“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

TẢN VĂN: TUẤN NGỌC - NGƯỜI GỞI LÁ TRONG TÔI

Tuấn Ngọc - người gởi lá trong tôi
Nguyên Hậu

Mỗi khi nghe Tuấn Ngọc hát, tôi như phiêu diêu trong một miền kỷ niệm, thật gần mà cũng thật xa. Cảm giác! Đó chỉ là cảm giác! Một thứ cảm giác lắng sâu, nhẹ nhàng, có thể khiến ta thỏa nguyện nhưng đồng thời cũng làm ta đau nhói trong lòng…  
 
Click  Tuấn Ngọc để nghe
Dòng nhạc mà ca sĩ này trình bày nghe xưa lắm, tôi không hiểu nhiều về âm nhạc nên cũng không biết nó là nhạc đỏ hay nhạc vàng… chỉ biết đó là dòng nhạc mang tâm thức của những người hơi … có tuổi. Vậy mà dòng nhạc ấy thì không có tuổi bao giờ. Như tôi, chỉ mới bước qua tuổi hai mươi mà cũng thích nghe, cũng đắm đuối trong những cung bậc trầm buồn, chậm chạp và ngân vang. Qua lời ca, điệu nhạc tôi tưởng đâu có chút lá vàng bay lãng đãng nơi chốn xưa kỷ niệm, một miền không quen nhưng thành ra thân thuộc đối với chúng ta, những người trót vương nghiệp đa cảm.
Mỗi lần nghe Tuấn Ngọc trình bày, tôi lại  nhớ lắm cái quán café ở Tiền Giang. Quán nhìn ra ngã ba sông Tiền, hơi cổ kính (tôi có cảm giác đây là chút tàn tích còn sót lại của quá khứ, không biết bao lâu nữa nó cũng sẽ khuất phục trước sức tàn phá của thời gian, hay không chống cự nỗi với thị hiếu thẩm mĩ rất thời đại hiện nay). Quán như chứng nhân của những thăng trầm mà lịch sử và xã hội để lai trên mảnh đất này, và theo thôi vốn dĩ đã rất hợp với dòng nhạc mà ca sĩ này trình bày.
 Tôi được dịp ghé lại quán ba lần, may mắn thay lần nào cũng được anh quản lý mở những bản nhạc do ca sĩ này trình bày. Nên mỗi lần trở lại không hề thấy xa lạ, mà gieo trong lòng cảm giác thân quen, những ký ức buồn theo gió trên mặt nước sông Tiền ùa tới. Tiền Giang, không phải quê tôi, biết quán cũng trong một dịp tình cờ mà như có món nợ, cứ mỗi lần ra về tôi không bao giờ dám hứa ngày trở lại, nhưng khi về Sài Gòn lại có tâm thức muốn tìm về vào một ngày không xa. Vậy đấy, nhờ thế mà cũng có duyên hội ngộ 3 đến lần. Ông bà thường nói “nhất hóa tam”, nghĩa là một việc gì cũng chỉ ba lần là hết cỡ. Tôi không tin điều đó lại ứng trong chuyện này, nhưng trong lòng lại dâng lên chút sợ hãi… sợ không có dịp về dưới, ngồi ngắm mặt sông Tiền, tận hưởng làn hơi nước phả vào mặt mang theo cả mùi phù sa tanh tanh, nồng nồng khó thể nào quên… Hay sợ bao năm nữa dẫu có trở về thì quán cũ có còn chăng?
Sau một tuần làm việc, chen chân chốn thị thành, không còn thời gian ghé chân vào những quán café nhạc Trịnh, cứ chủ nhật về Bình Dương, sau khi thức dậy và có một bữa ăn sáng đạm bạc, tôi lại tự tặng cho mình một cốc café, ngồi một góc lặng (thường là căn phòng của mình ) rồi mở lên những bản nhạc hoặc của Trịnh, hoặc của Tuấn Ngọc trình bày. Và tôi cho đó là sự hưởng thụ lành mạnh, cái thú thanh tao của những người học văn và biết thưởng thức như tôi. Nghe nhạc đôi khi là thư giãn, nhưng có lúc ta cố tình vin vào nó để tìm lại những ký ức thất lạc trong hồn mình. Thông thường khi nghe những loại nhạc như thế, tôi chỉ ngồi lặng một mình, bởi nó không phải là loại nhạc nghe để thay thế hay loại bỏ những u sầu, tất bật. Nghe nhạc là một cách để tìm lại hồn mình, cái hồn có khi chật kín đến không còn chỗ cho một cơn gió len vào, đôi khi lại trống trải đến phong phanh mọi phía…

N.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...