“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Mùa của yêu thương




Nguyên Hậu

mùa kỷ niệm
gió nồng nàn, tha thiết
hương xưa tìm về

em
con cún hồng quẩn theo chân anh trong nỗi niềm xưa cũ
ánh nắng mơn man vào lớp da còn đỏ hỏn, chưa lành
đôi cún năm nào không trở lại vườn địa đàng
để giọt mưa vội tan theo áng mây từng rong chơi trên nẻo đường ta hò hẹn
khung trời khắc ảnh em - anh

anh
màu nắng bỗng quyến rũ khi ta trộm nhìn nhau
cái đuôi còn quyến luyến
em muốn cắt nhưng nào có được
làm nắng cũng ngập ngừng

mùa gió năm nào mang ta đến bên nhau
ngập ngụa trong hơi ấm nồng nàn, dịu vợi
chiếc toa tàu chở đi xa năm tháng
chỉ còn em vùi mình trong lớp tro tàn vương màu kỷ niệm,
                                                            nhen nhóm, nóng hổi trong lòng

em quấn lấy mùa đông cho lớp tro đừng tàn lụi
gió thì thầm trong giấc mơ
ngày của chúng ta đang đến rất gần
nhưng anh sẽ không đến nếu biết em đã trót yêu mùa đông
nỗi sợ vô hình làm em cuống cuồng tìm nơi hò hẹn...

