“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

THI SĨ NGÔ KHA: HÀNH TRÌNH Ý THỨC TRONG THƠ NGÔ KHA

Bài 2: Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh trong thơ Ngô Kha
            
                  1. Chủ nghĩa hiện sinh và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam


Triết học hiện sinh là triết học về ý nghĩa cuộc nhân sinh, nói cho dễ hiểu là triết học về con người. Con người là đối tượng đầu tiên, nhưng ở đây không phải là nói về con người một cách chung chung, trừu tượng mà là con người sinh hoạt cụ thể và con người có khả năng chịu trách nhiệm về mình. “Tôi là một chủ thể, và tôi là một nhân vị tự do”. Đó là hai đề tài chủ yếu mà triết hiện sinh quan tâm.
Chủ nghĩa hiện sinh như một sự phản ứng, đối lập lại chủ nghĩa duy lý thống trị trong xã hội phương Tây hiện đại. Nguồn gốc của chủ nghĩa hiện sinh là sự khủng hoảng, sự bại hoại tinh thần do chủ nghĩa duy lý gây nên. Xuất hiện đầu tiên ở Đức dưới sự ảnh hưởng tinh thần của thế chiến thứ nhất, dưới tác động của lịch sử, xã hội, khoa học đã làm cho con người cảm thấy bơ vơ, không còn tìm thấy vị trí đích thực của mình trong cuộc đời. Họ cảm thấy mọi thứ thật vô nghĩa, và có chăng con người cũng chỉ là một sản phẩm vô hồn trong cái guồng máy khổng lồ của cuộc sống. Con người dần mất hết niềm tin, nghi ngờ mọi giá trị, cuộc sống trong ánh mắt họ vì vậy mà đầy những “phi lý”, “chán nản”, “buồn nôn”. Lúc bấy giờ, chủ nghĩa hiện sinh chính là một lựa chọn để họ vượt lên trên hiện thực bi đát đó. Tuy nhiên khi ra đời, ngành triết học này không chỉ tồn tại trên lý thuyết mà còn thể hiện ra thành một lối sống, một phong cách sống. Đó là triết học đầu tiên hướng tới con người với tất cả bản chất cơ bản nhất. Triết học hiện sinh xây dựng trên “chủ thể tính”, không coi con người là một sự vật của toàn bộ vũ trụ như trong triết học cổ điển mà coi con người như một hữu thể đứng trên vũ trụ và có quyền gán cho vũ trụ một giá trị tùy theo quan điểm của mỗi người. Khi con người đã ý thức được chủ thể tính của mình thì tất cả những niềm tin cố hữu trước kia trở nên mất tác dụng, con người nhận thấy rằng: Không có sự vật gì có giá trị tuyệt đối. Chỉ những con người hiện sinh mới dám làm nên giá trị và khẳng định giá trị của mình.
Con người hiện sinh là con người tỉnh ngộ, dám nhìn thẳng vào sự thật với nhãn quan, và khả năng của mình. Nhãn quan này không phải là nhãn quan của Thượng Đế, cũng chẳng phải là nhãn quan của thần linh, mà là nhãn quan của cá nhân mình.
