“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN


Bài 4: Không gian Đờn ca Tài tử
Phạm Ngà

Chưa có một loại hình nghệ thuật nào mà môi trường diễn xướng phong phú và đa dạng như Đờn ca Tài tử. Nó có thể được chơi ở mọi không gian và thời gian. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào thì Đờn ca Tài tử cũng vẫn thể hiện được cái độc đáo của riêng nó. Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ, với trên 50 năm ca hát, cho biết không gian chơi đờn ca Tài tử có thể là bất kỳ nơi đâu như trong xóm ấp, trong gia đình chứ không cần phải là một nơi sang trọng. Nhưng không gian đó bắt buộc phải không ồn ào, xô bồ; lý tưởng nhất là hát ca trên ghe, xuồng trên sông vào đêm trăng. GS.TS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Tấn Nhì cũng nhấn mạnh rằng: Đờn ca Tài tử không cần phải có đông người chơi, đông khán giả. Chỉ cần đôi ba người tụ lại là đã thành một buổi đờn ca. Nhưng cái sự chơi đờn ca này đòi hỏi phải có sự tri âm, đồng điệu, say mê giữa những người chơi để ra chất tài tử tài hoa.
1. Đờn ca Tài tử trong không gian sinh hoạt
- Đờn ca Tài tử trên sông nước
Địa hình Nam Bộ chủ yếu là kênh rạch, nên phương tiên di chuyển thường là ghe, đò, xuồng, thuyền … Giữa dòng sông bao la, với từng cơn gió thổi từ lòng sông lên mát rượi, ánh trăng vằng vặc trên đầu và hai bên, tiếng dừa nước xạc xào, để thưởng thức khung cảnh trữ tình này, những người chèo ghe, chèo thuyền thường neo lại, ngồi quây quần hát với nhau. Tùy tâm trạng mà họ hát những bản Tài tử vui hay buồn. Những buổi Đờn ca Tài tử trên sông nước cũng là dịp thuận lợi để những chàng trai, cô gái bày tỏ tình cảm với nhau.
Miền sông nước có một loại xuồng phổ biến là xuồng câu tôm, những lúc rảnh rỗi người dân dong xuồng đi câu tôm. Họ thả cần ở chỗ dòng nước chảy nhẹ, đến khi nước đứng thì để cần lại lên xuồng bắc bếp nướng vài con tôm, thêm một ít rượu đế, trên xuồng lúc nào cũng để sẵn vài ba cây đàn. Các chiến hữu vừa nhấm nháp tôm mới câu vừa đàn hát. Khi trong người có hơi men, họ hát rất say sưa và cuộc vui kéo dài tới khi nào ai nấy mệt thì về nhà ngủ, hẹn hôm sau lại gặp nhau.
Ở An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang còn có một loại thuyền gọi là Thuyền văn hóa, có chức năng như một Nhà văn hóa lưu động. Trên thuyền cũng có những buổi sinh hoạt theo chuyên đề. Trong quyển Đờn ca Tài tử trong đời sống văn hóa cư dân Tây Nam Bộ, TS Mai Mỹ Duyên có viết:
Các hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian trên sông hẳn đã tác động đến việc sử dụng các loại ghe tàu làm phương tiện vận chuyển của những gánh cải lương đầu tiên ở Tiền Giang như: gánh thầy Hai Cu, gánh thầy Năm Tú và gánh Huỳnh Kỳ ([1]).
Mô hình đó phù hợp với địa hình sông nước ở miền Tây Nam Bộ và còn thể hiện được sự linh động, sáng tạo của con người nơi đây.
Có một loại xuồng với kích cỡ nhỏ, chỉ đủ một hoặc hai người ngồi gọi là xuồng ba lá. Nó dễ dàng len lỏi ở những chỗ đông đúc, nguy hiểm. Còn gì buồn hơn khi một mình chèo xuồng trên những quãng sông rộng, thấy thân phận mình nhỏ bé và cô độc quá. Thế là cất lên vài ba câu Vọng cổ mà mình thuộc nằm lòng như để xua tan cái không khí hoang vắng, cô liêu. Không bạn hữu, không ban nhạc, không ai cả thì họ hát cho “mình ên” nghe, vì người nghệ sĩ là người thưởng thức tác phẩm của mình trước tiên.
