“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

BÀI NGHIÊN CỨU: KIM BA - ĐỌNG MÃI DẤU CHÂN QUÊ...



Nguyên Hậu
Tên thật là Hồ Văn Cam, sinh năm 1960 tại xã Sơn Đông, tỉnh Bến Tre, Kim Ba hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre. Xuất thân trong một gia đình nông dân cả đời cơ cực, Kim Ba đã mang cái chất mộc mạc, giản dị, nắng gió của đồng bằng vào các tập thơ của mình một cách tự nhiên và chân thật. Năm 1993, ông đạt giải nhất cuộc thi thơ do báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Đó cũng là bước ngoặc đáng nhớ cho sự ra đời hàng loạt các tập thơ sau này.
 Đến nay Kim Ba đã ra mắt được ba tập thơ là Trăng hoàng hôn (1993), Ai đi xe mo cau (1998), Mùa nồng nàn (2007) và một tập truyện ngắn là Đôi mắt con tàu xanh (2001). Bằng quá trình lao động nghiêm túc với nghệ thuật, Kim Ba thật sự để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc về mảng thơ Bến Tre nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
                       Tôi
                        đứa con của đồng bằng đầy ắp gió
                        đứa con của đồng bằng mê vọng cổ…
(Góc tâm linh).
Lời tự giới thiệu đơn sơ, không cầu kỳ mà nghe sao thương lạ!
Là đứa con của đồng bằng, như nhiều nhà thơ khác, Kim Ba trải mình trong những dòng thơ đong đầy cảm xúc, gởi gắm một góc cuộc đời mình. Ai đó đã nói rằng “Thơ là cái bóng ảo của cuộc đời thực”, nhưng không có nghĩa là không gắn bó với cuộc đời. Sáng tác Kim ba để lại ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ là Trăng hoàng hônMùa nồng nàn. Tuy ra đời trong hai thời điểm khác nhau nhưng người đọc vẫn cảm nhận được một Kim Ba thống nhất, lúc nào cũng nồng nàn với hương vị của đồng quê.
Trăng hoàng hôn – 1994 là tập hợp những tình cảm sâu sắc, chân thành mà tác giả dành cho mảnh đất nơi mình sinh ra, gắn với bóng hình người “má” mà cả đời Kim Ba trân trọng, kính yêu. 28 bài thơ, 28 tâm sự khác nhau, tất cả đều xuất phát từ cái nghĩa cái tình với cội nguồn, với những nếp sống, nếp nghĩ rất chân quê. Sau này với Mùa nồng nàn cũng thế, cách nhau những 13 năm nhưng nguồn thi hứng về “má”, về tình quê không bao giờ vơi cạn trong ký ức, và đã được ông đã thể hiện với những cung bậc mới mẻ hơn. Đó là một điều đáng trân trọng mà Kim Ba làm được trong thơ của mình - vẫn viết về những chủ đề và hình ảnh rất quen thuộc nhưng không tạo cho ta cảm giác cũ kỹ, sáo mòn. Và như thế, mỗi lần đọc lại thơ Kim Ba, người đọc lại trăn trở, lại quặn lòng, lại thắt ruột thắt gan trong cái nghèo khó lam lũ. Tuy nhiên, điều đó không làm cho ta cảm thấy khổ sở mà thấy yêu hơn cái nắng gió của đồng bằng. Kim Ba mang tâm cảm ấy vào thơ mình như một “chất bùn” đặc quánh, càng đọc càng quyện lấy trái tim người, chìm vào những xúc cảm rất thân thương. Nét độc đáo trong thơ Kim Ba là chỗ đó. Thơ đồng bằng hỏi có bao nhiêu người dùng chất liệu quê hương để ký thác những cảm xúc trong thơ mình? Đã là con đồng bằng ai lại không thấy yêu quê, yêu cả cái lam lũ của những người nông dân nơi ấy? Và đã có bao nhiêu vần thơ trăn trở về số phận của những người dân quê? Thế nhưng cái mà thơ Kim Ba mang đến cho người đọc là một cái gì đó hồn hậu, rất buồn và rất sâu. Cái buồn không làm cho người ta chán nản, khinh khi mảnh đất nghèo, cái buồn không làm cho người ta đắm mình trong đó để chịu đựng mà không muốn vươn lên. Cái buồn ấy như thấm sâu vào tận hồn của những đứa con, được khơi lên từ ánh nhìn khắc khoải, cái hồn rất thật, rất đậm đà. Thử hỏi đã là người Việt Nam thì mấy ai không phải xuất thân từ nông dân, vậy nên mỗi lần đọc những vần thơ ấy những kỷ niệm những ký ức về cái xóm nghèo ngày xưa lại hiện về mồn một, thấm qua từng hơi thở, thoát ra thành một tiếng thở dài rồi lại tan như khói như sương. Nó giúp ta nhớ lại những gì đã từng đi qua cuộc đời mình, dẫu ai đó có muốn quên cũng không thể không chạnh lòng trong giây phút.
