Bài 3: Đặc điểm của Đờn ca Tài tử
Phạm Ngà
1. Tính ngẫu hứng
|
Một buổi Đờn ca Tài tử ở Nam bộ |
Đờn ca Tài tử thật sự là những cuộc chơi tao nhã của giới bình dân, của những tâm hồn phong lưu tìm bạn tri âm qua lời ca tiếng nhạc. Người chơi Tài tử chính thống khi ngẫu hứng sẽ đờn, còn không hứng thì thôi, không ai có thể mua được tiếng đờn của họ. Trong cuộc chơi, họ so tài cao thấp trong từng ngón đờn, sự nhịp nhàng, bài bản, giọng ca... Và sau mỗi cuộc chơi, mỗi người, mỗi nhóm trao đổi ý kiến, học hỏi thêm để tay đờn thêm chắc, giọng hát thêm hay. Người ta có thể chơi Đờn ca Tài tử mọi lúc mọi nơi: trong đám hội, lúc nông nhàn, khi rảnh rỗi, ngoài bờ đê, cạnh bờ sông hay là khi thả thuyền trên sông. Có khi đang làm việc ngoài đồng, thấy có nhóm đàn ca, liền bỏ cuốc bỏ cày vào chung vui với mọi người quên cả công việc. Không ai quy định một cuộc chơi Tài tử phải có số lượng bao nhiêu và thời gian bao lâu. Bất cứ ai biết đàn, biết ca có thể tham gia cuộc chơi đầy ngẫu hứng này. Cuộc so tài càng cao, càng hấp dẫn thì người xem càng cổ vũ nồng nhiệt. Một cuộc chơi Tài tử ít nhất cũng vài tiếng đồng hồ, có khi kéo tới 2 - 3 ngày. Ai đờn mệt, ca mệt thì ra nghỉ, người khác vào chơi thay, xong thì lại vào chơi tiếp, chơi tới hết người thì thôi. Vì tính tài tử đó mà Đờn ca Tài tử dễ bị hiểu lầm là bình dân, không chuyên nghiệp.
Mặc dù bắt nguồn từ Nhã nhạc cung đình Huế nhưng dàn nhạc Tài tử không bị ràng buộc, gò bó vào những định chuẩn về chủng loại, số lượng nhạc khí, hay về thể thức và trình tự diễn tấu cũng như chưa có quy định cụ thể nào về biên chế một dàn nhạc Tài tử ổn định. Đờn ca Tài tử Nam Bộ có khi đờn một mình (độc chiếc), độc tấu đờn kìm, đờn tranh. Nhưng thường thì ít nhất có hai cây đờn khác nhau về âm sắc cùng hòa với nhau. Thường thấy nhất là song tấu đờn kìm và đờn tranh - là sự kết hợp giữa tiếng tơ và tiếng sắt - mà giới chuyên môn gọi là “sắt cầm hảo hiệp”, hoặc song tấu đờn tranh và đờn cò. Tam tấu với ba cây: đờn kìm - đờn tranh - đờn cò; đờn kìm - đờn tranh - độc huyền cầm; còn đờn tranh - đờn cò - độc huyền cầm với từ chuyên môn là tam chi liên hoàn pháp. Đờn kìm, đờn tranh và đờn cò có ba sắc thái và màu âm khác nhau, hòa cùng nhau sẽ tạo thành tiếng nhạc tam tấu nghe rất êm tai, dễ chịu. Năm cây: đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, độc huyền cầm và ống tiêu hòa với nhau thì gọi là ngũ tuyệt.
Một điểm đặc biệt của nhạc tài tử là lối đàn ngẫu hứng - tương tự lối chơi ngẫu hứng trong nhạc jazz của phương Tây. Cũng cùng một lòng bản, nhưng mỗi nhạc khí có kĩ thuật biểu diễn khác nhau và tạo nên nét đặc trưng độc đáo với một số kĩ thuật như: rung, nhấn, luyến, láy, vuốt, mổ... và kĩ thuật về âm hình, tiết tấu. Dựa trên bài bản truyền thống của nhạc Tài tử, kết hợp với sự vận dụng nhuần nhuyễn các kĩ thuật, người nghệ sĩ sẽ sáng tạo ra một bài nhạc mới, tức thời, biến hóa tiết tấu, thay đổi cường độ, tạo chỗ ngưng nghỉ để cho ra một bè đàn có tính cách riêng, nhưng đồng thời phải hòa hợp với những nghệ sĩ cùng diễn khác. Lối hòa đàn như vậy của Đờn ca Tài tử được các nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam gọi là lối “hòa tấu biến hóa lòng bản”. Chính vì thế mà mỗi lần nghe lại cùng bản đàn, khán thính giả luôn luôn thấy mới lạ và hài hòa.
