Nguyên Hậu
Mấy hôm nay lên mạng hay đọc báo đều thấy đăng tin về lũ lụt ở miền Tây Nam bộ, lòng bỗng thấy lo lắng, sốt ruột như một phần khúc ruột mình chôn nơi ấy vậy. Liền gọi điện cho những người mình quen ở dưới xem họ thế nào, có khó khăn gì không. Hai tiếng miền Tây, mỗi khi nhắc về cứ như quê hương thứ hai của mình và những người dân nơi ấy như những người thân của mình.
Gọi xuống Long An, đầu tiên là nhà thơ Cao Thoại Châu, sau đó là anh Võ Mạnh Hảo, được họ cho biết ở Long An không bị ảnh hưởng gì, vì ở vùng cao, lại không gần biển lắm. Thấy an tâm ít nhiều, bớt đi một phần lo lắng. Gọi về Bến Tre, nơi từng “sống” nửa tháng thực tập, đi gần hết một cái xã, quen không biết bao nhiêu người, trò chuyện và thấy thương không biết bao nhiêu gương mặt, tôi cũng nhận được thông tin như vậy, rằng ở Bến Tre vẫn không bị lũ. Mấy vụ lúa vẫn khỏe re, lại còn đang sạ vụ mới. Nghe nói mà nhẹ nhõm trong lòng. Vậy là những thửa ruộng mình từng đi qua, những căn nhà mình từng đặt chân đến vẫn rất bình yên. Càng thanh thản hơn khi nghe cách nói tỉnh bơ của chú Út Đèo, chủ ngôi nhà chúng tôi được tá túc lúc thực tập. Chú nói mấy năm trước mùa nước nổi, nước còn lên tới chân ruộng chú chứ năm nay vẫn chưa thấy gì. Vậy là nói lũ ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đâu có đúng. Chỉ một vài tỉnh nằm ở vùng trũng thấp phía tận dưới bản đồ mới xảy ra điều đó thôi. “Nhưng vì cùng nằm chung một khúc ruột phía tận cùng nên dù không phải nơi mình bị, khi nghe trên đài vẫn thấy buồn trong lòng”. Chú Út nói.
Nghe nói nặng nhất là mấy tỉnh từ An Giang trở xuống, vì ở đó là vùng trũng Đồng Tháp Mười ngày xưa. Gọi cho nhà thơ Trịnh Bửu Hoài thử xem sao!
Cả ngày hôm qua gọi ít nhất năm lần nhưng chỉ nhận được tín hiệu từ tổng đài, nghe mới lạnh lùng làm sao. Lòng lại thêm lo!
Sáng nay thức dậy sớm, cố gọi lại một lần nữa, chờ… có tín hiệu chờ…thế là có hy vọng rồi! Sao mình bi quan thế không biết! Chắc tại mình không phải người miền Tây, mình dân miền Đông mà! Khoảng 5 hồi chuông gì đó có người bắt máy. Đầu kia nhận ra mình nên hỏi ngay:
- Mỹ Hiền hả, khỏe không con?
Trời! Mình đang lo muốn chết, định hỏi ở dưới chú và dân mình có bình an không thì chú lại hỏi mình trước.
- Dạ, con vẫn khỏe. Chú khỏe không chú?
- Bình thường thôi con, mọi việc vẫn tốt!
- Mấy bữa nay đọc báo thấy ở dưới lũ quá trời, con lo quá nên gọi, không biết dân mình ở dưới có bị thiệt hại nặng không chú? Mà sao hôm qua con gọi chú không được, con lo quá trời!
Bên kia một giọng cười khà khà vang lên, nghe mới hiền hòa làm sao, đúng phong cách chú rồi.
- Hôm qua chú tắt máy con à!
- Sao vậy chú?
- Hà! Trưa hôm qua mấy đứa bạn rủ đi nhậu quá trời, chú từ chối mà sợ tụi nó réo nên chú tắt máy luôn!
Trời! Hết biết!
Lúc đó tự dưng tôi thấy vui vui trong bụng. Đúng nó rồi! Cái khí chất của người miền Tây đây rồi, tính cách mà dù chỉ một lần trong đời được biết cũng không thể không thương. Nghe chú nói tôi thấy vừa tiếu, vừa an dạ.
- Dạo này Hội mình vẫn sinh hoạt bình thường hả chú?
- Tốt chứ con, mọi việc vẫn bình ổn.
