Bài 1: Các giai đoạn phát triển Đờn ca Tài tử
Trà Mi
1.1. Giai đoạn manh nha từ âm nhạc dân gian
Ban Đờn ca Tài tử Nam Bộ |
Nam Bộ xưa kia vốn là vùng đất hoang sơ. Vào thế kỉ XIII chỉ có một nhóm nhỏ những người Khơ-me sinh sống. Phải đến thế kỉ XVII, khi chúa Nguyễn thi hành chính sách di dân, người Việt mới đến sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất “rừng thiêng nước độc” này. Các lưu dân miền Trung đã mang theo câu hò điệu lý của quê hương trên bước đường khai phá Nam Bộ. Họ cũng đem theo loại hình Nhạc lễ, nhằm phục vụ nhu cầu cúng bái. Vào thế kỉ XVIII, Nhạc lễ được biểu diễn trong các hội cúng đình hoặc chơi trong các đám tang. Dàn nhạc gồm các nhạc cụ bộ vĩ, bộ gõ và bộ hơi, chia hai phe Văn, Võ. Phe Văn còn gọi là bộ văn gồm những bài bản được diễn tấu bằng các nhạc cụ dây kéo (như đờn cò, cò lòn, gáo). Phe Võ chủ yếu là những nhạc cụ gõ như đôi trống nhạc, trống cơm, trống bồng, mõ phếch, đấu đường, tum, lồ… Dần về sau, phe Văn tách ra, bỏ bớt đi nhạc cụ bộ gõ và bộ hơi, đến lúc chỉ còn có đờn cò và song lang. Những ban nhạc này được gọi là những nhóm đờn cây. Giải thích về việc chia tách trong dàn nhạc lễ, nhạc sĩ Hoàng Việt Khanh cho rằng:
“Do nhu cầu phục vụ cho các tang lễ về khuya, nhạc lễ cần phải chơi với âm lượng nhỏ theo yêu cầu của gia chủ. Từ đó, các ban nhạc lễ được tổ chức một cách gọn nhẹ hơn và bắt đầu dùng song lang thay cho trống nhạc để giữ tiết tấu, cũng như bỏ bớt các nhạc cụ dây kéo vĩ để chỉ còn lại có đờn cò” ([1])
Tổ chức hợp với tang lễ là lí do trực tiếp, song việc đơn giản hóa nhạc cụ có thể còn nhằm mục đích sâu xa hơn là thỏa mãn nhu cầu chơi nhạc của người dân Nam Bộ vốn mê ca hát, văn nghệ. Thay vì trước đây chỉ có hò, lý làm âm nhạc giải trí, thay vì chỉ được thưởng thức thì người Nam Bộ nay còn được thú chơi nhạc. Phong trào đờn cây phổ biến rộng rãi. Các nghệ nhân bắt đầu đặt lời ca theo giai điệu có sẵn. Từ đó, nhóm đờn cây còn được gọi là nhóm Đờn ca Tài tử, phân biệt rõ rệt với nhạc lễ và hát bội là hai món ăn tinh thần thịnh hành lúc bấy giờ. Các nhóm Tài tử không chơi ở các đám ma mà phục vụ trong các dịp lễ tết, hay các đám giỗ lớn.
Sự ra đời của phong trào đờn cây tuy chưa chính thức làm nên thể loại Đờn ca Tài tử nhưng là yếu tố quan trọng, là môi trường thuận lợi để tiếp nhận và phát triển các yếu tố khác hợp thành Đờn ca Tài tử.
1.2. Giai đoạn hình thành gắn với sự truyền bá âm nhạc vùng Ngũ Quảng
Tiếp theo tiến trình hình thành Đờn ca Tài tử là sự truyền bá nhạc thính phòng miền Trung vào đất Nam Bộ. Về sự hình thành Đờn ca Tài tử, GS.TS Trần Văn Khê đưa ra nhận định:
Theo các bậc thầy trong nghề, Đờn ca Tài tử hình thành vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, nhờ các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đem theo truyền thống Ca Huế. Trên đường đi họ dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, từ đó tiếng đờn giọng ca xứ Huế mang thêm chút hương vị xứ Quảng (…). ([2])
Nhận định trên đặt ra một số vấn đề như sau:
Thời điểm hình thành Đờn ca Tài tử là không xác định, chỉ biết khoảng thời gian vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX (phong trào Cần Vương bắt đầu năm 1885, kết thúc năm 1888).
