“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Yếu tố Hậu hiện đại trong "Không có vua" của Nguyễn Huy Thiệp


     Trần Thị Mỹ Hiền

       Sau năm 1975, văn học Việt Nam vận động theo hai hướng khác nhau, một hướng với các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Mạnh Tuấn, Chu Lai, Xuân Trình, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Dương Thu Hương, Lê Lựu…văn học đổi mới theo khuynh hướng phản sử thi; và Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Hưng…là những nhà văn, nhà thơ đầu tiên đưa văn học nước nhà đổi mới theo một hướng khác, hướng thứ hai, có thể gọi là hậu hiện đại. Và như trên đã trình bày, Chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam chỉ mang tính chất là yếu tố của hậu hiện đại. Trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp cũng thế, yếu tố hậu hiện đại biểu hiện thông qua tâm trạng và cảm quan hậu hiện đại của tác giả. Xin phân tích một vài đặc điểm trong truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp để làm rõ điều này.
    Truyện Không có vua là truyện ngắn kể về cuộc sống trong gia đình lão Kiền. Cuộc sống ấy xoay quanh lão Kiền-một thợ chữa xe đạp; con trai đầu là Cấn-thợ hớt tóc cùng vợ mới cưới là Sinh; tiếp đến là Đoài-một công chức ngành giáo dục; Khiêm-một nhân viên lò mổ; Khảm-sinh viên đại học và Tốn-em út, bị bệnh thần kinh. Thông qua những sự việc xảy ra và cách nhân vật cư xử với nhau hằng ngày, tác giả nhằm gửi đến người đọc những thông điệp về sự tan vỡ của mối quan hệ trong gia đình và sự biến chất của đạo đức con người dưới sự biến động của xã hội.
   Tuy cùng sử dụng một chất liệu với các nhà văn cùng thời như những phương diện tạo nên mặt tối trong đời sống con người cá nhân hoặc trạng thái phong hóa xã hội, nhưng Nguyễn Huy Thiệp lại kể cho chúng ta những câu chuyện hoàn toàn khác hẳn. Đó là những câu chuyện với nhân vật trong Không có vua, một thế giới không hề có sự xuất hiện của nhân vật chính diện, một thế giới như các nhà nghiên cứu từng gọi là “cuộc đời vô nghĩa” trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Một giọng điệu kể khinh bạc, lạnh lùng, thậm chí tàn nhẫn phù hợp với câu chuyện tác giả đưa đến cho người đọc, câu chuyện của lão Kiền, Cấn, Đoài, Khâm…chạy theo những tham vọng phù du của đồng tiền; của cô Sinh lầm lũi chấp nhận cuộc đời vô vị bên người chồng thô bạo; của Khiêm với công việc giết mổ lợn, ngày ngày lấy trộm bộ lòng và hai cân thịt; của Tốn không chịu được bẩn, suốt ngày chỉ biết lau nhà, giặt giũ. Ta có cảm giác các nhân vật không hề nhìn về cuộc sống tương lai phía trước, chỉ là những mưu toan, tính toán chi ly cho miếng ăn hàng ngày, bởi họ quan niệm “có thực mới vực được đạo”. Có chăng thì chỉ là Đoài và Khảm, nhưng tương lai của họ là luồn cúi, nhờ vả để được tiến thân; là lấy cô Mỹ Trinh “con ông Ánh sáng ban ngày” để được hưởng của hồi môn. Những con người chỉ biết cặm cụi phục vụ cho cuộc sống vô nghĩa của mình, cho những tính toán nhỏ nhen, tầm thường. Sự lên ngôi của đồng tiền đã kéo theo nhiều sự đổ vỡ trong mối quan hệ gia đình. Ta không hề bắt gặp trong thế giới ấy đạo lý của gia đình. Tất cả các trật tự trong gia đình bị phá vỡ, xáo trộn: con mỉa mai cha “một miếng vá xăm đáng một chục nhưng tương lên ba chục thì có đức đấy”; cha chửi rủa con; em chồng chọc ghẹo, đòi ngủ với chị dâu; cha chồng nhìn trộm con dâu tắm; em đánh anh…Còn nhiều thứ nữa khiến ta không dám khẳng định đây là một gia đình. Trạng thái nhân thế thì đảo điên,thiếu vắng chuẩn mực giá trị, điểm tựa tinh thần…có lẽ vì thế mà thế giới ấy trở nên vô nghĩa. Thế giới vô nghĩa trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp gần với cái thế giới bơ vơ, rối loạn, đảo lộn của Chủ nghĩa hậu hiện đại, con người không có niềm tin vào giá trị truyền thống và cuộc đời. Và kết thúc mỗi truyện ngắn, tác giả đưa cho người đọc một sự thật trớ trêu hoặc sự thất bại ê chề; điều này gần với kiểu tác giả hậu hiện đại-tân cổ điển. Chính điều này tạo nên trong lòng đọc giả tâm trạng hoài nghi đang tồn tại trong cuộc sống, vậy đâu là ý nghĩa của cuộc sống?
