“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Đôi dòng tản mạn về ĐIỆU BUỒN PHƯƠNG NAM

Nguyên Hậu

      
       Có lúc tôi tự hỏi, không biết có ai từng nghe một bản nhạc mà bỗng thấy ngất ngây, tan chảy, mất hồn trong những cung điệu của bài hát ấy? Nhiều người từng trả lời với tôi rằng: “Có”, nhưng tôi hiểu, cái “có” đó của mỗi người cũng khác nhau nhiều lắm.

      
        Với một người hay mơ mộng như tôi, điều đó dường như là thường xuyên. Không hiếm khi thấy tôi say mê một bản nhạc và cả ngày cứ ra rả bên tai bản nhạc ấy cho đến khi nào chán mới thôi. Có những ca khúc ban đầu nghe rất ấn tượng, lay động tâm hồn, thổn thức tâm can nhưng sau khi nghe chừng vài chục lần, bẵng đi một khoảng thời gian, bất chợt nghe lại thấy không còn cảm giác như xưa nữa. Đó có lẽ cũng là cách tôi thử lòng mình khi yêu thích một điều gì đó!
       Có một bản nhạc mà cho đến giờ, nghe có nghe đến mấy ngàn lần, từ hồi còn phổ thông, mới lớn lên đã nghe, và cho đến bây giờ vẫn còn nghe không chán. Ngày trước, lúc mới vừa nghe thấy hay hay, có hát nghêu ngao vài lần nhưng độ hiểu và cảm thì chưa bằng bây giờ. Càng ngày, khi lượng kiến thức về lịch sử xã hội đã giúp tôi hiểu nhiều hơn, tôi lại cảm thấy cuộc đời mình sẽ không bao giờ dứt ra khỏi những cung bậc của bài hát đó, bài Điệu buồn phương Nam của Vũ Đức Sao Biển và phải do ca sĩ Hương Lan trình bày.
         Cái làm tôi ấn tượng nhất chính là cách phối nhạc, những âm điệu trầm bổng, lúc réo rắc, lúc lâng lâng trong bầu cảm xúc của những cảnh, những tình trên mảnh đất miền Nam. Hồi trước, khi còn là sinh viên, nghiên cứu về thơ ca đồng bằng, nhiều khi không có cảm hứng để nhập tâm vào đề tài - vì bên cạnh đó tôi còn làm đề tài khác, mà giữa chúng không hề có mối liên hệ gì với nhau, những lúc muốn lấy hứng, tôi lại đem bản nhạc này ra nghe. Những lúc đó, dường như cái tâm thức của một đứa con miền Nam sống dậy trong tôi mãnh liệt, cuốn theo dòng thác cảm xúc bài hát và của tâm hồn. Tôi có cảm giác, lúc đó không còn là tôi nguyên vẹn nữa, tất cả thể xác và tâm hồn đều hòa vào âm điệu của bài hát này. Nhưng tôi cũng đặc biệt yêu thích ca khúc được phối và trình bày của ca sĩ Hương Lan, trước giờ tôi chưa bao giờ nghe ai hát bào này hay và thu hút tôi như ca sĩ này. Có lẽ chất giọng ca sĩ và cách hòa đàn đã hòa làm một, không thể tách rời.
         Tôi cũng đặc biệt yêu thích tiếng đàn bầu đục và buồn. Dường như những ca khúc nào có tiếng đàn bầu thường phản phất hương vị quê hương và tất cả đều buồn. Có lẽ vì thế mà trước kia có người kiêng, không cho chơi đàn bầu, vì nó buồn quá. Tôi cũng chưa thấy có bản phối nhạc nào hay, ăn khớp và ấn tượng như ca khúc này. Cả khúc dạo đầu và phần nhấn trọng tâm đều hay, bắt đầu từ lúc dàn nhạc đổ một hồi trống dài và bắt đầu rớt từng giọt đàn bầu, lúc đó nghe giống như có trận gió trút một đợt lá khô, rồi cơn mưa như trút nước bắt đầu đổ xuống, thác lũ cảm xúc trong tâm hồn cũng trào dâng, nhiều khi ứa nước mắt. Cũng chính lúc đó, lòng tôi thổn thức vô vàn, nghe như có giông bão trong lòng.
         Tôi không hiểu lắm dụng ý của tác giả khi phối nhạc bài này, nhưng điều cơ bản tôi hiểu và làm tôi yêu thích bài hát này chính là tận trong cội nguồn ý nghĩa và tư tưởng của nó. Điều này có liên quan ít nhiều tối lịch sử hình thành vùng đất và tâm cảm chung của người dân đồng bằng.
Nghe bài hát chợt làm tôi liên tưởng và càng tâm đắc hơn hai câu thơ của Vũ Hồng:
“Người phương Nam say thì say trọn
Người phương Nam buồn thì buồn sâu…”
       Tôi nghĩ, nếu không có cái say trọn, không có cái buồn sâu đó thì cũng không chắc có được bài hát hay và động lòng người đến vậy. Tôi không biết nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là người miền nào nhưng có lẽ ông đã hiểu, đã mang cái tâm cảm ấy để viết nên bài hát này. Để rồi khi bắt gặp giọng ca cùng nỗi lòng của người trình bày, nó đã thăng hoa và hoàn hảo đến vậy.
        Tôi hình dung những khuôn mặt lam lũ nhưng trọn nghĩa trọn tình đang ngày ngày sống trên mảnh đất phương Nam. Và cho dù thời gian có trôi đi xa thế nào chăng nữa, những tâm thức về những người lưu dân xa xứ ấy cũng không bao giờ mất đi trong họ. Đó là cội nguồn để hình thành nhân cách của những con người nơi đây. Những điều đó trong họ  không mất đi và những cung điệu trầm bổng ấy cũng không bao giờ thôi lay động lòng người.
        Cái cảm giác mắc nợ của người phương Nam, nhưng họ nợ gì? Nợ quê cha đất tổ, nơi họ từng rời chân hay nợ nơi đã cưu mang họ một đời? Tôi có cảm giác “cái nợ” đó trở thành tâm thức truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Họ thấy buồn thấy thương, thấy có lỗi với quê hương cố tổ nên trút hết nỗi nhớ niềm thương lên mảnh đất này, mảnh đất miền Nam miên man chảy dài với những dòng sông nỗi nhớ.
         Tựa đề bài hát là Điệu buồn phương Nam! Có xa không mà  buồn? Phương Nam không còn là mảnh đất thuần về địa lý với đất đai màu mỡ cưu mang nuôi sống những thế hệ lưu dân, mà đó còn là sự dồn nén nỗi nhớ, niềm thương để rồi dành trọn  tâm tình cho miền đất hiền hòa mà họ mang ơn. Giống như bà mẹ nếu lỡ mất đi những đứa con đầu của mình, thường dành hết tình thương cho người con út. Mảnh đất phương Nam giống như một sự neo về, không chỉ là đời sống mà còn là nơi tựa gửi tâm linh của những đứa con Nam bộ vậy!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...