“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

TẢN VĂN: NHÀ TÔI

Nhà tôi
 Nguyên Hậu
Đang học văn và cảm nhận văn chương giờ tự dưng xoay qua viết tin, làm báo, ban đầu cũng hơi vất vả nhưng rồi cũng quen. Nhưng tôi lại có một nỗi lo sợ là sẽ đánh mất đi sự nhạy cảm cũng như chất văn trong những bài viết sau này. Vậy nên viết Blog là một cách để tôi nuôi giữ cho mình điều đó.
Trước giờ tôi xem Blog là căn nhà văn chương của mình, nó phải nghiêm túc, thanh nhã, giống như phòng triểm lãm những tác phẩm đầu đời còn non nghề trẻ dại của mình. Nhưng một ngôi nhà thì cũng có nhiều gian, nhiều phòng. Tôi dành cho thơ một gian trang trọng nhất trong ngôi nhà, là nhà chính, những bài viết nghiên cứu phê bình là gian phụ nằm kế bên (theo kiến trúc nhà tôi – hình chữ Đinh). Còn tản văn hay phần khác chỉ là những gian phụ, nhưng không thể thiếu trong một ngôi nhà, ví như gian bếp chẳng hạn. Và nói như thế cũng có nghĩa là người ta thường ghé vào gian bếp nhiều hơn những gian khác vậy. 
Sẵn nhắc đến nhà tiện thể nói luôn về ngôi nhà của mình. Nhà tôi được cất theo kiến trúc xưa, hình chữ Đinh, bây giờ cũng khá hiếm nơi tôi ở. Nói là hiếm vì ngày nay người ta không còn cất nữa chứ ở Bình Dương, những ngôi nhà cổ kiểu này còn cũng khá.  Kiểu nhà này có hai căn, căn nhà trên nằm ngang và căn dưới nằm xuôi, đòn dông của hai căn này thẳng góc với nhau, giống như chữ Đinh () trong Hán tự. Đặc điểm của nhà chữ Đinh là cửa cái của nhà trên trổ ở chiều dài của ngôi nhà, còn cửa cái của nhà dưới trổ ở chiều rộng (tức ở đầu hồi nhà), do đó cửa cái hai căn nhà trên và nhà dưới đều mở ra cùng một hướng, có chung mái hiên trước, tạo sự đồng nhất cho toàn bộ ngôi nhà. Kiến trúc nhà chữ Đinh thể hiện ý thức về trật tự phong kiến rất rõ. Nhà trên quan trọng vì là nơi thờ cúng tổ tiên nên thường bề thế, cao hơn nhà dưới, đây cũng là nơi sinh hoạt chủ yếu của nam giới. Nhà dưới là nơi ở chung của gia đình, nơi sinh hoạt thường xuyên của phụ nữ. Dù nhà bằng vật liệu bán kiên cố hay kiên cố, phần lớn nhà chữ đinh tại Bình Dương đều thuộc dạng nhà chữ Đinh có cầu nối đặc trưng của miền Trung, tức là nhà có phần trung gian nối vách và mái giữa nhà trên và nhà dưới thành một tổng thể chứ không tách rời nhau. 

Ảnh sưu tầm
Để cất được một căn nhà chữ Đinh, trước tiên phải có diện tích đất khá rộng, sau nữa chi phí cho vật liệu xây dựng khá cao, vì vậy chỉ những gia đình khá giả trở lên mới có khả năng đáp ứng. Có những ngôi nhà chữ Đinh diện tích nhà trên đến 250m2 (ngang 10m dài 25m), được xây dựng bề thế với những cột gỗ lớn, các bộ phận trang trí kiến trúc được chạm khắc tinh xảo. Đi khắp Bình Dương, nhất là những nơi có cư dân lâu đời như thị xã Thủ Dầu Một, huyện Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An… đâu đâu cũng có những ngôi nhà chữ Đinh cổ xưa với dạng nhà vườn giống nhau. Phổ biến là nhà chữ Đinh có kích thước trung bình, mái ngói cổ rêu phong, hiền hòa giữa những vườn cây xanh, tạo cho cảnh quan cư trú một vẻ đẹp yên bình và sung túc.
 Kiến trúc khá đơn sơ nhưng mang theo cả một đặc trưng văn hóa trong đó. Nhà xưa, không nhà nào là không có gian nhà trên – nhà thờ. Nếu không thờ Phật thì cũng thờ ông bà, tổ tiên. Cái này lại theo gốc của đạo Nho. Nhà thờ bao giờ cũng được trang trí trang trọng, thường sẽ có một cái trang ở trên, đặt nhang đèn, thờ Phật, dưới  là tủ thờ, nếu nhà nào giàu thì có cẩn đủ thứ đá quý. Xưa người ta hay chuộng chữ Nho nên nhà nào xưa cũng có treo một cặp đối hai bên. Nhà nội tôi giờ còn giữ cái đó, chứ tới thời ba tôi dù có chuộng cũng không còn chữ Nho để treo. Nhưng ba vẫn giữ ngôi nhà mình cấu trúc đó. Hai bên là hai bộ ván lớn, thường chỉ phát huy tác dụng trong những dịp lễ Tết, hay cưới, giỗ. Hai ván bày hai mâm cỗ lớn cho những người bậc cao trong gia tộc. Tới ba tôi, ông không đặt bộ ván ngựa nữa mà đổi thành hai cái đi-văng. Nói thật cho đến giờ, nhà tôi vẫn không sử dụng mấy cái đi- văng đó, mà chỉ để cho đúng điệu ngôi nhà. Đó không phải là chuyện đáng cười mà cũng là một cách gìn giữ lại chút bản sắc văn hóa. Tôi thường tỏ ra tự hào khi nói với ba mẹ tôi điều đó. Thử hỏi bây giờ kiếm đâu ra nhà nào có hai cái đi-văng to như nhà tôi, lại bằng gỗ quí chứ!
Ai nói nhà như vậy là xưa, là lỗi thời chứ tôi thì thấy thương và quý nó lắm. Có lẽ vì tinh thần trọng cổ của tôi. Với tôi, cái gì càng cổ càng quí. Không phải là xét về mặt giá trị mua bán như mấy tiệm đồ cổ ngoài chợ. Mà tôi muốn giữ lại những giá trị văn hóa xưa, như một hành động yếu ớt chống lại quy luật khắc nghiệt của thời gian và tạo hóa. Mode thì mỗi thời mỗi có, nhan nhãn ngoài chợ, chứ những thứ đã thuộc về quá khứ, nếu không có ý thức giữ lại sẽ làm mất đi một di sản quý báu.

N.H
PS: Về kiến trúc nhà chữ Đinh bài viết có tham khảo website newvietart.com. Bạn đọc vào trang này xem thêm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...