“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

THI SĨ NGÔ KHA: SỰ NGHIỆP THI CA


Nguyên Hậu
Ngô Kha là nhà thơ miền Nam trong giai đoạn 1954 – 1975. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng sự nghiệp thơ ca mà ông để lại đủ làm nên diện mạo của thi nhân. Người ta thường nói, một nhà thơ nổi tiếng không phải là một người sáng tác nhiều mà là một nhà thơ có sáng tác độc đáo. Cho đến hôm nay khi nhìn lại toàn bộ sự nghiệp thơ ca giai đoạn trên, ta thấy Ngô Kha có một điểm vô cùng nổi bật: Ông là một trong số ít những nhà thơ miền Nam lúc bấy giờ hòa nhập vào dòng thơ siêu thực. Các tác phẩm ấy tuy đương thời không được nói đến nhiều (vì lý do thời cuộc), nhưng có thể nói Hoa cô độcNgụ ngôn của người đãng trí là hai tập thơ đáng nhớ nhất khi nhắc đến Ngô Kha. Ngoài ra, nhà thơ còn có Trường ca hòa bình và một số bài thơ khác in rải rác trên các tạp chí miền Nam.
Ở miền Nam Việt Nam thời những năm 1954 – 1975 đã tồn tại và phát triển một luồng văn học, là một trong những lực lượng quan trọng của văn hóa văn nghệ. Nó không thực sự tách ra khỏi dòng chung nhưng cũng cho thấy một tiếng nói riêng hòa vào dòng chảy văn học dân tộc lúc bấy giờ. Trong không khí sục sôi các sự kiện chính trị, xã hội và văn học, các cây bút tiến bộ đã có cách thể hiện rất riêng nhưng tựu trung đều thể hiện tinh thần yêu hòa bình, tiến bộ, nhân văn chủ nghĩa.
Như đóa hoa nở giữa sa mạc, người trí thức Ngô Kha - thầy giáo dạy văn trường Quốc học và các trường khác ở Huế ngày ấy đã tạo cho mình tiếng nói riêng trong các tập thơ của mình. Trong không khí ồn ào nóng bỏng của thời cuộc, năm 1961 Ngô Kha cho ra đời Hoa cô độc như bước đánh dấu cho sự nghiệp thơ ca của mình. Tập thơ là sự tập hợp một số bài thơ tình lãng mạn, dần có xu hướng siêu thực. Hoa cô độc gồm các bài thơ như Đêm 30, Có gì đẹp hơn yêu em, Người con trai, Tiễn em, Ưu tư, Khúc ca tình yêu…. ([1]) Nó cho thấy trái tim tươi nguyên của chàng thanh niên còn nhiều hy vọng ở cuộc đời. Những vần thơ tuy có hơi hướng siêu thực nhưng vẫn còn đó cái trong sáng, nhẹ nhàng và hết lòng với cuộc sống. Những ai đã yêu hay chưa từng yêu đều có thể rung động với những câu thơ:
Có gì đẹp hơn yêu em?
một ngày tuy không hò hẹn
tâm tư vẫn tìm về nhau
Yêu em
anh tin cuộc đời…
 (Có gì đẹp hơn yêu em)
Tuy vậy tập thơ cũng cho thấy dự cảm về một trái tim rạn vỡ, một chút u tối trong tâm hồn khi độ nhạy cảm của thi nhân không ngừng báo trước cho anh. Tìm đến thế giới siêu thực, Ngô Kha xem đó là cách thể nghiệm sự suy nghĩ, hòa trộn giữa thực và mộng, nhập vào thế giới mới hơn để tìm ra không gian riêng cho mình. Nó cho thấy một sự bi quan chán nản đến cùng cực, không còn tin vào thực tại, bao nhiêu biến cố đã làm cho trái tim ấy có lần tan nát. Không tìm ra lối thoát, và bất mãn với những gì đang diễn ra trước mắt, anh thanh niên tuổi đôi mươi tràn trề sức sống đã thốt lên một cách cay đắng rằng:
tôi kẻ điên
trọn đời cuồng dại
tôi chỉ là một kẻ vong thân
khát tình thương chẳng thiết phân trần…
(Ngụ ngôn của người đãng trí)
Cũng từ đây, “tôi là kẻ điên” như một nỗi ám ảnh triền miên khi anh không thể thoát ra khỏi cái bào ảnh của cuộc đời. Như hạt giống ươm mầm, năm 1969 anh cho ra đời Ngụ ngôn của người đãng trí, dấu chấm lửng giữa cuộc đời. Tập thơ làm nên tên tuổi ông với tư cách nhà thơ ngoài vai trò một người thầy giáo trong trường Quốc học. Năm 1966, tham gia chiến đoàn Nguyễn Đại Thức thất bại và bị đi tù Phú Quốc, tinh thần chàng trai tràn trề lòng nhiệt thành bị chấn động nghiêm trọng khi lần đầu tìm ra hướng đi lại bị đời vùi dập không thương tiếc. Anh trí thức ngày nào giờ đắm chìm trong thế giới của “người đãng trí” như một cách phản kháng với thực tại, tìm đến “siêu thực”. Với Ngụ ngôn của người đãng trí, tác giả đã cho người đọc thấy được sự phân rã lớn trong tâm thức, đồng thời làm lay động một trái tim nhạy cảm đặc biệt. Trong muôn vàn hướng đi, Ngô Kha đã chọn cho mình “sa mạc”, những “khoảng vô hình”, những “ác mộng”, “hư vô”… như tiếng nói thầm thĩ, từ khước cuộc sống thực tại. Ngụ ngôn của người đãng trí hay là sự bơ vơ với chính mình? Không thể dung hợp với thực tại, nhà thơ tìm đến chốn hư vô, tìm đến mộng, đến khung trời siêu thực. Điều đó đánh dấu một bước trưởng thành trong tư tưởng của ông, từ một thanh niên ngập tràn lý tưởng, mơ mộng nhưng từ trong tinh khôi đã thấy trước sự cô độc.