- Mấy tháng trước con có gởi xuống Hội mình bài viết về chú, chú đọc chưa?
- Có, chú đọc rồi! Nhưng đăng thì thủng thẳng. Vì không lẽ mình lại đi đăng bài khen mình con! (Cười)
Lại một giọng cười nữa vang lên, nghe thanh thản quá, không hề có cái bon chen thường thấy của những người ưa danh lợi. Nghe thương quá chừng!
Đúng như hồi nghiên cứu thơ đồng bằng tôi có nói, những nhà thơ đồng bằng không thích được chú ý, không có ý muốn được vinh danh. Nói chung, họ chỉ cần thỏa cái thú văn chương thôi, cần gì quảng cáo cho nhiều. Không cần bàn đến những việc khác, chỉ cái đó tôi cũng đủ làm người ta thương, thương cái chân tình, thiệt thà, vô tư, phóng khoáng… nói chung là thương… thương lắm.
Khi tôi hỏi sao ở An Giang mà chú không bị ảnh hưởng gì, chú cười hà hà rồi nói:
- Đó là chỉ những vùng sâu, vùng trũng thôi con. Chứ ở Long Xuyên hay Châu Đốc, vùng cao nên không ảnh hưởng gì hết. Tôi hỏi vậy có thiệt hại gì nhiều không, chú vẫn bình thản trả lời, chỉ hư lúa thôi con, chứ nhà cửa tài sản vẫn còn nguyên, không sao hết. Một phần vì những người dân ở đây quen rồi, một phần cũng có những khu dân cư cao, nên không thiệt hại nhiều.
Cái câu “chỉ hư lúa thôi con” nghe vừa thương, vừa xót trong lòng. Thử nghĩ người nông dân sống được là nhờ gì kia chứ? Nhờ lúa chứ nhờ gì! Vậy mà khi lũ đến thì bị thiệt hai hết cả một vụ mùa, mà một vụ thì cũng tốn kém không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc. Còn thương là thương cái lạc quan, thanh thản của họ. Không tính toán nhiều, dường như đối với họ, thiên nhiên là một người bạn tốt nhưng tính tình cũng hay thất thường. Lúc thì ưu đãi họ, nhưng cũng có khi quay mặt, làm bộ giận hờn. Nhưng vì họ biết, rồi người bạn đó cũng sẽ làm hòa với họ, lại mang về nhiều phù sa, nhiều ưu đãi khác...
Chú còn nói, lũ thì làm hại lúa thế, nhưng được cái mùa này nhiều cá lắm con. Nó theo nước đổ về. Nhất là lúc này là giữa mùa nước nổi, cá linh nhiều, bông điên điển cũng nhiều… Nói chung dường như không có gì làm khuất phục được sự lạc quan trong họ. Đó vừa là một trong những nguyên nhân gây ra những hệ lụy khác, nhưng đồng thời cũng là một điểm tích cực trong họ. Vì dù có khó khăn cách mấy cũng không làm mất đi niềm tin cùng sự lạc quan, vốn rất cần thiết trong cuộc sống.
Người miền Tây là vậy, có lẽ vì thế mà cho dù không phải người miền Tây, lại không có nhiều dịp về dưới nhưng trong lòng tôi không bao giờ nguôi nỗi nhớ niềm thương về những con người chân chất ấy. Cũng cầu mong cho “người bạn thiên nhiên” ấy mau hết “làm bộ” cho những người dân hiền lành ấy đỡ khổ!
N.H
PS: Không ngẫu nhiên mà Blog mang tên Hương phù sa. Hương phù sa được khai sinh từ nỗi niềm về một miền quê thân thương ấy. Tính đến hôm nay, Hương phù sa hoạt động được 1 tháng rưỡi. Kỷ niệm ngày Hương phù sa được con số đẹp: 1100 lượt xem, Nguyên Hậu xin tặng độc giả bài tản mạn về miền quê ấy: Miền Tây!
PS: Không ngẫu nhiên mà Blog mang tên Hương phù sa. Hương phù sa được khai sinh từ nỗi niềm về một miền quê thân thương ấy. Tính đến hôm nay, Hương phù sa hoạt động được 1 tháng rưỡi. Kỷ niệm ngày Hương phù sa được con số đẹp: 1100 lượt xem, Nguyên Hậu xin tặng độc giả bài tản mạn về miền quê ấy: Miền Tây!