Bài 2: Đặc trưng của Đờn ca Tài tử
Bảo Ngọc
1. Hệ thống trong Đờn ca Tài tử
1.1. Thang âm và điệu thức
1.1.1. Thang âm
Theo lý thuyết âm nhạc cơ bản, khái niệm thang âm được hiểu như sau:
Thang âm là một chuỗi âm lên hoặc xuống từng bậc theo thứ tự độ cao từ thấp lên cao và ngược lại. Nói cách khác, sự sắp xếp các âm của hệ thống theo độ cao được gọi là thang âm ([1])
Tuy nhiên, trong nhạc truyền thống Việt Nam nói chung và nhạc Tài tử Nam Bộ nói riêng, hệ thống định âm không trùng khớp với hệ thống âm nhạc phương Tây. Nhạc phương Tây cấu thành từ hệ thống mười hai bán cung của một quãng tám còn thang âm Việt cấu thành từ hệ thống ngũ cung quãng năm. Sự khác biệt này là do sự thẩm âm riêng biệt mang bản sắc dân tộc của cư dân từng khu vực, từng quốc gia khác nhau. Mặt khác, cao độ của mỗi âm bậc trong nhạc Việt chỉ có tính cách tương đối, âm bậc chuẩn chỉ mang tính quy ước trong từng điệu thức, hơi nhạc, tùy bài bản và tùy ở mỗi vùng miền khác nhau. Các kỹ xảo trong diễn tấu (nhấn, rung, vuốt, mổ...) trên từng âm bậc của thang âm đã tạo nên hệ thống các hơi nhạc phong phú của âm nhạc Việt Nam. Theo TS. Mai Mỹ Duyên nhận xét:
Thang âm là những mối quan hệ mang tính qui luật về cao độ của các âm bậc trong giai điệu. Phương thức vận hành giai điệu biểu hiện các mối quan hệ chính - phụ kết nối của các bậc trong thang âm. Trong đó, phương pháp tô điểm được hiểu như một tổng thể bao gồm các cách rung, nhấn, vuốt, mổ… trên cây đờn, là sự tô điểm mang tính quy luật của các bậc trong thang âm ([2]).
Tài tử Nam Bộ ra đời và tiếp thu hệ thống thang âm theo cấu trúc năm âm từ Ca Huế, Nhã nhạc với năm nốt đờn chính: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống. Ngoài ra còn hai nốt đàn Liu, Ú, là âm cao, “nấc trên” của Hò và Xự. Đây là chất liệu cơ bản để xây dựng điệu thức của người Việt. Phần cấu trúc giai điệu của bản nhạc phải viết trên âm điệu của năm âm, có điệu thức của Hò, Xự, Xang, Xê, Cống.
· Trước tiên, thang âm cơ bản - sự kế thừa thang âm Đại Việt lâu đời từ trong lịch sử, đó là thang âm điệu Bắc:
Hò - Xự - Xang - Xê - Cống - Liu
Thang âm này có trong phần lớn bài bản âm nhạc cung đình và ca nhạc thính phòng của Việt Nam.
Các bài bản thuộc điệu Bắc đều có thang âm ngũ cung với âm bậc cơ bản là Hò. Các bài điệu Bắc lấy một chữ nhạc trong hệ thống ngũ cung là chữ khởi đầu Lưu Thủy bắt đầu bằng âm Hò, Phú Lục bắt đầu bằng âm Xự, Bình Bán bắt đầu bằng âm Xang, Cổ Bản bắt đầu bằng âm Xê, Xuân Tình bắt đầu bằng âm Cống, Tây Thi bắt đầu bằng âm Liu.
· Thang âm điệu Nam:
Trong thang âm này hai âm bậc Hò và Xê không thay đổi so với điệu Bắc, các bậc còn lại đều có thay đổi để làm nên sắc thái riêng của điệu thức miền Trung, trong đó Hò, Xang và Cống dùng kỹ thuật rung.
1.1.2. Điệu thức
Khái niệm điệu thức trong lý thuyết âm nhạc cơ bản như sau:
Hệ thống các mối tương quan giữa những âm ổn định và âm không ổn định được gọi là điệu thức. Điệu thức là nhân tố tổ chức mối tương quan độ cao của các âm thanh trong âm nhạc. Cùng với các chất liệu diễn cảm khác, điệu thức làm cho âm nhạc có một tính chất nhất định phù hợp với nội dung của nó ([3]).