Đờn ca Tài tử trên sông là một nét đặc thù của miền sông nước, những buổi đờn ca với nhau góp phần làm tăng tình thân ái giữa những bạn ghe, bạn thuyền từ đấy họ thông cảm và động viên nhau trên bước đường lữ khách tha phương.
-                     Đờn ca Tài tử tại nhà riêng
Nhà của người Nam Bộ xưa rất đơn giản, phù hợp với cuộc sống nông nghiệp và lối sống rày đây mai đó. Trong nhà thường có một bộ ván ngựa, được xem là một vật có giá trị. Theo TS. Phan Thị Yến Tuyết trong quyển Nhà ở, trang phục, ăn uống của các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long:
Xưa kia, cách bài trí phòng khách ở nhà trên của người Việt Đồng bằng sông Cửu Long là đặt ba bộ ván ngựa ở ba gian phía trước gian thờ. “Bộ ngựa” là từ ở Nam Bộ chỉ bộ ván gỗ tốt, có kích thước to, chân đóng kiểu chân quỳ ([2]).
Đờn ca Tài tử ngày ấy chỉ có ca, chưa có điệu bộ nên cả ban nhạc và người hát đều ngồi trên bộ ván ngựa mà đờn mà ca với nhau, bà con xung quanh kéo nhau lại xem. Có khi đông quá họ kéo nhau ra ngoài sân trải chiếu ngồi, thậm chí hành lang cũng có thể làm nơi để tổ chức đờn ca. Những đoạn xuống “Xề” mùi mẫn người ca nhận được tràng vỗ tay, hưởng ứng nhiệt tình càng làm tăng hứng thú. Có người nắm vững kiến thức về nhạc lý liền sáng tác “sống” một bài và biểu diễn ngay để mọi người thưởng thức tạo nên sự hấp dẫn cho buổi chơi. Ban ngày họ là những bác nông dân, anh thợ lái máy cày hay chị thợ may nhưng buổi tối họ lại là những ca sĩ, nghệ sĩ tài hoa.
Ngoài ra còn có những buổi sinh hoạt đờn ca ngay trong nhà các nghệ nhân. Buổi sinh hoạt ấy chỉ diễn ra ở những gia đình có truyền thống lâu đời về Đờn ca Tài tử. Theo GS.TS Trần Văn Khê thì cứ mùng hai Tết, gia đình, dòng họ ông lại tập trung để biểu diễn Đờn ca Tài tử như một buổi họp mặt đầu năm. Bên cạnh đó, nó cũng là một nghi thức như người ta khai bút đầu năm hay người nông dân bổ những nhát cuốc đầu tiên trên đồng ruộng. TS. Mai Mỹ Duyên còn cho biết:
Các buổi hòa đờn tại gia cũng là cách để rèn luyện tay nghề vừa để tiêu khiển  thời gian nhàn rỗi. Hình thức này vẫn duy trì cho đến hiện nay ở các gia đình Tài tử ở vùng Tây Nam Bộ ([3]).
-         Đờn ca Tài tử trong các lễ hội, lễ tiệc
Do đặc điểm nước ta là một nước nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên cả nước nói chung và ở Nam Bộ nói riêng có rất nhiều lễ hội. Mục đích là để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ngày trước, phần lễ rất được chú trọng, nhưng dần dần, cuộc sống mở ra, con người cũng thay đổi quan niệm, họ bắt đầu chú ý đến phần hội nhiều hơn. Đờn ca Tài tử vì thế có điều kiện thể hiện mình trước đông đảo người xem. Đây cũng là dịp để các ban đờn ca Tài tử thi thố tài năng từ đó có thể học hỏi lẫn nhau để hoàn thiện hơn.
Trong quyển Nghệ thuật sân khấu Việt Nam của Trần Văn Khải có bàn đến việc đờn ca Tài tử biểu diễn trong các lễ tiệc:
Các ban Tài tử đờn ca trong các cuộc lễ tại tư gia, tân hôn, thăng quan, giỗ quải… nhưng không bao giờ có đờn ca trên sân khấu hay trước công chúng ([4]).
Thời kì manh nha, ban nhạc Tài tử thường được mời biểu diễn trong các đám tang. Ban nhạc Lễ lãnh đám từ lúc vào đến nửa đêm. Sau đó bạn nhạc Tài tử lãnh tiếp từ nửa đêm cho đến sáng, lúc đó ai về thì về, còn ai yêu thích ca hát thì ngồi lại cùng ban nhạc. Sau khi nhóm đờn cây tách ra khỏi dàn nhạc Lễ thì Đờn ca Tài tử ít biểu diễn trong đám tang mà chủ yếu là đám cưới, đám giỗ hay đám sinh nhật.