Đúng như ai đó đã từng nói, cuộc sống không bao giờ dừng lại một chỗ mà là một quá trình, không thể cứ sống mãi trong bơ vơ, triền miên trong miền vô định nên ông đã làm một cuộc vượt thoát tinh thần ngoạn mục. Từ Ngụ ngôn của người đãng trí ông đã cho ra đời Trường ca hòa bình như lời kêu gọi với chính mình. Có thể nói, lúc bấy giờ Ngô Kha đã tung ra khỏi cái trận địa ông đã xây cho mình, quyết tâm dấn thân vào các trận địa đường phố cùng hàng trăm sinh viên, hòa cùng nhịp đập với dân tộc một cách công khai. Trong lĩnh vực văn học, nếu trước kia ông gián tiếp thể hiện tinh thần đó trong những vần thơ siêu thực thì ngày nay, Ngô Kha đã sáng tạo cả một trường ca dài để kêu gọi mọi người cùng đứng lên bảo vệ hòa bình cho nhân loại. Có được điều đó không thể không kể đến sức tác động của phong trào văn học trong xã hội lúc bấy giờ. Một làn sóng văn học yêu nước phát hành rầm rộ trên các tạp chí công khai ở Sài Gòn. Ngay từ những năm đầu tiên, nhiều tờ báo tiến bộ xuất bản ở Sài Gòn như Nhân Loại, Công Lý, Điện Báo, Hừng Sáng, Duy Tân, Ánh Sáng, Lẽ Sống… đã tạo nên tiếng nói của dòng văn học yêu nước. Bất chấp sự đàn áp mạnh tay của chính quyền ở các đô thị miền Nam, người đọc vẫn có thể tìm thấy trên các tờ báo Nhân Loại, Bách Khoa, Mai, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Công Lý… những tác phẩm yêu nước dưới những mức độ khác nhau thuộc nhiều thể loại. Cách viết uyển chuyển, kín đáo, bóng gió xa xôi ẩn chứa nhiều ẩn ý, những biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, tượng trưng được sử dụng tối đa.
Tính chất độc đáo của luồng văn học này thể hiện trước tiên ở chỗ nó là sức mạnh trí tuệ, là sản phẩm nghệ thuật của nhiều người ở nhiều vị trí khác nhau. Có người lúc đứng ra tổ chức hoặc tham gia các hoạt động văn học, viết những câu thơ, bài văn mang tinh thần yêu nước, phản ánh tinh thần yêu hòa bình còn bị bắt bớ tù đày thậm chí mất mát hy sinh. Có người không chịu ảnh hưởng trực tiếp của Cách mạng nhưng họ vẫn sáng tác với tinh thần yêu nước chống xâm lăng. Những bài thơ ấy ở mức độ này hay mức độ khác vẫn thở hơi thở chiến đấu của nhân dân, mang sức sống của dân tộc và thấm đẫm tinh thần yêu quê hương đất nước, tinh thần nhân bản truyền thống của Việt Nam. “Họ ở ngay trong lòng địch, chiến đấu với địch bằng những hoạt động văn hóa, họ sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật với đầy đủ ý thức của người cảm tử quân([2]).