Nhân vị và tự do là hai nội dung quan trọng của hiện sinh. Nhưng tự do ở đây không phải là tự do bên ngoài mà là tự do bên trong, tự do phát xuất từ bản thể. Con người tự do là con người dám lựa chọn, dám quyết định để làm nên cuộc sống của chính mình. Nếu tôi cứ sống như cái máy, ở trên bảo sao tôi làm vậy, người ta bảo sao mình làm vậy, thì tôi mới chỉ sống như một sinh vật, chưa sống cái kiếp người của tôi. Cuộc sống ù lì đó, sống chỉ để sinh tồn, sống như cây cỏ đó, Sartre gọi là buồn nôn, Camus cho là phi lý, Heidegger gọi là tầm thường, và con người muốn vượt khỏi cuộc sống tầm thường, buồn nôn, phi lý, thì phải vượt lên trên mình, phải sống một cách độc đáo (unique), phải là một chủ thể độc đáo (sujet unique). ([1]) Độc đáo ở đây không có nghĩa lập dị mà chỉ có nghĩa là tự do chọn lấy một lối sống riêng, không bắt chước người khác và cũng không chịu sự sai bảo, kiềm chế của người khác. Nói tới tự do là nói tới lựa chọn mà mỗi lựa chọn là một giá trị hiện sinh. Theo các nhà hiện sinh, tự do là nguồn gốc của lo âu nhưng con người cứ phải tìm tự do, để lựa chọn, nhập cuộc và dấn thân. “Nhốt mình trong tồn tại, trong cuộc sống mốc lên, gỉ ra, bất động, trơ ỳ, chờ đợi thụ động chỉ là những dấu hiệu phi hiện sinh”. ([2]) Chính vì  vậy hành động dấn thân là cách biểu hiện của một con người có tự do, là dấu hiệu của hiện sinh trung thực nhất làm nên ý nghĩa cho tồn tại con người. Những mực thước, những quy định mà xã hội gán cho con người đã làm cho họ mất đi đặc tính nhân vị của mình. Do đó con người hiện sinh thường thấy đời mang màu sắc bi thảm. “Con người như chèo chống giữa một đại dương không trăng sao, bị treo lơ lửng trên hố thẳm, bị dồn vào một con đường đầy vực sâu…chờ ngày sáng sủa chẳng bao giờ tới. Kiếp người sinh ra từ ngẫu nhiên cho nên đó là một bất đắc dĩ và sự lựa chọn cơ bản của con người cũng là tự do bất đắc dĩ. Heidegger gọi thân phận làm người là một “sự ruồng bỏ”, Marcel xem con người như một lữ hành đã hình thành trên một quãng đường phải đi”. ([3]) Nhà hiện sinh nói rằng, “để hiện sinh ta phải lựa chọn cái ta sẽ là”. Con người cảm thấy cô đơn, nhưng không phải cái cô đơn thường ngày mà là một thái độ triết học. Chính vì thế người hiện sinh không lẫn tránh sự cô đơn. Con người cô đơn vì tự mình làm nên mình, không sống theo một mẫu người nào cả. Con người cô đơn nên càng đau khổ khi phải sống trong tấn bi kịch của cuộc đời. Chủ nghĩa bi quan như bao trùm lên con người vì không ánh sáng lý luận nào soi tỏ, tự mình lần mò đường đi cho mình. Thực tại không hứa hẹn mang lại cho ta một chân lý nào cả, nó là phi lý. Cho nên đau khổ là bệnh của cuộc đời không ai tránh khỏi. ([4])
Triết học Hiện sinh có hai gốc đối lập nhau:
- Gốc Kierkergaard - bắt nguồn từ những truyền thống Hy Lạp (Socrate) và Thiên Chúa Giáo - hướng về Thượng Đế.
- Gốc Nietzsche - bắt nguồn từ những tư tưởng ngược chiều với truyền thống Hy Lạp - Nietzsche chủ trương tiêu diệt Thượng Đế để tiến tới con người, con người siêu nhân (surhomme).
Các nhà hiện sinh cũng có những ý kiến và cách nhìn nhận khác nhau về cách “hiện sinh”, mỗi người theo đuổi một khuynh hướng riêng của mình như Kierkergaard - ông tổ hiện sinh chính thực, Nietzsche - ông tổ hiện sinh vô thần, Husserl - ông tổ văn chương triết lý Hiện tượng luận, Jaspers - hiện sinh hướng về siêu việt, Marcel - hiện sinh và huyền nhiệm, Sartre - hiện sinh hư vô, Heidegger - hiện sinh và hiện hữu. ([5])
Tuy nhiên tất cả những gì họ quan tâm đều có liên quan mật thiết đến con người, làm sao cho con người sống và thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Muốn thế con người phải hành động, phải thoát ra khỏi cái vỏ bọc chai lỳ, hư vô, buồn tẻ. Đó chính là những đóng góp đích thực mà chủ nghĩa hiện sinh mang lại cho chúng ta.
Ở Việt Nam, chủ nghĩa hiện sinh du nhập vào từ nửa sau thập kỉ 50 và đã tạo thành một trào lưu tư tưởng rất lớn, cùng với những ảnh hưởng tới sinh hoạt văn hoá, chính trị, đặc biệt là ở miền Nam nước ta. Chủ nghĩa hiện sinh vào Việt Nam một là do trào lưu văn hóa Châu Âu du nhập, và thành phần tiếp thu ban đầu là lực lượng trí thức. Tuy nhiên nó tồn tại và phát triển không phải một cách thụ động mà còn do những yếu tố lịch sử xã hội mang lại. Xã hội hiện đại là môi trường chung của toàn nhân loại chứ không riêng của nước nào, phương Tây hay phương Đông. Con người trong hành trình sống của mình lại không ngừng ý thức về bản thân. Chính vì vậy, việc chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện và nhanh chóng ảnh hưởng sâu rộng ở miền Nam Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.
