ánh, lên án những bất công mà xã hội gây ra cho biết bao số phận con người. Bóng ma tan đi khi con người được cảm nhận và sống đúng với những giá trị chân chính của cuộc sống, và đó cũng là lúc tội ác và những bất công không còn tồn tại.
Ngoài ra trong tác phẩm ta còn thấy xuất hiện biểu tượng về phương Đông, một nơi mà cô bé Amena khao khát tìm về để tìm thấy hạnh phúc cho cuộc sống của mình. Tuy không cụ thể là nơi nào, tác giả chỉ hướng cho nhân vật tiến về phương Đông, chính điều này đã làm nên ý nghĩa tư tưởng cho tác phẩm. Phương Đông không đâu khác chính là biểu tượng cho sự văn minh, tươi sáng, nó đối lập với bóng tối của phương Tây. Phương Đông là hướng của mặt trời mọc, là biểu trưng cho ánh sáng văn minh và cuộc sống tốt đẹp. Điều đó thể hiện cho chúng ta thấy được  niềm tin cũng như sự khao khát được thoát ra khỏi màn đêm u tối của xã hội hiện tại của các nhân vật Amena hay cũng chính là nhà văn. Nó thể hiện tinh thần nhân văn của tác phẩm mang đến cho người đọc.
Tuy là người Ai Cập, chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng Hồi giáo, tuy nhiên Taha Hussein có một  nhìn nhận rất tiến bộ về những vấn đề còn tồn tại trong thế giới Hồi giáo. Ông là hiện thân của những cải cách xã hội, nhằm bảo vệ quyền sống của con người. Không những là một nhà cải cách giáo dục, ông còn là một nhân vật quan trọng trong việc đưa ra yêu cầu đòi sự dân chủ, bình đẳng xã hội đặc biệt là người phụ nữ. Ông thể hiện một sự tôn kính và yêu quí rất mực đối với những người mẹ, người vợ, người chị…trong các tác phẩm của mình. “Dạ khúc chim” cũng là một trong những tác phẩm như thế. Tác phẩm là một tiếng nói trữ tình tha thiết, nhẹ nhàng nhưng không kém phần mạnh mẽ để đả kích vào những điều luật không có sự quan tâm đúng mức tới cuộc sống con người như không được ngoại tình, trai gái không được gian dâm trước khi cưới hỏi… thậm chí là những quy định khắc khe trong giáo luật Hồi giáo trong việc thể hiện lòng tôn kính ngưỡng mộ vô hạn đối với đấng Allah tối cao. Bản thân những điều luật ấy đều có những khía cạnh tốt của nó, đó là tránh những quan hệ sai lầm, nhằm bảo vệ hạnh phúc đích thực và toàn vẹn của con người. Nhưng cuộc sống có bao giờ trọn vẹn theo ý muốn của một cá nhân ai, đặc biệt là những nhu cầu sống rất nhân bản của con người càng không thể kiểm soát và cấm đoán một cách cứng nhắc được. Taha Hussein là người trong thế giới Hồi giáo nhưng đã nhận ra điều ấy. Tuy không thực sự mạnh mẽ lên án một cách trực tiếp nhưng qua tác phẩm ông đã để cho người đọc tự nhận ra và có một hành động  phù hợp cho bản thân mình. Ở phần cuối, Taha Hussein đã để cho tác phẩm kết thúc mở, nghĩa là không nói rõ Amena và viên kỹ sư đó sẽ như thế nào, liệu Amena có từ bỏ ý định trả thù hay sẽ vì lòng thù hận mà rời xa người mình đem lòng yêu mến…Một dấu chấm hỏi nhưng bên trong đó lại gợi ra bao điều và trong đó cũng đã có một phương án trả lời dành cho chúng ta. Chúng ta có quyền tin tưởng tình yêu rồi cũng sẽ chiến thắng lòng thù hận, Amena lại là người luôn khao khát tìm đến một chân trời hạnh phúc của riêng mình. Amena chính là nhân vật thể hiện những tư tưởng của chính nhà văn, một niềm tin, hy vọng vào sự nổi loạn sẽ đưa nàng và những người phụ nữ khác  tìm được nguồn hạnh phúc cho riêng mình. Tác phẩm như một lời thông điệp nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc mà nhà văn gởi đến với tất cả mọi người đặc biệt là hệ thống giáo luật mà người dân Hồi giáo đang thi hành.


(1) Chữ dùng của tác giả Hoài Khanh trong lời giới thiệu cuốn Dạ khúc chim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...