Hệ thống bài bản của nhạc Tài tử được tổ chức theo ba điệu thức Bắc - Nam – Oán (20 bản Tổ) như sau:
6 bản Bắc thuộc hơi Bắc, mang điệu nhạc vui tươi, đàn nhanh, nhịp lẹ, ngân ít. Cấu trúc một cách thứ tự của năm âm chính trong hệ thống nhạc ngũ cung là Hò - Xự - Xang - Xê - Cống. Các bản là: Lưu Thủy Trường, Phú Lục Chấn, Bình Bán Chấn (1. PL.2), Xuân Tình Chấn, Tây Thi Vắn (2. PL.2), Cổ bản Vắn và một số bài bản khác.
3 bản Nam mang 3 âm điệu khác nhau. Bản Nam được đàn thong thả hơn bản Bắc, ngân vừa, nhịp khi chặt khi thưa, và phải gây ra một cảm tưởng trầm ngâm, bình thản, nghiêm trang. Các bản Nam là:
· Nam Xuân: mang hơi Xuân, chỉ nhấn và rung nhẹ ở chữ Xự - Xang - Xê. Âm trục của hơi Xuân là Xàng - Xang. Tính chất thể hiện thư thái, nhẹ nhàng, điệu buồn nhưng không bi, cái buồn man mác có chút lãng mạn, rộn rã hơn như dự báo sự sầu não sắp qua đi. Trong Cải lương, thường sử dụng thể bản này (8 câu đầu) hơn là bản Nam Đảo. (3. PL.2)
· Nam Ai: mang hơi Ai. Về mặt thang âm, Nam Ai gần giống với Nam Xuân, có dạng: Hò - Xự - Xang - Xê – Cống – Liu, được nhấn và rung mạnh ở Xự - Xang. Vì có những nhịp đảo phách trong lòng câu nên điệu nhạc Nam Ai nghe buồn tỉ tê, nức nở nhưng không quá bi thảm, chỉ ở mức độ khi giãi bày tâm trạng. Bản này thường phổ biến trong ca Tài tử - Cải lương.
· Nam Đảo: mang hơi Đảo. Tính chất bản này là biểu hiện nỗi buồn nào đó vừa trôi qua, trạng thái gay gắt được bắt đầu, thường dự báo xung đột sắp xảy ra hoặc sự mâu thuẫn nào sắp được giải quyết.
7 bản Bắc lớn: tức là hơi điệu của 7 bài nhạc Lễ, điệu Bắc Lễ cũng gọi là 7 bài Cò vì khi kéo đờn cò dây Hạ thì điệu Hạ nghe rất rõ nét, khác hẳn điệu Bắc. Tương truyền ông Ba Đợi đã đem 7 bài nhạc Lễ truyền dạy cho môn đệ. 7 bài này có cùng hệ thống với điệu Bắc nhưng dùng chữ Xê – Ú làm âm trục, thỉnh thoảng có sự tham gia của âm Xư ở đầu câu và Xê rung ở cuối câu. Bảy bài Bắc Lớn gồm:
· Xàng Xê
· Ngũ Đối thượng
· Ngũ Đối hạ
· Long Đăng (4. PL.2)
· Long Ngâm (5. PL.2)
· Vạn Giá
· Tiểu Khúc
“Bảy bài” là tên gọi thông dụng nhất trong dân gian để dành cho bảy tác phẩm âm nhạc có tính chất nhạc nghiêm trang, dùng trong các buổi tế lễ.