Ca Huế là một trong những nguồn gốc hình thành Đờn ca Tài tử Nam Bộ. Ca Huế là một loại quan nhạc, tức là nhạc để chơi trong nhà quyền quí, hay trong cung phủ. Dần dần lối nhạc này được ưa thích và truyền bá trong dân gian. Một số bài bản của Ca Huế lấy từ Nhã nhạc cung đình. Có thể nói, âm nhạc đất Thần Kinh đã liên quan mật thiết đến Đờn ca Tài tử.
Ca Huế vào đất Quảng, tiếp thu lối đàn Quảng rồi vào đến Nam Bộ lại tiếp tục biến đổi. Một số điển hình cho sự phát triển này như: điệu Lưu Thủy Thục Giang qua giai đoạn Lưu Thủy Quảng mới trở thành Lưu Thủy Đoản Miền Nam, Phú Lục Huế chuyển hơi thành Phú Lục Quảng rồi khi vào Nam, bài Phú Lục Chấn chỉ còn giữ lại đôi chút của Phú Lục Huế. Riêng bản Nam Ai Nam và Nam Ai Huế thì tuy trùng tên nhưng nét nhạc đã khác xa cùng nhiều sự biến đổi khác.
Có thể tóm tắt quá trình hình thành Đờn ca Tài tử như sau: Ca Huế đi qua đất Quảng, cải biến theo lối đàn Quảng. Theo bước chân vào Nam, gặp phong trào văn nghệ dân gian là hò, lý, đặc biệt là phong trào đờn cây sẵn có, hình thành Đờn ca Tài tử với đầy đủ tính chất, đặc trưng.
- Các nhạc sư, nhạc sĩ Đờn ca Tài tử:
Có công đầu trong việc truyền bá Ca Huế là các nhạc quan cung đình có tên tuổi như Nguyễn Liên Phong và con trai là Nguyễn Tòng Bá (còn gọi là Tư Bá), dạy đờn kìm, đờn tranh, đờn tỳ bà khắp lục tỉnh. Ông Phạm Đăng Đàn về ở Vĩnh Long dạy đờn độc huyền. Ông cũng đồng thời đặt lời cho các bản đờn, có bài mở đầu bằng câu: “Nên tôi danh sĩ Đăng Đàn…”. Ông Trần Quang Thọ, nhạc công cung đình vào Nam lập nghiệp, khai sinh dòng tộc có bề dày truyền thống Đờn ca Tài tử. Ông Trần Quang Diệm (1853 – 1927) là bậc thầy đờn tỳ bà.
Thế hệ nhạc quan sau phong trào Cần Vương vào Nam dạy đờn phải kể đến nhạc sư Nguyễn Quang Đại (tục gọi là Ba Đợi). Trước tới nay chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ về thân thế và sự nghiệp của nhạc sư, chỉ biết ông sống cùng thời với ông Trần Quang Diệm. Ông đã đào tạo nhiều nghệ nhân tài danh cho giới Nhạc lễ và Đờn ca Tài tử ở khắp các tỉnh miền Đông, ở Long An, Bến Tre và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác. Tại xóm Đakao, xóm Hàng Dừa (trước cổng Lăng Ông Bà Chiểu, nay thuộc quận Bình Thạnh), ông đào tạo các nhạc sĩ lừng danh lúc bấy giờ là Sáu Thới và Tám Hạnh. Ông Sáu Thới tiếp tục truyền dạy cho các học trò của mình là Giáo Thinh (tức Nguyễn Văn Thinh, từng là trưởng khoa Âm nhạc dân tộc trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn), hay như Tư Nghị, Năm Cần… Tại Cần Đước, Cần Giuộc (Long An). Học trò của ông có thể kể đến nhạc Láo, nhạc Thời, Hai Tò Le, Sáu Thoàn, Chín Chiêu, Năm Tịnh, Sáu Giỏi, Bảy Lung, Xã Năm, Hai Bầu, Năm Khiết, Năm Xem, Ba Đống, Năm Quýnh, Mười Hai Dương. Tại Đồng Nai, có các môn đệ lừng danh giới nhạc lễ như Văn Kiên (kèn), Võ Phải (trống). Ở Sông Bé (nay là Bình Dương) có Sư Dung (dạy đờn tỳ bà cho Giáo Thinh), Út Lăng, Út Búng. Ông là thầy của những bậc thầy đờn ca Tài tử Nam Bộ.