Thơ Kim Ba là vậy, mới đọc ngỡ như rất bình thường vì câu chữ mộc mạc đến mức như không thể giản dị hơn nữa. Ấy vậy mà sức gợi của nó thì cứ như “bóng cây mái dầm”, cứ trụ mãi trong lòng ta, hay một lớp bùn quê không bao giờ gội sạch.
Thơ Kim Ba có hai hình ảnh luôn gắn liền nhau đó là hình ảnh người mẹ và ký ức quê nhà. Có một nhạc sĩ đã viết về mẹ như thế này: “Không ai yêu mẹ bằng con, không ai thương con bằng mẹ. Mẹ là quê hương của con, quê hương với chuối ba hương, với xôi nếp một với đường mía lau…” (Nguyễn Quốc Việt). Ai sinh ra trên đời mà không có mẹ, mỗi người mẹ bằng tình yêu thương để lại những dấu ấn rất riêng trong lòng mỗi người con. Thế mà không hiểu sao hình ảnh người mẹ trong thơ Kim ba khiến ta thấy rất gần gũi, như chính người mẹ của mình vậy. Tình yêu thương về mẹ không bao giờ thôi thổn thức trên nhịp thơ Kim Ba. Dường như với ông gắn với quê hương là hình ảnh người mẹ, người mẹ rất thật, của riêng ông chứ không chung chung như bao người mẹ khác. Cho nên ta mới bắt gặp cái từ “má” rất thân thương, rất chân thật, và rằng “má” là “má” của Kim Ba thôi. Thế mà không hiểu sao chính cái riêng đó lại khiến cho ta có cảm giác thân quen, không hề cũ kỹ, không hề sáo mòn. Gắn với “má” là những hình ảnh rất đơn sơ, rất mộc mạc với tất cả cái khó nhọc tảo tần, dường như gánh nặng của cả cuộc đời cứ oằn thêm trên vai má từng ngày:
 Nhà thêm đông cánh đồng hẹp lại
 Ngọn gió thổi về oằn oại hơn xưa
(Bất chợt thơ 1)
 Ta như ngửi được mùi hương của cái vất vả nghèo nàn thấm vào trong từng miếng vá đen rầu:
 Mảnh vá thức trên vai
Thấm đen mồ hôi đượm
(Dáng mẹ)
 Cuộc sống vất vả in vào ký ức, vào tiềm thức của những đứa con quê khiến mỗi lần nghĩ tới lại thức dậy trong lòng. Ta có cảm giác những vần thơ viết về “má” của Kim Ba cứ ám ảnh, day dứt trong tâm như cái gánh nặng cả một đời “má” đeo mang. Có khi nào bất chợt, “má” đọc được những vần thơ ấy để rồi vai “má” có nhẹ hơn chăng?
“Má” không chỉ là nơi gởi gắm sự yêu thương mà còn là bến neo gởi tâm hồn. Đúng như ai đó từng nói, tình mẹ là nơi trú ẩn an toàn nhất cho những đứa con. Kim Ba cũng thế! Trước cuộc đời đầy sóng gió bão giông không ít lần làm ta vấp ngã, nản chí, nhất là khi cuộc sống hiện đại cứ chực chờ cuốn phăng đi những giá trị truyền thống, con người dễ thường có thái độ hằn hộc, cô đơn. Nhưng với Kim Ba, ông đã tìm được một chốn neo đậu vững chắc trong tâm hồn mình, và không gì khác hơn đó chính là những hình ảnh thân thương gắn với người mẹ. Dây chuối vườn hoang ngày nào mẹ làm võng mắc đưa ông vào giấc ngủ tuổi thơ giờ trở thành sợi dây vô hình gắn ông về với nguồn cội, làm vơi đi khắc nghiệt của cuộc đời:
 cánh võng tuổi thơ mẹ tôi đan bằng dây chuối vườn hoang
 một đầu treo vào lời ru mang mang không bờ bến
 một đầu treo vào giai điệu buồn lênh đênh sóng Hàm Luông…
(Góc tâm linh)
Ngoài nỗi khắc khoải, đau đáu trong nỗi niềm với “má”, với mảnh đất quê thân thương, Kim Ba còn là một người có trái tim luôn nhạy cảm với tạo vật, rất yêu đời và tinh tế trước những đổi thay của cuộc sống. Có cái gì như tơ lòng cứ giăng mắc đâu đây, có cái gì hụt hẫng cứ khơi vơi trong từng con chữ. Cái ngập ngừng đáng yêu của người còn trai ngày ấy cứ đeo lấy lòng ta, chút gì tội tội mà cũng thật đáng yêu:
                           Giả đò mắt ngó xa xôi
                           Ngờ đâu gặp bướm bay đôi ít nhiều
                            Tự dưng lòng thấy buồn hiu
                           Trái tình khẽ rụng vào chiều. Ai hay.