4 bản Oán: là nét đặc thù của âm nhạc Tài tử, được kế thừa và sáng tạo trên nền âm nhạc Huế. 4 bản Oán là nơi lưu giữ những nỗi tâm tư của con người. Điệu Oán kế thừa yếu tố bi ai, thương nhớ, than thở, giận hờn mà thế hệ trước để lại và diễn tả điệu buồn sâu xa, có tính chất oán thán. Nhưng nỗi buồn trong điệu Oán là nỗi buồn sâu xa, bi hùng chứ không bi ai như trong bản Nam Ai. Thang âm của điệu Oán là Hò - Xự - Xang - Xê - Oán - Liu, được nhấn ở Xự - Xê. Điệu Oán có các ngón láy thường đi từ hai ngũ cung và điệu thức này có nhiều câu trong các lớp thường xuyên có mặt chữ Oán nên nghe buồn nhưng kiểu buồn bi hùng. Điệu Oán có 4 bản, bao gồm:
· Tứ Đại Oán (6. PL.2)
· Phụng Cầu
· Giang Nam Cửu khúc
· Phụng Hoàng (7. PL.2)
Ngoài ra, còn có 4 bản Oán phụ ra đời sau như Bình Sa Lạc Nhạn, Thanh Dạ Đề Quyên, Ngươn Tiêu Hội Oán, Võ Văn Hội Oán. Điệu Oán đàn thong thả hơn điệu Nam, ngân nhiều, nhịp thưa và phải gây ra một cảm tưởng buồn rầu, oán hận, thở than.
4 bản điệu Oán cùng với 6 bản Bắc, 3 bản Nam, 7 bài Bắc lớn tạo nên hệ thống 20 bản tổ nhạc Tài tử (còn gọi là nhị thập huyền tổ bản), được lưu truyền rộng rãi trong phong trào đờn ca Tài tử, từ thời kỳ định hình loại hình âm nhạc Tài tử đến nay.
1.2. Sự kết hợp hò, lý Nam Bộ
Trong quá trình hình thành và phát triển loại hình âm nhạc Tài tử ở Nam Bộ, những điệu hò, lý nhập vào vốn bài bản của nhạc Tài tử. Trải qua quá trình biến hóa, những điệu hò, lý có điệu thức chung với điệu thức nhạc Tài tử. Bằng các kĩ thuật biến hóa, điệu hò, lý trở thành những làn điệu có sức diễn tả sâu sắc mọi tâm trạng, tình cảm của con người. Điều đó thể hiện sự phong phú, tài hoa của các nghệ sĩ Đờn ca Tài tử. Họ đã có công biến đổi những bài dân ca thành những bản thật tình cảm, đặc sắc.
Những điệu hò, lý thường sử dụng trong vốn bài bản của nhạc Tài tử - Cải lương:
- Lý ngựa ô Bắc
- Lý con sáo
- Lý ngựa ô Nam
- Lý giao duyên
- Lý vọng phu
- Lý thập tình
- Hò Đồng Tháp
- Hò Bến Tre
- Hò Bạc Liêu
Hầu hết các điệu lý này đều thuộc hơi Bắc. Tuy nhiên, đó chỉ là sự quy ước cơ bản trong lòng bản, bằng con chữ trên những làn điệu. Còn khi trình diễn có thể biến hóa, hòa chung với các hơi Nam, Xuân, Ai, Oán…
2. Tính năng các nhạc cụ
Cũng giống như ca Huế hay Nhã nhạc, đờn kìm, đờn tranh thường xuyên được sử dụng trong dàn nhạc Tài tử. Trước đây, dàn nhạc Tài tử gồm đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, ống sáo hay ống tiêu, có thể có thêm đờn tỳ bà, độc huyền cầm, đờn tam và song lang. Theo quá trình phát triển của mình, loại hình âm nhạc Tài tử - Cải lương ở Nam Bộ đã thử nghiệm, chọn lọc với nhiều nhạc cụ khác nhau để phù hợp với loại hình âm nhạc đòi hỏi những khả năng biểu hiện tình cảm, kỹ thuật đa dạng và phong phú. Cho đến ngày hôm nay, dàn nhạc Tài tử thường có đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, độc huyền cầm và guitar phím lõm.
2.1. Đờn kìm
Kìm (theo theo cách gọi của Nam Bộ) còn có các tên gọi như đàn nguyệt, vọng nguyệt cầm hay quân tử cầm, là nhạc cụ thuộc họ dây. Cây đờn kìm vốn được tôn vinh là “thầy” của các loại nhạc cụ khác trong dàn nhạc Tài tử - Cải lương. Đờn kìm có được vai trò, vị trí quan trọng trong âm nhạc Tài tử, vì nó có nhiều ưu điểm trong kỹ thuật diễn tấu.
