“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2023

"Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca..."

 Nguyên Hậu

Tôi không phải là người “xa xứ”, nhưng mỗi năm đến Tết Nguyên đán – Tết của người Việt tôi lại thích nghe lại bài hát này của nhạc sĩ Võ Đông Điền. Không chỉ nghe để tận hưởng nét hồn hậu, quyến rũ của ca từ mà nghe để một lần nữa thưởng thức trọn vẹn cái Tết của quê hương, dân tộc mình. Yêu bài hát, tôi yêu luôn cả người sáng tác, yêu tấm lòng của người nhạc sĩ dân tộc dành cho những người đang ở xa quê.

Tết của người Việt không chỉ là dịp để mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi sau những tháng ngày làm việc vất vả, mà đó còn là dịp để hướng về nguồn cội. Một năm vất vả mưu sinh, dẫu có đi đâu xa mấy, dài mấy cũng không thấy nhớ quê, nhớ nhà. Nhưng mỗi khi Tết đến, hai chữ  “cội nguồn” cứ nhắc nhớ trong lòng, là sợi dây vô hình níu con người ta trở về quê hương, xứ sở, trở về với những giá trị thiêng liêng của mỗi người con, mỗi gia đình Việt.

(Ảnh: Internet)

Nhạc sĩ Võ Đông Điền là một người con của miền đất Thủ. Sinh ra, lớn lên, và có lẽ ông sẽ gắn bó trọn cuộc đời mình với miền đất ấy. Ông chưa bao giờ phải nếm trải cái cảnh xa quê hương. Vậy mà những ca từ ông viết ra sao mà chân thực, thiết tha đến lạ. Nó nói hộ hết cả nỗi niềm và cái bâng khuâng của những người con xa xứ. Phải yêu quê, yêu người lắm ông mới có thể viết ra được những tâm tình như vậy.

Bài ca được viết ra vốn để dành cho mọi người, nhưng trong cảm nhận của tôi, dường như tiếng hát ấy, lời ca ấy, chân tình ấy ông muốn dành cho những người con xa quê hương, cái quê hương rộng lớn của cả dân tộc này vậy. Bởi nếu ai đó dù đón Tết xa nhà, hay không có điều kiện về quê ăn Tết, nhưng nếu vẫn còn ở đâu đó trên dải đất hình chữ S này, dù là Bắc hay Nam, miền Đông hay miền Tây cũng đều có thể cảm nhận được không khí rộn rã, náo nức và cái ấm áp lan tỏa từ mỗi nếp nhà, mỗi tâm hồn Việt. Còn đối với những người đang sống và làm việc ở nước ngoài, dù có những khu dành cho người Việt, dù người ta có tổ chức đón Tết Âm lịch bằng cách này hay cách khác cũng không thể cảm nhận được trọn vẹn không khí Tết như ở quê nhà. Một người bạn từng kể cho tôi nghe cái cảm nhận đầu tiên khi đón Tết xa quê hương rằng, mỗi lần đến Tết của người Việt, họ nhớ rất nhiều thứ. Nhớ mùi nhang thơm đốt trên bàn thờ ông bà 3 ngày tết, nhớ cành mai phương Nam, nhớ  tiếng còi xe nhộn nhịp của khu chợ những ngày giáp Tết. Nhưng nhớ nhất có lẽ là nồi bánh tét chiều 30. Nấu bánh không chỉ là sinh hoạt đặc trưng ngày Tết ở Việt Nam mà đó còn là biểu tượng của sự sum họp. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, mỗi lần gói bánh, mẹ thường cho mấy chị em tôi mỗi người tự gói một chiếc bánh của mình. Đương nhiên chiếc bánh đó sẽ không đẹp, mà thường meo méo, nhỏ nhắn dễ thương. Đó cũng là món quà cho những đứa nhỏ chúng tôi khi thức chụm lửa bánh đến khuya, nếu đói thì có thể ăn liền. Viết đến đây, tôi lại nghĩ, nếu ai đã từng có những kỷ niệm đó, chắc chắn cũng đang hình dung ra biết bao điều…