Nhạc sư Ba Đợi là người đã hệ thống 20 bài bản tổ, sáng tác nhiều bài bản khác như bộ Ngũ Châu miền Đông, sáng tác Bát Ngự nghinh giá vua Thành Thái lúc Người vào Nam. Ông mất tại Sài Gòn, đến nay thì mồ mả xiêu lạc không còn dấu tích. Sau người dân xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An, nơi ông từng dừng chân đã rước linh vị ông về thờ phụng, hằng năm đều tổ chức lễ giỗ long trọng. Có người xem đó là ngày Giỗ tổ Đờn ca Tài tử. Ông được tôn vinh là Đức nghệ nhân tiền phong nhạc Lễ, nhạc Tài tử.
Thành phần tiếp thu và truyền dạy nhạc ban đầu không phải chỉ có các trí thức gốc miền Trung mà còn có sự đóng góp rất sớm của trí thức nông thôn Nam Bộ, đó là trường hợp Phan Hiển Đạo. Phan Hiển Đạo (1830 – 1872) là người làng Vĩnh Kim Đông (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), dưới triều vua Tự Đức đã đậu tiến sĩ. Trong thời gian lưu học ở Huế, ông đã tiếp thu âm nhạc nơi đây, am tường nhiều nhạc cụ dân tộc. Sau khi về làm quan tại quê nhà, ông đã truyền dạy cho nhiều học trò, đặc biệt trong cách chơi đờn cò và thổi sáo. Theo một số tư liệu, trong số những người từng thọ học thầy Phan Hiển Đạo có ông Lê Văn Huệ và Nguyễn Tri Túc, hai ông đã tiếp tục truyền dạy cho thế hệ con cháu mình.
Nếu miền Đông Nam Bộ có nhạc sư Nguyễn Quang Đại làm thủ lĩnh thì giới Tài tử Tây Nam Bộ lại chịu ảnh hưởng của nhạc sư Lê Tài Khị (1870 – 1948), tục gọi là ông Hai Khị, hay Nhạc Khị, vì ông chuyên về Nhạc lễ. Ông sinh trưởng trong gia đình nghệ thuật ở Bạc Liêu, cha là ông Phó tổng Lê Văn An, tức ông Bầu An có gánh hát bội nổi tiếng miền Tây. Ngoài chuyên Nhạc lễ, ông cũng chơi đờn theo phong cách Tài tử. Theo cụ Vương Hồng Sển trong Hồi kí 50 năm mê hát, người đương thời biết đến Nhạc Khị như một tài năng đặc biệt khi một mìnhchơi trọn bộ cổ nhạc gồm nhiều nhạc cụ với tiết tấu nhịp nhàng như trong một dàn nhạc đông người. Công lao to lớn của ông đối với cổ nhạc miền Nam là đã đào tạo nên những nhạc sư tài danh như Bảy Kiên, Hai Húa, Ba Lất, Tám Bằng và hai nhạc sĩ sáng tác những bài bản mới như nhạc sĩ Trần Tấn Trung, tức Mộng Vân, và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của bản Dạ cổ hoài lang. Ông được tôn vinh là Hậu tổ Tài tử - Cải lương.