(Gió trắng)
Hay:
                            Anh ngồi trông bóng mưa bay
                            Nghe chừng nỗi nhớ ngập đầy trong tim
                           Bàng hoàng một tiếng gọi em
                           Mới hay đã nửa đời mình khát nhau
                        (Hương mưa)
 Cuộc đời của đứa trai quê ngày ấy có chút gì xa lắm, tưởng thật gần nhưng trọn đời cũng không bao giờ với tới được. Cái nhìn ngẩn ngơ của anh chàng thấy bến bờ sao còn xa quá, ngỡ bước tới nhưng vẫn hụt chân. Để rồi tất cả chỉ còn là nuối tiếc xa xôi:
 mỗi khi nhìn lục bình trôi chấp chới
 lại thương cây mái dầm mãi giẫm chân trong bùn đắm đuối ngó theo
(Người cù lao)
Hình ảnh con én trong thơ Kim Ba đã kín đáo thay chỗ cho “con sáo” vốn rất quen thuộc trong ca dao Nam bộ. Cánh én dường như không tạo cảm giác buồn hắt hiu, không cho ta sự trách móc. Em mãi là con én nhỏ trong anh, em vẫn đẹp như mỗi lúc xuân về nhưng trọn đời anh cũng không thể nào với tới:
                            Đã nghe tiếng sấm gọi xa
                            Có con én lẻ bay qua cánh đồng
                            Én bay về phía – vời- trông
                            Em đi về phía – nhớ - nhung mất rồi…
(Hương mưa)
Còn một điều làm nên độ sâu trong thơ Kim Ba nữa chính là chất triết lý thâm trầm, sâu lắng, một sự thể hiện khá rõ nét trong các bài thơ sau này. Nó cho thấy sự tìm tòi sáng tạo và trưởng thành ngay trong thơ của mình, triết lý rất sâu nhưng không quá cầu kỳ, khó hiểu. Điều này cho đến hiện tại có thể nói khá hiếm trong thơ đồng bằng. Đâu đó ẩn chứa một niềm trắc ẩn trước những số phận, trước những cảnh đời để rồi tự quay lại hỏi mình, rằng mình đã sống trọn với cuộc đời này chưa?
                           Lúc nhận biết cuộc đời nhiều tráo trở
                            khi nụ cười đã tự héo trên môi
                            gió đang thổi gió cũng nhiều day trở
                            tôi trong đời – đời có ở trong tôi?
            (Đức tin)
Bởi một lẽ sống ở đời mấy ai đã kịp hiểu mình trước khi giã từ nhân thế?
                            Kêu chi hỡi loài con chim tội nghiệp
                           gọi mãi tên mình có hiểu được mình đâu?
            (Tiếng kêu đêm)
Một trong những điều làm nên một bài thơ hay nói theo Trần Đăng Khoa, đó chính là cái điều giản dị mà ám ảnh người đọc. Đọc Mùa nồng nànTrăng hoàng hôn, trên một góc độ nào ta thấy Kim Ba dường như đã gần chạm đến điều đó. Những câu thơ giản dị, đôi khi là thô mộc đến trần trụi như Người rọc lá, Có một ngày, Má dặm lúa một mình…nhưng lại có sức ám ảnh và có sức lắng đọng lạ kỳ. Cũng phải nói thêm, ngoài nội dung thì yếu tố góp phần mang lại hiệu quả nghệ thuật trong thơ Kim Ba là giọng điệu thơ. Đọc thơ Kim Ba có lẽ phải đọc lên thành tiếng, phải đọc cho trọn ý, và phải để làn hơi ngân đầy trong mỗi câu thơ. Bởi có cái gì đó nghe cứ nằng nặng, đau đáu một cái hồn quê, một ẩn tình cô đơn khắc khoải…. Như phù sa lắng đọng dưới đáy sông đầy, giai điệu đó cũng sâu lắm, nặng lắm, khiến ai nghe cũng thấy chất chứa một nỗi tình khó giãy bày, khó thể nào quên.
            Cho đến lúc này có thể nói, những gì còn lại sau khi đọc thơ Kim Ba giống như một lớp bùn – một chất liệu rất quê nhưng cả đời không ai có thể chối bỏ nếu đã từng là đứa con của đồng bằng “đã quen lội ruộng quanh năm / bước ra phố chợ gót chân còn bùn” (Áo trắng ban mai) - lớp phù sa nuôi dưỡng tâm hồn người đọc, rất thực, rất nhẹ nhàng, rất chân quê…

Tháng 8.2011
N.H


2 nhận xét:

  1. đọc bài này xong muốn về miền Tây ở quá đi!

    Trả lờiXóa
  2. trên bầu trời văn học Việt Nam sắp có một ngôi sao sáng nữa rùi.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...