“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

TẢN VĂN: NHÀ THƠ CHIM TRẮNG - HỒI TƯỞNG MỘT CON NGƯỜI

Nguyên Hậu 
Sáng hôm ấy, đang ngồi làm việc tại văn phòng, bỗng nhận được tin nhắn của một người bạn, đầy đủ là thế này: “Nhà thơ Chim Trắng đã vĩnh biệt chúng ta, nhớ lại buổi chiều muộn gặp gỡ ông… Cánh Chim Trắng đã hòa lẫn với mây trời…”. Tôi sững sờ, không biết chuyện gì đã xảy ra. Lặng đi khoảng 5 phút, tôi mới lấy lại bình tĩnh gọi lại cho người đó để xác nhận. Câu trả lời là: “Ừ, vừa đăng trên báo Tuổi trẻ sáng nay”. Vậy là chính xác rồi, không phải đùa. Cả trưa hôm ấy tôi cứ như người mất hồn, ăn trưa cũng không thấy ngon miệng. Có một điều gì đó vừa vuột qua trong tôi, một nỗi buồn, một sự tiếc nuối và còn là sự hối lỗi.
Một buổi chiều cách đây 10 tháng, chúng tôi tìm đến nhà riêng của nhà thơ Chim Trắng, một căn nhà khang trang nằm trên con đường nhỏ, đó là khu dân cư vừa xây dựng ở xã Thuận Giao, tỉnh Bình Dương. Nhóm chúng tôi lúc đó có bốn người, làm đề tài nghiên cứu về Thơ đương đại ĐBSCL, Chim Trắng là một trong những nhà thơ mà chúng tôi tìm đến. Tôi là nhóm trưởng, liên lạc với bác qua điện thoại, được bác hướng dẫn đường đến nhà. Nhưng lúc đó chúng tôi chỉ đi có hai người, tôi và anh Thi Ca. Giờ nghĩ lại, tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng đó là lần gặp đầu tiên và duy nhất của tôi và bác – những người có duyên đặc biệt và quen biết qua văn chương.
Hôm đó chúng tôi được nói chuyện với bác khoảng 1 tiếng, phần vì thấy sức khỏe bác yếu, phần vì anh Ca có việc vội. Bác nói với chúng tôi rất nhiều về chuyện văn chương, về thơ đương đại nói chung và thơ đồng bằng nói riêng. Bác cũng kể lại khoảng thời gian làm thơ của mình cùng những vấn đề mà bác quan tâm. Ấn tượng của tôi lần đó với bác thật đặc biệt, một con người giản dị, mặc một bộ pigiama trắng. Vật dụng trong nhà bác phần lớn làm từ gỗ, xung quanh nhà có nhiều cây cối, chan hòa với thiên nhiên. Đang nói chuyện thì có điện thoại gọi bác, nghe đâu nhà thơ Lê Chí ở Cần Thơ muốn mời bác làm giám khảo cho một cuộc thi nào đó, nhưng bác đã từ chối. Bác nói từ lúc về hưu, bác luôn tránh tham gia trong những vai trò như thế, bác muốn trao lại cho những người trẻ, bác muốn được thanh thản với cuộc sống riêng. Thời gian này dường như bác dành thời gian ở Bình Dương nhiều, nếu thấy khỏe thì tự lái xe đi du lịch khắp nơi. Bác xem đó là cái thú khi tuổi đã xế chiều. Nói chuyện một lúc, chúng tôi được bác dẫn đi tham quan căn nhà bác đang ở, mọi vật dụng được bày trí rất gọn gàng, giản dị và có gu riêng. Tôi đặc biệt thích hương trầm phảng phất trong căn phòng ấy. Bác còn chỉ cho tôi xem những bức ảnh bác chộp được trong những lúc đi đây đi đó. Lúc đó tôi mới biết, ngoài làm thơ, làm lãnh đạo, bác còn thích “chơi” ảnh. Chỉ trong lần gặp đó tôi đã cảm thấy bác là một người rất gần gũi mặc dù chúng tôi chỉ là những sinh viên bình thường. Một căn nhà khá rộng, nằm trong một khuôn viên đẹp, nhưng dường như chỉ có mình bác ở, chúng tôi thấy có chút …cô đơn. Vậy nên dù rất muốn ở lại thêm với bác, nhưng cũng vì có việc riêng, chúng tôi đành xin phép ra về. Chúng tôi còn chụp được với bác một vài tấm ảnh kỷ niệm (cất kỹ quá, giờ chưa tìm ra). Lúc tiễn chúng tôi ra cổng, anh Ca và tôi có hứa một ngày gần nhất sẽ cùng đi uống café với bác ở quán Gió và nước, vì nghe nói bác rất thích nơi đó. Có lẽ đó cũng là điều duy nhất là tôi thấy tiếc và có lỗi lúc này, rằng lời hứa của chúng tôi đã không thể thực hiện được nữa. Tôi thấy sao mà mình vô tình đến thế, những đứa sinh viên lúc nào cũng chỉ biết có học hành, nghiên cứu, đôi khi quên mất lời hứa của mình một cách thản nhiên đến hững hờ. Tôi biết trong khoảng thời gian từ khi bác về hưu, bác luôn muốn từ chối gặp mặt với những người “to lớn”, nhưng bác lại thích được trao đổi, gần gũi với những người bình thường như sinh viên bọn tôi, những người chỉ biết chú qua thơ văn. Bác nói nếu chúng tôi là “nhà báo” chắc bác đã từ chối rồi, chỉ vì chúng tôi là sinh viên, những sinh viên rất bình thường nên bác mới tiếp. Tôi nghe thấy điều đó mà xúc động vô cùng, thầm cảm ơn bác…
Vậy mà hôm nay, sau 10 tháng, tôi nhận được tin buồn ấy. Bác cũng là một nhà thơ khá nổi tiếng, được nhiều người biết đến qua vai trò lãnh đạo của mình trong Hội nhà văn, rồi bác cũng từng đóng phim… Nhưng tôi biết bác không phải qua những điều đó, tôi biết bác, quí bác qua buổi gặp mặt ngắn ngủi tại nhà riêng trong một con đường yên tĩnh, tránh xa mọi sự ồn ào, tấp nập… và đối với bác có khi là một chốn xa lạ (vì quê bác không ở Bình Dương, quê gốc ở Bến Tre, từng sống và làm việc tại Bến Tre, Thành phố HCM). Chỉ trong một buổi chiều mà hai anh em tôi cảm nhận được ở bác rất nhiều điều, một cảm nhận rất riêng, không liên quan gì đến tiếng tăm của bác từ trước giờ. Với tôi, ấn tượng về một nhà thơ Chim Trắng chỉ trong một buổi chiều hôm đó… nhưng vô cùng trọn vẹn.
Thế cũng đủ để gọi là cái tình giữa một cõi người rộng lớn mà không phải ai cũng cảm được nhau, quí trọng nhau (nếu chỉ trong một lần gặp gỡ).
Và đêm nay, hai anh em quyết định chạy từ thành phố về Bình Dương để viếng bác lần cuối, về thăm lại căn nhà bình yên nằm trong một con hẻm rất bình yên. Cầu mong linh hồn bác cũng sẽ bình yên như thế nơi “một cõi đi về”…

