Bài 3: Ý thức dấn thân trong thơ Ngô Kha
Nguyên Hậu
Ngô Kha trong các phong trào SVHS |
Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông
đọc diễn văn truy tặng người đãng trí
(Ngụ ngôn của người đãng trí)
Câu thơ như một lời từ giã quyết liệt với một phần trong con người mình, để rồi từ nay anh không còn là “người đãng trí” nữa. Đó chỉ là một giấc mơ dài của lứa tuổi đôi mươi đến lúc phải thức tỉnh.
Tuy nhiên ngay từ ban đầu, trong những vần thơ siêu thực ta vẫn thấy dấu ấn của chiến tranh hiện rõ. Đó thực sự là nỗi ám ảnh vô hình đã ăn sâu vào tiềm thức, chìm vào vô thức để rồi thoát ra trong thế giới của mê dại, đãng trí:
người con gái mộng mị chiến tranh
…
người say rượu mệt mỏi vì câu chuyện hòa bình
…
không có đứa con gái, đứa con trai, người say rượu
chỉ có quả gấc hồng hào rực ánh lửa chiến tranh
Đâu đó là những câu nói mơ hồ nhưng đầy ẩn ý:
tôi hát bài “Đất không cỏ mọc của Á châu”
mặt trời hằng cửu của Phi châu
những màu da ngả nước tìm nhau
lên án lịch sử
…
tôi lớn lên để đưa bạn bè từ giã cuộc sống
Hay đó là nỗi khắc khoải của một trái tim đang rỉ máu khi ngày ngày nhìn thấy những cái chết phi lý đến đau lòng:
bây giờ trên mặt đất quê hương
tôi thắp muôn nến hồng nến trắng
những nến hồng đưa em vào mùa hè hốt hoảng
những nến trắng tiễn chân người chiến sĩ về hư vô
Có thể nói chương VIII của Ngụ ngôn của người đãng trí là một bước đi gần chạm tới bến bờ của hiện tại. Thế giới ấy vẫn siêu thực nhưng lại mang những nét khá rõ của thực tại, là chất dẫn để Ngô Kha bước ra khỏi vùng trời tăm tối của chính mình, hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày thi nhân đang tồn tại. Đây được xem là cuộc vượt thoát ngoạn mục của tâm hồn, một bước nhảy vĩ đại trong cuộc hành trình đi tìm chính mình:
trên cánh đồng phù dung
dẫn tôi vào hành trình
kẽm gai và máu
…
ôi quê hương chúng mình
cho tôi thương vô cùng nên hằng đêm thèm tự sát
ôi đất mẹ điêu linh
những con sông chảy qua cánh đồng mang thây người
chôn vùi vô vọng
ôi dòng máu lênh đênh
hai mươi bốn giờ đi qua những tháp canh
hai mươi bốn giờ đi qua những tử thi còn mở mắt
có những người lính âm thầm đưa chân dung mình đến huyệt…
Không thể trốn mãi trong tháp ngà khi bên ngoài thời cuộc còn rất nóng bỏng. Kể từ đây, người trí thức, thi sĩ Ngô Kha đã chính thức dấn thân vào một trận địa mới, trận địa của những cái có thật, không bao giờ là ảo tưởng.
Năm 1969, sau sự ra đời của Ngụ ngôn của người đãng trí, trên các tạp chí công khai tiến bộ miền Nam lúc bấy giờ như Đất Nước, Đối Diện, Trình Bầy… xuất hiện rất nhiều những bài thơ mang tinh thần dấn thân của Ngô Kha. Tất nhiên không thể công khai một cách tuyệt đối, trong các bài thơ ấy dấu ấn siêu thực vẫn còn phảng phất và là một lớp ngụy trang tương đối an toàn. Tuy nhiên ta vẫn có thể nhận ra điều đó một cách dễ dàng. Đặc biệt là cũng trong năm ấy, Ngô Kha cho ra đời Trường ca Hòa bình (cuối 1969) như một tiếng nói dõng dạc công khai đối mặt với guồng máy chiến tranh lúc bấy giờ. Được viết năm 1968, một năm lịch sử với rất nhiều những sự kiện nổi bật, đặc biệt là sự lớn mạnh của lực lượng Cách mạng đang dần dần thắng thế trên chiến trường. Có lẽ đó là chất xúc tác cũng như nguồn gợi hứng mạnh mẽ thúc đẩy Ngô Kha sáng tác trường ca này. Nhưng đợi đến 1969, sau khi công bố tác phẩm siêu thực cuối cùng như một bản truy điệu thì Ngô Kha mới cho xuất bản tập thơ. Đó phải chăng là dự định đồng thời là sự lựa chọn vô cùng kỹ lưỡng mà ông dày công sắp đặt!