Trưởng nhóm Tài tử miền Tây là ông Trần Quang Quờn. Ông làm Kinh Lịch ở tòa án Vĩnh Long, nên tục gọi là Thầy Ký Quờn, hay Kinh Lịch Quờn. Ngoài việc ông rất thông thạo đờn Tài tử, ông còn đặt lời ca rất đúng thanh âm, dễ ăn với chữ đờn, cho phù hợp với ngôn ngữ Nam Bộ. Ông chế tạo ra nhiều nhạc cụ mới để thay cho các nhạc cụ cổ truyền mà ông đặt tên là Tiểu ba tiêu, Đại ba tiêu, Trùng đồng, Song thương. Hiện nay các nhạc cụ này không còn tồn tại, qua mô tả của những người từng quen biết ông thì các loại nhạc cụ này dựa vào nhạc cụ cổ truyền, phức tạp hơn. Việc sáng tạo của ông tuy không có tính hiệu quả trong ứng dụng thực tiễn, nhưng đã cho thấy tinh thần cách tân, cải biến cao.
Trên là những bậc thầy có công gầy dựng Đờn ca Tài tử buổi đầu, gồm các nhạc quan triều đình từ miền Trung vào và các trí thức Nam Bộ ra học tập tại Huế. Trong đó có nhạc sư Nguyễn Quang Đại và Lê Tài Khị là hai người đứng đầu giới tài tử miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Các thế hệ sau tiếp bước người đi trước, không ngừng cải biến, hoàn thiện Đờn ca Tài tử về bài bản, cũng như kỹ thuật biểu diễn. Tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) là một trong những cái nôi của Đờn ca Tài tử, nơi khai sinh hai dòng họ Trần và Nguyễn nổi tiếng. Người đầu tiên của dòng họ Trần ở làng Vĩnh Kim là nhạc công Trần Quang Thọ như đã nói ở trên. Thế hệ tiếp theo là Trần Quang Diệm, nổi tiếng với ngón đờn tỳ bà. Con ông là Trần Văn Chiều (tự Bảy Triều). Nhạc sĩ Bảy Triều biết chơi nhiều loại nhạc cụ. Với đờn độc huyền, ông bắt chước đào hát bội “thán”. Với đờn kìm, ông đã sáng chế ra “dây Tố Lan” mà các nghệ sĩ tài tử miền Nam còn dùng để đờn hai bản Văn Thiên Tường và Tứ Đại Oán.
Ở làng Đông Hòa có ông Nguyễn Tri Túc chuyên về đờn kìm và đờn cò. Ông từng học đờn với nhạc sư Ba Đợi. Ông ít khi hòa đờn mà chủ yếu đào tạo cho các con trai. Các ông Nguyễn Tri Lạc, Nguyễn Tri Khương, Nguyễn Tri Ân đều là những tay chơi đàn điêu luyện. Ông Nguyễn Tri Khương còn sáng tác cho sân khấu Cải lương sau này vở Giọt lệ chung tình.
Tại làng Cái Thia tỉnh Mỹ Tho còn có một nhạc sĩ tên Nguyễn Tống Triều (tức Tư Triều) góp phần quan trọng vào sự phát triển của Đờn ca Tài tử. Ông đờn kìm xuất sắc, ông Diệp Văn Cương (thân phụ của ông Diệp Văn Kỳ, chủ nhiệm tờ báo Thần Chung nổi tiếng thời bấy giờ) đã ngợi khen: “Sau khi nghe tiếng đờn kìm của Tư Triều và tiếng đờn tỳ của ông Năm Diệm rồi thì tôi không còn muốn nghe bất kỳ tiếng đờn của ai khác” ([3]). Ở đây còn cho thấy sự giao lưu hòa đờn giữa các nghệ nhân trong địa phương với nhau cùng sự thưởng thức tri âm đồng điệu. Về sau, cụ Vương Hồng Sển, một người cũng rất sành về Đờn ca Tài tử đãđánh giá rằng tiếng đờn của Bảy Triều trội hơn so với Tư Triều. Nhạc sĩ Tư Triều qui tụ một nhóm đờn Tài tử rất được hâm mộ với nhiều nghệ sĩ tài hoa như Chín Quán đờn độc huyền, Mười Lý thổi tiêu, ông Bảy Vô đờn cò, với giọng hát của cô Hai Nhiễu (con ông Tư Triều) và cô Ba Đắc.