Có lẽ phần ngẫu hứng nhất trong nhạc Tài tử là phần rao của người đờn hoặc nói lối của người ca trước khi vào bản đờn chính. Câu rao là câu nhạc khởi đầu, rất ngẫu hứng của người chơi đờn dùng để thử dây đồng thời thử đờn. Rao để lên dây đờn cũng là lúc nghe thử cây đàn có phím nào lệch hay dây đàn cứng quá hoặc mềm quá không, để lúc biểu diễn tiếng nhạc được hoàn chỉnh hơn. Câu rao không có nhịp phách cố định, không có lòng bản như bản đờn, người chơi câu rao chỉ cần theo đúng điệu thức đã chọn lựa mà sáng tác. Câu rao sẽ gợi cảm hứng cho bạn diễn, tạo không khí cho dàn tấu, và chuẩn bị hình tượng âm nhạc cho người thưởng thức khi dẫn thính giả đi lần vào điệu thức, vào hơi để nghe bản đàn.
Theo GS.TS Trần Văn Khê thì:
Câu rao chẳng những tạo một bầu không khí phù hợp với bản đờn, vui tươi cho bản Bắc, nghiêm trang cho bản Nhạc, êm ả cho bản Xuân, buồn dịu cho bản Ai, mà còn là một dịp để nhạc công thử dây đờn như người chơi kỵ mã thử ngựa, và lúc đó người nhạc công có thể phô tài của mình hay tuỳ hứng sáng tác những khúc mới lạ (). Ngoài ra, khi trình tấu, các nghệ sĩ cũng có thể dùng tiếng đàn của mình để “đối đáp”, “thách thức” bạn cùng diễn. Chính vì vậy mà nhạc Tài tử luôn luôn sinh động và hấp dẫn người nghe. Câu rao theo truyền thống Nam Bộ phóng túng và đầy ngẫu hứng. Mỗi người thầy có một cách rao, lúc đầu người học đàn theo cách của thầy, nhưng khi đạt đến mức nghệ thuật khá cao thì người nghệ sĩ được phép sáng tạo những câu rao của riêng mình.
Chất tài tử và chất nghệ sĩ luôn quyện vào nhau ở người đờn, người ca. Họ chơi đờn ca Tài tử với đầy tính ngẫu hứng nhưng vẫn tuân theo phương thức ngẫu hứng trên lòng bản. Chính ngẫu hứng đã tạo nên hơi thở cho Đờn ca Tài tử để những cuộc chơi của người nghệ sĩ cứ tiếp nối từ đời này sang đời khác.
GS.TS Yamaguti (Nhật Bản) - người đã giới thiệu nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Huế với công chúng Nhật Bản và UNESCO, từng nhận định rằng: Những dạng trình diễn âm nhạc mang tính ngẫu hứng không chỉ có ở Việt Nam mà có thể bắt gặp ở nhiều quốc gia khác, trong truyền thống âm nhạc châu Phi cũng như âm nhạc đương đại và những loại hình âm nhạc đại chúng như rock, blue, jazz... Tuy nhiên số lượng các loại hình âm nhạc cổ truyền, được truyền lại qua nhiều thế hệ như nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Nam Bộ thì không nhiều (). Ngẫu hứng là đặc điểm nổi bật và được xem như một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của một buổi chơi Đờn ca Tài tử ở Nam Bộ.