Đầu tiên là cuộc chiến tranh đang tồn tại ở Việt Nam với toàn bộ sự khốc liệt và phi nhân của nó. Con người, nhất là những trí thức tiến bộ sống với những lý tưởng riêng không khỏi băn khoăn và suy nghĩ về sự hiện diện của mình trên vũ đài lịch sử. Cũng có một bộ phận ngộ nhận, sai lầm trong phương pháp, và cách thức vận dụng lý thuyết triết học này, họ chỉ chú trọng đến những mặt tối, bi quan mà chủ nghĩa này mang lại. Hàng loạt những tác phẩm văn chương, những lối sống sai lầm xuất hiện trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ngay từ khi xuất hiện chủ nghĩa hiện sinh đã nhận được một sự cổ vũ nồng nhiệt của các trí thức đô thị, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ. Rất nhiều những nhà thơ, nhà văn đã hòa nhập vào tâm thức ấy, nhất là thế hệ trẻ vừa lớn lên đã bắt gặp cuộc chiến tranh trên quê hương rất dễ có tâm trạng chán nản, thất vọng và cảm thấy cô đơn. Ngô Kha, một thanh niên tuổi hai mươi cũng có chung tâm trạng ấy. Ông đã sớm có những tiếp nhận và đã vận dụng chủ nghĩa hiện sinh vào trong các sáng tác của mình.
Tiếp nhận chủ nghĩa hiện sinh, thế hệ trẻ miền Nam lúc bấy giờ không ngừng suy tư trăn trở, đi tìm bản thể của mình, đi tìm ý nghĩa thực của cuộc đời. Nhưng càng tìm kiếm càng cảm thấy bi quan, chán nản, bơ vơ. Hình ảnh những thanh niên lao vào ăn chơi trụy lạc, hưởng thụ nhằm chống lại cái vô vị của cuộc đời không còn xa lạ với chúng ta. Đó là phản ứng nhằm chống lại cảm giác bất lực của cá nhân trong một xã hội không có tự do, mọi thứ đều nằm ngoài tầm kiểm soát và mong muốn của con người. Không chỉ là thái độ sống mà đó còn là cảm thức sáng tác của rất nhiều nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ. Nó tạo nên không khí bàng bạc thấm đẫm nỗi buồn, chút gì u tối trong sự cảm nhận cuộc sống của mỗi kiếp người. Đó là nguyên nhân làm cho một bộ phận công chúng tiếp nhận lúc đó không công nhận chủ nghĩa hiện sinh và xem đó như là cái gì chỉ có tác hại, cần loại bỏ.
Điều đặc biệt là chủ nghĩa hiện sinh khi vào Việt Nam đã có một cuộc hội ngộ bất ngờ với tâm thức Thiền của phương Đông nên nhanh chóng được tiếp nhận một cách nhẹ nhàng và đi đến tận cùng ý nghĩa của nó. Lúc bấy giờ ngoài những cây bút viết truyện mang đậm dấu ấn hiện sinh như Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Thị Hoàng, Vũ Khắc Khoan, … người thưởng thức thuộc các tầng lớp khác nhau lại càng dễ dàng cảm nhận và tiếp thu chủ nghĩa đó qua các câu hát của các nhạc sĩ miền Nam đặc biệt là Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, … Họ là những người có cái nhìn thấu đáo, mang lại cho hiện sinh một màu sắc mới, nhẹ nhàng hơn, đẫm chất vị nhân sinh hơn. Nhận ra cái nhỏ bé, hữu hạn của thân phận trước cuộc đời, nhưng từ chỗ bơ vơ sẽ dẫn con người đến một thái độ sống thanh thản, tích cực hơn.