Trên thế giới không có nhạc cụ nào có cấu trúc giống như đờn kìm, nhất là cách gắn phím tra dây. Do đó có thể khẳng định nhạc cụ này hoàn toàn do nghệ nhân Việt Nam sáng chế nhưng sáng chế vào thời đại nào thì chưa có tài liệu nào nói đến, chỉ đến thời Hậu Lê với Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, đời Lê Cảnh Hưng (1740) mới thấy đề cập đến tên nguyệt cầm.
Đờn kìm có thùng cộng hưởng (hay còn gọi là bầu vang) hình tròn, đường kính 36 cm, bề dày của thùng 6 cm, trên thùng có gắn bộ phận ngựa đàn (cái thú) dùng để mắc dây. Bầu vang không có lỗ thoát âm. Toàn bộ đờn kìm dài 108 cm. Cần đờn gắn bốn trục, trước kia gắn tương ứng với bốn dây (hai dây chập một), nhưng hiện nay chỉ còn hai dây (một dây to gọi là dây đại hay dây tồn và một dây nhỏ gọi là dây tiếu, dây liu hoặc dây tang). Cách chỉnh dây thay đổi tùy theo người sử dụng. Đờn thường gắn tám phím, phát ra chín thanh âm: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Liu, Ú, Xáng, Xế. Mỗi âm thanh của đờn kìm khi nhấn nhá sẽ tạo được bốn âm thanh. Như vậy với hai dây, chúng ta biến ra được 36 + 36 = 72 âm thanh. Do đó trong giới nhạc Tài tử thường cho rằng nhạc sĩ nào kết hợp nhuần nhuyễn hai vòng biến hóa trên hai dây đờn tạo được 72 âm thanh nghe hay và tuyệt thì đã đạt được trình độ thất thập nhị huyền công. Ngày nay số phím của đờn kìm đã tăng lên đến 10 hay 11 phím.
Đờn kìm tuy số dây và số phím ít nhưng do nhấn nhá cũng sẽ đạt được một số lượng âm thanh rất dồi dào phong phú, đủ khả năng diễn đạt mọi lời nói và sắc thái tình cảm con người. Do đó, đờn kìm xuất hiện cả trong những cuộc hòa tấu nhạc lễ trang nghiêm, những cuộc hát văn lôi cuốn, những lễ tang bùi ngùi đến những buổi hòa tấu thính phòng thanh nhã. Người chơi đờn kìm giỏi là người có chữ nhấn độc đáo, một chữ nhấn hay có thể làm cho người nghe xúc động đến chau mày, lắc đầu, thở dài.
Đờn kìm là nhạc khí chủ lực chuyên giữ nhịp và bắt buộc phải có trong các cuộc liên hoan Đờn ca Tài tử. Bản đờn kìm thường là lòng bản cơ bản, các nhạc khí khác lấy đó đối chiếu để ra bản. Người đờn kìm trong dàn nhạc Tài tử thường giữ song lang.
2.2. Đờn cò
Đờn cò (theo cách gọi của Nam Bộ) còn gọi là đàn nhị. Đây là một nhạc khí phổ biến thuộc họ dây, đã có mặt trong nền âm nhạc truyền thống Việt Nam từ lâu đời, đã trở nên thân quen và gần gũi với mọi người dân Việt Nam. Đờn cò đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng không thể thiếu trong các dàn nhạc dân tộc Việt và là cây đờn quan trọng thứ hai trong dàn nhạc Đờn ca Tài tử.
Người Nam Bộ gọi là đờn cò vì hình dáng giống như con cò, trục dây có đầu quặp xuống như mỏ cò - cần đờn như cổ cò - thân đờn như thân cò - tiếng đờn nghe lảnh lót như tiếng cò.