Tập thơ được chia ra 5 chương như lời hiệu triệu, đồng thời là một tiếng nói tập hợp lực lượng thể hiện ý chí cùng niềm tin bất diệt vào hòa bình đang dần đến. Là lời động viên nhưng cũng có thể xem như tiếng kèn xung trận trong đó tác giả là người trực tiếp tham gia và vùng lên trên tuyến đầu.
hỡi những anh em
như gió đứng lên
hãy vùng dậy
phá ngục tù bom đạn
hãy hiên ngang
xóa bỏ căm thù
hãy cùng ta
chấm dứt cảnh máu xương
Và
ta trỗi dậy
từ áo cơm cùm xích
từ chiếc ngực gầy giông tố mấy mươi năm
…
ngày độc lập
đốt đường soi dân tộc
đỉnh hòa bình thống nhất trườn lên
còn anh em cốt nhục
triệu bàn tay chung một trái tim
ta tiến lên xóa tan thù hận
cho trường ca dân tộc khởi hành
(Trường ca hòa bình)
Từ nay người thi sĩ, người thầy giáo ấy chính thức hòa mình vào nhịp đập của hàng triệu con tim trên mảnh đất Việt Nam, hòa vào tiếng ca chung trong bản “trường ca dân tộc”, thoát khỏi trường ca cô độc của riêng mình. Cái “tôi” từ nay đã hòa nhập, là một phần của cái “ta” cộng đồng, dân tộc, nhân sinh.
Tuy nhiên, ta có thể nhận thấy một điều rằng Ngô Kha đã đi theo Đảng nhưng không bằng con đường giác ngộ giai cấp như bao nhiêu người con yêu nước lúc đó mà bằng tâm hồn lãng mạn của một thi nhân, một trí thức yêu nước ý thức được thân phận và thời cuộc. Hàng ngũ trí thức lúc bấy giờ vô cùng đông đảo, họ đứng giữa hai bờ chiến trận và buộc phải lựa chọn. Sự lựa chọn hoàn toàn không ngẫu nhiên, cũng không theo một thứ lý thuyết cứng nhắc nào mà là cả một sự trăn trở, tìm đường. Đương nhiên lúc bấy giờ có rất nhiều hướng lựa chọn khác nhau, có thể như Hoàng Phủ Ngọc Tường trực tiếp vào căn cứ Cách mạng, hoặc Trần Minh Hòa, Trần Văn Thảo, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân… đến với Cách mạng một cách thầm lặng. Bởi ngay trong lúc đó chính họ cũng đang bơ vơ, không tin chắc vào một tương lai nào. Sự lựa chọn ấy có phần nghiệt ngã, vì không mấy vinh quang và vui vẻ khi phải cầm súng giết người và hơn cả là có lúc bắn lại đồng bào mình. Cái làm họ lựa chọn chính là sự nhận chân một cách đầy đủ âm mưu đen tối của Mỹ, một sự thật trần trụi bên ngoài cái hào nhoáng nhằm lừa mị những ai vội tin vào phù du vật chất. Có một sự thật là “bom đạn, thuốc khai hoang đã tàn phá quê hương. Những cặn bã của văn minh Mỹ, lối sống Mỹ đã vùi dập biết bao con người, đã cuốn biết bao cuộc đời vào trong gió loạn, đã làm trầm luân bao thân phận bọt bèo. Cứ thế, xã hội miền Nam tan rã theo từng mảnh, và thế hệ chúng tôi phân hóa đến cùng cực, cũng trở thành những mảnh vỡ, những cánh bèo trôi dạt dật dờ theo dòng lũ chiến tranh” ([1]). Giáo sư Lý Chánh Trung đã mô tả rất đúng cái tình cảnh bi đát của những trí thức của thời đại ấy: “Trên những đống gạch vụn còn nghi ngút khói sau những trận mưa sắt thép, trước những tử thi ngổn ngang cùng tóc đen máu đỏ, cũng mũi tẹt da vàng, trước những hàng rào kẽm gai chằng chịt, những đống rác khổng lồ, những ổ điếm lộ thiên, giữa một quê hương tan tác rã rời, câm lặng, thế hệ hai mươi đã đến với ngưỡng cửa đại học như một bầy gà con ngơ ngác. Và cái tháp ngà Đại học sừng sững như ngọn hải đăng giữa cơn bão tố, chẳng có gì để nói với họ, ngoài những bài học chuyên môn