Nguyên Hậu
Giờ đang là mùa sapoche (Tiền Giang) |
Ngày trước, mỗi lần về miền Tây là một cái gì đau nghẹn trong tôi, không có chuyến đi nào cả đi và về tôi không rớt nước mắt. Chắc tôi cũng nhiều lần nhắc đến, cơ duyên bắt đầu từ chuyến đi thực tế của khoa vào năm tôi học đại học năm thứ ba. Lần đó về Bến Tre, sưu tầm văn học dân gian, cũng là lần đầu tiên trong đời tôi bước chân về miền tây, một nơi mà từ nhỏ tôi vẫn thường tưởng tượng trong những bài làm văn mướt rượt, chan chứa những cảnh, những tình. Nhưng đó chỉ là tưởng tượng! Dù chưa một lần đặt chân xuống nhưng trong đầu tôi đã hình thành biết bao nhiêu điều để nói, để tả, nhất là những bài văn viết về làng quê, đồng lúa. Chưa một lần đến miền yên ả, trù phú mà đã thấy thương lẫn sợ. Sợ gì? Ai nghe tôi nói xong cũng cười, sợ … nước!
Từ nhỏ đến giờ tôi có biết bơi đâu, nên nghe chỗ nào có nước là sợ! Lần đó nghe nói sẽ về Bến Tre thực tập, tôi thì thấp thỏm đợi chờ còn ba mẹ tôi thì thấp thỏm … lo âu. Cái lo bắt đầu từ việc sợ tôi “chết đuối”, nhưng không biết có liên quan gì đến “món nợ” của tôi sau này không. Ba mẹ thường có những linh cảm về đứa con của mình mà! Tôi thường nghĩ vậy!
Và sự thật là, sau chuyến đi định mệnh đó, trong lòng tôi đã có chút gì vương vấn lạ. Nó không thành hình, nhưng ngày đêm cứ cào cấu lòng tôi. Nhiều đêm ở KTX, từ ban công nhìn ra khoảng đồng xa xa (thật ra là đồng cỏ), có thứ gì thắt nghẹn và thúc giục tôi trở về miền đất ấy. Tôi quyết tâm lấy “cớ” trở về bằng một công trình nghiên cứu, hơi mạo hiểm nhưng vô cùng hấp dẫn (trước giờ chưa ai nghĩ đến), tôi nghiên cứu về thơ đương đại đồng bằng sông Cửu Long. Đề tài được duyệt lòng tôi mừng khôn tả. Vậy là có dịp trở về, nói chuyện với bà con và làm chút gì cho nơi ấy.
Sở dĩ tôi chọn thơ đương đại cũng có lý do, vì tôi không thích chỉ nhìn ngắm những gì đã nằm trên trang giấy hay qua lời kể về những gì đã qua. Tôi muốn về những làng quê, nơi đó có những con người “miền Tây” sống động để tôi trò chuyện, tìm hiểu. Bởi họ là những con người đã và đang sống, đang gởi vào thơ tất cả những niềm thương, nỗi nhớ, những xúc cảm của lòng mình để tạo thành những câu thơ mộc mạc - mộc mạc như chính con người họ. Thơ họ mới đọc vào thì mộc mạc lắm, tưởng như điều ai cũng có thể nói được, cảm được, viết được. Nhưng có nói chuyện, có nghe họ ngâm thơ mới thấy hết cái tình, cái nợ đầm sâu đối với mảnh đất này. Với tôi, những câu thơ ấy không “hời hợt” bao giờ. Bởi không thể có chuẩn nào để cân đong đo đếm tình cảm con người, tất cả chỉ để cảm mà thôi.
Có nhiều cách để xét một bài thơ hay, dở. Với tôi, thơ hay là những vần thơ có sức ám ảnh dai dẳng, thơ gần như chạm được với cội nguồn tâm linh người đọc!