Nhiều nước châu Á cũng có loại đàn giống với hình thức của đờn cò. Đờn cò được cấu thành bởi năm bộ phận: cần đờn bằng gỗ cứng có tiết diện hình chữ nhật hoặc tròn được uốn ngược về phía sau và có hai trục lên dây cắm xuyên ngang qua. Dọc đờn có tiết diện hình tròn, phần cuối cắm xuyên qua bầu đờn. Bầu đờn có đường kính khoảng 6,8 cm, được làm bằng gỗ cứng, mặt sau loe hình hoa rau muống, mặt trước được bịt bằng da rắn, da trăn hoặc da kỳ đà. Trên mặt đờn có đặt một mẩu gỗ nhỏ gọi là ngựa đờn. Đờn cò có hai dây. Xưa dây đờn được se bằng tơ, nay được thay bằng kim loại hoặc nilon. Cung kéo làm bằng một tay tre uốn cong và chùm lông đuôi ngựa được mắc căng từ hai đầu và luồn vào giữa hai dây. Người ta còn gắn thêm cục nhựa thông trên bầu đàn để tăng sự cọ xát giữa dây và cung kéo tạo độ vang cho âm thanh. Mang đặc tính phổ biến nên hình dáng, kích cỡ và nguyên liệu làm đờn cò cũng khác nhau đôi chút tùy theo tộc người sử dụng nó. Người Việt thường thích những âm thanh cao, do vậy ống nhị thường nhỏ hơn các nước khác.
Âm thanh của đờn cò rất độc đáo, bởi nó có thể thể hiện nhiều cung bậc tình cảm của con người, khi êm dịu lai láng khi ai oán bi thương, âm thanh kim pha thổ của đờn cò khi cất lên những bài bản quen thuộc như Xuân Nữ, Nam Ai, Lưu Thuỷ... dễ làm rung động người nghe. Trong hệ thống 20 bài bản tổ của Đờn ca Tài tử có đến bảy bài Cò hay còn gọi là bảy bài nhạc Lễ. Khi trình diễn bày bài này, bắt buộc phải có đờn cò mới ra tính đặc thù của Nhạc lễ Nam Bộ.
Ngoài dàn nhạc đờn ca Tài tử, đờn cò còn có mặt trong các dàn nhạc phường Bát âm, Ngũ âm, Nhã nhạc, Chầu văn, Cải lương, dàn nhạc dân tộc tổng hợp, dân ca…
2.3. Đờn tranh
Đờn tranh cũng được gọi là đàn thập lục. Đàn thuộc họ dây chi gảy. Trước kia vì có 16 dây nên đàn còn có tên chữ là thập lục nhưng ngày nay, đờn được thêm nhiều dây nên gọi chung là đờn tranh. Đờn tranh là nhạc khí quan trọng thứ ba trong dàn nhạc Đờn ca Tài tử.
Đờn tranh có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam từ khoảng thế kỉ XIII. Khung đờn hình thang trước đây dài 97cm, ngày nay dài 110 - 160cm. Đầu lớn rộng khoảng 25 - 30 cm là đầu có lỗ và con chắn để mắc dây. Đầu nhỏ rộng khoảng 15 - 20 cm gắn 16 khoá lên dây chéo qua mặt đờn. Mặt đờn làm bằng ván gỗ ngô đồng uốn hình vòm. Ngựa đờn nằm ở khoảng giữa để gác dây và có thể di chuyển để điều chỉnh âm thanh. Dây đờn làm bằng kim loại với các cỡ dây khác nhau. Ngày xưa đờn dùng dây tơ, sau thay bằng dây đồng và đến đầu thế kỉ XX dây đờn được thay bằng dây sắt. Đờn tranh thời Lý - Trần chỉ có 15 dây nên được gọi là thập ngũ huyền cầm. Đến thời Nguyễn, đờn được sử dụng với 16 dây nên gọi là thập lục huyền cầm. Khi biểu diễn nghệ nhân thường đeo ba móng gẩy vào ngón cái, trỏ và giữa để gẩy. Móng gẩy làm bằng các chất liệu khác nhau như kim loại, sừng hoặc đồi mồi.
Thang âm trong đờn tranh thường được tính từ trầm đến bổng, trên các dây từ lớn đến nhỏ như sau: Lìu, Ụ, Xang, Xê, Cống, rồi Liu, U, Xang, Xê, Cống, rồi Líu, Ú, Xáng, Xê, Cống. Và cứ như vậy, thang âm dần dần đi từ âm vực cực trầm đến âm vực cực bổng. Số âm vực tùy thuộc vào số lượng của dây đờn. Âm sắc đờn tranh trong trẻo, thanh tao, sáng sủa thể hiện tốt các điệu nhạc vui tươi, trong sáng hoặc man mác buồn. GS.TS Trần Văn Khê đã so sánh tiếng đờn tranh “như tiếng giọt nước rơi trên pha lê”. Nhưng âm thanh của đờn tranh hơi mỏng, thánh thót nên không thích hợp với những bản nhạc manh âm sắc trầm hùng, khỏe mạnh. Đờn tranh có thể mô phỏng cả tiếng suối chảy róc rách, tiếng sóng vỗ, mưa rơi, gió thổi… mà các nhạc khí khác khó thể hiện.