không một chút liên hệ với những ưu tư của họ. Đại học sừng sững như ngọn hải đăng, nhưng trên ngọn hải đăng không có một tia sáng nào cả!” ([2]). Điều này cho thấy dã tâm của Mỹ khi lấy chiêu bài “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm phân hóa nội bộ dân tộc. Là một trí thức, một nhà giáo trực tiếp đối mặt với những phi lý ấy, nhận ra những nỗi đau đang hàng ngày oằn nặng trên mảnh đất quê hương và tù ngục trong tâm hồn, cuối cùng Ngô Kha cũng đứng về phía Cách mạng. Đó là sự giác ngộ của một trí thức, một nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm sống trong lòng đô thị, bị cuốn vào dòng thác yêu nước đấu tranh đang sôi nổi lúc bấy giờ. Ông đã làm theo tiếng gọi của lương tri, theo sự thôi thúc của dòng máu dân tộc vẫn ngày ngày hoạt lưu trong huyết quản. Người thầy giáo ấy ngoài những tiết dạy bình thường còn nói cho học sinh của mình biết về chiến tranh, về trách nhiệm của một thế hệ trẻ. Những giờ dạy của Ngô Kha không bao giờ yên lặng mà luôn sôi nổi những vấn đề thời sự, những điều mà chính quyền lúc bấy giờ cố tâm bưng bít và ngụy trang. ([3])
Sự kiện Mỹ đổ quân vào miền Nam năm 1965, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ, làm cho tinh thần dân tộc trong đông đảo trí thức văn nghệ sĩ nhất là thế hệ trẻ được khơi dậy. Các trí thức khuynh tả lúc bấy giờ không còn đặt ra những vấn đề trừu tượng hay tin vào một thứ lý luận suông, trái lại họ đã dấn thân vào tranh đấu, lao mình vào hành động thật sự. Hàng loạt những tổ chức yêu nước tiến bộ được thành lập như Lực lượng giáo chức tranh đấu, Tổng hội sinh viên, Hội đồng nhân dân cứu quốc (Huế), Lực lượng nhân dân tranh thủ Hòa bình (Đà Nẵng), Đoàn thanh niên ái quốc Việt Nam, Lực lượng sinh viên tranh thủ dân chủ (Đà Lạt), Hội bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, Hội bảo vệ thanh thiếu nhi, Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc (Sài Gòn)… Hầu như tổ chức nào cũng có cơ quan ngôn luận riêng và nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo…
Thơ văn tranh đấu lúc ấy phải sáng tác trong máu lửa, trong vòng kẽm gai, các trí thức khuynh tả bị giam giữ, tù đày, tra tấn hết sức dã man. Hàng loạt tờ báo và tòa soạn bị đóng cửa, nhưng càng bị đàn áp càng cho họ thấy rõ bộ mặt dã man của chế độ, càng thúc đẩy họ về phía lực lượng nhân dân và Cách mạng. Các tổ chức rút vào bí mật và cắm sâu vào các đoàn thể nhân dân yêu nước. Các báo được ấn hành dưới dạng nội san, bản tin. Đội ngũ viết bổ sung hàng loạt các cây bút trẻ như Trần Quang Long, Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ, Phan Duy Nhân, Cao Quảng Văn, Võ Quê, Thái Ngọc San…(Thơ), Võ Trường Chinh, Huỳnh Ngọc Sơn, Trần Duy Phiên, Thế Vũ, Trần Hữu Lục, Tiêu Dao Bảo Cự…(Văn), Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Vũ Đức Sao Biển, Trương Quốc Khánh, Miên Đức Thắng, Phạm Thế Mỹ…(Nhạc), Bửu Chỉ, Nguyên Hạo, Huỳnh Bá Thành…(Họa), Trần Triệu Luật, Nguyễn Trọng Văn, Trần Nguyên Lan, Trần Hồng Quang… (Lý luận phê bình). ([4])
Nhiều người trong số kể trên vừa đóng góp tích cực vào các tờ báo, tạp chí công khai hoặc bí mật, vừa tranh thủ tìm cơ hội để xuất hiện trên các nhật báo, tạp san, tạp chí xuất bản công khai như: Tin Sáng, Điện Tín, Đại Dân Tộc, Đối Diện, Trình Bầy, Tự Quyết, Đất nước,…