Chủ nghĩa hiện sinh có rất nhiều gốc khác nhau, mỗi gốc có một khuynh hướng và một triết gia tiêu biểu. Nhưng ở Việt Nam dường như người ta quan tâm nhiều đến lý thuyết hiện sinh của J. P. Sartre, một người đại diện cho khuynh hướng hiện sinh vô thần. Một phần vì lý thuyết của Sartre có một sự tương hợp với xã hội và tâm thức của người Việt Nam lúc bấy giờ. Có lẽ không có triết học nào trong một thời gian ngắn lại có tầm ảnh hưởng sâu rộng và nhanh chóng như vậy ở Việt Nam. Cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đang dần đi vào sự khốc liệt nhất cả về bề mặt lẫn bề sâu. Ở đây ta không nhấn mạnh đến những tàn phá về vật chất mà chiến tranh gây ra. Cái tác động nhiều nhất đến tâm thức người Việt lúc đó chính là hành động tàn bạo, dã man mà đế quốc Mỹ thi hành trên đất nước Việt Nam. Chính sách “thay màu da trên xác chết” cùng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” vô hình đã làm sâu sắc thêm tính chất của một cuộc chiến phi nhân đến tận cùng của bọn đế quốc. Chính điều này làm tổn thương đến tâm hồn bao thế hệ thanh niên miền Nam lúc ấy. Ở họ không có nữa cái hồn nhiên, tin tưởng. Ở họ đã có lo âu và bất mãn, đã có cả sự suy tưởng và nỗi rã rời. Họ vẫn sống, vẫn yêu nhưng trong tình yêu ấy, trong đời sống ấy đã phảng phất một nỗi buồn phiền, những toan tính. Làm sao bảo họ có thể khác đi được khi họ đã ý thức được một cách đau xót, họ đang lạc lõng không biết mình ở nơi nào trên quê hương. Bởi đổ nát có ngay trong lòng họ, bởi mắt họ đã nhìn thấy xác chết và tro tàn. Những con tim, khối óc suy tưởng quá nhiều nên khi gặp thực cảnh đắng cay đã không còn sức suy tưởng, và vì đã mong ước quá nhiều đến nay không còn mong ước thêm. ([6]) Con người cảm thấy mất niềm tin thật sự với mọi giá trị cuộc sống, khi những giá trị đạo đức cũng dần bị “đôla hóa”, hay vì những vật chất, tiền bạc, lối sống xa hoa hào nhoáng bên ngoài mà sẵn sàng bán rẻ dân tộc, đất nước. Còn gì phi nhân hơn khi nhân loại tàn sát lẫn nhau chỉ vì những lợi ích vật chất, còn gì phi lý hơn khi những người của cùng một đất nước, cùng chủng tộc, cùng màu da lại cầm súng bắn vào nhau! Điều đó đã làm nên một tâm trạng bi quan, chán nản, mất định hướng đối với cuộc đời.
2. Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong thơ Ngô Kha
Không nằm ngoài tâm thức thời đại, Ngô Kha lại là người có trái tim khá nhạy cảm, đối với ông, cuộc sống lúc này hiện ra với tất cả bản chất trần trụi nhất. Nó được ngụy tạo bởi lòng tham và sự tàn nhẫn của con người. Cuộc sống không còn tồn tại bất cứ giá trị nào khi con người có thể chém giết lẫn nhau, đầu độc nhau bằng những thủ đoạn vô nhân, tàn bạo. Điều đó tạo thành một sự dằn vặt, ghê sợ cứ bám riết trong tâm hồn, thành một nỗi ám ảnh triền miên. Làm sao có thể vô tư, yêu đời khi: “tôi lớn lên để tiễn đưa bạn bè từ giã cuộc sống” (Ngụ ngôn của người đãng trí), còn gì là cuộc sống khi:
tôi mãi nhìn pháo nổ trên thây người
thân gục ngã
muôn làn máu đổ
thân ngã gục
muôn người giãy giụa
mắt hờn căm đỏ rực chiến chinh
(Điên)
Mọi lý lẽ, giá trị của cuộc sống mà con người hằng kỳ vọng đều bị xáo trộn, phá vỡ. Trong tâm thức con người lúc bấy giờ Chúa, Phật đều không còn tồn tại, không ai có thể ra tay cứu rỗi loài người hay mang tự do đến cho con người khi lòng tham và sự nhẫn tâm lên đến tột đỉnh. Đâu đó trên các ngõ phố của đô thị miền Nam vang lên những câu hát mang mang cái buồn thổi từ hư vô nghe chất chứa trong lòng “Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người, này em… em cứ phụ người, này em xin cứ phụ tôi…([7])  Đó có lẽ là một phần của lý do vì sao chủ nghĩa hiện sinh hữu thần không ảnh hưởng mạnh ở Việt Nam chăng?