-         Đờn ca Tài tử trong quán
Ở các quán ăn, chủ quán thường mời ban nhạc đến ngồi cùng bàn với khách, đàn ca giúp vui. Khách thích bài gì thì đờn, hát bài đó, đến lúc khách ngà ngà say thì chính khách lại là người hát ban nhạc chỉ đệm đàn.
Để tránh cuộc đàn áp của thực dân Pháp, những người nông dân đã chấp nhận rời bỏ làng quê lên thị trấn, thị xã làm ăn nhưng vẫn không nguôi ý chí đánh giặc trả thù nhà. Họ làm nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó cắt tóc là nghề mà được nhiều người lựa chọn vì nó thể hiện được sự khéo léo, sáng tạo và tiệm cắt tóc cũng là một địa điểm để các anh em trao đổi thông tin dưới hình thức là những buổi đàn ca. Trong tiệm thường có vài ba cây đàn để khách có thể chơi trong lúc ngồi chờ tới lượt mình. Những lúc rảnh rỗi, thợ cắt tóc là nghệ sĩ với những ngón đàn lão luyện. Nhưng khi có khách lại trở về vai trò khán giả vừa làm vừa nghe những vị khách của mình chơi. TS. Mai Mỹ Duyên có ghi:
Ông Sáu Hoanh - một nghệ nhân chơi đàn khá giỏi của thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, sở trường của ông là đàn tranh nhưng ông cũng sử dụng thành thạo ba loại nhạc cụ khác (kìm, sến và ghi-ta). Ông hớt tóc rất khéo, có ngón đờn hay nhưng không có con, cháu nối nghiệp ca cầm. Ngón đờn tài hoa đã theo ông xuống lòng đất lạnh! Khi ông mất, tiệm hớt tóc đóng cửa, các bạn tài tử cũng tan rã dần ([5]).
-                     Đờn ca Tài tử giữa cảnh trời trăng mây nước
Còn gì thú vị bằng những buổi trưa hè nóng bức, mang đàn ra ngoài vườn hay ngồi dưới mấy gốc me, gốc xoài mà đàn hát với nhau. Gió mát lồng lộng, người đờn người ca thư thái, hiền hòa.
Đây cũng là điểm khác biệt giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Miền Đông do địa hình nhiều đồi dốc, vì thế họ phải làm lụng vất vả mởi có cái ăn, cuộc sống luôn tất bật. Họ ít có thời gian ngồi nói chuyện hay ngồi hò hát với bạn bè. Ngược lại, miền Tây với sự ưu đãi của thiên nhiên địa hình bằng phẳng, nhều kênh ngòi, phương tiện đi lại phong phú. Họ chỉ cần làm một buổi là đã đủ ăn, tôm cá có sẵn, cuộc sống an nhàn, ung dung, tự tại. Những lúc rảnh rỗi họ lấy đờn ra làm vài bản vui với nhau. Trên đường đi cấy, đi cày hay gặt lúa, họ cũng ngân vài câu vọng cổ để ngày mới thêm nhiều niềm vui. Những chàng trai, cô gái chịu thương chịu khó thường để ý nhau và buông lời tán tỉnh bằng những câu ca ngọt lịm. Có thể nói người dân Nam Bộ đàn hát quanh năm, điều đó giúp họ thấy cuộc sống yên bình, tươi vui và năng suất lao động cao hơn.