  Bên cạnh đó các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp còn phảng phất tư duy nghệ thuật của hậu hiện đại. Đó là nguyên tắc lạ hóa theo kiểu câu đố, một nền tảng cấu trúc của các trào lưu, trường phái hậu hiện đại. Câu đố chính là logic của cảm giác, tạo cho người nghe một cảm giác tươi rói như lần đầu được nghe bằng cách lạ hóa các khái niệm, tên gọi thân thuộc hàng ngày. Nguyên tắc lạ hóa ở đây chính là điểm nhìn mới mẻ của nhà văn về con người và đời sống. Tác giả khai thác tính cách của nhân vật đối lập với vai trò trong xã hội; tức là không dựa vào hình dáng, công việc mà khai thác trong những mối quan hệ của các nhân vật với nhau. Và tính cách ấy đối lập với nghề nhiệp của họ. Chẳng hạn, nhân vật Đoài-công chức ngành giáo dục, một nhân vật có học thức nhất trong gia đình lại được nhớ đến như kẻ đê tiện và xấu xa nhất. Lão Kiền không được miêu tả với việc sửa chữa xe đạp mà là bắc ghế nhìn con dâu khỏa thân trong phòng tắm. Nhưng Khiêm-nhân viên lò mổ, một gã đồ tể như “tacdang” giết lợn không gớm tay lại để dấu ấn nhờ hành động đứng ra bảo vệ Tốn và Sinh trước sự đối xử tệ bạc của gia đình. Và Tốn-cậu bé bệnh thần kinh, một nhân vật ngây ngô, khờ khạo, bệnh tật nhất trong truyện lại là người giàu tình yêu thương và có sự sáng suốt nhất bởi cậu nhận ra hiện trạng “không có vua” trong gia đình mình.
   Mỗi tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là một trò diễn của câu chữ. Trò diễn ngôn từ ấy được tạo nên bằng cách tạo sự rỗng nghĩa trong câu chữ và người đọc sẽ có những cách hiểu và cảm nhận khác nhau, tùy theo trình độ tư duy và cách tiếp cận. Trong truyện ngắn Không có vua, trò diễn này được thể hiện qua nhan đề, sườn truyện và phát ngôn tư tưởng của tác giả.
   Về nhan đề, “Không có vua” đặt trong bối cảnh của diễn biến truyện có thể được hiểu như sau: “Vua” ở đây không chỉ là người có vai vế lớn nhất mà còn thể hiện trật tự cao thấp trong đạo lý cư xử của con người với nhau. Vua sẽ là người được tôn trọng nhất, kính nể nhất mà mọi người phía dưới đều sợ hãi; đồng thời, vua là người có trách nhiệm nặng nề nhất để lãnh đạo trật tự trong xã hội. Đối chiếu trong một gia đình thì người được mang vai trò “vua” ấy, được kính nể nhất và phải gánh vác trách nhiệm nặng nề nhất là người cha. Và trật tự trong gia đình ấy sẽ được đảm bảo theo tôn ti trật tự, vai vế. Ngay từ nhan đề tác phẩm, “Không có vua” tức là tác giả đã khẳng định mọi quyền hạn và trách nhiệm của người cao nhất trong gia đình đã bị bác bỏ và cái trật tự của xã hội nhỏ bé ấy hoàn toàn bị phá vỡ. Và gia đình của lão Kiền đã rơi vào hoàn cảnh “không vua” như thế. Mà “vua” đối với gia đình lão chính là đồng tiền.
  Về sườn truyện, cấu trúc của tác phẩm đi theo thứ tự các phần: Gia cảnh-Buổi sáng-Ngày giỗ-Buổi chiều-Ngày tết- Ngày thường. Kết cấu tự sự đã trở nên mờ nhạt, khó nhận ra logic nhân quả theo trật tự thời gian. Kết cấu truyền thống đã bị phá vỡ, phân thành những mảnh nhỏ, mang lại cảm giác như một sự lắp ghép các sự kiện một cách ngẫu nhiên của ý thức.
   Đồng thời, truyện của Nguyễn Huy Thiệp phá vỡ quan niệm về sự xác tín trong lời phát ngôn của nhân vật. Lời nhân vật có khi trái ngược hoàn toàn với tư tưởng tác giả gửi gắm. Thế giới trong Không có vua với những nhân vật hành động và nói năng đầy vô nghĩa; qua đó nhà văn đưa đến cho người đọc sự trăn trở về ý nghĩ cuộc sống trên hành trình đi tìm hạnh phúc của con người.
   Ta thấy hầu như các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đều mang một tâm trạng và cảm quan hậu hiện đại như thế. Nó góp phần hình thành nên một xu hướng văn học đang phát triển hiện nay-xu hướng tìm tòi cách tân theo hậu hiện đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...