Tha hương, có người sợ nỗi nhớ đến mức không dám bước chân ra chợ (những khu chợ người Việt ở nước ngoài) hoặc nghe lại bất cứ bài hát nào mang âm hưởng dân ca. Vì dân ca vốn là “đặc sản” về âm nhạc của một dân tộc, nó sẽ gợi lại hình ảnh quê nhà. Rồi nỗi nhớ cứ thế lớn lên, tràn ra … không gì chứa hết. Ngược lại, cũng có những người phải bận việc mưu sinh, cứ hối hả chạy theo cái Dương lịch mà không còn thời gian để nhớ Tết. Những lúc như vậy, một khúc dân ca đâu đó cất lên chắc chắn sẽ “mang xuân về” trong lòng họ, dù chỉ trong khoảnh khắc.

Sống, trải nghiệm và cảm nhận bằng trái tim của người nghệ sĩ, nhạc sĩ Võ Đông Điền thấu hiểu nỗi lòng của những người con “tha hương”. Qua ca khúc, ông đã gợi lại cho chúng ta bao hình ảnh đẹp gắn liền với vùng đất nông nghiệp này. Nào là phù sa, là dòng sông, là vườn cau, luống hoa, là hương bưởi, hương dừa, là đêm trăng tát nước … Được trở về với những hình ảnh ấy, lòng ta như được tiếp thêm nhựa sống, được hòa mình vào mạch nguồn thiêng liêng của tâm thức dân tộc.

Cái hay ở đây là tác giả đã đặt mình trong hoàn cảnh những người xa quê để cảm nhận và sáng tác. Dường như ông đã phân thân, một nửa xa quê, một nửa ở quê nhà. Chính vì vậy mà bài ca kết hợp cả hai cung bậc, hai dòng cảm xúc. Nhạc sĩ vừa là người thưởng thức cái cảm giác “ấm lòng” từ khúc dân ca, lại vừa lan tỏa hơi ấm đó cho những người xa quê qua ca khúc của mình. Vì thế bài hát không đơn thuần là một lời ca xuân, mà đó còn là món quà Tết ý nghĩa mà nhạc sĩ Võ Đông Điền dành tặng cho những người con không được tận hưởng cái Tết nơi quê nhà.


Tết 2015

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Tháng 6 đôi chân trần

Nguyên Hậu


Tháng 6 đôi chân trần
Em đi lên đồi cao
Thả hồn bay theo gió
 Hương ngát trái tim hồng

Tháng 6 đôi chân trần
Em phập phồng mơ ước
Bông hoa còn nở muộn
Đón ánh nắng yêu thương

Tháng 6 đôi chân trần
Em không còn bé dại
Ngước mắt nhìn xa tít
Bóng nắng vờn trên không

Tháng 6 chân em bước
Trên thảm cỏ rờn xanh
Tựa lòng về nơi cũ
Thấp thoáng chiều lung linh…


1.6.2017

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

Tình gió

Nguyên Hậu

Gió muốn nói gì với em mà ghé vào tai em sát thế
chắc gió muốn gọi em về
để yêu thương



Gió thổi bung làn tóc em
ngày hôm qua còn tung xõa trên ngực anh
thơm mùi dạ thảo
gió nép mình vào đôi má
còn ướt dấu môi mỗi chiều em hò hẹn
mơn trớn lau khô

gió lướt trên môi em,
chạm vào kẽ răng buông buốt
đôi môi khô khốc, nhạt vết son hồng
chiều qua

gió nâng em lên, thốc chiếc váy vàng hoe màu bông cải
chiếc nơ anh thắt sau lưng em tung bay trong gió
em ngửa mình
gió thơm
trên mình gió còn in màu đôi mắt anh
nhìn em xoi xói
đôi vai trần trắng nõn
ngập dấu yêu thương

gió hát bài ca đưa em vào giấc ngủ
trên đôi tay,
một bên là anh, một bên là gió
gió nhẹ nhàng, còn anh thì mạnh bạo
nhưng em không cưỡng được gió
nửa mảnh hồn

em để gió mang đi

N.H

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

thoảng

Nguyên Hậu

Bài thơ cuộc đời dù dài cũng không bằng một cái giật mình


Khoảng trời em
miên man mây và gió
tiếng côn trùng
bóng đêm bất tận
men rượu

tình

Một mình đêm
nằm nghe tiếng thở dài
thời gian thơm mùi nguyệt quế
lan tỏa nụ cười trăng
lung linh
tinh khiết