Cái mà họ nhận ra đúng như Sartre đã nói: “Địa ngục là tha nhân”, con người không còn có thể tin ai, không thể ngăn lại bàn tay khát máu mà loài người dành cho nhau. Trong cuộc đời đầy đau thương bất trắc, anh không nhận được gì ngoài những đau khổ, và thế nên càng sống, càng tìm hạnh phúc chỉ càng nhận được sự cô đơn, lạc lõng:
những đòn roi đau buốt
trên vết hằn cừu hận của loài người
những thanh gươm loáng thép
kẻ quen thuộc vây quanh
mang vẻ mặt lạnh lùng nhân chứng
Nếu Thanh Tâm Tuyền, mạnh mẽ lên tiếng tuyên bố Tôi không còn cô độc trong tập thơ cùng tên thì Ngô Kha cũng không kém phần mạnh mẽ khi viết hoa cụm từ khẳng định như đóng một nhát đinh chát chúa vào cuộc đời:
Tôi lên tiếng
VẪN CÒN CÔ ĐỘC
(Ám ảnh)
Cõi đời không còn tràn ngập thinh sắc của yêu thương, không còn tươi đẹp như mong vọng của chúng ta. Kiếp nhân sinh chỉ như cánh phù du lạc loài, vô vị, một kiếp sống thừa. Những trí thức trong các đô thị miền Nam lúc bấy giờ cũng có những tâm sự giống như anh chàng “đầu thai nhầm thế kỷ” những năm đầu thế kỷ XX. Họ cảm thấy bi quan, chán nản thật sự khi: “Các Snack bar mọc lên tràn làn như nấm sau mưa, đồ hộp Mỹ tràn lan các ngả đường phố, gái quê chạy về thành phố, đầu tiên là để tránh bom đạn, nhưng ngay sau đó đã nhanh chóng trở thành kẻ bán thân nuôi miệng. Bom đạn, thuốc khai hoang tàn phá tan hoang xứ sở, quê hương. Những cặn bã của văn minh Mỹ, lối sống Mỹ đã vùi dập biết bao nhiêu con người, đã cuốn biết bao cuộc đời vào trong gió loạn, đã làm trầm luân bao thân phận bọt bèo. Cứ thế xã hội miền Nam tan rã theo từng mảnh, và thế hệ chúng tôi phân hóa đến cùng cực, cũng trở thành những mảnh vỡ, những cánh bèo trôi dạt dật dờ theo dòng lũ chiến tranh”.([8]) Cùng một dòng tâm thức ấy, cái tuổi đơi mươi của anh chàng trí thức Ngô Kha cũng từng tâm sự:
Anh ngủ cuộc đời
trên chăn chiếu ẩm
úp mặt vào trang sách
….
nghĩ về chúng mình
cuộc đời tàn trong ánh mắt đêm
(Đêm 30)
Đáng thương thay cho một kiếp người sinh ra trên thế gian mà không thể hiểu ý nghĩa của sự tồn tại, không hiểu được vì sao ta lại đến với thế giới này. Như có một bàn tay vô hình chơi trò tạo hóa, tạo ra những hình nhân và đặt nó theo ý muốn của mình, để cho mỗi người là một vì sao rơi lạc hành tinh, cuộc nhân sinh chỉ chất chứa nỗi đau thương. Nói như triết lý nhà Phật, nhân gian chỉ là cõi tạm, mỗi chúng sinh chỉ làm một cuộc du hành, tạm trú, rồi cũng có lúc sẽ ra đi.