Đờn tranh thường được sử dụng để độc tấu, hòa tấu, đệm cho ngâm thơ, hát, tham gia trong các dàn nhạc Tài tử, phường bát âm, dàn Nhã nhạc và các dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Người Việt Nam dùng đờn tranh và tạo cho nó một phong cách đặc thù riêng trong thủ pháp, ngón đàn, tay nhấn nhá, thang âm điệu thức. Đờn tranh đã thành nhạc cụ hoàn toàn mang tính dân tộc Việt Nam vì đã được người Việt ưa dùng, truyền từ đời này đến đời kia trong suốt 700 - 800 nǎm, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt và ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam.
2.4. Độc huyền cầm
Độc huyền cầm thuộc họ dây chi gảy, có tên gọi khác là đờn bầu. Đây là nhạc khí quan trọng thứ tư trong dàn nhạc Đờn ca Tài tử và là nhạc khí độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Cũng như hầu hết các nhạc khí khác của Việt Nam, độc huyền cầm không biết do ai sáng chế và xuất hiện từ thời kỳ nào. Hiện nay có rất nhiều truyền thuyết với nhiều dị bản của chuyện Trương Viên về sự ra đời của đờn độc huyền cầm. Vì độc huyền cầm xuất phát từ dân gian nên ít được nhắc đến trong sách sử. Phải đến thời vua Thành Thái, độc huyền cầm mới được thay thế đàn tam và có mặt trong dàn Ngũ tuyệt.
Độc huyền cầm có dạng hình hộp chữ nhật, một đầu to, một đầu nhỏ, thường dài 80 – 110 cm, bề ngang 9 – 12 cm. Mặt đờn và đáy đờn bằng gỗ ngô đồng, gỗ thông hay gỗ tung. Thân đờn bằng gỗ cứng như cẩm lai, hoặc mun. Trên thân đờn phía tay mặt người khảy đờn có một miếng xương hoặc kim loại nhỏ gọi là ngựa đờn. Qua ngựa đờn, sợi dây duy nhất bằng thép dày khoảng 40mm được luồn xuống lỗ xoi trên mặt đờn và cột vào cái trục lên dây đờn. Cần đờn có mang một vỏ quả bầu khô dùng làm hộp cộng hưởng. Ngày nay, để tăng âm lượng tiếng đàn, người ta lắp mobin điện vào dưới mặt đờn, đồng thời phải khoét một lỗ cắm dây zắc dẫn tín hiệu rung của dây vào bộ phận tăng âm. Chính vì dùng điện nên dây đờn phải dùng dây bằng thép thay vì bằng inox.
Cái độc đáo của độc huyền cầm là cấu trúc rất đơn giản, chỉ có một dây kim. Đờn không có phím và chỉ sử dụng cần rung để nhấn chữ đờn. Cấu trúc đơn giản nhưng độc huyền cầm diễn tả được mọi cung bậc của âm thanh và tình cảm. Âm thanh cũng mang sức quyến rũ lạ kỳ, hoàn toàn chỉ sử dụng bồi âm, do đó âm sắc của độc huyền cầm đặc biệt êm dịu, tinh khiết. Kết hợp với khả năng luyến láy rất mềm mại nên âm thanh độc huyền cầm gần với giọng người. Vì vậy mà độc huyền cầm trở thành nhạc khí phổ biến và được nhiều người ưa thích.
Trong số những cây đờn một dây của các nước trên thế giới như đàn Gopi Yantra của Ấn Độ, đàn Ixian qin (nhất huyền cầm) của Trung Quốc, đàn Sadev của Campuchia, đàn Ichigenkin của Nhật Bản… không có cây đàn một dây nào phát ra cả một hệ thống bồi âm vừa có tính phổ cập, vừa có tính nghệ thuật cao như độc huyền cầm của Việt Nam.