Qua cơn mê
tiếng đập cánh của loài chim đêm làm em thức giấc
vũ trụ gọi em về
say ướp hương đêm

N.H






Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Bình mai ngày Tết


Nguyên Hậu

Năm nào cũng vậy, sau khi dọn dẹp nhà cửa, cúng rước ông bà xong, công việc cuối cùng của ba mẹ tôi trong ngày cuối năm là chưng một bình hoa mai lên bàn thờ ông bà. Ở miền Nam từ trước đến nay vẫn có tục chưng mai này. Nó vừa thể hiện đặc trưng vùng miền, vừa có ý nghĩa như một sự mong cầu may mắn nhân dịp đầu năm. Đối với gia đình tôi, việc chưng hoa mai trên bàn thờ ông bà trong dịp Tết có gì đó gần như một nghi lễ, vì vừa thể hiện sự tôn nghiêm thờ kính của con cháu đối với ông bà, vừa là một nét đẹp tinh thần trong sự thưởng thức không khí Tết cổ truyền của dân tộc.
Xuân về, trong tiết trời trong veo vừa ấm áp vừa còn chút lành lạnh của ngày đông còn sót lại mà được thưởng thức hương vị ngày Tết qua vẻ đẹp của những loài hoa thì còn gì thú bằng. Người Việt dù quanh năm có bận rộn đến đâu thì mỗi khi Tết đến, họ cũng dành thời gian cho việc trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đón một cái Tết thật thiêng liêng và ý nghĩa. Những ngày cuối cùng của tháng Chạp, bên cạnh việc thu xếp công việc, ai cũng muốn chuẩn bị những chậu hoa thật đẹp, đầy đủ sắc màu đặt trước hiên nhà để làm tăng vẻ đẹp và tạo không khí Tết cho gia đình. Ba tôi cũng vậy. Ba thích chơi hoa, đặc biệt là trong dịp Tết, nên việc trồng hoa đã được ba bắt tay vào chuẩn bị từ tháng 10 Âm lịch. Ba trồng nào là hoa mồng gà, nào là hoa cúc vạn thọ để Tết đến vừa có hoa trước sân, vừa có hoa cúng trong nhà, vừa để có thêm không khí Tết. Và đó dường như cũng là thú vui chung của cánh đàn ông khi Tết đến xuân về trong khi cánh phụ nữ thì lo việc bếp núc, chuẩn bị những món ăn đặt trưng ngày Tết. Hầu hết những ngôi nhà trong xóm tôi cũng vậy, dù công việc tất bật đến đâu, chỉ cần thấy mọi người náo nức trồng hoa là thấy cái Tết đã đến gần.
Trong các loại hoa ngày Tết, ba tôi thích nhất là hoa mai. Ba thích hoa mai không chỉ vì sắc màu rực rỡ của nó, mà còn tìm thấy ở cây mai một cốt cách, một nét đẹp mang ý nghĩa nhân sinh. Mấy ngày Tết, dù trong nhà có  nhiều loại hoa, nào trưng bày, nào cúng kiến ở nhiều chỗ khác nhau, nhưng không bao giờ thiếu được bình hoa mai chưng ở bàn thờ ông bà.
Nói tới chuyện chưng mai ngày Tết ở nhà tôi cũng có chút đặc biệt. Thông thường mẹ tôi chỉ chuyên công việc bếp núc. Ba mới là người lo sắp đặt, chưng dọn, thờ cúng. Vậy mà riêng việc chưng hoa mai ngày Tết là ba nhường cho mẹ tôi thực hiện. Ba chỉ giúp mẹ công đoạn cắt cành và thui gốc để giữ nụ và hoa tươi lâu trong ba ngày Tết.
Mới nghe qua tưởng cái công đoạn của ba thiệt dễ. Vậy chứ kỳ công lắm. Vì ba là người trực tiếp chăm sóc cây mai từ lúc nó bắt đầu trổ nụ. Ba có chế độ chăm sóc riêng cho từng cây mai, và tỉ mỉ hơn là từng nhánh mai. Cũng như mọi người, ba tôi thường lặt lá mai vào khoảng rằm tháng Chạp. Những cây mai sau một năm dài hấp thụ dưỡng chất tự nhiên, hấp thụ khí trời tươi mát những ngày cuối năm, đến tháng Chạp trên cành đã đầy những nụ. Ngày trước, khi còn đi học, mỗi lần thấy ba bắt cái ghế đẩu ra trước sân lặt những chiếc lá mai là trong lòng tôi khấp khởi vì