Trong năm 1968, kết hợp với các anh em nòng cốt trong sinh viên và văn nghệ sĩ tri thức Huế như Trịnh Công Sơn, họa sĩ Vĩnh Phối, Ngô Kha đã thực hiện hai “Đêm không ngủ” tại sân trường Đại học Khoa học và trong khuôn viên Viện Đại học ở số 3, Lê Lợi, Huế. Ở đây, họ đã tổ chức đọc thơ và hát những bài ca kêu gọi tinh thần yêu nước truyền thống như Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng (Lưu Hữu Phước), hay Non nước Lam Sơn (Hoàng Quý), kể cả Chiến sĩ vô danh (Phạm Duy)… ([5]) Đây là sáng kiến rất táo bạo của Ngô Kha nhằm đánh một đòn trực diện vào âm mưu của chính quyền Huế lúc bấy giờ. Đó có thể coi là màn mở đầu tương đối thuận lợi để sau này có thêm nhiều “đêm” khác với nhiều cái tên gây ấn tượng mạnh như: Đêm đốt lửa căm hờn, Đêm cốt nhục, Đêm câu nguyện hòa bình, Đêm Hùng Vương… Họ chủ động đến với mọi tầng lớp nhân dân, đi từ “Hát cho dân tôi nghe”, chuyển sang “Hát cho đồng bào tôi nghe”, và “Nghe đồng bào tôi nói”…
Nhiều trường trung học trong thời gian này đã cho ra đời hàng trăm tờ nội san, tờ báo, tạp chí bản tin với mục tiêu rất cụ thể. Tiếng gọi học sinh số 1 năm 1970 đã xác định: “Chúng ta phải đạp đổ từ căn bản những sa đọa, những học hành u mê, những mảnh bằng tuyển lính…khai sinh từ mọi bộ phận, mọi tổ chức của chính quyền hiện thời đã tạo nên tình trạng đó.”([6])
Về tư tưởng, thái độ chính trị của các tầng lớp ban đầu có khác nhau nhưng hầu như tất cả đều căm phẫn khi thấy Mỹ và chính quyền Sài gòn phản bội hiệp định Genève, phá bỏ quy định sẽ tổng tuyển cử tự do trong cả nước vào tháng 7 – 1956 để thống nhất đất nước. Vì thế ngày càng có nhiều người đồng tình với Tuyên ngôn và chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam công bố ngày 20-12-1960 trong cuộc Đại Hội thành lập: “Phải hòa bình! Phải độc lập. Phải dân chủ! Phải cơm no áo ấm! Phải hòa bình thống nhất Tổ quốc”.
Lúc bấy giờ rất nhiều những vần thơ yêu nước của thế hệ trí thức trẻ đô thị miền Nam ra đời. Những cái tên đã làm nên lịch sử không chỉ trên mặt trận văn hóa mà còn ở sự dấn thân quyết liệt. Rời bỏ khung trời văn chương lãng mạn để nhập vào chiến cuộc, những bài thơ sau này của họ mang đậm tinh thần thức tỉnh cùng ý chí tiến công trực diện vào kẻ thù. Huỳnh Như Phương từng nói, tình yêu của thế hệ trẻ lúc ấy là tình yêu trong giông bão, một tình yêu hiến dâng nên nó không thể tiếp tục bày tỏ bằng ngôn ngữ lãng mạn. ([7]). Lúc bấy giờ không còn cái “nghiêng nón” đáng yêu nữa mà là những câu thơ cháy bỏng trong thơ Trần Quang Long:
Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài thơ như kiếm sắc
Chặt đầu văn nghệ tay sai
Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước
Cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai
(Thưa mẹ trái tim)
Không một cây bút sinh viên nào lúc đó khi viết lại nhằm mục đích làm văn chương thuần túy. Họ muốn mượn báo chí để nói lên những băn khoăn, trăn trở, để khẳng định sự hiện diện của lực lượng, của tập thể mà họ là một thành viên. Ngoài ra họ còn mong muốn thức tỉnh, tập hợp tổ chức và biểu dương lực lượng thế hệ trẻ.