Ngày xưa độc huyền cầm là nhạc cụ của những người hát rong (hát Xẩm). Về sau này độc huyền cầm đã tham gia trong các dàn nhạc Chèo, Tài tử, hát Bội, Cải lương, đờn độc tấu, hòa tấu, đệm cho ca, ngâm thơ… và còn hòa chung với dàn nhạc giao hưởng. Hiện nay có rất nhiều tác phẩm đã sáng tác riêng cho đờn bầu độc tấu.
2.5. Guitar phím lõm
Guitar phím lõm thuộc bộ dây chi gảy, còn có các tên gọi khác như: guitar vọng cổ, guitar cải lương, lục huyền cầm, guitar Việt Nam… Bên cạnh những nhạc khí được đưa từ miền Trung vào như đờn cò, đờn nhị…, từ giữa thế kỉ XIX đến nay, sự tiếp xúc với văn hóa phương Tây đã tác động rất lớn đến đời sống âm nhạc trong đó có cả dàn nhạc Đờn ca Tài tử. Đàn guitar của phương Tây xuất hiện từ những năm 20 thế kỉ XX, được các nghệ nhân cải biến trong suốt quá trình phát triển của loại hình âm nhạc Tài tử - Cải lương ở Nam Bộ và trở thành loại nhạc khí độc đáo của Việt Nam. Bên cạnh vai trò của các nhạc khí khác như: đờn tranh, đờn kìm, đờn cò... cũng có thể nói rằng guitar phím lõm là linh hồn của ban nhạc Tài tử - Cải lương.
Đờn guitar phím lõm có nguồn gốc từ Lục huyền cầm của Tây Ban Nha nhưng phím của đờn rất cạn, âm thanh phát ra không sâu sắc, nhạc công không rung, không nhấn để tô điểm cho âm thanh. Thùng đờn hình tròn dẹt, đường kính 36cm. Mặt đờn phẳng, làm bằng gỗ thông nhẹ. Thành đờn thấp khoảng 8,5cm, có lỗ thoát âm, trên mặt đờn có một bộ phận để mắc dây đờn và một ngựa đờn. Cần đờn dài 62cm làm bằng gỗ cứng, thường dùng gỗ trắc, có tất cả 19 phím bằng kim loại gắn trên cần đờn: 12 phím gắn trên cần đờn, bảy phím gắn trên dọc và mặt đờn. Năm 1937, đờn guitar phím lõm đầu tiên xuất hiện với hai cách lên dây là Xề bóp và Xề buông (sau gọi là dây Sài Gòn). Đầu tiên guitar phím lõm ra đời được mang tên là “lục huyền cầm” tuy nó chỉ có bốn dây. Cho đến ngày nay, nó được sử dụng phổ biến với hệ thống gồm năm dây. Đó là cả một quá trình cải biến, điều chỉnh với sự đóng góp của nhiều nghệ nhân danh tiếng trong làng nhạc Tài tử Cải lương. Từ cây đàn guitar ban đầu, người ta khoét các phím lõm xuống cần đàn chừng 1 cm, hình bán nguyệt để ngón tay có thể vừa bấm vừa rung dây đờn, tạo ra âm thanh khác biệt, tạo độ ngân rung đặc trưng, thể hiện chữ nhạc dân tộc Việt Nam rõ nét và sâu sắc hơn. Dây đờn được lên theo âm giai ngũ cung. Khoảng những năm 40 thế kỉ XX, cách lên dây Lai của guitar phím lõm ra đời. Từ đó, các dây khác ít được sử dụng vì dây Lai khi chuyển hơi, chuyển cung đều rất dễ dàng và có thể chơi được cả bản Nam, bản Bắc, bản Oán cho đến vọng cổ. Tuy nhiên, khi đờn bản Bắc và bản Nam thì guitar phím lõm không hay bằng đờn kìm.
Từ cây đờn guitar của phương Tây, các nghệ nhân Việt Nam đã cải biến trở thành guitar phím lõm với hình dáng, cách lên dây, kĩ thuật đánh khác xa so với cây đờn gốc và hiển nhiên được xem như là nhạc cụ của dân tộc Việt. Guitar phím lõm tuy xuất hiện muộn nhưng đã có thời điểm trở nên phổ biến, được dùng thay cho cả những cây đờn truyền thống. Trong dàn nhạc Đờn ca tài tử ngày nay, guitar phím lõm không thể vắng mặt vì nó góp vào những tiếng trầm, những chữ chuyền độc đáo mà các đờn khác không làm được. Guitar phím lõm chủ yếu chơi trong dàn nhạc của Cải lương, Đờn ca Tài tử Nam Bộ.