Ta đã từ quê hương xa lắm
như vị thần lạc nẻo trời cao
quay về đây tinh tú hôm nào
từ vô cực trở về hạ giới
(Ưu tư)
Đi suốt cuộc đời vẫn không thể hiểu cuộc đời là gì, hoàn toàn bơ vơ, trơ trọi. Con người như đứng giữa hai bờ vực thẳm, tìm đời thực nhưng chỉ gặp toàn bóng tối hư vô:
muôn ánh mắt tìm về vực thẳm
Đời hiện tại như một niềm bí ẩn
(Ưu tư)
Về cảm thức này ta cũng có thể bắt gặp trong những ca khúc thấm đẫm chất vị hiện sinh của Trịnh Công Sơn, một người bạn rất thân của Ngô Kha. Tất cả tạo nên cảm thức u buồn, chút bi quan không thành hình nhưng cũng đủ cho đời trăn trở. Có chăng tất cả những gì tồn tại trên thế gian này đều là một kiếp trọ? “Tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cuối trời…”([9])
Con người sống trên thế gian này chỉ là “cõi tạm”, luôn thấy mình bơ vơ, không quê hương, hay nói như Sartre “Quê hương là chốn lưu đày”. Họ sống như những người “tị nạn” (Người con trai), kẻ hành khất (Ngụ ngôn của người đãng trí), kẻ lưu đày (Bức họa đồ tình yêu, Ám ảnh), những đứa trai lạc loài (Người con trai) hay kiếp vong thân đòi đoạn mãi:
tôi chỉ là một kẻ vong thân
khát tình thương chẳng thiết phân trần
còn cái bã con người
xin trả lại…
(Điên)
Và cũng chính vì “địa ngục là tha nhân” nên con người luôn có cảm giác xa lạ với thế giới xung quanh, không tìm ra sợi dây liên hệ nào với thế nhân, không tìm đâu ra chốn trú ngụ bình yên trong tâm hồn. Mang trong mình tâm thức của kẻ lưu vong, những vần thơ lúc nào cũng in đậm sự xơ xác, tiêu điều:
hồn Do-thái bơ vơ
trước mắt hàng thép gai tua tủa
thế kỷ 20 xa lạ
(Khúc ca tình yêu)
Nếu so sánh ta thấy cùng một cảm thức về sự vô thường, về nỗi bi quan nhưng khi vào nhạc, Trịnh Công Sơn đã mang đến cho người thưởng thức cảm giác nhẹ nhàng, hòa vào đó chút tin yêu vào cuộc sống - rằng hãy sống thanh thản, sống hết mình cho kiếp sống này để sau này nếu có ra đi cũng thật nhẹ nhàng.
Xã hội ngày một văn minh hiện đại, nhưng hiện đại trong cái ảo ảnh xô bồ, hỗn loạn những giá trị ngụy tạo. Là một trí thức lương tri, ông không hòa nhập được và cũng không đủ sức để chống đối lại nên càng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng:
anh ngồi bất động một góc
anh khóc như đứa trẻ lạc loài
(Tiếng nói)
Cuộc đời giống như cỗ máy khổng lồ vận hành bởi bàn tay tạo hóa, tất cả thật rời rạc không chút cảm xúc, không chút liên hệ nào với thế giới tâm tư của con người:
Bâng khuâng ga nhỏ tàu cũng đi luôn
Bầu trời cô đơn buồn dâng kín lối
(Tiễn em)
 Cảm thức về cái bơ vơ luôn bao trùm lấy họ - những thế hệ thanh niên trí thức đô thị, khiến họ luôn thấy mình rơi vào tuyệt vọng cùng cực. Lúc bấy giờ, phương tiện cứu cánh duy nhất là tìm đến thế giới của người điên, người đãng trí hay những khung trời siêu thực. Vì chỉ nơi đó con người mới không phải đối mặt với thực tại phi nhân, những gông cùm mà chế độ áp đặt lên con người. Hơn thế, theo Freud, thế giới vô thức thẳm sâu là nơi duy nhất không chịu sự chi phối của lý trí, ở đó con người được hoàn toàn tự do. Mà chủ nghĩa hiện sinh lại rất đề cao cái tự do và xem đó là một phần quan trọng trong chủ thể tính của con người. Chính vì thế mà đến với chủ nghĩa siêu thực cũng là một cách để đi tìm cái hiện sinh đích thực của thi nhân.