Tưởng nhớ nhà thơ Chim Trắng, Nguyên Hậu xin gửi đến bạn đọc một số bài thơ của nhà thơ Chim Trắng rút trong tập “Cỏ khóc dưới chân tôi”, NXB Hội Nhà văn, 2008.

Đã trôi đi
Tay buông chiếc lá
Chiếc lá chẳng trôi đi
Dòng sông phẳng lặng

Tay buông viên sỏi
Viên sỏi chìm biệt tăm
Dòng sông gờn gợn sóng

Buông em ra khỏi cuộc đời mình
Tình yêu không lên tiếng

Ta buông ra khỏi cuộc đời nhau
Là tự do đang tới
Là hai người rang đau

Tất cả đã trôi đi
Còn nắm tay ta nắm
Cứ như là nắm không

Có khi nào đi qua một chiếc cầu em chợt sững sờ nhìn lại
hai nụ cười cùng trôi dưới một dòng sông
Tất cả đã trôi đi

(Viết cạnh Kratié – Đông Bắc Campuchia)

Cỏ khóc dưới chân tôi
Đi bên chiều Hàng Xanh
Hoàng hôn mờ mờ nhân ảnh
Áo em xưa trắng cánh đồng
Vói tay ngắt bông lúa non ngặm sữa
Chạm phải điều gì như không thể có

Chúm chím cười nhỏ nhẻ
Chuyến xe lam muộn. Chiều
Ngựa cánh đồng hoang hí
Chuông chùa Bà Điểm rót theo. Yêu
Không có lời thề nào trên cánh đồng
Em cúi hôn bàn tay tí bầm còn rướm máu tôi vừa tuột khỏi chiếc còng số 8

Nước mắt!
Hạnh phúc bắt đầu
Chia ly bắt đầu

Bụm mắt ra đi như kẻ chẳng biết điều

Trước vòng xoay Hàng Xanh rực rỡ ánh đèn màu
Chới với tướt lúa non ngặm sữa chới với theo tiếng chuông chùa Bà Điểm
Tất cả như có như không
Tôi mộng mị và tôi tẩn lịm
Một mình với cánh đồng tự do cô đơn tự do phiền muộn

Không có cuộc chia ly nào giữa tôi và em đâu Nhài
Tôi đang làm một cuộc gặp gỡ sau nửa thế kỷ chia lìa tình yêu đôi lứa trước ánh sáng nhức nhối cuộc đời này như một hoài niệm đớn đau về tình yêu – hạnh phúc như một hoai niệm về em

Trước hoàng hôn tôi, trước vòng xoay cuộc đời đầy bất trắc này
Tôi phục sinh

Nước mắt không thể bào mòn nỗi niềm
Cỏ khóc dưới chân tôi
2006
30.9.2011
N.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...