2. Tính bác học
- Tư tưởng Khổng - Mạnh:
Như trên đã tìm hiểu, Đờn ca Tài tử bắt nguồn từ Ca Huế. Vì phục vụ cho tầng lớp thượng lưu, cao quý nên những nhà viết nhạc thường là nhà Nho trí thức. Họ mang tư tưởng của Khổng - Mạnh “Quân xử thần tử/ Thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong/ Tử bất vong bất hiếu” nên nội dung chủ yếu thể hiện sự yêu mến, ngưỡng vọng và lòng trung thành đối với Quân - Sư - Phụ. Khi những nhà Nho ấy theo phong trào Cần Vương vào Nam đã mang theo loại nhạc này. Nó được biến đổi về ca từ, giai điệu để phù hợp với ngôn ngữ và phong tục tập quán của người dân Nam Bộ nơi đây, tiêu biểu là trưởng nhóm miền Đông, ông Ba Đợi và trưởng nhóm miền Tây, ông Nhạc Khị. Hai ông dựa trên nền nhạc sẵn có để đặt lời ca tương ứng. Các ông tổ chức giảng dạy, truyền bá nhạc Tài tử khắp nơi, nhiều người theo học và nối nghiệp thầy. Thế hệ sau này có ông Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) sinh năm 1892, mất 1976, là người sớm bộc lộ tài năng, biết nhiều chữ nghĩa, ông sáng tác bài Dạ cổ hoài lang (đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) là bản tiền thân của Vọng cổ ngày nay. Với lực lượng sáng tác đông đảo có trình độ cao, nhiều bản nhạc Tài tử đã ra đời với một hệ thống chặt chẽ gồm những bài bản lớn như: Nam, Oán, Ngự.
- Nam có 3 bài: Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo (Đảo Ngũ Cung).
- Oán có 4 bản nội và cũng là 4 bản chính: Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng Lai Nghi, Giang Nam Cửu Khúc, Phụng Cầu Hoàng Duyên. Sau này có thêm 4 bản Oán ngoại: Bình Sa Lạc Nhạn, Than Dạ Đề Quyên, Ngươn Tiêu Hội Oán Và Võ Văn Hội Oán.
- Ngự có 8 bài:
· Bát Man tấn cống: Tám tộc man di vào chầu thiên tử. Thể hiện niềm hân hoan chào đón nhà vua.
· Đường Thái Tôn: Tôn vua Thành Thái như vua Đường Thái Tôn ở Trung Quốc được thần dân kính yêu, mến phục.
· Vọng phu: Trông chờ được diện kiến vua như người vợ khắc khoải mong chờ chồng.
· Chiêu Quân: Lòng dân miền Nam như nàng Chiêu Quân, tuy đem thân cống Hồ nhưng vẫn một lòng với cố quốc.
· Ái tử kê: Xin vua xem xét thương người miền Nam như gà mẹ thương đàn con nhỏ.
· Tương tư: Vì hoàn cảnh phải xa cách nên tâm trạng nhớ thương vua như thương nhớ người yêu.
· Duyên kì ngộ: Bất ngờ gặp vua như mối duyên diệu kì.
· Quả phụ hàm oan: Miền Nam bị tiếng theo Pháp, nỗi oan này như
người thiếu phụ hàm oan với chồng.
Các ông cũng cải biên những bài Ca Huế sang những bài nhạc Tài tử như: bài Bình Bán của Ca Huế được phát triển thành Bình Bán Vắn, Lưu Thủy Huế thành Lưu Thủy Đoản, Kim Tiền Huế thành Kim Tiền Bản, Phú Lục Huế thành Phú Lục Chấn, Bình Bán Huế thành Bình Bán Chấn … tất cả đều mang tên tiếng Hán.
- Triết lý âm dương – ngũ hành:
Tính bác học của Đờn ca Tài tử còn thể hiện ở việc nó tương ứng với âm dương – ngũ hành. Nếu ngũ hành là: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ thì Đờn ca Tài tử cũng có năm cung bậc tương ứng từ cao đến thấp là: Hò - Xự - Xang – Xê - Cống. Ta có tam tài: Thiên - Địa – Nhân thì Đờn ca Tài tử có 3 Nam: Nam ai (Nhân), Nam xuân (Thiên), Nam đảo (Địa). Tứ tượng (bốn mùa) tương ứng với 4 Oán. Về âm – dương, trong Đờn ca Tài tử cũng có nhịp nội nhịp ngoại đối nhau. Nhịp nội ứng với dương (+) còn nhịp ngoại ứng với âm (-), cụ thể là trong các bài Bắc, Nam. Tác giả Đỗ Dũng trong quyển “Sân khấu Cải lương Nam Bộ 1918 – 2000” có nhận định:
Theo triết học phương Đông: nhật (dương), nguyệt (âm) tức là trời đất sinh ra ngũ hành và ngũ hành biến hóa thành vạn vật. Còn nhạc Tài tử có nhịp ngoại - nội, lấy ngũ cung làm nền tảng để rồi “thiên biến vạn hóa” ra biết bao chữ nhạc trong các bài bản. Tính triết lý của nhạc Tài tử cơ bản là ở chỗ đó (). Hay trong quyển “Âm nhạc Cải lương tính năng, giai điệu” tác giả có nói thêm: “Từ năm cung biến hóa ra muôn vạn âm sắc, có hơn 200 giai điệu trong âm nhạc Cải lương, mà trong các giai điệu chỉ quy về năm đầu mối chính” (). Có thể nói, Đờn ca Tài tử đã vận dụng rất tinh tế triết lý âm - dương vào những sáng tác của mình làm cho tiếng đờn, lời ca như hòa cùng với đất trời.