biết sắp được nghỉ Tết. Nó trở thành một thông lệ, đồng thời mang lại một chút cảm nhận riêng trong lòng tôi. Ba trồng nhiều loại mai, có mai thường và cũng có mai ghép nhiều cánh, nhiều màu. Nhưng tôi thấy ba đặc biệt chăm sóc cây mai sẻ trước nhà. Nếu tính theo độ tuổi thì chắc nó hơn cả tuổi tôi, vì từ lúc nhỏ khi vui chơi trước nhà, tôi đã thấy cây mai đứng đó rồi. Ba tôi thích cây mai này vì nó thường cho hoa đầy cành và nở theo mùa một cách tự nhiên. Tuy nhiên, ba cũng đặc biệt chăm sóc vì nó sẽ cho ba những cành mai đẹp để chưng trên bàn thờ ông bà ba ngày Tết. Tôi để ý thấy ba không lặt lá một lượt mà tùy vào độ lớn nhanh, chậm của nụ trên cành mà ba sẽ chọn ngày lặt lá sớm hay muộn. Rồi nhìn cách ba tưới nước cho nó mỗi ngày mà thấy cả một quá trình chăm chút, kỹ lưỡng. Tuy ba không trực tiếp chưng hoa, nhưng lúc mẹ tôi làm ông thường đi qua đi lại, ngắm nghía rồi tư vấn, coi cách đặt nhánh mai như vậy có xứng hay chưa. Rồi sửa đi sửa lại cho đến khi cả hai ưng ý mới thôi. Mấy chị em tôi thường nói đùa, ba mẹ là “cặp đôi hoàn hảo”.
Từ lúc nhỏ, chị em tôi đã thích quây quần ngắm ba mẹ chưng hoa mai ngày Tết. Đầu tiên, ba mang từ trong tủ thờ ra một chiếc bình rất đẹp, có hoa văn là một bức tranh thủy mặc bằng mực tàu. Đó là một chiếc bình cổ, chỉ dùng chưng hoa mai ngày Tết chứ bình thường không bao giờ dùng. Tôi không “có mắt” nhìn đồ cổ, nhưng tôi biết ba mẹ rất trân trọng chiếc bình hoa này, một phần vì nó là kỷ vật của ông bà ngoại tặng lúc ba mẹ ra ở riêng, tính đến nay là gần bốn mươi năm. Mỗi năm lấy ra dùng một lần trong dịp Tết, mẹ thường nhắc lại những kỷ niệm về ông bà ngoại. Những câu chuyện như vậy năm nào cũng kể, nhưng với chúng tôi nó không bao giờ cũ. Kỹ thuật chưng hoa mai ngày Tết cũng được mẹ học từ ông bà ngoại. Trước khi chưng hoa, mẹ nấu một nồi nước lớn cho thật sôi rồi để nguội. Mẹ nói làm như vậy cho nước sạch, sẽ giữ cho hoa tươi lâu trong những ngày Tết. Một phần, điều này cũng thể hiện sự kính trọng của con cháu khi thờ cúng ông bà hay thần linh, tất cả đều phải thật sạch sẽ, tinh tươm. Không chỉ một mình hoa mai mà tất cả các loại hoa khác khi chưng mẹ đều làm như vậy. Kỹ lưỡng hơn, mẹ còn chăm thêm vào bình hoa chút xíu đường cát. Bí quyết này là ông ngoại dạy khi mẹ còn con gái. Chính vì vậy mà ba hoàn toàn tin tưởng khi giao cho mẹ trọng trách này.
Sau khi đã ưng ý với bình hoa là công đoạn đặt hoa lên bàn thờ. Ba tôi mặc một chiếc áo tràng giống như mỗi lần  ba cúng Phật. Mẹ tôi cũng thay một bộ áo mới dài tay đàng hoàng. Sau đó ba thắp đèn, đốt nhang trầm và khấn trước bàn thờ tổ tiên. Rồi ba bắt một cái ghế cao đứng lên trước chờ mẹ và tôi trao bình hoa. Ba cẩn thận đặt bình hoa lên bàn thờ giống như nghi lễ dâng hoa trong không khí trang nghiêm, thành kính, phảng phất khói hương trầm. Mẹ tôi đứng bên dưới nhắc ba tôi cân chỉnh khéo léo sao cho thật đẹp mắt mới thôi.
Nhìn sự cẩn trọng từng ly từng tí của ba mẹ lúc chưng hoa khiến người xem là chúng tôi hồi hộp, như chứng kiến một nghi lễ, và cảm nhận không khí thiêng liêng của cái Tết cổ truyền. Bây giờ, mấy đứa cháu cũng vậy. Tụi nó cũng thích quây quần xem ông bà chưng hoa, rồi hỏi này hỏi kia, làm cho không khí gia đình thêm ấm cúng.