 10.2012

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Mạc Ngôn và H. Murakami



Trần Lê Hoa Tranh

Vậy là cuối cùng, giải Nobel Văn chương 2012 đã có chủ, đúng một giáp từ năm 2000 khi Cao Hành Kiện (mặc dù đã bị tước quốc tịch Trung Quốc nhưng ông là nhà văn Trung Quốc trăm phần trăm) được trao giải Nobel và bị người Trung Quốc phản đối, cho việc trao giải đó mang tính chính trị“như là một sự sỉ nhục và cũng là sự khinh thường đối với chúng ta” (Bắc Kinh Văn báo), “đây là một trò đùa không đúng chỗ, nó sẽ làm mất uy tín của Ủy ban Nobel dưới con mắt một bộ phận dư luận Trung Quốc” (Văn hối báo)... Thì nay, chắc là họ hoan hỷ vì Mạc Ngôn là nhà văn xuất sắc chính thống của họ.
Không phải ngẫu nhiên mà cả Mạc Ngôn và H.Murakami đều đứng đầu danh sách các nhà văn có khả năng được giải Nobel năm nay. Châu Á đang nóng vì nhiều vấn đề.Những giá trị châu Á đang được quan tâm. Và cả Mạc Ngôn lẫn Murakami đều thuộc loại nhà văn ăn khách, phổ biến, nổi tiếng, tác phẩm của họ lại còn được dựng thành phim để đến gần công chúng hơn… những tiêu chí vốn xa lạ với một giải Nobel bác học, hàn lâm, xa rời thị trường.
Điều đó cho thấy tính chính trị và tính đại chúng đang dần dần thống lĩnh hoàn cầu. Chiếm lĩnh cả một giải thưởng văn chương danh giá. Nhiều người sẽ bảo: Nobel là cái quái gì chứ? Nhưng rõ ràng, con người ta phải tin vào một cái gì đó, phải có một chuẩn thức, và giải Nobel, vốn do một ủy ban uyên bác, công bằng, không thuộc một nước lớn mà là của một quốc gia trung lập, vẫn là đỉnh điểm cao quý của nghề văn.
Tôi dõi theo Mạc Ngôn và Murakami từ khi sách họ mới vào Việt Nam. Tôi có và đọc gần hết tác phẩm của họ. Cả hai nhà văn này tôi đều thích, thích ngay từ dòng đầu tiên. Điều này cũng hơi lạ, vì tôi vốn dị ứng với lối viết hơi dung tục (như của Mạc Ngôn) và rề rà (như kiểu Murakami). Tôi vẫn thích đọc cái kiểu trong sáng, giản dị, nhẹ nhàng ảnh hưởng của văn học Pháp và Nga. Nhưng không hiểu sao, cả Mạc Ngôn và Murakami tôi đều đọc được. Đọc một mạch đến hết. Có một vài vị thầy của tôi đã nhận xét là cố đọc hai tác giả này chỉ đến 30 trang là bỏ, không tiếp tục được.Đó cũng là một nhận xét của phía độc giả không yêu thích Mạc Ngôn và Murakami vốn không phải là hiếm trong giới học thuật.
Công bằng mà nói, vài năm gần đây, Mạc Ngôn viết xuống tay hẳn. Ba tác phẩm tôi cho là xuất sắc nhất của ông, thường khuyên sinh viên tìm đọc, làm luận văn… là Cao lương đỏ, Phong nhũ phì đồn (Báu vật của đời) và Đàn hương hình. Còn lại, đều chỉ thuộc loại tầm tầm. Tứ thập nhất pháo quá bề bộn.Thập tam bộ, Ếch, Tửu quốc… nhiều motif lặp lại và dài dòng. Rừng xanh lá đỏCây tỏi nổi giận còn thua Nguyễn Ngọc Tư về mức độ da diết và khắc khoải.Chiến hữu trùng phùng thì khỏi nói, quá tệ cả về phong cách lẫn tư tưởng…