- Tính mô phạm (văn hóa tâm linh):
Đờn ca Tài tử là một phong trào, không mang tính chuyên nghiệp mà mang tính tự phát và tự giác. Họ có hứng thì chơi, không thì thôi không ai bắt ép được họ. Những lúc rảnh rỗi, họ họp nhau lại cùng đờn cùng ca. Có khi đang đi công việc, thấy đờn ca vui quá liền ghé vào ngồi tới tối rồi về quên cả công chuyện đang làm. Thậm chí có người mê quá còn bỏ nhà cửa đi theo các gánh hát. Đờn ca Tài tử có trường phái nhưng không có trường lớp. Việc truyền đạt không theo trường lớp chính quy mà theo kiểu truyền nghề truyền thống “cầm tay chỉ việc”. Nó mang tính chất tâm linh là cảm xúc từ con tim, đưa vào lý trí (bộ óc) để cảm nhận. Nói như vậy là bởi vì có người không biết gì về nhạc lý hay các bài bản, thậm chí có người còn không biết chữ nhưng chỉ cần nghe qua họ có thể thuộc làu làu, đàn hay hát hay.
- Tính thính phòng:
Đờn ca Tài tử mang tính bác học, sang trọng không khác gì nhạc phương Tây. Nếu nhạc quãng 8 có Đồ - Rê - Mi - Pha - Son - La - Si với những nốt trầm bổng thì Đờn ca Tài tử cũng có 5 cung Hò - Xự - Xang - Xê - Cống với những âm vực cao thấp thể hiện đủ mọi cung bậc cảm xúc: hỉ - nộ - ái - ố - bi - hài… Nhạc Tài tử còn giống nhạc giao hưởng ở chỗ là nó cũng có những chương, hồi, có cao trào và thoái trào, có cấu trúc chặt chẽ về thang âm, điệu thức.
- Văn chương bác học:
Do tiếp xúc nhiều với sách vở của Tàu, nên các tác giả đưa nhiều điển cố, điển tích hay những nhân vật nổi tiếng của Tàu vào tác phẩm của mình. Như bài ca: Tô Huệ chức cẩm Hồi Văn (điệu: Nam Xuân - Nam Ai) dựa vào điển tích: Tô Huệ - người đời nhà Trần (Trung Quốc) quê ở Thị Bình, còn tên là Nhược Lan. Nàng có tài văn chương, do nhà nghèo nên về làm vợ thứ Đậu Thao. Ít lâu sau, Đậu Thao lấy thêm hầu thiếp, không mặn nồng với nàng. Sau đó, Đậu Thao vâng lệnh vua đi thú ngoài biên ải. Nàng Tô Huệ làm bài thơ Hồi văn rồi dệt vào gấm, dâng lên vua xin tha cho chồng về. Vua xem xong khen tặng bài thơ của nàng và xúc động nên truyền lệnh cho Đậu Thao trở về.
Hay bài ca: Bá Lý Hề (soạn lời: Trần Quang Quờn, điệu: Tứ Đại Oán) dựa vào điển tích: Bá Lý Hề người nước Ngu (Trung Quốc) tên là Tỉnh Bá, ba mươi tuổi mới cưới Đỗ Thị làm vợ. Tỉnh Bá học giỏi, có tài, vâng lệnh đi sứ bị bắt giữ lại cho chăn trâu. Trần Mục Công biết mới chuộc Tỉnh Bá về bằng năm bộ da dê. Đỗ Thị ở nhà chờ đợi mòn mỏi, bồng con đi tìm chồng. Khi Bá Lý Hề làm thừa tướng cho nước Tần, Đỗ Thị dò xét biết được, nhân dịp trong Tướng phủ đang tìm người may vá liền xin vào ở may. Nhân dịp tiệc tùng có ca hát, Đỗ Thị nài nỉ nhạc công cho lên nhà khách ca giúp. Khi Bá Lý Hề nghe Đỗ Thị mượn lời ca để kể lại mối tình vợ chồng khi xưa, liền nhận ra người vợ thủy chung, hai người cùng ôm nhau khóc với bao nỗi mừng vui sum họp.