-                     Đờn ca Tài tử trong những buổi tiễn đưa tân binh, bộ đội:
Đây không phải là môi trường phổ biến, rộng rãi để phát triển đờn ca Tài tử nhưng ở một giai đoạn nào đó, Đờn ca Tài tử đã thể hiện đầy đủ sức mạnh của mình. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Đờn ca Tài tử là một trong những hoạt động sôi nổi nhất của phong trào Tiếng hát át tiếng bom. Những buổi tiễn đưa đầy bịn rịn, luyến lưu trong đó không thể thiếu ban đờn ca Tài tử với những bài ca ngợi đất nước, đồng thời động viên các chiến sĩ ta lên đường. Từng lời ca như tiếp thêm sức mạnh cho các anh trên đường ra trận. Một số bản nhạc Tài tử trở thành bất hủ như: Mặt trận Tầm Vu, Chống Bảo Đại, Lưu Thủy Trường, Xuân Tình… bài Hận sông Gianh thường được dùng khi đất nước còn nỗi đau chia cắt hai miền Nam - Bắc, Bài ca Trường Sơn là nỗi lòng người con An Giang đang đứng trên đỉnh Trường Sơn thương nhớ về Bảy Núi quê nhà khắc ghi mối căm thù, tự động viên mình, động viên đồng đội quyết chiến quyết thắng. Chiến tranh tuy gian khổ nhưng không hề kém phần lãng mạn, bài ca Dệt chặng đường xuân với lời ca trau chuốt, súc tích và đầy sức mạnh ca ngợi các anh chị giao liên lạc quan trong gian khổ hy sinh, ngày đêm như con thoi khắp sông rạch, đồng bằng miền Tây Nam Bộ, kiên cường anh dũng đánh giặc. Không gian ấm cúng của buổi tiễn đưa ấy làm ấm lòng người ra đi và trở thành những kỉ niệm không thể nào quên, hành trang các anh mang theo là những câu hò xự xang quê hương đằm thắm nghĩa tình.
-                     Đờn ca Tài tử trong hoạt động du lịch
Nhận thấy tầm quan trọng cũng như tính hấp dẫn của Đờn ca Tài tử, nhiều công ty du lịch đã thuê các ban Tài tử cùng đồng hành trong chuyến đi để ca cho các khách du lịch nghe. Và đó cũng là tiết mục thu hút được sự chú ý của các khách du lịch trong và ngoài nước.
Ở Bến Tre hiện nay, có nhiều khu du lịch với nhiều ban Đờn ca Tài tử. Không có sân khấu, ban nhạc ngồi giữa, khán giả ngồi xung quanh rất gần gũi, thân tình. Người nghe không phải trả tiền, nhưng gần đó có để một cái dĩa, nếu ai muốn thưởng riêng cho bạn nhạc thay cho lời cảm ơn vì những cảm xúc họ mang đến thì bỏ tiền vào cái dĩa ấy. Trang phục biểu diễn cũng được đầu tư kĩ lưỡng, thường là mặc áo dài. Hoạt động này rất hữu ích vừa giúp các nghệ sĩ có điều kiện trang trải cuộc sống và mua sắm dụng cụ cho ban nhạc. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng lớn lao là giúp Việt Nam có điều kiện quảng bá loại hình nghệ thuật truyền thống cho bạn bè các nước thưởng thức. Đó là đứng trên khía cạnh những buổi biểu diễn mang tính nghệ thuật của những người có tâm với nghề chứ không phải vì những mục đích bất chính nào khác.
2. Đờn ca Tài tử trên sân khấu
Khi đờn ca Tài tử ngày càng phát triển và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả, nó nhanh chóng lan rộng thành một phong trào, như một làn sóng cuốn trôi những ai đam mê và yêu thích nó. Nếu đã nghe họ sẽ ghiền mà đã ghiền thì không thể nào dứt ra được.
Nguyên nhân Đờn ca Tài tử chuyển từ hình thức ngồi trên bộ ván ngựa để đứng biểu diễn trên sân khấu là sau khi ban Tài tử của ông Nguyễn Tống Triều được mời sang Pháp biểu diễn năm 1910. Trong Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Trần Văn Khải kể:
Nghe được cách cho “Đờn ca trên sân khấu”, Thầy Hộ, chủ rạp chiếu bóng Casino, ở sau chợ Mỹ Tho, bèn mời ban tài tử Tư Triều, đến trình diễn mỗi tối thứ tư và thứ bảy trên sân khấu, trước khi chiếu bóng, được công chúng hoan nghinh nhiệt liệt.
Cũng trong quyển này ông đã mô tả:
Cách chưng dọn sân khấu còn đơn sơ. Cái màn bạc dùng làm bối cảnh (fond) kế đó có lát một bộ ván, trước bộ ván có để một cái bàn chưn treo. Hai bên sân khấu có để cây kiểng, xem rậm đám và khán giả có cảm giác đứng trước một cái phòng khách hạng trung lưu. Cách bài trí sân khấu này tuy đơn giản, nhưng nó gợi cho các nhà dàn cảnh cải lương sau này những ý niệm về việc trang hoàng sân khấu. Các tài tử đều ngồi trên bộ ván và mặc quốc phục xem nghiêm trang ([6]).