Ngoài cõi vô thức, tình yêu cũng là thứ được xem là đồng nghĩa với tự do. Bởi không có thứ lý thuyết nào đặt ra từ lý trí có thể cắt nghĩa được tình yêu. Tình yêu cũng nằm ngoài sự chi phối của tha nhân. Chính vì thế mà khi tiếp thu chủ nghĩa hiện sinh, giới trẻ thành thị đa số sa vào thú chơi thiên về thể xác và xem đó là hiện thân cao nhất của lối sống hiện sinh. Nhưng với Ngô Kha mọi thứ càng buồn hơn khi tình yêu cũng không thể là nơi cứu cánh cho tâm hồn. Bởi tình yêu lúc bấy giờ cũng bị vật chất hóa, tình yêu không còn vẻ thanh khiết trọn vẹn như ban đầu, tình yêu không còn đủ sức để cứu rỗi một linh hồn đang rơi vào tuyệt vọng:
con đà điểu cắp cánh tay người yêu tôi đi
chiếc nhẫn cưới bay mất
tôi không còn cuộc hôn nhân kỳ dị
người con gái đâm mù mắt tôi
bằng hai quả trứng vàng
tôi ăn quả trứng vàng mộng mị
người con gái vẫy bàn tay hư vô…
(Ngụ ngôn của người đãng trí)
Hình ảnh “em” mang bóng dáng cuộc đời, nhưng ngay cả trái tim em trọn đời anh cũng không thể nào hiểu hết:
em hát trên môi câu thần bí
tôi tìm trọn đời không giải nổi lời ca
(Khúc ca tình yêu)
 Bức họa đồ tình yêu giờ rách nát, tan tành, anh lạc lõng trong cuộc đời “đồng mưu phạm tội”. Tình yêu mang người ta về với nguồn cội, nhưng bây giờ tình yêu cũng mất, anh không thể nào níu kéo được:
Tình yêu chết
để tang trong thầm lặng
mộng vỡ rồi như lạc mẹ chiều xuân…
(Hoa niên)
Không có tình yêu anh như người đi trên sa mạc không la bàn chỉ lối. Tất cả đổ vùi theo giông bão cuộc đời, anh đánh mất đời và cũng đánh mất anh:
Tây Bá Lợi hay miền Bắc tuyết phủ
Ta đi đày
Sahara hay thành trì hoang rợ
ô đèn đường xua đuổi ta đi
linh hồn ta nấm mộ hoang
linh hồn ta nắm mộ hoang
Sahara mênh mông.
(Bức họa đồ tình yêu)
vẫn còn đi…
đi mãi
Hai cánh tay anh bơ vơ…
(Đêm 30)
Gương mặt quê hương tan nát từng ngày, thế gian nhuốm đầy màu sắc tội lỗi, thi nhân không còn nhận ra đâu là nhân gian đâu là địa ngục. Đến đây ta lại nhớ đến câu nói bất hủ của Sartre trong lý thuyết hiện sinh của mình: “Tội tổ tông của tôi là xuất hiện trong thế giới có tha nhân”. Mang trong mình cảm thức về tội tổ tông làm cho con người luôn trong tâm thế bị ám ảnh, chịu phạt.
Anh lao mình vào cuộc đời
đồng mưu phạm tội
nên anh vẫn còn trăn trối
(Đêm 30)
Có một điều cần nhận thấy là khi tiếp nhận chủ nghĩa hiện sinh, con người dần dần nhìn nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Nhìn thấy rõ thực tại để làm động lực vươn lên bằng chính ý chí và nghị lực của mình. Con đường đi đến “tự do” là như thế. Nói theo cách của J. P. Sartre là “Con người, để đem lại ý nghĩa cho đời mình, chỉ có thể căn cứ vào chính mình, vào trách nhiệm và tự do trong những dấn thân của mình. Bị ném vào một thế giới vật chất và lịch sử xác định “hiện cảnh” của mình, cá nhân chạm trán một thực tại khách quan mờ đục, không thể xuyên thấu. Một mình đối bóng, chẳng có gì để chờ mong, con người nhận thức tồn sinh với cõi lòng xao xuyến, trong tình trạng bơ vơ, cô đơn không định hướng. Để không chìm sâu trong nỗi tuyệt vọng hay trong những mơ mộng hão huyền, phải cố trở nên chính mình, và ở trong mỗi khoảnh khắc, tạo ra phẩm giá và đức lý cho mình: Con người chẳng là cái gì khác hơn là cái mà nó tự tạo([10])
Cuộc đời giống như một sân khấu, mỗi người chẳng khác nào những thằng hề bị giật giây bởi bàn tay tạo hóa. Ý thức được điều đó, mỗi cá nhân luôn khát khao tìm lại tự do, tìm lại bản thể thật sự của mình. Đi từ miền sa mạc, qua dòng sông đêm, qua cõi siêu thực âm u đến những chốn lưu đày, anh tự đặt tên mình bằng những chán nản, cô đơn, tuyệt vọng. Cuộc đời giống như một cuộc đối thoại dài với chính mình và với hư vô. Anh là ai? Ai có thể trả lời cho anh? Anh là “đứa con trai lạc loài”, hay là “người lữ hành trên sa mạc”, hay vị thần bị “lưu đày” từ muôn nẻo trời cao? Anh là kẻ vong thân, là kẻ điên trọn đời cuồng dại hay tên đãng trí bị vị thần tình yêu chọc mù đôi mắt? ... Anh là ai? Không bao giờ dừng chân trên con đường đi tìm chính mình, cuối cùng vị thần lịch sử cũng đã chỉ cho Ngô Kha nhận ra vai trò của mình. Cùng với bao thanh niên trí thức khác, thi nhân cảm thấy không còn cuộc dấn thân nào ý nghĩa hơn là tìm lại tự do cho dân tộc. Đúng như câu nói bất hủ “mỗi người hãy tự đặt tên mình bằng số phận(Ngụ ngôn của người đãng trí), không ai có thể làm thay điều đó ngoài bản thân ta. Một ý thức dấn thân quyết liệt có một không hai trong lịch sử. Bởi nó được đánh đổi bằng máu và nước mắt, bằng cuộc đời của mỗi chúng ta.