2.6. Các nhạc khí khác
- Song lang (song loan): là nhạc khí tuy không được nhắc đến trong hình thức dàn nhạc Tài tử nhưng nhất thiết phải có. Song lang dùng để gõ vào nhau khi câu nhạc hoặc nhịp quan trọng. Ngày nay song lang là một miếng gỗ trắc hình tròn, phía trước được chẻ làm đôi, phía sau gắn một miếng sừng có công dụng làm lò xo. Đầu miếng sừng có miếng gỗ hình tròn như viên đạn. Có thể dùng tay bóp nhưng thường song lang được đặt dưới chân để gõ nhịp. Trong dàn nhạc Tài tử - Cải lương, người đờn kìm hoặc người nào “chắc nhịp” sẽ giữ song lang để điều hòa tốc độ chung của dàn nhạc.
- Đờn tỳ bà: đờn này chỉ xuất hiện trong giai đoạn hình thành nhạc Tài tử, về sau ít được sử dụng. Tỳ bà có nguồn gốc từ đàn Hồ cầm của Trung Quốc. Thùng đờn có hình trái lê cắt đôi, lưng đờn là một miếng gỗ chạy dài lên trục và eo lại phía trên đầu thành đờn. Đầu đờn chạm hình con dơi. Đờn có 4 dây, dây lớn là dây đài, tiếp theo là dây thứ đài rồi dây trung và cuối cùng là dây tiểu. Cách lên dây theo giọng Hò, Xàng, Xê, Liu. Đờn phổ biến tại Trung Bộ trong dàn nhạc của Ca Huế và Nhã nhạc cung đình. Còn ở Nam Bộ rất ít người chơi đờn tỳ bà.
- Ống sáo (sáo ngang): là nhạc khí họ hơi chi hơi vòm, làm bằng một ống tre có sáu lỗ để bấm và một lỗ để thổi. Ống sáo là loại nhạc khí cải tiến từ Trung Quốc. Ống sáo có mặt trong Ca Huế, dàn nhạc Tài tử, nhạc Chèo và dàn Nhã nhạc cung đình Huế. Trong dàn nhạc Tài tử, ống sáo thường được dùng trong các bản buồn như Tứ Đại Oán, Văn Thiên Tường…
- Ống tiêu: làm bằng tre, được khoét 5 lỗ phía trước và 1 lỗ phía sau để nhạc công bấm bằng ngón cái. Phía trên của ống tiêu có chẻ một miếng nhỏ để người thổi đặt môi vào đó, khi thổi thì môi trên che để hơi chuyển xuống ống tiêu. Tiếng tiêu nghe ấm áp, dịu dàng, vang xa, dễ hòa quyện với các nhạc khí khác cho nền nhạc thêm đều đặn. Trong buổi đầu hình thành nhạc Tài tử, ống tiêu có thể thay thế cho vị trí của đờn tỳ bà.
Các nhạc khí sử dụng trong dàn nhạc Tài tử đã trải qua quá trình sàng lọc lâu dài dưới bàn tay của nhiều nghệ nhân và từ đó góp phần thể hiện tư tưởng, tâm hồn, tình cảm dân tộc Việt trong các bài bản của nhạc Tài tử. Ngoài ra, các nhạc khí nước ngoài được du nhập vào dàn nhạc Tài tử, được “Việt Nam hóa” để diễn tả một cách trung thực nhất ngôn ngữ âm nhạc của đất nước.
[1] Trịnh Hoài Thu (2011), Thang âm điệu thức dân gian trong tác phẩm khí nhạc mớiViệtNamthếkỷXX, nguồn: http://www.spnttw.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1&sitepageid=139&articleid=1461
[2] Mai Mỹ Duyên (2007), Đờn ca tài tử trong đời sống văn hóa cư dân Tây Nam Bộ, Luận án Tiến sỹ Văn hóa học, Viện Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr 88.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.