Từ chỗ nhận ra ngục tù của ý thức và ngục tù bên ngoài đang bao phủ lấy quê hương họ đã thoát ra khỏi cái ngục tù của cá nhân, bản thể, tìm ra bình minh tươi sáng, xua tan bóng tối ngàn năm trên mảnh đất quê nhà. Từ tâm thức tự lưu đày, họ nhận ra hiện thực lưu đày trong thực tế chiến tranh đang bao phủ trên quê hương. Từ cái ý thức dấn thân của chủ nghĩa hiện sinh, họ đã thật sự dấn thân trên các trận địa đường phố, dấn thân vì một lý tưởng cụ thể và mục tiêu Cách mạng thật sự. Một điểm khá rõ của thơ văn yêu nước vùng thành thị là gắn bó khá chặt chẽ với thời cuộc, với những diễn biến của lịch sử, nên đó là những vần thơ rực lửa, một tiếng hát lúc nào cũng sôi nổi, hào hùng và đi sát với diễn biến của lịch sử. Những người cầm bút có lương tri với tư cách là nhân chứng của thời đại đã lên tiếng.
Ngô Kha cũng là một trong số những người có sự thay đổi đáng kể trong các sáng tác văn chương. Tuy nhiên thơ ông trong giai đoạn này không phải là những tác phẩm được sáng tác một cách cứng nhắc thuần túy theo hướng Cách mạng mà là sự lựa chọn của cá nhân, của một trí thức lương tri có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình, với gia đình, dân tộc và hòa bình thế giới. Trước làn sóng đấu tranh đòi quyền tự do, hòa bình, độc lập dân tộc của mọi tầng lớp cùng những sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt của cả hai bên đã tác động sâu sắc vào ý thức của ông - một người luôn trăn trở, suy tư về lẽ sống sẽ vô cùng nhạy cảm với những vấn đề của dân tộc. Ngô Kha đã lựa chọn và hành động theo tiếng gọi lương tâm một cách tự nguyện và chân thành. Đến với Cách mạng là một tất yếu nhưng cũng không tránh khỏi những trăn trở, suy tư. Anh lựa chọn một hướng đi riêng không theo lời dẫn của bất cứ ai. Bằng chứng là sau này (1973), khi tình hình an ninh của Ngô Kha bị đe dọa nghiêm trọng, có người định đưa ông vào căn cứ nhưng ông đã chối từ. Ông chấp nhận ở lại và dấn thân theo cách của mình, đó là “mặt trận đường phố”. Ở đó đồng đội là những người bạn, những học sinh sinh viên yêu thương của mình. Có thể nói triết lý hiện sinh đã ảnh hưởng và tác động một phần tới sự lựa chọn và hướng đi ấy của Ngô Kha.