Các tác tác giả cũng hay nhắc đến tích truyện Tư Mã Tương Như với tiếng đàn của mình ca khúc Phượng Cầu Hoàng (chim phượng trống tìm chim phượng mái) đã làm Trác Văn Quân mê mẩn và từ đó nên duyên cầm sắt.
Phần ngâm của Đờn ca Tài tử: có những bản ngâm riêng biệt, ngũ ngôn, bát cú, tứ cú, song thất hay thượng hạ lục bát (Năm Hưng). Đó đều là những thể thơ bác học.
Tính bác học còn thể hiện ở đề tài, chủ đề của những bài đờn ca Tài tử. Lấy đề tài từ những sự kiện lịch sử như: cuộc khởi nghĩa của hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đánh quân Hán hay sự kiện về một cô gái dũng cảm trong cuộc khởi nghĩa Đồng Khởi, có khi nhắc lại các triều đại Phong kiến xưa. Nội dung của các bài nhạc Tài tử này là ca ngợi quê hương, đất nước, thể hiện niềm tự hào dân tộc. Vì thế cho nên lời ca, tiếng hát mang âm điệu hào sảng, hùng tráng như một lời khẳng định mạnh mẽ khí phách anh hùng của nhân dân cả nước nói chung và của Nam Bộ nói riêng.
Tính bác học còn thể hiện rõ trong hệ thống bài bản của Đờn ca Tài tử bao gồm 20 bài bản tổ: 6 Bắc, 3 Nam, 4 Oán, 7 Nhạc (Lễ). Do nguồn gốc xuất phát và được nuôi dưỡng, gây dựng bởi những bậc trí thức Nho học kì tài vì thế mà vào thời sơ khai của Đờn ca Tài tử trải dài suốt triều Nguyễn cho đến đầu thế kỉ XX, nó luôn là thú vui chơi của tầng lớp quý tộc. Các nhóm Đờn ca Tài tử tiếng tăm như ban của ông Tư Triều và Hai Triều ở Mỹ Tho, Tiền Giang thường được giới quý tộc săn đón, mời mọc biểu diễn.
3. Tính dân gian
- Về hình thức:
|
Đờn ca Tài tử sau những buổi lao động mệt nhọc |
Người ta chơi Đờn ca Tài tử không phải trong những căn phòng sang trọng hay trong những phòng thu hiện đại mà có thể là bất cứ nơi đâu như trên bờ, dưới nước hay dưới gốc cây. Không ăn mặc chải chuốt mà bình dị như trong sinh hoạt hằng ngày. Đờn ca Tài tử xuất phát từ trong dân gian nên nó mang đậm tính bình dân, giản dị của cuộc sống nông nghiệp. Con đường phát triển của nó cũng khá đơn giản, không cần trường lớp, chỉ cần nghe ca rồi thuộc, nghe đàn rồi đàn theo. Theo tác giả Đỗ Dũng: “…ca ngâm thì bằng phương tiện truyền khẩu là chính, mà tính truyền khẩu là đặc trưng của dân gian” (). Vậy mà Đờn ca Tài tử đã tồn tại và phát triển hơn 100 năm qua với biết bao biến cố của lịch sử. - Về nội dung:
Bất kì nền văn học - nghệ thuật nào đều phát triển dựa trên dòng suối mát lành của văn học dân gian. Khi Ca Huế từ Huế vào nó đã gặp một môi trường rất phong phú, đa dạng của dân ca Nam Bộ. Sự gặp gỡ và kết hợp ấy cùng sự sáng tạo của các nghệ nhân đã tạo nên đờn ca Tài tử ngày hôm nay. Có thể nói văn học dân gian là cái nôi vững chắc nhất, là tiền đề cơ bản nhất để phát triển Đờn ca Tài tử.
