“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

TẢN VĂN: KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ VỘI VÃ

Dạo này tự dưng thích ngao du trên mạng, đọc nhiều bài viết thuộc các thể loại khác nhau: thơ có, tản văn có, truyện có, thậm chí Kinh Phật cũng có. Mà đọc cái gì không quan trọng, quan trọng là khi đọc ta nhận ra được điều gì từ những trang viết đó.
Tôi thấy mình hợp với mấy trang tản văn, đọc xong như thấy người viết nói hộ mình những điều mình chưa kịp viết. Cũng có bài cung cấp cho ta những kiến thức rất cơ bản trong cuộc sống, chủ yếu qua cách cảm nhận của người viết nhưng như thế còn dễ thấm hơn mấy cuốn sách triết lý khô khan bán đầy ngoài nhà sách. Ngày xưa đọc sách là một thú chơi tao nhã, còn dạo này, không điều kiện đi mua sách, toàn ngồi trước máy tính nên thỉnh thoảng tự tặng cho mình những cuộc dạo chơi không kém phần lý thú. Lang thang trên mấy Blog của những người nổi tiếng cũng là cách làm giàu thêm vốn sống, vốn đọc của ta.
Mấy nay thấy lòng lắng lại, thấy cần tìm một chốn nào đó để nuôi dưỡng cái “tính bổn thiện” trong người. Vậy là lang thang trong mấy cái trang viết về tôn giáo. Tôi cũng chọn ra được hai trang (có link trên danh sách Blog). Mỗi người một cách nhìn nhận, nhưng với tôi, tôn giáo là chốn bình yên cần có của mỗi người. Nói như tác giả cuốn  “Tội ác và trừng phạt” là .người nào, nếu không tìm cho mình một đức tin sẽ rất dễ sa vào tội ác. Tôi cũng tin là thế!
Nhân đọc thấy có bài hay hay, đáng để ta nhìn nhận lại, và nếu làm theo được thì tốt biết mấy, nên trích lại cho mọi người cùng xem. 