Murakami cũng vậy, càng ngày càng trở nên mang tính “thị trường”.Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót Kafka bên bờ biển theo tôi cũng là ba tác phẩm lớn của ông. Xứ sở diệu kỳ và nơi chốn tận cùng thế giới, tuy mượn kết cấu “phản trinh thám”nhưng không thành công lắm. Người tình SputnikPhía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời chưa đủ sức mạnh về tư tưởng, mang hơi hướm văn học diễm tình quá. Tôi cũng từng phản biện luận văn về Murakami, và tôi cho rằng, trường hợp của Murakami nên được xem xét dưới góc độ thành công của văn học đại chúng hơn là văn học cổ điển, bác học. Vì lẽ tác phẩm của ông như có sẵn công thức để hấp dẫn mọi giới, cảm giác như mình được bao bọc trong một cái lưới êm ái, không dứt ra được mặc dù biết là mình đang bị vào tròng.
Nhưng nói như vậy không phải là chê bai họ. Tôi vốn là người hâm mộ họ. Và đọc họ, vừa với niềm yêu thích, vừa với con mắt của nhà phê bình.
Về Murakami, nhiều người nhận xét là đã chạm vào những vi tế nhỏ nhất của cảm xúc. Ông diễn tả tài hoa tâm trạng của Người: về nỗi thống khổ của một con người sống trong thời đại thừa mứa về vật chất nhưng cô độc và lang thang. Về những tình yêu dằn vặt. Về cái đẹp mong manh vô thường vốn là cảm hứng của các nhà văn Nhật Bổn từ cổ chí kim. Về cái chết tự chọn vốn là đặc trưng của phong cách sống Nhật. Nghĩa là, ông viết về nước Nhật, về người Nhật trong một xã hội quá gần nhau nên ta thấy bóng dáng của mình trong đó. Người đọc các nước đã thổn thức với sách ông, than vãn rằng sao ông tài tình nói thay cảm xúc của họ. Văn ông tài hoa nhưng bình dị. Và điều đó khiến ông nổi tiếng, khiến ông “public”(phổ biến). Và nó là lực cản khiến ông không đến được với giải Nobel, vốn không chuộng tính phổ thông, vốn trao giải vì nhiều lý do khác bên cạnh lý do văn chương (ví dụ như lý do tuổi tác, Murakami còn khá trẻ so với các nhà văn được giải từ xưa đến nay; lý do regional - vùng miền: thông thường, giải Nobel xoay vòng từ Âu, Mỹ, Phi, rồi đến Á; lý do chính trị: năm nào có điểm nóng về cái gì đó, nơi nào đó thì giải Nobel tập trung vào đó)…
Còn Mạc Ngôn, có lẽ là nhà văn Trung Quốc được dịch, được đọc và được nghiên cứu  nhiều nhất trên thế giới trong thế kỷ 20, chỉ sau Lỗ Tấn. Giữa Mạc Ngôn và Lỗ Tấn thực ra có nhiều điểm tương đồng tôi sẽ nói sau. Điều đó cho thấy cũng giống như Murakami, ông là người quân bình, đi chênh vênh giữa hai thế văn chương bình dân và văn chương bác học. Văn ông thì dân dã, bỗ bã, thậm chí có lúc suồng sã, dung tục. Nhưng nó kết hợp những huyền thoại, dân gian Trung Quốc, và tô đậm đời sống Trung Quốc. Nghĩa là, người Trung Quốc có thể tự hào vì có một nhà văn mang bản sắc nước họ đi “đấm xứ người”. Mạc Ngôn từng nhiều lần được mời đi nói chuyện, đọc sách, giới thiệu sách ở những trường đại học lớn trên thế giới. Ông được giảng dạy trong hầu hết các chuyên đề về văn học Trung Quốc đương đại hoặc văn học châu Á đương đại ở đại học các nước. Nhưng người Trung Quốc hiện lên