trên cánh đồng phù dung
dẫn tôi vào hành trình
kẽm gai và máu…
(Ngụ ngôn của người đãng trí)
Để rồi:
ta phá vỡ ngục tù vây quanh lười biếng
ta đập tan ươn hèn mai phục lương tri
nhất quyết tiến lên là động cơ mới
đường ta đi đến thế lớn vô cùng
(Bài ca tự quyết)
Đó giống như một quá trình nhận thức cuộc sống, không thể mãi mù mịt về giá trị của bản thân, triết lý hiện sinh giúp ta khám phá ra chân trời cần đi đến cho mỗi cá nhân. Và đó là hành động dấn thân tích cực chứ không hề ngụy tạo, không hề phủ dụ bất cứ ai. Đó chính là điểm đóng góp quan trọng mà chủ nghĩa hiện sinh mang lại cho cuộc Cách mạng dân tộc. Trên một mặt nhất định, chủ nghĩa hiện sinh đã định ra đường hướng tích cực cho một bộ phận tầng lớp thanh niên trí thức tiểu tư sản miền Nam lúc bấy giờ. Là những người trí thức có lý tưởng thật sự, nhưng sự dấn thân của họ không cùng một nguồn gốc như chủ nghĩa Mác đưa ra. Nói như Nguyễn Trọng Văn thì “chủ nghĩa hiện sinh vô thần của Sartre không chống lại chủ nghĩa Marxist, trái lại nó giúp cho chủ nghĩa Marxist tìm lại con người cụ thể sống động”. ([11]) Đó có thể nói là sự hội ngộ tuyệt vời của những giá trị thực mà cuộc sống mang lại cho con người.
Từ đó ta thấy chủ nghĩa hiện sinh không chỉ tác động đến tư tưởng trí thức miền Nam lúc bấy giờ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn, đi vào hoạt động tinh thần, là động lực cho sự dấn thân của các thế hệ trẻ. Ngô Kha là người luôn đi đầu trong các cuộc dấn thân ấy và cũng không tránh khỏi những băn khoăn, trăn trở về thân phận và trách nhiệm thật sự của mình. Những vần thơ trên minh chứng cho một tâm hồn nhạy cảm với cuộc sống, một trái tim lương thiện và một thể trạng hết sức văn chương. Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh không chỉ dừng lại ở đây mà như đã nói, mà còn là kim chỉ nam dẫn đường cho những vần thơ thể hiện ý thức dấn thân không kém phần quyết liệt sau này.


[1]  Nguyễn Tiến Dũng, Chủ nghĩa hiện sinh - lịch sử, sự hiện diện ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr 101.
[2]  Nguyễn Tiến Dũng, Sđd, tr 90.
[3]  Nguyễn Tiến Dũng, Sđd, tr 96.
[4] Nguyễn Tiến Dũng, Sđd, tr 103.
[5] Xem Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, NXB Văn học, Hà Nội, 2005.
[6] Xem Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Đông Nhật, Phác họa chân dung một thế hệ, NXB Đà Nẵng, 2007.
[7] Bài hát “Này em có nhớ” của Trịnh Công Sơn.
[8] Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Đông Nhật, Sđd, NXB Đà Nẵng, tr 220.
[9] Bài “Ở trọ” của  Trịnh Công Sơn.
[10] Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Đông Nhật, Sđd, tr 222.
[11] Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Đông Nhật, Sđd, tr 226.

Tháng 6.2011
N.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...