N.H

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Lời thì thầm của giọt sương


Nguyên Hậu

Cuộc sống vốn dĩ rất kỳ diệu. Vậy nên càng sống, tôi càng thấy mình không thể không say đắm, không bị cuốn hút bởi nó. Mỗi ngày sống là mỗi khoảnh khắc đan xen giữa niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và nỗi bất hạnh… Vậy mà không mấy ai thôi xao xuyến, như thể đứng trước một tình yêu đơn phương, hay vụng trộm, luôn tạo cho ta cái cảm giác hồi hộp lẫn háo hức, tò mò thú vị.
Và như vậy, khi cảm nhận sự kỳ diệu của cuộc sống, tôi đồng thời cũng đang cảm nhận cái thân thể hiện tồn của thời gian. Tôi đang thấy thời gian trôi. Thời gian trôi qua mi mắt tôi, trôi qua kẽ tay tôi, rất mỏng, rất chậm, đủ để con người cảm nhận và nuối tiếc. Tôi không thể bắt thời gian dừng lại. Cũng như bao nhiêu người từng có ý muốn đó, nhưng có được bao giờ. Nhiều người nói thời gian là phương thuốc nhiệm màu, là vàng, là vô giá. Người thì nói thời gian vốn vô tình… Tôi lại thấy thời gian là một điều gì bí mật, khó chiếm đoạt đến tận cùng. Thời gian không vô tình mà ngược lại rất có tình, rất thâm thúy. Thời gian giúp con người nhìn rõ bản thân. Thời gian đánh thức trong tâm hồn ta cái phần thức vốn còn ngủ sâu nếu không cảm biết được. Thời gian cũng chính là lương tâm, là màu nhiệm của vạn vật, không riêng gì con người. Thời gian là tất cả những gì hiện hữu trên thế giới, trong vũ trụ.
Thế giới sẽ ra sao nếu không có thời gian? Thời gian là hơi thở của vũ trụ. Tôi đang nghe thời gian chảy qua thân thể, chảy qua từng nhịp thở của tôi. Trong phút chốc, tôi thấy mình và vũ trụ hòa làm một, không thể tách rời.  Thời gian không làm cho mọi vật trở nên già cỗi mà ngược lại còn làm tươi mới cho thế gian. Bởi đó là quy luật. Có cái gì khi chết đi mà không tạo sinh bằng một hình thức khác. Cuộc sống, qua nét vẽ của thời gian sẽ ngày càng tinh khôi, nhiều màu sắc. Thời gian còn là một sự thanh lọc. Có cái gì qua thời gian mà không bị thay thế? Dù cho đó là một quy luật nghiệt ngã, nhưng nếu không như vậy, liệu còn có một vũ trụ như bây giờ?
 Tôi không muốn bắt thời gian trôi. Cũng như một chiều kia, tôi muốn nỗi buồn của mình dừng lại. Vì tôi yêu quá! Tôi muốn ôm ấp một khoảnh khắc ngưng đọng tất cả, để hứng, để chứa đựng thời gian trong một bụm tay. Thời gian sẽ không vô tình mà tràn qua kẽ tay, vơi đi bớt.