trong tác phẩm của ông thật đáng thương. Tôi không hiểu nhà nước chính thống ở Trung Quốc tự hào về ông, một nhà văn quân đội ở điểm nào, chứ còn, cái làm cho Mạc Ngôn vĩ đại, và gần với Lỗ Tấn, là ở việc khắc họa được thân phận của người Trung Quốc, tao loạn, tan tác vì lịch sử và biến cố, số phận của họ bị vùi dập, bị quăng quật còn hơn cả con muỗi. Con muỗi còn có vũ khí, còn họ, họ hoàn toàn bị động và chìm khuất trong những va đập của lịch sử, của chính trị. Tuy vậy, như bản chất của người Trung Quốc, họ chịu đựng, và quật cường. Người ta thích đọc Mạc Ngôn vì lẽ đó. Nếu như Murakami chú trọng đến tế vi cảm xúc thì Mạc Ngôn đem đến những giằng xé dữ dội của kiếp người. Không ai khổ như nhân vật của Mạc Ngôn, mà cũng không ai dai dẳng, bền bỉ sức sống như nhân vật của Mạc Ngôn. Đó là phong cách Trung Quốc. Người Trung Quốc vốn lạc quan chứ không bi quan như người Nhật. Người Trung Quốc không hay tìm đến cái chết như người Nhật. Người Trung Quốc gắng gỏi sống, ráng mà sống. “Phải sống”[1].Như cuộc sống nó vốn là.
Điểm Mạc Ngôn gần Lỗ Tấn, còn là sự dũng cảm. Để viết, và in, và nổi tiếng mà vẫn giữ được cái cốt lõi muốn nói trong tác phẩm của mình ở một đất nước còn chế độ kiểm duyệt xuất bản, thật không dễ. Đọc Phong nhũ phì đồn, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, Thập tam bộ… thấy ông khá mạnh tay phê phán. Thành ra, dù là một nhà văn quân đội chính thống, cơ hồ Mạc Ngôn không hề ca ngợi chế độ, không trở thành “bồi bút” mà đã nói lên được điều cốt lõi nhất: số phận Trung Quốc tao tác qua những biến thiên lịch sử, thời đại. Điểm này Murakami sướng hơn Mạc Ngôn. Tôi hay tưởng tượng, Murakami vừa thảnh thơi, vừa đi bộ, vừa viết, như một niềm yêu thích, như một thú vui tao nhã. Còn Mạc Ngôn, vừa viết, vừa canh chừng trước sau rình rập, giống như nghệ sĩ xiếc đi trên dây, căng thẳng, hồi hộp, một là đến bờ vinh quang, hai là tan xác…
Về sự dũng cảm này, khi đưa Mạc Ngôn và Murakami lên bàn cân giải Nobel, tôi nghĩ, chọn Mạc Ngôn là đúng.
Nhưng một nhà văn lớn của thời đại, một nhà văn xứng tầm Nobel, danh giá nhất hành tinh, theo tôi, phải là một nhà văn nhân loại. Nghĩa là, nhà văn đó phải thực sự vượt qua ranh giới quốc gia không chỉ theo nghĩa hẹp là sách được xuất bản khắp nơi, mà còn là theo nghĩa rộng: vượt qua những hiềm khích dân tộc, vượt qua sự hẹp hòi của “dân tộc chủ nghĩa”, nhất là ở một đất nước như Trung Quốc, dân tộc tính, chủ nghĩa đại Hán vốn là thâm căn cố đế. Thì Mạc Ngôn, chưa đạt đến mức nhân loại. Với Chiến hữu trùng phùng (Ma chiến hữu), viết về cuộc chiến tranh Trung - Việt năm 1979 mà Mạc Ngôn gọi là “cuộc chiến vệ quốc”, tuy bằng giọng văn ôn hòa, không đến nỗi hiếu chiến, nhưng rõ ràng Mạc Ngôn vẫn đứng trên lập trường nước mạnh, nước lớn “cả vú lấp miệng em”. Nếu muốn xứng tầm là một nhà văn Nobel, rõ ràng, Mạc Ngôn nợ Việt Nam một lời xin lỗi.
 12.10.2012