“Chân lý nảy sinh từ cuộc sống”, thực tế sôi bỏng của “trận địa đường phố” giúp tuổi trẻ gạt bỏ dần những tư tưởng lãng mạn xa rời thực tế, những quan niệm nổi loạn siêu hình và những thứ lý luận xa rời thực tế, đồng thời hiểu rõ hơn sức mạnh của quần chúng nhân dân. Cũng từ “trận địa đường phố”, thấy những cảnh bất công sặc mùi ô uế, phát hiện được những đức tính của người cần lao, họ đã dựng lên trong sáng tác mình hình tượng những con người thực hơn, đúng hơn như vốn có ngoài đời. Cũng từ chỗ gắn bó chặt chẽ với hiện thực đầy bão táp của dân tộc, họ đã sáng tạo ra nhiều hình thức sinh hoạt văn nghệ phong phú mà ít có thời kỳ lịch sử nào ở các đô thị miền Nam có được. Đó là những “Đêm lửa trại căm thù”, những “Đêm hồn nước qua thi ca”, những “Đêm cốt nhục”, “Đêm không ngủ”, phong trào “Cất cao tiếng hát đánh bạt kẻ thù”, những chiến dịch “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Nói cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi nói”… Không nằm ngoài các phong trào ấy, Ngô Kha còn là người có vị trí quan trọng trong các tổ chức lúc bấy giờ. Có thể nói, trong những thời kỳ lịch sử nhất định, thơ không chỉ đơn giản là văn chương mà còn là khẩu hiệu, là lời động viên, hiệu triệu những trái tim biết động lòng với những mất mát, thương tâm mà cuộc chiến “phi nhân” gây ra. Dòng thơ mà những sinh viên trí thức tạo ra không đơn thuần là lời kêu gọi, cổ vũ cho bên nào mà hơn cả là nhịp thổn thức trước một nhu cầu bức thiết cần có của cuộc đời. Hai tiếng hòa bình lúc ấy trở nên vang động biết dường nào:
mừng gặp anh em như mới chào đời
ngày Việt Nam khai sinh ngôn ngữ mới
ba mươi triệu đồng bào anh em đứng dậy
như trường sơn hùng vĩ đời đời
hòa bình về trong trái tim người…
(Trường ca hòa bình)
Thoát khỏi khung trời siêu thực, Ngô Kha hòa nhập với thế giới thực tại, làm tiên chỉ cho hành động và lý tưởng. Ngoài Trường ca hòa bình, ta còn bắt gặp khí thế đó trong các bài thơ như Bài ca tự quyết, Mai có hòa bình hay Mùa đông chiến tranh ở Huế… Trước giờ, cũng hình ảnh chiến tranh nhưng chưa bao giờ tác giả nói rõ địa điểm, có chăng cũng là một chân trời siêu thực, không phải ở thực tại. Nhưng kể từ nay, hòa bình đã hiển hiện, không còn là tâm thức mà phải là một cái gì cụ thể như lẽ sống trên đời:
Ta lên tiếng cho ngục tù vỡ nát
bao gông cùm tan chảy dưới mặt trời
muôn tim người, triệu khối óc vùng lên
đã đến lúc đập tan xiềng nô lệ
(Bài ca tự quyết)
Có thể nói hành trình thơ Ngô Kha là con đường dài liên tục và nhất quán về lý tưởng, tuy có khác nhau về hình thức biểu hiện. Đó đúng là hành trình tâm thức của một con người đi từ sự trinh nguyên đến những vực sâu không cùng của chuỗi suy tư, nhận thức cuộc đời, cũng có những da diết đớn đau cần thiết nhưng cuối cùng cũng nhận ra được chân lý. Nó thể hiện bản lĩnh sáng tạo tuyệt vời của một tâm hồn luôn choáng ngợp trước những thanh âm ồn ã, nhạy cảm với sự đa biến của cuộc đời. Ngụ ngôn của người đãng trí là bước đột phá về độ nhạy cảm cùng tâm thức ngự trị thế giới tâm linh. Ngô Kha đã không ngừng tìm tòi, khám phá bản thân - vốn là một thế giới đầy bí mật và cần lắm bước chân người khai phá.
******
Ngô Kha, một nhà thơ đồng thời là một trí thức yêu nước, đã sống trọn vẹn đời mình cho lý tưởng cao đẹp. Cho dù là thi sĩ của chủ nghĩa siêu thực hay là một cây bút văn chương yêu nước tiến bộ, ông cũng thể hiện một niềm yêu sống, một lý tưởng tốt đẹp trước cuộc đời. Sống trong thời đại đầy đau thương biến động, những trăn trở, ý thức tìm đường của Ngô Kha đã nói lên thái độ của lớp trí thức lúc bấy giờ. Tuy cuộc đời ấy thật ngắn ngủi nhưng những gì mà tác giả để lại vô cùng ý nghĩa và quý giá. Cho đến bây giờ, những đóng góp của Ngô Kha không chỉ có ý nghĩa về lịch sử mà còn mang dấu ấn đặc biệt trong văn học giai đoạn 1954 – 1975 ở miền Nam nói riêng và văn đàn văn học Việt Nam nói chung.


[1] Theo nhóm sưu tầm của quyển “Ngô Kha – ngụ ngôn của một thế hệ, tập thơ gồm 18 bài.
[2] Văn học yêu nước tiến bộ - Cách mạng trên văn đàn công khai Sài Gòn 1954 – 1975, NXB Văn Nghệ, tr 6.

Tháng 6.2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...