- Nhóm tài tử miền Đông và nhóm tài tử miền Tây:
Trong quá trình phát triển của mình, phong trào Đờn ca Tài tử có sự xuất hiện hai nhóm nhạc ở hai miền của Nam Bộ, cùng tranh tài, đồng thời học hỏi lẫn nhau. Nhóm nhạc miền Đông do nhạc sư Ba Đợi chủ xướng. Nhóm nhạc miền Tây do Nhạc Khị đứng đầu. Hai nhóm cùng thống nhất về bài bản nhạc tài tử gồm 20 bài bản tổ, nhưng mỗi bên cũng có sáng tác những bài bản riêng mình (bộ Ngũ Châu miền Đông và bộ Tứ Bửu miền Tây). Bộ Ngũ Châu, hay “năm hạt châu của miền Đông” gồm các bài: Kim tiền bản, Ngự giá, Hồ lan, Vạn liên, Song phi hồ điệp. Bộ Tứ Bửu, hàm ý là bốn báu vật của quê nhà, gồm các bản: Minh Hoàng thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên, Ái tử kê. Bài bản Tài tử đã phong phú lên rất nhiều nhờ vào sự tranh đua sáng tác của hai nhóm nhạc này. Theo TS. Mai Mỹ Duyên, sự khác nhau của hai nhóm nằm ở tốc độ chơi nhạc. Nhóm nhạc miền Đông thường chơi tiết tấu nhanh, nhịp khúc so với miền Tây. Cách diễn tấu miền Đông gần với Ca Huế hơn. Càng về phương Nam thì các tài tử miền Tây có phần phóng khoáng hơn về tiết tấu. Cũng theo TS. Mai Mỹ Duyên điều kiện địa lý tự nhiên là yếu tố tạo ra sự khác nhau trong cùng một loại hình nghệ thuật ở mỗi vùng miền. Miền Đông, với địa hình đồi dốc, sông ngòi chảy mạnh, do vậy mà nhịp sống của cư dân nơi đây có tính chất nhanh, gấp gáp. Trong khi đó, miền Tây Nam Bộ nhiều sông ngòi, địa hình bằng phẳng, mùa nông nhàn kéo dài, con người sống êm đềm, nhàn nhã, ít gấp gáp hơn. Nhịp sinh hoạt cũngảnh hưởng tới nhịp điệu âm nhạc, nghệ thuật. Hai nhóm Tài tử này đã hình thành hai khuynh hướng tồn tại độc lập, làm phong phú đời sống văn nghệ nói chung cũng như loại hình Đờn ca Tài tử nói riêng.
Từ khi âm nhạc miền Trung du nhập vào Nam Bộ đã có những biến đổi to lớn, trên phương diện biên chế dàn nhạc và tính chất âm nhạc. Về dàn nhạc, từ chỗ gồm nhiều cây đờn đến chỗ chỉ cần một cây đờn cũng có thể chơi được. Tính chất âm nhạc (khí nhạc) thay đổi nhiều, mục đích nhằm phù hợp với giọng hát, thanh điệu và ngôn ngữ của người Nam Bộ. Điệu nhạc càng tiến về Nam càng buồn, da diết. Phải chăng là do tâm thức người Việt ta, những người rời quê hương, trở thành dân tứ chiếng. Vào vùng đất mới, họ phải đối mặt với biết bao khó khăn, gian khổ. Hay là do những người thầy đầu tiên của họ mang trong lòng tâm sự của những người yêu nước, phò vua giúp nước mà rốt cuộc bị bỏ rơi trong phong trào Cần Vương?
Quá trình định hình tính chất Đờn ca Tài tử là quá trình sáng tạo của tập thể, trải qua nhiều thế hệ, làm phong phú bài bản, nhạc cụ.