Nhưng tôi yêu thời gian! Nên tôi cũng không bắt thời gian dừng lại. Tôi muốn thời gian được là thời gian, thuần nhiên và tinh khiết. Nghĩa là lúc đó tôi đang tự phũ phàng với bản thân. Những lúc như vậy, tôi lấy hồn mình ra để chứa đựng nỗi buồn, vô tận. Hồn tôi nặng trĩu, tôi muốn vỡ… Không còn cách nào khác, tôi trôi theo thời gian, đồng lõa… Tôi vừa yêu, vừa phản lại mình. Tôi vừa yêu quá cuộc sống này, vừa muốn từ bỏ tất cả khi nhìn thấy những gì hữu hạn xung quanh mình đang trôi đi, trôi đi… Tựu chung, tôi vẫn là người vì quá yêu mà ích kỷ, ích kỷ với chính bản thân mình.
Và tôi thấy thời gian giống như thấy nỗi buồn của tôi vậy. Con người sẽ không thể sống tốt nếu không có niềm vui. Nhưng nếu chỉ vui mà không có nỗi buồn, con người sẽ ra sao? Nỗi buồn như mạch nước nhỏ chảy qua tâm hồn. Niềm vui là ánh ban mai. Nhưng nếu quá chói chang, tâm hồn sẽ héo khô đi mất. Con người có nỗi buồn như thiên nhiên, vũ trụ có nước để giữ cho cuộc sống luôn tươi mới. Trải qua một nỗi buồn nhẹ, tâm hồn sẽ được tắm gội trong làn sương mỏng của hạo nhiên, đọng lại những giọt sương nhỏ, trong veo. Vì vậy mà tôi háo hức với niềm vui, nhưng cũng say sưa với nỗi buồn. Như thể nó là suối nguồn nuôi dưỡng sự thuần khiết trong nội tâm tôi.
25.10.2015
N.H


Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

trũng đêm

Nguyên Hậu

Đêm rơi,
hun hút!
Em rơi tõm xuống trũng đêm
bức bối
Em thèm một cơn gió
hay vài giọt mưa
tí tách,
tí tách
lên hình hài khô hoang
rũ rượi xác khúc dương cầm
cuồng nhiên
                            âm vọng

                            Trốn khỏi khúc âm rỉ rả
linh hồn em thoát lên
bay ra khỏi lò bát quái
Em tìm anh,
tìm anh
Em đi lang thang,
lang thang
mà chẳng thấy

Bóng đêm vươn những cánh tay dài lực lưỡng 
như những gã trai điên cuồng
hắn vồ lấy thân hình em
khóa kín đôi môi em
thít chặt linh hồn em,
tê dại
Hắn đồng lõa 
để anh của em 
tự do 
đi mất!

Em òa khóc
tiếng khóc nhập vào xác khúc dương cầm 
                            dang dở
những điệu valse điên loạn
xoay vòng, xoay vòng, xoay vòng...
bóp nghẹt em
đến khi 
em chỉ còn cái xác

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...