Theo cảm nhận của Huỳnh Như Phương, đọc thơ Ngô Kha trước ngày bị thủ tiêu ta thấy phảng phất hơi thơ hào sảng và thoáng đãng của Pablo Neruda ở Châu Mỹ La tinh dưới gót giày của các thế lực quân phiệt, của Agostino Neto ở Châu Phi da đen trong vòng kẽm gai của chủ nghĩa thực dân. Bởi “Tác phẩm của họ là nỗi niềm và khát vọng của tuổi trẻ băn khoăn đi tìm nghĩa sống, là tiếng hát vượt qua vực thẳm để đến với hy vọng” ([8])
Trường ca hòa bình và cả những bài thơ tranh đấu sau này của Ngô Kha là một tiếng gọi, là lời hiệu triệu hùng hồn và tràn đầy nhiệt huyết. Nó là một bản tấu riêng trong bản đồng ca tranh đấu của những sinh viên trí thức lúc bấy giờ. Đâu đó tinh thần Bài ca chúc Tết thanh niên của Phan Bội Châu trong những ngày tháng gian nan của đất nước hồi đầu thế kỷ:
Ta lên tiếng cho ngục tù vữa nát
bao gông cùm tan chảy dưới mặt trời
muôn tim người triệu khối óc vùng lên
đã đến lúc đập tan xiềng nô lệ
…
này các anh
này các chị
tiến lên
bằng chính nghĩa giành hòa bình độc lập
(Bài ca tự quyết)([9])
Mỗi người trước sứ mệnh đối với dân tộc đều có sự lựa chọn và hướng đi riêng, tùy theo tư tưởng, tiếp nhận mà có thái độ riêng của cá nhân. Ngô Kha cũng vậy, ông đã có một sự lựa chọn quyết liệt với bản thân và lịch sử khi từ chối vào vùng giải phóng, chấp nhận hy sinh trong thầm lặng sau này. Đó là cách Ngô Kha thể hiện lòng yêu nước của mình - chấp nhận ở lại và hy sinh. Nếu Nhất Chi Mai lựa chọn cái chết bằng cách tự thiêu để thể hiện quyết tâm và kêu gọi hòa bình với “Chết mới được ra lời” thì cái chết của Ngô Kha cũng có tính chất tương tự. Một sự hy sinh thầm lặng, có tác dụng như một đòn bẩy thúc đẩy phong trào sinh viên học sinh lúc bấy giờ. Cái chết ấy có tác dụng đi ngược lại với mong muốn của chính quyền Sài Gòn, chẳng những không thể răn đe hay dập tắt các phong trào đấu tranh mà càng thổi bừng lên ngọn lửa đấu tranh đòi hòa bình, tự do, công lý.
Như nhiều trí thức lúc bấy giờ, Ngô Kha đã hoạt động vừa công khai vừa bán công khai. Trên mặt trận đấu tranh, ông chấp nhận đối diện công khai với chính quyền, hòa vào phong trào của quần chúng và làm chủ tình hình, không cần phải ngụy trang bằng bất cứ hình thức nào. Nhưng trong văn chương, đôi lúc ta thấy tác giả đã thể hiện ý hướng dấn thân trong những bài thơ một cách kín đáo. Có lẽ nhờ thế mà những bài thơ ấy có thể lưu hành trước sự kiểm soát gắt gao của chính quyền lúc bấy giờ. Một cách nói bóng gió xa xôi, ngụy trang bằng một thế giới thơ siêu thực nhưng thật ra lại thể hiện khá rõ ý hướng dấn thân của mình.
ngày 30 triệu người hò reo vỡ núi
sức mạnh đẩy lui hàng triệu tấn bom
ngày áo cơm cũng dự hội tang bồng
cho cuộc sống đọa đày nhọc nhằn chấm dứt
(Mặc khải – tháng 1/1970) ([10])
Ông gọi đó là những vần thơ dấn thân, những vần thơ bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới trong chính con người mình và mở đầu cho trường ca của một dân tộc - đặc biệt là của tầng lớp trí thức lúc bấy giờ. Bằng trái tim nhạy cảm, dễ dàng rung động vốn có của thi sĩ, bất chợt bắt gặp một cơn gió cũng nao lòng huống chi cái đối mặt hàng ngày lại là sinh mạng của hàng triệu con người. Không đứng vào hàng ngũ của Đảng một cách chính thức nhưng tư tưởng của Ngô Kha thì đã rõ. Những người có lương tri càng dễ dàng nhận chân những giá trị tiến bộ. Và Cách mạng lúc bấy giờ đã truyền cho họ một niềm tin bất diệt, niềm tin vào thắng lợi mang lại hòa bình cho dân tộc. Chính vì thế trong các bài thơ của Ngô Kha đã thấy thấp thoáng điều đó. Hai tiếng Cách mạng có vẻ còn mới mẻ với tầng lớp thanh niên trí thức đô thị, nhưng từ nay họ đã nhìn ra một thứ ánh sáng mới. Ánh sáng đó đang thể hiện hết sức mạnh của mình, soi đường chỉ lối cho dân tộc:
những câu thơ về dấn thân
trên hàng chữ đã vinh danh
hòa bình khai phá
để viết những vần thơ
mở đầu tuyên ngôn cách mạng
(Mặc khải)
Có thể nói ý hướng dấn thân của Ngô Kha và những người bạn lúc bấy giờ là một quá trình tương đối lặng lẽ. Một phần do điều kiện thời cuộc lúc bấy giờ không được phép công khai, một phần là do tạng người của họ. Họ không thích cái gì quá khô khan giáo điều, họ là những tâm hồn lãng mạn, bị ám ảnh bởi những điều hết sức nhân bản, đó là tính mạng của những người dân vô tội. Nói như Nhất Chi Mai là:
Tôi vì lòng nhân bản
Mà muốn nói Hòa bình
(Chắp tay tôi quỳ xuống)
Không gì quá cao siêu, cái mà họ chỉ ra, mong muốn lại đi từ những điều bình thường nhất. Hình ảnh người em, người bạn, người yêu hay những người thân yêu trong gia đình, những phong trào quần chúng bị đàn áp, giết chóc, chết trận một cách bi thảm đã tác động sâu sắc vào tâm thức họ:
nghe chiến trường anh em đang đổ nhiều máu
và nước mắt cũng rưới thật đều ở hậu phương
dưới túp lều người mẹ xanh xao đón gió nồm
…
lại nguồn tin ở Hạ Lào
người Việt vừa đổ máu hôm qua
nơi thung lũng cây xanh biến thành nghĩa địa
B52 đào mồ chôn xác anh em
nghe nói
thây người treo ké ở đầu cành
và từng chiếc đầu lâu dàn dàn nước mắt
những người đã đi
bạn
anh
và cháu
…
(Trường ca hòa bình)
Làm sao có thể làm ngơ khi “những người bạn đã ra đi, những người bạn đã và tù…. Còn có niềm vui nào cho tuổi trẻ chúng ta, khi đất nước vẫn chìm trong màn mưa nghẹn ngào? Niềm vui của chúng ta đã bị giẫm nát dưới gót giày đinh xa lạ. Nhưng phải chăng chúng ta đã cam chịu, đã cúi đầu chấp nhận? Một ngàn lần không, vì trái tim chúng ta vẫn không ngừng đập, vì những vầng trán bất khuất của những người bạn đã ra đi vẫn như còn ánh lên rạng ngời cái ánh sáng kiêu dũng trong ký ức của những người ở lại…” ([11]) Cái mà họ cần là một cái gì đó cao cả hơn tất cả những thứ bình thường, đó là nhân đạo, là nhân bản, là tự do, là hòa bình thế giới. Tất cả những bất công ngoài xã hội đều làm họ thấy bất ổn trong tâm hồn, là ngọn lửa làm thiêu đốt trái tim nhạy cảm. Ta cũng không ngạc nhiên khi thấy tư tưởng về hòa bình của họ lại mang màu sắc lý tưởng, một sự cảm nhận rất nhẹ nhàng và lãng mạn:
Tin em trao về hồng như nụ chín
Mai có hòa bình khác thể yêu đương
Đường dù ngái đi rừng chen lớp lớp
Nhớ nhau thì về cho kịp trời thu
Trời có tơ đan, nắng hanh vườn cũ
Áo thô bạc màu hẹn buổi vinh quy
Chim vỗ cánh bay theo đàn tình tự
Xứ mẹ con về góp hội trùng tu
(Mai có hòa bình)([12])
Nguyện làm loài chim mang quá khứ đau thương
Trở về tấu khúc hòa bình bên hoa đồng thảo
ở đó
Việt Nam vĩnh cửu
Việt Nam không còn chiến tranh.
(Cho những người nằm xuống)([13])
như rạng đông mới mọc trong tim
xua ủy mị
đánh tan ngày địa ngục
ta đứng lên dựng mắt nhìn trời
ta đứng lên giáp mặt với tương lai
ta lên tiếng mời mọi người vào hội…
(Trường ca hòa bình)
Đó như ngày hội lớn của dân tộc, một cách nói giống Phan Bội Châu trong hoàn cảnh xã hội những năm đầu thế kỷ. Không chỉ là ngày hội lớn bên ngoài mà hơn cả là ngày hội trong lòng – những trí thức dấn thân, đã nhận ra con đường đi sau những tháng ngày u tối trong tâm hồn. Đó chính là con đường dẫn ra ánh sáng không chỉ của bản thân mà của dân tộc, của nhân loại:
em đã đến
như ngày mai phải đến
…
ở đó em mở cánh cửa con đường hầm
và nơi đây
lòng ta nở một đóa hoa
bằng tất cả lời thề và tâm linh của mạch máu
(Mặc khải)
Như bao nhiêu người khác, thế hệ trẻ đô thị miền Nam lúc bấy giờ luôn mong muốn có một hòa bình chung trên thế giới, của toàn nhân loại, không phân biệt màu da. Đó chính là một động lực lớn thôi thúc họ dấn thân, một kiểu đấu tranh của những trí thức lương tri và tiến bộ.