- Hò: là những câu hát lúc nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt mỏi. Hò ở miền Nam mang đậm sắc thái riêng, nổi bật nhất là Hò chèo ghe, vì địa hình nhiều sông ngòi, kênh rạch. Ở mỗi địa phương đều có những giọng hò mang tên địa phương mình: Hò Bến Tre, Hò Hậu Giang, Hò Đồng Tháp…
- Lý có rất nhiều bài, vừa kế thừa truyền thống vừa có sự sáng tạo. Như từ Lý Ngựa Ô Thừa Thiên thành Lý ngựa ô Nam Bộ, sau đó là Lý ngựa ô Bắc, Lý ngựa ô Nam trên sân khấu Cải lương. Có các điệu Lý như: Lý chuồn chuồn, Lý con khỉ đột, Lý dĩa bánh bò, Lý che hường…
- Hát: khi nghỉ ngơi hay lúc bận rộn ngoài đồng, họ cũng hát lên vài câu nghe cho vui tai. Ở miền Nam có: hát hò khoan, hát đối, hát ru em, hát giã gạo…
Nội dung của dân ca Nam Bộ thường là nói về tình yêu nam nữ, mang tính trữ tình nhưng không bi lụy mà ngược lại nó dí dỏm, vui tươi và hài hước. Điều này làm tăng thêm niềm vui trong cuộc sống của những người dân Nam Bộ.
Đờn ca Tài tử đã sử dụng những chất liệu của dân ca Nam Bộ để tạo nên tính bình dân, giản dị. Trong bài Vọng cổ Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu đã mở đầu bằng câu hò:
Hò ơ... Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm. Công tôi cực lắm, mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu. Tìm em không gặp... Hò ơ... Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm...
Hay bài Nhớ mẹ cũng của Viễn Châu có câu:
Hò ơi…
Lòng con thảo như giọt sương hạt bụi
Công mẫu từ như ngọn núi thái sơn
Không cha không mẹ…
Hò ơi…
Không cha không mẹ như đờn đứt dây.
Theo các nhà nghiên cứu Năm Hưng, Trần Hữu Trang và Trương Bỉnh Tòng thì có sáu loại Lý: Lý vọng phu, Lý giao duyên, Lý con sáo hay là Lý ngựa ô Nam hay là Lý ngựa ô Bắc, Lý Phước Kiến, Lý thập tình, Lý Huế. Riêng ở Nam Bộ, số điệu Lý rất lớn phải kể đến hàng trăm, các bài lý tuy ngắn nhưng lại là một hoàn chỉnh về lời ca giai điệu và tiết tấu. Lý được đưa vào đờn ca Tài tử rất nhiều, đặc biệt là trong những bản Vọng cổ.
Các bài lý được sử dụng thường là những bài mang âm hưởng buồn, nói lên sự sầu tư, mong nhớ quê nhà và những người thân yêu ngoài chiến trận. Nhà âm nhạc học Gaston Knops thấy rằng, trong vài điệu nhạc miền Nam cái trạng thái bị đè ép mà nhân dân Việt phải chịu, và trong trạng thái bị trị ấy chỉ có một phương tiện để giãi bày tâm hồn mình: đó là âm nhạc. Ông thấy trong những tiếng than ấy những tình cảm của người Việt, những nỗi vui thì ít mà những nỗi buồn thì nhiều. Cho nên những điệu hát ấy thường làm nhỏ những giọt lệ mà người nghe đã phải nuốt tự đời nào.
Thể thơ truyền thống của dân tộc ta: lục bát, song thất lục bát… được sử dụng với một tần số cao trong phần Ngâm của bài ca Tài tử. Trong bài Nỗi niềm riêng của Minh Lời có cả lục bát:
Nhà tôi ở cạnh nhà nàng
Cách con rạch nhỏ cách hàng dừa tơ
Tôi thường để ý thầm mơ
Thầm mong duyên thắm, đón chờ trúc mai.
Và song thất lục bát:
Ba tháng đầu thơ đi thơ lại
Sáu tháng sau trông mãi tin nàng
Để lòng tôi phải miên man
Băn khoăn trăn trở hỡi nàng có hay.
Các thể thơ của văn học thành văn cầu kì, gọt giũa bao nhiêu thì thể thơ dân tộc lại bình dị, dân dã bấy nhiêu nhưng không kém phần sâu lắng, thi vị, bởi chất chứa bên trong những giai điệu nhẹ nhàng ấy là cả một nỗi niềm thổn thức khôn nguôi của kiếp nhân sinh.