[1]Tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Dư Hoa, được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim.

http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

giấc mơ và ngôi nhà hoang




Nguyên Hậu

trong giấc ngủ
em thường thấy mình lạc vào những ngôi nhà hoang
ngôi nhà có nét thân quen nhưng đích thực là lạ lẫm
dường như đó là nơi cất giấu những mảnh ký ức vụn tả tơi thời xa ngái, thuở chưa có em trên đời
có dấu rêu xanh, cánh cửa vỡ, bức tường loang lỗ
những bậc cửa bằng cây cũ kỹ
và những căn buồng trống không…

nơi đó
con đường dẫn vào
hoặc là cỏ
hoặc rất nhiều nước bao quanh
theo những mời gọi siêu hình, bao giờ em cũng là người tìm đến
rồi thất vọng trong nỗi sợ hãi vô cùng

ở đó
em đã thấy những người từng quen trong những cuộc gặp gỡ
của những giấc mơ liên hoàn nhau
họ xuất hiện trong những căn nhà hoang, vừa quen vừa lạ
hỗn loạn người tốt, kẻ xấu
có kẻ còn giấu cả gương mặt mình
...

kết thúc giấc mơ
bao giờ em cũng là người chạy trốn
nhưng lòng đã đi hoang…

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Bài 3: Thêm vài đặc điểm trong thơ Đồng bằng Sông Cửu Long



Nguyên Hậu

1.      Hồi ức và cảm xúc về chiến tranh

Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng nhưng dư âm của nó còn vọng mãi trong lòng bao thế hệ người dân Nam bộ. Với họ, chiến tranh là vết tích chưa dễ biến mất. Hơn 30 năm trôi qua nhưng đề tài liên quan đến chiến tranh vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà thơ với những góc độ nhìn nhận khác nhau.
Có điều đó bởi lẽ, nơi đây từng là căn cứ địa Cách mạng trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Long An xưa là một phần của căn cứ địa Đồng Tháp Mười, rồi Bến Tre, quê hương nữ anh hùng Nguyễn Thị Định lãnh đạo đội quân tóc dài kiên cường dũng cảm. Dãy đất miền Nam từng hứng chịu bao bom đạn của kẻ thù, chịu bao cuộc đàn áp, thảm sát đẫm máu. Đất nước thanh bình nhưng tất cả những gì chiến tranh để lại vẫn hiện diện từng ngày từng giờ trên mảnh đất quê hương và trong ký ức những người con nơi ấy.
Hồi ức và cảm xúc chiến tranh được thể hiện trước hết ở các bài thơ bày tỏ niềm tự hào về vùng đất anh hùng. Bom đạn khốc liệt bao nhiêu càng làm sáng lên những con người kiên cường ở đó bấy nhiêu:
Vĩnh Phú ơi, Bến Tre dũng mãnh
  Yêu thật nồng mà thù cũng thật sâu”
(Gửi người em gái Vĩnh Phú - Triều Khanh).
Bến Tre cuộn sóng căm thù
Máu xương đòi giặc đền bù máu xương
 Trúc Giang, Bình Đại, Bình Khương
 … Mỏ Cày, Thạnh Phú … uy danh lẫy lừng…”
                                                                        (Bến Tre quê ngoại – Nguyễn Bá)
Bao nhiêu năm qua rồi nhưng ký ức về chiến tranh thỉnh thoảng còn nhắc gợi trong lòng những người từng cầm súng chiến đấu trên chiến trường năm xưa. Có cả những ngậm ngùi:
Con chưa về được mẹ ơi
 Khi mây đen vẫn đầy trời quê hương!
 Con đi đánh giặc mười phương
Cho vườn cau tỏa ngát hương quê mình
(Vườn cau quê mẹ - Nguyên Lễ).
 Và có cả nỗi đau:
 “Bạn nhận phần mình không trở lại
 Những người còn sống nghe nhói đau
 Cứ tiếc cứ thương người lính mãi…
Còn tôi ôm xác, nước mắt trào!
                                                (Tản mạn giữa mùa xuân - Lê Tân)
 Đằng sau những tự hào luôn có góc khuất cho nỗi niềm trầm mặc. Chiến thắng càng vinh quang bao nhiêu thì những đánh đổi càng to lớn bấy nhiêu. Vết thương thể xác có thể đã lành nhưng thương tổn tinh thần còn ám ảnh mãi không thôi. Còn gì đau đớn hơn khi chứng kiến hình ảnh những người vợ xa chồng, người mẹ mất con hằng đêm vẫn rơi thầm giọt nước mắt:
“Trong chiến tranh mẹ mất những người con
 Nỗi đau ấy vẫn oằn lên vai mẹ
 Đêm bình yên mẹ vẫn ngồi lặng lẽ…”
 (Vết thương - Phạm Thị Quý).
“và thật tình cờ cho tôi nhận ra
xóm tôi vẻn vẹn hai mươi sáu ngôi nhà
 có mười sáu người đàn bà
 sau chiến tranh chồng không về nữa
có mười sáu ngọn gió giọt mưa
đêm đêm đi gõ cửa/ trong đó có nhà má tôi
 có mười sáu cuộc chiến tranh trong xóm còn âm ỉ
 dù đã mười năm giặc giã qua rồi
 (Có 16 cuộc chiến tranh – Nguyễn Trọng Tín).
Vẫn còn đó – chiến tranh, âm ỉ cháy trong lòng mười sáu người phụ nữ, mười sáu cuộc đời khi xung quanh họ chẳng còn lấy một hạnh phúc nhỏ nhoi rất đời thường, và sẽ vẫn cháy mãi trong lòng bao thế hệ thi nhân nơi ấy – những người từng vương dấu vết chiến tranh.

