Phần 1:
Nguyên Hậu
Nói về tuổi thơ, nhiều người nói với tôi rằng có viết thành một tập truyện cũng không kể hết. Tôi cho rằng đó là những người hạnh phúc nhất trong những người không mấy hạnh phúc khi không có gì của tuổi thơ đọng thành hình. Nói như vậy bởi dạo này tôi hay làm một điều “dở hơi” của những kẻ không có gì làm, đó là nghe người khác kể về tuổi thơ của mình. Có người khi nghe tôi nhắc đến là kể một mạch, rất vui, rất dí dỏm, dù là chuyện vui hay buồn, sung sướng hay vất vả. Bởi đó là những chuyện đã qua và trở thành ký ức. Và ký ức thì luôn đẹp, luôn đáng nhớ nếu chúng ta biết trân trọng.
Nhiều người sẽ hỏi tại sao tôi làm chuyện “rảnh rỗi” đó. Tôi chỉ lẳng lặng cười, bởi tôi biết, nếu nói ra chắc nhiều người sẽ cho là tôi không thật lòng. Ấy vậy mà có một chuyện thật lòng là: tôi đang đi tìm lại tuổi thơ của mình qua những câu chuyện tuổi thơ của người khác…
Nhiều khi ngồi một mình,tôi thử nghĩ xem tuổi thơ của mình có gì để kể không, và câu trả lời sau nhiều giờ tra vấn đầu óc là: dường như không!
Thật ra cái để nhớ thì nhiều lắm, nhưng nó cũng giống như một tờ giấy vậy, bằng phẳng, không gay góc, không biến cố, chỉ lặng lẽ như cơn gió mà thôi. Cái mà trong quá khứ mình hay nghĩ là bình yên thì bây giờ không có gì để kể. Nó giống như một mặt hồ phẳng lặng, không có những lớp sóng, không có biến động và đương nhiên cũng không có bão tố.
Và nói thật, nếu ai cảm thấy cuộc sống của mình chẳng có gì để kể thì người đó quả là bất hạnh nếu theo nghiệp văn chương. Vì người ta nói những người hoạt động văn chương hay những nghề gì đó liên quan đến văn hóa xã hội thì phải có vốn sống, phải chứa trong bụng một bầu chuyện để hễ cần thì dẫn chứng, để đút kết kinh nghiệm… những cái đó nói cho đúng ngôn ngữ văn chương là sự trải nghiệm. Nhưng từ nhỏ đến giờ, hễ đứa bạn nào chơi thân với tôi cũng hay nói tôi “hậu đậu” vì một lẽ: vốn sống ít quá! Đến mức hai mươi tuổi, làm sinh viên bước ra đời, thấy cái gì cũng lạ lẫm!
Nói điều này không biết có ai phản bác không, chứ thật ra tôi thấy mình là một trong những người bất hạnh theo đúng nghĩa trong mảng đó. Nhắc về tuổi thơ, mỗi lần ngồi chung với đám bạn, nghe chúng nó kể cho nhau nghe một cách hồn nhiên mà thích thú vô cùng. Đến lượt mình thì không có gì để kể, không phải tôi giấu đâu mà nói thật, tuổi thơ tôi không có những câu chuyện, không có những kỷ niệm nào thành hình cho rõ nét.
Nói chuyện này làm tôi dễ liên tưởng đến cuộc sống của hai chị em trong truyện “Tỏa Nhị Kiều” của Xuân Diệu. Cuộc sống cứ thế trôi qua, không có một biến cố, không chút cá tính, không chút sự kiện gì liên quan đến họ, đến nỗi cuộc đời cứ nhàn nhạt, hai chị em như hai giọt mực, như hai hạt cơm…
Câu chuyện này, kể ra đây mới thật đau lòng! Mấy hôm trước về nhà, đứa cháu cầm con diều mới mua lại bảo Dì út thả cho con xem. Lúc đó mình mới ngỡ ngàng nhận ra, hồi nhỏ mình đâu có chơi thả diều, thậm chí không được cầm lấy con diều thì lấy đâu ra biết cách thả diều. Dù rất cố gắng, tôi cầm sợi dây giật giật một hồi, con diều không bay lên mà cứ chúi xuống. Đứa cháu giận quá chạy ra xách con diều đi vô, nói thôi, để lát ba con về thả… tự dưng thấy buồn buồn trong lòng. Không phải tôi buồn vì đứa cháu giận mình, mà vì ngay chính lúc đó tôi mới chợt nghĩ ra, à, thì ra tuổi thơ của mình thiếu vắng những con diều. Chưa hết, tất cả những trò chơi mà con nít trong xóm tôi, đứa nào còn nhỏ cũng chơi nhưng tôi thì không, chẳng hạn như bắn bi, chơi lò cò, nhảy dây (cái này có chút ít vì nằm trong môn thể dục), đánh banh đũa, chơi ô quan, bắn thun…. Thậm chí tắm sông, bơi lội… tất cả những điều đó tôi biết qua những đứa bạn chứ cũng chưa bao giờ được tham gia. Mà cũng lạ, không hiểu tại sao hồi đó, tôi không cảm thấy ham muốn được tham gia vào những trò chơi đó.