Bên cạnh đó, những người viết nhạc Tài tử còn lấy đề tài từ các giai thoại, sự tích, truyền thuyết. Đó là giai thoại về Ông già Ba Tri, sự tích về ông Táo, bà Táo, hay câu chuyện thần thoại về Ngưu Lang - Chức Nữ… Tất cả đều được khai thác và đưa vào bài nhạc Tài tử một cách tài tình. Giọng hát, lời ca bây giờ không còn là giọng hào sảng, hùng dũng nữa mà ở một âm vực trầm, thấp như những lời thủ thỉ, tâm sự. Nội dung không mang tính thời sự, không bàn những vấn đề lớn lao của lịch sử mà chỉ là những vấn đề xoay quanh cuộc sống lao động hằng ngày với những khó khăn, vất vả nhưng đầy thi vị.
Vì đa số là những sáng tác ngẫu hứng khi có tâm trạng nên lời ca không có sự trau chuốt, gọt giũa mà mộc mạc, đơn sơ. Nhờ đặc tính dân dã này mà đờn ca Tài tử được rất nhiều người yêu thích đặc biệt là tầng lớp công - nông - binh, họ truyền nhau những bài ca ấy và thuộc nằm lòng để rồi những khi nông nhàn, rảnh rỗi họ quây quần lại đàn hát cho nhau nghe một cách say sưa, vui vẻ. Xét riêng về Vọng cổ, GS.TS Trần Văn Khê đã có nhận xét rất thích đáng:
Chân phương hoa lá trong bài Vọng cổ đã được áp dụng một cách thần tình. Hoa chẳng những đẹp mà còn thơm. Lá chẳng những xanh mà còn tươi. Thành ra bản Vọng cổ có cái tươi mát, cái đẹp đẽ, có cái phong phú, cái dồi dào mà sức sống, sức đóng góp của tất cả những người nghệ sĩ, từ đứa con của bác sáu lầu sáng tạo, nuôi dưỡng cho nó lớn lên mạnh mẽ, nó đẹp đẽ (). Việc phân biệt rõ tính bác học và tính bình dân trong lời ca để mọi người có cái nhìn tổng quan hơn, nắm được rõ hơn đặc trưng cơ bản ấy của nhạc Tài tử. Trên thực tế, tính bác học và tính bình dân của đờn ca Tài tử không tách biệt nhau mà liên kết với nhau một cách chặt chẽ trong một bài nhạc. Các nhà Nho xưa khi viết lời ca cũng biết vận dụng ca dao, tục ngữ và thể thơ truyền thống vào tác phẩm của mình. Hay những người nông dân Nam Bộ, ngoài việc lấy chất liệu sẵn có từ dân gian như: hò, vè, lý, hát, nói… thì họ cũng sử dụng các tuồng tích xưa vào bài ca. Chính điều đó làm cho đờn ca Tài tử vừa bình dân, vừa cao cấp, vừa gần gũi, vừa thâm sâu. Lời ca quyện chặt tiếng đàn, tiếng nâng đỡ lời ca mang theo tâm hồn của người nghệ sĩ hòa cùng tâm trạng, cảm xúc của người nghe. Việc làm sáng rõ những đặc điểm nổi bật của Đờn ca Tài tử cũng giúp ta tìm ra mối quan hệ lâu đời giữa Đờn ca Tài tử với văn học dân gian và văn hóa dân tộc.
Đặng Hoành Loan (2010), Đờn ca tài tử - âm nhạc “cổ truyền muộn” của cư dân Nam Bộ, nguồn: //vnmusic.com.vn/p349-don-ca-tai-tu-%C2%A0am-nhac-co-truyen-muon%C2%A0-cua-cu-dan-nam-bo-phan-1.html
Minh An (2011), Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ - Triển vọng vinh danh, nguồn: http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2011/1/248256/
Đỗ Dũng (2003), Sân khấu Cải lương 1918 – 2000, Nxb Trẻ, tr 21 – 22. Đỗ Dũng (2007), Âm nhạc Cải lương tính năng, giai điệu, Nxb Sân khấu Hà Nội, tr27. Đỗ Dũng (2007), Âm nhạc Cải lương tính năng, giai điệu, Sđd. Trần Quang Hải (2009), Đờn ca Tài tử ở Nam Bộ, nguồn: http://www.tranquanghai.info/p2605-don-ca-tai-tu-o-nam-bo.html