1.3. Từ Đờn ca Tài tử thành Ca ra bộ rồi Cải lương
Năm 1910, ban nhạc Tài tử do ông Nguyễn Tống Triều đứng đầu được mời sang Pháp biểu diễn trong Hội chợ các nước thuộc địa, đã tiếp thu trong một chừng mực nào đó hình thức biểu diễn phương Tây. Hoạt động của nhóm dần lan rộng ra khắp vùng Rạch Gầm, được các đại điền chủ lúc bấy giờ mời biểu diễn. Ông Nguyễn Tống Triều cũng được giới thiệu với nhà chí sĩ Trần Chánh Chiếu ở nhà hàng và khách sạn Minh Tân, lúc này ở ngang ga xe lửa Sài Gòn, Mỹ Tho. Đến năm 1911, với ý định đưa Đờn ca Tài tử ra trước công chúng, ông đã thương lượng với chủ nhà hàng Minh Tân, để ban Tài tử giúp vui cho thực khách đến nghe. Đờn ca Tài tử thay đổi về tính chất, trước ở dạng thính phòng, do một số ít người chơi trong một không gian nhất định. Đến lúc này manh nha yếu tố trình diễn, phục vụ cho số lượng khán thính giả đông đảo. Trong cuốn Hồi kí 50 năm mê hát, cụ Vương Hồng Sển nhắc lại tìm hiểu của cụ Trần Văn Khải:
Cái ý kiến đờn ca trên sân khấu đã phát sinh từ đó. Thầy Hộ, chủ rạp hát bóng Casino, ở sau chợ Mỹ Tho, muốn cho rạp hát mình được đông khách, bèn mời ban Tài tử Tư Triều đến trình diễn mỗi tối thứ bảy và thứ tư trên sân khấu, được công chúng hoan nghinh nhiệt liệt.([4])
Qua mô tả lại, các Tài tử khi trình diễn thì mặc quốc phục nghiêm trang ngồi trên một bộ ván ngựa, chưa có bài trí sân khấu. Cô Ba Đắc ca bài Tứ Đại Oán “Bùi Kiệm Nguyệt Nga” với một giọng gần như có đối đáp, nhưng không ra bộ. Tuy chỉ có sự thay đổi nhỏ trong hình thức nhưng Đờn ca Tài tử lúc này được ủng hộ, là một sự mới lạ đối với công chúng. Ban Tài tử vào năm 1915 được mời biểu diễn cho nhà hàng Cửu Long Giang, Sài Gòn. Tiếng đờn giọng ca của những nghệ nhân tài danh được biết đến ngày càng rộng rãi. Năm 1915 cũng đánh dấu một thay đổi lớn, Đờn ca Tài tử lại phát sinh một hình thức trình diễn mới, hình thức ca-ra-bộ. Ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long (tên thật là Tống Hữu Định) đã tiếp thu hình thức trình diễn cùng lối ca như đã kể trên, nhưng cho người ca đứng trên bộ ván và có ra bộ. Ông cũng chỉnh sửa lời ca bài Tứ Đại Oán “Bùi Kiệm Nguyệt Nga” có câu thoại dẫn dắt trước khi vào nhạc và chia lời ca theo từng nhân vật. Phong trào ca ra bộ bắt đầu phát triển, hình thành những nhóm nhỏ, các tổ chức có người cầm đầu, các diễn viên sống bằng nghề. Ca ra bộ thành loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp, khác với Đờn ca Tài tử. Từ Đờn ca Tài tử phát sinh hình thức Ca ra bộ, làm tiền đề khai sinh một loại hình sân khấu của riêng miền Nam Việt Nam, nghệ thuật sân khấu Cải lương. Việc cải biến, thay đổi chủ yếu là hình thức diễn xướng xuất phát từý thức sáng tạo của những nghệ sĩ Tài tử. Khi xuất hiện lời ca có đối đáp, Đờn ca Tài tử đã rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Ca ra bộ làm cho lời ca đó thêm hấp dẫn. Những cách tân trong Đờn ca Tài tử còn có cơ sở từ sự tiếp thu văn hóa phương Tây của các nghệ sĩ, trí thức Việt Nam.
