“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Chuyện gia đình



Những ngày này, hễ đi xa về nhà tôi lại nghe mẹ than thở hay bày tỏ sự bức xúc của mình. Là người dân quê, chắc mẹ cũng chẳng hiểu về chính trị bao nhiêu, nhưng những điều mẹ nói ra nghe mới thấm làm sao! Ai chẳng rõ, mới nghe qua cứ tưởng mẹ đang dạy mấy đứa cháu trong nhà.
 Chính trị là vấn đề thể chế của một quốc gia. Những nhà điều hành chính trị của một quốc gia luôn có những chủ trương, đường lối, lý thuyết kinh tế xã hội để tựa vào. Còn với mẹ - một bà nội trợ với mấy đứa con, vài đứa cháu, chính trị giữa các quốc gia trên thế giới cũng đơn giản như cách thức sống và cư xử của những đứa con trong một gia đình. Không đọc báo, không giao du rộng ngoài xã hội, cũng không tham gia họp hành thảo luận chính sự, tin tức cập nhật của mẹ chỉ là chương trình thời sự lúc 19 giờ mỗi ngày trên cái màn hình 21 iches nhỏ nhắn đặt ngay tại gian bếp gia đình. Thế nhưng những điều mẹ suy tư lại khiến tôi tự hào hơn rất nhiều so với những việc mà các nhà lãnh đạo láng giềng đang hành động trên biển Đông.
Trên thế giới, nước có nước lớn nước nhỏ, nước giàu nước nghèo. Với mẹ điều đó cũng giống như những ngón tay trên một bàn tay, có ngón ngắn ngón dài, đều là những đứa con trong một gia đình nhưng mỗi đứa có hoàn cảnh riêng. Dân tộc dù khác nhau về chủng tộc, ngôn ngữ, màu da… nhưng đó vẫn là con người, nên vẫn có tình nhân loại. Vậy nên cách cư xử, quan hệ gắn bó giữa các quốc gia trên thế giới vẫn không nằm ngoài những vấn đề đạo lý làm người và lẽ sống trên đời. Những điều mẹ nghĩ, mẹ nói về tình hình chính trị giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trong hiện tại cũng gần gũi như những bài học đạo lý mà mẹ dạy cho con cháu hàng ngày.
Mẹ nói, người gì xấu chi mà xấu quá trời, đất nhà mình đã rộng cớ sao lại còn muốn lấn qua nhà người ta! Đã vậy, sống lại không nghĩ đến đạo lý. Ông bà mình dạy “Đói cho sạch, rách cho thơm”, dù có đói có nghèo thì cũng tự lực xoay sở, cớ sao lại đi cướp bóc của người khác! Rằng ai cũng máu đỏ như ai, sao không thương nhau mà lại bày ra đủ trò để hãm hại dân nước khác chỉ vì muốn cái lợi cho riêng mình! Là láng giềng mà nỡ chơi xấu lẫn nhau; là anh em mà tráo trở, ăn nói hai lời, nói một đằng làm một nẻo, ức hiếp những người yếu đuối hơn mình. Sống như vậy thì thử hỏi có xứng làm người hay không? Sống như thế thì dù có giàu có, liệu có ai thèm chơi với mình không? Sống trên đời quan trọng nhất là danh dự, là chữ tín. Thế nhưng thử hỏi bây giờ liệu có ai còn coi anh ra gì không khi anh tham lam, nhẫn tâm, hung hãn, độc ác! Sống mà bị cô lập thì liệu có sống nổi lâu dài không?
Luôn cho mình là anh cả, luôn dõng dạc tuyên bố nhiều điều nghe qua rất êm tai nhưng chính anh không hề biết làm gương thì liệu có ai còn nể trọng và xem anh ra gì không?
Là người, ai cũng có gia đình, có con, có cháu. Anh có thể nào dạy cho con anh, cho cháu anh trung thực khi chính anh là người nham hiểm, gian dối? Anh làm sao dạy cho con anh, cháu anh sự nhường nhịn, yêu thương trong khi chính anh là kẻ hung hãn đi ức hiếp người khác? Anh yêu thương con mình nhưng lại đầu độc con người khác, khi đứa con của anh biết được, liệu chúng còn yêu thương, nể phục anh không?
Ông bà ta cũng có câu “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”. Những việc anh đang làm có xứng đáng để được lưu danh muôn đời không? 

N.H
5.6.2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...