Từ khi làm đề tài tới lúc có kết quả (đề tài được giải nhất NCKH cấp trường và giải khuyến khích cấp Bộ), tôi trở về nơi ấy không biết bao nhiêu lần. Nhiều nhất là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, còn những nơi khác, mỗi tỉnh chỉ đến một lần. Mấy lần sau có đi tôi cũng chỉ đi đến những nơi có di tích hay địa danh gì đó đặc biệt chứ không “đi chỉ để đi” như những lần đầu, vì mấy tỉnh miền Tây, đặc điểm địa lý – văn hóa tương đối giống nhau.
Dạo này mỗi lần đi miền tây, tôi không còn thấy lo như trước, nếu thích thì bắt xe về, mỗi lần đi, cho dù là điểm cũ cũng không bao giờ thấy chán, mỗi lần đến là một khám phá mới, không bao giờ chuyến đi là dư thừa. Đặc biệt là mấy lần gần đây mỗi lần trở về, tôi thấy như về lại ngôi nhà của mình, có cái gì thân quen, không quá lạ lẫm, không còn cảm giác đặc biệt như trước, giống như đứa con dù có đi đâu xa, một ngày nào đó cũng quay về, và đó là ngôi nhà của mình, quê hương mình.
Ngày trước mỗi lần chuẩn bị về tỉnh, tôi mất ngủ đến mấy đêm, nào là lo đường dài, lo nắng mưa, và đặc biệt là một cảm xúc rất khó tả, rất đặc biệt, buồn vui lẫn lộn. Nhưng có lẽ buồn nhiều hơn, mỗi khi nhắc về miền quê ấy. Nó cứ gieo vào lòng một nỗi niềm, như đứa con bất hiếu … lỡ xa quê. Dạt dào nhất trong tôi là cảm giác “mắc nợ”, như nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều từng nói “mắc nợ đồng bằng”. Nhưng Huỳnh Thúy Kiều có đồng bằng để nhớ, có những ký ức đồng bằng để “mắc nợ”, còn tôi, nghĩ lại, thấy chẳng có gì nhưng lại có cảm giác “chung thân” với miền quê ấy. Nói ra ai cũng lắc đầu, cho rằng tôi … lạ!
Vừa rồi về Mỹ Tho, được ngồi trên chiếc xuồng du lịch (vì không có xuồng ba lá) chồng chềnh theo con nước (nhưng có người chèo, tôi chỉ chèo phụ họa), thấy thích làm sao. Len lỏi chiếc xuồng qua những khúc quanh của con rạch nhỏ, nghe mùi phù sa phả vào mặt, tôi có cảm giác giống như đứa con đang đói bụng mà nghe mùi khói bếp lẫn mùi cơm sôi mẹ nấu ở chái bếp sau hè. Thấy đủ đầy tình yêu trong từng hơi thở, thấy dường như cuộc đời thế là đủ… Cảm giác đó còn đọng mãi trong tôi, biết đến bao giờ thay đổi…!
Không biết tôi có duyên quen với những người tử tế hay sao mà lần nào về miền tây, nhìn đâu đâu, ai ai cũng thấy như ở nhà mình, là người thân của mình. Nhìn cái cách họ đón tiếp như con cháu trong nhà, để rồi lần nào quay lưng trở về thành phố cũng thấy dường như bỏ sót một mảnh hồn nơi đó, không thể không trở lại.
Thế mới biết hiểu tại sao trong thơ đồng bằng, chất tình lúc nào cũng chan chứa, đầm sâu, mà nhiều người không quen cho là … sến. Cái sến muốn chắt ra thành nước mắt, cái sến như lớp phù sa cứ bám chặt trong lòng, làm tôi cũng yêu lắm cái sến đó, sến ơi!
Nhân dịp dầu năm lì xì mọi người vài tấm hình "về miền tây" (chưa công bố bao giờ!)
Tuy không được đi xuồng ba lá nhưng vẫn thích |
Cầu Rạch Miễu khi đi trên cầu |
Về miền Tây xem đờn ca tài tử |
Về miền Tây thích nhất ... uống nước dừa |
ăn vú sữa (Tiền Giang) |
Và ... bánh đúc chuối miền Tây |
Thêm tô hủ tiếu chay (Tiền Giang) |
Ngắm cảnh hoàng hôn trên sông nước |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.