2.       Những trăn trở về cuộc sống hiện tại

Thơ xuất phát từ cuộc đời để trở lại với cuộc đời! Sáng tác thơ không chỉ để dàn trải cảm xúc tâm hồn một cách chung chung mà còn nói lên bao trăn trở, khắc khoải của con người trước những vấn đề trong cuộc sống. Bởi cuộc đời có bao giờ hoàn toàn tốt đẹp như mong muốn của bất cứ ai? Có những mặt tốt nhưng cũng còn lắm những khúc mắc, éo le trong đời thực. Khi cuộc sống thay đổi đến mức chóng mặt, con người phải đối diện với vô vàn sự việc, các mối quan hệ chằng chịt tứ phía. Thơ lúc bấy giờ là nơi gởi gắm tốt nhất thức trở của số phận, những mặt trái mà cuộc đời mang đến cho con phận người.
Với các nhà thơ đồng bằng, niềm trăn trở của họ rất thật, không quá sâu sắc nhưng đủ để tạo nên nhịp đập thổn thức trước cuộc đời. Có khi là mối băn khoăn của một đứa con nghĩ đến cội nguồn, đến giá trị truyền thống đang nhạt dần trong hiện tại:
“Họ nghe thấy điều gì đang cựa quậy
 ở bên dưới con đường
 nơi cất giấu dấu chân bao lớp người khuất bóng
 những dấu chân chồng lên nhau vẫn ngày đêm rậm rịch đi về phía khát vọng” (Đường về - Kim Ba)              
Có những điều trớ trêu, ngang trái vẫn bày ra trong xã hội, để rồi đến lúc nhận ra ta không khỏi ngỡ ngàng. Thi nhân đồng bằng ngày càng tỏ ra nhạy cảm và quan tâm hơn đến những vấn đề như thế:
“Cuối cùng hoa trắng là hạt đen
 Cuối cùng trái ngọt là vị đắng”
(Cà phê – Hồ Thanh Điền).
Cuộc sống không bao giờ chỉ toàn những niềm vui.  Cũng còn đó những mất mát khó gọi tên, những chua chát được Hoài Tường Phong nói lên một cách ngậm ngùi:
“Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê
  Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu
  Vài căn nhà xây đổi đời bằng những đồng tiền báo hiếu”
 (Trăng nghẹn).
Thơ đồng bằng đã bắt nhịp, mân mê được cái đa sắc của cuộc đời, phản ánh và gợi lên chút day dứt trở trăn dù chỉ là nhen nhóm trong lòng nhưng sẽ trở thành lực đẩy để tác động vào cuộc sống. Hoài Tường Phong biết cách tiếp cận theo bề sâu, cụm từ “trăng nghẹn” được ông phản ánh bằng ánh nhìn khá tinh tế và có sức lay động lớn lao, đọc câu thơ sao cũng thấy “nghẹn” trong lòng. Từ “chưa” ở cuối bài còn gợi lên cảm giác mong đợi, một nghĩ ngợi rất thật trước cuộc sống đang diễn ra hàng ngày ở quê mình, không hề né tránh, giả tạo. Đó phải chăng là thiên chức của người cầm bút?
Thi nhân là người nhạy cảm với cái đẹp và cũng xao động với cái buồn. Như tấm kính trong suốt, có những điều ở đời thực là bình thường với nhiều người nhưng với thi nhân lại là hạt sạn rơi xuống đáy lòng: 
“Ông lão mù hát bài hát tha hương
 Em nhỏ dắt tay cha
Tiếng hát rớt bên đường…”
 (Con đường - Thái Hồng).
Còn gì đớn đau hơn khi thấy cảnh: “Ruộng cắt sang tên từng mảnh thịt” trong thơ Phạm Nguyên Thạch. Những đổi thay luôn đi cùng hạnh phúc và mất mát. Lòng chợt đắng lại khi tận mắt chứng kiến cảnh chia cắt mảnh hồn quê đã bao đời gắn bó. Người nông dân trọn đời “nặng nợ” với mảnh ruộng, khoảnh vườn như đứa con của mình, nay biến dạng theo “biển dâu” cuộc đời. Càng xót xa hơn khi đi kèm với nó là sự tan vỡ bao giá trị truyền thống. Tình anh em máu mủ, tình vợ chồng, cha mẹ và con cái... tất cả bị xô đẩy cuốn trôi, đảo lộn đến không ngờ. Trong lần “trở lại vườn xưa”, Trần Ngọc Hưởng cất lời cảm thán trước cảnh “thất thổ vong gia”- đất mất đi, tình người cũng lạt phai dù đó là tình anh em ruột thịt:
“Quê người từ buổi giạt trôi
 Mơ về vườn cũ ta ngồi ngâm nga
 Đâu ngờ “thất thổ vong gia
 Anh em trở mặt chốc là người dưng”.
(Trở lại vườn xưa – Trần Ngọc Hưởng)
 Trước cơn lốc đổi thay đầy thách thức của thời buổi kinh tế thị trường, còn có một “bảo tàng thơ” le lói chút hy vọng gìn giữ những điều sắp mất cũng là điều đáng quý. Nhưng đó cũng chỉ là hy vọng, lời nhắn nhủ chân tình pha chút dễ thương như sự níu kéo nét đẹp từ lâu ăn sâu vào tiềm thức:
“Em chớ bận lòng khi đánh rớt sau lưng
 Bộ quần áo tứ thân và cả đôi guốc vông cũ kỹ
 Anh trèo lên cây đa quán dốc
Trong bảo tàng thơ anh ngời ngời ngũ sắc nón quai thao”
(Gọi thơ - Nguyễn Hữu Nhân).
Ai biết sự cố níu giữ của “anh” còn tiếp tục được bao lâu. Mỗi thời đại đều có nỗi đau riêng mình và luôn có cách để thích ứng với nó khi biết không thể thoát ly khỏi quy luật tráo đổi mới - cũ. Trong buổi giao thời của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX, Nguyễn Bính đã từng cảm thán trước sự biến mất cái “chân quê” bao đời: “Hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” (Chân quê). Nhưng rồi cái mới dần chiếm lĩnh đời sống, thời gian làm chiếc phin lọc để cuối cùng mới - cũ hòa hợp trong một xã hội, thời đại. Dù vậy, tiếng Gọi thơ từ Nguyễn Hữu Nhân vẫn là lời nhắc nhẹ nhàng, ý vị.
Từ đó ta thấy thơ ca đồng bằng thể hiện trong hầu hết thanh âm, cung bậc của nó, có khúc điệu mượt mà yên ả nhưng cũng có trăn trở dằn vặt rất đời thường. Tất cả trở thành nguồn cảm hứng mời gọi và thách thức để mỗi thi nhân chốn đồng bằng thể hiện tình cảm của mình qua những trang thơ.
 6.2011
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...