Những năm 20, 40 của thế kỉ XX, văn hóa phương Tây thâm nhập sâu rộng vào mọi mặt của xã hội Việt Nam, trong đó có ảnh hưởng đến văn hóanghệ thuật. Đờn ca Tài tử cũng có nhiều thay đổi quan trọng. Đó là sự du nhập của các nhạc cụ, đầu tiên là cây đờn violon, tiếp sau là đờn guitar vào dàn cổ nhạc. Điều đặc biệt là người Nam Bộ đã chấp nhận dung nạp các nhạc cụ hiện đại của nước ngoài, không phải dưới dạng nguyên sơ ban đầu. Các nghệ nhân đã cải biến chúng thành nhạc cụ bản chất Việt, để chúng nói lên bằng giọng của người Việt, truyền tải cảm xúc của cha ông bao đời. Sự ra đời của sân khấu Cải lương cũng có cơ sở từ sân khấu phương Tây. Sự phát triển của sân khấu Cải lương có tác động ảnh hưởng tới sự phát triển Đờn ca Tài tử. Đờn ca Tài tử trước kia chỉ do những nhạc công “tài tử” biểu diễn, và chỉ một số ít người thưởng thức. Cải lương đem Đờn ca Tài tử lên sân khấu, làm cho nó phổ biến đến tai nhiều người từ thành thị đến thôn quê. Cùng lúc đó kỹ thuật làm đĩa hát cũng xuất hiện. Khoảng thời gian từ 1936 đến 1945, phong trào Đờn ca Tài tử được các hãng đĩa đá ở Sài Gòn đua nhau kí hợp đồng với các nam nữ tài tử. Các hãng đĩa lúc bấy giờ có hãng Pathéphono, Béka, Columbia, Paillard, Asia. Nhờ đó mà những tiếng đờn, giọng ca xuất sắc được người mộ điệu khắp nơi biết đến. Các nam tài tử lừng danh ca đĩa có: Năm Nghĩa, Tư Long, Năm Phồi, Hồng Châu, Ba Giáo, Bảy Cao… Các nữ tài tử ở lục tỉnh có: Cô Năm Cần Thơ, Cô Bảy Vĩnh Long, Cô Năm Sa Đéc, Cô Ba Bến Tre, Cô Năm Niệm, Cô Tư Sạng… Có thể nói, thời kì này đờn ca Tài tử phát triển mạnh nhất vì đã lan truyền rộng khắp, thu hút thành một phong trào chơi Đờn ca Tài tử trong mọi giới. Phong trào Đờn ca Tài tử từ sau 1945 vẫn tồn tại ở các vùng nông thôn, nhưng đến nay chưa có tài liệu nào đề cập đến.
Đờn ca Tài tử đã có quá trình hình thành và phát triển trên một trăm năm. So với các loại hình nghệ thuật cổ truyền khác của dân tộc như Ca trù, Nhã nhạc cung đình Huế thì Đờn ca Tài tử chỉ là một nền âm nhạc trẻ tuổi. Là hậu bối sinh sau, Đờn ca Tài tử đã thâu góp tinh hoa của những nền âm nhạc dân tộc trước nó. Nhưng vì được sản sinh trên một vùng đất mới với tính thích nghi cao và khả năng sáng tạo không ngừng, Đờn ca Tài tử đã hình thành đặc trưng riêng biệt, không thể hòa lẫn với các thể loại khác trên đất nước ta, cũng như trên toàn thế giới. Vô số những nghệ sĩ, nghệ nhân, hữu danh hoặc vô danh của đất nước đã đóng góp vào sự hình thành Đờn ca Tài tử, không ngừng cải biến sáng tạo. Đờn ca Tài tử bao năm qua luôn là nơi chuyên chở tâm tư, tình cảm của người dân Nam Bộ, bằng chính thứ ngôn ngữ chân phương của vùng đất này.
Tháng 8.2011
N.H
[1] Hoàng Việt Khanh (2009), Tìm hiểu nhạc thính phòng Việt Nam: Đờn ca tài tử, nguồn: http://dancataitu.multiply.com/journal/item/482
[2] Trần Văn Khê (2004), Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr 209.
[3] Trần Minh Tiên (1989), Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu cải lương, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Long An, tr 33.
[4] Vương Hồng Sển (1968), Hồi ký 50 năm mê hát: cải lương đã 50 tuổi, Phạm Quang Khải xuất bản, tr 31.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.