Nguyên nhân của những điều đó có hai lý do cố hữu, thậm chí bây giờ tôi vẫn còn vướng. Đầu tiên là tình trạng sức khỏe, mà hình như cái này quan trọng nhất. Mẹ tôi không bao giờ cho tôi tham gia những trò chơi vận động bên ngoài vì một lý do duy nhất: sợ tôi bệnh! Còn những trò chơi nhẹ nhàng như những đứa con gái thường chơi thì tôi cũng không chơi, vì … không có người chơi cùng. Mấy chị tôi lúc đó, cứ mỗi người cách nhau 5 tuổi, nghĩa là chị lớn nhất cách tôi tới 10 tuổi, qua rồi cái thời “ăn chơi”, ai cũng lo học, không bao giờ có thời gian để ý tới việc sẽ chơi cùng tôi. Những đứa trẻ trong xóm cũng không bao giờ dám rủ tôi chơi cùng, tôi cũng không hiểu sao nhưng dường như giữa tôi và họ có một khoảng cách rất lạ...
Mọi chuyện cứ đều đều trôi qua, và dường như trở thành thói quen, tôi không có nhu cầu đòi hỏi mình được tham gia vào những trò đó. Tuổi thơ tôi chỉ có một việc duy nhất, ngày hai buổi đến trường, tối về học bài và đọc sách! Cho nên kỷ niệm nhiều nhất vẫn là những chuyện liên quan đến việc học. Mà việc học lúc đó cũng bình thường, không có gì thăng trầm hơn việc mỗi ngày phải học thuộc bài, phải làm đủ các bài tập từ trong sách giáo khoa đến sách nâng cao. Và niềm vui trẻ nhỏ cũng chỉ gói gọn trong việc học, những chuyện đại khái như mỗi học kỳ được xếp hạng cao nhất lớp, được một phần thưởng ở trường và một phần thưởng ở nhà. Và trong đó cũng đan xen những việc nho nhỏ như những lần tôi nhập viện, bỏ học mấy tuần và sau đó phải cắm đầu học cho kịp bạn bè. Mẹ thường than phiền sức khỏe tôi không tốt, ở nhà chỉ có tôi là hay bệnh, nhẹ thì uống thuốc triền miên, còn nặng thì phải nhập viện. Cái này đối với ai thì kinh hoàng, chứ tôi thì … riết cũng quen. Nhập viện, khám bệnh như đi mua thức ăn hàng ngày nên quen cả với tính cách của bác sĩ. Đến mức hồi học cấp 3 từng có ý định thi vào ĐH Y Dược… nhưng vỡ mộng tan tành lúc nào không hay biết (chắc tại cái nghiệp văn chương nó lôi kéo)!
Bởi thế nên 12 năm đi học là 12 năm những điệp khúc đó lặp lại, cũng có thăng có trầm nhưng làm sao thú bằng những trò nghịch ngợm tuổi nhỏ. Và hơn nữa, những cái đó chỉ có thể đo lường kiến thức khoa học, chứ vốn sống, cái trực tiếp tác động đến cuộc sống của mình sau này thì có thấm tháp vào đâu. Và quan trọng hơn hết, cái mà tuổi thơ cần là một chế độ cân bằng giữa gia đình, trường học và xã hội. Và trò chơi tuổi thơ chính là cái xã hội thu nhỏ và an toàn nhất để các em được trải mình và đóng vai trong đó. Đến bây giờ tôi mới nhận ra, điều đó cần thiết vô cùng. Bởi nó giống như lớp phù sa, bồi tụ cho tâm hồn mình phong phú hơn, giàu có hơn. Vốn sống trong cuộc đời này có được từ những điều rất nhỏ như thế!
Sống trên đời hai mươi mấy năm thì có hết gần ấy năm không biết mặt cuộc đời. Bởi thế cô bé không mấy ngây thơ vừa bước vào đời đã nhận ra bao điều lạ lẫm. Đôi mắt ấy thấy cái gì cũng hay, cũng mới, cũng thú vị.!
Vừa rồi có nói chuyện với một người bạn, mình chỉ gợi thôi vậy mà bạn ngồi kể với mình mấy tiếng đồng hồ không hết chuyện, vui có, buồn có, nhưng tất cả khi đã qua đi thì chuyện vui hay buồn cũng không quan trọng nữa, quan trọng là những mảnh ký ức trong tâm hồn mình. Từ nhỏ, và cho tận bây giờ, tôi vẫn thích nghe ba mẹ và hai chị kể về những kỷ niệm thời ấu thơ của họ. Và tôi bỗng nhận ra, dường như những tuổi thơ cơ cực thường có nhiều câu chuyện thú vị để nhớ hơn. Mỗi lần được nghe những câu chuyện đó, tôi thường rươm rướm nước mắt, thương cho những người trong câu chuyện, nhưng đồng thời cũng thấy vui cho họ trong hiện tại, vì tâm hồn họ là chiếc tủ cất giấu nhiều bí mật của tuổi thơ, thứ mà tôi dù cố kiếm tìm, chắt mót cũng không gom lại được bao nhiêu trong quãng đời đã qua của mình…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.