Không có gì để vội vã
"Nói vội vã đưa ta đi tới đâu? Hành động vội vã đưa ta đi tới đâu? Suy nghĩ vội vã đưa ta đi tới đâu? Chúng đưa ta đi tới với sai lầm, với thất vọng và khổ đau. Chúng đưa ta đi tới với bệnh hoạn già nua và hủy diệt sự sống một cách nhanh chóng.
Sai lầm thì không có an toàn. Thất vọng thì không còn có niềm tin để sống. Khổ đau thì sự sống héo mòn, bệnh hoạn và nhanh chóng bị hủy diệt.
Tinh tấn trong Phật giáo không phải là vội vã, ngay cả vội vã chứng đạo, vội vã về Tịnh độ hay vội vã làm Phật. Tại sao? Vì đạo thì không có gì để vội vã; Tịnh độ là quê hương của chư Phật, được tạo nên từ những chất liệu của tâm thức không vội vã và đã là Phật thì không còn có bất cứ cái gì trước đó, sau đó và ngay đó để vội vã. Người nào có tinh tấn, người đó biết rất rõ trong đời sống của họ mỗi ngày cần phải làm gì và họ đã làm hết lòng với công việc đó trong mỗi ngày, nhưng không vội vã. Không vội vã không có nghĩa là chậm chạp. Hành động không vội vã, vì trong hành động ấy có chất liệu của tuệ giác. Hành động có tuệ giác là hành động trầm tĩnh, sắc bén, linh hoạt và sống động, nhưng hoàn toàn không vội vã.
Phật thì không còn vội vã, ngay cả vội vã truyền đạo và vội vã giúp người khác chứng đạo. Kinh Phật đã nói cho ta biết điều đó. Kinh nói rằng, sau khi đức Phật thành đạo, Ngài không có vội vã chuyển Pháp luân mà Ngài đã dành một thời gian khá lâu để chiêm nghiệm những gì Ngài mới chứng ngộ và sống với nó. Phật thì không còn bị giới hạn bởi không gian và không còn bị thời gian hủy diệt, nên đời sống của Ngài là sống mà không vội vã. Và Ngài đã đem đời sống không vội vã ấy để truyền dạy cho mọi người và hiến tặng cho hết thảy muôn loài. Các nhà bác học hiện đại cũng vậy, họ nghiên cứu và làm các công việc của họ không vội vã, và họ cũng không công bố những thành quả nghiên cứu của họ một cách vội vã. Họ đã đem cái không vội vã để học tập, để nghiên cứu và cái thành quả không vội vã ấy để hiến tặng cho đời.
Vậy, mục đích của chúng ta tu học là để làm gì? Là để có khả năng nói được những lời nói không vội vã; để có khả năng hành động không vội vã và để có khả năng tư duy không vội vã và quan trọng nhất là có khả năng sống không vội vã và đem chất liệu không vội vã đó để hiến tặng cho đời.
Nhờ có tư duy không vội vã, nên trong đời sống hàng ngày, ta không vội vã khen ai và cũng không vội vã chê ai; không vội vã theo ai và cũng vội vã chống đối ai; không vội vã ghét ai và cũng không vội vã thương ai; không vội vã kiêu hãnh và cũng không vội vã tự ty. Thương ai hay ghét ai trong vội vã ta sẽ ân hận; khen ai hay chê ai trong vội vã ta sẽ ân hận; theo ai hay chống đối ai trong vội vã ta sẽ ân hận; vội vã kiêu hành hay vội vã tự ty ta sẽ ân hận,… Sống không vội vã, ta sẽ lấy được những hạt giống ân hận ra khỏi tâm ta, ra khỏi nơi những lời nói và hành động của ta, và ra khỏi ngay nơi đời sống của ta.
Ở trong đời, ai sống với tâm không ân hận bởi những lời nói và bởi những hành động của mình, người đó có sức mạnh, người đó có khả năng tự tin, người đó có hạnh phúc và người đó là người thành công ngay trong cuộc sống này.
Trong mỗi ngày có hai mươi bốn tiếng đồng hồ, ta chỉ cần dành một giờ cho sự thực tập đời sống không vội vã. Nghĩa là ta thực tập đi không vội vã, ngồi không vội vã, đứng không vội vã, nằm không vội vã, ăn uống không vội vã, nói cười không vội vã, làm việc không vội vã, lái xe không vội vã, ngắm trăng sao, nghe chim hót hay nhìn những bông hoa nở với tâm hồn trầm tĩnh, không vội vã,… nghĩa là trong một ngày ta chỉ dành một giờ thực tập tiếp xúc mọi sự hiện hữu trong ta và chung quanh ta với tâm hồn tĩnh lặng, không vội vã.
Xã hội con người hiện nay, người ta làm bất cứ cái gì cũng vội vã, vội vã là một hình thức khác của hấp hối. Sống hấp hối, thì sự sống chẳng còn có gì thú vị nữa cả. Văn minh khoa học là để giúp đỡ cho con người sống không vội vã, không bận rộn với đời sống vật chất, nhưng do lòng tham của con người, nên họ đã biến mình trở thành đời sống hấp hối và trở thành những dụng cụ hấp hối của khoa học vật chất và phản bội những gì tốt đẹp mà họ đang có và phản bội những gì văn minh mà khoa học đang hiến tặng cho họ.
Thọ mạng của ta ngắn hay dài, an hay bất an, chúng hoàn toàn tùy thuộc vào tâm tĩnh lặng sâu hay cạn của ta. Tâm ta tĩnh lặng sâu, những hạt giống vội vã trong tâm ta không có điều kiện để hoạt khởi, khiến những mạch máu trong thân thể ta lưu thông tự nhiên, tim ta không bị những áp lực của lòng tham hay tâm sân hận, để phải co bóp vội vã, ấy là một trong những điều kiện giúp ta có một thân thể thanh thoát, nhẹ nhàng, ít bệnh hoạn và thọ mạng lâu dài.
Trong khi một xã hội con người đang hấp hối, không có được một giây phút nào cho tâm hồn tĩnh lặng, cho những hoạt động không vội vã, thì núi vẫn xanh, suối vẫn chảy reo mỗi ngày, không gian vẫn thênh thang và mây trời vẫn thong thả bay giữa không gian thênh thang ấy, muôn vật đang sống và làm việc với chính nó một cách trọn vẹn chẳng có gì vội vã cả và chỉ có con người sống với lòng tham nên vội vã mà thôi! Nhưng, thực ra khi một người biết sống hết lòng, thì ngay trong đời sống của con người, chẳng có cái gì để cho ta vội vã cả".
Thích Thái Hòa
Hy vọng  mọi người “không vội vã” lãng quên nếu có đọc qua bài này!
N.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...