Trong Sân khấu Cải lương, Nguyễn Thị Minh Ngọc và Đỗ Hương cũng có viết:
Vào năm 1915, Nguyễn Tống Triều và ban nhạc Tài tử ở Mỹ Tho lên trình diễn ở nhà hàng Cửu Long Giang cạnh chợ Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên nhạc Tài tử lên sân khấu chuyên nghiệp ở Sài Gòn ([7]).
Còn Vương Hồng Sển trong Hồi kí 50 năm mê hát thì nói theo sự hiểu biết của ông:
Năm 1915 trở về trước, tại miền Nam, tài tử còn ca kiểu “độc thoại”.
Năm 1916, có ca kiểu "đối thoại" (ca ra bộ)
Đêm 16 tháng 11 năm 1918, tại Rạp Hát Tây Sài Gòn, có diễn tuồng Pháp - Việt nhứt gia (tức Gia Long tẩu quốc) đánh dấu thời kỳ phôi thai của Cải lương.
Cho đến nay, các mốc thời gian vẫn chưa được xác định nhưng tất cả những sự kiện đó nói lên rằng, đờn ca Tài tử đã thoát khỏi hình thức sinh hoạt dân dã để trở thành một hoạt động mang tính chuyên nghiệp khi đứng trên sân khấu. Người hát không ngồi yên một chỗ như lúc trước mà họ đứng dậy đi qua đi lại và còn có thêm những điệu bộ trong lúc hát. Điều này diễn ra vài năm sau khi ban nhạc của ông Nguyễn Tống Triều được mời sang Pháp biểu diễn. Phải chăng việc giao lưu, tiếp xúc với nền văn hóa mới lạ của phương Tây đã làm các nghệ nhân thay đổi phong cách biểu diễn của mình để đờn ca Tài tử trở nên hấp dẫn hơn?
Việc đổi mới nhưng không làm mất đi bản sắc dân tộc đã  đem lại một sức sống mới cho đờn ca Tài tử và đây cũng là bước trung gian để đờn ca Tài tử phát triển thành Cải lương, biểu diễn trên những sân khấu chuyên nghiệp như ngày nay. Và theo TS. Mai Mỹ Duyên thì:
Sau năm 1975, Đờn ca Tài tử được đưa lên sân khấu diểu diễn trong các cuộc liên hoan, hội thi từ cơ sở đến khu vực. Hầu hết 12 tỉnh Tây Nam Bộ, đờn ca Tài tử dưới hình thức liên hoan, hội thi đã trở thành hoạt động định kỳ (một hoặc hai năm tổ chức một lần). Trong số các hình thức hội, nhóm, các câu lạc bộ đờn ca Tài tử hiện đang là mô hình họat động có hiệu quả (ở các nhà văn hóa xã, phường) trong các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở vùng Tây Nam Bộ ([8]) [9, 111-112]
Ngày nay, với mục đích lưu giữ, bảo tồn và phát triển Đờn ca Tài tử ngày càng được mở rộng hoạt động. Ở trong nước, nhiều nhóm, câu lạc bộ được thành lập, sinh hoạt và biểu diễn định kỳ, phục vụ miễn phí cho khán giả đến xem. Ở nước ngoài, đờn ca Tài tử nhận được nhiều lời mời biểu diễn. Đến nay mức độ chuyên nghiệp đã đạt đến đỉnh cao nhưng Đờn ca Tài tử vẫn không ngừng cải biến để ngày càng hay và hấp dẫn hơn nhằm đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của khán giả trong nước và quốc tế. Trong tương lai, Đờn ca Tài tử hứa hẹn sẽ có những bước tiến xa hơn nếu nó luôn nhận được sự yêu mến của khán thính giả và ý thức bảo vệ giữ gìn để nó không trở thành tạp nham, lai căng. Đờn ca Tài tử tự hào khi trở thành đặc trưng của dân tộc Việt Nam nói chung và miền sông nước Nam Bộ nói riêng.

[1] Mai Mỹ Duyên (2007), Đờn ca tài tử trong đời sống văn hóa cư dân Tây Nam Bộ, Luận án Tiến sỹ Văn hóa học, Viện Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr 100.
[2] Viện văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh (1993), Thang âm điệu thức trong âm nhạc truyền thống một số dân tộc miền Nam Việt Nam, TP Hồ Chí Minh, tr 42.
[7] Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đỗ Hương, Cao Tự Thanh chủ biên (2007), Sân khấu cải lương ở Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh: Văn hóa Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh, tr 86.

N.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...