Điều mà họ mong muốn vô cùng giản dị nhưng dường như lại lý tưởng trong hoàn cảnh lúc đó:
cho các anh chiến binh trở về ruộng cấy
cho từng đoàn công nhân xưởng máy đập lúa ngày đêm
cho người trí thức biết gieo hạt giống
ở trên những luống cày
chữ nghĩa xếp thành hang vồng sắn khoai
…
(Trường ca hòa bình)
Hòa bình đến như ánh nắng mai, như gương mặt tươi tắn, nhẹ nhàng của người con gái, bởi “em mặt trời mọc” và “anh Tự Do” (Mặt trời mọc)
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thái độ dấn thân của những tri thức lúc đó. Đầu tiên phải nói đến là hoàn cảnh lịch sử, thực trạng rối ren của xã hội khiến những người trực tiếp chịu tác động phải suy nghĩ và định hướng cho hành động của mình. Thứ nữa là càng ngày những chính sách cùng sự tàn bạo của Mỹ và chính quyền tay sai đã thể hiện rõ. Càng thất bại, chúng càng cay cú và ra những điều luật vô cớ, dã man. Chúng không còn kiên nhẫn giữ mãi chiếc mặt nạ nhân đạo như ban đầu, ngày càng thể hiện dã tâm của mình. Đó là sự thật mà những người vốn còn mơ hồ nay đã nhận thấy rõ. Đối với họ - những trí thức dấn thân ngày ấy chỉ có một lựa chọn, cho dù sau này cục diện đất nước có thế nào chăng nữa cũng vẫn tốt hơn là để một đế quốc xa lạ cai trị mình. Thứ ba là tinh thần của triết học hiện sinh, một triết học khá gần gũi với con người và rất được chú ý lúc bấy giờ. Bên cạnh những khía cạnh khiến ta nhận ra bản chất thật của con người và cuộc đời tạo nên tâm thế bi quan, mặt khác – cũng là mặt tích cực của triết học này là ý thức dấn thân, đó là cách thể hiện sự tự do của con người một cách cao nhất. Nhưng trước khi có tự do cá nhân cái cần thiết là phải được tự do về mặt vật chất, nghĩa là con người không còn bị ám ảnh bởi những tác động bên ngoài. Nó tạo điều kiện cho con người vươn tới tự do một cách toàn vẹn. Có thể nói, về mặt này triết lý hiện sinh đã đóng góp rất nhiều cho Cách mạng, không giống như cách nhìn nhận ban đầu của một số người, loại bỏ triết học hiện sinh ra khỏi đời sống dân tộc lúc bấy giờ.
[1] Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Đông Nhật, Sđd, tr 220, 221.
[2] Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Đông Nhật, Sđd, tr 221.
[3] Theo lời kể của Nguyễn Thanh Văn, học trò của Ngô Kha ngày ấy.
[4] Theo Trần Hữu Tá, Nhìn lại một chặng đường văn học, NXB TPHCM, 2000.
[5] Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Đông Nhật, Sđd, tr 229.
[6] Trần Hữu Tá sưu tầm và tuyển chọn, Nhìn lại một chặng đường văn học (2000), NXB Tp Hồ Chí Minh, tr 29.
[7] Huỳnh Như Phương, Thơ tuổi đôi mươi - thức tỉnh và hy vọng, Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số Tất niên Canh Dần 2010.
[8] Huỳnh Như Phương, Thơ tuổi đôi mươi - thức tỉnh và hy vọng, Bđd.
[9] Tạp chí Đối Diện, số 65-66 Mùa Giáng Sinh 1974, Sài G òn.
[10] Đất Nước số 18, tháng 2,3 - 1970
[11] Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Đông Nhật, Sđd, tr 258.
[12] Tạp chí Đối Diện, số 65-66 Mùa Giáng Sinh 1974.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.